Thông tin

THÔNG TIN

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ - TRÍ TÂM - NHUẬN KIÊN

 

KIỀM CHẾ CẢM XÚC TIÊU CỰC

Tối ngày 24/4/2021, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa Phật học Xá Lợi, Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Tiến sĩ Phật học, UV Ban Hoằng pháp Trung ương, đã đến thuyết pháp với chủ đề “Cảm xúc tiêu cực”. Đông đảo Phật tử, trong đó có các thành viên Hội Người mù đã đến dự.

Với chất giọng trong sáng, truyền cảm Ni sư đã thuyết giảng:

- Về những cảm xúc, cụ thể là những cảm xúc tiêu cực, nếu cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống thì chúng ta sẽ khó thoát khỏi tình trạng tồi tệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống. Các cảm xúc tiêu cực sẽ che mờ lý trí làm giảm khả năng ứng xử khôn ngoan của chính chúng ta trong giao tiếp, dẫn đến những lời nói, hành động không đúng mực, không hợp lý. Cảm xúc tiêu cực không làm tiêu tan những đau buồn trong dĩ vãng mà chỉ xua tan ý chí hành động của hôm nay.

- Khi chúng ta muốn thành công phải tập thói quen khống chế, làm chủ các cảm xúc tiêu cực của mình và chuyển hóa chúng thành các cảm xúc tích cực. Chúng ta cần luôn luôn giữ thái độ lạc quan, tự tin, xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh, có cái nhìn khoan dung độ lượng, có trách nhiệm về những gì mình làm và tập trung vào mục tiêu đề ra. Càng tập trung suy nghĩ vào những yếu tố tích cực thì càng dễ kiềm chế cảm xúc tiêu cực phát sinh. Thái độ sống vui vẻ, hài hước, giúp bạn có những cảm xúc tốt nhất có thể ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất.

- Khi đã làm chủ được cảm xúc của mình sẽ giúp bản thân bạn vượt qua được những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Dù cho đây không phải là điều dễ dàng gì, nhưng chỉ cần chúng ta cố gắng, quyết tâm và hướng đến những điều tích cực thì thành công ắt sẽ đến. Với những dẫn chứng đơn giản, dí dỏm, Ni sư đã dẫn dắt mọi người thấu hiểu được ý nghĩa này.

 

Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ

Đông đảo Phật tử đã lắng nghe bài pháp của Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ

 

LỄ HÚY KỴ LẦN THỨ 48 CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN

Ngày 26-4-2021 (15-3 Tân Sửu), Chùa Phật học Xá Lợi tổ chức lễ giỗ lần thứ 48 Cụ Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, thành viên sáng lập Hội Phật học Nam Việt, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt.

Chư Tăng nội tự, Ban Quản trị Chùa Phật học Xá Lợi, các thành viên Ban Phật học, các đạo tràng Chùa Phật học Xá Lợi, gia đình cố Hội trưởng và đông đảo Phật tử đã về dự lễ húy kỵ.

Cư sĩ Chánh Trí đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực, uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo, dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

 

 

Nghi thức lễ húy kỵ

 

LỄ TẮM PHẬT TẠI CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI

Lễ tắm Phật tại Chùa Phật học Xá Lợi (89 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM) đã trang nghiêm diễn ra sáng ngày 19-5-2021 (8-4 ÂL), PL 2565.

Năm nay, do phòng chống dịch Covid-19, nên việc tổ chức nghi lễ tắm Phật tại chùa Phật học Xá Lợi được Ban Quản trị chùa tổ chức lễ 2 nơi: Chánh điện và Giảng đường Chánh Trí để giãn cách theo chủ trương chung. Tất cả chư tăng nội tự và Phật tử tham dự đều thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, giữ khoảng cách xa,…

HT.Thích Đồng Bổn, trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi đã dâng hương, bạch Phật mở đầu nghi thức tắm Phật.

Tiếp đó, chư Tăng và Phật tử chùa Xá Lợi cùng nhau tụng bài sám tắm Phật, và thực hiện nghi thức tắm Phật kính mừng Phật đản sanh PL.2565.

 

HT.Thích Đồng Bổn, trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi bạch Phật mở đầu nghi thức tắm Phật.

Chư Tăng nội tự tắm Phật

 

LỄ KHÁNH ĐẢN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI PL. 2565

Sáng 26-5-2021 (15-04 Tân Sửu), Ban Quản trị Chùa Phật học Xá Lợi đã tổ chức trang nghiêm Lễ Khánh đản Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2565.

Mùa Phật đản Phật lịch 2565 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở hầu khắp các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế, GHPGVN chủ trương tổ chức Đại lễ Phật đản 2021 an lạc, trang nghiêm, gọn nhẹ, không tập trung đông người. Thực hiện văn bản số 1641/UBND-VX ngày 21-5-2021 của UBND TP, Ban Quản trị Chùa đã tổ chức lễ Phật đản ở 3 địa điểm nội tự, ở 3 khung giờ khác nhau để tránh tập trung không quá 20 người. Phật tử dự lễ đều thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sau nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ, chư Tăng và Phật tử tiến hành tụng Sám khánh đản Đức Phật và cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

 

 

7 giờ sáng tại sân tượng Quan Âm mới

8 giờ sáng tại phía sau tượng Quan Âm cũ

9 giờ sáng tại Giảng đường Chánh Trí.

 

TRAO ĐỔI CHUYÊN ĐỀ: “TÌM HIỂU ĐỨC TIN TRONG PHẬT GIÁO”

Sáng 17/4/2021 (nhằm ngày mùng 6 tháng 3 năm Tân Sửu), tại Chùa Phật học Xá Lợi đã có buổi trao đổi về đề tài “Tìm hiểu đức tin trong Phật giáo”. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trưởng Ban Phật học Chùa Phật học Xá Lợi, chủ trì buổi trao đổi.

Buổi trao đổi dành phần lớn thời gian để các thành viên nêu lý do mình tin và theo đạo Phật. Đa số vì tin vào luật nhân quả mà Đức Phật đã truyền dạy. Có thành viên tin và theo đạo Phật vì theo truyền thống gia đình. Có trường hợp lúc đầu chưa hiểu về đạo Phật nhưng qua thời gian nghiên cứu, học hỏi nhận thấy đạo Phật rất trí tuệ, càng học càng thích nên tin và theo đạo Phật.

Ông Trần Đình Sơn cho rằng đức tin của Phật giáo là chánh tín và nương tựa vào tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Người Phật tử cố gắng giữ 5 giới cho thật tốt chính là thể hiện đức tin của mình. Có nhiều Phật tử 5 giới giữ chưa tròn mà muốn vượt lên thọ Bồ tát giới, như vậy rất khó đạt được tinh tấn trong tu tập.

Ngoài ra, ông Trần Đình Sơn còn giải thích vài ý kiến của các thành viên như có thể quy y nhiều lần được không, Tịnh độ có phải là Niết bàn không,…

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

 

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC PHẬT

Sáng 15/5/2021 (nhằm ngày mùng 4 tháng 4 năm Tân Sửu), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Đạo diễn Kha Thùy Châu (Nguyễn Tấn Thành) đã có buổi chia sẻ về kinh nghiệm học Phật. Theo cư sĩ Kha Thùy Châu, trong quá trình học Phật, ông nhận thấy có nhiều vấn đề cần thảo luận. Những vấn đề cư sĩ Kha Thùy Châu đặt ra rất gần gũi và hữu ích. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên phần lớn thời gian các thành viên chỉ tập trung thảo luận vấn đề “Đạo Phật có phải là một tôn giáo?”.

Theo ông Châu, đạo Phật không phải là một tôn giáo theo như mọi người vẫn nghĩ. Đạo Phật không chấp nhận rằng có một thế lực, sức mạnh, thần linh, ông trời, thần thánh, lễ nghi, tục lệ nào có thể quyết định vận mệnh của chúng ta. Do vậy, đạo Phật không có các tập quán lễ nghi nào tỏ thái độ tin tưởng và tôn sùng sức mạnh, thế lực nào đó.

Các thành viên góp ý thêm: Theo đạo Phật, mọi vật vận hành theo luật nhân quả. Do ta gieo nhân là các hành động (hành nghiệp) có chủ ý ở quá khứ mà chúng ta sẽ gặt hái các quả trong hiện tại hay trong tương lai; tương tự, hành động có chủ ý ở hiện tại sẽ cho quả ở tương lai. Hành động ở đây bao gồm ý hành, thân hành và khẩu hành. Ý hành là các suy nghĩ trong tâm, thân hành là các hành động bằng thân thể và khẩu hành là lời nói. Quả ở hiện tại hay ở tương lai có cơ hội trổ ra hay không còn tùy thuộc vào các điều kiện (duyên) cần thiết. Khi nhân duyên chín muồi thì quả chắc chắn sẽ trổ mà không thể ngăn cản được. Khi nhân đã được gieo và quả đã được trổ ra trọn vẹn thì nhân ấy không còn tồn tại nữa.

Do vậy mà không có các thế lực, sức mạnh siêu nhiên, thần linh, thần thánh, lễ nghi nào quyết định số phận, vận mệnh của ta. Nếu có tồn tại một vị thần linh có thể tác động đến vận mệnh của ta thì đó chính là nghiệp của ta. Nhưng vì nghiệp là do ta tạo ra và ta không thể thay đổi được nghiệp quá khứ nên không thể có vị thần linh nào cả.

Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí của ngành Tôn giáo học thì đạo Phật là một tôn giáo vì nó hội đủ điều kiện: Niềm tin vào cái thiêng, được biểu đạt bằng thực hành gắn kết với niềm tin đó, tạo thành cộng đồng người có cùng niềm tin vào cái thiêng, trước hết là cộng đồng luân lý. Các yếu tố đó tạo ra các hệ thống được gọi là tôn giáo.

Do đó, có thể nói rằng đạo Phật là một tôn giáo theo nghĩa thế tục nhưng mang tính triết lý sâu sắc. Đạo Phật không có sự ràng buộc tín đồ, khác hoàn toàn so với các tôn giáo khác. Đức Phật không phải là một đấng tối cao quyết định vận mạng của chúng ta. Đức Phật ra đời và dạy chúng ta bốn chân lý cao thượng là Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Vì lý do như vậy mà chúng ta tôn kính Đức Phật, vì đó là vị thầy tối thượng: Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và nhân loại.

 

Cư sĩ Đạo diễn Kha Thùy Châu

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6114401