Thông tin

THƯỢNG THÍCH GIÁC ĐIỀN (1910-1993)

 

 

Hòa thượng pháp húy Nguyên Chất, pháp tự Giác Điền, pháp hiệu Thiện Lễ, thế danh Bùi Văn Long, thuộc dòng phái Lâm Tế đời thứ 44, pháp phái Liễu Quán và đời thứ 10 dòng Tế Thượng Chánh tông, là đệ tử quy y, thế độ với Tổ Tâm Hòa-Chánh Khâm, pháp hiệu Như Đạo, tại tổ đình Linh Sơn Tiên Thạch, núi Điện Bà, Tây Ninh.

Vốn sinh trưởng trong gia đình Phật giáo, thân phụ là Bùi Văn Thơ và thân mẫu là Nguyễn Thị Hựu. Hòa thượng là con trai út duy nhất trong gia đình có ba người con. Quê ở xã Bình Hòa, tổng Dương Hòa thượng, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là phường 6, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1910, cụ bà mộng điềm lành sanh ngài vào 25 tháng 5 năm Canh Tuất, ứng vào tháng 5 cũng năm Canh Tuất của Tổ Trừng Tùng-Chơn Thoại viên tịch tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự (núi Bà), nên tư chất chơn thật, hiền hòa...

Bốn năm sau, cụ ông thân sinh nhàn du tiên cảnh, ngài tuy ở tuổi ấu thơ, sớm ý thức cuộc đời vô thường khổ đau, ly hợp giả tạm… Năm 1922 (Nhâm Tuất), dù mới tuổi 13 đang là học sinh Trường Gia Định, ngài từ biệt thân mẫu, tìm đường lên núi tầm sư học đạo.

Ngài thế phát quy y với Tổ thứ 9 Thiền phái Liễu Quán, thuộc đời thứ 43 tông Lâm Tế là Thiền sư Tâm Hòa-Chánh Khâm , một bậc danh Tăng Nam Bộ, đang trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch- núi Điện Bà, Tây Ninh.

Sau khi xuất gia, ngài siêng năng học đạo, tinh tấn tu hành, đã dự thi Luật giải Sa Di tại Trường hương chùa Tập Phước, đoạt giải nhất.

Đến năm 1927 (Đinh Mẹo), ngài được bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Long An- Chợ Lớn. Với bản tánh siêng năng tu học, quán thông Nhân Duyên Diệu Đế, ngài được sư Tổ mến yêu, đại chúng thương kính, suy cử vào Ban Chức sự núi Điện Bà trong chức vụ Duyệt Chúng vào ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1929) chuyên cai quản, dẫn dắt, dạy dỗ đại chúng sơ cơ học đạo.

Năm 1930 (Canh Ngọ), chư tôn thiền đức Tây Ninh và lục tỉnh tụ hội về Linh Sơn Tiên Thạch Tự, núi Điện Bà suy cử Tổ Chánh Khâm đương vi Hòa thượng truyền giới (Tổ được 70 tuổi). Trong Đại giới đàn này, ngài được suy tôn ngôi vị Giáo Thọ A xà lê, Trường kỳ này là lễ hội lớn trong ba ngày đêm rạng rỡ Thiền Tôn Liễu Quán.

Năm 1934 (Giáp Tuất), sau khi tham gia tổ chức đại lễ cung nghinh Sắc tứ đức Linh Sơn Thánh Mẫu lần thứ nhì, từ triều đình gởi vào, ngài tác bạch xin bổn sư là Tổ Tâm Hòa-Chánh Khâm về chăm sóc mẹ già. Do là con trai duy nhất, hậu sự gia nghiệp không có người nối dõi, ngài thuận ý lập gia đình cho vui lòng từ mẫu. Tuy thân tại gia nhưng tâm thoát tục, ngài vẫn lên xuống thăm viếng Tôn sư hành đạo.

Không khí sôi sục giành độc lập tự do cho dân tộc trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ngài hòa mình vào làn sóng Cách mạng, tham gia đội ngũ Thanh niên Tiền Phong, canh gác kho 11 ở Bà Chiểu-Gia Định, sau đó lui dần về các chiến khu An Phú Đông, Bà Nhã, Bến Buông, Chuối Nước, Bời Lời, Dương Minh Châu…

Với nhiệm vụ thời chiến, ngài được bố trí về núi Điện Bà tham gia công tác liên lạc giữa núi Bà với xóm Phan-Suối Đá, phục vụ quân nhu, tài chánh. Từng chứng kiến bao cảnh thương tâm, giặc Pháp tàn sát dân lành, bắn giết hàng loạt tu sĩ kháng chiến; các huynh đệ đồng môn đã ngã gục, bản thân ngài từng bị phục kích thoát chết ở cầu Lâm Vồ… nên ý niệm thoát ly vô thường sanh tử lại nung nấu trong lòng. Mãi đến năm 1951, được tổ chức cho về dưỡng bệnh và ngài trở lại tu tại chùa Núi. (1)

Khi trở về chốn xưa chùa cũ, hầu như không còn lại gì sau chiến tranh, được sự tín nhiệm của môn đồ bá tánh bổn đạo, ngài nhận lãnh trách nhiệm thay mặt Trưởng tử Đại diện núi Bà Tây Ninh, từ ngày 22 tháng 12 năm Tân Mão (1952).

Năm 1954 (Giáp Ngọ), hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp rút khỏi Việt Nam, để lại sự sụp đổ điêu tàn của các viện tự trên núi. Cùng năm, ngài tham gia tổ chức Đại giới đàn truyền giới, làm Yết ma A xà lê tại Pháp Thành Tự.

Năm 1956 (Bính Thân), thời gian này chính quyền nhà Ngô để tâm theo dõi những người kháng chiến cũ, khó khăn lắm ngài mới tổ chức được lần đầu sau 25 năm ở Tây Ninh thiết lập Trường hương (an cư kiết hạ) tại tổ đình Linh Sơn Phước Lâm cổ tự (chùa Vĩnh Xuân) do ngài làm Chủ hương kiêm Hóa chủ. Kết thúc Trường hương ngày trước, hôm sau khai Trường kỳ Giới đàn. Tại giới đàn này, ngài được Chư sơn thiền đức trong và ngoài tỉnh đồng suy cử lên ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng, truyền giới cho hàng mấy trăm giới tử thọ giới tu hành.

Cùng năm này, ngài khởi công xây dựng lại chùa núi và đấu tranh với chính quyền tỉnh Tây Ninh, đến ngày 09.8.1956 (nhằm ngày mồng 4 tháng 7 Bính Thân) thì được phép tổ chức đại lễ Cung nghinh Sắc tứ tượng cốt Bà Linh Sơn Thánh Mẫu từ chùa Tổ đình về núi. Đây là lần khai sơn tái tạo Điện Tự lần thứ hai sau khi chiến tranh tàn phá san bằng di tích cũ đã có từ năm 1790.(2)

Sau lễ rước, ngài tiếp nối sự nghiệp chư tiền tổ, tranh thủ ngày đêm xây cất chùa Phật, sửa sang xây lại điện Bà, chùa Hang, chùa Trung, động Thanh Long, v.v… Ngài còn cất các nhà nghỉ mát từ chân núi lên chùa Bà, làm các cầu gỗ qua khe hố, tăng vẻ đẹp thiên nhiên để khách tham quan dừng chân ngắm cảnh, sơn quét tu bổ các tháp Tổ bị bom đạn… xóa bỏ vết tích chiến tranh đổ vỡ hoang tàn, cắt đặt trụ trì các viện tự thuộc chùa núi như Giác Ngạn Tự, Phước Lâm Cổ Tự, Long Châu Tự v.v…

Núi Điện Bà là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử từ triều Nguyễn, để chống lại bọn quan liêu phong kiến ác bá cường hào và chính quyền tay sai, ngài thành lập Hội Núi Bà Tây Ninh. Buổi đầu tiên, ban thường trực lâm thời của Hội gồm:

- Hòa thượng Nguyên Chất-Thích Giác Điền, Hội trưởng.

- Giáo thọ Quảng Hằng-Thích Huệ Phương, Phó Hội trưởng.

- Sa Di Quảng Lâm-Thích Tịnh Châu, Tổng Thư ký.

- Cùng một số tăng ni tín đồ tham gia ban thường trực lâm thời.

Chính quyền tỉnh lúc bấy giờ vốn nghi ngờ, lại càng để tâm theo dõi, dòm ngó tiền bạc của hội gởi vào ngân khố tỉnh quá lớn, chúng kết hợp âm mưu phao tin ngài tạo phản, buộc ngài phải giao Hội trưởng lại cho tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh là Nguyễn Văn Ngân lập Hội Điện Bà, trước mắt tạm thời cử Thủ tọa Quảng Hoằng-Thích Huệ Phương và bác sĩ Nguyễn Văn Thọ quản lý trên danh nghĩa. Đêm 19 tháng 12 Bính Thân (1956), Hòa thượng phải ra đi du hóa, sau khi có nguồn tin cho hay là công an sẽ vây bắt Hòa thượng vì có liên hệ với cách mạng.

Với tâm thường quán xét buông bỏ mọi tham vọng thế gian, ngài không cần cầu danh lợi giả tạm, tâm yên giải thoát trong vô trụ, rày đây mai đó tự tại vô ngại.

Năm 1957, Hòa thượng trở về quê tại Gia Định, ngài được chư tôn đức suy tôn Hội trưởng Giáo Hội Lục Hòa Tăng (do Hòa thượng Phật Ấn-Thành Đạo làm Đại Tăng Trưởng).

Năm 1959, Hòa thượng được cử làm Tăng giám tỉnh Giáo hội Phật giáo Tây Ninh, bước mở đầu cho sự trở lại hoạt động nơi chốn tổ đình.

Năm 1962, Hòa thượng về trụ xứ Thiền Lâm cổ tự, được suy cử làm Tăng Trưởng Giáo hội Phật giáo Tây Ninh. Với quyền hạn phạm vi cả tỉnh, ngài đã ra sức đoàn kết hòa hợp chư Tăng ni trong tỉnh, ai ai cũng kính mến. Với tâm niệm “Tùy quốc độ hoằng pháp lợi sanh”, dựa hợp pháp để phục vụ dân tộc, Văn phòng Thường trực Giáo hội đặt tại chùa Thiền Lâm (phường II, Thị xã) thuận lợi cho hoạt động lên xuống chùa Núi Bà, ngầm giúp Cách mạng, đấu tranh hợp pháp, can thiệp chính quyền đòi người Mỹ phải bồi thường cho các chùa chiền trong tỉnh đã bị chúng bắn phá, dội bom hư sập, ngăn cản đàn áp Tăng ni Phật tử, hóa giải sự cưỡng bức quân dịch làm bia đỡ đạn...

Năm 1972, vì những việc làm như thế, ngài không được chế độ cầm quyền tin tưởng, một lần nữa ngài lại về quê ở Gia Định tu dưỡng, giao lại cho Hòa thượng Giác Nguyên lên làm Tăng Trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Tây Ninh.

Phần đất tổ phụ của ngài ở Cây Quéo-Bà Chiểu đã hoang tàn sau thời gian ngài ra đi, nay trở về ngài phát tâm xây dựng lại ngôi từ đường để hương khói, còn ngài thì tạm trú ở chùa Linh Châu, nằm cạnh bên đất nhà. Việc xây dựng thiếu hụt tài chánh nên làm dở dang. Năm 1974, nhân sư Giác Mẫn ở bên Thái Lan vốn là huynh đệ, mời ngài sang tham quan để tạo điều kiện hỗ trợ, Hòa thượng đã xin phép sang bên ấy vào đầu xuân năm 1975.

Ngày 30.4.1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Nghe tin nước nhà đã được thống nhất, Hòa thượng chi xiết vui mừng, nhưng chưa có thể trở về được, vì quan hệ hai nước chưa đủ thuận lợi. Lúc bấy giờ, Hòa thượng cùng sư Giác Mẫn ngầm vận động đồng bào Phật tử Việt kiều Thái Lan hướng về quê hương giúp đỡ đất nước sau chiến tranh.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất 9 hệ phái Phật giáo trong cả nước. Đây là cơ hội thụân lợi để Hòa thượng xin phép hồi hương, trở về với chốn tổ núi Điện Bà, Tây Ninh.

Cuối cùng, Hòa thượng được mãn nguyện. Ra đón tận phi trường Tân Sơn Nhất, Hòa thượng rất cảm động nhìn thấy sự có mặt Chư tôn đức lãnh đạo Thành hội Phật giáo – Đại diện Phật giáo quận và đông đảo môn nhơn tín đồ Phật tử đón mừng sum họp. Hòa thượng Thích Thiện Hào, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, là thành viên Hội đồng Chứng minh, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp hỏi thăm, chỉ đạo trú xứ rất tận tình chu đáo.

Năm 1993, Hòa thượng đã 84 tuổi, là Trưởng lão với 37 năm tại vị giáo phẩm Hòa thượng, là người thọ nhất trong các vị Tổ thuộc dòng phái núi Điện Bà. Hòa thượng vẫn còn đủ sức khỏe thường trì pháp môn Thiền Tịnh Mật Niệm, nhưng rồi một niệm vô thường chợt đến, ngài an nhiên thị tịch vào ngày mồng 2 tháng 8 năm Quý Dậu 1993.

Môn đồ xây tháp ngài tại chân núi Điện Bà, Tây Ninh, để tưởng nhớ một vị tôn đức dày công lao cho quần thể Phật giáo tại nơi đây.

Suốt cuộc đời, Hòa thượng đã lưu trú và trụ trì quản trị các tự viện sau:

- Linh Sơn Tiên Thạch Tự (Chùa Bà)

- Linh Sơn Long Châu Tự (Chùa Hang)

- Linh Sơn Phước Trung Tự (Chùa Trung)

- Linh Sơn Phước Lâm Cổ Tự (Vĩnh Xuân- Tây Ninh)

- Thiền Lâm Cổ Tự (Thị xã-Tây Ninh)

- Giác Ngạn Tự (Châu Thành-Tây Ninh)

- Linh Bửu Tự (Tây Ninh)

- Long Thọ Tự (Tây Ninh)

- Linh Sơn Am (Chợ Lớn)

- Linh Sơn Hải Hội Tự (xã Thông Tây Hội)

- Linh Châu Tự (Cây Quéo-TP. Hồ Chí Minh)…

Hòa thượng đã có một số kinh sách chứng duyệt phát hành:

- Kinh Vu Lan

- Kinh Bát Dương

- Kinh Báo Ân Phụ Mẫu

- Kinh Quán Vô Lượng Thọ

Là nhân chứng thời đại, từ năm 1922 đến ngày viên tịch, Hòa thượng đã trải qua nhiều biến động chính trị-xã hội và tông môn Lâm Tế dòng kệ Tế Thượng. Trong suốt thời gian sống và hành đạo, từng tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong thời kỳ đầu khởi nghĩa, âm thầm hoạt động cho đến lúc bị nghi ngờ phải rời khỏi chốn tổ đình… Dù nơi đâu, Hòa thượng vẫn sống thầm lặng an nhiên thanh thản, luôn để tâm mở mang mối đạo, gìn giữ truyền thống đạo pháp-dân tộc.  

 


(1) Sư Tổ Tâm Hòa viên tịch vào mồng 08 tháng Giêng năm Đinh Sửu (1937), kế đến Yết ma Nguyên Cơ-Giác Phú kế nôi được 11 tháng cũng viên tịch (10.12.1937). Thầy Ký lục Nguyên Cần-Giác Hạnh thay thế đến năm 1945 thì tịch. Kế tiếp là Sư Nguyên Bộ-Giác Ngọc lên thay, từ năm 1946 đến 10.05.1951 rời núi lui về chùa tổ đình Linh Sơn Phước Lâm Cổ (Vĩnh Xuân), đến 8 giờ tối đang thời Tịnh độ trên Chánh điện thì mất tích.

(2) Năm 1956, ngài khởi công tái tạo lần thứ II, lần khai sơn đầu tiên do Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu tạo tự vào khoảng năm 1790-1794, sau đó Tổ về lập chùa Long Hưng, Thủ Dầu Một và tu trì ở đó.

 

- Phật tử Thanh Tâm (soạn giả Trung Trinh) cung cấp.

- Tỳ kheo Đồng Bổn biên tập lại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 122
    • Số lượt truy cập : 6949784