Thông tin

THƯỢNG THỪA XA LỘ

 

HT. THÍCH THIỆN ĐẠO

 


 

Cũng giống như Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma, Lục tổ Huệ Năng là nhân vật dị sử, hành trạng của Ngài không giống ai, và cũng không ai giống được Ngài. Tìm hiểu suy gẫm, để rồi chỉ biết ngưỡng mộ tán thán, còn làm theo thì rất khó đạt.

Tổ chủ trương “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, nghe quá dễ như là đã cầm được trong tay có thể nhìn rõ và nắm bắt, thế nhưng đã có mấy ai đi vào và khám phá trọn vẹn mảnh đất tâm. Thế mới biết giữa thể tánh và bổn nghiệp có một khoảng cách tuy rất gần nhưng khó nối kết. Màng lưới vô minh có khi rất mỏng nhưng không thể chọc thủng nổi. Có những trường hợp, hàng phàm phu chúng ta lại thấy màng lưới vô minh đó rất sáng, để rồi bị lầm lạc, bị bao vây, bị trói buộc trong ánh sáng vô minh đó. Chư tổ cũng đã chỉ rõ sự lầm lạc này là vô minh kiến, là tà kiến, là nhận khách làm chủ.

Nếu không hàm tàng viên mãn chủng tử giác ngộ, nếu không phải là Bồ tát thị hiện nhục thân, thì làm sao Lục Tổ Huệ Năng có thể xuất ngôn một cách đường đột trực diện với tự tánh giác ngộ:

- Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.

- Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt.

- Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ.

- Nào ngờ tự tánh vốn không dao động.

- Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

Thử hỏi, hàng phàm nhân chúng ta, làm sao có đủ khả năng để nhận diện một cách sâu sắc đầy đủ như thế này. Sự phát hiện này chỉ có hàng Thượng thiện tri thức, tức là hàng Trượng phu giác ngộ mới thể hiện được.

Ở Lục tổ Huệ Năng, ta không thấy con đường tầm đạo của Ngài, mà chỉ thấy con đường hoằng đạo. Sự xuất hiện của Ngài trước mặt Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn là sự trình diện để được ấn chứng, chứ không phải là hành trình tham cứu. Câu nói của Lục tổ “Gạo trắng đã lâu chỉ còn chờ sàn” là sự xác định việc đã xong, chỉ chờ kiểm tra để ấn chứng kết quả, chứ không cần điều kiện nào nữa. Cũng giống như cây đèn đã đủ tim dầu, chỉ cần bật que diêm là có ánh sáng.

Ngũ Tổ hỏi: “Nhà ngươi đến cầu việc chi?” Ngài Huệ Năng trả lời: “Đến cầu làm Phật chứ không cầu gì khác.” Câu trả lời là sự xác tín năng lực nội tại, chỉ chờ được ấn chứng để làm việc Phật làm, bởi vì Ngài Huệ Năng đã viên mãn tự tánh, đã khai thông tự tánh, đã thể nhập Phật tánh, và đã hiển thị Phật tánh trong chính Ngài một cách tự nhiên. Để xác tín tính bình đẳng không thay đổi của Phật tánh, Ngài còn khẳng định: “Người có Nam Bắc, chứ Phật tính không có Bắc Nam”.

Một điểm nữa, chúng ta cũng cần hiểu rằng “Tám tháng bửa củi giã gạo” của Ngài Huệ Năng không phải là thời gian tham cứu thực tập gì cả, mà là pháp nhân duyên, là thời thành tựu, là để ấn dấu hợp pháp.

Khi tham cứu hành trạng của Chư tổ, chúng ta chỉ biết chắp tay bái ngưỡng sự dị thường phi thường của các Ngài, chỉ biết cúi đầu thầm phát nguyện noi theo. Càng đọc càng tìm hiểu chúng ta càng thấy mình bé nhỏ, ngơ ngáo biết chừng nào. Không mấy ai tự thấy của báu trong nhà, nên cứ mãi làm kẻ cùng tử lang thang khắp nơi khắp chốn. Các bậc Đại trượng phu thấy được cái thiên hạ không thể thấy, nghe được điều thiên hạ không thể nghe, tránh được những việc phàm phu thường phạm phải, cũng như người nông dân biết cách cải tạo chăm sóc mảnh ruộng thật tốt để thu hoạch nhiều hoa mầu đúng thời vụ.

Tổ Đức có diễn tả: “Sự hiểu biết do tư duy xác lập chỉ là vô minh kiến, còn sự hiểu biết được xác lập trên vô kiến là Niết bàn vô lậu”. Mới nghe qua thật khó hiểu, nhưng đó là chân đế, là sự rốt ráo. Từ quan điểm này, ta thấy Lục tổ đã lập kiến trên tự thể “Bổn lai vô nhứt vật”, vì nó dung thông với nút mở ban đầu khi Tổ nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Cùng một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, mà Lục tổ có hai lần trực ngộ khác nhau.

Lần đầu, khi vào chợ bán củi, nghe tụng câu này, Lục tổ như gặp lại gia bảo trong nhà mà từ lâu đã quên, cho nên đã đi tìm người giữ chìa khóa để mở kho báu. Của báu đó chính là “Bổn lai vô nhứt vật, là vô sở trụ tâm”, mà tự thể của nó là không bám víu, không dính mắc, là hiển bày tất cả, mà không là gì cả, là vô tướng tâm, là vô trước tâm, là vô ngại tâm, là xa lìa vọng tưởng điên đảo. Hành giả khi đạt được vô tướng tam muội là trực chỉ nhân tâm, là tự tại trong ngôi nhà bản thể. Đây chính là điều kiện ban đầu để vào cửa đạo.

Lần thứ hai, khi nghe Ngũ tổ giảng đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” vào lúc canh ba, Ngài Huệ Năng đã thẩm sâu vào bản thể của tâm. Bản thể đó là thường hằng, là trạm nhiên không tịch, là không sanh diệt, là ứng hóa vô ngại, là không dao động, là hàm tàng các chủng tử. Tính chất này khế hợp với nội dung Bát Nhã Tâm Kinh là “bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…” Ngay khi Ngài Huệ Năng thẩm sâu rốt ráo bản thể của tâm, trực ngộ tự tánh là thể tánh tuyệt đối “không đầy không vơi, không dơ không sạch”, thì cũng chính lúc đó Ngũ tổ đã nhận diện được viên ngọc pháp khí thượng thừa đang ở trước mặt mình, có đủ khả năng truyền thừa chánh pháp, có đủ phương tiện quyền xảo để mở rộng con đường hoằng truyền như hoài bão của Chư tổ.

Bằng con mắt trí tuệ liễu nghĩa thực chứng, Ngũ tổ đã xác tín ấn chứng, đã trao chìa khóa kho báu cho Ngài Huệ Năng, vượt qua do dự cân nhắc tuyển trạch. Ngôi pháp vị đệ Lục tổ được chính thức trao và cũng chính thức nhận, sự trao truyền này gọi là “Dĩ Tâm Ấn Tâm”, nghĩa là Thầy biết trò, trò biết Thầy, hợp tri hợp kiến, cảm ứng tương giao. Trao cái gì, nhận cái gì, hoàn toàn là cơ mật pháp, chỉ có tâm của vị thầy và tâm của người học trò cảm nhận được. Người chưa hợp duyên chỉ biết lặng nhìn, không thể biện giải được.

Con đường Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, như là siêu xa lộ vô tướng, chỉ dành riêng những siêu anh hùng xa lộ thượng thừa, người bình thường không vào con đường đó được.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6061183