Thông tin

THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA

MỘT TÀI NĂNG TỰ HỌC - MỘT CƯ SĨ TỰ NHẬP THẾ

 

Họa sĩ TRỊNH YÊN
Ủy viên BCH - Uỷ viên Ban thư ký
Hiệp hội UNESCO Việt Nam

 

Ở vào thế loạn thời của nước ta nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 do thực dân Pháp đô hộ, chúng ta thấy rất rõ một số nhân sĩ trí thức sinh ra trong tình trạng nước mất nhà tan và họ cũng mất đi trong tình trạng đó, có nghĩa họ chưa kịp sống trong đất nước độc lập, hoà bình và dân chủ. Tuy vậy, họ cũng được biết đến các phong trào khởi nghĩa và yêu nước như Cần Vương, Đông Du và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong số các nhân sĩ, tài kiệt ấy có nhiều người đã để lại nhiều di sản văn hóa (vô thể và hữu thể), trong đó có nhiều tác phẩm, hiện vật mang ấn chỉ thời đại, đặc biệt các nội dung tác phẩm đều bộc lộ chính kiến của họ là vì dân, vì nước, vì bản tâm, bản thiện và vì sự bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam.

Một trong số những người nói trên có Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha (1902 - 1954), người làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, trước là phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, Thăng Long; nay là địa bàn tổ 81, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; người đời quen gọi cụ nội ông là Cụ nghè Đông Tác (Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, 1795 - 1868); gọi bố ông là cụ Cử Đông Tác (Nguyễn Hữu Cầu, 1879 - 1946). Thế của gia đình ông được miêu tả trong đôi câu đối của hai học trò người Bắc Giang dâng cho cha ông:

Học tự thành gia, tư dĩ thục thân kiêm thục thế

Tâm tồn cứu quốc, bất năng vi tướng tất vi y.

(Học từ chỗ gia đình truyền thống thành đạt, mỗi người biết cái tốt của mình để kiêm cái tốt phụng sự cho đời.

Tâm luôn tồn (tinh thần) để cứu nước, nếu không làm tướng thì cũng làm thầy thuốc (cứu người).

Đến Nguyễn Hữu Kha thì ông là người có trí lực đặc biệt: Tự học, tự nghiên cứu, tự phát sáng mình trong nhiều lĩnh vực triết học, văn học, lịch sử Phật giáo Việt Nam, Khổng, Lão ... (Trung Quốc) và triết học, văn học phương Tây ... với nhiều tác phẩm công phu nhưng cốt văn bình dân, dễ hiểu. Ông đã để lại cho đời trên sáu chục đầu sách (sưu tầm chưa đầy đủ) gồm nhiều bản dịch, bản sáng tác, bản biên soạn và bản chú giải với chất lượng cao. Ông là một người có học thức thâm sâu về lịch sử văn hóa xã hội và tôn giáo, có vốn sinh ngữ dồi dào như Hán, Nôm, Pháp, Anh, Nhật. Nhờ vậy ông có thể nghiên cứu, tổ hợp các tri thức thành những pho sách Việt hóa hiện đại rất quý cho cả ngày nay.

Thật đáng nói sự nghiệp sống và cống hiến của Thiều Chửu chỉ nhân danh Cư sĩ (không làm tu sĩ) nhưng đã tạo ra những ảnh hưởng không hẹp trong giới trí thức và Phật giáo đương thời. Nhất là giai đoạn cách mạng trứng nước, tuy ông không trực tiếp tham gia nhưng đã sống hết mình với phong trào cách mạng, với công cuộc cải cách trí thức Phật giáo, với việc nhiệt tình truyền bá kiến thức và vận động, thành lập các tổ chức cứu tế, làm báo, phát hành sách... trước và trong cuộc phát động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày tuyên ngôn độc lập đất nước và cuộc kháng chiến 9 năm là Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Với cách nhìn của UNESCO về tri thức và sự truyền bá tri thức, về văn hóa và sự bảo tồn văn hóa thì đường đi của Thiều Chửu, nói đúng hơn là đường nhập thế của Nguyễn Hữu Kha đã làm ông sáng giá không chỉ trong đặc thù của văn hóa Phật giáo, mà còn là sự giác ngộ của một nhân sĩ yêu nước, thương nòi mới có thể thúc đẩy ông lao vào con đường tự học, tự hoàn thiện mình. Chúng ta không thể quên thời toàn dân tộc bị áp bức dưới gót sắt thực dân, với nhiều điều kiện không thể của người dân lầm than, việc học hành không được phổ cập trong nhân dân. Xin trích một đoạn chỉ thị của nhà cầm quyền thực dân lúc đó: Ưu tiên học bổng cho người thân với Đại mẫu quốc (Pháp) và có chí hướng phụng sự nước Đại quốc nhưng cần kiểm kỹ trước khi cho họ sang Paris, vì An Nam là tiểu quốc đang bùng nổ cách mệnh... (Chỉ thị của Đờ Gôn, 1941, Lược sử quân sự nước Pháp thế kỷ 20 - NXB Paris - 1965, sách tiếng Pháp).

Thế mới rõ người có nòi khoa bảng, người khí khái như Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã có chủ ý Bất cần học tập dưới mái trường thực dân. Lời truyền trong anh em của ông nói rằng chính bà nội ông là người khai tâm và dạy cho ông nhận biết các chữ và nghĩa trong Hán tự và Nôm tự. Ông nghĩ chính thực dân đã bỏ tù thân phụ ông hơn năm năm ở Côn Đảo vì tội tham gia phong trào Đông Kinh và phong trào Đông Du, chính thực dân đã đẩy cả gia đình ông vào vòng lao lý. Trong bức thư ông viết gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn nói : Từ nhỏ ông đã bị đẩy vào cảnh nhà khốn khó, lên 5 tuổi cha đỗ cử nhân nhưng không chịu làm quan cho Pháp và bị chúng bắt tù đày; 7 tuổi ông đã phải gánh nước nấu cơm; 12 tuổi phải cầm cày cho mẹ và chị kéo cày thay trâu; 13 tuổi đã có thơ đầu tay chữ Hán nói về con người với quy luật bon chen, mê mẩn vì tiền của, nhưng lại tự khuyên mình không quên thù chung, chẳng quên nghĩa vụ ... Tất cả nỗi khốn khó đó càng hóa thành động cơ cho ý chí tự học của ông, đến năm 18 tuổi ông lấy tên hiệu Tịnh Liễu và đã có sách dịch Giảng nghĩa kinh Kim Cương.

Việc học tập của Thiều Chửu do hoàn cảnh đã đẩy ông vào ý chí bất cần học để tự học nên người, chính Thiều Chửu đã tự bốc lên một ngọn lửa - lửa kính văn, trọng nhân của văn hóa dân tộc, lửa kế thừa các tư chất truyền thống của gia đình và ông đã chọn con đường nghiên cứu triết học Phật giáo, văn hóa đông tây và cả đông y học dân tộc. Điều này cũng trùng trong công ước của UNESCO là : "Quyền được theo đuổi chân lý văn hóa dân tộc và phát huy nó trong văn hóa truyền thống của dân tộc là quyền của con người trong dân tộc ấy. Mọi dân tộc đều cần trông cậy vào chính những con người của dân tộc mà thành quả của dân tộc ấy đạt được. Mọi dân tộc đều cần phát huy mặt mạnh của nền văn hóa ký ức, nếu không có nền văn hóa ký ức thì không có điểm sáng của bất cứ dân tộc và thời đại nào và không thể hình thành di sản trong phẩm chất của tri thức ở trào lưu hội nhập các tiến bộ quốc tế."

Chúng ta đang sống trong các tiêu chí mà UNESCO quan tâm và phát động về một nền văn hóa Hòa bình trong Thập kỷ Quốc tế về Văn hóa Hòa bình được phát động từ năm 2000 đến 2010, chúng ta cũng đang cần lục lại những ký ức văn hóa và lịch sử ưu việt có từ con người của nhiều thời cuộc và chính nó đã cho hình thành từ bản sắc của nhiều giai đoạn văn hóa để lựa chọn những thành viên xứng đáng là danh nhân, là trí thức cốt yếu của những đặc thù ký ức được gọi tên là Lịch sử điển hình hay Văn hóa định hướng nhằm thúc đẩy các phát triển liên tục và mang cốt tính nhân bản thiện, nhân bản trí và đức cho tiến bộ ... UNESCO coi nó là di sản vô thể, sự vô thể của những công trình thế kỷ và thời đại là sức truyền bá của tư duy thực tiễn, của những tiến bộ tư tưởng do những gương sáng kết tụ. Nói vậy là Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã từng sống có chủ ý, có quan điểm nhìn nhận, phân tích nhiều lẽ của triết đạo Phật giáo vốn có ở Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông trong Khóa hư lục, của Tuệ Tĩnh trong Nam dược Thần hiệu, của các Duy tính luận, Duy thức phương tiện đàm; các Thiền Uyển Tập Anh; Viên Giác và Pháp Hoa; Lăng Nghiêm và đến cả Hán Việt tự điển ... đều được ông làm rõ và truyền bá qua kiến thức bằng hình thức bình dân, nghĩa là ông đã biến cái khó nhận thức, khó lập luận thành cái dễ cảm nhận và dễ học tập. Ông tìm ra cách dạy chữ quốc ngữ, tìm ra cách tâm sự với đời và khuyến khích học trò bằng thơ ca và tất nhiên với cuộc sống ấy, với những quãng đời ấy, Thiều Chửu đã có phần hóa thân vào Cách mạng (rất tiếc ông không chính thức tham gia cách mạng, dù được Hồ Chủ tịch mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ cách mạng lâm thời). Ông thật xứng đáng là một người làm cách mạng thông qua các vai trò thể hiện rất rõ trong tâm người tu hành còn ham một cõi trần để nhập thế cứu tế và truyền bá kiến thức chứ không xuất thế để cầu vị, cầu vinh, nghĩa là ông chống thói tu cầu vị, cầu vinh bằng cách nói thẳng, nói rõ bằng kiến thức vừa chấn hưng, vừa phê phán các phái tu đạo cầu vị và bằng hành động của một người tích cực mở rộng lòng thiền để đến với nhân dân trong công tác giáo dục, cứu tế mà ông đã giữ vai trò làm thầy dạy, làm chủ trường cô nhi (nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ). Hàng trăm trẻ em có chỗ nương tựa vào chính ông trong nạn đói hãi hùng của năm 1945; những năm kháng chiến trường kỳ của cuộc cách mạng bắt buộc phải đấu tranh vũ trang suốt 9 năm gian khổ, đến ngày hòa bình được lập lại cũng là ngày ông ra đi trong ý thức khiên cưỡng. Nói về cách mạng thì cũng cần nói đến sự sửa sai cho ông, tuy là người mặc áo cà sa, đóng vai tu sĩ, nhưng ông được đánh giá là người hoạt động xã hội xuất sắc với nhiều việc mà ông đã tạo dựng : Lập tờ báo Đuốc Tuệ (1935); lập Tổng hội cứu tế (1945); lập Trường cô nhi (1945), sau 1946 thì chuyển các cháu đi tản cư ở Phúc Yên, Thái Nguyên; lập Nhà sách Hòa Ký; năm 1948, ông liên tục mở các lớp bình dân học vụ ở Cao Phong Phúc Yên, Sơn Tây và Thái Nguyên ... Đến đâu cũng có nhiều học trò theo ông học chữ quốc ngữ, tức là cách mạng đi đến đâu, ông theo đến vùng tự do để truyền bá học thức theo đúng khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Thiều Chửu là tấm gương bền bỉ của ý chí tự học, một tinh thần nhiệt huyết cùng kiến thức và tâm thức để nhập thế và ông đã trở thành bậc trí thức uyên thâm về Phật học và Hán học, một cư sĩ cấp tiến, một chính nhân ham hoạt động Phật pháp, hành thiền và quảng bá tri thức truyền thống dân tộc cho cộng đồng. Điều khác nữa là Thiều Chửu tự nguyện đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng bằng con đường riêng của mình. Nhiều học trò của ông sau này có người là Lão thành cách mạng, có người là Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có người trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội, người làm nhà nghiên cứu, lý luận về văn hóa, lịch sử vẫn còn nhìn ông như một sư biểu lớn.

Thiều Chửu ra đi trong lúc tài năng của ông đang ở độ trái chín và đang phát thơm các kiến thức của những bản sắc văn hóa vốn có từ dân tộc đã nuôi dưỡng và cho ông tích lũy. Thật đáng tiếc, sau khi ông qua đời, người đời đã xóa tên ông trên một số tác phẩm của ông và tự ghi tên mình làm tác giả, thậm chí người ta tránh nói về ông chỉ vì hiểu ông ở một góc hẹp ... Dẫu sao những điều còn biết, còn sưu tầm được về Thiều Chửu, còn nói rõ về ông để so trong giới trí giả Việt Nam liệu có ai sánh được ông về mặt nghị lực của một người tự học, tự đi một mình đến đạo làm người. Chỉ ngay tấm gương tự học ấy thôi cũng đáng tôn vinh ông thành bậc danh nhân với tuổi đời chỉ có được con số 53 nhưng đã ký tên vào 61 đầu sách công ích cho đời.

Hy vọng sự đánh giá của Sinh hoạt lịch sử kỷ niệm 100 năm sinh của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha hôm nay sẽ làm rõ hơn thân thế sự nghiệp của ông, một trong những người có công với đất nước, mong rằng ông sẽ được nhìn nhận bằng cách nhìn tầm cỡ và thoáng đạt hơn.

Ngày 12.4.2002

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6794784