Thông tin

THỜI HOÀNG KIM CỦA PHẬT GIÁO THẾ GIỚI:

PHẬT GIÁO DỌC THEO CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

 

PHUNTSOG DOLMA
THÍCH MINH TRÍ dịch

 

Một trong những tượng Phật của Nghệ thuật Phật giáo Gandhara
thể hiện sự giao thoa văn hóa Ấn Độ - Hy Lạp.

 

Sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni Đại-bát-niết-bàn, giáo lý phổ quát, phi tông phái, thậm thâm vi diệu của ngài không chỉ được hoằng truyền trong giới hạn phạm vi đất nước Ấn Độ, mà giáo pháp ấy còn vượt biên cương, truyền bá khắp châu Á và các vùng lãnh thổ còn lại của thế giới bằng các ngả đường biển, đường sa mạc, đường núi đồi.

Tại miền Tây-Bắc Ấn, trong suốt thế kỷ thứ 2 Tây lịch đã hình thành nên một mạng lưới con đường thương mại cổ xưa vốn được gọi là Con đường Tơ lụa. Các tầng lớp nhân dân khác nhau như: giới thương gia, giới kinh doanh, giới học giả, giới tu hành và giới truyền đạo đã sử dụng Con đường Tơ lụa này để truyền bá những tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật và kinh điển khác nhau.

Một trong những triết thuyết uyên áo được truyền bá trên Con đường Tơ lụa này là Phật pháp. Công cuộc truyền bá Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo được khởi thủy từ miền Tây-Bắc Ấn đến các quốc gia ngày nay là: Pakistan, Afghanistan, Trung Á, Tân Cương (Turkistan thuộc Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quả là thiếu sót khi đề cập đến công cuộc xiển dương Phật pháp từ vùng Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ đến các vùng đất khác mà không nhắc đến sự trợ duyên của Hoàng đế Ashoka của Đế chế Maurya, Hoàng đế Menander và Hoàng đế Kanishka của Vương triều Kushan.

Trong lịch sử đạo Phật, sau khi đức Phật Thích-ca Đại-bát-niết-bàn, Hoàng đế Ashoka được xem như là người hộ pháp hoàng gia vĩ đại đầu tiên của Phật giáo. Chính nhờ nỗ lực và quyết tâm của Hoàng đế Ashoka mà Phật giáo đã chiếm vị trí nổi bật cả ở Ấn Độ lẫn ở nước ngoài. Phật giáo là triết học tôn giáo đầu tiên được truyền bá dọc theo Con đường Tơ lụa từ Ấn Độ đến vùng Gandhara, Trung Á cho đến Trung Quốc.

Theo các nguồn sử liệu Phật giáo, vào năm 247 trước Tây lịch, Hoàng đế Ashoka đã tổ chức Hội đồng (kết tập kinh điển) Phật giáo lần thứ 3 tại Pataliputra (nay là Patna) dưới sự chủ trì của tôn giả Moggaliputta Tissa.

Hội đồng này được tiến hành nhằm mục đích bảo tồn lời Phật dạy dưới dạng nguyên thủy nhất. Sau khi Hội đồng (kết tập kinh điển) Phật giáo lần thứ 3 bế mạc, chư tôn đức trưởng lão đã quyết định công cử các giảng sư đến các quốc gia trên thế giới hoằng dương Phật pháp. Do đó, Hoàng đế Ashoka đã phái khiển các giảng sư đến các quốc gia ngoài Ấn Độ thông qua các tuyến đường bộ, đường biển. Nhờ vậy, Phật giáo đã được truyền đến các vùng đất phía Tây của Ấn Độ ở Trung Á và các quốc gia cạnh sườn phía Nam như Sri Lanka.

Các nguồn sử liệu đều nói rằng, Hoàng đế Ashoka đã chỉ định nhà sư Majjhantika vân du đến Kashmir và Gandhara, thế nhưng rốt cuộc, Phật giáo đã truyền đến tận Trung Quốc và sau đó phát triển mạnh đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Hoàng đế Ashoka cũng công cử con trai Mahindra và con gái Sanghamitra của ngài du hóa các quốc gia phía Nam truyền bá Phật pháp đến tận Sri Lanka.

Khi Đế chế của Hoàng đế Ashoka bành trướng đến biên giới Tây Bắc của Punjab, các nhà sư Phật giáo được tự do di chuyển khắp cả khu vực.

Một truyền thống của người Khotan cổ xưa cho rằng Vijayasambhava, cháu trai của Hoàng đế Ashoka là người đã giới thiệu Phật giáo ở Khotan. Theo truyền thống này, Arya Vairocana, một học giả Phật giáo xuất thân từ Ấn Độ, đã đến Khotan và trở thành giáo thọ của Quốc vương Khotan.

Cùng với sự hiện diện của ngài Arya Vairocana là một tu viện Phật giáo đầu tiên ở Khotan được xây dựng vào năm 211 trước Tây lịch. Vì vậy, trong suốt triều đại Vua Ashoka, Phật giáo nổi lên như là một tôn giáo minh bạch với nhiều tiềm năng được phép truyền bá rộng rãi.

Sau khi Đế chế Mauryan suy vi, người Hy Lạp thiết lập quyền cai trị tại Afghanistan và vùng Tây-bắc Ấn Độ. Tường thuật về Quốc vương Menander (còn gọi là Vua Milinda), một trong số những nhà cai trị người Hy Lạp, được tìm thấy trong tác phẩm văn học Phật giáo tiếng Pali là Milinda Panha (Thắc mắc của Vua Milinda). Tác phẩm văn học này ghi chép về cuộc đối thoại giữa Quốc vương Menander và nhà sư Phật giáo Ấn Độ Nagasena. Trong đó, bằng kỹ năng sư phạm bậc thầy, nhà sư Nagasena đã thành công trong việc giải đáp những thắc mắc, nghi vấn của Quốc vương Menander để cuối cùng vị Vua này đã phát nguyện quy y Tam bảo, thực hành theo đạo Phật.

Tác phẩm Milinda Panha cho biết Quốc vương Menander đã cúng dường Tăng đoàn và cũng đã xây dựng một tu viện với danh xưng Milinda-vihara để hiến cúng nhà sư Nagasena. Bên cạnh đó, bánh xe Pháp luân của Phật giáo còn được phát hiện khắc trên các đồng tiền của triều đại Menander và nhà Vua còn là một nhà bảo trợ và hộ pháp vĩ đại của Phật giáo cho đến khi ngài trút hơi thở cuối cùng.

Sau đó, nền tảng Phật giáo dọc theo con đường Trung Á càng được củng cố hơn nữa bởi Hoàng đế Kanishka của Đế chế Kushana, người có quyền cai trị một quốc gia rộng lớn trải dài từ Hindu Kush ngày nay đến Kabul, Gandhara, Bắc Pakistan và Tây-Bắc Ấn Độ.

Vì vậy, một hoạt động truyền bá Phật giáo không ngừng được tiến hành từ Tây-Bắc Ấn Độ đến các vùng dọc theo Con đường Tơ lụa. Lịch sử Phật giáo ghi chép rằng Hoàng đế Kanishka đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Nhờ sự bảo trợ của ngài mà Hội đồng (kết tập kinh điển) lần thứ 4 được triệu tập ở Kashmir dưới sự chủ trì của hai Đại sư Vasumitra và Ashvagosha.

Không những thế, trong suốt triều đại của Hoàng đế Kanishka, một phong cách nghệ thuật Ấn Độ-Hy Lạp, còn gọi là Nghệ thuật Gandhara được phát triển, thịnh hành hầu hết ở Punjab và Tây-Bắc Ấn Độ. Điển hình của nghệ thuật này là những tranh, tượng Phật giáo vô cùng sống động ở vùng Hy Mã Lạp Sơn thuộc tiểu bang Ladakh.

Như vậy, con đường thương mại cổ xưa đã đóng một vai trò rất có ý nghĩa trong việc phổ biến Phật giáo vượt biên giới lãnh thổ Ấn Độ. Nghệ thuật Phật giáo xuất phát từ tiểu lục địa Ấn Độ đã góp phần quan trọng trong việc xiển dương Phật pháp đến Trung Á và các quốc gia vùng Viễn Đông, để rồi thích ứng với phong cách và chuẩn mực bản địa trong mỗi quốc gia mà Phật giáo vừa mới truyền đến.

 

Chùa Phúc Lâm,
mùa Vu Lan PL. 2566 - 23/8/2022
Nguồn: https://www.socialnews.xyz/2022/07/12/buddhism-along-the-silk-route/

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 169
    • Số lượt truy cập : 6794063