Thông tin

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH (tiếp theo)

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH (tiếp theo)

THÍCH ĐỒNG BỔN sưu tầm

Khi ngồi lên thì bảo tọa lún xuống nửa thân mình, lúc đứng dậy thì nó phồng lên còn con voi thì được thành vị Trời tên là ERAVANA. Vì các loài thú không có trên cõi trời, cho nên khi đi ra vườn ngự thì vị trời ấy biến thành voi cao được 150 do tuần.

Nàng SUDHAMMMA, khi mệnh chung được sanh lên Đao Lợi Cung cùng với Vua Trời Đế Thích, nàng có 1 lầu đài to 500 do tuần, hiệu là SUDHAMMA phát sanh, dành cho nàng. Chẳng có đền nào đẹp hơn lầu đài đó, mỗi ngày mùng 8 được thích Pháp trong nơi ấy thật là một thắng cảnh duy nhất.

Còn nàng SUNANDA, khi hết tuổi thọ cũng được lên thiên cung, có ao sen tên là NANDA rộng 50 do tuần dành cho nàng.

Nàng SUCITARA cũng được lên Đao Lợi Thiên Cung, có vườn nho 500 do tuần dành cho nàng, là vườn mà Chư Thiên dẫn các vị Trời vừa có triệu chứng báo trước giờ chết, ngự đến cho quên mình.

Phần nàng SUJARA, sau khi chết sanh thành cò mái tại kẹt núi. Khi Đức Đế Thích tìm xem các vợ của Ngài, Ngài được biết rằng các nàng SUDHAMMA, SUNANDA và SUCITARA đều được sanh lên cùng ngài, rồi tưởng đến nàng SUJATA, thấy nàng sanh thành cò mái nơi kẹt núi, vì sự đần độn không làm phước để dành, nên mới thành loài điểu như thế. Ngài liền đến dạy nàng SUJATA để dẫn nàng về cung trời.

Ngài bèn hóa ra người đến hỏi rằng:

-  Ngươi làm gì ở đây?

-  Ông tên là gì?

- Ta tên là MAGHA, là chồng của nàng.

- Ông sanh trong nơi nào?

- Ta sanh lên Đao Lợi Cung, nàng có biết nơi sanh của các bạn gái của nàng chăng?

- Tôi không biết.

- Các bạn gái của nàng được sanh lên Đao Lợi Cung cùng ta. Các bạn nàng mong được gặp nàng.

- Tôi lên nơi ấy được chăng? Bằng cách nào?

- Ta sẽ dẫn nàng đến nơi ấy.

Nói rồi, Ngài đem nàng lên Đao Lợi Thiên Cung, thả nàng cò tại ao sen. Xong, Ngài cho ba Hoàng hậu hay rằng: “Các bà sẽ thấy nàng SUJATA là bạn của các bà”.

Cả ba Hoàng hậu tâu hỏi “nàng SUJATA đâu?”

- Tại bờ ao sen NANDA.

Cả ba bà cùng đồng đi đến đó cùng nhau nhạo báng rằng:

“Đáng ngoạn mục thân hình của bà mẹ, đáng ca tụng sự kết quả cách trang điểm hình dung, xem ống quyển của bà, dung mạo của bà đẹp quá há!”. Nói như thế rồi ba bà trở về cung.

Vua Đế Thích ngự trở lại với cò mái rồi hỏi rằng: “Nàng đã thấy các bạn của nàng rồi chăng?”

- Tâu! Được thấy rồi, họ chế giễu tôi, rồi đi. Như vậy, tôi không thể nào ở đây nữa, vậy cầu xin ngài cho tôi trở về chỗ cũ.

Vua Đế Thích bèn đem cò mái về thả gần nước tại hẻm núi, rồi phán hỏi rằng: “Nàng thấy sự sang cả của các bạn nàng rồi chăng?”

- Tâu! Tôi được thấy rồi.

- Vậy nàng nên tìm cơ hội để sanh lên nơi đó.

- Tâu! Tôi phải làm thế nào?

- Nàng có thể làm theo lời dạy của ta chăng?

- Tâu! Dạ tôi phải làm được.

- Nàng hãy thọ trì ngũ giới đi, nàng không nên cẩu thả.

Nói rồi Vua Đế Thích trở về cung trời.

Từ đó, Cò mái chỉ tìm ăn cá chết, không bao lâu Vua Đế Thích xuống thử thách cò mái. Ngài hóa thành như cá chết nằm ngửa tại bãi cát, cò mái tưởng là cá chết đến mổ. Cá ngoe nguẩy đuôi; khi cò mái định nuốt; cò mái liền thả vì biết rằng cá còn sống. Cá nghĩ một chút; rồi nằm ngửa trước mặt cò mái như vậy nữa; cò mái bèn ngậm cá, cho rằng cá đã chết, nhưng cò lại thấy đuôi cá vùng vẫy không dám nuốt rồi thả bỏ vì cho là cá sống.

Vua Đế Thích thử như thế đến 3 lần mới nói rằng: “Ngươi nên trì giới trong sạch đi”.

- Ngài cho biết rằng, Ngài là ai?

- Ta đã thử ngươi và biết rằng ngươi giữ giới đúng đắn. Như vậy, không bao lâu nữa ngươi sẽ được sanh lên cõi trời với ta. Vậy ngươi không nên cẩu thả”? Rồi ngài bay trở về.

Từ đó, cò mái đi tìm được cá chết rất khó khăn nên không bao lâu rồi chết được sanh làm con người thợ nồi trong thành BARANASI, nhờ sự trì giới đó.

Khi cô gái đó lên 15-16 tuổi thì Vua Đế Thích tìm xem coi cò mái sanh nơi nào; Ngài thấy cò mái đã đầu thai làm con gái người thợ nồi, Ngài bèn hạ xuống thế gian, hiện ra 7 báu chở đầy trên xe rồi cho xe chạy vào thành BARANASI rao hàng theo đường: “Ai mua bầu bí không?”. Song, khi có người đến đem đậu xanh đến đổi thì không cho. Có người hỏi:

- Vậy thế nào mới cho?

- Ta cho đến phụ nữ trì giới.

- Giới là sao? Đen hay xanh?

- Các ngươi không biết giới thế nào, thì làm sao mà trì giới được, ta chỉ cho phụ nữ giữ giới.

Người khách hàng mách:

- Cô gái của thợ nồi đằng ấy, cô nói rằng: “Cô ta trì giới”, vậy hãy cho ta đến cô ấy đi.

- Cô gái thợ nồi đến và nói: “Nếu vậy hãy cho tôi”. Vua Đế Thích hỏi: “Nàng là ai?”

- Tôi không bỏ ngũ giới.

- Những vật này, ta chỉ đem cho một mình nàng thôi.

Trời Đế Thích cho xe chạy đến nhà cô gái thợ nồi. Rồi cho biết rằng Ngài Đế Thích và phán rằng: “Tài sản này vừa nuôi sinh mệnh, nàng hãy giữ 5 giới cho trong sạch”. Dạy rồi thì Đế Thích về Thiên Cung.

Nói về cô gái của thợ nồi, sau khi thác được sinh trong thành A Tu La  làm công chúa của A Tu La Vương, là kẻ thù địch của Đức Đế Thích. Công chúa rất diễm lệ, nước da như vàng ròng, sắc mặt yêu kiều không ai sánh kịp, nhờ trì giới được 2 kiếp.

Nhiều người xin kết hôn với công chúa, nhưng Vua A Tu La chê họ không xứng đáng với công chúa, rồi ra chỉ thị cho công chúa được tự mình kén chọn và cho phép công chúa gieo cầu.

Trời Đế Thích đã thông hiểu mọi việc, bèn nghĩ rằng: “Ta hãy đến đem nàng SUJATA về”. Rồi Ngài biến làm A Tu La già, Ngài vào đứng cuối cùng trong cuộc đại hội gieo cầu. Công chúa liếc xem bốn phía, vừa thấy được Trời Đế Thích liền sanh tâm yêu mến (do kiếp trước đã kết duyên cùng nhau) nên công chúa liền phát ngôn rằng đó là chồng của công chúa, rồi gieo cầu cho. Những thanh niên có mặt trong hội thốt rằng: “Đức Vua của chúng ta được rể vừa đôi với công chúa. Rể già đáng chú, bác mới xứng với công chúa của Đức Vua”. Trời Đế Thích khi đã bắt được tay nàng SUJATA liền phát biểu rằng: “Ta là Đế Thích”. Rồi Ngài bay lềnh bềnh giữa không gian. Bọn A Tu La thanh niên đuổi theo tức khắc, bảo rằng chúng ta bị Đế Thích phỉnh gạt rồi. Lúc ấy, có vị Trời MATALI (xa phu) đem xe trời đến rước Đức Đế Thích. Ngài cùng nàng SUJATA vào ngự trong xe, hướng về kinh đô Đao Lợi Cung. Xe vừa đến rừng giòn, các chim con GARUDA(1) vừa nghe tiếng xe thì kinh khủng kêu là. Đức Đế Thích nghe tiếng la, bèn hỏi xa phu MATALI chim nào kêu la thế?

- Tâu, các chim con GARUDA

- Tại sao?

- Vì chúng sợ chết, bởi nghe tiếng xe.

- Chim GARUDA sinh ra nhiều như thế, sẽ bị tốc lực của xe nghiền chết vì một mình ta. Vậy ngươi không nên làm cho những chim ấy tiêu diệt. “Hãy quay xe lại đi”. Vị trời xa phu liền cho xe trở lại.

Bọn A Tu La thanh niên thấy xe Đức Đế Thích trở lại, đều quay về đường cũ vào thành A Tu La.

Đức Đế Thích đem nàng A Tu La SUJATA về đến kinh đô rồi phong cho nàng làm lớn hơn tất cả 250 triệu ngọc nữ.

Nàng SUJATA xin với Đức Đế Thích rằng: “Tâu lệnh Hoàng thượng, trong cõi trời này, tôi không có mẹ, cha, anh, chị. Vậy lệnh Hoàng thượng ngự đi nơi nào, xin dẫn tôi cùng theo với”. Đức Đế Thích chuẩn tấu. Lúc bấy giờ thấy cây PARICHATTAKA trổ bông, bọn thanh niên A Tu La bàn cùng nhau rằng: “Nay cây trời của chúng ta trổ hoa, nên muốn xuất binh chiến đấu với Đức Đế Thích”. Chúng đồng nhau xuất chinh.

Đức Đế Thích lập chiến thuật để ngừa giặc. Có đạo binh GARUDA, đạo binh KUMBHANDA(1), đạo binh Dạ xoa, đạo binh Tứ Đại Thiên Vương. Trên các đạo binh ấy, Đức Đế Thích hiện hình Đế Thích cầm kiếm ngọc đứng trước cửa thành. Bọn thanh niên thấy đạo binh GARUDA; v.v… rồi đến thấy Đế Thích từ nơi xa thì dẫn nhau chạy trốn vì cho rằng Ngài xuất chinh.

Phật kể chuyện Đức Đế Thích cho đức Vua MAHALILICCHAVI nghe rồi phán: Này MAHALI MAGHAMANABA thực hành Pháp không cẩu thả nên mới thành bậc cao sang.

Vì thế, các Bậc Trí tuệ nhất là Phật đều ca tụng cái kết quả cao quý thế gian và xuất thế do Pháp không cẩu thả.

Có kệ ngôn rằng: APPAMADENA MAGHAVA MAGHAMANABA được ca tụng hơn tất cả, bằng Pháp không cẩu thả.

Các hàng Trí tuệ hằng ngợi khen sự không cẩu thả và luôn luôn chỉ trích sự cẩu thả.

Kệ ngôn trên đây nói: “Bằng Pháp không cẩu thả”, nghĩa là lưu ý đến cách thực hành của MAGHAMANABA, kể từ sư quét sân nhà, trong làng ACOLAGAMA. Còn tiếng “MAGHAMANABA chỉ về Đức Đế Thích, nghĩa là Đức Đế Thích được các bậc Trí tuệ nhất là Phật ca tụng hơn tất cả, là vị chúa tể cả trong hai cõi trời(2).

Sở dĩ Pháp “không cẩu thả”, được ca tụng là vì Pháp đó là nhân sanh hạnh phúc thế gian và xuất thế. Còn sự “chỉ trích Pháp cẩu thả”, là nguồn gốc của tai hại ở cõi người và sẽ đọa trong 4 ác đạo.

Khi thuyết xong kệ ngôn, MAHALI đắc Tu Đà Hườn Quả, những kẻ được nghe Pháp trong nơi ấy cũng đắc quả đạo.


(1) GARUDA: Loài chim khổng lồ, mình và đầu người, cánh và móng chim ưng.

(2) Hai cõi trời: Tứ Đại Thiên Vương và Đạo Lợi Thiên

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6920158