Thông tin

THỰC HÀNH PHẬT GIÁO

TẠI CHÙA ĐÌNH QUÁN (HÀ NỘI) HIỆN NAY

 

NGUYỄN MINH HUYỀN*
PHẠM THỊ CHUYỀN**

 


Chùa Đình Quán (Hà Nội)

 

Chùa Đình Quán (Hà Nội) hiện nay là một trong những cơ sở Phật giáo có bề dày lịch sử và có những đóng góp đáng kể về phương diện thực hành ở Hà Nội. Bài viết này lấy thực hành Phật giáo ở đây là đối tượng nghiên cứu như một đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu về sự thực hành Phật giáo ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam hiện nay nói chung. Từ góc nhìn thực thể tôn giáo, với tư liệu bi ký, tư liệu từ quan sát tham dự và phỏng vấn sâu, chúng tôi đi tới hai nhận định: Thứ nhất, cộng đồng Phật giáo chùa Đình Quán đã thực hành với sự kết hợp khéo léo giữa tiếp nối truyền thống và tiếp thu hiện đại; Thứ hai, những thực hành thuần túy Phật giáo và hướng đích xã hội ở đây đang đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của cá nhân và cộng đồng ở đây.

Chùa Đình Quán là tên mà người Hà Nội thường gọi hiện nay. Chùa vốn có tên chữ Hán là “Phúc Quang tự”. Chùa tọa lạc trên địa bàn thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Tên chữ Nôm của ngôi cổ tự này là “Chùa Bà Bông”. Tương truyền, thời xưa có một nàng công chúa con vua Trần ra đây xây dựng ngôi chùa này rồi tu ở đó đến khi mất. Đến khoảng thời Lê Sơ (thế kỷ 15) có một bà vãi quê làng Bông Cời, huyện Thanh Oai, Hà Tây lên ở chùa, bỏ tiền ra tu sửa chùa, mua 3 mẫu ruộng của làng hiến cho chùa rồi cũng ở đó đến khi mất. Nhân dân địa phương nhớ ơn bà, đổi tên là chùa Bà Bông, tạc tượng bà thờ phụng ở phía Bắc trong Tam bảo1. Giới thiệu về lịch sử và kiến trúc chùa Đình Quán đã có một số tác giả như: Đỗ Thỉnh2, Song Yên3, Lan Khuê và Khánh Minh4, nhóm tác giả của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội5 đề cập đến. Những thông tin khái quát và cơ bản được đăng tải trên trang Web của chùa. Về thực hành Phật giáo tại chùa Đình Quán đã được Hoàng Văn Nam6, Hoàng Văn Chung và Phạm Thị Chuyền7 nhắc đến trong các bài viết của mình, khi nói về vấn đề giáo dục đạo đức của Phật giáo đối với thanh niên Việt Nam hiện nay. Trong đó, Hoàng Văn Nam nói đến CLB “Về nguồn” của chùa Đình Quán là một trong số các CLB trên toàn quốc có vai trò quan trọng trong việc phổ biến rộng rãi các kiến thức về giáo dục và điều chỉnh hành vi đạo đức của thanh niên đối với xã hội. Tác giả Hoàng Văn Chung và Phạm Thị Chuyền nhắc đến Chùa Đình Quán là một trong những nơi thường xuyên diễn ra các nghi lễ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt trong bài viết này chùa Đình Quán được nhắc đến là một trong các ví dụ về nơi tổ chức lễ Hằng thuận (lễ cưới theo nghi thức Phật giáo) hiện nay tại Hà Nội. Thực tế, thực hành Phật giáo ở đây phong phú và đa  dạng hơn nhiều những gì các tác giả trên đã đề cập. Chúng tôi muốn trả lời cho những câu hỏi như: chùa Đình Quán đã và đang dựa vào những điều kiện gì để duy trì những thực hành Phật giáo hiện nay? Những thực hành Phật giáo truyền thống nào được tiếp tục duy trì? Và những thực hành Phật giáo nào mang tính hiện đại được tiếp thu ở đây?

Điều kiện cho sự thực hành Phật giáo tại chùa Đình Quán (Hà Nội) hiện nay

Sự thực hành Phật giáo ở một ngôi chùa hình thành và tồn tại cần có rất nhiều điều kiện. Những điều kiện thiết yếu có thể bao gồm: sự thực hành chùa đã được duy trì trong lịch sử, đặc trưng cộng đồng Phật giáo đang sinh hoạt tại chùa và phương thức thực hành phù hợp với nhu cầu của cộng đồng đó.

Theo một số tư liệu bi ký hiện còn8, chùa Đình Quán vốn là một ngôi cổ tự được xây dựng từ khoảng đầu thời Mạc trở về trước. Tính đến nay, chùa đã trải qua ba lần trùng tu lớn. Về lần tu sửa đầu tiên, khởi công năm 1588, khánh thành năm 1592 tại phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, xã Cổ Điển, do huyện Thừa Minh Luân và con trai trợ giúp. Sau khi trùng tu, có mời Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan viết văn bia. Ông không chỉ nói về vị trí ngôi chùa mà còn nói về triết lý đạo Phật, về Tam giáo đồng nguyên và biểu dương những người đã giúp góp tiền trùng tu ngôi chùa lần thứ hai. Khi đó, nhà sư trụ trì chùa là Lê Pháp Đăng, tự Mậu Hoá, quê ở huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thừa Tuyên Thanh Hóa, xuất gia cùng tổ chức cộng đồng thiện nam tín nữ trong thôn Đình Quán, dốc tâm làm điều thiện, mở rộng lòng từ9. Lần trùng tu thứ hai vào năm Chính Hòa năm thứ 13 tháng 10, cộng đồng Phật tử lại bầu ra hậu Phật để đời cúng giỗ. Đến đời Gia Long (1819), chùa được tu sửa lần thứ ba, khi đó còn cho đúc quả chuông cổ vẫn còn lại đến nay. Với một bề dày lịch sử như thế, chùa Đình Quán đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật ngày 27/8/1996, được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định 310-QĐ/BT ngày 13/12/1995. Năm 1998, nhà chùa cùng dân làng đổ con đường bê tông từ quốc lộ 32 vào cổng chùa dài 440m. Đây là một công trình kiến trúc cổ, mang bản sắc văn hoá độc đáo trong cụm di tích lịch sử văn hoá phía Tây Thăng Long. Một cơ sở Phật giáo tồn tại lâu đời ắt có những nội dung thực hành mang tính hồn cốt. Tuy trong bi ký, không có sự trình bày rõ về phương thức thực hành Phật giáo tại chùa Đình Quán trong lịch sử, nhưng theo những phỏng vấn sâu mang tính hồi cố của chúng tôi, phương thức thực hành Tịnh Độ hiện nay ở chùa được duy trì từ nhiều đời Sư Tổ.

Mặt khác, nhìn vào tượng thờ ở chùa Đình Quán, chúng tôi thấy tại Chánh điện có nhiều lớp tượng, tuy nhiên hai lớp tượng quan trọng nhất là lớp thứ hai dưới lớp Tam Thế là Lớp tượng A Nan - Thích Ca Niêm Hoa - Ca Diếp. Lớp thứ ba là Đại Thế Chí Bồ Tát - Phật A Di Đà - Phổ Hiền Bồ Tát. Tại Tổ đường, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa ở ban chính giữa, hai bên là các Tổ Tăng và Tổ Ni thời cận hiện đại. Kết hợp với tư liệu phỏng vấn hồi cố, chúng tôi có thể nhận định rằng, trong lịch sử đã có sự thực hành theo pháp môn Thiền và thực hành theo pháp môn Tịnh Độ từng tồn tại ở đây. Việc hai pháp môn có cùng tồn tại ở đây trong một giai đoạn lịch nào hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhưng chúng tôi đều thấy rằng, sự xuất hiện phương thức thực hành thiền và phương thức thực hành Tịnh Độ trong lịch sử là một trong những điều kiện quan trọng đưa tới sự lựa chọn phương thức thực hành của cộng đồng Phật giáo hiện nay ở đây.

Về đặc trưng cộng đồng thực hành Phật giáo ở chùa Đình Quán hiện nay, với sự quan sát tham dự trong hơn 6 tháng (ba tháng cuối năm 2019, ba tháng đầu năm 2020), chúng tôi đã thấy rằng, cộng đồng thực hành Phật giáo hiện nay ở chùa Đình Quán có thể khu biệt thành hai nhóm cơ bản. Thứ nhất là đạo tràng gồm chủ yếu những vị Phật tử lớn tuổi. Đó là nhóm cư dân cư trú tại thôn Đình Quán nhiều năm, thậm chí có vị có nhiều đời tổ tiên ở đây. Họ tới đây sinh hoạt như một nếp sống văn hóa truyền thống của thôn làng. Do đó, định hướng về nếp sinh hoạt Phật giáo truyền thống. Nhóm thứ hai chủ yếu gồm những người trẻ tuổi, bao gồm thành viên của Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử và một số Phật tử trẻ. Nhóm này cư trú rải rác trên địa bàn Hà Nội, do nhân duyên mà hội tụ ở đây cùng sinh hoạt Phật giáo. Nhóm này có xu hướng thực hành Phật giáo hiện đại.

Đó là hai điều kiện căn bản đưa tới sự thực hành Phật giáo ở chùa Đình Quán hiện nay. Còn điều kiện thực hành thứ ba là phương thức thực hành, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong mục 2 và 3 phía sau.

Thực hành Phật giáo truyền thống tại chùa Đình Quán (Hà Nội) hiện nay

Chùa Đình Quán đã trở thành không gian sinh hoạt chính của Đạo tràng10 Tịnh Độ thôn Phú Diễn từ nhiều năm qua. Đạo tràng Tịnh Độ thường xuyên sinh hoạt vào chủ nhật của tuần thứ nhất và tuần ba hằng tháng. Số lượng người của đạo tràng tầm hơn 100 người, chủ yếu là những người lớn tuổi, và hầu như đều đã quy y Tam bảo. Tuần một là tụng giới, tuần ba là tụng kinh niệm Phật.

Hoạt động của tuần thứ nhất là nghi thức tụng giới: tụng lại các giới luật mà mình đang giữ. Mục đích trong một tháng vừa qua, kiểm điểm xem mình đã phạm phải lỗi nào, chưa giữ được giới nào. Các Phật tử phải sám hối cho thanh tịnh trước, sau đó mới được tham gia vào nghi thức tụng giới, và cũng không được nghe tụng giới. Người phạm lỗi phải hướng đến một người thanh tịnh nói rõ tội danh mình phạm mà xin sám hối. Sau khi sám hối, các Phật tử sẽ trở thành người thanh tịnh và tham gia vào nghi thức tụng giới. Đối với các Phật tử của đạo tràng sau khi quy y giữ gìn 5 giới. Vì vậy, nghi thức tụng ngũ giới được diễn ra như sau: sáng ngày chủ nhật, 8 giờ 30 phút, đại chúng vân tập về chùa để thực hiện thời khóa tu tập. Bắt đầu là thời khóa ngồi thiền, tụng kinh, thiền hành, nghe giảng pháp và ăn cơm trong chính niệm. Sau đó, đầu giờ chiều 14 giờ, chuẩn bị sẵn sàng cho nghi thức tụng giới. Sau khi đảnh lễ chúng tăng ba lạy, sẽ thực hành ngồi thiền trong khoảng 30 phút thì bắt đầu nghi thức sám hối sáu căn là: Nghiệp của mắt, nghiệp của tai, nghiệp của mũi, nghiệp của lưỡi, nghiệp của thân, nghiệp của ý. Sau đó, thầy trụ trì sẽ đọc lần lượt năm giới phải giữ đối với các Phật tử là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Trong khi đọc các giới, nếu ai vi phạm phải thành tâm sám hối cho thanh tịnh rồi mọi người đồng thanh niệm Phật, quy y và hồi hướng công đức.

Vào tuần thứ ba của tháng, đạo tràng sẽ cùng nhau tụng kinh và niệm Phật. Thông thường, đạo tràng hay tụng kinh A Di Đà, tụng chú đại bi,... Hoạt động này diễn ra vào buổi sáng, do các thành viên của đạo tràng tự tu tập với nhau và không có sự hướng dẫn của các ni trong chùa. Ngoài hai buổi sinh hoạt chính thức của đạo tràng, một số người dân ở quanh chùa thuộc đạo tràng vào các buổi tối hằng ngày, nếu có thời gian rảnh sẽ đều về chùa, để thực hiện tới khóa công phu tối cùng tăng chúng trong chùa.

Quan sát sinh hoạt của Đạo tràng Phật tử lớn tuổi tại đây, chúng tôi thấy rằng: việc tổ chức tụng giới hàng tháng là một sự phục hồi rõ nét sinh hoạt của chùa trong lịch sử, mà ít chùa làng ở đồng bằng Bắc bộ hiện có thể thực hiện. Trong tu tập Phật giáo, Giới được xem là thực hành rất quan trọng, do đó việc tụng giới hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng là việc vô cùng cần thiết. Theo những chia sẻ của các bác Phật tử ở đây, cá nhân mỗi Phật tử hàng ngày vào đầu giờ sáng thực hiện tụng Tam Quy và Ngũ Giới ở nhà để cả ngày nhớ tới việc quy y Tam Bảo và giữ 5 giới. Vào đầu mỗi tháng, họ cùng nhau tới chùa Đình Quán, cùng nhau tụng giới trước Chánh điện để nuôi dưỡng thêm đức tin với Tam Bảo và bồi dưỡng nguyện lực thực hành giới vững vàng hơn. Một số bác cũng chia sẻ, khoảng vài năm gần đây, thầy trụ trì khôi phục lại thực hành này đã khiến cho định hướng thực hiện 5 giới của họ ngày một rõ ràng và thường xuyên hơn.

Điều đáng chú ý, Đạo tràng Phật tử lớn tuổi ở chùa Đình Quán vẫn tụng kinh A Di Đà và tụng chú Đại Bi, nhưng có sự khác biệt về cách thức tụng niệm. Trước khi tụng niệm, họ thường dành vài phút ngồi yên tĩnh tâm, đưa sự chú ý trở lại thân mình. Mỗi người đều ngồi vững chãi khi tụng niệm. Điều dễ nhận thấy là họ tụng niệm với âm hưởng thong thả, rõ ràng, trầm bổng theo nhịp điệu như một diễn xướng âm nhạc tôn giáo. Tiếng chuông mõ cũng khoan thai, nhẹ nhàng. Do đó, buổi tụng giới hay tụng kinh đều trở thành những buổi sinh hoạt tôn giáo mang đầy tinh thần “trở về nương tựa” (quy y). Họ không chỉ nương tựa vào Tam Bảo, mà còn nương tựa nơi chính mình. Có thể nói, ngay trong thực hành Phật giáo có tính truyền thống tại chùa Đình Quán hiện nay, pháp môn Thiền đã có những ảnh hưởng ít nhiều đến những người thực hành pháp môn Tịnh Độ, làm cho thực hành truyền thống không trở nên khô cứng và hình thức, mà vẫn trở thành sự thực hành đi sâu vào tinh thần và phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của một bộ phận Phật tử lớn tuổi.

Thực hành Phật giáo theo hướng hiện đại hóa tại chùa Đình Quán (Hà Nội) hiện nay

Bên cạnh các hoạt động tu tập hằng ngày của các tu sĩ Phật giáo, và sinh hoạt hàng tuần của Đạo tràng Tịnh Độ, chùa Đình Quán còn tổ chức một câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt thường xuyên vào tối thứ hai và tối thứ bảy hằng tuần. Trong tình hình Phật giáo cả nước đang thiếu những nơi sinh hoạt Phật giáo dành cho các bạn trẻ, khiến cho số lượng người trẻ ít đến chùa. Đặc biệt là ở miền Bắc, phần lớn các chùa chỉ đảm nhiệm vai trò thờ Phật, diễn ra các nghi lễ tôn giáo mà thiếu đi sinh hoạt Phật giáo mang tính hiện đại hóa và hướng đích cộng đồng. Còn một số ít khác đã có hình thức mở ra các câu lạc bộ sinh hoạt dành cho các thanh thiếu niên, nhưng với hình thức nhỏ, và ít thu hút đối với các bạn trẻ. Nhận thấy được rằng thanh thiếu niên Phật tử là tương lai của đạo pháp, góp phần chính trong việc hoằng pháp sau này. Chính vì vậy, Chùa Đình Quán quyết định tổ chức một câu lạc bộ dành cho thanh thiếu niên Phật tử, có tên là câu lạc bộ “Về nguồn” thành lập năm 2010. Sau này, đổi tên thành “Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử chùa Đình Quán”.

Từ khi mới được thành lập, câu lạc bộ đã thu hút được số lượng lớn các bạn thanh thiếu niên tham gia11. Bởi vì trước đó trong thành phố Hà Nội rất khó để có thể tìm thấy nơi sinh hoạt. Mục đích thành lập câu lạc bộ là giúp cho các bạn trẻ có một sân chơi  lành mạnh, có cơ hội được tiếp cận học hỏi và thực hành giáo lý của Phật, vận dụng vào cuộc sống hằng ngày để có thể chuyển hóa, chế ngự được những thói hư tật xấu của bản thân, góp phần phát triển đạo pháp của dân tộc.

Câu lạc bộ gồm 1 huynh trưởng - là người phụ trách chính, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt tại câu lạc bộ, và 2 huynh phó. Trong các buổi sinh hoạt hằng ngày của câu lạc bộ, số lượng người tham dự đông nhất có lúc lên đến 80 - 90 người, các buổi ít hơn tầm 30 người. Đa số là nữ, độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, một số người lớn tuổi hơn đều là các bác trong làng. Đối với những người mới tham gia, đa phần đều chưa từng quy y, nhưng sau một thời gian tu tập số lượng người quy y lên đến 80-90%12. Đặc biệt, một số các bạn thanh thiếu niên trong quá trình tu tập ở đây đã bén duyên với Phật giáo và xuất gia, trở thành những hạt giống trong các đoàn thể Phật giáo.

Hoạt động tu tập chính thức của câu lạc bộ là tu thiền (thiền Làng Mai). Gồm một lớp học giáo lý vào tối thứ hai, và một lớp thực hành vào tối thứ bảy hằng tuần với nội dung như sau:

Thứ nhất, hoạt động sinh hoạt của câu lạc bộ vào thứ bảy hằng tuần được bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút và kết thúc vào lúc 21 giờ 30 phút, tùy ngày. Bắt đầu từ 19 giờ, mọi người đã có mặt tại chùa để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt: chuẩn bị kinh sách, lấy kệ kê kinh, chuẩn bị mic và máy chiếu để giảng bài. Trước mỗi buổi sinh hoạt, mọi người sẽ được điểm danh để thống kê số lượng người tham gia của từng buổi. Sau đó, vào lấy áo tràng để mặc và ngồi vào vị trí để chuẩn bị bắt đầu thời khóa đầu tiên.

Đúng 19 giờ 30 phút, thầy trụ trì và các ni trong chùa bước vào thiền đường, thời khóa ngồi thiền chính thức bắt đầu. Cũng giống như hoạt động ngồi thiền vào buổi sáng trong ngày, sư bác sẽ tụng một đoạn kinh ngắn, sau đó mọi người ngồi thiền trong im lặng và không có sự hướng dẫn. Sau 30 phút ngồi thiền, tiếng khánh vang lên, mọi người bắt đầu xả thiền. Xả thiền xong, sau khi nghe một tiếng khánh mọi người quay vào xá nhau, tiếng thứ hai mọi người quay lên xá Phật. Sau đó, mọi người ngồi xuống trong im lặng để bắt đầu các hoạt động tiếp theo.

Thời khóa ngồi thiền được giữ nguyên trong tất cả các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ vào tối thứ bảy. Còn những hoạt động sau đó, sẽ được thay đổi luân phiên nhau, mỗi tuần một chủ đề khác nhau: Tụng kinh, lạy sám pháp địa xúc, thực tập ba lạy, thực tập năm lạy, pháp đàm, thiền ca và nhiều hoạt động khác nữa.

Thông thường, phổ biến nhất là hoạt động tụng kinh. Sau khi ngồi thiền xong, kệ kê kinh và kinh sẽ được chuyển từ trên xuống dưới cho từng người. Khi kinh, kệ được truyền đến nơi, trước khi nhận phải chắp tay, xá một lần rồi mới nhận và đặt xuống vị trí của mình, sau đó tiếp tục truyền cho người khác. 8 giờ 15 phút, mọi người bắt đầu tụng, các bài kinh tụng được lấy trong sách “Nhật tụng thiền môn13. Phía trên, các huynh lớn trong câu lạc bộ sẽ hướng dẫn mọi người tụng, khi tụng kinh có sử dụng chuông và mõ. Thầy và các ni khác sẽ tụng cùng với mọi người chứ không phải là người tụng chính. Trong khi tụng kinh, hai tay phải chắp trước ngực, ngồi thẳng lưng và giữ chánh niệm trong suốt quá trình để cảm nhận được ý nghĩa của từng câu kinh. Tụng kinh phải có nhịp điệu, không nên tụng mà như đọc. Tiếng chuông và mõ đều không vội vàng. Sau khi tụng hết bài kinh, mọi người cùng hồi hướng và quy y. Sau đó, chuyển kinh và kệ về lại vị trí ban đầu.

Kết thúc buổi tụng kinh, thầy trụ trì sẽ nhận xét lại toàn bộ về cách tụng của mọi người hôm đó: tụng đã đúng chưa, hay chưa, còn phải sửa gì không, nếu chưa đúng thì thầy sẽ hướng dẫn mọi người cách tụng như thế nào cho hay, cho đúng. Đặc biệt, đối với những người lần đầu đến tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, thầy sẽ quan tâm và hướng dẫn kỹ càng hơn, giúp cho tất cả mọi người đều có thể hiểu và theo kịp bài giảng của thầy. Trước khi bắt đầu học nội dung bài mới, thầy sẽ kiểm tra lại bài cũ của mọi người. Mục đích của việc giao bài về nhà là giúp cho mọi người luôn luôn nhớ về bài học, có ý thức học tập thường xuyên để không xao nhãng việc tu tập. Bởi từng câu từng chữ của các bài kinh đều là lời Phật dạy, cần phải ghi nhớ và hiểu chính xác nhất để áp dụng vào cuộc sống một cách dễ dàng.

Sau khi kiểm tra bài cũ xong, thầy sẽ tiếp tục giảng các phần tiếp theo của bài kinh. Ở một số các chùa khác, hoạt động tu tập của câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử chỉ diễn ra giữa các thành viên với nhau, mọi người tự đọc và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nhưng chùa Đình Quán lại khác, trong mỗi buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, thầy trụ trì và ni trong chùa đều có mặt và tham gia. Thầy không chỉ giải thích ý nghĩa của từng câu kinh trong bài, mà còn mở rộng ra thêm, để giúp mọi người hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng câu kinh trong bài.

Hoạt động cũng thường xuyên được diễn ra trong các buổi sinh hoạt là Pháp đàm. Pháp đàm là sự trao đổi và đàm luận về Phật pháp, những gì mới được nghe trong buổi pháp thoại, để hiểu sâu hơn nội dung của bài pháp, cũng như triển khai thêm về phương diện nhận thức cũng như phương diện tu tập. Mục đích của pháp đàm chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau, thấy được chính mình.

Nội dung của buổi pháp đàm là cùng nhau thảo luận về bài pháp thoại đã được nghe trước đó, hay những nội dung đã được học. Để buổi pháp đàm có chất lượng nhất thì số lượng người không được quá đông, để mọi người đều có đủ thời gian để chia sẻ. Người chủ tọa pháp đàm có thể là thầy trụ trì, cũng có thể là các sư huynh - người có nhiều kinh nghiệm trong tu tập.

Với chủ đề đã định mọi người sẽ cùng chia sẻ với nhau. Có người đã là một tu sĩ như sư bác Từ Tín, đã biết và thực hành điều này nhiều lần, thế nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lần sai lầm. Theo sư bác chia sẻ, sư bác có ví phiền não đau khổ như là một hạt giống xấu. Những hạt giống xấu này sẽ gieo xuống đất (gieo vào những người thân xung quanh mình), nếu được tưới tẩm thì ngày càng phát triển không thể kiểm soát được. Nếu là con người có chánh niệm dù hạt giống xấu có gieo xuống đất, nhưng ta không cho nó nảy mầm, đơm hoa kết trái thì chúng cũng không thể phát triển lên được. Thế nên dù muộn cũng sẽ nhổ tận gốc, đừng để nó nở hoa kết trái. Trong mỗi người đều có hạt giống khổ đau, nên phải khởi lòng thương với đối phương vạn vật để không cho hạt giống xấu nảy mầm. Đối với những lầm lỡ của sư bác, được sự giúp đỡ của thầy và các huynh đệ đồng tu, hạt giống từng bước đã được loại trừ. Còn với một số người chưa từng được biết và thực hành điều này, thì đây là một chia sẻ hữu ích giúp họ trên con đường tu tập sau này.

Buổi pháp đàm không chỉ để mọi người chia sẻ về những điều đã học được từ nội dung của bài pháp thoại mà còn là nơi để chia sẻ về cuộc sống hằng ngày, những khó khăn trong quá trình tu học, hay cả những vấn đề gặp phải trong chính gia đình mình. Mọi người cùng lắng nghe và chia sẻ với nhau, có những vấn đề bản thân họ không thể giải quyết được thì thầy trụ trì và tăng thân sẽ giải đáp, và đúc kết lại.

Kết thúc buổi pháp đàm, người chủ tọa sẽ tổng kết lại toàn bộ buổi pháp đàm để buổi pháp đàm có nhiều lợi lạc. Và cảm ơn về sự đóng góp của tất cả mọi người có mặt trong buổi pháp đàm. Ngoài ra còn một số hoạt động khác: Thiền trà, học hát thiền ca, tổ chức sinh nhật, tổ chức chương trình lửa trại chào năm mới,...

Thứ hai, là lớp học giáo lý “Bát chánh đạo” vào tối thứ hai hằng tuần, bắt đầu từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút. Lớp học khai giảng vào ngày 13/8/2018, và đã duy trì được hơn 1 năm nay. Lớp giáo lý “Bát chánh đạo” được hướng dẫn bởi Đại đức Thích Hạnh Từ và Ni sư Thích Tịnh Quán - trụ trì chùa Đình Quán. Mục đích khai giảng lớp học giáo lý này bởi Bát chánh đạo là một trong những giáo lý Phật giáo quan trọng mà bất kỳ ai cũng phải hiểu rõ để có cái nhìn đúng đắn trong việc thực hành tâm linh và hoàn thiện bản thân. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã chỉ ra rằng, để giúp con người thoát ly khỏi khổ đau, phiền não tìm đến cuộc sống hạnh phúc thực sự nơi Niết Bàn thì chỉ có con đường Bát chánh, hay tám con đường chân chính.

Nội dung của các bài học không chỉ có Bát chánh đạo, mà còn là các giáo lý khác của Phật giáo: Thập thiện, Ngũ giới,... Từ khi mới được khai giảng, lớp học đã thu hút được số lượng lớn các Phật tử tham gia học tập. Hoạt động của lớp học bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút, thường các Phật tử sẽ tụng kinh “Nhật tụng thiền môn” hoặc tụng “Chú đại bi” từ 5 đến 7 biến. Sau đó, sẽ bắt đầu vào nội dung bài học. Mỗi bài học các thầy luôn lấy những ví dụ trong cuộc sống hằng ngày, để mọi người ai cũng có thể hiểu, và vận dụng vào trong cuộc sống, hoặc đem những gì mình học được chỉ dạy cho những người xung quanh. Đối với những người ở xa, không có điều kiện đến chùa để tu học, nhà chùa cũng thường xuyên phát trực tiếp trên nhóm lớp để tất cả mọi người đều có thể tham gia học tập.

Chùa cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa học tập giữa các câu lạc bộ với nhau. Ví dụ như chương trình giao lưu tổng kết cuối năm 2019 vừa qua, thầy Hạnh Từ tổ chức cho các khóa sinh trong lớp buổi ngoại khóa tại Đại Lải cùng các Phật tử ở nơi khác. Trong buổi giao lưu, mọi người được nghe thầy giảng pháp và tổ chức phóng sinh. Buổi chiều, mọi người được giao lưu với nhau với chủ đề “Chia sẻ tâm đắc cùng học giáo dục truyền thống sinh viên ngày nay”. Những buổi học ngoại khóa như vậy giúp mọi người thư giãn, tạo ra một không gian tu học mới giúp việc học đạt được nhiều thành tựu.

Sinh hoạt của câu lạc bộ thanh niên Phật tử ở đây nhìn chung có một chương trình bài bản, được các sư cô và huynh trưởng quan tâm và chăm sóc sát sao, đặc biệt hướng tới sự chuyển hóa tâm bằng sự biết mình và mở rộng hiểu biết và thực tập về văn hóa cũng như kỹ năng sống quân bình nội tâm. Một điều dễ nhận thấy rằng, thông qua sinh hoạt này, những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo thuần thành đã phát huy được vai trò đưa giá trị Phật giáo vào đời sống thực tế của từng cá nhân bằng việc tư vấn cho thanh thiếu niên giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của họ theo tinh thần thấu hiểu và mở rộng lòng bao dung. Đó cũng chính là con đường phát triển trí tuệ và từ bi của cộng đồng tu học Phật. Nhiều cá nhân, các bạn thanh thiếu niên khi được hỏi, đều nhận định rằng, họ đã được nhiều tư vấn bổ ích từ các buổi pháp đàm và nhiều vấn đề khó khăn của họ sau đó đã được giải quyết trên tinh thần đó.

Kết luận

Thứ nhất, chùa Đình Quán là ngôi chùa có tuổi thọ lâu đời. Thông qua hệ thống các hạng mục, tượng thờ và hoành phi câu đối có thể thấy rằng ngôi chùa mang những nét đặc trưng của Phật giáo Bắc truyền. Trải qua vài trăm năm tồn tại cùng với nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa đến nay vẫn giữ được những nét cổ kính, trang nghiêm và là nơi thực tập, sinh hoạt của tu sĩ và cộng đồng các Phật tử.

Thứ hai, cộng đồng Phật giáo chùa Đình Quán thực tập kết hợp giữa pháp tu Thiền và pháp tu Tịnh Độ trong thực hành thuần túy. Trong đó, Đạo tràng Phật tử lớn tuổi thực tập pháp tu Tịnh độ theo truyền thống có từ trước ở chùa này với phương thức tụng niệm trên nền tảng ngồi yên tĩnh tâm và thư thái của Thiền. Các Phật tử trẻ tuổi ở đây thực hiện pháp tu thiền chánh niệm với “thở và mỉm cười” tiếp thu từ pháp tu thiền của Làng Mai trong toàn thời khóa của họ. Và cả hai nhóm cộng đồng này đều tìm thấy nơi nương tựa thực sự từ ngôi Tam Bảo cũng như cộng đồng tu sĩ và cư sĩ thuần thành đang sinh hoạt tại chùa.

 


* Cử nhân K61 Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, sưu tầm tư liệu, quan sát tham dự và viết bản thảo.

** Tiến sĩ, giảng viên Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hướng dẫn Nguyễn Minh Huyền nghiên cứu, hiệu đính và chỉnh sửa bài viết.

1. https://www.chuadinhquan.com/

2. Đỗ Thỉnh (1993), “Chùa Đình Quán và văn bia Trạng Bùng”, Tạp chí Hán Nôm số 2.

3. Song Yên (1996), “Chùa Đình Quán và chùa Hà đón nhận quyết định xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3, tr. 69.

4. Lan Khuê, Khánh Minh sưu tầm, biên soạn (2009), Đình, Đền, Chùa Hà Nội, Hà Nội, Nxb Thanh Niên.

5. Nhiều tác giả, (2011), Danh bạ những ngôi chùa Việt Nam, Hà Nội, Tạp chí Khuông Việt thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam.

6. Hoàng Văn Nam (2010), Ảnh hưởng của giới luật Phật giáo trong giáo dục đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay, Luận án Thạc sĩ Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

7. Hoàng Văn Chung, Phạm Thị Chuyền, (2016), Giáo dục đạo đức và lối sống của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3(153).

8. Ba đá bia mang niên hiệu vua: Quang Hưng (1678-1599), Chính Hoà (1680-1705), Gia Long (1802-1819) ghi lại lịch sử trùng tu của chùa hiện còn lưu giữ tại sân chùa. Nội dung dịch do Phạm Thị Chuyền thực hiện.

9. Đỗ Thỉnh (1993), “Chùa Đình Quán và văn bia Trạng Bùng”, Tạp chí Hán Nôm số 2.

10. Đạo tràng là nơi hội tụ những người con Phật, có cùng một ý hướng chuyên tu, theo một pháp môn tu hành nào đó đã được lựa chọn.

11. Tư liệu phỏng vấn sâu nam Phật tử, Huynh trưởng CLB Thanh thiếu niên Phật tử chùa Đình Quán, tháng 01/2020, người thực hiện: Nguyễn Minh Huyền.

12. Tư liệu phỏng vấn sâu nam Phật tử, Huynh trưởng CLB Thanh thiếu niên Phật tử chùa Đình Quán, tháng 01/2020, người thực hiện: Nguyễn Minh Huyền.

13. Thích Nhất Hạnh (2010), Nhật tụng thiền môn, NXB Tôn giáo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6794814