Thông tin

THỰC TRẠNG PHẬT GIÁO Ở NGHỆ AN

KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

 

ThS. NGUYỄN PHÚC NGUYÊN*

         

Ngày 23/9/2011, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nghệ An đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Nghệ An, bởi sau 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên tổ chức Phật giáo Nghệ An được thành lập. Việc ra đời Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An đánh dấu bước chuyển mình trong sinh hoạt tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, giúp tăng ni, phật tử Phật giáo Nghệ An hòa mình vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời đây cũng là cơ duyên để Phật giáo Nghệ An đóng góp vào sự lớn mạnh và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Phật giáo đã có mặt ở Nghệ An từ rất lâu đời. Bằng chứng là những nét sinh hoạt tín ngưỡng đậm chất Phật giáo vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay trong đời sống của người dân xứ Nghệ như ngày Phật đản, Vu lan, ngày vía Quan Âm… Hay như bằng chứng sinh động là ngôi chùa Cần Linh (thành phố Vinh, Nghệ An) đã có hàng ngàn năm tuổi vẫn sừng sững uy nghiêm như minh chứng cho một thời thịnh pháp của Phật giáo Nghệ An. Trải qua bao thăng trầm biến động, Phật giáo Nghệ An có những lúc tưởng chừng như không còn tồn tại, song mạng mạch Phật pháp vẫn được lưu truyền, âm thầm mà bền bỉ, chưa bao giờ dứt quãng. Những tăng ni, Phật tử Nghệ An vẫn kiên tâm, tin tưởng vào Phật pháp, duy trì sinh hoạt tôn giáo, hướng dẫn tín đồ hoạt động đúng chính pháp và pháp luật. Kết quả ấy, thành tựu ấy chính là sự ra đời của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An. Qua hơn một năm hoạt động, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An đã có những thành tích đáng ghi nhận, làm cho sinh hoạt Phật giáo ở Nghệ An có nhiều khởi sắc. Những việc làm thiết thực như trùng tu, tôn tạo các cơ sở Phật giáo, bổ nhiệm trụ trì, kỷ niệm các ngày lễ trọng của Phật giáo, các chùa tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo trên địa bàn trong và ngoài tỉnh… đã thực sự tao ra một luồng không khí mới trong sinh hoạt Phật giáo ở Nghệ An.

Trong khuôn khổ của Hội thảo Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng tôi xin được trao đổi về thực trạng Phật giáo Nghệ An, đồng thời mạnh dạn đưa ra những kiến nghị và giải pháp để Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các cơ quan chính quyền tỉnh Nghệ An có thể xem xét, nghiên cứu nhằm giúp cho các sinh hoạt Phật giáo ở địa phương này ngày càng thêm phát triển, góp phần vào việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Vài nét về vùng đất Nghệ An

Từ thời Hùng Vương, Nghệ An là vùng đất bao gồm 2 bộ trong 15 bộ của nước Văn Lang, có tên là Hoài Hoan và Cửu Đức. Bộ Hoài Hoan là tên gọi vùng đất tương đương với Diễn Châu ở phía bắc tỉnh Nghệ An, bộ Cửu Đức là tên gọi vùng đất tương đương với phần phía nam của tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, tức đất Hoan Châu thời nhà Đường.

Giai đoạn Bắc thuộc, thời nhà Hán, Nghệ An là huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân; thời Đông Ngô tách ra khỏi quận Cửu Chân, đặt làm quận Cửu Đức; thời nhà Tấn, nhà Tống vẫn theo như nhà Ngô; thời nhà Lương chia đặt làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu; thời nhà Tùy: năm Đại Nghiệp thứ 3 hợp cả Minh Châu, Trí Châu và Hoan Châu, đổi lệ thuộc quận Nhật Nam; thời nhà Đường: chia quận Nhật Nam đặt làm Đức Châu, Lạo Châu, Minh Châu và Hoan Châu; năm Trinh Quán đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu.

Thời kỳ đất nước độc lập tự chủ nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê gọi là Hoan Châu. Nhà Lý đổi làm Nghệ An châu trại, năm Thiên Thành thứ 2 (năm 1030) đổi tên là Nghệ An châu rồi Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh Hóa, xứ Lạng Sơn. Năm 1831, thời vua Minh Mạng của nhà Nguyễn, tách xứ Nghệ thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lại hợp thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991, lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.  Con người xứ Nghệ từ lâu đã nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó. Có lẽ cũng bởi sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên đã tôi rèn cho con người nơi đây bản lĩnh kiên trung, vững vàng. Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xứ Nghệ có nhiều điểm mạnh trong tính cách, nói rộng ra là nhân cách, khó pha lẫn với một vùng miền nào khác của đất nước.  Học giả Đặng Thai Mai khi nói về con người Nghệ, cho rằng "can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến "cá gỗ". Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một người con của chính đất Nghệ, đã nghiên cứu và đưa ra một số nhận định được giới nghiên cứu tán thành, đó là trong mỗi con người xứ Nghệ có: một kẻ bình dân khố chạc; một con người chữ nghĩa văn chương; một chiến sĩ tiền phong cách mạng. Cả ba nhân vật đều có 4 đặc điểm chung nhau: cái chất lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao lưu.

Người xứ Nghệ có ý chí tiến thủ, vượt khó, khắc phục hoàn cảnh. Do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế nghèo khổ nên người dân xứ Nghệ trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. Họ ham học hỏi và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn. Con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành, thành đạt trên con đường khoa cử trong các triều đại phong kiến còn lưu danh sử sách. Nhiều học giả tên tuổi lừng danh thời hiện đại gốc xứ Nghệ là niềm tự hào không phải vùng đất nào cũng có được. Truyền thống đó vẫn được tiếp nối trong từng gia đình xứ Nghệ không phải trong hoàn cảnh nghèo khó mà ở những gia đình thành đạt, giàu có. Trên đất nước Việt Nam, xứ Nghệ được coi là một vùng đất học. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân địa phương này. Vì vậy, mọi nhà đều mong con em mình học hành đỗ đạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để con cái được học tập thành danh, thành người. Dẫu chỉ bằng củ sắn củ khoai, người Nghệ cũng dốc sức ăn học thành tài.

Trong ứng xử, người Nghệ thường chân thành, thẳng thắn đến mức khí khái. Vì thế, trong quan hệ không phải lúc nào cũng dễ được mọi người xứ khác hiểu, chấp nhận. Đôi lúc người Nghệ cứng rắn nguyên tắc đến mức xem là "gàn". Có thể nói, "gàn" cũng là một tính cách đặc trưng của người Nghệ. Tuy nhiên, gàn đây không phải là gàn dở mà gàn một cách có lý trí.

Là vùng đất sơn thủy hữu tình đã đi vào thi ca “Đường vô xứ Nghệ loanh quanh, non xanh nước biêc như tranh họa đồ” nên hẳn nhiên đời sống tâm linh của người dân xứ Nghệ cũng rất phong phú. Nhiều lễ hội tín ngưỡng đặc sắc vẫn được người dân nơi đây duy trì, bảo tồn và phát huy như một thực thể không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 24 lễ hội, gồm: lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Các lễ hội diễn ra tại hầu khắp các địa bàn trong tỉnh, từ miền xuôi tới miền núi, từ đồng bằng tới thành thị và bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch.

Lễ hội ở Nghệ An có hội làng, liên làng, dòng họ, tôn giáo, lễ hội mới, trong đó lễ hội dân gian chiếm một tỷ lệ khá lớn và tiêu biểu hơn cả, thường đóng vai trò trung tâm. Mỗi vùng đất, mỗi miền quê, mỗi tộc người có những phong tục, tập quán, điều kiện hoàn cảnh riêng, những cách tổ chức riêng, tạo nên nét đặc trưng về lễ hội. Ngày mùng 4, 5, 6 Tết âm lịch diễn ra lễ hội đền Mường Ham tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp; đền Quang Trung tại thành phố Vinh, lễ hội đền Vua Mai ở huyện Nam Đàn, lễ hội đền Vạn Lộc ở thị xã Cửa Lò, lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu), Đền Quả Sơn, đền Đức Hoàng (Đô Lương), đền Vạn (Tương Dương), Thẳm Bua (Quỳ Châu), đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc), đền Đức Hoàng (Yên Thành) đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), đền Cuông (Diễn Châu), đền Bạch Mã (Thanh Chương), làng Vạc (Thái Hòa),v.v... Đặc biệt, trong tháng 5 âm lịch có Lễ hội văn hóa du lịch Cửa Lò - khai trương mùa du lịch biển, Lễ hội làng Sen, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ; đến tháng 10 âm lịch có lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên).

Nhìn chung, các lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thu hút một số lượng không nhỏ khách du lịch đến Nghệ An.

Nghệ An là nơi có nhiều tôn giáo. Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng qua khảo sát sơ bộ: Công giáo là tôn giáo lớn nhất trên địa bàn; toàn tỉnh hiện có 13/20 huyện, thành thị có giáo dân sinh sống; tổng số giáo dân khoảng 220.958 người (41.887 hộ); có 66 giáo xứ, 297 giáo họ phân bố trên 756 xóm. Giáo dân sống khá tập trung, có 256 xóm giáo toàn tòng; có 756 xóm có giáo dân sinh sống. Tiếp theo là Phật giáo, theo thống kê  gần đây, cả tỉnh Nghệ An có gần 300 ngôi chùa, khoảng trên 3000 phật tử. Nhiều chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc như các chùa Cần Linh, Nhạn Tháp, Bình An, Đồng Bạc, Cổ Am, chùa Ná, chùa Lụi… Riêng huyện Nam Đàn có hơn 20 ngôi chùa cổ, nổi tiếng là chùa Nậm Sơn ở Vân Diên, Đại Tuệ ở Nam Anh,… Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, phong hóa của thời gian và cả sự ấu trĩ một thời đoạn của con người nên đa số chùa ở Nghệ An đã thành phế tích. Những năm gần đây, trong xu thế chấn hưng Phật giáo nước nhà, nhiều chùa ở Nghệ An đã được trùng tu, phục dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.

Ngoài ra, ở Nghệ An hiện có một số tín đồ tu tại gia của đạo Cao đài, đạo Tin Lành. Hầu hết các tôn giáo có mặt tại Nghệ An đều mang dấu ấn văn hoá địa phương. Tính dung hợp, đan xen, hoà đồng của tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu quả xã hội nhất định, làm cho địa phương về cơ bản không có xung đột về đức tin, đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau gắn bó đoàn kết trong một cộng đồng chung.

2. Thực trạng Phật giáo tại Nghệ An

Trước khi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An được thành lập vào năm 2011, vấn đề chức sắc Phật giáo thực sự đã đặt ra rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, Phật tử. Các nghi thức, hành trì, tụng niệm, các sinh hoạt Phật giáo có tính chất lễ hội như Phật đản, Vu lan, các ngày lễ vía Phật... cũng như các sinh hoạt của đạo tràng, thuyết pháp, giảng kinh được tổ chức không thường xuyên do không có người hướng dẫn. Mặc dù tại một vài cơ sở Phật giáo có sư trụ trì, song vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu tu học và thực hành giáo lý Đức Phật của đông đảo quần chúng tín đồ và những người có tình cảm với Phật giáo.

Sau khi đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An được tổ chức, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được thành lập với 11 tăng ni do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm Trưởng ban. Đó là thành công bước đầu trong việc kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức của Phật giáo Nghệ An. Chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động của Phật giáo Nghệ An sẽ có nhiều khởi sắc, đem lại sức sống mới, khí thế mới cho sinh hoạt Phật giáo nơi đây. Song cũng phải nhìn nhận vào thực tế, trong số 11 tăng ni tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2011 - 2016, có khá nhiều vị đang hoạt động kiêm nhiệm. Với trọng trách được Trung ương Giáo hội giao phó, các vị đang phải tham gia hoạt động tại nhiều địa phương, nhiều ban ngành và nhiều cấp của Giáo hội. Việc đó có thuận lợi bởi đây đều là những tăng ni có tài đức, nhiệt huyết, có kinh nghiệm hoạt động Phật giáo trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng chính vì thế mà các vị bị chi phối bởi thời gian, không thường xuyên có mặt ở địa phương, ở chùa để hướng dẫn các sinh hoạt Phật giáo cho tín đồ và quần chúng.

Về mặt hành chính đạo, Ban Trị sự hoạt động theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Trị sự nhưng về mặt tôn giáo, Phật giáo lại coi trọng sơn môn, pháp phái. Những nghi quỹ đã hình thành theo sơn môn, pháp phái sẽ được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và Phật giáo Nghệ An cũng không nằm ngoài quy tắc đó. Do đó, khi các vị sư dấn thân về hoạt động Phật sự tại Nghệ An cũng sẽ phải theo những nguyên tắc hoạt động của sơn môn, pháp phái nhất định. Lần giở lại lịch sử của Phật giáo Nghệ An, như ngôi chùa Cần Linh (thành phố Vinh), tên chữ có từ thời xây dựng là Linh Vân tự, đến đời Nguyễn, vua Tự Đức đến thăm chùa, thấy cảnh chùa đẹp đẽ, linh thiêng đã tặng bức đại tự có hai chữ Cầu Linh với ý nghĩa cầu nguyện linh ứng. Về sau nhân dân đọc chệch thành Cần Linh và trở thành tên chùa. Nhưng dân và phật tử ở đây vẫn quen gọi tên chùa thân thương là chùa Sư Nữ bởi vì nơi đây, từ xưa đều do các vị ni trụ trì. Hay như chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, thành phố Vinh) cũng là ngôi chùa do dòng họ nhiều đời truyền nhau trông nom. Theo gia phả họ Hoàng ở Nghi Phú (thành phố Vinh), gia tộc này từ nhiều đời trước đã có truyền thống làm sư ở chùa này. Chỉ nhớ rằng, cụ Hoàng Chư Cách làm sư thì con trai cụ là Hoàng Hào Kiều làm Từ, khi cụ Hoàng Hào Kiều lên làm sư thì cụ Hoàng Canh Kho lên làm Từ và sau khi cụ Hoàng Canh Kho lên làm sư thì đây cũng là vị sư cuối cùng của chùa này và đã qua đời từ nhiều năm trước.

Một khó khăn cho các tăng ni khi về sinh hoạt Phật giáo tại Nghệ An là tình trạng xuống cấp của các cơ sở thờ tự Phật giáo. Nhiều ngôi chùa chỉ còn là những dấu vết trong hoài niệm của người dân. Tăng ni về đảm nhận việc hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ chưa có chùa ngay để an trú, thực hành giáo pháp, dẫn dắt phật tử nên cũng chưa thực sự yên tâm để gắn bó hoặc việc gắn bó cũng khó được lâu dài, ổn định. Bên cạnh đó, do sau một thời gian quá dài các sinh hoạt Phật giáo không được tổ chức tại Nghệ An do không có tăng ni hướng dẫn (ngoại trừ chùa Cần Linh có sư trụ trì, còn hầu hết các chùa khác đều do cư sĩ trong nom) nên quần chúng tín đồ xa rời đạo pháp, không có điều kiện thực hành thường xuyên giáo lý Đức Phật nên không tránh khỏi những cách tu tập, thực hành chưa thực sự theo đúng chính pháp, tạo ra những khó khăn trong việc triển khai Phật sự tại các chùa.

Trong thời gian dài sinh hoạt Phật giáo bị gián đoạn hoặc nếu có cũng chỉ ở quy mô nhỏ trong khuôn viên chùa nên việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn tăng ni kế cận để đảm nhiệm các phật sự ngay tại địa phương chưa được thực hiện. Với các tăng ni ở địa phương khác về nhận phật sự tại Nghệ An, có thể các vị nắm vững kiến thức Phật học, có kinh nghiệm tổ chức hoạt động Phật giáo, làm tốt việc hướng dẫn tu tập, song cũng cần thời gian để làm quen với phong tục, tập quán, truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân bản địa để từ đó có cách thức hướng dẫn phù hợp, thuyết phục để tăng cường hiệu quả của việc truyền bá giáo lý Phật Đà.

Trong xu thế phát triển hiện nay, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự ủng hộ của phật tử, thời gian tới, hoạt động Phật sự của Nghệ An sẽ có những khởi sắc với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú hơn nữa, các cơ sở thờ tự được phục hồi, tôn tạo sẽ đem lại cảnh quan tươi mới, đầy sức sống cho Phật giáo địa phương này. Vì thế, với số lượng 11 vị tăng ni trong Ban Trị sự nhiệm kỳ đầu, trong đó như trên đã đề cập, phần nhiều hoạt động kiêm nhiệm, chắc chắn sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của công việc hành chính đạo cũng như nhu cầu sinh hoạt của tín đồ và nhân dân. Mặc dù so với Ban Trị sự Phật giáo của một số tỉnh mới được thành lập gần đây như Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang… số lượng tăng ni như vậy có thể là tương đối, thậm chí có thể còn nhỉnh hơn, song việc bổ sung, tăng cường tăng ni tham gia hoạt động Phật sự tại Nghệ An vẫn rất cần được quan tâm tránh tình trạng một vị sư kiêm nhiệm trụ trì quá nhiều chùa, không dành hết được tâm sức và thời gian để hướng dẫn tín đồ, phật tử trong các sinh hoạt tôn giáo.  

Số lượng tăng ni của Phật giáo Nghệ An hiện nay chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh hoặc một số huyện lân cận, với những địa bàn xa, đi lại khó khăn, người dân chưa được tiếp cận nhiều với đạo Phật nên đòi hỏi các tăng ni cần sự dấn thân hơn nữa. Đó có thể là việc làm lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức và trách nhiệm của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An trong những năm tới để có thể tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng các vị sư sẵn sàng đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để truyền bá Phật pháp, hướng dẫn người dân theo đúng chính pháp, tránh để các thế lực thiếu thiện chí lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, chia rẽ khối đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ảnh hưởng đất sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.

Do chiến tranh, thiên tai và cả cách tư duy, cách làm của một thời mà đến nay, chùa chiền ở Nghệ An đã bị tàn phá nặng nề, hầu như không còn ngôi chùa nào còn nguyên vẹn. Đây thực sự là một thách thức cho Phật giáo Nghệ An đang trong bước đầu của sự xây dựng và phát triển. Theo sử sách và những hiện vật còn sót lại cho đến ngày nay, Phật giáo Nghệ An đã có những thời kỳ phát triển và có nhiều ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Nghệ An là số ít trong các địa phương còn có dấu tích về những ngôi chùa đã có vài trăm năm tuổi, nổi tiếng là thắng cảnh và sự linh thiêng, tiêu biểu như chùa Cần Linh được xây dựng từ thế kỷ IX cuối thời tiền Lê. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có cả một đoạn khá dài nói về lịch sử ngôi chùa này. Truyền thuyết đất Hoan Diễn kể rằng: Cao Biền, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên “ngắm nghía” thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo, một phần là để nâng cao việc giáo dục “lễ nghĩa quân thần”, phát triển tôn giáo, phục vụ cho mục tiêu thống trị theo đúng nghĩa của “đại quốc” song mặt khác cũng là để “yểm” các huyệt lộ linh thiêng trên đất Việt. Khi đến đất Hoan Diễn, Cao Biền nhận thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về phía Đông, còn mảnh đất nay là chùa Cần Linh chính là phần đầu của con Rồng, biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt của đất phương Nam khi đó. Nghĩ rằng sẽ chinh phục được nước Nam và duy trì nền thống trị Bắc thuộc lâu dài, nên vào năm 866, Cao Biền đã cho làm một ngôi chùa ở đây để “cầu may”. Hơn nữa, vào thời điểm đó ở làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh) nam giới thường chỉ sống được không quá 40 tuổi, nên việc xây chùa còn là để nhờ phép nhà Phật giúp cho Cao Biền và những người đàn ông ở mảnh đất này kéo dài thêm tuổi thọ. Ban đầu, Cao Biền đặt tên chùa là Linh Vân tự nghĩa là “chùa mây thiêng”. 

Những ngôi chùa ở Nghệ An còn là cầu nối, đan xen giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian hết sức phong phú và đa dạng của người dân xứ Nghệ. Rất nhiều truyền thuyết trong đời sống xã hội của người dân xứ Nghệ gắn Phật giáo, thể hiện sự tương tác và gần gũi một cách kỳ lạ của Phật giáo nơi đây. Ví như chùa Bà Bụt ở xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Nguyên xưa, chùa Bà Bụt có tên gọi là Chùa Thượng Thọ, được xây dựng vào năm 1007. Sử sách lưu truyền, thời kỳ Lý Nhật Quang được bổ làm Tri châu Nghệ An, ông đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng và phát triển kinh tế. Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt đã phù giúp Lý Nhật Quang gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc, bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thôn Thượng Thọ (nay là huyện Đô Lương) có bà tiên báo với ngài rằng: "Quả Sơn là nơi địa linh muôn đời có thể hoá thân ở xứ ấy".

Nghe lời bà tiên, Lý Nhật Quang về đến Quả Sơn thì mất. Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền ở Quả Sơn. Do đó, hằng năm có tục lễ "nghinh xuân" vào ngày 20 tháng Giêng, rước tượng ngài từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng.

Những ngôi chùa ở Nghệ An còn là kho tàng lưu giữ rất nhiều giá trị tâm linh gắn với lịch sử về một thời dựng nước và giữ nước của cha ông ngày xưa. Về với chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) sẽ được nghe những câu chuyện về Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, vua Quang Trung, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp… đều gắn với di tích Phật giáo này. Hay như chùa chùa Tập Phúc (thành phố Vinh) là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nghệ An. Năm 1941, sau khi xử tử hình Đội Cung, giặc Pháp cho người đem thi hài ông chôn ở nghĩa địa chùa Tập Phúc, nơi trồng nhiều cây phi lao. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền thành phố Vinh di dời hài cốt ông về địa điểm hiện nay. Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Nhiều thi hài các nạn nhân chết đói được quy tập về mai táng tại nghĩa địa của chùa, vị trí đến nay nhiều người còn nhớ. Cũng năm này, cán bộ và người dân đã họp tại chùa Tập Phúc để bàn phương án cướp chính quyền thành công.

Trong điều kiện thời gian dài không có tăng ni đảm nhiệm việc chăm nom, nhiều ngôi tam bảo đã bị thay đổi, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân. Chùa ở Nghệ An, cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, có mô hình tiền Phật, hậu Thánh (trước thờ Phật, sau thờ Thánh) không phải là hiếm. Song, nếu như không có sự hướng dẫn của các vị sư, người dân không biết chỉ chú trọng về mặt thờ thánh theo tâm linh dân gian khiến không gian Phật giáo trong chùa bị bó hẹp, dễ làm phát sinh các hiện tượng mê tín ngay trong ngôi chùa. 

 Trong bối cảnh như thế, về mặt khách quan, có thể nói Phật giáo Nghệ An đang có nhiều khó khăn trong việc duy trì và tổ chức các sinh hoạt Phật giáo theo truyền thống. Đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thói quen và nếp sinh hoạt theo tín ngưỡng dân gian, chưa được tiếp xúc hoặc không có người trực tiếp hướng dẫn để đến với phật pháp theo đúng cách thức truyền thống.

Trong thời gian qua, một số ngôi chùa ở Nghệ An sau khi được bổ nhiệm sư trụ trì đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hoạt động Phật giáo như thuyết pháp, giảng đạo, hướng dẫn tu tập. Các ngày lễ của Phật giáo như Phật đản, Vu lan… đã được tổ chức trang nghiêm. Các hoạt động từ thiện nhân đạo cũng được các chùa tổ chức đã thực sự thu hút được sự tham gia của tín đồ, phật tử, làm sôi động trở lại các sinh hoạt Phật giáo vốn trầm lắng bấy lâu nay tại mảnh đất xứ Nghệ. Điển hình có thể kể đến các chùa Cần Linh, chùa Ân Hậu (thành phố Vinh), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Phúc Lạc (thị xã Cửa Lò), chùa Cổ Am (Diễn Châu),v.v…

Mặc dù các sinh hoạt Phật giáo đã có sự thay đổi đáng kể sau khi Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An được thành lập nhưng thực tế có thể thấy các sinh hoạt đó vẫn chỉ mang tính sự kiện, đơn lẻ mà chưa thực sự trở thành những sinh hoạt ổn định, thường xuyên, liên tục. Điều đó có lí do khách quan là do cơ sở vật chất của hầu hết các chùa chưa đáp ứng được yêu cầu để tổ chức các sự kiện lớn, có quy mô hoặc có đủ phương tiện để tổ chức thường xuyên, các tăng ni về đảm nhận Phật sự tại Nghệ An mới trong một thời gian ngắn, tập trung cho việc tôn tạo, trùng tu ngôi Tam bảo đang xuống cấp. Mặt khác, do kiêm nhiệm hoạt động nên nhiều vị trụ trì không thể thường xuyên có mặt nơi trú xứ để giúp đỡ và hướng dẫn tín đồ. Những vấn đề nêu trên rất cần Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An xem xét và có hướng khắc phục trong thời gian tới.

3. Một số kiến nghị và giải pháp

Để các hoạt động Phật giáo tại Nghệ An đi vào chiều sâu, đáp ứng được nhu cầu và lòng mong mỏi của tín đồ, phật tử địa phương, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cũng cần sự nỗ lực rất lớn từ Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là việc tăng cường bổ nhiệm tăng ni về trụ trì tại các cơ sở tự viện Phật giáo ở Nghệ An theo hướng ổn định, lâu dài, chú trọng đến việc phát triển nguồn tăng ni kế cận ngay tại địa phương.

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An cần chủ động, tích cực trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức; xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể trong việc bổ sung, tăng cường tăng ni về địa phương; phấn đấu theo hướng sau khi hết nhiệm kỳ đầu tiên thành lập được tổ chức Phật giáo cấp huyện ở những địa bàn trọng tâm theo đúng Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc làm đó sẽ giúp cho Phật giáo Nghệ An phát triển bền vững và ổn định trong tương lai.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự quan tâm sâu sát, hỗ trợ tích cực cho Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh mới được thành lập bằng việc công cử những chức sắc có uy tín, đạo hạnh, có kinh nghiệm hoạt động để gây dựng lại các sinh hoạt Phật giáo đã bị mai một theo thời gian, đồng thời cũng lựa chọn, động viên tăng ni, nhất là các tăng ni trẻ có năng lực để dấn thân về với Phật giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong xã hội, làm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các hiện tượng mê tín lợi dụng lòng tin của tín đồ, phật tử.

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An cần chú trọng hướng dẫn cụ thể các vị sư trụ trì trong việc trùng tu, tôn tạo các cơ sở thờ tự bởi vì trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh, nhiều ngôi tự viện đã hoang tàn hoặc bị chuyển đổi để phục vụ các nhu cầu khác cho xã hội. Do đó, việc trùng tu tôn tạo là hết sức cấp bách và cần thiết song phải đảm bảo theo quy trình, thủ tục của pháp luật, đảm bảo sự hài hòa cảnh quan hiện tại và bảo lưu được những nét truyền thống của ngôi cổ tự trước kia. Thực tế ở Nghệ An chưa có những phát sinh lớn, phức tạp liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo cơ sở thờ tự Phật giáo, song đất đai tôn giáo luôn là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện gây phức tạp, mất an ninh trật tự. Sự tuân thủ pháp luật của mỗi tự viện trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích sẽ là điều kiện để Phật giáo Nghệ An phát triển vững mạnh, ổn định. 

Trong thời gian tới, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An cần đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở tự viện để có từ đó có định hướng, giúp đỡ các vị sư trụ trì trong việc trùng tu, tôn tạo, chú trọng đến những ngôi chùa cổ, có truyền thống, gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân địa phương, đặc biệt là những ngôi chùa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta qua bao đời. Việc làm đó còn có giá trị tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch tâm linh, để mỗi ngôi chùa ở Nghệ An sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho quần chúng, tín đồ, du khách trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo, Phật giáo Nghệ An cần tăng cường hơn nữa các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia tích cực vào việc xã hội hóa y tế, giáo dục, động viên tăng ni, phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đem giáo lý Đức Phật vào cuộc sống hằng ngày của mỗi quần chúng, tín đồ, xây dựng cõi Niết Bàn ngay tại trần gian.

Cấp ủy Đảng và chính quyền ở Nghệ An cần quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ Phật giáo địa phương trong các hoạt động phật sự, chẳng hạn như tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, khôi phục cơ sở thờ tự trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời thường xuyên quan tâm, thăm hỏi động viên tăng ni trên địa bàn tỉnh, có hình thức biểu dương, khen thưởng để động viên, khích lệ tăng ni, phật tử tích cực hơn nữa trong các hoạt động ích đạo, lợi đời, tham gia vào các phong trào bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.



*Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 217
    • Số lượt truy cập : 6948086