Thông tin

THƠ CHỮ HÁN

 

NGUYỄN HỮU KHA 

 

1. Bài thơ làm năm 13 tuổi

Năm 1915, một hôm Nguyễn Hữu Kha đi chợ Hà Đông về, dọc đường rẽ vào làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nghỉ chân, thấy một khu vườn đẹp. Cậu bé vào xem, thì ra là khu lăng mộ của Lê Hoan (quan đại thần triều Nguyễn, người đã cầm quân đàn áp cuộc khởi nghĩa của cụ Hoàng Hoa Thám được thực dân Pháp ban thưởng hậu hĩ).

Uất ức trước cảnh xa hoa phú quí của bè lũ quan lại trái ngược với cảnh sống khổ cực của đồng bào ta, ông đề một bài thơ chữ Hán.

 

Thanh thần điếu cửu nguyên

U tình chủng chủng huyên

Thế thái cạnh phú quí

Nhân tình tu ngân tiên

Công cừu bái ngạch thượng

Nghĩa vụ phóng tâm biên

Cụ Vũ Tuấn Sán dịch :

Sớm mai qua nơi nghĩa đa

Muôn tiếng u hồn vang rền

Thói đời bon chen phú quí

Tình người ham đến bạc tiền

Thù chung vái tạc trên trán,

Nghĩa vụ ghi tạc không quên.

TS. Đinh Công Vĩ dịch :

Tinh mơ qua viếng cửu tuyền,

U tình hồn phách náo huyên khắp vườn.

Bất bình phú quí bon chen,

Tình người dồn hết vào tiền vào tiên.

Ngước nhìn biển ngạch bề trên,

Nghĩa vụ canh cánh sao quên thù này.

 

2. Bài thơ làm năm 1948

Vô đề

Ngô thuỳ dữ qui

Phi thử chi qui

Bất phỉ bất khải

Bất phẫn bất phát

Cụ Vũ Tuấn Sán dịch nghĩa:

Ta về cùng ai

Không phải chuyến này

Không bực dọc không mở được đường đi

Không thắc mắc cố tìm, không thấy được bước tiến.

Ghi chú: Bài này chúng tôi sưu tầm được trong cuốn sổ (chép tay 13 tác phẩm của Thiều Chửu) hiện do Thượng toạ Tiến sĩ Thích Thanh Đạt, chùa Quán Sứ, Hà Nội giữ. Người sao là ông Trần Thanh Tuấn (quê ở làng Tía, Thường Tín, Hà Tây), nguyên đệ tử của Hoà thượng Trí Hải theo học Thiều Chửu những năm 1947 - 1950 ở Cao Phong (Phúc Yên), Thái Nguyên. Năm 1950 Thiều Chửu giới thiệu ông Trần Thanh Tuấn vào bộ đội Thông Tin Liên lạc. Ông Trần Thanh Tuấn đã anh dũng hy sinh năm 1960 ở Thượng Lào.

Bài thơ ghi ở cuối tác phẩm Nghiên cứu duy thức theo khoa học, Phật học Cao Phong tràng, ngày 23 - 9 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mậu Tý (1948).

Về bài thơ này cụ Vũ Tuấn Sán giải thích:

Nguyên văn hai câu dưới : Bất phỉ bất khải, Bất phẫn bất phát chắc có chỗ nhầm, đã được sửa lại theo đúng câu trong Luận ngữ, đó là câu nói của Khổng Tử, có nghĩa: không bực dọc (vì sự yếu kém của mình) (thì ta) không gợi mở đường đi; không thắc mắc (muốn tìm hiểu học hỏi) (thì ta) không giúp cho tiến bước.

Tám chữ trên được hiểu trong bản dịch hơi khác nghĩa vốn có trong sách Luận ngữ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 80
    • Số lượt truy cập : 6951930