Thông tin

TÌM HIỂU HÒA THƯỢNG CHUYẾT CÔNG

QUA “CHUYẾT CÔNG NGỮ LỤC”

 

NGUYỄN QUANG KHẢI*

 

Chuyết Công ngữ lục là loại ngữ lục do Minh Hành Tại Tại, một vị đại đệ tử của Chuyết Công biên soạn vào thế kỷ XVII. Văn bản được thể hiện ở dạng bản in gỗ với nét chữ còn sắc nét, dễ đọc. Cuốn cách có kích thước 29 x 16 cm với chất liệu giấy dó, gồm 3 quyển. Phần mở đầu gồm 10 tờ, mỗi tờ có 14 hàng, mỗi hàng có 13 chữ có tiêu đề Tổ sư xuất thế thực lục. Quyển 1 và quyển 2 có 26 tờ (trong đó, quyển 1 có 6 tờ), mỗi tờ có 22 hàng. Mỗi hàng có 20 chữ, tiêu đề là Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục. Quyển 3 có 22 tờ, trừ tờ 2a có 5 hàng, tờ 8a và tờ 11a có 4 hàng  và tờ 22a có 8 hàng, các tờ còn lại đều có 22 hàng, mỗi hàng có 20 chữ, tiêu đề là Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn (tất cả các tờ giấy in, khi đóng thành sách đều được gấp đôi). Ba quyển trên được đóng thành một tập, với tổng số khoảng 21.600 chữ.

Trên cơ sở nội dung Chuyết Công ngữ lục, chúng tôi muốn cung cấp đến quí vị hiểu thêm về hành trạng tổ sư Chuyết Chuyết của ngôi “đại thiền tự” nổi tiếng này.

1. Tiểu sử Chuyết Công

Theo Chuyết Công ngữ lục, ngài húy là Viên Văn, hiệu là Chuyết Chuyết, người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, Mân Điền (Trung Quốc), họ Lý, tổ phụ tên là Kiều, cha là Nhược Lâm, mẹ họ Thái. Bà mẹ mộng thấy ở rốn vọt ra một bông sen vàng mà có thai đúng 3 năm, vào giờ Sửu ngày Giáp Tuất, tức mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần, niên hiệu Vạn Lịch thứ 17 (1590) giáng sinh và đặt tên là Tân Liên. Năm ngài lên 5 tuổi, mẹ mất. Năm lên 7 tuổi cha mất. Tổ phụ phải dắt sư đến nhờ người thím dâu nuôi dưỡng.

Ngài thuở nhỏ thông minh dĩnh ngộ, lớn lên bác thông kinh sử, chăm chỉ học hành, tĩnh tập trong chùa Tiệm Sơn.

 Có vị hành giả thấy sư khạc ra máu, bèn tiến đến bạch với Trưởng lão. Trưởng lão nghe nói thế thì thương, liền đến xem và hỏi rằng: “Thư sinh làm sao mà có bệnh này?”. Sư đáp: “Đọc sách”. Tăng hỏi: “Đọc sách thì có sự nghiệp gì vậy?”. Sư đáp: “Trí quân, trạch dân”. Tăng khen: “Thiện tai! Thiện tai! Ý chí xung thiên! Không phải người tham danh lợi!...”. Sư còn chưa hiểu. Tăng sai hành giả mang cái trống nhỏ đến cho sư, nói: “Mặt trống này là da trâu, tang trống là gỗ khô, trong ruột trống không có gì cả. Thân thể nó vốn không có gì. Sao đánh lại có tiếng, sau khi đánh, nhân đó mà có tên. Vì nghiệp sinh chẳng qua nhất thời vì danh mà hoại nghiệp. Nếu theo vạn cổ thì không mất cái đó...”

Sau đó, ngài bỏ Nho học Phật và đến am Bồ Đề chùa Nam Sơn yết kiến Trạng nguyên tăng Đà Đà pháp sư.

Sư được khai ngộ vào năm Vạn Lịch thứ 35 (1607), thụ tỷ kheo vào năm Canh Thân (1620). Biết được 250 vô tướng giới, giữ 84.000 bí mật môn, vân du thập phương, tùy hóa độ nhân đến nước Cổ Miên. Các đại thần nước này dùng lễ đối với sư, nhiều người cung kính qui y. Sau đó, do người trong nước bị cá sấu làm hại, sư bèn viết sớ thả xuống nước, cá sấu tự nhiên đi mất. Người dân ca tụng ân đức sư. Sư tức thì hoằng dương Phật pháp, quảng độ chúng sinh. 16 năm tác kệ. Có người cáo với đại vương để sư được yết kiến. Sư không ở lại nhận ân mà trở về. Các đại thần văn võ quan liêu tặng rất nhiều vàng bạc, nhưng sư không nhận. Sư vân du đến Quảng Nam, Thuận Hóa (tức Huế sau này) thuyết pháp đến 7, 8 năm, độ nhân phổ lợi chúng sinh. Các gia đình giàu có xin được sư giải cho hết nạn. Đến Cổ Bàng thì gặp Minh Hành, sư truyền thụ pháp bảo, tâm pháp bất nhị cho. Sau đó, sư cùng đệ tử Minh Hành về kinh. Chúa Trịnh tặng danh hiệu là Sư tổ chùa Phật Tích để bốn phương đều sùng hưng chùa Phật Tích.

Năm Quí Dậu (1633), sư về chùa Khán Sơn thành Thăng Long. Hoàng thái hậu tụng kinh Kim cương, thỉnh sư về chùa Ninh Phúc. Tháng 3  năm Giáp Thân (1644), giảng nghĩa kinh Niết bàn tại chùa Long Ân.

Ngày 11, sư dùng nước thơm tắm rửa, thân viết thụ ký di chúc cho đệ tử trưởng là Minh Hành nắm giữ đại giáo truyền đăng nối tiếp. Nửa đêm ngày 15 tháng 3 năm 1645, ngài viên tịch, thọ 55 tuổi.

2. Nội dung thuyết giảng của Chuyết Công

Quyển 1 và quyển 2 có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục. Với độ dài khoảng 11.440 chữ, quyển 1 và quyển 2 được tác giả ghi chép lại các bài thuyết pháp của Chuyết Công, mà trong đó ngài đã thể hiện tư tưởng Phật học của mình trên nhiều phương diện: Bồ đề, pháp giới, về các nguyên tố hóa học cấu tạo nên cơ thể con người, về các hình thức sản sinh ra muôn loài, về phương pháp học đạo và lợi ích của việc học đạo, về bản tâm, về tam không, về mối quan hệ giữa giác và tình, về tứ niệm sứ, về mối quan hệ và lợi ích của niệm Phật niệm pháp niệm tăng, về hữu vô tam muội, về mối quan hệ giữa Phật và pháp, về hiệu quả khác nhau đối với mỗi đối tượng khác nhau khi nghe thuyết pháp, về quán tự tại…

Những vấn đề trên mặc dù đều nằm trong nội dung giáo lý của Phật giáo, nhưng với trình độ quảng bác cả về Nho, Phật, Lão và đặc biệt là cách nhìn biện chứng, Chuyết Công đã khiến người đọc không những ngày xưa mà cả ngày nay, nhận thấy ở đây có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nho giáo và Phật giáo ở một nhà tu hành. Khi nói về qui y, Chuyết Công nói: “Cửa Khổng lấy tam cương, ngũ thường; họ Thích lấy tam qui ngũ giới, tên tuy có khác nhau nhưng lý thì là một. Qui y Phật là sợ thiên mệnh, qui y pháp là sợ lời nói của thánh nhân, qui y tăng là sợ đại nhân[1]. Một đoạn khác, khi đề cập đến ngũ giới của đạo Phật, Chuyết Công đối chiếu với ngũ thường của đạo Nho. Ngài nói: “Cũng như ngũ thường của thế gian, không sát sinh là nhân, không trộm cắp không tà dâm là lễ, không vọng ngôn ký ngữ là tín, không uống rượu là trí”[2]. Hay bàn về giặc bên trong (nội tặc), Chuyết Công nói: “Nội tặc này là rất khó phòng bị. Duy có bậc trí giả là có thể xét tìm giặc trong thân tâm mình, để chế khắc, dốc lòng tu thân. Vì vậy nói: tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Nhưng trong đó chưa có ai tu thân lại không xuất phát từ minh tâm, chưa có ai trong minh tâm lại không xuất phát từ hiểu biết thế giới. Vì vậy nói: chí tri tại cách vật”. Khi thuyết giảng về vấn đề học đạo, minh tâm, kiến tính, thành Phật,… Chuyết Công dẫn câu trong Kinh thư: “Bản lập nhi đạo sinh”, nhằm giải thích cho rõ thêm ý nghĩa của việc học đạo…

Trong 14 vấn đề mà Chuyết Công trình bày trong bài giảng của mình, vấn đề nào cũng được Chuyết Công so sánh học thuyết của Phật với học thuyết của Nho gia để củng cố quan điểm của mình. Ngài cũng nhiều lần dẫn Luận ngữ và các kinh điểm khác của Nho gia.

 Với cách thể hiện như trên, chúng ta thấy vị tăng sĩ này có nền tảng học vấn Nho học rất chắc chắn, biết sử dụng nền học vấn ấy vào việc giảng đạo, thuyết pháp của mình thật đắc địa.

3. Chuyết Công đã thuyết phục các quan chức cao cấp đương thời như thế nào

Trong quyển 3 có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn, người biên soạn ghi lại 64 vấn đề mà Chuyết Công đối thoại với ba vị quan chức tước công của nhà Trịnh. Đó là Dũng Lễ công, Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công và Cổn Quận công.

Trước hết là 16 vấn đề do Dũng Lễ công nêu ra và nội dung trả lời của Chuyết Công.

Câu đầu tiên, Dũng Lễ công hỏi: “Trong tam giáo Nho, Đạo, Thích, giáo nào là tôn quí?”. Trả lời: “Nho giáo có tam cương ngũ thường, úy thiên, trung thứ,… Đạo giáo có tam nguyên ngũ khí, tu tâm luyện tính, vận khí thông thần, Thích giáo có tam qui ngũ giới, minh tâm kiến tính. Với Nho gia, quả dục là chính nhân quân tử; Đạo gia, vận khí là trường sinh bất lão; Thích gia, vô tâm là bất sinh bất diệt (…). Nho như tinh tú, Đạo như mặt trăng, Thích như mặt trời (…). Nho lấy kinh bang tế thế để tề gia trị quốc, bình thiên hạ; Đạo giáo lấy luyện thân để chính khảm ly, trường sinh bất lão; Thích giáo lấy minh tâm để viên quang phổ chiếu, tịch diệt làm vui. Tam giáo đều được sinh ra từ một tâm mà có sai biệt chút ít. Người trí tự nghĩ đều là tốt cả”.

Những vấn đề khác, Dũng Lễ công đều hỏi xoay quanh vấn đề Phật pháp và đã được Chuyết Công giải đáp rất rõ ràng, cụ thể, có sức thuyết phục.

Ngài Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công hỏi Chuyết Công 7 vấn đề. Các vấn đề được đặt ra đều xoay quanh nhân cách con người của nhà sư. Chẳng hạn những câu: “Thiên triều nước lớn không ở, vì cớ gì lại đến nước nhỏ?”, “Cầm thú còn biết ơn bố mẹ, vì cớ gì lại xả bỏ thân ân xuất gia, như vậy chẳng phải là bất hiếu lắm sao?”, “Tu hành sao không ở núi sâu mà lại vào thành thị để giáo hóa đàn bà con gái là như thế nào?”. Ngài Quận công này còn hỏi: “Thích Ca là như thế nào?”… Toàn là những câu dễ gây tự ái cho người bị hỏi hoặc như là sự xúc phạm đối với nhà tu hành Phật giáo. Nhưng bằng sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực và sự từng trải, Chuyết Công đã bình tĩnh trả lời rành rõ và có sức thuyết phục trên từng vấn đề mà ngài Quận công này nêu ra.

Vị quan chức thứ ba tham vấn Chuyết Công là ngài Chưởng giám Cổn Quận công. Cổn Quận công hỏi 41 vấn đề, hầu hết có nội dung về lai lịch đức Phật và các vị Bồ tát, về các vị cao tăng Việt Nam như: Tuệ Trung thượng sĩ, Giác Hoàng Điều Ngự, Huyền Quang, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh… Cũng như đối với hai vị quan chức trên, các vấn đề do Cổn Quận công nêu ra đều được Chuyết Công giải thích rõ ràng khiến vị Quận công này phải “tâm phục khẩu phục”.

Chuyết Công ngữ lục không cho chúng ta biết những cuộc trao đổi trên giữa ngài với ba vị quan chức trên diễn ra vào năm nào. Nhưng chắc chắn là khi ngài mới đặt chân lên đất Thăng Long và trước khi Dũng Quận công tôn ngài làm tổ sư và các vị hoàng phi cung tần, quận chúa thành kính, ngưỡng mộ nghe ngài thuyết giảng và qui y đạo Phật. Điều đó chứng tỏ rằng Chuyết Công có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần thời Lê Trịnh ở Việt Nam.

Ngoài Chuyết Công ngữ lục, sách Thiền uyển kế đăng lục cũng cho chúng ta biết, Chuyết Công là vị tăng sĩ Trung Hoa đầu tiên truyền thiền phái Lâm Tế vào Việt Nam, đã từng trụ trì và thuyết giảng đạo Phật ở nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta. Và có thể ngài là vị thiền sư đầu tiên đưa ra cách bài trí tượng trong chùa ở miền Bắc Việt Nam, mô phỏng theo cách bài trí của chùa Trung Hoa Hán truyền mà trước đó chưa có.

Tóm lại, đọc Chuyết Công ngữ lục, bước đầu chúng tôi thấy:

1. Chuyết Công là vị tăng sĩ người Trung Quốc, tuổi trẻ có chí lớn, từng học Nho và có vốn tri thức rộng; sang Việt Nam, đã đặt chân lên vùng Quảng Nam, Thuận Hóa rồi ra kinh đô Thăng Long và vùng Kinh Bắc. Ngài là vị tăng sĩ có uy tín với giới quí tộc, có ảnh hưởng lớn đến  giới tăng sĩ và tín đồ Phật tử đương thời. Về mặt xã hội, thế kỷ XVI - XVII, Nho giáo được nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh, vì vậy dấu ấn Nho giáo trong mỗi tăng sĩ Phật giáo Việt Nam là rất rõ. Là người Trung Quốc, nơi phát tích của Nho giáo, lại từng cư trú ở Việt Nam nhiều năm, Chuyết Công cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó. Điều này thể hiện rõ trong nội dung trả lời những câu hỏi của ba vị quan chức nhà Trịnh mà ở phần trên chúng tôi đã dẫn ra.

2. Khi trình bày vấn đề, nhằm thuyết phục người đối thoại, Chuyết Công thường dùng phương pháp so sánh. Chẳng hạn như về vấn đề phát đại nguyện, ngài nói: “Có giới mà không nguyện cũng như có xe mà không có người cầm cương. Về việc thụ trì ngũ giới: “Có qui y mà không thụ giới giống như có nhà mà không có người ở, có nước mà không có vua”. Ngài cũng còn so sánh nội dung của một số khái niệm của Khổng Tử với nội dung của một số khái niệm của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong lập luận, Chuyết Công còn sử dụng thế mạnh của tư duy truyền thống là thiết lập mối quan hệ kéo theo khi trình bày quan điểm của mình. Chẳng hạn, ngài nói: “Không vọng động, động khiến cho thế giới khởi; không rơi vào hư không, rơi vào hư không thì khó cứu được người”…

Cả hai phương pháp trên, chúng ta đều thấy Phật Thích Ca Mâu Ni đã sử dụng rất đặc địa trong kinh Tứ thập nhị chương, kinh Pháp cú, kinh Diệu pháp liên hoa,… Đương nhiên, để thực hiện có hiệu quả các phương pháp này, người trình bày phải vừa có thao tác tư duy tốt, vừa phải có kiến thức rộng. Ở Chuyết Công, chúng ta thấy ngài hội đủ cả hai điều kiện này.

3. Đọc Chuyết Công ngữ lục, chúng ta thấy ở thời kỳ này (thế kỷ XVII) các quan chức cao cấp triều Lê - Trịnh cũng có nhiều người tỏ ra rất quan tâm đến Phật giáo, đến Phật học, cụ thể là quan tâm tìm hiểu lịch sử đức Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, các vị cao tăng; quan tâm đến giáo lý Phật giáo, đến mối quan hệ giữa Phật giáo với các tôn giáo khác, đến tín ngưỡng thờ cúng Phật, Thánh,… Điều đó nói lên rằng, vào thời kỳ này, tín ngưỡng Phật giáo không phải chỉ phát triển ở các làng quê với tín đồ là nông dân, mà trong giới quan chức Nhà nước, đặc biệt là giới quan chức cao cấp, họ cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo, và giáo lý Phật giáo cũng tác động đến họ với mức độ đáng kể. Có hiện tượng này, chắc chắn phải có vai trò rất lớn của Chuyết Công.

4. Đọc Chuyết Công ngữ lục của Minh Hành, đọc Lý hoặc luận của Mâu Tử và đọc 6 bức thư trao đổi của Lý Miễu với Đạo Cao, Pháp Minh (in lại trong Hoằng minh tập), chúng tôi thấy nội dung được đề cập, cách thể hiện, đối tượng trao đổi,… của các văn bản này là tương đối giống nhau, mặc dù thời điểm xuất hiện của chúng cách xa nhau đến hơn 10 thế kỷ. Phải chăng, từ khi đức Phật Thích Ca xuất thế cho đến thế kỷ XVII, phương pháp tư duy, cách thao tác tư duy, cách truyền đạo và hành đạo của Phật giáo là tuân theo một chuẩn mực nhất định. Nếu giả định này là đúng thì Chuyết Công là người có công lớn trong việc duy trì truyền thống tốt đẹp đó đến giữa thế kỷ XVII.

Bắc Ninh, tháng 12 năm 2010 



* Nhà nghiên cứu Bắc Ninh.

[1] tờ 2b, quyển 1.

[2] tờ 1b, quyển 2.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 86
    • Số lượt truy cập : 6952561