Thông tin

THƯ THAM LUẬN

 

TRẦN NGỌC NINH[1]

 

Kính gửi:

T.T Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thát

 

Kính Bạch Thượng Toạ

Chúng tôi mới nhận được thư mời Hội thảo của Thượng Toạ thay mặt Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.Là một người chỉ mới học Phật, lại rời bỏ quê hương từ gần đúng ba mươi năm, tôi không dám tham luận hay thuyết trình và cũng không thể có mặt dự cuộc Hội thảo quan trọng này.Tuy nhiên, vì tinh thần trách nhiệm, tôi cũng xin đóng góp một vài ý kiến riêng tư thô thiển gửi đến Thượng Toạ để Thượng Toạ và Ban Tổ chức Hội Nghị hoàn toàn tuỳ nghi sử dụng.Tôi sẽ không nói gì đến chính trị và Chính quyền, vì sau khi rời nước tôi đã nguyện chỉ nói chính trị với những người hay đoàn thể có trách nhiệm hay với đoàn thể nhân dân, nhưng tất nhiên không thể tránh được sự gián tiếp đụng chạm nếu có người cho rằng không có một lời nói hay một hành động gì của một cá nhân nào không có một khía cạnh chính trị và một sắc thái giai cấp.

Tôi xin phép vào đề ngay và sẽ phát biểu rất vắn tắt, không biện luận vì mỗi vấn đề là cả một cuốn sách nếu không là một tủ sách, và không có một vấn đề nào thu hẹp được trong không gian hay thời gian giới hạn.

Thế giới của Việt Nam xưa, gọi là xưa nhưng cách đây cũng không lâu, có chân trời ở Yên-kinh, rồi ở Paris mà ta gọi là Ba-lê vì chưa ra khỏi sự đô hộ tri thức của của Trung Hoa Khổng-Mạnh.Nay chân trời mới đổi chiều nhưng vẫn bị một bức tường thành chặn tầm mắt và tư tưởng.Nhưng thế giới mà Đức Phật gọi là cõi người vì đã thấy rằng nó có giới hạn – đang khép lại, và không những rằng nó bao vây ta, nó sẽ, nó đang xâm nhập ta.Đó là một sự đáng mừng, nhưng không có một sự đáng mừng nào không tạo ra những ưu phiền lo âu, tạm gọi là vấn đề.Một vấn đề là một vấn đề, một câu hỏi vĩnh viễn không giải đáp cho đến khi có một vấn đề khác.

Tôi tạm ra khỏi Việt Nam ở thời này.Vì rắng những người chết vẫn sống với chúng ta và quá khứ vẫn mờ mịt cả hiện tại.

Bỏ ra ngoài những văn minh đã chết hay bị dìm chết, (nhiều nền văn minh sáng lạn hơn Việt Nam) và thu hẹp nhãn quan vào châu Á- Âu (về địa lý, Âu châu chỉ là một cái mỏm cực Tây của đại lục Á châu), chỉ có hai địa hạt tinh thần, một là giải đất rộng từ India (tôi xin phép dùng những địa danh quốc tế thông qua cái lăng kính của hoa ngữ) Từ India đến bán đảo Greece qua khu vực Tiểu Asia; hai là châu thổ Hoàng-hà và Dương-tử.Trong mọi thời đại kì diệu mà có một triết gia (tôi lại xin phép không để tên cũng không dẫn chứng) gọi là “Thi trục” ở hai khu vực này đã có những vị thượng trí thức xuất hiện để hướng dẫn nhân loại: Zarathuotra, tác giả về vô danh của ba cuốn Upanishads (Áo Nghĩa Thư) đầu tiên, Đức Phật Sakya, Mahavira Jina, Socrat, Plato, Aristot, Jesus rồi Mahomet, ở địa hạt thứ nhất; Khổng Khâu, Lão-Đam (?), Mặc-tử, Trang Châu ở Trung Hoa.Tất cả các vị này, tuy mỗi vị có một giáo lí hay một học thuyết riêng, nhưng cũng đều chịu ảnh hưởng của những luồng tinh thần ngầm của các dân tộc địa phương mà ngày nay không còn ai biết rõ.Trong địa hạt India-Greece, cái giòng chính là dùng sự luận lí để tìm chân lí, từ cái gốc ấy đã mọc ra khoa logic và triết lí, và một cái chồi nữa là algouth, toán học với khoa học.Trong địa hạt hoa ngữ, giòng chính là sự đi tìm “đạo” để tạo ra nền trật tự gọi là “bình thiên hạ” từ cái gốc ấy, kĩ thuật đã nảy nở mà không vào khoa học, và triết lý cũng không phát triển được.Đến đời Hán thì một “đạo” được chính quyền chọn là chính thống và các tranh luận của bách gia chư tử bị cắt đứt, cho đến khi Đạo Phật du nhập vào.Đạo Phật lúc đó đã qua thời đại Nagurjune (Long Thọ) và Asanga- Vasubandhu (Vô Trước - Thế Thân), đã phải chuyển di sang Trung Hoa để tránh nạn diệt vong.Lúc đầu phải chấp nhận không những là một số ngôn-từ của tư tưởng Hán mà cả một vài chế độ của xã hội Hán (tục thờ cúng tổ tiên, đức hiếu, sự biến Moggallana thành Mục-kiền-liên, sự dìm địa vị của người đàn bà).Đạo Phật chinh phục cả cõi Đông Á.Thiền đạo từ tổ Huệ Năng, không những chỉ chuyển từ Lăng-già mà Bồ-đề Đạt-ma (Bodhi-Dharma) mang tới, sang kinh Kim-cương, mà còn thu thập phép tĩnh tâm để biến Thiền Như Lai và Diện Bích Thiền thành Thiền của Tổ và bắt đầu lập ra những công án như Trang-tử.Tôi nhắc lại những chuyện xưa này chỉ đễ nói rằng trong lịch sử (không phải là lần thứ nhất) Đạo Phật đã dung hóa mà còn tự hóa để hoằng đạo.Đó là cái đức lớn của Đạo.Sau đó thì chính Khổng giáo cũng phải thay đổi.Chu Hi, Trình Hạo rồi Vương Dương Minh cùng đều nhiễm Duy-Thức-học để lập ra Tân-Khổng-giáo đời Tống và đời Minh. Cho đến thời nay.Tất cả các đạo cũ, của hơn hai ngàn năm lịch sử, đều bị cấm vì đã có một đạo mới lên ngôi thượng tôn.Cũng vẫn ở trong truyền thống Trung Hoa là chối từ sự tìm chân lí và bản thể bằng logic mà thôi.Gần đây, báo chí quốc tế đăng tin rằng võ thuật Thiếu-Lâm-tự lại được phục sinh.Thiền Thiếu Lâm là Thiền Bắc tông, tôi gọi là Thiền dấn thân, Thiền của các thiền sư cầm thiền-trượng đi hành hiệp, có khi trong các Bang Hội buôn muối.Hãy cẩn thận.Đây có thể chỉ là để diệt một phái Phật-giáo dấn thân mới thành lập.Tôi xin ngưng bút tuy là chuyện nước khác.

Thế giới cũ đế lắm. Chỉ có chuyện với lân bang. Mà lân bang dù lớn đến đâu thì đại khái cũng chỉ hơn ta một chút. Lâm trận thì cũng cầm cây giáo, cây qua và đỡ bằng cái khiên mộc. Chiến thuyền thì bằng gỗ, cọc tre có thể đâm thủng.

Thế giới biến đổi khi từ một nửa trái đất xa có những chiến hạm bịt sắt, chạy hơi nước, có súng đại bác lắp trên, đến cửa bể của ta. Hai mươi người lính đánh thuê, có súng, đủ để hạ thành Hà Nội và chiếm cả Bắc Hà. Đó là chuyện của ngày hôm qua.

Ngày hôm nay, chúng ta đã sang một kỷ nguyên khác nữa. Từ Bắc cực hay từ một lục địa khác, người ta có ý thức hệ đường mật, có tiền tài, có nhạc rock, có ti vi, có computer… để dỗ dành, để quyến rũ, hỏi ai là người không ham? Là vì trong bụng con người, lòng người thì ngắn mà lòng lợn còn dài lắm.

Đó là mối đe dọa lớn nhất, không những cho dân tộc, không những cho nước mà trước nhất là cho Đạo, tức là cho Con Người. Kể cả con người của các siêu cường quốc.

Tôi là một người ở trong khoa học. Tuy rằng y học trong thực tế chỉ là một khoa học áp dụng, nhưng gần đây đã có những căn bản khoa học vững chãi. Và không bao giờ tôi mất tin ở khoa học. Khoa học và một phần nào, cả kỹ thuật nữa, là một yếu tố lớn để giải thoát tri thức của con người.

Nhớ lại, vào khoảng năm 1970, tôi được mời vào Ban giáo sư trường Đại học Vạn Hạnh. Năm đầu tôi được giao cho đề tài “Đạo Phật và khoa học”. Lúc ấy, tôi chẳng biết gì về đạo Phật, tuy rằng tôi thờ Phật từ thế kỷ thứ mười hai. Tôi bắt đầu học Phật để đi tìm lại tôi và tôi đọc Đại Tạng qua Trường Bộ Kinh (mới có quyển đầu) và qua bản dịch Anh ngữ của Hội Pali văn bản. Đức Phật dạy tôi rằng phải đổi lại đề tài đi. Và tôi giảng về Khoa học và kỹ thuật có hợp với tinh thần Phật giáo hay không? Tôi vẫn nghĩ rằng đó là một vấn đề then chốt trong thời đại. Mục đích thứ hai của Hội thảo trong tương lai là sự phán xét của Phật giáo về khoa học hiện đại, phương pháp, thành quả, khuynh hướng, chứ không phải là “thảo luận một cách khoa học về những vấn đề của Phật giáo”.

Nhưng ở tình trạng khoa học của đầu thế kỷ 21, vấn đề lại thay đổi, vì những khám phá mới không đi ngược lại những hé lộ trong kinh Phật. Tôi chỉ kể ba điểm:

- Thứ nhất là ba điểm căn bản: 1. Về luận lý logic, Godel chứng minh rằng trong bất cứ một hệ định đề nào của toán học, cũng có những điều không thể chứng minh cũng không thể phủ nhận bằng chính những định đề của hệ thống; 2. Về vật lý: không thể nào xác định được cùng một lúc vị trí và tốc độ của một hạt (Heisenberg); 3. Không có cách nào theo rõi được sự biến đổi của một hệ thống từ một thể có cơ cấu chuyển thành hổn độn (chaotic) sắc tức thị không, không tức thị sắc.

- Hai: Chính thức Phật giảng về sự nở và sự co rút của vũ trụ, một điều mà Einstern không dám nhận và đã được chứng minh, ít ra là cho vũ trụ của chúng ta, rồi đưa đến thuyết bùng nổ lớn nguyên thủy (Big bang). Và kinh Hoa Nghiêm nói về cái mạng lưới của Indra để giữ các thiên hà và các tinh tú trên trời, một hình ảnh của những siêu thằng (superstrongs) trong thuyết mới nhất về thiên thể học.

- Ba: Cấu trúc vòng xoắn kép (double helix) của DNA để giải thích luật di truyền mà đức Phật nhận là có, trong khi khoa học huyền bí Á Đông còn truyền những thoại vô căn cứ về địa lí.

Đến đây, tôi thấy rằng bức thư này đã quá dài. Tôi xin phép kết thúc bằng một lời mong ước. Là trong thời đại mới trước tất cả những vấn nạn mới của con  người trong thế giới và ở Việt Nam, Giáo hội cần có một lớp Tăng Ni mới, không những là hiểu giáo lý như TT. Tuệ Sỹ và các thầy đã luôn luôn nhắc nhở mà còn có cái học ngoài đời. Không cần đi đến những phương thức và phương trình (bình quân) toán học, lý hóa, hay những thống kê phiền phức, nhưng phải cố hiểu được những điều căn bản về xã hội, tâm lí, sinh học, môi trường… và cả đến những vấn đề trai gái, sinh đẻ, giáo dục, phá thai v.v… tiếng nói của các Tăng Ni cho mỗi người vẫn còn có một sức mạnh thuyết phục rất lớn.

Và đối với Giáo hội, nên có một thái độ tích cực, thực tiễn về những vấn đề lớn như tư bản và bố thí, tham gia công tác và đạo đức nghề nghiệp, ma túy và những sản phẩm khiêu dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ vị thành niên, bệnh Aids (SIDA) và các bệnh hoa liễu… tùy theo thời cuộc. Sự tham khảo ý kiến của các Phật tử hữu học là một việc phải thường xuyên và nên nuôi dưỡng.

Tôi sợ rằng trong sự nhiệt thành, có lúc tôi đã đi quá xa. Nhưng tôi nghĩ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, một tôn giáo lớn của dân tộc, đã tự chứng trong lịch sử, cũng là một sức mạnh tinh thần vô cùng xây dựng và luôn luôn hiệu quả.

Trần Ngọc Ninh (Hoa Kỳ)

Thưa Thượng tọa,

Tôi rất mừng được thấy Thượng tọa vẫn mạnh, vẫn đóng góp nhiều cho đạo pháp và xứ sở dân tộc. Xin chúc cho buổi Hội thảo thành công, nhân dân trong nước và ngoài nước đều hưởng ứng Giáo hội vĩnh cửu, bình an.

Thân kính.

 

Kính gởi Thượng tọa Trí Siêu

Thưa Thượng tọa,

Trước hết tôi xin Thượng tọa thứ lỗi cho vì vẫn gọi Thượng tọa với chức cũ và tên cũ. Đối với tôi một Thượng tọa mà tôi biết mãi mãi là một Thượng tọa, bất kể nay là gì để giữ được mối thân tình xưa. Sau nữa là vì không về dự Đại hội NCPH được mà chỉ viết thư riêng về Thượng tọa chứ không có bài tham luận.

Bữa nay, vừa lễ Phật xong, bổng nhiên nghĩ đến một vấn đề là một nguyên nhân của hận thù và chiến tranh trong quá khứ và còn lâu nữa trong tương lai, mà đức Thế Tôn xưa từ hơn 25 thế kỷ trước đã nói ra và đã chỉ dạy đường lối để giải tỏa, là sự chênh lệch càng ngày càng lớn càng sâu, giữa người có và người không, nước có và nước không, và có lẽ giai cấp có và giai cấp không…

Tôi không nói gì đến sự có, sự không về tiền của và về phương tiện sản xuất hay phương tiện giết người. Càng nói đến những điều này, càng gây thêm sự thù hận, sự đổ máu, cách mệnh, khủng bố và gì nữa mà đời chúng ta chưa biết. Giải quyết vấn đề bằng tàn bạo, thanh toán, không giải quyết được gì cả, vì hận thù không những gọi hận thù mà còn tích lũy lên và truyền đời theo luật danh dự của đời phong kiến mà đời nay chưa xóa bỏ. Tôi không kể những thí dụ hiển nhiên của lịch sử cận đại.

Tôi nghĩ đến cái hố sâu giữa sự có và sự không, về sự hiểu và sự biết làm (know-how). Một bên là cái thế giới nắm giữ khoa học và kỹ thuật học ở đó sự hiểu biết chỉ có một giới hạn là trời xanh; một bên là cái thế giới rải rắc được gọi một cách khinh bỉ che đậy là thế giới thứ Ba. Cái vực sâu thăm thẳm ấy không chỉ ở trên bình diện trái đất không thôi mà ở ngay trên đất nước của ta (và ở trong xã hội của ta, nhưng tôi xin phép không nói đến sự chênh lệch giữa những người “có học” và những người thiếu học, tuy cũng là người Việt Nam gốc). Nói một cách vắn tắt và thu gọn, những người “có” tự coi là lớp trên, giới “hữu học”, giới “thượng lưu” và coi thường những người “không” là quê mùa, mọi rợ, thấp kém, hạ tiện.

Về phương diện triết lý, sự phân biệt ấy là sự tồn tại và biến chất của một nét tâm lý bộ lạc được gọi là “cái khác” (l’antie, the other) hay “cái không ta”. Những người của một bộ lạc gặp một bộ lạc khác thấy rằng họ khác mình, mình đội khăn lông chim trĩ, thắt lưng lá gồi, xăm mình chim cút; họ đội khăn có lông công, thắt lưng lá cọ, xâm mình con rắn; mình nói như chim di, họ nói như chim chích. Trong tiếng ta, ta tự xưng là “người”, họ là “kẻ” (kẻ kia), xa hơn nữa là “mán” là “mọi”. Trong tiếng tàu, người tàu tự xưng là Hoa, là Hạ, là Thượng, là Chu, là Hán, còn ngoài ra thì là Di, là Nhung, là Man… Trong tiếng Hi lạp, mình là Grec, họ là Barbari. Hiện tượng học (phenomé-nologic) suy tư rất nhiều về “cái khác”. Có một điều phải nói ngay là thời thái cổ, những tên gọi ấy không có tính cách châm biếm hoặc khinh thị, mà còn có sự e dè, kinh sợ. Người Hán nói đến dân Khuyển Nhung, Hung Nô hay Nam Man như những kẻ địch đáng nể vì, chứ không phải để coi thường. Vạn Lý Trường Thành còn đó để chứng tỏ sự đe dọa của các bộ lạc miền Bắc. Người thời cổ văn minh hơn người thời nay ở chỗ ấy.

Thế giới văn minh ngày nay là một thế giới vô cùng tự kiêu trong ít nhất là hai thế kỷ vừa qua, Âu Châu nghĩ rằng họ là cái rốn của vũ trụ. Sự kiêu ngạo ấy được truyền sang Nhật Bản, rồi sang Nga khi Nga lập chế độ Cộng Sản và đi vào sự công nghệ hóa triệt để. Trong hiện tại, Hoa Kỳ là siêu cường mạnh và tân tiến nhất, họ đang tưởng rằng cả thế giới sẽ phải ở dưới chân họ. Chủ nghĩa Marx tạm dừng lại, nhưng chủ thuyết Dawin xã hội vẫn còn dai dẳng, họ tin rằng mạnh được yếu thua, kẻ nào không đi được vào đời sống tiến bộ sẽ phải bị đào thải như những con vật tiền sử. Phong trào Tân Phát-xít vẫn còn hoạt động dưới những trá danh trong vài giới ở ngoài nước. Trong tinh thần Trung đạo của đức Thế Tôn, tôi lên án những chủ trương cực đoan, quá khích, sai lầm tự tôn vô lối ấy. Tại sao sai lầm? Tại sao vô lối?

Quả đất là một cái cầu xoay nghiêng và quay lệch quanh mặt trời. Không biết vì lí do gì, đất trụ ở Bắc bán cầu nhiều hơn là ở bán cầu phía Nam, vì thế mà sự di động của các loài thực vật cũng như động vật có phần dễ dàng và giàu mạnh tại bán cầu miền Bắc. Loài người Nguyên thủy sinh ra là ở một vùng tại bờ đông của Phi châu nhiệt đới và chỉ có một loài ấy mà thôi. Có một hai sự đột biến của gen trong loài người ấy, nhưng trong tình trạng hiện tại của khoa học, chúng ta có thể khẳng định rằng tất cả các người sống trên mặt đất ngày nay là cùng một mẹ. Sau đó, có sự dị biệt trong loài là do sự thích nghi với thiên nhiên, địa chất, địa hình và khí hậu là những yếu tố liên tục rất mạnh mẽ. Có sự tranh đấu để sống còn như Darwin đã nêu ra, nhưng sự tranh đấu chủ yếu là trong và với thiên nhiên. Darwin không biết rằng sự tồn tại và bành trướng của loài người còn có những lý do tích cực chỉ thấy trong xã hội người, là sự cộng tác, sự tổ chức và lòng từ bi Phật tâm có từ Nguyên thủy.

Trong lịch sử, chúng ta thấy rằng ở Tây phương có khuynh hướng là phải thắng được thiên nhiên và nếu có thể sai khiến được thiên nhiên. Trong khuynh hướng này, tôi coi Ấn Độ của người Aryan (bắt đầu từ khoảng năm 5000 trước DL) là thuộc về Tây phương. Còn ở Đông Á, ý hệ chung là phục tòng, và cố gắng để hòa hợp với trời đất. Theo thiên ý khuynh hướng và ý hệ này phải được thành từ tiền sử. Có nguyên nhân gì không? Tất nhiên là phải có và có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta chỉ có thể dựng lên những giả thuyết. Ở Âu Châu, với những người di chuyển từ tiểu Asia lên, khí hậu lạnh nhưng cũng không quá lạnh, cho phép người ta chống lại sự rét mướt một cách hiệu quả. Còn ở Nam Á và Đông Á, hai trận thiên tai long trời lỡ đất, trận núi lửa Krakatra phun làm mờ gần nửa trái đất (75.000 năm trước) và trận nước bể dâng lên làm ngập khắp cõi Nam Dương (18.000 năm trước), thêm vào là những trận lụt hàng năm của các con sông lớn (xem huyền thoại Đại Vũ và Chử Đồng Tử) làm cho lòng người bắt buộc phải luôn luôn bất an.

Được hưởng một nền an ninh tương đối, con người ở Tây phương đã lập ra khoa Địa kế (Kỉ hà, Grometry) khoa thiên văn, rồi khoa Logic ở Hy Lạp thái cổ, và một niềm tin tuyệt đối vào lí trí toán học với Descartes khoa học và sau đó, kỹ thuật đã phát triển một cách huy hoàng lấn áp cả tôn giáo. Với cái đồng hồ, cái tàu chạy hơi nước và những khẩu súng lớn, Tây phương đã thắng trên khắp mặt đất và đem chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa đối nghịch cực đoan hơn đi gieo rắc vào các nước nghèo, không có súng và không có sự hiểu biết.

Đông phương đã đi vào nông nghiệp rất sớm, trước Âu Châu cả ngàn năm, nhờ có một chút ổn định về kinh tế nên kỹ thuật cũng phát triển. Nhưng lũ lụt hằng năm đã tạo ra một tâm lí thờ phụng để cầu an. Tục thờ cúng ông bà trước hết là để có trong vĩnh cửu một sự che chở. Tục ấy rất sớm đã dẫn đến chế độ vương quyền. Vua, trên lý thuyết là người cha tối cao, nhưng trên thực tế là người trị thủy. Đó là điều mà Karl Marx gọi là đường lối kinh tế của Á Đông. Sự trị thủy đòi hỏi một quyền uy tuyệt đối để huy động dân ra đào kênh đắp đê. Cho đến ngày nay, giờ phút này, Khổng Tử đặt vấn đề “bình thiên hạ” là mục đích của đạo Nho, cũng là trong ý hệ ấy, phải lập và giữ trật tự của nước, trật tự và tôn ti Quân, thần, phụ, tử. Người ta cũng có xây cầu cống, làm cửa cao nhà rộng, và có những gia tài địch quốc. Nhưng người ta chôn của và chỉ có vài quan niệm sơ đẳng về khoa học âm dương, ngũ hành. Ngày nay, sau những tang thương đỗ vỡ kéo dài suốt thế kỷ vừa qua, quá khứ đã gần như bị xóa bỏ hẳn, Trung Quốc đã gia nhập cái thế “văn minh” của Tây phương, với tất cả những tật bệnh và mâu thuẫn bên trong của nó, cộng với những xung đột nội bộ của một xã hội rất kềnh càng, phức tạp đang bị cưỡng bách thoát xác. Và một sự kiêu hãnh vô bờ, kết liên với một sự nuối tiếc cái thời còn là “nước giữa” của cõi người.

Nhìn về phía bên kia của cùng một trái đất (hay của cùng một nước) thấy cả một thái cực. Nhìn vào những đồng bào sơn cước của chúng ta. Hay xa ra một chút, phải đến vùng chân núi của Bangla Desh. Xa hơn nữa sang Phi châu: Somali, Ethiopia với những năm dài đói kém, bò cũng không có cỏ để ăn vì sa mạc cướp đất, châu chấu cướp lúa của người; những đất ở giữa lục địa, nắng xích đạo cháy da thịt, ruồi muỗi và côn trùng tranh thức ăn với voi và sư tử. Hoặc nhìn qua cái mênh mông của đại dương với những đảo Đen, đảo Đa rắc lơ thơ trong nước, sang đến Nam Mỹ, ở bờ sông Amazon thấy cái nhân loại nguyên sơ đã cách biệt loài người không biết bao nhiêu ngàn năm. Tôi không nói đến sự trần trụi, sự đói khổ, sự bệnh tật hiển nhiên của những người này. Chỉ biết rằng họ cũng là homo sapions sapiens (giống người hiểu biết) rằng họ cũng có cùng một tuổi là hơn hai triệu rưỡi năm từ khi loài tổ xuất hiện, như người Mỹ, người Pháp, người Nga, người Mường và người Việt Nam. Nhưng trên bước đường đi tìm một đất sống, một đất hứa, họ đã lạc hay bị dồn vào những miền mà cây hoang cỏ dại và những côn trùng, những rắn rết, những muôn thú đã chiếm đóng trong những địa bàn dài chưa có bóng người. Và những đàn người này sống lẫn lộn với cá sấu và chim chóc, không được hưởng sự tiếp xúc hay cả sự đụng chạm với một (kẻ kia) để mà học hỏi lấy một điều mới lạ.

Nhưng đừng nghĩ rằng những dã nhân, người rừng này không biết gì cả. Và chớ nên đem những thành kiến và sản phẩm văn minh bã giả của mình đến để viện trợ hay giáo hóa họ. Đó là những bạo lực thầm lặng có thể tạo ra nhiều đau khổ hơn là những súng đạn nhất thời.

Những dân tộc ở ngọn nguồn các dòng sông, hay ở rừng rú, núi cao, ở những đảo hẻo lánh giữa đại dương, đã ở đó từ một thời huyền thoại không ai biết là bao nhiêu thế kỷ. Họ biết từng hòn đá, từng lạch nước, họ biết tính nết và thói quen của từng loài, có lẽ của từng con vật ở trong môi trường. Họ có những cấm kỵ truyền đời mà vì không hiểu ta gọi là mê tín dị đoan. Họ có thể đi đứng dễ dàng trên những cành cây, dây leo chập chùng nghiêng ngã. Họ ngửi được trong gió một sự nguy hiểm đang rình nấp. Họ có những phản xạ sống còn như điện chớp. Ở đất ấy, họ là người của đất. Họ có những thần linh của họ, tại một khe nước, trong một hòn đá, ở một gốc cây. Họ có những giả thuyết về trời, trăng, sao và các hiện tượng vật lí để giải tỏa các mối sợ hãi tương đương với các giả thuyết vô tích sự của chúng ta về cái nổ bùng nguyên thủy và những siêu thăng của vũ trụ.

Đem đến cho những người ấy một cái Radio, một cái máy hát, hoặc thường thức hơn một đống áo quần giày dép. Người ta đã làm việc ấy gọi là vì nhân đạo hay vì một lí do công khai gì đó rất là cao quí. Sau một thời gian sợ hãi kinh hoàng vì những tiếng người, tiếng kèn phát ra mà không thấy người, người cũng quen và biết ham muốn. Ở mâý hòn đảo xa xôi, mỗi khi có tàu đến thì dân đảo lại lội ra để xin những đồ phế thải của văn minh. Sau ít lâu thì cái xã hội mọi rợ nhưng thanh bình của đảo bị biến cải: nền văn hóa cũ đã nghìn năm thích hợp với thiên nhiên, biến thành một thứ văn hóa mà dân tộc học gọi là văn hóa Cargo, đem lại bởi các tàu chở hàng. Quần áo, giày dép cũng gây những bệnh mới vì không có thuốc giặt và nước ngọt như các nước Âu Mỹ.

Dân Pygmê ở Nam Phi sống bằng sự nhặt vặt trong thiên nhiên. Món ăn thượng đẳng của họ là kiến, họ biết súc những tổ kiến về ăn và để lại một số kiến để sinh sôi. Liên Hiệp Quốc gởi chuyên viên đến để dạy họ cày ruộng và trồng trọt. Họ từ chối, nói rằng: “Đất là Mẹ, sao lại đào thịt Mẹ lên để ăn”. Nhiều chuyên gia của những nước văn minh có mỏ than, mỏ dầu lửa không chịu, ép họ trồng lúa, trồng cây. Họ bỏ đất đang sinh sống và kéo nhau đi vùng hoang dã khác. Liên Hiệp Quốc hiểu cái lí do thiêng liêng “thiếu văn minh” của sự phản kháng ấy và chuyển sang một kế hoạch khác mà dân Pygmê chấp nhận.

Ở Việt Nam ta, đến nay còn nói đến đất thịt, màu mỡ của đất, sự cần thiết phải “bón” ruộng đất. Không hiểu từ lúc nào, chúng ta hết nghĩ rằng đất sống và là Mẹ của muôn loài, để đi vào sự khai thác tài nguyên của Mẹ. Không hiểu chân lí ở những người Pygmê hay ở các nước kỹ nghệ và siêu kỹ nghệ. Ông FeyeraBend Giáo sư triết ở Berkeley, Mỹ và Giáo sư triết lý khoa học ở Zurich, Thụy Sĩ viết rằng “(đừng nên quên rằng) nhiều vấn đề của Thế giới Đệ tam (đói, nhân mãn, suy đồi tinh thần) đã bị gây nên vì những cách sống lành mạnh trong môi trường và thỏa mãn tinh thần đã bị chặt đứt và bị thay thế bởi các sản phẩm nhân tạo của văn minh Tây phương. Cả các khung huyền thoại, trực giác, thần bí hay ma quái để hướng dẫn đời sống cũng không phải là mơ tưởng ảo huyền (lâu đài trong mộng); cái gì chúng hứa thì chúng có trao; chúng đã bảo đảm sự sống – còn và sự thỏa mãn tinh thần trong những điều kiện hiểm nghịch nhất”. (C. Feyerabend – Farewell to Reasen 1987)

Nói như thế không phải là bỏ mặc những nhóm người không có. Những người này, dầu là dân Stieng, Rađê hay thổ dân Africa và Amazon, chỉ là những người bị đày vào những môi trường khắc nghiệt nhất của một nước hay của nhân gian. Ta gọi họ là những dân tộc ít người? Tôi nghĩ rằng đó là một quan điểm hủ lậu, sai lầm. Họ là dân Việt Nam, thế thôi. Nếu Việt Nam thực là một nước một, bất khả phân, thì bắt đầu phải xóa bỏ hết những phân tích của cái thứ đế quốc chủ nghĩa phi lý cũ kỹ ấy đi.

Đạo Phật có làm gì được không? Từ là chữ nhất của Tứ vô lượng tâm. Trong lòng từ, có sự bao dung. Lời đức Phật xưa, gọi là Dharma, là Giáo pháp. Đức Phật đạt được vô thượng Chính Đẳng Chính Giác, là Bậc “Có”. Người đã để cả cuộc đời để truyền cái có của Ngài cho những người không có. Sự nghiệp ấy là giáo, là dạy, không phải là dùng thần thông (tức là súng ống, quyền lực) để đàn áp, dọa nạt, bắt người khác phải theo, mà giảng dạy, và dẫn dắt, tùy duyên phương tiện. Và dạy là để người kia tự làm, tự thành. Đó là Bố thí Ba-la-mật.

Đức Phật còn dạy hơn thế nữa. Đức Phật dạy không được phân biệt. Kẻ ấy chính là ta, ta chính là kẻ ấy. Kẻ ấy không có, nhưng kẻ ấy là ai? Như tục ngữ nói, đầy Phật tâm: Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày.

Thư này đã quá dài. Tôi rất mừng vì gần cuối đời được thấy Đạo rời sự tụng niệm và bước vào những đau khổ thực của đời.

Xin cầu chúc Thượng tọa thân tâm an lạc.

Thân kính,

Trần Ngọc Ninh.

 


[1] Nhà nghiên cứu, nguyên Giáo sư Viện Đại Học Vạn Hạnh trước 1975.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6952553