Thông tin

TÌM HIỂU GIÁ TRỊ PHẬT GIÁO

CỦA VĂN BIA PHẬT GIÁO Ở NGHỆ AN

 

TS. NGUYỄN QUANG KHẢI*

 

Theo sách Văn bia Nghệ An do PGS. Ninh Viết Gia chủ biên xuất bản năm 2004, tính đến thời điểm biên soạn sách, tỉnh Nghệ An còn giữ được 165 bia và bản dịch văn bia, trong đó, có 32 bia miếu đền, 29 bia từ đường, 29 bia văn từ văn chỉ, 18 bia đình, 16 bia chùa, 13 bia cầu, 13 bia mộ và 12 bia có các nội dung khác. Còn theo sách Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm do Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Cao học thực hành và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội cộng tác xuất bản năm 2005- 2008 (gồm 21 tập có nội dung là các thác bản văn bia và 1 tập- tập 22- có nội dung là các thác bản chuông) thì tỉnh Nghệ An có 84 văn bia các loại (chưa kể các văn bia chưa được in trong 21 tập sách trên). Trên cơ sở tư liệu có trên tay, trong bài này, chúng tôi xin trình bày một số nhận biết của mình về giá trị văn hóa của các văn bia Phật giáo ở Nghệ An nhằm góp một phần nhỏ bé  vào việc tìm hiểu văn hóa Phật giáo xứ Nghệ.

1. Văn bia Phật giáo ở Nghệ An  góp phần giúp chúng ta hiểu được tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo đại thừa và cấu trúc ngôi chùa Việt ở Nghệ An.

Do điều kiện tư liệu còn nhiều hạn chế, hiện nay, chúng ta chưa biết gì nhiều về tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo thời Lý- Trần trở về trước. Cũng may, tìm hiểu sự bài trí các pho tượng trong các ngôi chùa cổ và tìm hiểu tư liệu văn bia ở một số tỉnh phía Bắc, chúng ta biết được, về cơ bản, tín ngưỡng thờ tự trong một ngôi chùa thời Lê còn được duy trì đến ngày nay. Đó là tín ngưỡng thờ các vị Phật, các vị Bồ tát, đức Thánh Hiền, Thánh Tăng, Hộ Pháp, các vị La Hán,… Và tương ứng với vai trò của các vị đó trong Phật giáo, trong khuôn viên chùa, người ta cũng xây dựng các tòa để các ngài ngự ở đó, đó là các tòa: tiền đường, tam bảo, tả hữu hành lang,…

Tìm hiểu một số bia chùa ở Nghệ An, chúng tôi cũng thấy có hiện tượng như vậy. Văn bia Phụng sự hậu thần bi ký ở chùa Phổ Am làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân TX Cửa Lò), dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) có ghi: vào năm đó, dân xã khởi công xây dựng thượng điện, nhà thiêu hương, nhà tiền đường, gác chuông, tam quan,… “Lại đúc một tượng Phật bằng đồng, tạc 5 tượng Phật bằng gỗ (…) Lại đúc một chuông đồng to,…”. Văn bia Viên Linh thiền tự danh lam bi ký của chùa Viên Linh thôn Hoa Viên (sau đổi là Ân Thịnh) xã Đô Lương tổng Đô Lương phủ Anh Sơn, dựng vào năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1741) cũng cho biết, vào năm đó, dân thôn đã góp sức tu sửa lại thượng điện, tiền đường, tam quan và tô tượng Phật, đúc chuông đồng. Văn bia Trùng tu Phúc Quang tự bi tín thí ở chùa Phúc Quang xã Lộc Điền tổng Văn Viên phủ Hưng Nguyên, dựng vào năm Thận Đức thứ I (1600), cũng có ghi năm đó: ngài Văn Hành nam Nguyễn Duy Nước và nhiều người khác đã đã bỏ tiền làm tiền đường, hậu đường,… chùa Phúc Quang. Văn bia chùa Ngọc Đình ở xã Ngọc Đình huyện Nam Đàn, dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) có ghi vào năm đó, ngài Văn Tuấn tử Nguyễn Hoằng Tài cùng một số người nữa xuất tiền nhà làm các tòa thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan toàn bằng gỗ lim lợp ngói. Tiếp đó lại tô các pho tượng: Tam Thế, Thánh Tăng, Thần thổ địa; tạo tượng Ngọc Hoàng, Quan Âm, Nam Tào, Bắc Đẩu, Hộ pháp, bát bộ Kim Cương, tứ đại Bồ tát, thập bát Long Thần.

Sang thời Nguyễn, vẫn trên cơ sở tín ngưỡng thờ tự có truyền thống từ thời Lê, nhưng có lẽ đã được bổ sung thêm một số đồ thờ và đối tượng thờ tự  trong các cơ sở thờ tự mới, như bộ bát bửu, các vị tổ,… Văn bia ở chùa Diệc (nay thuộc phường Quang Trung, TP Vinh), dựng vào năm Canh Ngọ (1870), có ghi: “… trang bị thêm pháp tượng, tế khí, dựng nhà tổ 7 gian, xây gác tam quan,…”.

Chúng ta thấy rằng, hầu hết các tượng được thờ trong chùa của các làng xã tỉnh Nghệ An đều có chất liệu từ đất, đồng, gỗ. Việc sử dụng các loại chất liệu đó để đúc, tạc tượng Phật, người xưa đều căn cứ vào sách Diên Quang tam muội tạo tượng. Theo sự chỉ dẫn của sách này thì sở dĩ người xưa dùng đất để tạo tượng vì đất giúp con người vận chuyển được dễ dàng trên đó, đất lại có khả năng lưu giữ ánh sáng và âm thanh; người xưa dùng đồng để tạo tượng, vì đồng là loại vật liệu tốt, quí; người xưa cũng dùng gỗ để tạo tượng, vì theo ngũ hành tương sinh, mộc có khả năng sinh hỏa, mà hỏa có ánh sáng chiếu sáng khắp mười phương”.

So sánh với tín ngưỡng thờ tự và kết cấu các tòa trong khuôn viên của các ngôi chùa thuộc nhiều tỉnh từ Thanh Hóa trở ra, chúng tôi thấy tín ngưỡng thờ tự và kết cấu các tòa trong khuôn viên của các ngôi chùa Nghệ An không có gì khác biệt và đều tuân theo hướng dẫn của sách Pháp trụ ký.

2. Văn bia Phật giáo ở Nghệ An góp phần giúp chúng ta hiểu được tục gửi hậu, tục bầu hậu  trong các làng xã ở Việt Nam thời cổ.

Có thể nói, trong số các văn bia còn lại ở nước ta, bia hậu chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số các bia hậu (gồm hậu Phật, hậu Thần, hậu Thánh, hậu họ), bia hậu Phật có nhiều hơn cả. Bia có nội dung hậu Phật ở Nghệ An cũng nằm chung trong tình hình đó.

Chủ thể được đề cập đến trong nội dung bia hậu Phật ở Nghệ An rất đa dạng. Đó là những quan chức có phẩm tước cao, những người dân bình thường, hoặc những vị Tri huyện, Huyện thừa và có cả nhà sư. Văn bia “Hậu Phật bi ký lưu truyền vạn đại” ở chùa Giáng xã Lộc Thọ tổng Đặng Xá huyện Nghi Lộc dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) ghi: bà Đặng Thị Chữ người thôn Đoài xã Phúc Thọ huyện Chân Phúc bỏ ra 120 quan tiền để xin làm hậu Phật. Văn bia “Hậu Phật bi ký”, dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) cũng ở chùa trên ghi: nhà sư Pháp Điệu và vợ cúng vào chùa làm ruộng tam bảo 2 thửa và 20 quan tiền để cúng giỗ hậu Phật cho vợ chồng nhà sư Đại thừa hiệu Pháp Thường. Văn bia không có tiêu đề, dựng vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725) ở chùa thôn Hoành Sơn xã Trường Bộc (sau đổi là Trường Mĩ) tổng Thuần Trung phủ Anh Sơn ghi: tín nữ Nguyễn Thị Đê không có con cái, xin hiến cho thôn 8 sào ruộng để gửi giỗ cho chồng và bản thân. Dân nhận ruộng và chấp thuận bầu ông bà làm hậu Phật. Văn bia “Hưng sùng tác Tĩnh Sơn tự lưu truyền vạn đại bi ký” tại miếu Hậu thần xã Phục Lễ (sau đổi là Hậu Mỹ) tổng Văn Viên huyện Hưng Nguyên, dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 (1700), ghi: bà Lê Thị Đổ hiệu Diệu Nghiêm người bản xã, lấy chồng ở xã  Hoa Viên cúng cho xã 30 quan tiền và 1 sào ruộng làm của hương hỏa, dân xã tôn bầu bà làm Hậu Phật. Văn bia “Lưu truyền vạn đại bi ký” dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) cũng ở xã trên, ghi: bà Tạ Thị Sức hiệu Diệu Công người bản xã đã cúng tiền và 1 mẫu 4 sào ruộng giúp làng tô tượng Phật, làm đền Đại vương, dân làng tôn bầu bà làm hậu Phật, hậu Thần. Văn bia “Phụng sự hậu Thần bi ký” ở chùa Phổ Am làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân TX Cửa Lò) dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1716), ghi: Đương triều Trung úy Đội phó Đội Tả Hiệu điểm Triệu Đình hầu Nguyễn Văn Miến người xã Vạn Lộc huyện Chân Phúc và vợ chính là Nguyễn Thị Trác người xã Thượng Ốc huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai đạo Sơn Tây đã xuất tiền của trùng tu lại chùa. Toàn dân tôn bầu ông bà làm hậu Phật…

Qua đây, chúng ta thấy đối tượng được bầu hậu Phật là rất đa dạng: có vị là quan chức, có người là dân thường; có người bỏ tiền ruộng để bản thân mình được bầu; có người cúng tiền ruộng để bầu hậu cho thầy nghiệp sư mình, có người lại cúng tiền ruộng để bầu cho cha mẹ, người thân được làm hậu Phật. Xét về hình thức bầu hậu Phật, chúng ta thấy cũng không thuần nhất: người được dân làng tôn bầu, người cúng tiền ruộng để xin được bầu làm hậu Phật,… Nhưng ý nghĩa cao cả của việc này là nó thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa, sự tri ân của con đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng, của học trò đối với thầy. Và đó chính là văn hóa ứng xử của nhiều thế hệ người xứ Nghệ trước đây mà ngày nay chúng ta cần noi theo.

3. Văn bia Phật giáo ở Nghệ An góp phần giúp chúng ta hiểu được tình hình “xã hội hóa” trong việc xây dựng, trùng tu chùa thời cổ

Chúng ta biết rằng, chùa là công trình văn hóa tâm linh có từ lâu đời ở mỗi làng xã của người Việt. Ở đó, không chỉ có chuyện tụng kinh niệm Phật của tăng ni tín đồ đạo Phật, mà để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân trong làng, chùa còn là nơi học tập văn hóa, là nơi chữa bệnh, là nơi cầu phúc, cầu tài, cầu lộc và cũng là nơi hóa giải các mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xóm giềng. Ai muốn giải quyết một trong những nhu cầu trên, đều có thể tìm đến chùa. Như vậy, chùa là công trình văn hóa chung của làng, nên ai ai cũng thấy có nghĩa vụ và quyền lợi được tham gia đóng góp mỗi khi làng hoặc có ai đó đứng ta tổ chức trùng tu tôn tạo chùa. Văn bia Phật giáo ở Nghệ An cho chúng ta biết khá tường tận tình hình công đức của nhiều tầng lớp người trong và ngoài làng đóng góp vào việc trùng tu tôn tạo chùa. Xin đơn cử một số trường hợp:

- Năm Thận Đức thứ nhất (1600), ngài Văn Hành nam Nguyễn Duy Nước và các hội chủ cùng nhiều người khác đã bỏ nhiều tiền của để tô tượng và trùng tu chùa Phúc Quang xã Lộc Điền tổng Văn Viên phủ Hưng Nguyên.

- Năm Hoằng Định thứ 13 (1613), ngài Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Giám cung môn cùng vợ là Trần Thị Ngọc Anh và một số hội chủ đã cung tiến tiền và ruộng cho xã để tu sửa chùa, tạc tượng Phật bằng đá, rồng đá, sư tử đá ở chùa Long Khánh xã Phúc Hậu (nay thuộc xã Hưng Xuân huyện Hưng Nguyên).

- Năm Hoằng Định thứ 15 (1615), ngài Hoa Quận công và vợ là Lê Thị Ngọc Tiết đứng ra, cùng các thiện nam tín nữ trong xã tu sửa quán Thiên tôn và viện Bảo Quang, dựng thêm nhà, làm hai dãy tả hữu hành lang, tô tượng Phật tại chùa Bảo Quang thôn Phú Điền xã Khánh Sơn (nay là xã Hưng Khánh huyện Hưng Nguyên)

- Niên hiệu Hoàng Định thứ 17 (1617), ngài Thái thường tự Thiếu khanh Văn Tuấn tử Nguyễn Hoằng Tài và vợ chồng ông Đô Chỉ huy sứ Thự vệ Mỹ Dương hầu Hoằng Nghĩa Phúc đã công đức tiền của để trùng tu chùa, xây tường bao, mở đường đi, trồng 150 cây xanh, xây vườn hoa, giếng đá, đào ao và tô lại 48 pho tượng ở chùa Bảo Quang thôn Ngọc Đình tổng Lâm Thịnh huyện Nam Đàn.

Đặc biệt, tại chùa Diệc cũ (nay thuộc phường Quang Trung TP Vinh), có 2 văn bia, trên đó đều ghi họ tên, chức vụ của nhiều quan chức nhà nước công đức vào việc trùng tu chùa. Một bia được dựng vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1870) thấy ghi họ tên 4 vị có công đức vào việc trùng tu chùa:

- Phụ chính Thân thần Thái tử Thiếu phó Cần chính điện Đại học sĩ Phù Quang hầu Tôn Thất tướng công,

- Công xứ tỉnh Nghệ An La tướng công,

- Tổng đốc An- Tĩnh Nguyễn Khoa An Chu đại nhân,

- Đô thống Tả quân Đô thống phủ Phạm đại nhân.

Văn bia thứ hai có tiêu đề “Trùng tu Diệc Cổ tự bi ký” dựng vào năm 1914 có ghi họ tên, chức vụ của 5 vị quan chức công đức vào việc trùng tu chùa: 

- Thự Tổng dốc An Tĩnh Đoàn Đình Nhàn cúng 120 đồng, phu nhân cúng 50 đồng,

- Án sát sứ Hoàng Xuân Sinh và phu nhân cúng 30 đồng,

- Đề đốc Bùi Hữu Phú cúng 5 đồng.

- Tri phủ phủ Diễn Châu Nguyễn Khánh Vân cúng 10 đồng,

- Quyền Tri huyện huyện Nam Đàn Trần Trọng Bính và phu nhân cúng 30 đồng.

Văn bia Phật giáo ở Nghệ An còn cho chúng ta biết, mỗi lần trùng tu tôn tạo chùa, có hàng chục người tham gia công đức. Đơn cử như lần trùng tu chùa Bảo Quang năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) có 31 hội chủ tham gia. Lần trùng tu tôn tạo chùa Diệc vào năm 1870 thấy có ghi chép họ tên 13 vị là hội viên Hội Tán trợ và Hội Công ích phổ hội của chùa, 110 vị của Hội Bảo Tín và Hội Kim Cương, với nhiều vị ở thành phần xã hội khác nhau đã công đức tiền vào chùa trong dịp làng trùng tu chùa. Văn bia còn ghi chép họ tên một số vị phu nhân đã có tiền công đức vào chùa, như:

- Đoàn Hiệp tá phu nhân  Trần Thị Hòa cúng 50 đồng

- Phạm Binh bộ phu nhân Mai Thị Gián cúng 50 đồng,

- Thái Hộ bộ phu nhân  Công Tằng Tôn Nữ Thị Nương cúng 10 đồng,

- Phan Tuần phủ phu nhân Nguyễn Thị Lam cúng 10 đồng,…

Như vậy, có thể nói, tình hình “xã hội hóa” một cách tự phát trong công tác trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc, điêu khắc trong khuôn viên chùa ở Nghệ An trước đây đã mang lại giá trị văn hóa tinh thần và giá trị văn hóa vật chất rất quí giá. Vì, với việc làm này, một mặt nó thể hiện được ý thức cộng đồng của người dân, và mặt khác, nhờ có phong trào “xã hội hóa” đó mà làng xã có cơ sở thờ tự Phật giáo thật sự khang trang, bề thế.

4. Văn bia Phật giao ở Nghệ An phản ánh ước vọng về một cuộc sống bình yên và niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương.

Ước vọng về một sống bình yên là ước vọng muôn thủa của con người. Đối với giới tăng ni và những người Phật tử, để thực hiện được ước vọng đó, người ta phải làm nhiều việc thiện để tích phúc, cụ thể là phải công đức tiền của công sức vào việc tôn tạo chùa, vào việc đúc chuông tô tượng, in kinh, bố thí, cúng dàng,… Và ước vọng đó còn được thể hiện ở cách đặt tên chùa. Ở Nghệ An, qua một số văn bia còn lại, chúng ta thấy người xưa đặt tên hiệu chùa là thể hiện ước vọng về một cuộc sống bình yên tương đối rõ. Chẳng hạn, Bảo Quang tự, Viên Linh thiền tự, Trùng Quang tự, Bảo Quang viện, Tĩnh Sơn tự, Long Khánh tự, Phúc Quang tự,… Với cách đặt tên hiệu chùa có chữ “Quang” (ánh sáng), “Linh” (thiêng), “Khánh” (mừng vui) là sự thể hiện quan niệm của người dân nơi thôn xóm ngày xưa về một cuộc sống bình yên. Đó là một cuộc sống giữa thanh thiên bạch nhật với khí trời và ánh sáng trong lành, cầu được ước thấy, luôn luôn có điều vui mừng, không bị che mờ bởi bóng tối u ám.

Từ quan niệm về một cuộc sống bình yên nơi thôn dã như vậy, niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương của người dân được phản ánh ở sự cảm nhận về quang cảnh quê hương của các tác giả văn bia. Tác giả văn bia chùa Viên Quang xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh huyện Nam Đàn) ghi: “Chùa Viên Quang là danh lam thắng cảnh của Nam Đường”. Tại văn bia chùa Phúc Quang xã Lộc Điền (nay là xã Hưng Khánh huyện Hưng Nguyên), tác giả cũng viết: “Chùa Phúc Quang là đệ nhất danh lam, có núi Nghĩa Sơn, Hùng Sơn, sông Lam bao bọc,…”. Còn tác giả văn bia chùa Diệc (nay thuộc phường Quang Trung TP Vinh), sau khi chùa được trùng tu vào năm 1914, đã nhìn nhận “Người đi lễ nhìn vào ngỡ là cảnh Tây Thiên cực lạc, khách ngoạn cảnh cho nơi đây là Chùa Vàng của đất đế đô”…

Ngoài ra, niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương còn được thể hiện trên bài minh của các văn bia. Trên văn bia “Viên Linh thiền tự, danh lam bi ký” có bài tán, trong đó có câu:

Mỹ hỹ hoa viên

Long bàn hổ cứ

Triêu phục miên miên

Trên văn bia “Trùng tu Phúc Quang tự bi” có bài minh, trong đó có đoạn:

Hưng Nguyên thân huyện

Phúc Điền vinh hương

Phúc Quang danh tự

Thắng tích lưu phương

Bồng Lai kiến tạo

Đâu Xuất tương phương

Trên văn bia Phụng sự hậu Phật bi ký có bài minh, trong đó có những câu thể hiện niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương:

Hoan Châu thắng cảnh

Vạn Lộc danh hương.

Văn bia ở chùa Diệc có bài minh mô tả cảnh đẹp quê hương:

Hồng sơn Lam thủy

Anh tú chưng chưng

Chung lai cổ tự

Cảnh giới đằng đằng

Rõ ràng, dưới cái nhìn của các tác giả văn bia, chùa cảnh và làng quê ở xứ Nghệ đâu đâu cũng là danh lam thắng cảnh, đâu đâu cũng là Bồng Lai tiên cảnh. Cái nhìn lạc quan đó đã gieo vào mỗi người dân xứ Nghệ tình cảm yêu quê hương đất nước- một nét văn hóa rất cơ bản của người Việt.

5. Văn bia Phật giao ở Nghệ An phản ánh quan niệm về vai trò của ngôi chùa làng và thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Việt.

Quan niệm về vai trò của ngôi chùa làng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân, chúng ta có thể thấy ở một số bài minh trên văn bia. Chẳng hạn, bài minh trên văn bia chùa Chung Sơn Bảo Quang tự có đoạn:

Quốc bảo thường cường

Gia ích xương chức

Thân bảo thọ khang

Nhật tăng tước vị

Tôn tử thuần thuần

Công hầu thế thế.

Trên văn bia Biên Linh thiền tự/Danh lam bi ký có bài tán, trong đó có những câu:

Nhân khang vật phụ

Phúc lộc thiên thiên

Niên kiêm ngũ phúc

Thế đĩnh sinh hiền.

Bài minh trên văn bia Trùng tu Thiên Tôn quán Bảo Quang viện bi có những câu:

Phúc quả hoàn viên

Gia môn vinh thịnh

Lộc tự nhật lai

Thọ như sơn tịnh

Bi cẩn triêu triêu

Thế truyền vĩnh vĩnh.

Bài minh trên văn bia Trùng tu Thiên Tôn quán Bảo Quang viện bi có những câu:

Sĩ lộc phúc khánh

Tâm phát thiện lương

Kỳ Lân hữu quí

Phượng dực dĩ trương

Kình thiên trụ thạch.

Bộc quốc đống lương

Tìm hiểu văn bia Phật giáo ở Nghệ An, chúng ta còn thấy ở đó, người xưa đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình. Quan điểm thẩm mỹ của người Việt trước đây thể hiện rõ nhất là cái đẹp trên các văn bia Phật giáo nói riêng và ở các cơ sở thờ tự nói chung phải là sự hài hòa, đăng đối. Hoa văn trang trí bia Lưu truyền vạn đại là dây hoa chạy 4 diềm bia mà các bông hoa ở các diềm bia đều ở thế đối xứng; văn bia Chung Sơn Bảo Quang tự bi; văn bia Trùng tu Long Khánh tự trán bi có họa tiết lưỡng long chầu mặt trời, các diềm bia có họa tiết chủ đề “hoa- điểu” cũng thể hiện quan điểm thẩm mỹ về sự đăng đối. Mặt trước của văn bia “Viên Linh thiền tự” có trang trí trán bia hình lưỡng long chầu mặt trời, diềm bia hai bên có chủ đề “long- vân” cũng rất đăng đối. Văn bia Trùng tu Phúc Quang tự bi có trang trí trán bia hình lưỡng long chầu mặt trời và các diềm bia có họa tiết hoa dây với các chi tiết đối xứng hài hòa. Văn bia Phụng sự hậu Phật bi ký có họa tiết trang trí bia hình lưỡng long chầu mặt trời và diềm bia có họa tiết trang trí hoa cúc với sự đối xứng đến từng chi tiết.

Có thể nói, với các họa tiết trang trí trên trán bia và diềm bia, nghệ thuật điêu khắc và hội họa Phật giáo đã đóng góp cho nền hội họa Việt Nam một phong cách  độc đáo, rất riêng.

6. Văn bia Phật giáo ở Nghệ An góp phần giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo trong đời sống văn hóa làng xã.

Điều này được thể hiện ở:

Thứ nhất: Các tác giả văn bia đều là những người có trình độ Nho học cao. Trừ một số văn bia không ghi họ tên người soạn, số còn lại cho chúng ta biết tác giả văn bia Phật giáo xứ Nghệ là các vị: Nguyễn Lễ Thuần, Hình bộ Thượng thư, Quốc tử giám Tế tửu, tước Nghĩa khê hầu (tác giả văn bia Chung Sơn Bảo Quang tự bi); đệ tam giáp Đồng Tiên sĩ xuất thân (tác giả văn bia Trùng tu Thiên Tôn quán Tam Thanh chung các…); Tri huyện họ Vũ (tác giả văn bia Trùng tu Long Khánh tự bi); Nguyễn Dụng, Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ninh thứ 2 (1592) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang, tước Bá (tác giả văn bia Trùng tu Phúc Quang tự bi); Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Công bộ Thượng thư, Nhập thị kinh diên, Thi Khánh bá (tác giả văn bia Phụng sự hậu Thần bi ký); Hoàng giáp khoa Đinh Hợi Phạm Như Xương (tác giả văn bia chùa Phúc Long).

Qua đây, chúng ta có thể thấy được các vị quan chức của nhà nước phong kiến có học vị Nho học cao cũng rất quan tâm đến Phật giáo. Và chắc chắn các vị cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của giáo lý Phật giáo trong cuộc sống thường ngày của mình.

Hai là, có yếu tố Đạo giáo trong khuôn viên chùa xứ Nghệ. Từ lâu, không chỉ ở Việt Nam mà ở Trung Quốc, Triều Tiên, hiện tượng “tam giáo đồng qui” đã trở thành tương đối phổ biến trong xã hội. Nhưng sự thể hiện “đồng qui” ấy như thế nào trong ngôi chùa Việt thì lâu nay ít có người bàn đến. Trong bài viết “Huyền Quang Lý Đạo Tái - kết quả của sự tương tác giữa các giá trị văn hóa” công bố trên Tạp chí Công tác tôn giáo số 8 năm 2009 và bài “Tìm hiểu những tiền đề chính trị xã hội của hiện tượng “tam giáo đồng qui” và tác dụng của nó trong những năm đầu của vương triều Lý”, đăng trên Tạp chí Công tác tôn giáo số 4 năm 2010, chúng tôi đã khẳng định rằng, “Tam giáo đồng qui” đã góp phần đáng kể làm nên giá trị văn hóa Việt. Đối với Phật giáo Nghệ An, do chưa có  điều kiện  tìm hiểu thực tế tín ngưỡng thờ tự ở các ngôi chùa mà chúng tôi mới chỉ tìm hiểu trên một số thác bản và sách đã xuất bản nên sự hiểu biết của chúng tôi về vấn đề này còn nông cạn. Tuy nhiên, căn cứ vào tên văn bia Thiên Tôn quán, Bảo Quang viện,  Tam Thanh cung tạo chung các, Hội chủ phát tài công đức các chung bi và trùng tu Thiên Tôn quán, Bảo Quang viện tín thí công đức, chúng ta thấy, trong tự viện thời ấy đã hiện diện ngôi quán của Đạo giáo.

Từ sự tìm hiểu trên đã cho thấy: Nho, Phật, Đạo đã cùng tồn tại và chung sống hòa hợp trong ngôi chùa ở các làng xã của Nghệ An. Và từ đó, cả ba tôn giáo này đều chung sức góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của làng xã.

Tóm lại, trên cơ sở tư liệu văn bia còn lại của xứ Nghệ, chúng tôi cho rằng các văn bia Phật giáo Nghệ An có những giá trị văn hóa Phật giáo thật đáng trân trọng. Những giá trị văn hóa đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa người Việt, đồng thời góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Giữ gìn và phát huy giá trị nhiều mặt của văn bia Phật giáo (và văn bia nói chung) cũng là góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt.

 

Tháng 6 năm 2012



* Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bắc Ninh

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 274
    • Số lượt truy cập : 6948534