Thông tin

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH

TỪ MỘT SỐ NGÔI CHÙA Ở TỈNH BẾN TRE

 

ThS. BÙI HỮU NGHĨA*

 

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, tất cả cùng chung sống hòa hợp, gắn bó với dân tộc, kề vai đoàn kết đấu tranh giành độc lập, tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có 20 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau1. Bên cạnh đó, còn có số lượng đông đảo người dân theo tín ngưỡng dân gian như: thờ cúng Tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu… Điều này cho thấy tiềm năng khai thác sản phẩm du lịch tâm linh rất dồi dào với số lượng du khách lớn. Du lịch tâm linh hay còn gọi là du lịch hành hương nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của du khách. Loại hình du lịch này ngày càng trở nên phổ biến, thu hút được nhiều lượt khách tham gia. Du lịch hành hương có lịch sử lâu đời, phổ biến trên thế giới, nó liên quan đến những di tích, di sản mang đậm giá trị tâm linh (tôn giáo, tín ngưỡng) và các giá trị văn hóa, nghệ thuật khác. Do đó, các điểm du lịch tâm linh chủ yếu khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Đối tượng khách đến nơi đây thường mong muốn được thỏa mãn những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.

Bến Tre là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, xung quanh bị bao bọc bởi sông nước. Nơi đây còn được xem là vùng đất của tôn giáo với nhiều đặc điểm riêng biệt so với các tỉnh thành khác trong khu vực. Bến Tre là thánh địa đặt tòa thánh của hai hệ phái lớn trong đạo Cao đài là Tiên Thiên và Ban Chỉnh đạo. Mặt khác, còn tồn tại nhiều họ đạo có lịch sử lâu đời lâu đời của Công giáo như: Cái Bông, Cái Nhum, Cái Mơn. Bến Tre còn là nơi phát xuất của nhiều vị danh tăng Phật giáo như Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Thông với những ngôi cổ tự nổi tiếng. Ngoài ra, còn có nhiều ngôi đình, lăng ông có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, tâm linh. Đây sẽ là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để Bến Tre phát triển loại hình du lịch tâm linh thành sản phẩm du lịch đặc thù. Trong phạm vi tham luận này, người viết sẽ trình bày khái quát tiềm năng du lịch tâm linh và một số giải pháp để khai thác trong thời gian tới.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua cầu Rạch Miễu thì đến huyện cửa ngõ Châu Thành, nằm trên phần đất của cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Châu Thành có nhiều chùa, đình để phục vụ khách tham quan như: Hội Tôn cổ tự, đình Tân Thạch, Tiên Thủy. Chùa Hội Tôn tọa lạc tại xã Quới Sơn, có khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cổ thụ, hoa kiểng, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thanh tịnh của chốn thiền môn. Tại đây, còn có một cây dương ngoài 200 tuổi tương truyền cho cụ tổ Khánh Hưng trồng, cây khế hơn 150 năm và hai cây sa la song trụ.

Qua khỏi huyện Châu Thành, du khách sẽ đến với thành phố Bến Tre - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ dừa. Trong nội ô thành phố có nhiều địa chỉ tâm linh quen thuộc, hấp dẫn. Đó là các ngôi chùa Viên Minh, Viên Giác, Bạch Vân. Viên Giác cổ tự, tọa lạc tại phường 5, được xây dựng vào khoảng năm 1870, gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Lê Khánh Hòa. Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ nhiều kinh sách, tài liệu liên quan đến phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ lúc bấy giờ. được thành lập vào năm 1954, tọa lạc tại khu vực hiện nay là phường 2, thành phố Bến Tre. Được biết, lúc ban đầu, chùa được xây dựng khá đơn sơ, cột và vách chỉ bằng gỗ, mái lợp lá. Năm 1960, để tránh bom đạn của chiến tranh ngày một lan rộng, chùa Bạch Vân phải dời về ấp Bình Nguyên, xã An Hội, tỉnh Kiến Hòa (nay là số 138D, đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre). Đây là thửa đất của ông bà Trần Văn Trực và Võ Thị Mỹ cúng dường cho chùa. Đến năm 1962, chùa được xây cất lại và bổ nhiệm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Minh (thế danh Trần Thị Huệ) làm trụ trì2. Năm 2010, chùa tiến hành đại trùng tu với quy mô lớn gồm các hạng mục như cổng Tam quan, chính điện, nhà Tổ, nhà Giảng, Trai đường… Sau bốn năm trùng tu, chùa Bạch Vân có diện mạo khang trang như ngày hôm nay. Từ cổng tam quan bước vào, hướng từ trong nhìn ra, bên phải là tượng Quan Âm lộ thiên, ở giữa là Chánh điện và nhà Giảng. Chánh điện gồm hai tầng, tầng trệt là Trai đường, từ ngoài của bước vào là bàn thờ Phật Mẫu Chuẩn đề, tiếp theo là tôn tượng của Đức Tổ Kiều Đàm Di. Tầng trên là chánh điện để thờ Phật, gần cửa ra vào bên trái có đại hồng chung và bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Bên phải là đại cổ, chung bản và bàn thờ Hộ pháp Vi Đà. Tại gian giữa của chính điện có 2 bàn thờ, ngoài cùng ở giữa là Phật Thích Ca, hai bên là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát và bàn thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Phía trong là bàn thờ Tam tôn, ở giữa là Phật Di Đà, bên phải là Thế Chí Bồ tát, bên trái là Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau chính điện là nhà Tổ, đây là kiểu dáng đặc trưng của các chùa ở miền Nam “Tiền Phật hậu Tổ”. Tại nhà Tổ của chùa, ở giữa có bàn thờ Sơ Tổ Thiền tông Bồ đề Đạt Ma và long vị, di ảnh của một số danh tăng như: Tổ sư Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Huyền Vi... Tiếp theo là bàn thờ bá tánh nam nữ quá vãng, bố trí theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu. Ngoài ra, ở bên phải còn có bàn thờ của tu sĩ Trần Thị Sinh - người làm công quả cho chùa lâu nhất và các giáo viên của Trường Trung học Kiến Hòa ngày trước. Bên trái là bàn thờ của gia đình Phật tử Trần Văn Trực và Võ Thị Mỹ, người đã hiến mảnh đất dùng để xây chùa Bạch Vân như hiện nay. Cuối cùng, ở gian giữa đối diện với bàn thờ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma là bàn thờ vị trụ trì đầu tiên - Ni trưởng Diệu Minh và chư Ni quá cố đã từng hành đạo tại chùa.

Rời khỏi thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông du khách sẽ đến các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Thạnh Phú thuộc cù lao Minh. Huyện Mỏ Cày Bắc có ngôi chùa Vĩnh Bửu, ở xã Khánh Thạnh Tân rất nổi tiếng đối với Ni giới trong và ngoài tỉnh. Chùa do Hòa thượng Khánh Hòa đặt tên là “Vĩnh Bửu Ni Viện”, dùng để mở trường đào tạo Ni lưu, vị trụ trì đầu tiên là Sư bà Như Huệ. Hiện nay, trụ trì chùa là Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn - một nữ tu sĩ, thương binh, có đóng góp rất nhiều cho hoạt động từ thiện xã hội. Tương truyền sau khi chôn Hòa thượng Khánh Hòa được 8 năm thì đệ tử tiến hành cải táng để làm lễ trà tì, tấm y tùy táng theo nhục thân vẫn không hư hoại. Sư bà Như Huệ thỉnh y bát của Hòa thượng về phụng thờ tại chùa Vĩnh Bửu, hiện nay vẫn còn trên bàn thờ Tổ. Huyện Mỏ Cày Nam có ngôi chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, được nhiều người biết đến. Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức thứ 14, phía trước là rạch Tân Hương. Con rạch này dài khoảng 10 km, nối thông hai đầu là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Vị trí của chùa nằm cách chợ Tân Hương 800 m, rất thuận tiện cho giao thông cả thủy lẫn bộ. Ban đầu chùa có tên là Tiên Linh, ý gọi cô Sầm-người bị cọp ăn giết là Tiên, không dám gọi là Tinh, để hàm ý ngôi chùa mang tên cô gái linh thiêng. Qua lời kể của Hòa thượng Thích Giác Mãn, trụ trì chùa Tuyên Linh, thì được biết: Người đầu tiên đứng ra lập chùa là anh em ông Chánh bái Nguyễn Duy Đảnh và Nguyễn Duy Trới. Sau khi lập chùa, hai ông sang huyện Ba Tri rước nhà sư Khánh Phong (hiện không rõ tông tích) về tu ở chùa. Vì có công thành lập chùa nên ông Nguyễn Duy Đảnh được làm hộ tự cho đến năm 1904 thì qua đời, con của ông là Nguyễn Duy Quý lên thay. Năm 1905, Hòa thượng Khánh Phong viên tịch, hai năm sau đó, ông Quý cùng bổn đạo quyết định tiếp tục sang huyện Ba Tri để tìm người về trụ trì ở chùa. Ông đến chùa Khải Tường (thị trấn Ba Tri, giáp ranh với xã Phú Lễ) tìm Hòa thượng Chơn Tánh nhờ giúp đỡ. Trong số các môn đồ của mình, Hòa thượng Chơn Tánh chỉ chọn sư Khánh Hòa vì thấy ngài có khả năng đảm trách. Sư Khánh Hòa về trụ trì chùa Tuyên Linh vào năm 1907, suốt trong những năm trụ trì chùa ngài rất được người dân địa phương kính trọng. Chùa là nơi chứng kiến sự gặp gỡ giữa Tổ Khánh Hòa và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Bên cạnh đó, ở huyện Ba Tri còn có ngôi danh tự Bửu Sơn (xã An Thủy) do Hòa thượng Khánh Thông sáng lập. Hòa thượng Khánh Thông là sư huynh của Hòa thượng Khánh Hòa khi cùng là đồng môn tu học. Theo Tiểu sử Danh tăng Việt Nam, Hòa thượng thế danh là Hoàng Hữu Đạo, pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông, sinh năm Canh Ngọ (1870), tại làng An Thủy, tổng Bảo Trị (nay là xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Thân phụ là ông Hoàng Hữu Nghĩa, thân mẫu là bà Đặng Thị Sa. Lúc ngài được theo học chữ Nho với cụ Đồ Chiểu tại làng An Đức (khi cụ từ Cần Giuộc tỉnh Long An lánh nạn về đây mở trường dạy học). Là học trò cụ Đồ Chiểu nên ngài có tài về dịch học và giỏi về Đông y3. Trước khi xuất gia, Hòa thượng sinh hoạt theo đạo Khổng Mạnh, kính trên nhường dưới, hòa nhã với mọi người, được quan chức và dân chúng kính nể. Đặc biệt, là có tài văn hay chữ tốt, ứng biến linh hoạt, có trí nhớ tốt, thuộc nhiều kinh sử và có tài hùng biện. Năm 1897, ngài đến chùa Long Khánh (xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) xin xuất gia và được Hòa thượng Chấn Bửu ban pháp danh Nguyên Nhơn2. Do Hòa thượng Chấn Bửu chỉ có thể giúp người khác xuất gia nhưng không thể giáo hóa, truyền giới nên ngài đến cầu pháp với Đại lão Thiền sư Minh Lương, hiệu Chánh Tâm-Trụ trì tổ đình Kim Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) và được ban pháp húy Như Tín, hiệu Khánh Thông. Tại đây, ngài học cùng với thiền sư Như Trí, hiệu Khánh Hòa và trở thành sư huynh đệ đồng môn.

Năm 1904, Hòa thượng Khánh Thông về quê nhà thuộc vùng Bãi Ngao để khai sơn Bửu Sơn tự. Đây là vùng đất thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có nhiều nghêu sinh sống nên được gọi là Bãi Ngao. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức gọi là Ngao Châu. Trong bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu”, Bãi Ngao là tên tục của Ngao Châu. Sau khi hoàn công ngôi Đại Hùng Bửu điện.

Từ những phân tích trên, cho thấy Bến Tre có đủ điều kiện để khai thác loại hình du lịch tâm linh ở các ngôi chùa thành sản phẩm du lịch đặc thù. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tâm linh chỉ mới ở dạng tiềm năng chưa được “đánh thức”. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch tâm linh có hiệu quả. Trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Nhà nước đóng vai trò điều phối, quản lý hoạt động du lịch theo đúng định hướng. Các tổ chức tôn giáo hỗ trợ lại hoạt động tôn giáo, thu một phần kinh phí để tái tôn tạo cơ sở thờ tự. Thực hiện tốt Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo tiến tới thực hiện Luật tín ngưỡng, Tôn giáo vào đầu năm 2018 để khai thác hoạt động du lịch đúng theo quy định của pháp luật. Kiên quyết bài trừ hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh tại các điểm tham quan, thực hiện tốt các tiêu chuẩn nơi thờ tự văn minh. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường xá, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, cơ sở ăn uống, lưu trú… để phục vụ du khách. Quy hoạch các điểm kinh doanh ăn uống phù hợp với tập quán của từng tôn giáo, chẳng hạn trước của chùa hạn chế bán thịt, cá, thức ăn mặn. Vận động người ăn xin vào các cơ sở bảo trợ xã hội tránh làm mất trật tự ở các điểm du lịch tâm linh. Thực hiện tốt công tác truyền thông, có kế hoạch làm một số ấn phẩm giới thiệu về các điểm du lịch kết hợp với bản đồ chỉ đường. Nghiên cứu các sản phẩm văn hóa mang tính tâm linh như chuỗi, vòng đeo tay hoặc cổ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bởi vì, tâm lý của người đến viếng chùa, đình, thánh thất… muốn giữ cho mình một thứ gì đó mang tính linh thiêng và tâm linh với mong ước bình yên và hạnh phúc, bình an cùng với người thân của mình. Kết hợp với một số loại hình du lịch khác như: du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng. Hàng năm, ở Bến Tre có nhiều lễ hội đặc sắc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng như: Kỳ yên, Nghinh ông, Phật đản, Vu Lan… Chẳng hạn, tại Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo có các lễ hội lớn quy tựu hàng ngàn hàng người tham dự như: Vía Đức Chí tôn (9/1), Sinh nhật Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (26/5), Vía Phật Mẫu (15/8)… Đây là những lễ hội tôn giáo trọng đại của tín đồ Cao Đài; do đó, có thể kết hợp tổ chức tham quan các điểm du lịch tâm linh, vì thời điểm này có số lượng người đông đảo. Mặt khác, kết hợp du lịch tâm linh với du lịch nghỉ dưỡng, thay vì ở khách sạn, homestay du khách có thể nghỉ tại chùa. Trong thời gian lưu lại chùa, du khách sinh hoạt theo chốn thiền môn với chức sắc, ăn uống theo kiểu thực dưỡng osawa, ăn chay. Qua đó tăng cường sức khỏe, phục hồi năng lượng sau thời gian làm việc. Thường xuyên mở các lớp tập huấn du lịch cộng đồng để mỗi tín đồ, chức việc có kỹ năng giao tiếp ứng xử. Từ đó, cơ bản trở thành một “hướng dẫn viên” chỉ đường, hiểu biết sơ lược về điểm tham quan khi du khách cần cung cấp thông tin.

Tóm lại, để khai thác tiềm năng du lịch tâm linh thì cần sự hợp tác từ nhiều phía nhưng chủ yếu tập trung vào tính thiêng, kiến trúc, cảnh quan tuyệt đẹp. Từ những cứ liệu thực tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhìn nhận rằng, Bến Tre có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh thành sản phẩm du lịch đặc thù. Tuy nhiên, để tiến hành khai thác cần phải có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ các giá trị đặc sắc của từng nơi để đưa ra phương thức hài hòa giữa bảo tồn và phát huy trong đời sống thực tế. Qua đó, góp phần phát huy những di sản tinh thần mà các bậc cao tăng thạc đức đã để lại trên đất Bến Tre.

 


* Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre.

1.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1080/Ton_trong_tu_do_tin_nguong_ ton_giao_chinh_sach_ nhat_quan_cua_Dang_va_Nha_nuoc_ta

2. Tư liệu phỏng vấn sâu Ni trưởng Thích Nữ Như Tâm-Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Bạch Vân, ngày 05-9-2017. Người thực hiện: Bùi Hữu Nghĩa.

3. Thích Đồng Bổn (Chủ biên), Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I. Nguồn: http://chuaxaloi.vn/thong-tin/tieu-su-danh-tang-viet-nam-the-ky-xx-tap-i/340.html. Ngày truy cập: 13/9/2017.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 90
    • Số lượt truy cập : 6952576