Thông tin

THƯƠNG NHỚ NHẠC SĨ GIÁC AN

 

HẠNH PHƯƠNG

 

 

Cố nhạc sĩ Giác An

 

Bao giờ tôi cũng thấy Giác An mỏng như lá lúa. Mái tóc dài đen nhánh, dài phủ đến gáy, tóc nhiều xòa rộng như người che gần kín khuôn mặt người. Bước đi chàng nhạc sĩ lúc nào cũng nhẹ nhàng, bềnh bồng thanh thoát, các em yêu... đừng hòng nghe tiếng gót giày da động thềm hiên tu viện của chàng.

Liên tưởng hình hài lá lúa, cũng là mối duyên tình tự cho mình liên tưởng rất nhiều đến quê hương Việt Nam. Quán niệm Giác An là quán niệm đến con đường hiện đại hóa đạo Phật, con đường đem đạo vào đời. Quán niệm Mặc như lôi... Im lặng sấm sét.

Gặp Giác An ở tu viện Phước Hoa nhiều lần, nhưng cứ đến chốn thiền môn quy củ này thì ai vào việc nấy, không huyên thuyên sáo ngữ, không huyền đàm thế sự... Thời gian riêng tư rất ít ỏi, hình như ai cũng lắng nghe, tiếp xúc được tiếng hải triều vang vọng trong tâm, cảm giác được dòng cam lộ đức Quán Thế Âm gội mát trần tâm. Giác An ngồi vào vị trí đàn Organ, HP ngồi vào vị trí một tín đồ ngoan ngoãn đến chùa lễ Phật... Quy luật im lặng là vàng được áp dụng. Thế nên, dù gặp nhiều lần, tôi chẳng mấy biết điều gì về anh chàng nhạc sĩ kín tiếng. Hy hữu lắm, có lần tôi nghe được lời anh tự bạch. Anh là đệ tử xuất gia của Hòa thượng Thích Tâm Châu.

Khi anh cất bước viễn du, giã từ thế giới ngũ trược, tôi có một nỗi trăn trở, vì dan díu việc ứng xử thế tình, tôi đã không đến viếng hương linh Giác An... Nay, chân thành bày tỏ nỗi trăn trở này, mong Giác An hoan hỷ, và cũng hi vọng ca sĩ Hiếu Ngọc, và cả các cháu... cảm thông sự vắng mặt của HP trong tang lễ Giác An.

Giác An như cá lội nước, cứ vào nước là bơi là quẫy, là lội... Anh không hề trăn trở suy tư, không hề ứng cơ phản biện, ứng đối. Anh lặng lẽ chuyển tải tinh hoa tư tưởng Phật giáo vào âm nhạc của anh. Tuy đồng thời với quý nhạc sĩ huynh trưởng Hằng Vang, Uy Thi Ca, Lê Cao Phan... nhưng Giác An không nhất thiết tự coi mình là kẻ đồng hành cùng các bậc huynh trưởng... Anh tự có con đường của anh... Anh đã thành công trên con đường anh đã tự hoạch định. Tôi lắng nghe của anh, phảng phất âm hưởng bài thơ Niệm Phật của tôi, nhưng tôi biết khi anh viết ca khúc ấy thì anh chưa hề biết bài thơ Niệm Phật tôi đã viết. Có lẽ, đây là cứ liệu duy nhất chứng minh tôi với anh đồng cảm, đồng điệu...

Tôi hy vọng, sau Giác An, hãy còn, hãy còn nhiều bạn trẻ, tiếp bước chân anh... Tuy nhiên, muốn thành công trên đường đem đạo vào đời là cả một quá trình kiên nhẫn, kiên trì... tự mình nuôi dưỡng Phật chất, Phật tính, tự mình dưỡng dục tâm linh mình bằng chất liệu Từ bi, Trí tuệ trong bản thân cho đến lúc tinh anh phát tiết ra ngoài...

Nói đến Giác An mà không nói đến ca sĩ Hiếu Ngọc - vợ của anh e khiếm khuyết.

Nhiều lần được nghe Hiếu Ngọc hát ở tu viện Phước Hoa, tôi nhận thấy Hiếu Ngọc hát rất điềm đạm, tròn vành, rõ chữ... tự nghĩ không nên huyền đàm lan man. Nhân đây, tôi muốn tập thể anh chị em văn nghệ sĩ Phật tử chúng mình, bất cứ ai cũng tự coi tinh hoa tư tưởng Phật đạo, là kim chỉ nam, dẫn đạo mình trên con đường đem đạo vào đời...

Tôi nhớ, Thiền sư Nhất Hạnh nói nơi chuyên luận Đạo Phật ngày mai rằng: Mỗi người con Phật nên tự xây cất cho mình một ngôi chùa tâm linh... Mái chùa tâm linh ấy, thì không có bất cứ bạo lực tư tưởng nào có thể tàn phá, hủy diệt. Nó tồn tại trường cữu với bản thể tâm linh mình.

Hòa thượng Trí Quang cũng dạy chúng ta: “Chúng tôi nguyện: đem xương máu trang trải cho Phật pháp. Và nếu chết là chết cái chân lý trước bạo lực chứ không phải chết vì bạo lực nầy kém bạo lực khác”.

Tôi muốn gợi nhắc châm ngôn chánh ngữ ấy nơi lễ tưởng niệm nhạc sĩ Giác An hôm nay, là hãy mở rộng đôi tay tâm thức chánh hạnh của mình, ôm lấy tư tưởng chánh ngữ ấy làm phương châm nhật tụng trên con đường đem đạo vào đời, trên là tâm hương cúng dường Tam Bảo, dưới là nguồn pháp lạc phụng sự nhân hoàn.

NAM MÔ PHÁP HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6920712