Thông tin

THIỀU CHỬU (1902-1954)

 

NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI

 

Nhà nghiên cứu Phật học, nhà dịch thuật, nhà thơ Việt Nam, người làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tên thật là Nguyễn Hữu Kha, biệt hiệu Tịnh Liễu, Lạc Khổ, xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước và cách mạng; cha là Nguyễn Hữu Cầu, đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1906), từng cùng nhóm Lương Văn Can, Nguyễn Quyền sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Do hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ nhỏ ông đã phải lao động vất vả để giúp đỡ gia đình. Nhờ tư chất thông minh, nghị lực, lòng ham học và sự rèn cặp của những người thân có hiểu biết sâu sắc về Hán học nên ông sớm có một vốn chữ Hán phong phú và một nền tảng cổ học vững vàng. Ngoài ra, do sự giúp đỡ của người anh là Nguyễn Hữu Tảo, ông còn biết thêm các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nhật, đó là điều kiện giúp ông có khả năng tiếp cận với văn hóa phương Tây.

1920, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bậc danh tăng để tham vấn đạo Thiền, do vậy có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về tôn giáo này.

Từ 1921, ông phát nguyện hộ trì Phật pháp, đảm nhận việc dạy chữ Hán cho các Tăng Ni trong vùng, dành nhiều thời gian để dịch kinh, viết sách, tự học.

1936, tham gia vào các hoạt động của Hội Phật giáo Bắc kỳ, trực tiếp quản lý báo Đuốc Tuệ. Trong giai đoạn này, ông dịch khá nhiều kinh sách và viết các bài nghiên cứu, khảo luận về đạo Phật. Năm 1938 tham gia vào nhóm Nguyễn Văn Tố, Phan Thanh (1908-1939)... thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. Đến 1941, ông tổ chức nhiều lớp dạy chữ cho các Tăng Ni và các thanh niên nghèo.

1945, ông tham gia trực tiếp vào các hoạt động cứu tế và nuôi dạy trẻ mồ côi. Sau toàn quốc kháng chiến, mở lớp bình dân học vụ, không chịu sống trong vùng địch chiếm. Trong cải cách ruộng đất vì bị hiểu lầm, ông quyên sinh.

Trong khoảng 30 năm cống hiến cho Phật pháp, ông dành nhiều tâm huyết để phiên dịch và trước tác, để lại một di sản phong phú, đặc biệt là về Phật học; bao gồm các tác phẩm về phiên dịch, chú giải, biên soạn từ điển, trước tác (khoảng trên 50 đầu sách), và thơ ca.

Về phiên dịch, tác phẩm của ông chủ yếu là các kinh sách và tư liệu Phật giáo. Đây là phần đóng góp thiết thực của ông trong sự nghiệp hoằng pháp, chấn hưng đạo Phật. Trong phần đầu bản dịch Pháp hoa kinh (kinh Pháp hoa), ông cho biết mình đã dịch kinh Phật từ năm lên 26 tuổi, và mong muốn dịch được hết các bộ kinh mà thế gian thường trì tụng, đến thời kỳ sau chót thì dịch bộ Pháp Hoa. Ông để lại khoảng 15 tác phẩm dịch, ngoài các kinh như: Địa Tạng, A Di Đà, Thuỷ Sám.... còn có các sách về Phật giáo như Phật học cương yếu, Duy thức nhập môn, Phép tu tịnh độ nước Nhật Bản... trong đó đáng lưu ý là bản dịch Khoá Hư Lục (tập bài giảng về lẽ hư vô). Theo ông trong kho sách Phật nước nhà, có lẽ bộ này là hoàn toàn đặc sắc hơn cả, có tác dụng cứu khổ cho đời, nên kêu là Kinh Khoá Hư thì có lẽ hay hơn. Do đó ông rất thận trọng về vấn đề văn bản và tác giả (ông đưa ra giả thuyết: tác giả sách này là Trần Nhân Tông). Kèm theo bản dịch công phu còn có Lời bàn góp để làm rõ thêm ý nghĩa của nguyên tác. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang đánh giá rất cao bản dịch này và có trích một đoạn làm ví dụ minh hoạ.

Ông chú giải tác phẩm Quan Âm Thị Kính, một truyện Nôm được lưu truyền khá rộng rãi (xem Quân âm tân truyện). Khác với các lối chú giải thông thường, ngoài phần chú về nghĩa và điển tích, ông còn giải thích tác phẩm trên tinh thần Phật giáo, sau mỗi đoạn đều có phần thích, để giải thích rõ sự tích ý nghĩa của từng câu từng chữ. Sách gồm với 31 đoạn thích. Đây là bản chú thích công phu, qua nhiều năm, nhiều lần khác nhau. Theo tác giả, bản này là bản giải theo nghĩa xuất thế gian. Về thực chất đây là thao tác chú thích có tính kinh hoá. Điều đáng lưu ý là bản Giải thích truyện Quân Âm Thị Kính không những không làm mất đi ý nghĩa của tác phẩm mà còn phát huy những yếu tố Phật giáo, giúp người đọc tiếp nhận một cách sâu sắc hơn tinh thần Phật Giáo của câu chuyện.

Về biên soạn tự điển, để phục vụ cho người đọc chữ Hán, nhất là giới Tăng Ni, ông đã biên soạn cuốn Hán Việt tự điển (Đuốc Tuệ xuất bản, 1942), đến nay đã được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn tự điển chất lượng tốt, bảng tra khá thuận tiện, giải nghĩa chữ kĩ càng, nhất là các chữ gắn với Phật giáo, ngoài các chữ thông dụng còn liệt kê các chữ dị thể. Trước Cách mạng tháng tám, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh là hai sách tra cứu chữ Hán được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhất.

Về trước thuật, Thiều Chửu có khá nhiều công trình, song hiện chỉ còn cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ XX (Đuốc Tuệ xuất bản, 1952; Nhà xuất bản Tôn giáo tái bản năm 2002) là tác phẩm cuối cùng của ông, được viết khi đang ở Thái Nguyên. Tác phẩm thể hiện những tâm tư của ông đối với một tôn giáo mà giáo lý của nó đã thành lý tưởng khiến ông theo đuổi suốt cả cuộc đời mình. Xuất phát từ hiện trạng của Phật giáo đương thời, mở đầu sách, ông trình bày sơ lược về sự phát triển của khoa học, gợi lên những nguy cơ của Phật giáo, chỉ ra những sai lệch trong lối tu hành hiện đại, cho đó làm mất chân dung của đạo Phật, đề ra bốn nguyên tắc có tính tổ chức, tự cường và nhập thế. Đây là tác phẩm quan trọng vạch rõ tình trạng “xuống cấp” của Phật giáo trong nước, giới thiệu những quan điểm cơ bản, tiến bộ của Phật giáo, nhằm phục vụ trực tiếp cho cuộc chấn hưng Phật giáo đang diễn ra ở Bắc kỳ.

Về thơ ca, tuy chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng Phật giáo nhưng thơ ca Thiều Chửu không phải là những triết lý khô khan, mà gắn liền với cuộc sống thế tục, với sự việc và con người cụ thể, với những tình cảm yêu nước và niềm tin ở khả năng giải thoát của đạo Phật. Tác phẩm của ông phong phú về hình thức, có thơ Đường luật (nhắn nhủ người tu, hoạ bài quyết tu... ), lục bát (Nhớ mẹ, Nhớ cố hương...), các bài theo điệu Phật ca (Chân tu, Lấp biển trầm luân ...). Thơ Thiều Chửu có nhiều hình ảnh gắn với điển cố, biểu tượng Phật giáo như Bánh xe chính pháp, Ngọn đuốc từ quang (Nhắn nhủ người đi tu), Gươm trí tuệ (Cảm tác); âm điệu nhịp nhàng. ở những bài lục bát còn thoảng chút êm đềm của những làn điệu ca dao; đôi khi lại tỏ ra rất khéo léo trong lối ngắt câu và sử dụng vần lưng (như trong bài Vịnh nơi các Tăng Ni ở). Có thể nói thơ ca Thiều Chửu chứa chan tình cảm riêng chung, mộc mạc và chân thành. Trong lĩnh vực này, tác giả còn ít dụng công mặc dù ngay từ nhỏ ông đã tỏ rõ năng khiếu thơ ca của mình.

Là cây bút vững chãi và sâu sắc (Nguyễn Lang - Việt Nam Phật giáo sử luận), miệt mài đến mức quên mình, cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã có những đóng góp quan trọng làm phong phú thêm cho kho tàng thư tịch Phật giáo và nền văn hoá dân tộc.

(Trích trong Từ Điển Văn học (Bộ mới),
Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên,
Nhà xuất bản Thế Giới , 2004, trang 1678 – 1679).

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6794705