Thông tin

TIẾNG VIỆT KỲ DIỆU

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH

 

 

Trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt vốn có giữa hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (TQ) bị xói mòn rất nhiều, kể cả về huyết thống. Không ít người Hán sang ta định cư lập thành các dòng họ lớn, xây đền miếu thờ tổ tiên, nhưng về sau họ dần dà bị người Việt đồng hóa. Gần đây một số dòng họ đã tự nhận quê gốc TQ, như họ Hồ ở Nghệ An nhận có thủy tổ là Hồ Hưng Dật quê Chiết Giang TQ. Có ý kiến nói những họ khoa bảng nổi tiếng giỏi chữ Hán ở ta đều có gốc TQ.

Dù thế nào đi nữa, dân tộc Việt vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất với dân tộc Hán -- ngôn ngữ, trước tiên là tiếng nói, sau đó là chữ viết. Giữ được như thế là nhờ tiếng Việt có những đặc điểm độc đáo dưới đây sẽ bàn.

Có thể nói ngôn ngữ là thế mạnh độc đáo của nòi giống Việt; không có ưu thế đó dân tộc ta không thể thoát khỏi thảm họa bị Hán hóa sau hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc. Cho tới nay nước ta mới dùng chữ Quốc ngữ được hơn 100 năm mà đã cảm nhận thấy tác dụng vô cùng to lớn của thứ chữ này đối với mọi mặt đời sống xã hội. Văn hóa Hán và chữ Hán từng tuyệt đối thống trị nước ta hơn 1.000 năm, tác dụng đồng hóa của nó ắt phải cực kỳ mạnh. Ngôn ngữ học hiện đại cho biết: tiếng Hán và tiếng Việt là hai trong số rất ít ngôn ngữ thuộc loại ngôn ngữ đơn lập (đơn âm tiết, monosyllabic); trong loại ngôn ngữ này, tiếng của dân tộc đông người dễ tác động tới tiếng của dân tộc láng giềng ít người. Thế mà kỳ lạ thay, cho tới nay tiếng Việt về cơ bản vẫn giữ nguyên được các đặc điểm khác tiếng Hán, như giàu âm tiết (gấp hơn chục lần tiếng Hán), thích hợp dùng chữ biểu âm Latin hóa, vị trí tính ngữ ngược với tiếng Hán, đơn giản, dễ học, tiện dùng, v.v...

Sự thực đó chứng tỏ tiếng Việt tiềm ẩn những giá trị kỳ diệu chúng ta cần tìm hiểu. Tiếc thay vẫn có người nghĩ rằng tiếng Việt có gốc tiếng Hán. Tâm lý tự ti ấy cản trở việc nghiên cứu các thành tựu ngôn ngữ của tổ tiên, khiến chúng ta hiểu biết hời hợt và đánh giá chưa đúng các thành tựu đó. Coi trọng chữ viết là thể hiện sự coi trọng tri thức. Thời trước ông cha ta trọng chữ Hán tới mức không cho phép để giấy có chữ rơi xuống đất. Người Hàn Quốc tôn sùng chữ Hangul biểu âm do họ làm ra tới mức hàng năm dành riêng một ngày hội chữ Hangul. Chữ Quốc ngữ Việt Nam tuyệt vời thế mà cho tới nay chưa được tôn vinh xứng đáng, cho dù ai cũng nói nước ta có bốn nghìn năm văn hiến.

Lịch sử cho thấy, sau hơn 1.000 năm bị Hán hóa, dân tộc ta đãtiếp thu tốt chữ Hán để dùng làm công cụ ghi chép và giao tiếp, nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận tiếng Hán.

Để làm được như vậy, người Việt đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ mà không đọc bằng tiếng Hán, tức đã Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến nó thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với ý nghĩa “Chữ của người có học”. Kho từ vựng TQ không có từ “Chữ Nho” (Nho tự) này.

Về tự hình và tự nghĩa, chữ Nho chính là chữ Hán, chỉ khác âm đọc: chữ Nho được đọc theo âm Việt có gốc Hán (tức âmHán-Việt). Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên người Việt học chữ Nho dễ hơn học chữ Hán. Chữ Nho được hoan nghênh; gia đình nào có điều kiện đều tự dạy chữ cho trẻ hoặc cho trẻ đi học các thầy đồ Nho.

Nhờ có chữ Nho ghi chép sử sách, nước ta ra khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh, tiếp thu văn hóa Trung Hoa, tổ chức đời sống kinh tế - chính trị - xã hội theo mô hình TQ. Tổ tiên ta dùng chữ Nho trong công việc hành chính, đối nội đối ngoại, ghi chép sự việc, sáng tác văn thơ, dạy học v.v., cũng dùng để bút đàm giao dịch với chính quyền chiếm đóng, đáp ứng yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng.

Rốt cuộc, người Việt vừa có chữ để dùng cho mình lại vừa đạt được nguyện vọng đời đời nói tiếng mẹ đẻ, làm cho mưu toan Hán hóa tiếng Việt hoàn toàn thất bại1.

Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình - đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tổ tiên ta giành được thắng lợi này không bằng đấu tranh vũ trang mà bằng tài trí. Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, người Việt đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng âm bản ngữ, tương tự người TQ dùng tiếng địa phương (phương ngữ) đọc chữ Hán. Nhưng tiếng Việt không phải là một phương ngữ của tiếng Hán, như có học giả nước ngoài nhầm lẫn. Người Hán xem hiểu chữ Nho nhưng nghe không hiểu.

Âm/ từ Hán-Việt đã làm cho từ vựng tiếng Việt phong phú nhiều lần về số lượng và chất lượng (vẻ đẹp). Đầu thế kỷ XX, từ Hán-Việt chiếm 60% từ tiếng Việt. Theo thống kê mới đây, tỷ lệ này là 36%. Dù sao, đó chỉ là sự giao thoa ngôn ngữ bình thường. Sẽ là sai lầm khi vin cớ đó mà nói tiếng Việt có gốc tiếng Hán. Nên nhớ rằng khoảng 70% từ Hán ngữ hiện đại có gốc tiếng Nhật2, tuy tiếng Nhật mượn chữ Hán và khác hẳn tiếng Hán.

Chữ Nho là một sáng tạo độc đáo của người Việt trong cách mượn dùng chữ Hán. Bán đảo Triều Tiên mượn dùng chữ Hán theo cách đọc chữ theo âm Hán, vì thế đem về rất nhiều từ đồng âm; hậu quả là sau khi dùng chữ Hangul biểu âm (năm 1443 làm ra), Hàn Quốc vẫn phải dùng chữ Hán để phân biệt các từ đồng âm. Nếu người Hán thống trị bán đảo Triều Tiên cả nghìn năm thì chưa biết ngôn ngữ xứ này có bị Hán hóa hay không. Người Nhật mượn tự hình và âm chữ Hán nhưng đọc theo nghĩa tiếng Nhật, vì thế phải dùng quá nhiều chữ Hán, gây khó cho chính họ; thế kỷ IX họ làm ra chữ Kana biểu âm, nhờ đó giảm được phần lớn lượng chữ Hán, nhưng vẫn không bỏ chữ Hán.

Duy nhất người Việt mượn tự hình, tự nghĩa của chữ Hán nhưng không mượn âm, chỉ đọc theo âm tiếng mẹ đẻ, tức âm Hán-Việt. Nói chung, âm này cố gắng gần với âm Hán, nhưng do tiếng Việt giàu âm nên có khi một âm Hán được chuyển thành cả chục âm Việt, nhờ thế âm Hán-Việt ít từ đồng âm. Ví dụ âm [di] tiếng Hán chuyển thành [ấp], [ất], [di], [dĩ], [dị], [duệ], [ê], [nghi], [nghị], [nghĩa], [nghệ], [ngật], [y], [ỷ], [ý], v.v... Điều này đem lại kết quả tuyệt vời không ngờ là nhờ thế mà làm được chữ viết có tính biểu âm - đầu tiên là chữ Nôm mượn tự hình chữ Hán, sau đó là chữ Quốc ngữ mượn chữ cái Latin. Nếu mượn âm Hán thì không thể có kết quả như vậy.

Chữ Nho chỉ ghi được âm Hán-Việt, không ghi được các âm “thuần Việt”, tức âm của ngôn ngữ bình dân cực kỳ phong phú - nghĩa là ghi được quá ít âm tiếng Việt3. Chữ Nho không dùng để nói, chỉ dùng để viết, vả lại chỉ tầng lớp quan chức và trí thức mới biết thứ chữ này. Vì vậy, phạm vi sử dụng chữ Nho rất hẹp.

Để bù đắp thiếu sót trên, sau khi nước nhà độc lập, khoảng thế kỷ XII, tổ tiên ta đã làm ra chữ Nôm, là loại chữ kết hợp được haiyếu tố biểu âm và biểu ý, ghi được âm tiếng Việt. Đây là một sáng tạo kiệt xuất của dân tộc Việt.

Giá trị lớn nhất của chữ Nôm là ở chỗ có tính năng biểu âm. Nhờ thế mà ngày nay ta biết được thời xưa tổ tiên ta nói tiếng Việt như thế nào, và đến thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo Dòng Tên mới có điều kiện làm ra chữ Quốc ngữ. Nhưng vai trò của chữ Nôm chưa được đánh giá đúng mức.

Thời xưa, tổ tiên ta chỉ biết có chữ Hán, nên chữ Nôm đã mượn tự hình chữ Hán để ghi tiếng Việt, vì thế người học chữ Nôm cần phải biết chữ Hán. Chữ Nôm gồm chữ Hán mượn dùng đọc âm Hán-Việt (tức chữ Nho), mượn cả âm lẫn nghĩa hoặc chỉ mượn âm, và chữ tự tạo -- chữ dùng để thể hiện những âm “thuần Việt” không có trong âm Hán-Việt. Thông thường, chữ tự tạo được ghép bởi hai chữ Nho, một chữ biểu thị ý nghĩa, một chữ biểu thị âm đọc. Ví dụ: để tạo chữ “chân” (trong chân tay), đã ghép chữ “足túc” nghĩa là chân, với chữ “真 chân” (chân thành) có âm đọc “chân”; như vậy chữ tự tạo 蹎 này có thành phần biểu ý là 足 và thành phần biểu âm là 真, giúp ta khi nhìn chữ 蹎 sẽ đọc được âm “chân” và hiểu nghĩa là chân (chân tay).

Do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc Hán ngữ và khó học. Đã thế các triều đại phong kiến ở ta (trừ nhà Hồ và Tây Sơn) do mù quáng sùng bái chữ Hán đã coi thường và cản trở phát triển chữ Nôm, chỉ coi là chữ viết dân gian, vì thế chữ Nôm chưa được hoàn thiện, âm đọc chưa chính xác. Tuy vậy, do chữ Nôm thể hiện ý thức độc lập dân tộc, có khả năng nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân, cho nên từ thế kỷ XV, nhiều nhà thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v... đã dùng chữ Nôm sáng tác, tạo dựng nên một nền văn học chữ Nôm trội hơn hẳn văn học chữ Nho. Ngoài ra, trong gần 300 năm từ khi chữ Quốc ngữ ra đời (1651) cho tới khi chính thức sử dụng (1919), các linh mục Công giáo ở ta đều dùng chữ Nôm biên soạn tài liệu giáo lý. Sự thực đó chứng tỏ chữ Nôm có vai trò rất quan trọng.

“Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng (xuất bản 2015) có 9.450 chữ Nôm, ghi được 14.519 âm tiết, cho thấy chữ Nôm ghi được gần hết âm tiếng Việt. Với ưu điểm đó, chữ Nôm xứng đáng được gọi là chữ của nước ta, dân ta. Trên thực tế, chữ Nôm từng được gọi là Quốc ngữ, Quốc âm, ví dụ Bạch Vânquốc ngữ thi tập, Quốc âm thi tập.

Đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Girolamo Maiorica, Gaspar do Amaral, Antonio de Fontes... đến Việt Nam truyền giáo. Họ đều hăng hái học tiếng bản xứ, sau 1-2 năm đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt và dùng chữ Nôm soạn tài liệu giáo lý. Cha Maiorica từng biên soạn 48 đầu sách chữ Nôm, hiện còn giữ được 15 cuốn gồm 1,2 triệu chữ, riêng Truyện các Thánh có 4.000 trang.

Dĩ nhiên, các học giả giỏi chữ Nôm ấy dễ dàng nhận thấy thứ chữ từng tồn tại 5 thế kỷ này có tính biểu âm, suy ra tiếng Việt thích hợp dùng chữ biểu âm. Từ phát hiện đó, họ đã nảy ý tưởng tìm cách biến chữ Nôm thành một loại chữ thuận tiện cho việc truyền giáo. Dựa trên nền tảng ngôn ngữ do chữ Nôm xây đắp trong 500 năm qua, các giáo sĩ kể trên đã bỏ ra ngót ba chục năm thực hiện việc dùng chữ cái Latin ghi âm toàn bộ chữ Nôm và cuối cùng làm ra được một loại chữ biểu âm Latin hóa cho tiếng Việt. “Từ điển Việt-Bồ-La”(Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) do Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma đánh dấu sự ra đời loại chữ này, về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ chính làchữ Nôm được Latin hóa, hiện đại hóa.

Giả thử các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học ấy đến TQ tiến hành Latin hóa chữ Hán nhằm làm ra một loại chữ biểu âm cho tiếng Hán thì chắc chắn họ sẽ thất bại, bởi lẽ tiếng Hán không thích hợp chữ biểu âm - có điều tới cuối thế kỷ XX, người TQ mới nhận ra sự thật tàn nhẫn đó. Đây lại là một ví dụ chứng tỏ Việt ngữ khác hẳn Hán ngữ.

Với hai ưu điểm quý giá là biểu âm và Latin hóa, chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi hẳn đời sống ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nước ta, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho nền văn minh Việt. Chữ Quốc ngữ ghi được 100% âm tiếng Việt, cơ bản đạt yêu cầu nghĩ hoặc nói thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy, lại dễ học dễ dùng kỳ lạ, người bình thường học dăm ba tháng là biết đọc biết viết. Sự kỳ diệu chưa từng thấy đó đã khiến cho giới tinh hoa nước ta đang từ sùng bái chữ Hán chuyển sang tôn vinh chữ Quốc ngữ là hồn củađất nước, và tin rằng nước ta sau này hay hoặc dở là tùy thuộc vào thứ chữ này.

Ngôn ngữ là công cụ tư duy; chữ viết là công cụ ghi ngôn ngữ, cũng là công cụ ghi chép tư duy; nếu chữ viết dễ học dễ dùng thì tư duy có thể được viết ra một cách nhanh chóng, thông suốt. Vì thế, học giả Phạm Quỳnh nói chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệugiải phóng trí tuệ người Việt. Đúng vậy, thứ chữ này có thể dễ dàng ghi lại mọi ý nghĩ, không bị gián đoạn do phải tra tìm chữ như khi dùng chữ Hán chữ Nôm, nhờ thế trí tuệ được giải phóng, dẫn đến sự hình thành một tầng lớp trí thức tân tiến chưa từng thấy ở nước ta.

Chữ Quốc ngữ đã thúc đẩy nền văn minh Việt phát triển nhanh gấp trăm lần quá khứ. Toàn dân hân hoan học chữ, vừa nâng cao dân trí vừa thống nhất được âm tiếng Việt trong cả nước, góp phần thống nhất dân tộc. Dùng chữ Quốc ngữ có thể dịch các từ ngữ Hán-Nôm và ngoại văn ra tiếng Việt, nhờ thế dân ta có dịp tiếp xúc kho tàng văn hóa của tổ tiên, các trào lưu tư tưởng mới và khoa học kỹ thuật phương Tây. Các ngành văn học, giáo dục, nghệ thuật, báo chí, xuất bản nhanh chóng hình thành và phát triển. Cây văn hóa Việt Nam vươn cao, thoát khỏi nguy cơ còi cọc vì cớm nắng do ở cạnh đại thụ văn hóa Trung Hoa. Do chữ cái Latin dùng kỹ thuật in chữ rời nên ngành xuất bản sách báo, ấn phẩm có dịp nhanh chóng phát triển. Các tổ chức cách mạng đều dùng các ấn phẩm chữ Quốc ngữ để truyền bá tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến.

Trong 4 lãnh thổ thuộc vành đai Hán ngữ, duy nhất Việt Nam sử dụng loại chữ biểu âm Latin hóa. Thời xưa nước ta, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều mượn dùng chữ Hán; khi thấy mặt hạn chế của nó, cả ba đều cố “Thoát Hán” về ngôn ngữ. Bán đảo Triều Tiên thế kỷ XV làm ra chữ biểu âm Hangul, nhưng Hàn Quốc hiện vẫn phải dùng chữ Hán để viết các từ ngữ cần chính xác (như về pháp lý). Người Nhật thế kỷ IX làm ra chữ biểu âm Kana, nhờ thế giảm được 5/6 lượng chữ Hán đi mượn, nhưng hiện vẫn dùng gần 2.000 chữ Hán. Việt Nam nhờ dùng chữ Quốc ngữ mà từ năm 1919 hoàn toàn không dùng chữ Hán. Từ đó, ngôn ngữ Việt hoàn toàn độclập với Hán ngữ. Rõ ràng, tiếng Việt kỳ diệu đã giúp cho quá trình “Thoát Hán - Thoát Khổng” này diễn ra nhanh gọn, không gây tranh cãi và đứt gãy văn hóa, là một thắng lợi văn hóa - tư tưởng quan trọng của dân tộc ta.

 


1. http://nghiencuuquocte.org/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/

2. http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/29-nhin-ra-the-gioi/11723-dong-gop-cua-nguoinhat-vao-han-ngu-can-hien-dai

3. Thống kê theo Tự điển Hán-Việt của Thiều Chửu: chữ Nho ghi được hơn 1.800 âm Hán-Việt (của 8.000 chữ Hán), chiếm khoảng 10% toàn bộ âm Việt. Tỷ lệ 60% Maspéro nói năm 1912 có lẽ là tỷ lệ trong tiếng Việt hàn lâm, không phải tiếng Việt dân gian.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6115649