Thông tin

TIẾP CẬN KINH VĂN TỪ GÓC ĐỘ ÂM NHẠC

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Kinh vốn là lời Phật thuyết được các đệ tử, chư vị Bồ tát ghi lại. Kinh văn là hệ thống văn bản (giáo lý) ghi lời Phật thuyết bằng hình thức văn tự. Như vậy, ngay từ đầu, lời Phật thuyết không tồn tại dưới dạng văn bản. Quá trình văn bản hóa kinh Phật khiến cho phương tiện chuyển tải kinh văn thay đổi. Nói cách khác, chúng ta không còn có cơ hội chứng kiến khoảnh khắc Phật thuyết tại hiện trường giảng pháp.

Trên thực tế, rất nhiều dạng thức văn hóa bị thay đổi sau khi chuyển đổi phương thức chuyển tải. Trong đó, hình thức chuyển tải bằng văn tự đã làm thay đổi nhiều hình thái tồn tại, kể cả kinh văn. Xét về mặt lịch sử, hình thức văn tự ra đời muộn hơn nhiều so với lời Phật thuyết và cách tiếp cận kinh văn thông qua văn tự cũng muộn hơn nhiều so với tiếp xúc tại hiện trường (đạo tràng). Liên hệ tới một số loại hình nghệ thuật, chẳng hạn như thơ cho thấy, sau khi văn bản ra đời, người đọc bắt đầu ít tiếp cận hình thái ca (diễn xướng) hơn. Thay vào đó, người ta có thể đọc thơ trong sự tĩnh lặng. Nghệ thuật ngôn từ dần thay thế hình thái diễn xướng, những hình thức thể hiện sự gần gũi, như ngâm, vịnh cũng dần bị mai một. Trong quá khứ, thơ là loại hình nghệ thuật diễn xướng. Có một giai thoại kể rằng, nhà thơ Vương Bột (nổi tiếng đời Đường) từng nịnh mấy cô đào hát để được trình bày tác phẩm. Trình diễn tác phẩm thơ bằng hình thái ca chính là cách thức xuất bản thơ bấy giờ. Thơ dùng để ca, nên mới gọi là thơ ca. Các thể loại ca dao, tục ngữ, lý, hò, vè… đều từng được trình bày bằng hình thái diễn xướng. Nói cách khác, trình diễn là hình thái chung của các tác phẩm gắn liền với lời ca. Khi hình thức văn tự ra đời, nó đã làm thay đổi diện mạo loại hình nghệ thuật được chuyển tải, đồng thời thay đổi cả thói quen của người thưởng thức. Sau này, chúng ta có thói quen đọc thơ, nhìn chữ trên trang giấy, rồi tưởng tượng, thưởng thức cấu tứ, ý nghĩa, hình ảnh… trong trạng thái tĩnh lặng.

Phật giáo tuy không bảo lưu trên vùng phát tích Ấn Độ. Nhưng, nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống Ấn Độ vẫn lưu truyền một cách bền vững, trong đó có âm nhạc, vũ đạo, sân khấu mà tuyệt đại đa số đều liên quan mật thiết với tôn giáo, tín ngưỡng. Chẳng hạn như âm nhạc Ấn Độ chia thành hai loại, thứ nhất là dạng thức phát ra âm thanh (mang tính vật lý), có thể nghe được bằng cơ quan thính giác; thứ hai là một quan niệm (mang giá trị tinh thần), như âm thanh của sự vĩnh hằng muôn thuở, âm thanh của vũ trụ mà cơ quan thính giác không thể nghe thấy. Loại âm thanh này dùng để tu dưỡng. Theo đó, “hạt nhân của âm nhạc chính là sự tịch mịch (anhad). Khi sự tịch mịch sản sinh âm thanh, đó chính là âm thanh đầu tiên (nad). Quan niệm trên chứng tỏ, âm thanh nảy sinh từ sự tĩnh lặng”, thật đúng như tên gọi của một bộ phim Ấn Độ từng đề cập tới thế giới người câm điếc: “im lặng là đỉnh cao của âm thanh” .

Sau khi kinh văn chuyển tải sang hình thức văn tự, thói quen đọc, hiểu dẫn thay thế cách tiếp cận sơ khai, thậm chí kể cả phương pháp tụng kinh cũng có xu hướng biến thành đọc kinh. Nhiều tu sĩ tại gia tụng kinh bằng hình thức đọc (độc). Trong đọc kinh, chúng ta đã đánh mất hình thái tồn tại của nó và tiếp cận kinh văn từ khía cạnh văn tự, ngữ nghĩa. Trong khi, tụng và đọc là hai hình thái khác nhau. Từng truyền thống văn hóa, vùng miền lại sản sinh ra các lối tụng riêng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa Phật giáo. Tụng và đọc tuy đều sử dụng miệng phát ra âm thanh, có hoặc không đi kèm pháp khí. Nhưng, tụng và đọc khác nhau, xét về phương diện âm nhạc. Ở nước ta, tụng kinh miền Bắc và miền Nam rất khác nhau. Miền Bắc tụng theo hơi Bắc, gần với hát ru, ngâm thơ, lảy Kiều, các thủ pháp ngâm Sa mạc, Bồng mạc… dựa trên cơ tầng văn hóa Bắc Bộ, còn miền Nam tụng theo hơi Nam, Oán, vốn là đặc sản văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ. Một người bình thường cũng có thể phân biệt giữa giọng Bắc và Nam, âm nhạc miền Bắc và miền Nam. Tính chất vùng miền thể hiện rất rõ qua cách thức tụng kinh. Như vậy, tụng kinh không giống đọc kinh. Xuất phát từ đặc trưng âm nhạc, nên tụng kinh cần phải học tập, rèn luyện và mang tính truyền thừa. Còn đọc kinh, chỉ cần biết chữ, tra từ điển có thể nắm bắt được nội dung. Tất nhiên, đối với một tôn giáo chủ trương phá chấp như Phật giáo, chúng ta không nên chấp vào âm thanh hay ngữ nghĩa kinh văn. Nhưng, đứng ở góc độ một phương tiện tu tập thì cần xem xét đặc trưng của kinh văn qua hình thức biểu hiện (giới hạn trong phạm vi âm nhạc), đặc biệt cần phân biệt giữa đọc kinh và tụng kinh.

So với các thủ pháp diễn xướng âm nhạc nghi lễ Phật giáo khác, kinh văn có thể chuyển tải qua nhiều hình thức, như: xướng, tán, niệm, chú, bạch.

(1) Xướng: Xét theo nghĩa  rộng bao gồm toàn bộ thủ pháp liên quan đến thanh nhạc, sử dụng hơi người để tạo âm, như xướng sám, xướng pháp, xướng danh… ca xướng, hát xướng, hát ca nói chung. Theo nghĩa hẹp, xướng là một trong nhiều thủ pháp diễn xướng, đồng đẳng với tán, niệm, chú, bạch… Trong trường hợp này, xướng có cấu trúc âm nhạc ổn định, hoàn chỉnh, gần với ca khúc (độ dài vừa phải, khác với trường ca, gồm nhiều phân đoạn liên kết với nhau) và thường đạt tới giá trị nghệ thuật, mang tính tự trị cao (có thể trở thành tác phẩm độc lập).

(2) Tán: Có tính chất âm nhạc gần như một cấu trúc hoàn chỉnh (giống như xướng), nhưng có nội dung mang tính chất tụng ca.

(3) Niệm: Có cấu trúc ngắn gọn, lặp đi lặp lại, có khi chỉ gồm một câu nhạc ngắn, tương ứng với các chữ cấu thành tên (hồng danh) chư Phật, chư vị Bồ tát. Trong nghi lễ nhiễu Phật, niệm có tác dụng dẫn dắt, thống nhất động tác nghi lễ, đặc biệt với tính chất âm nhạc lặp đi lặp lại, niệm giúp gia tăng vòng tuần hoàn của nghi lễ. Niệm cũng có khi được hiểu là đọc, như: Niệm kinh, từ đó niệm và tụng gần gũi với nhau, xét về mặt ngôn từ.

(4) Chú: Là một dạng thức biểu đạt xúc tích, chú trọng tính chất thể hiện của người trì chú.

(5) Bạch: Gần như hát nói trong sân khấu, kịch trường. Trong âm nhạc Khoa nghi, bạch sử dụng như một thứ mệnh lệnh, lời nói.

Chúng ta dễ dàng hiểu một cách khái quát các thủ pháp diễn xướng. Nhưng, đi vào từng phương tiện biểu hiện cụ thể mới thấy hết những thay đổi vi diệu của chúng. Chẳng hạn, như niệm, một thủ pháp thông dụng trong âm nhạc khoa nghi, cùng một câu niệm mỗi truyền thống văn hóa âm nhạc thể hiện rất khác nhau.

Ví dụ:

 

Câu niệm trên trình bày theo âm nhạc truyền thống Triều Châu, từ một câu triển khai thành một đoạn, gồm 4 câu nhạc. Mỗi câu ứng với hồng danh Phật A Di Đà. Mở đầu trên âm khu trung, sau đó đẩy lên cao, rồi hạ xuống thấp.

Hay như câu niệm hồng danh Bồ tát Quan Thế Âm theo giọng Quảng Đông phổ biến trong cộng đồng người Hoa thể hiện như sau:

Ví dụ:

 

 Còn sau đây là câu niệm Phật Di Đà của thầy Thích Trí Thoát.

Ví dụ:

 

So sánh ba ví dụ trên cho thấy, người Triều Châu sử dụng điệu Thương, người Quảng Đông dùng điệu Chủy (tương đương với khái niệm hơi Quảng - Quảng Đông trong âm nhạc Tài tử Nam Bộ) và người Việt - Nam Bộ (thầy Thích Trí Thoát) sử dụng hơi Nam. Như vậy, nền tảng âm nhạc truyền thống của các vùng văn hóa đã đưa đến những cách thể hiện khác nhau trong cùng một thủ pháp (niệm). Nếu dựa vào văn tự, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với các hình thái biểu hiện khác nhau trong cùng một thủ pháp diễn xướng.

Mặc dù Phật giáo không chủ trương đề cao thanh, sắc, nhưng văn hóa Ấn Độ nói chung, người Ấn Độ nói riêng có tố chất nghệ thuật cao. Các hình thức thể hiện trong phạm vi tôn giáo, tín ngưỡng đều xuất phát bởi thế giới quan và thẩm mỹ. Hai phương diện này kết hợp với nhau tạo nên những mô thức ổn định, trường tồn qua thời gian, được gìn giữ trong kho tàng di sản văn hóa Ấn Độ. Chẳng hạn, thủ ấn vừa là “thế tay” mang tính biểu trưng Phật giáo, Ấn Độ giáo, vừa là ngôn ngữ biểu hiện của nghệ thuật múa. Thủ ấn hay còn gọi là ngôn ngữ của tay (mudra) cho phép diễn viên bày tỏ tình cảm, chuyển tải thông điệp, thể hiện đường nét chuyển động (của cơ thể). Thủ ấn cũng đi vào nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, hội họa…

Khi lời Phật thuyết ghi chép bằng văn tự, rất có thể hình thái biểu hiện đi kèm đã không kịp lưu giữ dẫn tới thất thoát thứ tài sản vô giá này. Thông qua hình thức tồn tại “tĩnh” của văn tự, một công cụ phổ dụng, đại trà, kinh văn một mặt giúp cho tín đồ, người đọc tiếp cận lời Phật thuyết, mặt khác trở thành công cụ để có thể tự học. Điều này cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc chẳng hạn. Sau khi bản nhạc ra đời, hỗ trợ cho việc ghi nhớ dẫn tới việc người tiếp xúc có thể tự học. Từ đó, tính chất truyền thừa của âm nhạc phai nhạt và “bản lai diện mục” của tác phẩm không còn được tiếp cận một cách chân xác. Người học hiểu mọi thứ đã nằm trên bản nhạc. Trên thực tế, bản nhạc chỉ là những ký hiệu hỗ trợ người học trong quá trình tập luyện, chứ không chứa đựng tất cả nội dung âm nhạc. Trong trường hợp đó, người học rất dễ đánh đồng giữa âm và nhạc.

Tiếp cận lời Phật thuyết bằng văn tự cũng dễ dàng khiến người tiếp xúc chấp vào con chữ, rồi truy tìm ý và nghĩa. Bởi vậy, sau thời Phật giáo nguyên thủy bước vào thời Tượng pháp, kinh văn càng ngày càng nhiều, đặc biệt là bộ phận luận, căn cứ cho các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, chú tâm vào con chữ, truy tìm nguồn gốc của ý và nghĩa trong kinh văn, từ đó Phật giáo phát triển theo hướng duy lý  nhiều hơn. Điều này rất cần thiết, nhưng chưa chắc đã giúp chúng ta đến gần chánh pháp!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6920606