Thông tin

TÌM HIỂU DÂN GIAN TÍNH TRONG SỰ THÂM NHẬP

CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ Ở MIỀN NAM

 

PHẠM VĂN NGA

 


 

Từ sau khi ngài Minh Đăng Quang sáng lập năm 1944, Phật giáo Khất sĩ (PGKS) đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp nhất là ở các tỉnh Nam bộ. Đến nay, PGKS vẫn là một trong những hệ phái ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Chúng ta thử tìm hiểu đâu là những nguyên nhân khiến PGKS lại có thể thâm nhập trong quần chúng và tồn tại lâu dài ở miền Nam.

Lịch sử phát triển

Tùy theo cách nhìn nhận, thông thường theo giới sử học Phật giáo có thể chia “Lịch sử” PGKS làm ba thời kỳ:

- Thời kỳ hình thành (1947 - 1954)

- Thời kỳ hoàn thiện và duy trì (1954 - 1981)

- Thời kỳ phát triển (1981 đến nay)

Theo Trần Bảo Định, PGKS có thể chia thành 3 thời kỳ như sau:

● 1944 - 1954: thời kỳ thành đạo và truyền giáo của tổ Minh Đăng Quang

● 1954 - 1975: thời kỳ phát triển du đoàn khất sĩ cả tăng và ni.

● 1975 - nay: thời kỳ hợp thức hóa và thống nhất giáo hội1.

PGKS, sau gần 80 năm tồn tại và phát triển, trở thành một hệ phái của Phật giáo Việt Nam. Chúng ta ghi nhận thành quả đó kể từ khi đức Tổ sư Minh Đăng Quang thực hành hạnh khất thực với những bước chân đầu tiên.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhận các đệ tử xuất gia đầu tiên năm đầu tiên tại làng Phú Mỹ vào năm 1947. Năm sau, Ngài và các đệ tử đến Sài Gòn và hoằng pháp ở các tỉnh miền Đông. Kỳ An cư kiết hạ năm thứ hai là tại chùa Kỳ Viên (Quận 3).

Tại Vĩnh Long, Ngài kiến tạo tịnh xá Pháp Vân làm ngôi đạo tràng đầu tiên, sau đó đến tịnh xá Trúc Viên, rồi tịnh xá Ngọc Viên làm trung tâm hoằng pháp của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Từ đấy, tiến hành công cuộc hoằng pháp ở nhiều địa phương khác. Cho đến khi vắng bóng năm 1954, Ngài đã xây dựng trên 20 ngôi tịnh xá với đệ tử lên đến 100 người, cảm hóa hàng vạn tín đồ. Các vị cao tăng của hệ phái đã xin thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam năm 1964 và được chấp thuận vào năm 1966.

PGKS trước năm 1975 gồm 3 tổ chức: “Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (với 5 Giáo đoàn)”, chưa kể những nhóm Khất sĩ riêng lẻ. Hiện nay, PGKS là một trong 9 hệ phái góp phần đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam.

Những nguyên nhân nào khiến PGKS phát triển mạnh mẽ?

1. Giáo lý dung hòa Nam - Bắc tông

0Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề ra tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, nhằm xây dựng Tăng đoàn theo mô hình thời đức Phật.

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam dung hợp truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, nhưng lại không có nhiều người phân tích sâu hơn nhận định này.

Theo những nghiên cứu về Phật pháp, chúng ta biết rằng Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông khác nhau về mục đích tu học. Trong khi Nam tông là “tự độ, tự giác”, tự giác ngộ cho bản thân mình thì Bắc tông lại hướng đến “tự độ tự tha, tự giác tự tha”, không chỉ giác ngộ chính mình mà còn giúp chúng sinh giác ngộ, giải thoát. Mặt khác, Phật giáo Nam tông truyền đến các nước Đông Nam Á từ Ấn Độ. Những nước như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… từ trước đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nên Phật giáo Nam tông khi thâm nhập đã quy tụ được đông đảo tín đồ và Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Phật giáo Nam tông chú trọng giác ngộ qua thiền định và dành thời gian trong ngày trước Ngọ đi khất thực để độ thân. Sắc phục thường là màu vàng. Còn những tu sĩ theo Phật giáo Bắc tông thì phải lao động để độ nhật và sắc phục thường mặc là áo màu nâu, chỉ khi hành lễ mới mặc đạo phục màu vàng2.

Theo dòng thời gian, những biến động thời cuộc đã khiến phát sinh những phong trào ảnh hưởng đến Phật giáo. Chúng ta có thể kể:

(1) Phong trào Chấn hưng do Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) phát động.

(2) Ngoài Phật giáo Nam tông có truyền thống lâu đời của cộng đồng người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tình Trà Vinh hay Sóc Trăng, Phật giáo Nam tông bắt đầu thâm nhập vào quần chúng Việt.

(3) Một số hệ phái tôn giáo mới ra đời, xuất phát từ Phật giáo hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng Phật giáo, do hàng ngũ cư sĩ khởi xướng. Những hệ phái theo những xu hướng khác nhau đều hiện diện ở miền Nam.

 


 

Tổ sư từng nhận định: “Đạo Phật lâu nay ví như cái bát bể chẳng nguyên lành, giới luật phân chia không còn Giáo hội. Do đó mà ai cũng đạo Phật, ai cũng Tăng già, kẻ giống ba, người giống bảy, làm cho ngoại khách xem vào như là trong cõi đời chưa có Tăng sư cùng đạo Phật”3.

Về mặt hình thức, các nhà nghiên cứu thường nhận định hệ phái Khất sĩ là sự dung hợp từ tư tưởng Phật học Thượng tọa bộ và Đại thừa. Nhưng về giáo thuyết, đức Tổ sư quan niệm PGKS không phải Nam tông, hay Bắc tông, mà y cứ trên Pháp và Luật của nhà Phật để tu hành. Đức Phật cũng từng nói: “Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi”4.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khẳng định: “Đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy”5.

Ngài đã tiếp nhận và dung hợp các giá trị từ 2 nền tư tưởng Phật học một cách linh động, tạo ra những phương thức tu tập phù hợp với dân tộc, khế lý, khế cơ, đáp ứng đúng nhu cầu con người không chỉ trong thời điểm phát sinh mà đến tận bây giờ. Về hình thức, PGKS nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại rất nghiêm túc về nội dung giáo pháp. Đó là lý do cho đến hôm nay hệ phái không ngừng phát triển.

Cái “Tôi” hay cái ngã đối với người đời luôn vĩ đại, vì vậy phải hạ cái ngã kiêu ngạo ấy không gì hơn là phải đi xin, tự độ và độ tha, tập cho chúng sanh có dịp bố thí cúng dường, giúp họ giảm bớt ích kỷ bủn xỉn, đem đến cơ hội cho họ gieo hạt vào “phước điền”. Khất thực là phương thức thực tiễn nhất để đem đạo vào đời mà người chưa xuất gia sẽ không làm được, nhưng tỳ kheo theo hạnh khất sĩ sẽ phải làm được, vì họ đã huân tập trong giáo pháp của Phật khi vượt qua cái tự ngã của mình, vốn là chướng duyên trên đường tu tập. Và thế, khất sĩ với ba y một bát, không tài sản, chỉ một lòng hướng tâm tu tập, là hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng, cũng là một nguyên nhân khiến PGKS phát triển mạnh.

“Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: “Giới, Định, Huệ” “Nếu Khất Sĩ không có tu về “Định, Huệ”, dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất Sĩ, vì chữ “Sĩ” đây là sự học đạo lý với quả linh, bằng pháp tu “Định, Huệ”. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học “Định, Huệ” là do giới y bát Khất Sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất Sĩ, đủ gồm cả “Giới, Định, Huệ””6. 3 yếu tố này tóm tắt cả Bát chánh đạo. Đức Phật dạy: “Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này Ānanda, đây là truyền thống tốt đẹp được ta thiết lập và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn”7. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là sinh vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm, là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người.

2. Giới luật dung hợp Nam - Bắc tông

Về giới luật, hệ phái Khất sĩ có cả Tăng và Ni, điều này ảnh hưởng truyền thống Bắc Tông. Căn nguyên Bộ luật Tứ Phần mà phái Bắc Tông Trung Quốc và Việt Nam sử dụng vốn là sản phẩm của Phật giáo Theravada viết bằng tiếng Phạn. Bộ luật Tứ Phần đã làm nền tảng giới luật cho hệ phái Khất sĩ, theo đó tỳ kheo Tăng phải thọ 250 giới và tỳ kheo Ni phải thọ 348 giới. Tứ y pháp Trung đạo của phái Nam Tông và Tứ thánh chủng của phái Bắc Tông cũng được tích hợp trong giới luật PGKS. Các vị Khất sĩ trước khi thọ giới Sadi đều phải học thuộc Tứ Y pháp8.

Về cách ăn uống, hệ phái Khất sĩ thọ trai theo truyền thống Bắc tông nhưng hành đạo khất thực theo truyền thống Nam tông, không dùng phi thời của cả 2 truyền thống.

Đức Tôn sư Minh Đăng Quang xem việc khất thực như một phương tiện hành đạo với phương châm:

Trên xin giáo pháp Phật Đà

Dưới xin cơm áo để mà nuôi thân

Ngài đã noi gương Phật xưa ôm bát hóa duyên hoá độ chúng sanh, lập nên hệ phái Đạo Phật Khát sĩ Việt Nam với sức mạnh hoằng pháp của đoàn du tăng, làm rạng ngời “Chơn lý” mà Ngài đã dày công biên tập cho đệ tử và quần chúng tu tập.

Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Khất có nghĩa là xin. Lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí”. Ngài chia làm 3 bậc xin:

“Hạng bậc một xin bằng Thân, hạng bậc hai xin bằng Trí, hạng bậc ba xin bằng Tâm. Trong ba hạng bậc xin này, chỉ có Khất Sĩ là hạng bậc xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho, chớ không điều ép buộc...”9.

Tổ Minh Đăng Quang dạy: “Khất Sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi, cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để hun đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí tuệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ không đi xin thất học là không thiện. Người đi xin ăn học, quý hơn là kẻ ở học một chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học. Có đi xin mới học được chơn lý, là môn học quý nhất, hơn các lối học khác mênh mông. Chỉ có chơn lý mới là đường đi ngay, mới tạo nên người thật học, được học đúng đắn vĩnh viễn”10.

Khất Sĩ có 3 bậc: “Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.”

Như vậy, tinh thần “Khất Sĩ Bồ Tát” theo Tổ sư Minh Đăng Quang, trong bộ Chơn Lý là bậc thầy có sứ mệnh giáo dục đệ tử, tín chúng và luôn hướng về chư Phật, Bồ Tát, kể cả các thiện tri thức để học hỏi trau dồi tu tập.

Bản thân người khất sĩ phải tự kiểm thảo và thanh tịnh hóa chính thân tâm mình, bất luận là ai ở cương vị nào. Vì chính những cách hành xử của bản thân là bài học về thân giáo như đức Phật từng dạy.

HT. Thích Minh Châu có lần nhận định là đạo Phật có 2 tư trào, 2 khuynh hướng, dường như mâu thuẫn, nhưng lại bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Một là “Tư Trào Hướng Nội”, quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là “Bản Lai Diện Mục” là con người thật của mình. Hai là “Tư Trào Hướng Ngoại”, hay “Lợi Hạnh Độ Sinh”. Cả 2 đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại. HT viết: “Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều đều nhắm đến lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sanh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là nỗi bất hạnh lớn lao nhất là sanh tử luân hồi. Thực chất của xu thế hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sanh trong thế giới vũ trụ. Đó là tinh thần của người Khất Sĩ hành Bồ Tát đạo. Cả hai xu hướng nói trên tiêu biểu cho hai hạnh lớn của đạo Phật là Trí tuệ và Từ bi”.

3. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội

PGKS thâm nhập quần chúng, lặng lẽ và mạnh mẽ. Trần Bảo Định nhận xét: “Bóng hình người Khất sĩ trên các nẻo đường thôn quê đã lưu dấu tâm hồn người nhà quê. Trong giây phút lặng lẽ, người du tăng bước đi, con người cảm nghiệm sâu sắc hoặc mơ hồ tùy theo năng lực tinh thần mỗi người, họ cảm nhận nẻo đời vô thường, cảm thấy và nhận ra bước đường luân lạc của mình trong đời sống bấy nay hóa ra chỉ là phù vân hư ảo PGKSVN đi vào chỗ nhân gian như cỏ mọc bên đường, như nước chảy vào ruộng đồng. Một đằng dệt xanh nẻo đời, một đằng tưới mát cõi người. Cho nên nói người dân Nam bộ nhìn nhận PGKSVN chính là nói tới quá trình vận động đi vào dân gian tính của giáo lý khất sĩ…”.

Phải chăng hoàn cảnh chiến tranh góp phần vào nhận thức của người bình dân đối với lối tu tập của người Khất sĩ? Từ Mũi Nai đến miền Thất Sơn, chiến tranh đưa “thuyền bát nhã” ra khơi. Người chiến sĩ năm nào cầm chèo, đưa con thuyền về Phú Mỹ, Tổ sư Minh Đăng Quang bắt đầu con đường hoằng pháp. Chiến tranh loạn lạc, cuộc sống ngăn sông cấm chợ lại thêm bắt bớ, nhiều người bị bắt, giết oan. Mạng sống con người chẳng khác nào loài cỏ cây. Danh lợi thành ra vô thường, phù phiếm. Giữa lúc đó, cảnh người khất sĩ trẻ đi chân đất qua các nẻo đường quê, chẳng khác nào bè nổi cho chúng sinh chìm ngập ba đào bám víu. Lòng người tín mộ ngày càng đông11.

Chúng ta nghĩ gì về hướng nội khi quay về quán chiếu lại chính mình hôm nay. Nhìn xung quanh, cả già lẫn trẻ hiện nay đang quay cuồng trong cuộc sống vật chất có phần thác loạn, chạy theo trào lưu của những xã hội đang phát triển, nhưng không biết sàng lọc và không đề kháng nổi sự xâm nhập của các thứ văn hóa lai tạp. Chúng ta tự hỏi đằng sau những chứng bệnh tâm thần, tệ nạn xã hội ở lứa tuổi thiếu niên, nạn tự sát, v.v… là những cái tôi bất hạnh không thoát khỏi tâm trạng cô đơn, bất an và nhiều phiền muộn.

Vì sao như thế? Phải chăng họ nghĩ rằng tiền bạc và tiện nghi vật chất tỷ lệ thuận với hạnh phúc, không phải âu lo? Nên từ hình tượng các “ngôi sao” trong giới nhà giàu hay showbiz, giới trẻ bị lệch lạc trong lý tưởng sống còn người lớn tuổi hơn thì lao đầu vào kiếm tiền bất chấp thủ đoạn. Như thế thì tìm đâu sự vắng lặng, bình yên cho tâm hồn? Một trào lưu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới là áp dụng thiền tập để an định nội tâm. Trí tuệ Bát nhã là cứu cánh.

Như vậy, một cuộc sống vô ngã, vị tha với lý tưởng Bồ Tát, đang trở nên khó thành hiện thực đối với thế giới hiện đại, nhưng các tôn giáo lớn trên thế giới, đều hướng nhân loại tìm đến với những mức độ khác nhau. Lý tưởng ấy bao giờ cũng là chuẩn mực muôn đời của đạo đức Phật giáo, dù là tu sĩ hay cư sĩ, dù là Phật giáo Nam tông hay Bắc tông và hệ phái Khất sĩ cũng cùng lý tưởng ấy. Nói theo Tổ Minh Đăng Quang, chính cảnh đời bảo ta tu. “Kìa trước mắt ta từ xưa đến nay, có gì không thay đổi? Gia đình nào không còn tội lỗi? Xã hội nào mà được hoàn toàn trong sạch? Sự phiền não không sao kể xiết được!... Người mang tên thú, con giết cha, vợ hại chồng, em gạt anh, phi ân bội nghĩa bất lương vô đạo… Những cảnh ấy nó bảo ta phải tu cả thảy”12. Lời Tổ nói đã lâu nhưng xã hội hôm nay vẫn thế, nếu không muốn nói là tệ hơn! Đức Phật khuyến dụ môn đồ: “Này các tỳ kheo, các người cần phải tu hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương cho đời, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người”13.

Bất hạnh lớn nhất hiện nay là đánh mất mình, sống với tâm tha hóa, huyễn mộng, với những khao khát về tiền tài, danh vọng, quyền chức, không bao giờ thỏa mãn, giống như người đi biển thiếu nước ngọt phải uống nước muối, không bao giờ hết khát. Chúng ta thấy từ trong gia đình ra ngoài xã hội, bao nhiêu bi kịch đã xảy ra do sự thiếu kiềm chế lòng tham! Muốn có hạnh phúc lâu dài, theo nhà Phật, phải khởi đi từ tâm Từ bi hỉ xả, không có sợ hãi, tham lam, thù hận… mà phải đối đãi nhau bằng tình thương vô lượng. Đạo Phật không đề cao cuộc sống nghèo đói khốn cùng, kham khổ, nhưng phải biết dừng tham vọng lại, biết đủ, để mình còn sống chung, sống với cộng đồng nhân loại.

Nói về hạnh khất thực, chúng ta phải khẳng định đạo Phật không chủ trương lối tu khổ hạnh, chỉ làm cho thân thể yếu ớt, làm sao có định huệ được. Đức Phật hay sau này pháp chủ Minh Đăng Quang muốn các Khất sĩ và cả chúng ta sống lành mạnh, giản dị, hướng thượng, giới hạnh và phát huy trí huệ. Qua đó làm sống hài hoà với mọi người, tôn trọng môi trường thiên nhiên, có như vậy thì mới đạt được hạnh phúc trường cửu. Đó chính là lý tưởng Trung đạo.

Hạnh Khất sĩ giúp tăng chúng biết sống theo lý tưởng Bồ Tát đạo, vượt cái “Ta” nhỏ hẹp, nhập thân vào đạo, hòa hợp nhân gian. Đó là hướng đi của những Phật tử chân chính, những Khất Sĩ Bồ Tát thông hiểu lý vô ngã của nhà Phật.

Chúng ta nhớ lời Người dạy: “Y tượng trưng cho bầu trời, Bát tượng trưng cho vũ trụ càn khôn, Bát là ruột, Y là da luôn luôn gìn giữ trân quý. Y Bát là một pháp khí thiêng liêng đánh dấu sự trưởng thành đầy đủ giới đức trang nghiêm xứng đáng đứng vào hàng ngũ của tăng đoàn. Vì vậy Y Bát đã được tổ sư truyền thừa sau đức Phật nhập diệt, không có Y Bát hành giả như chim mất cánh như cây lìa cành vì Y Bát là đôi cánh cho hành giả hướng đến một phương trời cao rộng, vượt thoát ấm ma, làm bậc xuất trần thượng sĩ, làm lợi lạc quần sanh, tạo Niết Bàn tịnh lạc ngay cõi trần gian này”. Người Khất sĩ mang hình bóng đấng Vô Thượng Sư, xây dựng chánh pháp tại thế gian với hình ảnh:

Y vàng nhẹ bước vân du

Bát nung nặng mối tình thu muôn ngàn

Luật lệ mê tín khi xưa đã được xóa bỏ, dưới ánh sáng trí huệ của Phật pháp soi sáng góc khuất tâm hồn con người, làm rõ tà kiến của xã hội, khiến tăng đoàn trở thành một tấm gương cho xã hội noi theo, khi thể hiện trước quần chúng đời sống thanh tịnh, dù rất gần gũi với đời. Thực hành hạnh khất sĩ là nhằm tu tập chính mình, lấy thân giáo cảnh tỉnh chúng sanh giác ngộ. Thầy dạy: “Giữa lúc cõi đời chết khổ, khất sĩ là chất nhựa sống gắn liền các khối chia rẻ riêng tư. Khất sĩ là con đường chơn lý võ trụ đúng theo trung đạo ánh sáng không thiên về một bên lề mé, khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng”14. Nếu pháp luật được người dân tuân thủ để giữ gìn kỷ cương phép nước thì khất sĩ cũng đã góp phần huân tập con người bằng giới luật, vì một xã hội công bằng dân chủ văn minh không còn tệ nạn, bớt đi tội ác.

Vì ngài đã giảng: “Chơn lý là trường học chung của tất cả không phải là đời hay đạo không phải là tôn giáo, đảng phái, chủ nghĩa giáo phái nào cả”15.

4. Đơn giản hóa kinh kệ

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang hành trì theo giáo lý nguyên thủy của Phật giáo, nhưng dù ý nguyện vẫn là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, ngài mong muốn giảm bớt những ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài trong hoàn cảnh dân trí còn chưa khai ngộ và tình hình chiến tranh bấy giờ. Thế nên ngài nghĩ đến một phương thức tu tập vừa thâm nhập quần chúng dễ dàng, vừa sát với giáo pháp đức Phật. Lúc đó, các học giả mới Việt hóa một phần kinh điển Phật giáo được, nhưng còn rất nhiều kinh tạng bằng chữ Hán và Pāli. Bộ Chơn lý, gồm 69 tiểu luận, viết bằng tiếng Việt được Ngài biên soạn cho quần chúng đọc với những câu văn dễ hiểu, tiếp cận quần chúng một cách nhanh chóng, gần gũi, qua đó trình bày giáo lý cốt lõi trong Phật giáo, hướng dẫn tu tập theo Chánh pháp. Ngoài ra, kinh hoàn toàn được tụng bằng tiếng Việt, chứ không theo phiên âm Hán Việt.

Tính linh hoạt và thích ứng là một yếu tố không thể thiếu khi tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài và Phật giáo Việt Nam cũng nhanh chóng đưa vào giáo lý những quan niệm quen thuộc trong lối sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Sống tốt lành làm điều phúc đức tự nhiên xuất phát từ tấm lòng được xem trọng hơn là đi chùa “Dùxây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Chữ hiếu được đề cao “Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹmới là chân tu”.

Kinh kệ được “phổ thông hóa” bằng các bài kinh bằng tiếng Việt theo thể lục bát, song thất lục bát, khiến quần chúng dễ nhớ. Tính nghi lễ trong việc tụng kinh cũng không quá cầu kỳ, dâng hương, xưng tán ân đức Tam bảo, sau đó là các bài kinh chính rồi kết thúc bằng hồi hướng.

 

 

Trần Bảo Định nhận xét: “Mang bản sắc dân gian Nam bộ PGKS hòa hợp một cách kỳ diệu với hoàn cảnh vật chất và tinh thần miền sông nước Cửu Long. Sự kết hợp của các đặc trưng hệ phái khác nhau vào dân gian tính Nam Bộ, lại đưa quan niệm toàn diện về đời sống và thế giới, làm nhận thức của du tăng trên đường tìm về bến giác. Những vần thơ ẩn chứa giáo pháp huyền vi nhưng lại hết sức gần gũi và giản dị”16.

Cúi đầu lạy trước bửu đài

Con xin sám hối từ rày ăn năn

Xưa nay lỗi phạm điều răn

Do thân khẩu ý bị màn vô minh

Gây ra nghiệp dữ cho mình

Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương

… Chúng sanh ba giới bốn loài

Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu

Nghe lời thành thật thỉnh cầu

Xin mau tựu hội lãnh thâu quả này17.

5. Đơn giản hóa nghi lễ

Như đã nói ở phần trên, PGKS chủ trương hình thức đơn giản, không âm nhạc, tán xướng, trì chú… Pháp khí duy nhất là chuông gia trì được sử dụng thường xuyên. Tăng Ni đắp y theo Phật giáo Nguyên thủy, bên cạnh đó có một số cách tân, ví dụ áo dài cổ truyền Nam bộ làm y hậu cho Ni giới và áo giới cho cư sĩ.

Theo đức Tổ sư thì “thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu để an ủi khuyến khích kiềm giữ đức tin, nhắc nhở kẻ mới sơ cơ”. Cho nên, chỉ đặt duy nhất một tượng đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni trong chánh điện Bát giác của các tịnh xá. “Mối quan hệ giữa chủ trương PGKS VN và văn hóa VN phản ánh khả năng kết hợp và tiếp biến tâm hồn Việt. PGKSVN giữ gìn hạt nhân cốt lõi của PG thể hiện qua tinh thần nương tựa chánh pháp, tu tập vừa tiếp thu vừa thay đổi về mặt hình thức sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới của con người VN…”18.

Đây là một hệ phái Phật giáo ra đời trên mảnh đất Nam bộ, do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” và đã phát triển mạnh mẽ như một luồng gió mới vào đời sống Phật giáo Việt Nam thời ấy và tiếp tục đóng góp quan trọng cho Phật giáo Việt Nam và đi sâu vào lòng dân tộc. Từ bệ phóng ấy, giáo lý của ngài có thể dễ dàng thu phục lòng người, dù cho họ có thiên hướng tu niệm như thế nào. Kinh Chơn Lý cũng như bao lời dạy của người chẳng khác nào tấm gương thuần khiết quý báu, mà người đời ai nấy đều có thể soi rọi mình vào đó nhận ra chân tính nhìn rõ giả ngụy. Gắn liền với dân gian nên dễ dàng đi vào dân gian tính, chính là trường hợp của PGKSVN”19.

Phục hoạt hạnh khất sĩ

Trong một bài tham luận đọc tại Pháp viện Minh Đăng Quang cách nay 9 năm, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị phục hoạt hạnh khất sĩ tại Việt Nam dưới một hình thức nào đó để tỏ lộ dung nghi người hành pháp môn khất thực. Chúng ta biết rằng hiện nay tình trạng khất thực giả còn phổ biến, nên tại TP.HCM, khoảng gần 2 thập niên qua, giáo hội đã yêu cầu tất cả các vị tu sĩ bao gồm Nam tông, Khất sĩ có truyền thống khất thực ngưng thực hành hạnh này để không bị lạm dụng. Từ Ấn Độ cho đến Myanmar hay Lào, Thái…, hình ảnh tăng đoàn ôm bát hóa duyên đã trở thành một nếp sống sinh hoạt quen thuộc từ xưa cho đến hôm nay. Ngày Tổ Minh Đăng Quang với đoàn du tăng y vàng rảo bước trên mọi nẻo đường từ thôn quê ra phố chợ, từ miền Nam ra miền Trung trong những năm 1945 - 1955 đã gây ấn tượng và cảm hóa hàng vạn con người. Những vị Khất sĩ đã làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thời đức Phật, tiếp cận quần chúng và có cơ hội hoằng dương chánh pháp và hóa độ chúng sinh. PGKS phát triển cũng nhờ vào nguyên nhân ấy.

Về tái hiện khất thực, một số chùa đang cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, trong các buổi tái hiện này, các Tăng thường đi như thiền hành, không nhận gì. Chúng ta được biết rằng tại Myanmar, hầu hết các chùa sau tiết học buổi sáng vào khoảng 8 giờ chư Tăng bắt đầu đắp y, mang bát rời chùa để đi khất thực. Hay như tại Lào, cứ khoảng 6 giờ sáng có hàng trăm vị tăng tập hợp tại một điểm, cùng đi một lúc, còn Phật tử cũng chuẩn bị sẵn vật thực cúng dường đứng chờ sẵn hai bên đường đầy tôn kính. Khoảng 10 giờ 30 chư Tăng đều trở về chùa dù là đi riêng hay đi chung và mang toàn bộ vật thực đi bát ngày hôm đó đến nhà bếp của chùa. Sau đó, chư Tăng cúng thọ trai tại trai đường của chùa vào khoảng 11 giờ. Hình ảnh chư Tăng vào mỗi buổi sớm mai với bình bát trên tay, đầu trần chân đất điềm đạm đi qua các phố thị, các xóm làng trì bình khất thực, già có trẻ có, bước thành hàng, theo đúng luật nghi, tôn ti đạo hạnh mà mọi người nhìn rõ nét an lạc trên gương mặt họ trong một đất nước mà Phật giáo gần như quốc giáo, chúng ta mới cảm nhận sâu sắc lời thơ xưa:

Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đi muôn dặm xa

Mắt xanh xem trần thế

Mây trắng hỏi đường qua

Quan điểm tu tập của ba đời chư Phật cũng là Khất sĩ xuất gia thực hành “Tứ Y Pháp Và Bát Chánh Đạo” để đạt đến con đường giải thoát, giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác như đức tôn sư Minh Đăng Quang. Hãy phục hoạt tinh thần và hạnh tu tập ấy trong tăng chúng trong tinh thần ấy. PGKS Việt Nam đã thâm nhập dân gian và gần gũi với đời sống tín đồ để giúp họ luôn hướng thiện và hướng thượng.

 


1. Trần Bảo Định, Phật giáo Khất sĩ trong lòng người Nam bộ.- Dẫn theo Phật tính dân gian Nam bộ, NXB Tổng hợp TPHCM, 2021, tr.157

2. Tuyết Hoa, Tìm hiểu một số nét khác nhau giữa Phật giáo Nam tông với Bắc tông và một số tông phái lớn của Phật giáo đại thừa. 2021 http://bantongiao.snv.kontum.gov.vn/

3. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp TP HCM, (2016), tr.697.

4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, (2013), tr.337.

5. Chơn Lý, sđd, tr.721.

6. Vĩnh Thông, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam trong dòng chảy thời đại, tạp chí Văn hóa Phật giáo, 18/12/2022.

7. Tổ sư Minh Đăng Quang Sđd, (2016), tr.166 và tr.319.

8. Phạm Thị Bích Hằng, Hệ phái Khất sĩ dưới góc nhìn văn hóa, Đại học Lạc Hồng, Journal of Science, 2022.

9. Chơn Lý, sđd, tr.167.

10. Chơn Lý, sđd, tr.169.

11. Trần Bảo Định, Phật tính dân gian Nam bộ, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2021, tr.182 – 183.

12. Tổ sư Minh Đăng Quang, Những lời khai thị, trích “Minh ĐăngQuang pháp giáo” http://daophatngaynay.com.

13. Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ, Nxb Tôn giáo, 2012, tr.19.

14. Chơn Lý, sđd, tr.290 - 293.

15. Phật tính dân gian Nam bộ, sđd, tr.173.

16. Phật tính dân gian Nam bộ, sđd, tr.173.

17. Chơn Lý, sđd, tr.204.

18. Phật tính dân gian Nam bộ, sđd, tr.180.

19. Phật tính dân gian Nam bộ, sđd, tr.190.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6920035