THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH
ĐỖ NGHÊ
Lâu nay, ta đã quen sống trong, sống với Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh rồi… đột nhiên nghe Phật nói lúc sắp nhập diệt trong kinh Đại Bát Niết Bàn rằng không có chuyện Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh gì cả mà là Thường Lạc Ngã Tịnh… đó thôi, chẳng qua vì con người sống trong “điên đảo” như người say rượu mới thấy trời đất lăn quay mà tưởng tượng ra. Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là những hiện tượng của đời sống thường ngày ở “cõi người ta” mà ai cũng thấy biết và đã vất vả tìm đường “tu tập” để vượt qua, để được thanh tịnh, an vui. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái “thấy biết” trước mắt của phàm phu ta thôi, chớ Phật thấy khác. Có điều, ngay lúc ban đầu vừa giác ngộ mà Phật nói toạc ra, thì cũng chẳng ai tin, chẳng ai hiểu, nên phải tiếp cận bằng con đường vòng dễ chấp nhận, từ đó mà chịu khó tu tập. Đến khi tình thế đã chín muồi, trong kinh Pháp Hoa, Phật mới phải “khai thị” cho chúng sanh mở to con mắt mà thấy biết cái “tri kiến” Phật, để từ đó mà “ngộ nhập” vào chốn an vui, tịch tĩnh. Thấy biết cái gì? Cái Như Lai, cái Như Lai tạng, vô tướng, thực tướng. Chúng sanh cũng có đủ Phật tánh, thì cũng phải thấy biết như Phật chớ. Vậy mà cái hôm dưới chân núi Linh Thứu, trước ngàn vạn đại Thanh Văn, đại Bồ- tát, Phật “khui” ra cái bí mật bấy lâu giấu giếm này, đã có năm ngàn đệ tử bỏ đi, cho rằng Phật nói lúc này lúc khác. Phật phải đính chánh nhiều lần: Lúc đầu, lúc giữa, lúc cuối, ta chỉ nói một lời đó thôi. Thì cũng như thầy thuốc, chẩn đoán bệnh xong, thì cho bệnh nhân thuốc chữa triệu chứng cho đỡ đau đỡ khổ trước, rồi sau mới chữa trị nguyên nhân gần xa. Thuốc chữa được bệnh cũng là thuốc độc, nhiều side-effects phải hết sức thận trọng thôi.
Còn nhớ Thầy Phước Hậu (1862-1949) khi ngộ ra Như Lai đã viết:
“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay nghĩ lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ”.
Vô thường, Khổ, Vô ngã xưa nay được coi là “Tam pháp ấn”, pháp nào không có tam pháp ấn là sai, là không phải Phật. Trong Đại Bát Niết Bàn, trước giờ nhập Niết bàn, Phật bảo đó chỉ là các “danh tự” chưa phải là “thật nghĩa”, chỉ vì chúng sanh khởi tâm điên đảo mà nghĩ tưởng như vậy thôi!
“Như người say rượu thấy nhà cửa núi sông vốn thiệt khôngxoay lộn, mà tưởng cho là xoay lộn. Cũng vậy, bị những phiền não vô minh trùm đậy nên chúng sanh khởi tâm điên đảo: ngã cho là vô ngã, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, lạc cho là khổ. Nghĩ tưởng như vậy mà không thấu rõ thật nghĩa…”.
(Phẩm Tánh Như Lai, kinh Đại Bát Niết Bàn).
Thế nhưng, ta vốn lâu nay đã quen với Vô thường, khoái vô thường… của cõi đời thú vị biết bao sao lại tìm đến cái Thường của Như Lai làm chi? Cũng vậy, ta vốn quen với Khổ, thấy khổ cũng… vui, vì tưởng khổ hóa vui, tưởng vui hóa khổ… Vậy thì khi nhập vào tạng Như Lai là “bị” nhập chớ ta đâu có muốn phải không?
Rồi Phật nói:
Nay ta sẽ giảng rõ sự thể nhập vào tạng Như Lai:
“Ngã” chính là thật nghĩa của “Phật”; “Thường” chính là thật nghĩa của “Pháp thân”, (của Phật tánh, của Như Lai tạng).“Lạc” là thật nghĩa của “Niết-bàn”, “Tịnh” là thật nghĩa của “Pháp”.
Vì để độ tất cả chúng sanh nên dạy tu pháp vô ngã. Nhờ tu pháp đó dứt hẳn tâm chấp ngã, được nhập cõi thanh tịnh, an lạc (trước mắt).
Nếu ngã là có, thời là pháp chẳng rời nơi khổ.
Nếu không có ngã, thời tu hạnh thanh tịnh không được lợi ích gì.
Do nghĩ này, nên người tu các pháp khổ đều gọi là chẳng lành, người tu các pháp lạc, thời gọi là lành. Người tu các pháp vô ngã, thời thuộc về phiền não, người tu các pháp thường, thời gọi là tạng Như-Lai. (Đại Bát Niết Bàn).
Nghĩa là nếu có Ngã, thì chẳng thể tu dứt hẳn tâm chấp ngã để mà lìa sự khổ, sẽ vẫn phải khổ dài dài! Còn nếu không có Ngã thì tu hành cực khổ mong thanh tịnh chẳng được lợi ích gì! Phải hiểu Ngã đây là thật nghĩa của Phật (chân Ngã), không phải thứ Ngã của phàm phu ta.
Trong thân chúng sanh vốn có Phật tánh, tức Như Lai tạng, cũng đã thấy biết Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Hãy tự quy y chỗ “tam quy chân thật” này, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.
Phật bảo Ca Diếp (một vị Bồ-tát trẻ, thắc mắc tại sao Phật mà cũng chết): “Này Ca Diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thânbất hoại, thân kim cang chẳng phải là thân tạp thực. Chính là pháp thân". "Ông nên biết thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô tri vô hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không phải thọ hành, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải dời chẳng phải diệt, chẳng phải tâm vương tâm sở, chẳng thể nghĩ bàn…
Nếu nói vô minh làm nhơn duyên mà có các hành, người phàm phu liền phân biệt tưởng rằng có hai pháp: “minh” và “vô minh”. Người trí rõ biết tánh đó vốn không có hai. Tánh không hai (bất nhị) đó tức là thật tánh”.
Vì thế, Tâm Kinh viết: “Vô vô minh diệc vô vô minh tận”. Không có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết… vô minh! Khoái thật!
Trong kinh Duy Ma Cật, khi các vị Bồ-tát có mặt đều nói về “Bất nhị” theo sự hiểu biết của mình, thì cuối cùng Văn Thù xin Duy Ma Cật cho ý kiến riêng ông, Duy Ma Cật làm thinh, chẳng nói chẳng rằng. Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, tưởng Duy Ma Cật bí, thì Văn Thù vỗ tay khen: “Đó mới thật đúng là Bất Nhị!”. Bởi, Bất Nhị thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, còn nói năng suy nghĩ gì nữa!
Bình luận bài viết