Thông tin

THÔNG TIN TỪ QUANG TẬP 51

 

LỄ TƯỞNG NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN TU

 

 

Sáng 30/9/2024 (nhằm ngày 28/8 Giáp Ngọ), Ban Quản trị và Ban Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi đã tổ chức lễ tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Viện chủ Thích Hiển Tu.

Ban Quản trị và Ban Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi thống nhất hằng năm chọn ngày sinh 28/8 âl của Trưởng lão Hòa thượng Viện chủ Thích Hiển Tu làm ngày tưởng niệm. Đây là buổi lễ tưởng niệm đầu tiên như ngày Lễ Tiểu tường của Hòa thượng.

Tham dự buổi lễ ngoài chư tôn đức ở nội tự, còn có HT. Thích Minh Hiền, Cố vấn BTS GHPGVN Q.3 đồng thời là Trưởng ban thừa kế tổ đình Bửu Sơn, nơi HT Thích Hiển Tu là Viện chủ; TT. Thích Thiện Bửu, Trưởng BTS GHPGVN Q.3; TT. Thích Kiến Hạnh và ĐĐ. Thích Thiện Châu, Phó BTS GHPGVN Q.3.

TT. Thích An Tín, trụ trì chùa Phước Quang, Củ Chi, làm chủ lễ.

Tham dự còn có các cư sĩ Ban Phật học, Phật tử các đạo tràng của Chùa Phật học Xá Lợi. Chư tôn đức và Phật tử đã có thời kinh trợ tiến cầu nguyện cho Giác linh Hòa thượng.

Toàn thể chư tôn đức và Phật tử đã dâng hương tưởng niệm và đảnh lễ cố HT Thích Hiển Tu, cầu nguyện Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Trước buổi lễ, Ban Tổ chức có trình chiếu video clip về cuộc đời Trưởng lão Hòa thượng Viện chủ Thích Hiển Tu.

 

Tụng thời kinh cầu nguyện

 

Từ trái qua: HT. Thích Đồng Bổn, Trụ trì Chùa PH Xá Lợi;
HT. Thích Minh Hiền, Cố vấn BTS GHPGVN Q3;
TT. Thích Phước Triều, Phó trụ trì Chùa PH Xá Lợi dâng hương tưởng niệm

 

Chư tôn đức và Phật tử tưởng niệm

 

Cư sĩ Ban Phật học tưởng niệm

 

LỄ VÍA QUAN THẾ ÂM XUẤT GIA

 


 

Nhân kỷ niệm ngày vía Đức Quan Thế Âm xuất gia, lúc 6g30 sáng ngày 21/10/2024 (19/9 năm Giáp Thìn), đông đảo Phật tử các đạo tràng đã vân tập về Chùa Phật học Xá Lợi để tham dự lễ vía. Thượng tọa Thích Phước Triều, Phó trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi làm chủ lễ.

Chư Tăng và Phật tử đối trước hai tôn tượng Đức Quán Thế Âm thành kính lễ bái, trì tụng chú Đại Bi và niệm danh hiệu của Ngài trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh và thiêng liêng.

Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại, chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Bắc tông, như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã Tâm Kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà La Ni, Chuẩn Đề Đà La Ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát.

Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát 12 đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi. Ngài được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất.

Quan Âm ứng hóa vô phương, nghìn mắt nghìn tay, biến hóa khôn lường, dùng kinh Đại Bi trừ kiếp nạn, đoạn kiếp khổ. Ở bất cứ nơi đâu, ngài cũng có thể nghe hiểu thấu nỗi khổ chúng sinh, sẵn sàng dang tay nâng đỡ, che chở.

“Pháp Hoa Kinh” có viết: “Chúng sinh khổ não, một lòng gọi tên Bồ tát, đến giải thoát ngay, lấy hiệu Quan Thế Âm”. Ngài là một trong Tây phương Tam Thánh, cùng với Đại Thế Chí Bồ tát là hiếp thị (hầu sát cạnh) của Giáo chủ Tây phương Cực lạc Thế giới A Di Đà Phật.

 


Chư Tăng và Phật tử đối trước tôn tượng Đức Quán Thế Âm bên trong khuôn viên chùa,
thành kính lễ bái, trì tụng chú Đại Bi và niệm danh hiệu của Ngài.

Chư Tăng và Phật tử đối trước tôn tượng Đức Quán Thế Âm phía ngoài,
thành kính lễ bái, trì tụng chú Đại Bi và niệm danh hiệu của Ngài.

 

KHAI ĐÀN DƯỢC SƯ THẤT KHU THÁNG 9 NĂM GIÁP THÌN

 

Sáng 29/10/2024 (27/9 năm Giáp Thìn), Chùa Phật học Xá Lợi đã tổ chức khai Đàn Dược Sư Thất Khu. Lễ khai đàn Dược Sư tại Chùa Phật học Xá Lợi thực hiện theo nghi lễ truyền thống, chủ sám niệm hương bạch Phật, lễ sái tịnh và khai kinh Dược Sư mở đầu Pháp hội Dược Sư trong 3 ngày. Sám chủ khai đàn là Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi.

Đức Phật Dược Sư là đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt ba độc tố - tham trước, sân hận và si mê – cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác.

Theo các Kinh điển Phật giáo, thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tướng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các Ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân), danh hiệu của các Ngài là:

1. Đức Thiện Danh Xưng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Quang Thắng, cách thế giới Ta-bà 4 hằng hà sa Phật độ;

2. Đức Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai, ở quốc độ tên là Diệu Bảo, cách thế giới Ta-bà 5 hằng hà sa Phật độ;

3. Đức Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Như Lai, ở quốc độ tên là Viên Mãn Hương Tích, cách thế giới Ta-bà 6 hằng hà sa Phật độ;

4. Đức Vô Ưu Tối Thắng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Vô Ưu, cách thế giới Ta-bà 7 hằng hà sa Phật độ;

5. Đức Pháp Hải Lôi Âm Như Lai, ở quốc độ tên là Pháp Tràng, cách thế giới Ta-bà 8 hằng hà sa Phật độ;

6. Đức Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai, ở quốc độ tên là Thiện Trụ Bảo Hải, cách thế giới Ta-bà 9 hằng hà sa Phật độ;

7. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, ở quốc độ Tịnh Lưu Ly, cách thế giới Ta-bà 10 hằng hà sa Phật độ.

Dược Sư là thầy thuốc; Dược Sư cũng có thể hiểu là một phương thuốc.

Lưu Ly Quang là ánh sáng trong suốt như ngọc lưu ly, tượng trưng cho ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoàn toàn thanh tịnh.

Danh hiệu của bảy Đức Phật chính là bảy phương thuốc để trị liệu thân bệnh, tâm bệnh, nghiệp bệnh của chúng sanh bằng sự thanh tịnh. Nói theo tinh thần Phật học, thì hồng danh đức hiệu của mỗi Đức Phật là một phương thuốc; là một pháp hành mà người học Phật phải ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày để chuyển hóa khổ đau đem lại an vui hạnh phúc.

Về công phu trì niệm hồng danh Đức Phật Dược Sư, mặc dù Ngài có nhiều danh hiệu nhưng trì niệm hồng danh thường là Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật hay Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Đàn Dược sư kéo dài đến ngày 31/10/2024 (29/9 năm Giáp Thìn).

 

 

Chư Tăng và Phật tử niệm hương bạch Phật

Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi thực hiện nghi thức khai đàn

 Hòa thượng Thích Đồng Bổn, Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi thực hiện nghi thức sái tịnh

 

Chư Tăng và Phật tử tụng kinh Dược Sư

 

NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ: “ĐẠO ÔNG BÀ LÀ NỀN TẢNG VĂN HÓA VIỆT NAM

 


 

Sáng 02/11/2024 (2/10 Giáp Thìn), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã có buổi nói chuyện về đề tài “Đạo Ông Bà là nền tảng văn hóa Việt Nam.

Theo ông Trần Đình Sơn, đạo Ông Bà hay tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên có mặt trong văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, trước khi các tôn giáo, hệ tư tưởng như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo truyền vào. Nho giáo không giải quyết được vấn đề đời sau, chỉ chú trọng hiện tại mà thôi; con người sống và phục vụ đời sống hiện tại, tập trung xây dựng một xã hội dựa trên cương thường, tránh bàn đến chuyện thần linh, ma quỷ. Lão giáo lại chủ trương siêu thoát thần tiên, tạm coi là đã tiết chế dục vọng, hướng tới một đời sống lành mạnh, gần với tự nhiên.

Tuy nhiên, khi các tôn giáo này du nhập vào Việt Nam, hầu như đều phải tôn trọng, không có sự phản bác nào với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Thế kỷ XVII, khi đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam, tôn giáo này không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, chỉ đặt niềm tin và thờ phụng Thiên Chúa. Trong sách Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre de Rhodes, có một điều được nhắc đến đó là người theo đạo Thiên Chúa phải tuyệt đối gạt bỏ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Bởi lý do đó, những chính quyền quân chủ trước đây cấm đoán nghiêm ngặt đạo Thiên Chúa vì cho rằng tôn giáo này khiến cho quần chúng Việt Nam đánh mất đi cái gốc văn hóa.

Nói như vậy để thấy rõ, đối với người Việt, sự thờ cúng tổ tiên rất quan trọng, vượt ngoài phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo đơn thuần. Tam giáo Nho - Phật - Lão đều phải chấp nhận điều đó. Ngay tới sau này, Giáo hội Công giáo La Mã cũng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và có những cải cách cho phép tín hữu Công giáo Việt Nam được thờ cúng tổ tiên, phá bỏ bức tường ngăn cách người Việt với đạo Thiên Chúa.

Người Việt coi trọng việc phụng thờ ông bà cha mẹ nhiều đời sau khi thác cũng ngang với phụng dưỡng cha mẹ ông bà còn sống. Họ luôn bị chi phối bởi niềm tin rằng “sống ở, thác về”: Cõi âm của người chết là một thế giới chuyển tiếp từ cõi sống sang. Ông bà cha mẹ lìa đời thì trở về với tổ tiên họ tộc ở cõi âm, và dù có chết đi, vẫn quanh quẩn cùng con cháu. Từ đó mà có giỗ chạp, như một dịp để con cháu tưởng nhớ, làm những món ăn ngày xưa ông bà cha mẹ thích để dâng cúng. Ngày Tết, người ta tin ông bà cũng từ cõi âm về ăn Tết cùng con cháu, sáng pha trà tối dâng cơm như khi ông bà cha mẹ còn ở đời.

Phật giáo là một tôn giáo đã kết hợp với văn hóa Việt Nam qua quá trình lâu dài, biến chuyển và tạo nên những hình thái rất tốt đẹp, một trong số đó là cách thể hiện hiếu đạo. Đức Phật từng dạy rằng “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.

Dưới đời Lý-Trần, khi Phật giáo thịnh hành, lệ hỏa táng rất thông dụng. Từ đời Lê trở về sau, khi Nho giáo chiếm vị trí chủ đạo, người Việt không còn chấp nhận chuyện thiêu đốt thân xác sau khi qua đời nữa. Việc xây lăng mộ kiên cố, to lớn cũng xuất phát từ đây. Nương theo thời thế, Phật giáo dần coi nghi lễ là một phương tiện báo hiếu, lồng ghép sự cầu nguyện vào bên trong và tùy theo khả năng mà người đời dốc tận lực để thực hiện những nghi lễ đó nhằm báo hiếu tổ tiên, phụ mẫu.

Cũng bởi không ai muốn niềm tin đó đứt đoạn, nên việc thờ cúng tổ tiên, giữ gìn mồ mả với văn hóa Việt Nam rất được coi trọng. Người Việt có thể cả đời không đi chùa, thờ Phật, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ vẫn thỉnh nhà sư đến tụng kinh, cầu siêu độ, đó chính là cầu nối đem đạo Phật vào đời. Vấn vương suy nghĩ muốn báo hiếu, rất nhiều người chọn việc gửi di cốt ông bà cha mẹ vào chùa vì tin rằng ở đó, ông bà cha mẹ sẽ tiếp tục được gần gũi Phật pháp, nghe kinh kệ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6920731