Thông tin

THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH VÀ THẦN CHÚ ĐẠI BI

 

TS. NGUYỄN MINH NGỌC*

 

I. KHÁI LƯỢC VỀ THẦN CHÚ ĐẠI BI

Chú Đại Bi, hay Đại Bi Tâm Đà La Ni (Maha Karunika citta Dharani), là bài chú căn bản minh họa công đức nội chứng của đức Quán Tự Tại Bồ Tát (Avalokitesvara Bodhisatva). Bài chú này còn có các tên gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni; Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni; Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni; Thanh Cảnh Đà La Ni…

Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, bài chú này được Bồ tát Quán Thế Âm đọc trước một cuộc tập họp của các Phật, Bồ tát, các thần và vương. Kinh viết: Đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ vì thương nghĩ đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và tất cả chúng sinh nên nói ra kinh Quảng Đại Viên Mãn vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng tay sắc vàng xoa nơi đầu của Đức Quán Thế Âm và bảo rằng: “Thiện nam tử! Ông nên thọ trì thần chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi trược ở đời vị lai, mà làm cho họ được sự lợi ích an vui lớn”.

Lúc đó, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mới ở ngôi sơ địa, vừa nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Bấy giờ, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát rất vui mừng và phát lời thệ nguyện rằng: “Nếu trong đời vị lai, tôi có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú này, thì xin khiến cho thân tôi liền sinh ra ngàn tay ngàn mắt”.

Khi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát phát lời thệ, thì ngàn tay ngàn mắt liền hiện đủ nơi thân, cõi đất mười phương rung động sáu cách, ngàn đức Phật trong mười phương đều phóng ánh quang, minh soi đến thân Ngài và chiếu sáng khắp mười phương vô biên thế giới.

Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni viết: Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, tôi có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sinh được an vui, được trừ tất cả bệnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa”, rồi sau đó đọc Chú Đại Bi[1].

Chú Đại Bi còn có nhiều tên gọi khác, trong Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, thần chú này còn có các tên gọi như sau:

1. Quảng Đại Viên Mãn Đà La Ni

2. Vô Ngại Đà La Ni

3. Cứu khổ Đà La Ni

4. Diên Thọ Đà La Ni

5. Diệt ác thú Đà La Ni

6. Phá ác nghiệp chướng Đà La Ni

7. Mãn nguyện Đà La Ni

8. Tùy tâm tự tại Đà La Ni

9. Tốc siêu thánh địa Đà La Ni

Chú Đại Bi là một thần chú được sử dụng tại các chùa và trong hầu hết các khóa lễ. Tại Việt Nam hiện nay, thần chú Đại Bi được trì tụng theo âm Hán Việt[2] và âm Phạn[3]. Tuy nhiên phổ biến vẫn là trì tụng bằng âm Hán Việt và công năng của chú Đại Bi được nhắc tới trong kinh như sau: “Bồ tát thuyết chú xong, cõi đất sáu phen biến động, trời mưa hoa báu rơi xuống rải rác, mười phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc. Tất cả chúng hội đều được quả chứng”[4].

II. MẬT TÔNG QUA THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

Phật giáo Việt Nam là sự hòa nhập của ba dòng phái Thiền - Tịnh - Mật. Mỗi giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển, sự ảnh hưởng và tác động của mỗi dòng phái là không giống nhau. Hiện không xác định được chính xác thời điểm du nhập của Mật tông vào Việt Nam và dòng phái Mật tông từng tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, chứng cứ lịch sử cho thấy vào thời Lý, Mật tông đã có mặt ở Việt Nam. Cố PGS. Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tư tưởng Phật giáo Việt Nam đã viết: “Rõ ràng, tư tưởng Mật giáo cực thịnh trong khoảng thế kỷ XI - XII, trong các nhà sư sơn môn Kiến Sơ cũng như sơn môn Dâu”[5]. Những nhân vật có liên quan tới Mật tông là Minh Không, Từ Đạo Hạnh.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại sự kiện Từ Đạo Hạnh đầu thai của Lý Thần Tông vào năm Nhâm Thìn (1112): “bấy giờ, vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền Hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần”. Ba năm sau phu nhân có mang sinh con trai là [Lý] Dương Hoán”[6].

Thiền Uyển tập anh chép ghi lại sự kiện này cụ thể hơn như sau: Thiền sư họ Từ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án. Nguyên Từ Vinh trọ học ở hương Yên Lãng, lấy vợ là con gái nhà họ Tăng rồi cư trú ở đó. Ông là con bà họ Tăng đó. Bản tính ông từ nhỏ hào hiệp phóng khoáng có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được. Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo, đá cầu, đánh bạc vui chơi, thường bị cha trách mắng là lười nhác. Một đêm Từ Vinh lén vào phòng thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống bên cạnh, còn Từ Lộ thì đang tựa án mà ngủ, tay vẫn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Từ đó cha ông mới không phải lo nghĩ gì nữa. Sau triều đình mở khóa thi tăng quan ông dự thi, được trúng tuyển.

Nguyên trước kia thân phụ ông là Từ Vinh có điều xích mích, bị Diên Thành Hầu cho là dùng tà thuật xúc phạm đến mình, vì vậy Diên Thành Hầu nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Thây Từ Vinh trôi đến cầu Quyết thì bật dậy, chỉ tay vào nhà Diên Thành Hầu suốt một ngày. Diên Thành hầu sợ hãi sai người đi báo với Đại Điên. Đại Điên đến nơi quát: “Kẻ tu hành giận không quá đêm!”. Thây Từ Vinh nghe vậy lại tiếp trôi đi. Ông muốn báo thù cha nhưng không biết làm cách nào. Một hôm nhân lúc Đại Điên ra ngoài, sư bèn xông vào đánh. Bỗng nghe trên không có tiếng quát: “Dừng lại! Dừng lại!”. Ông sợ, vứt gậy mà chạy. Từ đó ông quyết chí đánh đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ để về báo thù cho cha. Đến nước Kim Xỉ gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Từ đó ông vào ẩn cư trong hang núi Phật Tích, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni đủ mười vạn tám nghìn lần. Một hôm, sư thấy thần nhân đến bảo: “Đệ tử là Tứ Trấn thiên vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh Đại Bi nên xin đến hầu để sư sai phái”. Sư biết là đạo pháp viên thành, đã có thể báo thù cha. Sư bèn đến bên cầu Quyết, thử ném gậy xuống giữa dòng nước xiết. Chiếc gậy liền trôi ngược dòng đến phía tây cầu Tây dương thì dừng lại. Sư mừng nói: “Phép ta thắng rồi”. Sư bèn đi thẳng đến nhà Đại Điên. Đại Điên trông thấy nói: Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao?

Sư ngước nhìn lên trời, không thấy động tĩnh gì, bèn vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết. Từ đó rửa sạch oán thù, việc đời như tro lạnh, sư bèn đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tim thầy ân chứng. Nghe nói Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, sư tìm đến tham vấn…

Bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh thứ ba (1112) ở phủ Thanh Hóa có người tâu: “Vùng bờ biển Sa Đinh có một đứa trẻ xưng là con đích của vua, tự đặt hiệu là Giác Hoàng. Phàm mọi việc làm của hoàng thượng, không điều gì đứa bé ấy không biết”. Vua sai trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường, vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can ngăn vua không nên làm như vậy. Các quan lại nói nếu đứa bé ấy quả thực linh dị, tất nên thác sinh vào nội cung rồi sau mới lập làm thái tử được. Vua nghe theo bèn cho mở hội lớn bảy ngày đêm để làm phép thác thai. Sư nghe chuyện, tự nghĩ: “Đứa bé này dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi người, ta nỡ nào ngồi nhìn để nó lừa dối, làm loạn chính pháp?”. Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi hạt do sư đã kết ấn, treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ ba, thì Giác Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: “Ta đã đi khắp quanh hoàng thành, nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt vào bằng cách nào”. Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận. Quan quân bèn bắt sư trói, đem đến lầu Hưng Thánh để triều thần định tội. Lúc ấy gặp Sùng Hiền Hầu đi qua, sư thống thiết giải bày với hầu về chuyện đó. Sư nói:

Quý hầu gắng giúp cho bần tăng thoát tội. Ngày sau xin đầu thai để đáp ơn tạ đức.

Sùng Hiền Hầu nhận lời. Khi vào triều nghị, các quan đều nói:

Bệ hạ không có nối dõi nên phải cầu Giác Hoàng thác sinh làm con, vậy mà Từ Lộ dùng bùa phép cản trở, xin bệ hạ cho xử chém để thiên hạ hả lòng.

Sùng Hiền hầu từ tốn tâu rằng:

Giác Hoàng nếu quả có thần lực thì dẫu cả trăm Từ Lộ làm bùa chú cũng không làm hại được. Đằng này Giác Hoàng lại bị lưới sắt chắn không vào được, thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngụ ý của thần, bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ và cho Từ Lộ được thác sinh.

Vua thuận theo lời tâu của Sùng Hiền Hầu. Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền Hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng. Nhưng Sùng Hiền Hầu đã biết trước nên không căn vặn gì.

Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Sư dặn Sùng Hiền Hầu: “Khi nào phu nhân sắp sinh thì báo cho bần tăng biết trước”. Đến lúc phu nhân sắp sinh, Sùng Hiền Hầu cho người đến báo. Sư bèn tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi bảo đệ tử:

Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa.

Nói xong sư trang nghiêm mà hóa, đến nay hình xác vẫn còn[7].

Câu chuyện học đạo trả thù cho cha của Từ Đạo Hạnh cũng là câu chuyện của Mật Lặc Nhật Ba (1038 - 1122) của Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Ông phải chịu tang cha lúc tròn bảy tuổi. Vì muốn báo thù người chú và bà cô ruột đã cướp hết tài sản nhà ông sau khi bố ông qua đời, ông chú tâm học chú thuật giết người và phép biến hóa ra mưa đá. Sau hối hận vì hành vi gây nên nghiệp chướng của mình, ông quyết đình tu khổ hạnh và đạt viên thông.

Câu chuyện nhà sư Từ Đạo Hạnh với các phép thuật được coi là sự hiện diện của Mật tông tại Việt Nam. Dòng phái Mật tông có nhiều nhánh phái và nhiều thần chú khác nhau. Đại bi tâm đà la ni chú hay thần chú Đại Bi chỉ là một trong số các câu chú Mật tông. Việc nhà sư Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ học đạo tu luyện thần chú này tại núi Phật Tích cho thấy ít nhất đến thời Lý cùng với Từ Đạo Hạnh, thần chú Đại Bi đã có tại Việt Nam và đã có người tu hành đắc đạo. Ai là thầy của Từ Đạo Hạnh không được ghi chép trong các sử liệu. Sự thịnh hành của thần chú Đại Bi chỉ cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của Mật tông mà chưa làm sáng tỏ dòng phái Mật tông nào đã thịnh hành tại nước ta vào thời kỳ đó cũng như nguồn gốc, truyền thừa của dòng phái này. Câu chuyện đầu thai của Từ Đạo Hạnh liệu có liên quan gì tới hiện tượng đầu thai, tái sinh của các Lạt Ma hay không?

Ngày nay, chú Đại Bi vẫn là câu thần chú thịnh hành trong các chùa Phật giáo tại Việt Nam mặc dù các chùa này không theo Mật tông. Có lẽ đây là dấu ấn của sự hòa hợp Thiền - Tịnh - Mật của Phật giáo Việt Nam.

Đối với các phật tử, thần chú Đại Bi là một trong những câu thần chú quan trọng. Các tổ tụng kinh trên chùa vẫn thường tụng thần chú này trong các khóa lễ, đặc biệt là những khóa lễ trọng đại. Về phương diện cá nhân, khảo sát của chúng tôi cho thấy câu chú được sử dụng nhiều nhất trong giới phật tử là câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát: OM MA NI PAD ME HUM hay còn đọc ÁN MA NI BÁT NHĨ HỒNG. Theo một số phật tử, sở dĩ câu chú này phổ biến vì nó ngắn gọn, dễ nhớ và Quán Thế Âm Bồ Tát được coi là vị Bồ tát cứu độ chúng sinh nên cầu Ngài dễ được ứng nghiệm. Nhiều phật tử đánh giá cao công năng của thần chú Đại Bi nhưng chỉ đọc tụng trên chùa. Một số Phật tử cho rằng thần chú này chỉ có các nhà sư sử dụng. Tuy nhiên, một số khác lại may mắn có được trải nghiệm của chú Đại Bi. Không thể nhớ vì chú dài, một số phật tử đã dùng băng, đĩa mở chú tại nhà. Đĩa nhạc chú Đại Bi bằng Phạn ngữ hiện rất được ưa chuộng vì chú được thể hiện trên nền nhạc, âm đọc phạn ngữ khiến nhiều người cho rằng mở tại nhà không có cảm giác là đang mở kinh, nên tạo cảm giác thoải mái, không gây khó chịu ức chế cho mọi người xung quanh.

Những khảo sát thực tế đã cho thấy chú Đại Bi hiện đang được các Phật tử trọng dụng và tiếp cận với nhiều hình thức khác nhau. Dẫu vậy, hiện chúng tôi vẫn chưa có dịp được tiếp kiến với người đang trì tụng chú Đại Bi đã đạt viên thông, để chú Đại Bi có thể phát huy được mọi thần thông của nó.

III. LỜI KẾT

Thiền sư Từ Đạo Hạnh và câu chuyện về thần thông của ngài có được nhờ tu luyện thần chú Đại Bi được coi là đại diện cho dấu ấn Mật tông vào thời Lý tại nước ta. Đáng tiếc chúng ta không được biết vị thầy đã truyền thần chú Đại Bi cho ngài là ai và ngài theo dòng phái Mật tông nào. Sau Từ Đạo Hạnh, ai là truyền thừa của ông cũng không được ghi chép lại.

Ngày nay, chú Đại Bi là một câu thần chú được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong các chùa tại Việt Nam không phân biệt chùa đó có thuộc Mật tông hay không. Mọi tín đồ phật tử đều có thể trì tụng thần chú này. 



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Dẫn theo: http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/thienthuthiennhan.htm. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm bồ tát Quảng đại viên mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni.

[2] Nam mô hắc ra đác na đá ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tất đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát tả. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da. Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đá sa mế . Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đá na ma bà dà. Ma phạt đặc đậu. Đát điệt tha. Aùn a bà lô hê. Lô ca đế ca ra đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra. Ma hê ma hê rị đà dựng. Cu lô cu lô yết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế.  Ma ha phạt xà da đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất Phật ra da. Giá ra giá ra. Mạ mạ phạt ma ra. Mục đế lệ. Y hê di hê. Thất na thất na. A ra sâm Phật ra xá lợi phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô ma ra. Hô lô hô lô hê lỵ. Ta ra ta ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề dạ bồ đề dạ. Bồ đà dạ bồ đà dạ. Di đế rỵ dạ. Na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha, tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha.Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra. Ta bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta bà ha. Ta bà ma ha a tất dà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lỵ thắng yết ra dạ. Ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế. Thước bàn ra dạ. Ta bà ha. Aùn tất điện đô. Mạn đà ra. Bạt đà dạ. Ta bà ha”.

[3] MAHA KARUNIKATSITTA DHARANI

Namo ratnatrayaya. Namo arya, avalokiteshvaraya, Bodhisatvaya, maha satvaya,   maha karunikaya, Aom, sarva rabhaye, sudhanadasya, Namo skrta imo arya, avalokiteshvara lamdhaba, Namo narakintri, heri maha vadha same, sarva atha dusubhum ajeam, sarva sada nama pasattva. Nama vaga mava du du, tadyatha: Aom, avaloka, lokate karate, ehre, maha bodhisatva, sarva sarva, mara mara, mahe mahe hrdayam. Kuru kuru karman, dhuru dhuru vajayate,Maha vajayate, dhara dhara, dhirini svaraya, jara jara. Mamavamara, muktele ihe ihe, tsinda tsinda, arsam pratsali vasa vasam, prasaya, Huru Huru mara, huru huru heri, sara sara, siri siri, suru suru.  Bodhiya bodhiya, bodhaya bodhaya, maitreiya, narakintri. Dhrisanina, pasamana svaha, Siddhaya svaha, maha siddhaya svaha, Siddhayoge, svakaraya, svaha, Narakintri svaha, mara nara, svaha,  Sira simha mukhaya, svaha, sarva maha astaya, svaha, Tsakra astaya, svaha, Padma kastaya, svaha, Narakintri vagaraya svaha, Mavarisankraya svaha, Namo ratnatrayaya, namo arya, avalokite shvaraya, svaha. Aom siddhyantu mantra padaya svaha.

[4]Dẫn theo: http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/thienthuthiennhan.htm . Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán thế âm bồ tát Quảng đại viên mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni.

[5] Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, 1999, tr 431.

[6] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983,  tr 176

[7] Thiền Uyển tập anh, Nxb. Văn học, tr 197 – 203.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6495056