THIỀN SƯ TUỆ TĨNH - TỔ Y DƯỢC HỌC VIỆT NAM
THIỀN SƯ TUỆ TĨNH - TỔ Y DƯỢC HỌC VIỆT NAM
PGS.TS. HOÀNG THỊ THƠ
Tượng đài Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh
• Tiểu sử của Thiền sư Tuệ Tĩnh
Tuệ Tĩnh hoặc Huệ Tĩnh (惠靜, 彗靖) là pháp danh khi xuất gia của Nguyễn Bá Tĩnh 阮伯靜 (1), tên hèm (2) là Hoằng 弘, quán hiệu là Hồng Nghĩa 洪義, tên tự là Thận Trai 慎齋 hay Vô Dật 無逸, đạo hiệu là Tráng Tử 戇子… Năm sinh, năm mất của ông hiện có nhiều khảo dị chưa chắc chắn như: (1330-?) (3), (1341-1369) (4), (1330-1400) (5). Song điểm chung các con số đó đều khẳng định là ông sống trong thời nhà Trần (1225-1400) (6).
Mới 6 tuổi cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh đã mồ côi mẹ và được các sư tại chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy (7) nhận nuôi và đặt pháp danh Tuệ Tĩnh (8). Là tu sĩ Phật giáo, nhưng năm 22 tuổi, dưới triều vua Trần Dụ Tông, ông đi thi Hương và đỗ nhất bảng của Thái học sinh (khoảng năm 1345 hoặc 1351), song ông không ra làm quan mà tiếp tục tu tại chùa và theo đuổi nghề học làm thuốc chữa bệnh cứu người cũng tại chùa. Có lẽ do vậy mà tên ông không được chép trong Đăng Khoa Lục(9). Năm 45 tuổi, ông lại thi Đình và đỗ Hoàng giáp, nhưng ông cũng không ra làm quan mà vẫn ở chùa, theo đuổi việc phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, đồng thời huấn luyện Y dược Việt Nam cho các tăng ni để mở rộng thành hệ thống cứu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tín đồ và người dân trong cộng đồng.
Tuệ Tĩnh là người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương). Ông là người được học cả Tam giáo, ngoài ra còn tinh thông thuyết Âm dương ngũ hành và đặc biệt hứng thú với Y học. Năm 55 tuổi (1385), ông bắt đầu nổi tiếng về Y dược, nhưng đang thời thuộc Minh nên bị điều sang (các sử liệu đều nói không rõ là đi sứ hay đi cống) Trung Quốc phục vụ nhà Minh với chức Y tư cửu phẩm trong Thái y viện (10). Ở đó, ông chữa bệnh cho nội cung và cũng rất nổi tiếng. Ông được vua nhà Minh phong hiệu Đại Y Thiền sư.
Ông qua đời và được mai táng tại Giang Nam, Trung Quốc (11). Tuy không mất ở quê nhà song ông vẫn được thờ ở ngôi vị cao nhất trong Y miếu Thăng Long, nơi bảo tồn những giá trị sâu sắc của nền Nho Y Đại Việt(12). Đến năm 1660, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638- 1699), người cùng làng với ông đi sứ Trung Quốc, có dịp tới Giang Nam, thăm mộ Tuệ Tĩnh thấy có lời nhắn gửi “Ai về nước Nam cho tôi về với”, nên đã sao chép di nguyện đó lên bia đá tại Đền Bia, nơi mà dân làng thờ ông, và theo đó ông cũng được thờ làm thành hoàng làng.
• Sự nghiệp và trước tác của Tuệ Tĩnh
Sự nghiệp của Tuệ Tĩnh bắt đầu từ rất sớm, ngay lúc còn ở các chùa ở Hải Dương và chùa Hộ Xá (nay thuộc Giao Thủy, Nam Định), tức là trước khi sang Trung Quốc (1385). Ông từng trụ trì ở nhiều chùa như: chùa Hộ Xá, nhiều chùa ở hạt Sơn Nam, các chùa ở quê hương Hải Dương. Ông đã có công xây dựng và sửa chữa, tu bổ nhiều chùa làm nơi dạy và thực hành y dược học Việt Nam cho các tăng ni và đệ tử, cũng như thiết kế các vườn thuốc và nhà thuốc tại chùa, chẳng hạn nhà thuốc Hồng Nghĩa đường ở ngay chùa làng quê ông, với mục đích lớn nhằm xây dựng một hệ thống chùa làm thuốc và chữa bệnh. Có tài liệu ghi rằng, trong 30 năm hành đạo Phật và hành nghề thuốc ở quê nhà, ông đã xây dựng được 24 ngôi chùa và phát triển nhiều chùa thành các trạm xá chữa bệnh cho dân trong vùng(13). Trong quá trình đó ông luôn chú trọng tổng hợp những kiến thức về cây thuốc Việt và cách chữa bệnh cho người Việt thành lý luận Y dược học Việt Nam, đồng thời giảng dạy kiến thức và kinh nghiệm đó cho các tăng sĩ và tín đồ Phật giáo ngay trong các chùa, kết hợp lý luận và thực hành Y dược như một hệ thống làm thuốc, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, như là làm phúc cho cộng đồng theo tinh thần Phật giáo. Có thể nói, Tuệ Tĩnh sớm thiết kế quan niệm mới mẻ và tiến bộ về phương pháp vệ sinh phòng bệnh, cũng như nếp sống sạch sẽ nơi làng xóm, mà ông đã kết hợp truyền dạy cho người dân khi đến chùa khám bệnh, bốc thuốc, cúng Phật và tu dưỡng theo giáo lý nhà Phật. Ông luôn nhắc nhở mọi người chú ý đến nguyên nhân gây bệnh và khuyến khích mọi người tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh còn nhấn mạnh ý nghĩa dưỡng sinh trong việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ, chỉ trong 14 chữ:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Tuệ Tĩnh được tôn vinh là người thầy đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền Y học cổ truyền Dân tộc một cách có hệ thống và tương đối toàn diện. Có lẽ do vậy, ông được tôn là Tổ thứ nhất của nghề thuốc Nam (Chư công nghệ tổ sư)!
Ông đã để lại di sản văn hóa (Y dược và chăm sóc sức khỏe) đồ sộ. Đó là một kho tàng Y học với những lời dạy quý báu về y lý, y đức đề cao đạo lý cứu độ chúng sinh của Phật giáo và khẳng định giá trị thuốc Nam và cách chữa của người Việt, cách phòng chống và lối sống vệ sinh khỏe mạnh. Ông được cả y học dân tộc và Phật giáo Việt Nam tôn vinh là Thiền sư – Tổ thuốc Nam. Trong những đóng góp đó, các trước tác về Y dược học của Tuệ Tĩnh đặc biệt được đánh giá rất cao. Ngay trong đời Lê Dụ Tông, ông được ban thụy là Giác Tư, và có tài liệu ghi rằng cuốn Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư (hay Tuệ Tĩnh Y Thư) đã được triều định lệnh biên soạn và in ấn ngay trong thời kỳ này. Các trước tác chính được cho là của ông là:
- Thập Tam Phương Gia Giảm
- Bổ Âm Đơn
- Nhân Thân Phú (còn chưa xác định rõ) v.v...
- Thương Hàn Tam Thập Thất Chủng (được cho là do chính Tuệ Tĩnh dịch từ bản gốc Hán văn Thương hàn các pháp trị lệ quyển hạ)
- Tập Nam Dược Quốc Ngữ Phú về 630 vị thuốc Nam cũng viết bằng chữ Nôm, được biên soạn bằng Hán và Nôm (Quốc âm), theo thể thơ Nôm Đường luật.
- Bộ sách Quốc Âm Bản Thảo (14), sau đổi tên Nam Dược Chính Bản, đến đời Lê đổi thành Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư(15) gồm 2 quyển (trong đó Y luận là một phần lý luận chuyên sâu về y dược học). Theo Đông Tỉnh (2007), Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư do Thái y viện đời Lê Dụ Tông in năm 1717, tái bản các năm 1723, 1725. Nội dung tóm tắt công dụng của 630 vị thuốc Nam, 13 phương gia giảm, có phần bàn về dùng thuốc theo chứng bệnh, có phần bàn về y lý, chẩn đoán, và mạch học.
- Bộ sách Nam Dược Thần Hiệu gồm 11 quyển, về 580 vị thuốc Nam, kèm theo 3.873 bài thuốc để trị 182 chứng bệnh, thuộc về 10 khoa. Bài tựa của sách này thể hiện rất rõ ràng tư tưởng độc lập về Y dược học Việt Nam: “Dục huệ dân sinh, tu tầm thánh dược. Thiên thư dĩ định Nam bang, thổ sản hà thù Bắc quốc” (Muốn cứu dân sinh, phải tìm thánh dược. Thiên thư đã định phận nước Nam, thổ sản có khác gì Bắc quốc)(16).
Tuệ Tĩnh còn là thầy thuốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mà những câu nói “Thuốc Nam Việt trị bệnh người Nam Việt” trong Nam dược Quốc ngữ phú, hay câu “Nam dược trị Nam nhân” trong Nam dược thần hiệu của ông đã trở thành kim chỉ nam cho Y dược học Việt Nam. Tuệ Tĩnh đưa ra các khẩu hiệu đó thể hiện tinh thần độc lập của y dược Việt Nam, vì thời bấy giờ Đại Việt còn chịu sự đô hộ hà khắc của phương Bắc, và Y học cổ truyền Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn của Y học Trung Quốc (thuốc Bắc) (17).
Châm ngôn “người đâu thuốc đó” của Tuệ Tĩnh chính là sự đúc kết kinh nghiệm về triết lý hài hòa giữa cơ thể con người với môi trường địa lý và sản vật tự nhiên mang nguồn gốc bản địa. Vậy nên, chữa trị bệnh tật thì phải dùng những dược phẩm được sản sinh từ chính môi trường địa lý mà con người cư trú. Trong Nam dược thần hiệu ông có nhấn mạnh:
“Vật trước mắt đều những thuốc rành,…
Sau nhà thỏi đất thường dùng làm dược phố”.
Theo ngôn ngữ hiện đại, Tuệ Tĩnh chính là nhà khoa học đầu tiên của môn Dân tộc sinh thái dược học (Ethno - Ecophar - Macology). Quan điểm y dược Việt Nam đã đưa ông lên ngôi vị cao nhất của nền Y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam!
Trong trước tác của mình, Tuệ Tĩnh đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông... Ông không những không rập khuôn theo các trước tác của các đời trước, mà còn phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc, v.v. (18)
Ngoài đóng góp lý thuyết chữa bệnh bằng thuốc Nam cho người, Tuệ Tĩnh còn nghiên cứu các phương pháp và bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói thêm, ông chính là người góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam (19). Ông còn là người biên soạn từ điển y dược học sớm nhất trong lịch sử, mà tác phẩm còn lại đến nay chính là Nam Dược Quốc Ngữ Phú. Điều đặc biệt là tác phẩm này vừa được liệt vào dạng tác phẩm văn học, vừa là từ điển Y học. Ở đây, các bài thuốc được biên soạn theo dạng phú - một thể loại văn chương kinh điển của các sáng tác thời Trung đại. Nhưng xét kỹ, thì Nam Dược Quốc Ngữ Phú lại mang nội dung của một cuốn từ điển. Ở mỗi mục từ, gồm một từ tiếng Hán đi cùng một từ tiếng Việt tương ứng, thường là dẫn giải về chức năng trị bệnh của các vị thuốc. Trong tác phẩm này, tác giả đã liệt kê hơn 600 từ Y dược học, số lượng từ vựng này tương đương với các mục Y dược học trong từ điển Chỉ Nam Ngọc Âm thế kỷ XVII. Mặc dù, số lượng các mục từ còn khá ít, nhưng đây thực sự là một cuốn tiểu từ điển Hán - Việt cổ nhất hiện còn. Với tư liệu này, có thể coi Tuệ Tĩnh là nhà từ điển Y học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (20).
• Thiền sư Tuệ Tĩnh với những đóng góp văn hóa đa dạng
- Tuệ Tĩnh trước hết là một Thiền sư. Theo truyền thống Phật giáo, hẳn ông luôn tự trau dồi Ngũ minh (21) trong quá trình đóng góp cho Phật giáo và cho xã hội trên nhiều phương diện. Trong đào tạo tu sĩ Phật giáo, Ngũ minh được xem như là khung chương trình không tách rời học thuật và thực hành trên cả hai phương diện Phật học và Thế học, đồng thời cũng là pháp môn giúp cho thiền sư, tu sĩ trải nghiệm đức tin và niềm tin của mình trước những biến đổi và thách thức của thời đại (22). Theo đó, để có thể thích ứng với nhu cầu thời đại, nhưng vẫn vững chãi trên tiến trình hướng đến giác ngộ, thiền sư, tu sĩ đều cần phải tự trang bị thêm cả những tri thức cần thiết cho xã hội và cho cả Phật giáo (23).
Nội minh (tức nội dung tôn chỉ Phật giáo qua Kinh, Luật, Luận và lấy thực hành thiền định làm căn bản) là nền tảng để bảo tồn và phát triển đức tin cũng như niềm tin Phật giáo trong Giáo hội cũng như lan tỏa trong tín đồ. Với tư cách một thiền sư thời Trần, và qua hành trạng xây chùa, trồng vườn thuốc, mở nhà thuốc, lập trạm xá ngay trong chùa cứu độ dân làng, chỉ cho dân cách sống vệ sinh lành mạnh..., dường như thấy tư tưởng nhập thế của Thiền Trúc Lâm đang thâm nhập vào cuộc sống một cách hiệu quả. Quan điểm và hành trạng của Tuệ Tĩnh cũng chính là tư tưởng Thiền của Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần: Đạo và Đời không tách, Đạo phục vụ đời, Đời là nơi rèn luyện Đạo. Tư tưởng Thiền đại thừa Phật giáo được thể hiện ở Đại Thiền sư - Y sư Tuệ Tĩnh đang tiếp tục được các lớp tăng, ni, Phật tử ngày nay noi theo.
Đáng tiếc là nhiều trước tác của Tuệ Tĩnh cũng như tư liệu về Thiền học và Phật học của Tuệ Tĩnh đến nay hầu như không còn. Hiện chỉ còn một tác phẩm duy nhất liên quan đến kinh điển Phật giáo, đó là bản dịch của Tuệ Tĩnh từ Hán sang Nôm tác phẩm Thiền Tông Khóa Hư Ngữ Lục của vua Trần Thái Tông. Văn bản học Việt Nam đã thừa nhận, đây là bản dịch Hán sang Nôm sớm thứ hai, và duy nhất của đời Trần hiện còn, có lẽ niên đại chỉ sau bản Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh được dịch vào thời Lý.
- Tuệ Tĩnh đồng thời là đại danh y có đóng góp lớn khẳng định Y phương minh của Phật giáo qua thực hành và tổng kết Y dược Việt Nam.
Phật giáo quan niệm nhân sinh là bể khổ, “sinh lão bệnh tử” là một quá trình không dứt của những đau khổ từ lúc sinh ra đến khi hết một kiếp người. Bệnh tật và chết là nỗi "khổ" gây áp lực nhất, trực tiếp giày vò thân tâm nhất. Chữa bệnh cứu người luôn được các tăng sĩ, thiền sư gắn liền với trách nhiệm truyền bá giáo lý Phật giáo đã góp phần cho Y phương minh của Phật giáo không ngừng phát triển (24).
Ngay trong Phật giáo Nguyên thủy, Y phương minh là môn học về các phương pháp chữa bệnh để phát huy triết lý (đức tin) cứu độ chúng sinh của Phật giáo thành niềm tin từ bi, vị tha của Phật giáo trong cộng đồng xã hội. Các Phật tử nếu là bác sĩ hay lương y thì đã có trong tay một phương tiện hành đạo rất lợi hại để cứu giúp đời bớt khổ đau. Y phương minh của Phật giáo có hệ thống lý luận riêng chỉ đạo về trị bệnh và bảo vệ sức khoẻ.
Phật giáo cho rằng thân thể con người là do "Tứ đại" (địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành, và căn nguyên của mọi bệnh tật là do Tứ đại không điều hòa. "Nhất thì địa (đất) tăng mạnh khiến cho thân thể nặng nhọc; nhì là thủy (nước) quá nhiều khiến chảy nước mắt nước mũi; ba là hỏa (lửa) bất tịnh khiến cho đầu nóng ran; tư là phong (gió) động mạnh khiến cho khí không theo luồng gây khó thở...(25). Quan điểm này tuy đơn sơ nhưng đã nắm bắt được nguyên lý cơ bản nhất về sự sống và thấy được chỗ tương đồng giữa vũ trụ, tự nhiên và con người. Đó cũng chính là chỗ tương đồng trong nhận thức y lý cơ bản của Y phương minh so với thuyết Âm dương ngũ hành, Âm dương chuyển hóa hay Âm dương tiêu trưởng của Trung y (Y học Trung Quốc) Cổ đại - Trung đại, khi đưa ra tiêu chuẩn chung của sức khỏe là “Âm dương bình hòa thì người khỏe mạnh, nếu mất sự bình hòa thì sẽ bị bệnh” (26).
Theo Phật giáo Đại thừa, các đức Phật được coi là những lương y trị cả tâm bệnh và cả thân bệnh cho chúng sinh. Trong gia đình thần thánh của Phật giáo, đức Dược Sư Lưu Ly là một biểu tượng Phật không chỉ luôn chia sẻ những phương thuốc chữa tâm bệnh mà cả những phương thuốc chữa thân bệnh. Theo Hàn Phong, trong tác phẩm Giáo Thừa Pháp Số cho thấy Y phương minh của Phật giáo đã tổng hợp thành “8 vạn 4 ngàn loại” bệnh tật, từ đó lại phân ra hai ngành lớn là chữa Tâm bệnh và Thân bệnh. Tâm bệnh chỉ tất cả những phiền não trong nội tâm, như tham chấp, lo sợ, ưu sầu, thù hận... Song, tâm không thể tách biệt với thân, mà là sự kết hợp hệ thống cả Căn (sinh lý), Trần (hoàn cảnh xã hội) và Thức (tâm lý) làm điều kiện cho nhau, mà Phật giáo gọi là Duyên hòa hợp có ý nghĩa quyết định rất lớn đến toàn bộ sức khỏe. Chẳng hạn, tâm khởi phiền não ác nghiệp thì không chỉ là biểu hiện của tâm bệnh mà còn có thể dẫn đến thân bệnh. Tuy nhiên, căn nguyên của mọi bệnh chủ yếu từ 3 gốc độc hại, còn gọi là Tam độc (Tham, Sân và Si). Do đó, Y phương minh của Phật giáo rất chú trọng trị gốc từ Tâm bệnh của chúng sinh bằng phương pháp Thiền định. Đó là cách trị và loại trừ bệnh, thậm chí ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh lý nơi thể xác. "Thân bệnh" chỉ là bệnh tật đã bộc lộ rõ nơi thể xác, còn gọi là "Tứ đại ngũ tạng bệnh tướng" thể hiện thành bệnh nơi cơ nhục, gân cốt, lục phủ, ngũ tạng... do chúng không điều hòa (27).
Tượng Thiền sư Tuệ Tĩnh - ông Tổ nghề thuốc Nam được tạc theo tư thế đặc biệt nhất trong số các tượng sư Tổ. Đó là Thiền sư Tuệ Tĩnh đang ngồi trên ghế, lưng thẳng và hai tay xếp trước ngực theo kiểu ấn Chuẩn Đề (Cundhe), hàm ý Thiền sư đã giác ngộ như một vị Bồ tát, và được coi như hóa thân của Chuẩn Đề vương Bồ tát (28). Nguồn ảnh: thuvienlichsu.com |
- Tuệ Tĩnh còn là một trong những dịch giả, nhà thơ song ngữ Hán & Nôm sớm nhất trong lịch sử. Như đã nói về bản dịch Hán sang Nôm của Tuệ Tĩnh, có thể coi đó là những đóng góp sớm cho ngành phiên dịch học Hán - Nôm của Việt Nam. Trong các bản dịch này, ông đã thể hiện nhiều ý tưởng Việt hóa các thành tựu của Hán văn Phật học Việt Nam. Có những câu văn biền ngẫu tiếng Hán đã được Tuệ Tĩnh dịch sang văn Nôm nhuần nhuyễn: “Rừng mau cây rậm, một trận gió may thổi đến, mấy khóm bèn nên xơ xác; Núi xanh đương diềm dà, mai sơ mưa móc luống thơ thới, thảy hóa nên rụng rời” (29).
Tuệ Tĩnh còn là một nhà thơ, một người làm phú song ngữ nổi tiếng trong thời Trần. Trong bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (như đã nhắc đến ở trên) được ông biên soạn bằng Quốc âm, trong đó có 500 vị thuốc Nam, được trình bày bằng dạng thơ Nôm Đường luật. Hay bài “Phú thuốc Nam” trình bày ở dạng văn vần về 630 vị dược liệu và công dụng của chúng được viết bằng chữ Nôm. Thời Trần, Thơ văn bằng chữ Nôm còn rất hiếm, nếu quả thực đó là các tác phẩm của Tuệ Tĩnh thì chúng không chỉ có giá trị trong lịch sử y học, mà còn là tác phẩm có giá trị đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam, bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kỳ đầu của văn học chữ Nôm, chẳng hạn (30):
Dục huệ sinh dân, tiên tầm thánh dược.
Thiên thư việt định Nam bang; thổ sản hữu thù Bắc quốc.
Tráng tinh thần, trừ tà khí: hỏa luyện hoàng kim;
Cường gân cốt, dưỡng trường sinh: lộ hòa bạch ngọc (31).
Tạm dịch:
(Muốn giúp dân sinh sống, trước tìm thuốc thánh.
Sách trời đã định cõi Nam, thổ sản cũng khác nước Bắc.
Khỏe tinh thần, trừ tà khí: lửa luyện chất vàng;
Mạnh gân cốt, dưỡng trường sinh: sương hòa ngọc trắng.)
Đây cũng là lý do khiến nhiều học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam không thể bỏ qua một số tác phẩm của Tuệ Tĩnh như là bộ phận đặc biệt của Thơ văn Lý - Trần.
• Tôn vinh giá trị tư tưởng của Thiền sư Tuệ Tĩnh – Tổ Y dược Việt Nam
- Công lao đặc biệt của Tuệ Tĩnh chính là đề xướng một nền y học tự chủ, tự cường, độc lập gần giống khẩu hiệu hiện nay "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thiền sư Tuệ Tĩnh là đại danh y đặt nền móng đầu tiên cho nền Y học cổ truyền của Việt Nam. Từ bao đời nay, giới Y học Việt Nam cũng như người dân đều nhất trí tôn vinh công trạng của Tuệ Tĩnh là đã xây dựng một quan niệm Y học độc lập, tự chủ và sát với thực tế của đất nước, con người Việt Nam. Những thành tựu của danh y Tuệ Tĩnh được ghi chép đầy đủ trong các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư.
Đền Bia tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương
- Từ khi giành lại được độc lập dân tộc từ phong kiến phương Bắc, bên cạnh việc củng cố về an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi trọng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật…, trong đó luôn có y học (32). Đóng góp của Tuệ Tĩnh rất quan trọng trong ý nghĩa liên kết sinh động chức năng cứu độ chúng sinh của Phật giáo với thực hành Y dược học ngay trong hệ thống chùa chiền với lực lượng nhà sư có y lý và tâm Phật.
- Đến thời Trần, Đại Việt đã xuất hiện một số thầy thuốc nổi tiếng, vững vàng về y lý và cả bề dày kỹ năng điều trị lâm sàng, chữa trị được nhiều bệnh nan y, làm nền tảng cơ bản cho nền Y học Việt Nam sau này. Tiêu biểu cho giai đoạn này là Tuệ Tĩnh Thiền sư. Ông đã dựa vào hệ thống nhà chùa và các tăng sĩ cũng như tín đồ Phật giáo làm lực lượng nòng cốt trong thực hành, tổ chức hệ thống chữa bệnh, làm thuốc cứu người. Ngày nay, nhiều chùa trong nước còn tiếp tục mô hình trồng cây thuốc, sơ chế thuốc, tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngay trong chùa cho người dân trong vùng, và thường gọi đó là Tuệ Tĩnh Đường.
- Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh được thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta, nhưng Đền Bia là nơi đặc biệt có thờ Bia đá cổ ghi di nguyện nặng tình quê hương của Tuệ Tĩnh tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương. Đền Bia là địa điểm chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và câu chuyện cảm động về cuộc đời của vị đại danh y được người đời xưng tụng “vị thánh thuốc Nam”. Đây chính là nơi quê nhà Tuệ Tĩnh đã sinh ra, trưởng thành và khẳng định được giá trị truyền thống y Việt vì sức khỏe người Việt, mà nước láng giềng (Trung Quốc) cũng phải đánh giá cao (33). Ngày nay, dân thập phương vẫn đến thăm Đền Bia tưởng nhớ Tuệ Tĩnh –Tổ y Việt, người đầu tiên tôn vinh thuốc Việt vì sức khỏe người Việt. Đến nay trong Đền Bia vẫn có vườn thuốc Nam kiểu mẫu với 9 nhóm thuốc do Bộ Y tế quy định. Theo đó, người dân địa phương lấy ngày mồng 1 tháng 4 Âm lịch làm ngày Lễ hội đền Bia. Trong lễ hội tại Đền, người dân làm lễ cầu sức khỏe và mua, bán thuốc tại khuôn viên đền, và kéo dài tới cả tháng (34).
Ngoài Đền Bia, Tuệ Tĩnh còn được thờ ở Đền Xưa thuộc Văn Thai, ở chùa Hải Triều, làng Yên Trung (nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn), cả hai đều thuộc Cẩm Giàng, Hải Dương; tại Y miếu Thăng Long; tại đền Yên Lư ở Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ngày 18/11/2014, tượng đài Danh y Tuệ Tĩnh được long trọng đặt tại khuôn viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (35), với hàm ý định hướng tôn vinh truyền thống Y Việt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa đầy thách thức và cơ hội cho Y học Việt Nam hôm nay và mai sau.
Bài viết này như xin dâng một nén tâm nhang tới Thiền sư Tuệ Tĩnh - vị tổ ngành thuốc Nam.
(1) Xem: Mục “Nam dược”, ký hiệu VNv.284 trong Liệt tiên truyện - Chư công nghệ tổ sư - Ngã quốc nhân nhập sĩ Trung Quốc. Link:www.hannom.org.vn/trichyeu.asp…
(2) Theo Wikipedia: Tên hèm theo văn hóa Đông Á đồng văn (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam) là một dạng thụy hiệu (chữ Hán: 諡號) hay là hiệu Bụt sau khi qua đời.
(3) Toàn tập về Tuệ Tĩnh Thiền sư, ông tổ ngành Dược Việt Nam (2016), Link: http://yhoccotruyenvn.com/toan-tap-ve-tue-tinh-thien-su-ong-nganh-duoc-viet-nam.html
(4) Đại thiền sư Tuệ Tĩnh – Ông tổ ngành Dược Việt Nam (2017) Link: http://www.imexpharm.com/danh-y/thien-su-tue-tinh/
(5) Đăng Kiệt - Đức Tiến (2018), Các vị danh y nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, link: www.vietpress.vn/cac-vi-danh-y-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam-.
(6) Theo ghi chép thần phả địa phương tại Lễ hội thành hoàng làng địa phương, Tuệ Tĩnh sinh ngày 12 tháng 2 và mất ngày 11 tháng 9 (âm lịch).
(7) Tham khảo: Đại thiền sư Tuệ Tĩnh – Ông tổ ngành Dược Việt Nam (2017) Sđd.
(8) Bảy Danh y – Thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (2018), link:https://baonghean.vn/7-danh-y-thay-thuoc-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam183787.html
(9) “Sắc phong Tuệ Tĩnh tôn thần Đệ nhị giáp Tiến sĩ phụng Bắc sứ, gia phong Nam Dược Đại Y Thiền sư” dẫn theo Trần Trọng Dương (2011) “Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư”, Luận án Tiến sĩ. Học viện Khoa học Xã hội. tr.52.
(10) Bảy Danh y – Thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (2018), Sđd.
(11) Tuệ Tĩnh – Wikipedia tiếng Việt
(12) Bảy Danh y – Thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (2018), Sđd.
(13) Đông Tỉnh (2007), Tuệ Tĩnh (1330-?), Link:dongtac.hncity.org.
(14) Có ý kiến cho rằng bộ Quốc Âm Bản Thảo đã bị thất lạc.
(15) Hồng Nghĩa Giac Tư Y Thư là cuốn sách thuốc cổ nhất của Việt Nam. Xin xem: Bảy Danh y – Thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (2018), Sđd.
(16) Đông Tỉnh (2007), Tuệ Tĩnh (1330-?), Sđd.
(17) Huệ Thông (2013) Đại thiền sư Tuệ Tĩnh - Một góc nhìn khác. Link: https://m.dantri.com.vn › Sức khỏe
(18) Đại thiền sư Tuệ Tĩnh – Ông tổ ngành Dược Việt Nam (2017) Sđd.
(19) Tuệ Tĩnh (1330-?), Link: http://www.t4ghcm.org.vn/gioi-thieu/JYPRYU030703-889/
(20) Đông Tỉnh (2007), Tuệ Tĩnh (1330-?), Sđd.
(21) Ngũ minh gồm: Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh và Y phương minh.
(22) Thích Thanh Lương (2011), Vai trò của giáo lý Ngũ Minh trong công cuộc hoằng pháp thời hiện đại. Link: www.tuvienquangduc.com.au/coban-2/389nguminh.html
(23) Thích Thiện Hoa (2010), Ngũ Minh, Link: http://hocthuatphuongdong.vn/index.php
(24) Hàn Phong - KTO (2012), Phương pháp trị bệnh độc đáo trong Phật giáo, link: http://chuaphuclam.vn/index.php?/phat-hoc/phuong-phap-tr-benh-trong-phat-giao.html
(25) Tham khảo: Hàn Phong - KTO (2012), Sđd.
(26), (27) Hàn Phong - KTO (2012), Sđd.
(28) Huệ Thông (2013) Đại thiền sư Tuệ Tĩnh - Một góc nhìn khác. Sđd.
(29) Cụ thể xem: Trần Trọng Dương (2012), Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
(30), (31) Đại thiền sư Tuệ Tĩnh – Ông tổ ngành Dược Việt Nam (2017) Sđd.
(32) Ba thầy thuốc nổi tiếng thời Trần – Hồ (2011), Link: caythuocquy.info.vn/Ba-thầy-thuốc-nổi-tiếng-thời-Trần-–-Hồ-507
(33) Minh Nam - Trung Hiếu (2017), Vẻ đẹp uy nghiêm của ngôi đền thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, link: nguoilambao.vn › Văn hóa
(34) Phùng Nguyện (2018), Đền Bia – Nơi thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, https://mekongsean.vn/den-bia-noi-tho-dai-danh-y-thien-su-tue-tinh.html
(35) Đức Tùy (2014), Hải Dương: Khánh thành tượng đài Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Link: m.phatgiao.org.vn › Tin tức
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết