Thông tin

THIỀU CHỬU - NHÂN VẬT PHẬT GIÁO XUẤT CHÚNG THẾ KỶ 20

 

TS. NGUYỄN QUỐC TUẤN
Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 

Thế kỷ 20 được ghi nhận là một bước ngoặt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhất là lịch sử Phật giáo ở người Việt, trong chuỗi thời gian hơn hai nghìn năm Phật giáo du nhập và biến nhập thành một trong những thành tố quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc. Khoảng thời gian đó không thật dài so trong trường kỳ lịch sử, nhưng cũng đủ để Phật giáo có được những thành tựu thật sự lớn lao, trở thành “máu thịt” tâm hồn dân tộc, một thực tại không thể thiếu trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thế kỷ 20 cũng chứng kiến một cuộc “cách mạng” tôn giáo lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thông qua công cuộc Chấn hưng Phật giáo khởi đi từ những năm 20, đạt đến cao trào vào những năm 30, 40 và đỉnh cao vào những năm 50, 60 của thế kỷ này. Thật lâu nữa, ta còn bàn luận nhiều về nội dung và hệ quả của công cuộc Chấn hưng Phật giáo trong lịch sử dân tộc và lịch sử tôn giáo Việt Nam.

Cuộc cách mạng - chấn hưng này có những sự kiện, trào lưu tư tưởng và nhân vật chủ yếu của nó. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chấn hưng có thể qui vào hai nhóm nội tại và ngoại tại của Phật giáo:

Ngoại tại là sự xâm lược của thực dân Pháp, một thứ chủ nghĩa thực dân “bần tiện”, lấy mục đích vơ vét là chính, quốc gia Việt Nam bị mất chủ quyền, các tộc người trở thành kẻ nô lệ, mọi thành phần trong xã hội bản địa cũng vậy, và dĩ nhiên Phật giáo cũng vậy. Nhà nước thực dân thực tế là kẻ đỡ đầu cho Công giáo, đúng hơn là Giáo hội do các tu sĩ người Pháp chiếm giữ, các Tôn giáo khác trở thành đối tượng quản lý của nhà nước đó. Nhà nước thực dân đã phá dỡ nhiều ngôi chùa Phật giáo ở đô thị, nhất là Hà Nội và Sài Gòn để xây dựng thành phố, cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp ảnh hưởng của Phật giáo trong dân chúng. Đặc biệt, sự phân chia thành các kỳ của Đông Dương nói chung và “ba kỳ” của Việt Nam nói riêng là một sự phân chia để lại một hậu quả dài trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Nói trắng ra, thân phận của Tăng Ni cũng là thân phận của người nô lệ. Nhưng trong hiểm họa chủ nghĩa thực dân cũng có những tác động phản lại ý định nô dịch. Hơn lúc nào hết, Việt Nam có được sự thông thương với thế giới bên ngoài, nhiều thành tựu văn minh đương thời đã được du nhập, đặc biệt là những tư tưởng dân chủ, tư tưởng cải cách Tôn giáo và tư tưởng cách mạng. Chính nhờ có sự thông thương đó, tầng lớp trí thức, tu sĩ Phật giáo đã có dịp soi mình và giật mình tỉnh lại để không còn thỏa mãn với khuôn khổ và cách thức truyền thống, để dứt khoát băng mình trên con đường chấn hưng Tôn giáo mình.

Nội tại thì đã có nhiều nhà cao tăng và cư sĩ đương thời đề cập. Tăng già bị phân rẽ, đứng trước ngã ba hoặc muốn quay về với cổ truyền, hoặc muốn thoát khỏi cái cũ để đến với cái mới nhưng chưa có phương hướng, hoặc có số không ít xoay qua làm trái với Phật pháp; mặt khác, sự tu tập và học hỏi giáo pháp đã trở nên mòn cũ, sự phân biệt đại thừa - tiểu thừa khiến các bộ phận khác nhau trong Phật giáo toàn quốc bị chia cắt; lại nữa, cách truyền thừa theo sơn môn lúc xưa trước có thuận lợi nay bộc lộ tính hạn hẹp và thủ cựu v.v., tất cả đòi hỏi nơi các chư tôn túc tâm huyết một quyết tâm phải chấn chỉnh lại rường cột Phật giáo. Nhất là khi các Ngài đã có được những tiếp xúc với thế giới Phật giáo bên ngoài đang hồi dấn thân vào công cuộc canh tân.

Khuôn khổ một bài viết không cho phép đề cập đến mọi vấn đề của cuộc cách mạng này, công việc đó thật sự dài hơi. Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến một nhân vật là Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, một trong những nhân vật xuất chúng của cuộc cách mạng ấy, người đã có những tư tưởng và hành động tạo nên chỗ dựa và niềm khởi hứng cho cuộc cách mạng. Gác lại những chi tiết tiểu sử, quá trình thụ học, trước tác và biên dịch, mà cần nói ngay là một tấm gương sáng chói về sự tự học, tôi chỉ xin khởi sự bằng một trong những trước tác quan trọng do ông soạn, với tư cách ông đặt chân tảng cho căn nhà cách mạng đó, không những thế ông đã thực sự thực hiện cuộc cách mạng ấy với ước nguyện thành công viên mãn. Tác phẩm đó mang tên Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX1.

Cần bình luận đầu tiên về tác phẩm là phải tự tin tính đúng đắn vào suy tư riêng đến thế nào mới có thể định ra con đường tu học cho cả một thế kỷ, đặt nó thành tiêu đề, và mong muốn nó được tiếp nhận dù phải nói rõ sự thực và day dứt để nói. Thiều Chửu không hoài công nhọc lòng. Con đường tu học chân chính đã tạo ra một Thiều Chửu và sẽ tạo ra những Thiều Chửu trong hiện tại và tương lai. Những biến chuyển ngày nay khiến ta có thể lạc quan mà nói như vậy. Bình luận thứ hai không gì hơn là tác phẩm này thực sự không chỉ đề cập đến nội bộ Phật giáo, cùng với những tác phẩm khác2, tập trung vào mối quan hệ giữa Phật giáo và nhân loại, quốc gia, dân tộc và xã hội. Cần nói thêm, sớm hơn ít năm, một nhà sư khác là Thiện Chiếu ở Nam Bộ, đã có cùng một cách nhìn nhận vấn đề về Phật giáo với nhân quần, tuy sắc thái biểu đạt tư tưởng có sự khác biệt3.

Về nội bộ, đây là một trước tác quan trọng bởi vì phần thứ nhất của nó đã nhằm vào một trong những điều căn cốt nhất của sinh hoạt Phật giáo là sinh hoạt tăng già. Tăng già ở cuối thế kỷ 19 và sang thế kỷ 20 đã tích chứa những tệ đoan nằm ngoài tôn giáo. Cố nhiên, chúng ta còn phải kể đến sự suy thoái của Phật giáo còn là từ phía nhà cầm quyền Pháp - Nam đã bức hại và ngăn cản sinh hoạt Phật giáo như trên kia đã đề cập, nhưng với các vị chân tu thì suy thoái đó còn nằm ngay trong chính tôn giáo. Không riêng gì Thiều Chửu, một số cao tăng và cư sĩ đã từng day dứt với những tệ đoan đó: có thể kể đến các Hòa thượng Khánh Hòa4, Thượng tọa Trí Quang5, Cư sĩ Lê Đình Thám6 và một số vị khác. Các vị lo ngại tình hình trong đó Tăng già hoặc tự lợi, hoặc hành sự sai lạc, hoặc chỉ nghĩ đến vinh danh hão huyền mà không thực chất, dẫn đến tình trạng mà các Ngài gọi đó là đổ nát của Phật giáo. Tiếng vọng và kết quả của cuộc canh tân Phật giáo Trung Quốc với hai nhân vật pháp sư Thiện Nhân và Thái Hư cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 càng thôi thúc thêm ý muốn chấn chỉnh giềng mối Phật giáo Việt Nam ở các vị. Mỗi vị có một chủ trương và cách làm riêng để chấn hưng tôn giáo. Song có thể thông qua Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX để tìm đến một cách, và có thể nói như thế, cách mà Thiều Chửu trình bày vấn đề, theo ý tôi, có thể xem là có “lý luận” hơn cả. Hạt nhân tư tưởng của lý luận đó là gì? Có nhiều tư tưởng được trình bày trong tác phẩm. Xin gạn một số tư tưởng trong đó.

Trước hết đó là tư tưởng hợp nhất Đại thừa và Tiểu thừa7 trên cơ sở tu tập và thuyết giảng theo lời dạy của chính Phật tổ. Thiều Chửu cho rằng đừng có “phán giáo”, “phán thời”, đừng chia tông chia phái. Đương thời, và cả ngày nay cũng vậy, tư tưởng này có đôi khi, và ở từng nhà tu hành, chưa được đánh giá đúng tầm mức của nó, có thể do chưa được phổ biến rộng, có thể do sự ngăn cách về ngôn ngữ và cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân nằm ngoài Phật giáo. Trong điều kiện của Giáo hội ngày nay, đây nên xem là tư tưởng căn cốt nhất bởi có một đặc điểm của Phật giáo ở thế kỷ XX là tính vùng - tộc người thể hiện rõ. Có nghĩa, gần như mỗi tộc người trong ba tộc theo Phật giáo là Việt, Hoa, Khmer hiện tại, thì cơ bản Việt8, Hoa theo Đại thừa giáo, Khmer theo Nguyên thủy. Ngay trong người Việt, sự chia tông phái (theo nghĩa truyền thừa) cổ truyền cũng vẫn còn duy trì, và cái hậu quả chia ba kỳ thời kỳ thực dân cũ và mới không phải không còn rơi rớt. Nói cách khác, nếu không có sự cảnh giác, thì có thể xem đó là mầm mống của sự thiếu thống nhất trong nội bộ Phật giáo, song đồng thời cũng là sự thiếu thống nhất trong toàn thể dân tộc Việt Nam. Quan hệ giữa tư tưởng thống nhất Đại thừa và Nguyên thủy và tư tưởng thống nhất dân tộc có tầm mức quan trọng như vậy, không thể xem nhẹ tư tưởng này.

Tư tưởng thứ hai có thể mệnh danh là tư tưởng Lục hòa - Ngũ Minh. Đó là sự hòa hợp tột cùng trong nhân quần, tăng già; đó là sự thực hành năm khoa minh: 1. Nội Minh, 2. Nhân Minh, 3. Công Xảo Minh, 4. Y Phương Minh, 5. Thanh Minh9. Đó cũng như lời Phật dạy thực hiện năm điều bố thí có ích trong Kinh Tăng Nhất A hàm, làm lợi lạc cho chúng sinh. Tư tưởng Lục hòa - Ngũ Minh là cách thể hiện khác của tư tưởng Phật giáo nhân gian như nhiều lần Thiều Chửu khẳng định.

Những tư tưởng trình bày trong tác phẩm này, đáng mừng thay, hiện tại đang được thực thi và ngày một sáng tỏ hơn. Để làm rõ hơn các tư tưởng trong tác phẩm, ta hãy đi sâu thêm một số luận điểm chủ yếu.

1. Trước hết là luận điểm lấy chủ nghĩa Phật giáo để giải thích thế giới vạn vật và xã hội. Và khi áp dụng vào xã hội thì có thể gọi đây là chủ nghĩa Phật giáo - xã hội. Ta hãy chú ý luận điểm này mặc dầu Thiều Chửu không đưa ra khái niệm chính thức, song cách mà ông biện luận cho phép ta gọi tên như vậy. Ta cũng hãy chú ý rằng thời điểm soạn thảo tác phẩm là lúc chủ nghĩa xã hội thông qua sự diễn giải của tư tưởng Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông đã xâm nhập khá sâu vào trí thức và đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, lúc mà Đảng Lao động Việt Nam và người dân đang bước vào cuộc kháng Pháp quyết liệt nhất.

Lý luận về vũ trụ và xã hội như quan niệm của Thiều Chửu cho thấy trong tác phẩm có thể được coi là một sự kiên định về lập trường Phật giáo trong bối cảnh đương thời, nhiều trí thức trước đó ở những lập trường tư tưởng khác, nay đã bị cuốn hút mạnh mẽ bởi chủ nghĩa xã hội đã trở thành thực thể ở đất nước chiếm một phần sáu diện tích trái đất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong điều kiện còn trong vòng nô dịch thực dân, vả lại cũng vì thế mà chủ nghĩa xã hội thực tế tuy có tiếng vang, nhưng dầu sao cũng không thể nổi lên trên bề mặt sinh hoạt tư tưởng của xã hội, do vậy, các hơi hướng xã hội chủ nghĩa nếu có ở các nhà trí thức cũng không thể là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội nhuần nhụy, điều đó sau năm 1954 sẽ khởi phát mạnh ở miền Bắc, còn trước thời điểm này, có thể nói tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa tam dân, tư tưởng dân chủ vẫn còn đóng những vai trò năng động trong xã hội. Song dù thế nào, không thể phủ nhận chủ nghĩa yêu nước ở mỗi người Việt Nam vẫn là hạt nhân căn bản để tiếp thu các thứ chủ nghĩa khác. Một tình hình như vậy có thể dẫn các thành phần trí thức khác nhau hướng tới những học thuyết xã hội khác nhau.

Chính vì vậy, mặc dầu được soạn thảo tại vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, nhưng tác phẩm lại được in ở Hà Nội đang bị Pháp chiếm. Điều này nói lên tầm mức lôi cuốn của cuộc kháng Pháp, lòng yêu nước ở người con Việt không thiếu, nhưng cũng nói lên chủ trương giành độc lập, kiến thiết một xã hội và mong ước xã hội ấy tốt đẹp không chỉ là đặc quyền tư tưởng của một lớp người duy nhất. Bản thân Thiều Chửu, tuy đứng trên lập trường Phật giáo, song là một người yêu nước, ông hoàn toàn ủng hộ chính phủ của dân tộc của Hồ Chủ tịch tiến hành cuộc kháng Pháp, coi Chính phủ đó là người đại diện cho dân tộc, lãnh đạo dân tộc. Bằng chứng hiển nhiên là ông từ bỏ vùng bị Pháp chiếm, chối từ những giúp đỡ tiền bạc của người ở vùng tạm chiếm, phê phán những vị sư bỏ về nội thành đang bị tạm chiếm, tham gia vào các công tác của địa phương nơi mình cư trú trong tản cư... Nhưng là một người Phật tử, ông lại hình dung xã hội nhân quần theo viễn kiến Phật giáo mà ông có niềm tin chắc chắn chỉ có thể dùng tư tưởng Phật giáo để xây dựng một xã hội tốt đẹp đến hoàn thiện hoàn mỹ. Đó là lý do để ta gọi lý luận của ông là chủ nghĩa Phật giáo - xã hội. Đây là một phát hiện có thể gọi là độc đáo và xuất sắc của Thiều Chửu, nếu ta biết ông chịu khá nhiều ảnh hưởng của các nhà sư Trung Quốc đương thời như Thái Hư Đại sư chẳng hạn. Thái Hư đã có những bài thuyết giảng về quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và Phật giáo khi vị Pháp sư này đối diện với thực tế ở Trung Quốc và trên thế giới là chủ nghĩa xã hội và hệ tư tưởng của nó đã và đang trở thành thực thể thế giới và Trung Quốc.

Độc lập trong tư duy là một đặc điểm xuyên suốt của Thiều Chửu, dầu xuất phát điểm có thể từ những tư tưởng của các vị cao tăng ngoại quốc như Thái Hư hay Thiện Nhân. Hãy chú ý là trong diễn giải của ông ở tác phẩm này, cùng với những tác phẩm khác, có nhiều điểm chiết xuất từ Nho giáo với một kiến thức sâu rộng, cũng có cả đối chiếu và so sánh với những học thuyết đương thời mà ta có thể rất ngạc nhiên là ông đã kịp đọc, kịp nghiền ngẫm, kịp tiêu hóa để biện giải vấn đề ông quan tâm, ngạc nhiên hơn nữa ông lại là người tự học. Và đó cũng chính là lý do để ta tán xưng ông là nhân vật Phật giáo xuất chúng.

Trở lại, chủ nghĩa Phật giáo của Thiều Chửu dựa trên nền tảng cơ bản là tư tưởng về tăng già mà quan niệm căn cốt là quần chúng sum họp vui hòa. Tăng già đối với ông không duy nhất là những người con Phật, mà chỉ là người kế tục Phật trong nhân quần hiện tại. Vì vậy, sự thịnh suy của tăng già có thể quyết định sự thịnh suy của Phật giáo.

Tăng già được xét theo “lý” và theo “sự”. Xét theo lý có thể nghĩa (xác định nội hàm) và lượng nghĩa (xác định ngoại diện). Xét theo sự là biến động của tăng chúng trong hành xử thực tế tu hành.

Thể nghĩa cho biết tăng già như nguyên thủy gồm năm hạng người xuất gia qui y (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na).

Hình ảnh mới của tăng già không chỉ có vậy, và đây mới là điểm phát triển của Thiều Chửu về biện luận. Tăng già mới được mở rộng ra thành ba hạng:

- Hạng người: gồm 10 tăng chúng: 1. Gia tộc tăng, 2. Học hiệu tăng, 3. Giáo tự tăng, 4. Xã hội tăng, 5. Dân tộc tăng, 6. Quốc dân tăng, 7. Quốc gia tăng, 8. Quốc tế tăng, 9. Nhân loại tăng, 10. Nhân gian tăng (hữu tình thế gian, vô tình thế gian). Ta sẽ không đi quá sâu vào sự phân loại này bởi khuôn khổ của bài viết không cho phép. Nhưng rất cần lưu ý Giáo tự tăng là căn bản nhất trong hạng người, và Giáo tự tăng cần được tu chỉnh như phần sau sẽ đề cập.

- Loại khác người: bao gồm hai loại: 1. Loài nhìn thấy như động vật, 2. loài không nhìn thấy như “Lục dục thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên, cho chí A tu la, ngạ quỉ v. v...”; và “Lại như các khoa chuyên môn ngày nay như khoa Sinh vật học, khoa Sinh lý học, khoa Khoáng vật học, khoa Thiên văn học, khoa Vật lực học, khoa Vật chất học, khoa Số lý học, khoa Danh lý học, khoa Duy thức học, khoa Pháp giới học...”.

Việc phân Tăng già thành ba hạng như trên cho thấy Thiều Chửu không chỉ là một tín đồ bình thường, ông là một tín đồ tân học như tự nhận. Sự xếp loại tăng già theo ba hạng lại gồm cả những loài không nhìn thấy đến các bộ môn khoa học biết đến đương thời chứng tỏ Thiều Chửu đã có những thêm thắt vào giáo lý Phật một mặt, mặt khác cho biết ông đã từng tham khảo các sách chuyên ngành khoa học hoặc chí ít là đọc những cuốn giới thiệu về các chuyên ngành đó, minh chứng một lần nữa cái sở học phong phú và nhãn quan viễn kiến của ông. Điều đó, theo chỗ tôi biết, rất ít người cùng thời có được10.

Chính việc vạch rõ hình ảnh mới của Tăng già như trên đây khiến ta càng khẳng định trong suy nghĩ của Thiều Chửu có một chủ nghĩa Phật giáo, mà đến một lúc nào đó ông sẽ viết ra và gọi tên ra. Song ông đã không còn có dịp nữa. Bản chất của ba hạng Tăng già, theo Thiều Chửu, trừ trong Nhân gian Tăng có loài vô tình thế gian là những yếu tố tự nhiên vô cơ không tham gia trực tiếp vào sự sum họp vui hòa mà là môi trường để sum họp vui hòa, chính là sự quần tụ sum họp vui hòa. Điều đó khó đến đâu cũng phải thực hiện hay quay về với bản chất đó. Do đó cũng có thể bảo chủ nghĩa Phật giáo của ông đượm màu lạc quan chủ nghĩa, bởi cái đích mà chủ nghĩa của ông nhắm đến vừa xa xôi về thời gian, vừa khó diễn thực trong không gian xã hội thực tại. Cố nhiên ông lạc quan khi đã chủ trương ngay từ bây giờ hãy xây dựng một Phật giáo nhân gian ở thế gian này, không chờ đợi đến khi hội đủ điều kiện.

Đó là nói xét theo lý. Còn xét theo sự thì Giáo tự tăng là bộ phận căn bản nhất của Tăng già (theo nghĩa mới) như đã nói. Giáo tự tăng nghiêm chỉnh thì Tăng già nghiêm chỉnh, Phật giáo giữ được giềng mối mạnh mẽ lâu dài, còn ngược lại thì cảnh suy tàn là hiện thực. Ông cho rằng Phật pháp sở dĩ giữ được cho đến ngày nay là nhờ ba yếu tố:

“- Một là đầy đủ chân lý bất diệt, tức là xây nền tảng ở nơi phá tan giai cấp, triệt để bình đẳng, bỏ cả tư tình, tư sản đến chỗ sum họp vui hòa.

- Hai là có các bậc tu hành chân chính chứng được chân lý ấy thực.

- Ba là được lòng quần chúng tín ngưỡng.11

Nếu Phật giáo ngày nay (tức vào thời điểm ông viết) bị suy tàn thì Giáo tự tăng là bộ phận gây ra trước hết. Do đó, nếu tăng biết chấn chỉnh, Phật giáo sẽ trở lại thịnh đạt ngay. Vậy Giáo tự tăng làm sai cái gì? Thiều Chửu vạch ra tám phái làm sai:

1. Phái Sơn lâm theo chủ nghĩa tiêu cực

2. Phái Trưởng lão theo chủ nghĩa thượng nhàn

3. Phái Hòa thượng theo chủ nghĩa hư vinh

4. Phái Pháp sư theo chủ nghĩa lợi dưỡng

5. Phái Vân thủy theo chủ nghĩa sống nhờ (vô trụ)

6. Phái Sơn môn theo truyền thống truyền tử nhược tôn như thế tục

7. Phái ứng phó theo chủ nghĩa buôn bán

8. Phái Thanh niên theo chủ nghĩa táo bạo (cách mạng)

Tám phái này đã làm sai con đường tu hành chân chính. Ông dẫn lại lời nhận xét của một người nào đó: “Người tín ngưỡng nước ta hạng trên nhất chỉ tu lấy lợi một mình, mặc kệ đời chẳng thèm nhìn tới; hạng thứ nhì thì mượn cửa chùa làm chốn dung thân dễ dàng qua ngày; hạng dưới nữa thì lại lấy chùa chiền làm chỗ buốn bán kiếm chác, không từ một sự đê hạ, nhơ nhớp nào mà không dám làm”12. Việc phân thành tám cái sai Phật pháp và gói gọn trong ba hạng như trên cho thấy Thiều Chửu đã đúng khi phân tích thực trạng lúc đó bởi cho đến ngày nay những cái sai đó lại tái diễn, gây nên mối quan ngại nơi những người tâm huyết trong Giáo hội hiện tại13.

Thực ra, cũng nên đặt mình vào chỗ ông để cảm được với cách phê phán của Thiều Chửu, vì ông là một tín đồ tân học, nhưng sống đạo của ông là khổ hạnh, mẫu mực và giản kiệm. Thường những người như ông cảm thấy nhức nhối khi chứng kiến sự xa hoa, phù phiếm và bịp bợm, nhiều khi đến mức quá khắc nghiệt. Nhân đây, cũng xin biện luận đôi chút về mối quan hệ giữa đời - giáo, tục - thiêng. Sự thăng tiến vật chất nơi con người đã là một trong những cái khổ nạn theo quan niệm của Phật giáo, chỉ biết chăm chăm kiếm tiền, lợi danh, dẫn đến chỗ tàn phá lẫn nhau. Nhưng xét theo khía cạnh tiến bộ lịch sử thì không có những thăng tiến đó, không có sự sản xuất của cải vật chất dồi dào, dầu giá phải trả nhiều khi quá đắt, liệu con người có được nhận thức như ngày nay là cần phải quay về với chân như bản mệnh của mình cần kíp đến vậy? Một xã hội, trong tính hiện thực của nó, bao giờ cũng phản ánh những nghịch lý song song tồn tại, vì thế ngoài sự tiến hóa xã hội theo những học thuyết điều hòa và đấu tranh mà ta đã chứng kiến, còn có các tôn giáo góp phần bào bớt những nghịch lý trong phát triển tiến hóa. Và vì vậy mới có lý do để Phật giáo ra đời, để hoằng dương xiển pháp, cũng như mọi tôn giáo khác. Có lẽ sự song hành đời - giáo, tục - thiêng sẽ còn dài lâu nữa, mà không một ai đặt được dấu chấm cuối cùng ở đâu và bao giờ.

Cố nhiên khi chỉ ra những tệ đoan và sai lạc không có nghĩa là không còn phương thuốc chữa. Thiều Chửu đã vạch ra cả một lý luận để khắc phục dưới tiêu đề phần hai Con đường học Phật. Bài viết sẽ thừa khi để nhắc lại toàn bộ, chỉ xin nói rằng đây là con đường kết hợp tu tập Đại thừa và Tiểu thừa, kết hợp tự độ (liễu sinh tử) và độ sinh (hóa độ quần chúng), kết hợp giữa mục đích tôn giáo và sự vui hòa sum họp của nhân quần, trên một tinh thần đại hùng vô úy chân chính của Phật tổ.

2. Xuất phát từ tư tưởng hợp nhất Đại - Tiểu thừa, lấy yếu chỉ trực thẳng tới Phật tổ, biện giải chủ nghĩa Phật giáo, luận điểm nổi bật khác của lý luận Thiều Chửu là bình đẳng chân chính và chân thực. Sự bình đẳng đó chỉ có thể có khi tuân thủ đúng theo lời Phật dạy: “Lúc Phật mới chứng đạo, Phật liền giơ tay lên cao mà hô to lên rằng: “Ai hay bản tính, ai cũng là Phật; Phật là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ thành..., không có một giống nào là không có khả năng thành Phật... ”. Vì thế nên chủ trương của Phật là bất cứ giống nào cũng có cái khả năng thành Phật; chỉ cần giác ngộ cho họ biết rõ cái khả năng của họ, rồi tự họ tiến lên cái ngôi đó, đó mới là chân bình đẳng. Vì chẳng những hình tướng bình đẳng mà cả tính trí cũng bình đẳng. Mà tính trí có bình đẳng thì sự bình đẳng ấy mới là bình đẳng thật”14.

Rất rõ là quan niệm bình đẳng này không trùng lắp với các học thuyết chính trị - xã hội. Đây là loại bình đẳng tuyệt đối, hướng nội và không có ngoại lệ, với điều kiện là tu tập và đi theo con đường giải thoát của Phật tổ. Nó không chia hạng người, giai cấp người, nhóm người, cá nhân người; nó không phân biệt các loài hữu tình với người, giống loài nào có tình đều có thể thành Phật. Theo chỗ tôi biết, ít người ở nước ta lúc đó biện giải giáo lý Phật theo cung cách như vậy, mặc dầu các nhà sư và cư sĩ cao thâm không xa lạ gì với giáo lý đó.

Một sự bình đẳng như vậy sẽ tạo nên một lý thuyết xã hội ưu việt mà ta có thể mệnh danh là chủ nghĩa Phật giáo - xã hội như đã nêu. Không thể không nói đến điều này: có lẽ, trong không khí của thời đại, học thuyết Mác - Lênin đã có những tiếng vang trong biện luận của Thiều Chửu. Quả thực, nếu ta đã thấy Thiều Chửu vận dụng các học thuyết ngoại điển khác nhau để biện giải, thì không có lẽ gì ông lại không từng đọc một tác phẩm nào đó của học thuyết Mác - Lênin, dầu ông không nói rõ ra. Những biện giải của ông trong tác phẩm cho thấy ông đúng là một tín đồ tân học, biết “biến thế” theo thời đại như ông chủ trương, không khư khư giữ lấy những phương pháp và biện giải cũ. Chỉ có một điều không thay đổi là con đường giải thoát của Phật tổ, còn lại phải thích ứng với những điều kiện và hoàn cảnh thực tại, miễn làm sao thực thi được con đường đó. Do đó, Thiều Chửu đã đề xuất thoát khỏi những giáo điều hình thành trong lịch sử Phật giáo để chủ trương một cách học mới, tu tập mới, độ sinh mới.

3. Luận điểm thứ ba đáng lưu ý là thống nhất Đại - Tiểu thừa trong tu tập. Mới tu thì ở chỗ tĩnh, sau phải tu ở chỗ động. Tu chỗ tĩnh là tự độ, tu chỗ động là độ sinh, lợi người cũng là lợi mình. Đây là nền tảng căn bản cho sự thống nhất tổ chức của tăng già nói chung và Giáo tự tăng nói riêng. Sự thống nhất này hướng tới một mục đích duy nhất mà Phật tổ dạy là phá ngã, phá bỏ thần bí, phá bỏ phán thời, phán giáo. Chỉ có trên cái nền đó, sự thống nhất mới là chân chính. Sự chuẩn bị cho công cuộc thống nhất Giáo hội về mặt lý luận này không chỉ có ở Thiều Chửu. Nhưng biện giải của ông có thể xem là được phân tích kỹ lưỡng hơn cả. Chúng ta ngày hôm nay vẫn đang được chứng kiến Phật giáo Việt Nam đang thực hiện các tư tưởng về thống nhất ở những bậc tôn túc tiền bối Phật giáo, trong đó có Thiều Chửu. Riêng việc đó cũng càng chứng minh ông là một nhân vật Phật giáo xuất chúng, tuy sinh thời tư tưởng của ông chưa được thực hiện trọn vẹn, chưa được ông chứng kiến tận mắt.

4. Trên cơ sở của những luận điểm đã nói, Thiều Chửu đề xuất sự sinh hoạt mới đối với tăng già và tăng lữ. Luận điểm này thể hiện quan điểm biến thời, biến thế của Thiều Chửu. Và giờ đây, sinh hoạt tăng ni đang theo quan điểm này, đặc biệt là Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Sinh hoạt mới không gì tốt hơn là thực hành ba nghề: công nghệ, y dược và giáo dục. Nói rộng ra, sinh hoạt mới là lối sống Phật giáo mới, phát triển Phật giáo thành một thực thể xã hội ngoài thực thể tôn giáo. Thực thể xã hội và tôn giáo thống nhất được thì Phật giáo trường tồn, tiến đến viễn cảnh vẻ vang. Chúng ta hoàn toàn có thể chia xẻ luận điểm này của Thiều Chửu.

Những tiến bộ kinh tế - xã hội trong những năm vừa qua, dù còn nhiều trở lực và khó khăn, đã chỉ rõ thêm rằng sự phát triển muốn bền vững không thể không đi sâu vào nội tâm con người, biến thành những giá trị và chuẩn mực chân chính. Con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với tự nhiên, bảo vệ nhau và bảo vệ môi trường tự nhiên, hay nói như Thiều Chửu là thực thi cái sum họp vui hòa của toàn thể nhân gian, vũ trụ vừa là một lý tưởng quyến rũ, vừa là một thực tại đáng muốn, lại vừa có ích thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày.

Chủ nghĩa Phật giáo của Thiều Chửu phải chăng đã thể hiện sức sống muôn thủa của những suy tư chân chính của nhân loại, thể hiện ở ông như là suy tư của một con người xuất sắc của thế kỷ 20. Những gì ông nêu ra đều xuất phát từ tấm lòng thành đối với Phật giáo và dân tộc. Nguyện ước chấn chỉnh Phật giáo ở ông cho thấy Phật giáo cần và mãi mãi phải là “máu thịt” tâm hồn của dân tộc, dân tộc đòi hỏi và đã coi Phật giáo như một chỗ tựa chắc chắn cho dặm dài lịch sử. Muốn vậy, không có con đường nào khác là dấn thân không ngừng trên con đường tu học và xây dựng Phật giáo nhân gian.

Ta có quyền tin vào những gì Thiều Chửu mong muốn sẽ thành hiện thực.

Ghi chú: Bài này sau khi chỉnh sửa đã đăng lại trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn Giáo, Trung tâm khoa học xã hội & Nhân văn số 1 năm 2003 dưới nhan đề: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Phật pháp và Dân tộc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 53
    • Số lượt truy cập : 6951850