TÌM HIỂU LỄ - NHẠC TRONG LỤC NGHỆ
LÊ HẢI ĐĂNG
Nhã nhạc cung đình Huế
1. Khái quát chương trình giáo dục “sáu môn”
“Lục nghệ” nhằm chỉ sáu môn học thời cổ đại, gồm: Lễ, nhạc, sạ, ngự, thư, số1. Các môn học này từng áp dụng trong chương trình giáo dục thời kỳ nhà Chu (1046-256 TCN), Trung Quốc. Nó vốn thuộc mô hình giáo dục chuyên sâu dành cho tầng lớp quý tộc. Đến thời Xuân thu (771-476 TCN), lễ nhạc rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng, Khổng Tử đã tổng kết, hệ thống hóa sáu môn học (Lục nghệ) vốn dành cho tầng lớp quý tộc nhà Chu đưa vào chương trình giáo dục đại trà. So với chương trình giáo dục hiện đại, sáu môn học này bao gồm các mặt đức, trí, thể, mỹ. Mặc dù giới hạn trong phạm vi sáu môn, nhưng Lục nghệ hội tụ đầy đủ phương diện lý thuyết, thực hành, kỹ năng giao tiếp, biện pháp tu tập, rèn luyện thân tâm, đạo đức, thẩm mỹ… Cách thiết kế chương trình này mang tính tiễn cao, vừa đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng nguồn nhân lực, vừa hiệu quả trong hoạt động giảng dạy, học tập.
Theo quan niệm của UNESCO, con người “học để biết, học để làm, học để hoàn thiện bản thân, học để cùng chung sống”. Bốn mục đích trên lần lượt trở thành trụ cột của nền giáo dục hiện đại, đồng thời thể hiện bằng nhiều cách nhau, thông qua các cấp học, chương trình học, khóa học, môn học… Qua đó cho thấy, vào thời kỳ cổ đại, Lục nghệ dù chỉ tập trung vào sáu môn học, nhưng thể hiện đầy đủ phương châm giáo dục đương thời. Trước hết, đó là nền giáo dục đề cao tư tưởng lễ nhạc trị quốc. Tư tưởng này đặt lễ lên vị trí cao nhất trong thang giá trị. Lễ bao gồm các quy phạm về hành vi ứng xử giữa người với người, người với thần linh và với bản thân mình. “Quân nhân, thần trung, phụ từ, tử hiếu” chính là sự thể hiện mối quan hệ giữa người và người. “Quỷ thần chi đạo, kính nhi viễn chi” thể hiện mối quan hệ giữa người và thần linh. Còn “tu tề trị bình” thể hiện trên phương diện cá nhân. Các mối quan hệ trên có điểm giống và khác nhau, có điểm giao và chồng lên nhau. Từ phương diện tu thân thuộc cá nhân có thể mở rộng phạm vi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cá nhân và xã hội đều nằm trong một hệ thống quan hệ, từ “tu thân” mang tính chất vi mô đến “bình thiên hạ” mang tính vĩ mô. Trong quá trình đó, con người phải trang bị nhiều kỹ năng, phẩm chất đi kèm. Ngoài lễ, còn có nhạc. Trong xã hội có trật tự, đẳng cấp, lễ chia con người thành các giai tầng, thân phận khác nhau, có tôn ti (trên dưới), trật tự (trước sau)… Nhạc hướng tới kết hợp hài hòa những yếu tố khác biệt. Mặc dù quan niệm “hòa nhi bất đồng” của Khổng Tử nhằm xây dựng mô hình con người lý tưởng là quân tử, nhưng lại thể hiện rõ qua đặc trưng của âm nhạc. Nghệ thuật âm nhạc dựa vào những âm thanh khác nhau về cao độ, cường độ, trường độ, âm sắc… tạo nên tác phẩm hài hòa. Tác dụng phụ của việc thủ lễ (giữ lễ) khiến cho cuộc sống gia tăng áp lực, nhạc giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện các mối quan hệ. Có thể nói, nhờ đặc tính hài hòa, âm nhạc bổ sung cho lễ “hoạt chất kết dính” giúp ổn định xã hội, duy trì trật tự, vận hành hiệu quả.
2. Quy phạm về lễ
Trong Lục nghệ, lễ dựa trên nền tảng “Chu lễ”, một chế độ lễ nghi thời kỳ nhà Chu. “Chu lễ” cũng là trước tác ghi chép, giải thích nội dung liên quan đến lễ. Trên cơ sở đó, lễ chia thành năm loại, gồm: cát lễ, hung lễ, quân lễ, tân lễ và gia lễ.
(1) Cát lễ, nghi lễ tế tự trời đất, tinh tú, các đời vua, tổ tiên, thần Xã tắc, Tông miếu… Theo quan niệm Nho giáo, vũ trụ chia thành ba thế giới: Thiên - Địa - Nhân. Sách: “Tam tự kinh” viết: “Tam tài giả, thiên địa nhân. Tam quang giả, nhật nguyệt tinh”. Ba yếu tố căn bản trong thế giới quan cổ đại gồm có trời, đất, con người; ba ánh sáng chủ đạo có mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Những thực thể này đi từ tự nhiên vào thế giới quan, cuộc sống của con người, thậm chí tiến sâu vào địa hạt tôn giáo, tín ngưỡng, trở thành nhóm đối tượng được thờ tự. Tín ngưỡng chính là hình thức thể hiện sự kính ngưỡng, sùng bái của con người thông qua hoạt động nghi lễ. Trong đó, Cát lễ đứng đầu, thậm chí được điển chế hóa thành Điển lễ mang tầm quốc gia.
(2) Hung lễ, nghi lễ tổ chức sau các biến cố, chủ yếu gồm năm loại: Hoang lễ, điếu lễ, hội lễ, tang lễ, tuất lễ. Hoang lễ tổ chức khi xảy ra các hiện tượng thiên tai, như: Hạn hán, mất mùa, ôn dịch… Điếu lễ nhằm chia buồn, tưởng niệm, an ủi, cầu nguyện cho những nơi bị thiên tai, như hạn hán, động đất, lũ lụt, nhật thực, nguyệt thực… đi kèm nghi lễ cầu cúng, trừ tai, giải hạn. Hội lễ, hoạt động đối ngoại với quốc gia gặp chiến tranh, loạn lạc gây tổn thất về người, của cải, thông qua việc cử phái đoàn, sứ thần cùng vật tư hỗ trợ. Tuất lễ nhằm bày tỏ sự quan tâm, an ủi đối với quốc gia không may xảy ra thiên tai, nhân họa...
Trong hung lễ, tang lễ quan trọng nhất. Theo quan niệm Nho giáo, tang lễ không chỉ bày tỏ lòng tiếc thương của người sống dành cho người chết mà còn thể hiện đạo Hiếu. Trên cơ sở đó, tang lễ quy định nghiêm ngặt thời gian cư tang, dạng thức phục tang, thứ tự cử tang, quy cách đưa tang. Thông qua hoạt động nghi lễ, tang lễ lại chia thành ba giai đoạn, gồm tang lễ, táng lễ và tế lễ. Tang lễ cử hành trước lúc hạ huyệt; táng lễ diễn ra trong quá trình hạ huyệt; tế lễ tiến hành sau khi hạ huyệt.
(3) Quân lễ, hệ thống quy phạm về nghi lễ, nghi tiết, cũng như cử chỉ, hành vi thực thi trong môi trường quân đội, kể cả những nghi lễ liên quan đến sự kiện điều binh đi chinh phạt, xác định biên giới lãnh thổ, xây dựng doanh trại… Quân lễ chia làm năm loại, gồm: Đại sư, Đại quân, Đại điền, Đại dịch, Đại phong.
Đại sư nhằm chỉ nghi lễ xuất chinh thảo phạt của bậc vương giả. Trong sự kiện này, nhà vua đích thân ra trận, nghi lễ thể hiện sự uy nghi, chính nghĩa, dũng mãnh... Đại quân chỉ việc điều động quân đội đi chỉnh sửa hộ khẩu, thu tô, bắt lính. Trong bối cảnh xã hội nông nghiệp, quân lính vừa là binh sĩ, vừa là nông dân, nghi lễ phản ánh nhu cầu bổ sung binh sĩ một cách linh hoạt, đồng thời cho thấy yêu cầu của nhà cầm quyền và trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn an ninh cương thổ. Đại điền gồm các hoạt động săn bắt, luyện binh, duyệt binh theo mùa, như: Xuân sưu, Hạ miêu, Thu hiển, Đông thủ. Mục đích của nó nhằm rèn luyện binh lính, nâng cao năng lực tác chiến, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến xa trên chiến trường. Đại dịch chỉ sự kiện huy động lao dịch vào xây dựng các công trình quy mô lớn, như: cung điện, thành trì, doanh trại… đòi hỏi tập trung sức người. Cuối cùng là Đại phong nhằm xác định phong thổ, cương vực, lập cột mốc biên giới. Nếu xảy ra tình trạng xâm phạm, tranh đoạt thì điều binh đi thảo phạt, nghiêm trị. Trong hoạt động này, người xưa thường trồng cây nhằm đánh dấu việc “phong cho đất”, bởi vậy mới có tên Đại phong. Ngoài ra, còn có các nghi lễ cử hành theo sự kiện, như: Lễ Xuất sư, cử hành trước lúc xuất chinh; Thệ sư, lễ tuyên thệ sau khi lễ chính kết thúc; Hình thưởng, nghi thức thưởng phạt theo quy định về Quân pháp; Khải hoàn, nghi lễ đón đoàn quân chiến thắng trở về; Ẩm chí và hành thưởng, nghi lễ đãi tiệc, ban thưởng, thăng chức cho người lập công; Sư bất công, nghi lễ dành cho đoàn quân thất trận. Trong trường hợp này, nghi lễ cử hành giống như tang lễ, tấu nhạc tang lễ, nhà vua mặc áo tang, đầu đội mũ tang, khóc lóc an ủi tướng sĩ; Lễ duyệt binh thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
(4) Tân lễ, nghi thức ngoại giao có sự tham gia của người đứng đầu quốc gia và quan khách các nước. Người đứng đầu quốc gia bấy giờ là nhà vua, tổ chức tiệc tùng khoản đãi sứ thần, phái đoàn chư hầu… nhằm tăng cường mối quan hệ bang giao, thân thiết, thậm chí có các cuộc hội kiến thường xuyên, định kỳ, như: Hội kiến vào mùa xuân gọi là Triều, mùa hạ gọi là Tông, mùa thu gọi là Kiến, mùa đông gọi là Ngộ, thời gian gặp mặt gọi là Hội…
(5) Gia lễ, nghi thức chúc mừng hôn lễ, nhà vua lên ngôi, tổ chức sinh nhật, hoàng hậu “buông rèm”… Gia lễ chia làm sáu loại, gồm: Ẩm thực, Hôn quan, Tân xạ, Thực yến, Thần phiên, Khánh hạ.
Giống như Tân lễ, nghi lễ này cũng nhằm tăng cường mối quan hệ nội bộ, giữa những người trong triều đình, mở rộng ra ngoài phạm vi xã hội, như: Ẩm thực, tổ chức buổi hội ngộ huynh đệ; Hôn quan, chúc mừng trai gái đến tuổi trưởng thành; Tân xã, đối đãi bạn bè đồng hương; Thực yến, tiếp khách; Thần phiên, dùng cho mối quan hệ bang giao; Khánh hạ, là tiệc mừng.
3. Các thể loại âm nhạc
Tư tưởng lễ nhạc trị quốc đặt âm nhạc vào vị trí quan trọng, chỉ đứng thứ 2 sau lễ. Ứng dụng vào thực tế, lễ - nhạc có tính tương hỗ, bổ sung cho nhau. Lễ ràng buộc con người vào trách nhiệm, nghĩa vụ mang tính chất thân phận; nhạc hướng tới sự hài hòa trong cách thức kết hợp, qua đó hóa giải phần nào áp lực tâm lý sản sinh từ lễ. Nói cách khác, nhạc không chỉ là một nội dung trong chương trình giáo dục mà còn đóng vai trò phương tiện tu dưỡng. Lý tưởng “tu tề trị bình” vốn đã tạo nhiều áp lực vô hình lẫn hữu hình cho con người, mâu thuẫn giữa trách nhiệm xã hội và nhu cầu tự do cá nhân, nhạc hướng tới cân bằng, giảm thiểu xung đột giữa kỷ luật bên ngoài của lễ và nhu cầu nội tâm bên trong của cá nhân. Tất nhiên, nhạc trong chương trình “Lục nghệ” không bao trùm toàn bộ đời sống âm nhạc mà gồm sáu loại hình tượng trưng cho giá trị thời bấy giờ, gồm: Vân môn, Đại trì, Đại thiều, Đại hạ, Đại Vũ, Đại hoạch. Sáu loại nhạc này kế thừa từ các triều đại khác nhau, kết hợp với múa hợp thành nhạc vũ chính thống.
(1) Vân môn hay Vân môn đại quyển có từ thời Hoàng Đế.
(2) Đại trì hay Hàm trì, nhạc lễ thời vua Nghiêu.
(3) Đại thiều, nhạc vũ thời vua Thuấn.
(4) Đại hạ, nhạc lễ thời vua Hạ Vũ.
(5) Đại hoạch, nhạc lễ thời Thương, Thang.
(6) Đại vũ, nhạc lễ thời vua Chu.
Trên cơ sở sáu loại hình âm nhạc trên, người xưa tiếp tục phân chia thành hai dạng thức Văn và Võ, nền tảng của quan niệm Phe văn, Phe võ, Ban văn, Ban võ… trong nhạc lễ truyền thống. Theo đó, nhạc các đời vua Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ thuộc nhạc Văn, kết hợp với múa tạo thành nhạc múa Văn. Nhạc Thương, Thang gọi là nhạc Võ, kết hợp với múa gọi là nhạc múa Võ.
Xét từ góc độ lịch sử, cách phân loại trên liên quan trực tiếp tới việc định vị các đời vua trong quá khứ. Vua Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ bình thiên hạ nhờ văn đức, nên di sản âm nhạc gắn liền với chữ “Văn”. Vua Thang, Thương bình thiên hạ bằng vũ lực, nên di sản gắn liền với chữ “Võ”. Ngoài ra, xét từ đặc điểm loại hình, múa văn sử dụng nhạc cụ, quạt, lông chim, lông gà… làm đạo cụ, động tác mềm mại, uyển chuyển... Múa võ sử dụng vũ khí làm đạo cụ, động tác cứng rắn, cương nghị… Nhạc múa Văn, Võ đều sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, như: tế trời, đất, sông, núi, các vị tiên tổ… Trong cơ quan nhà nước đặt ra chức quan “Đại tư nhạc” phụ trách về lĩnh vực này, kể cả truyền dạy cho Quốc tử (học trò) quý tộc. Triều đại sau lấy nhạc vũ thời nhà Chu làm mô hình tiêu biểu, “nhạc của bậc tiên vương”, Nhã nhạc chính thống, căn cứ để chế định nhạc các triều đại khác, đồng thời thông qua nội dung của nó nhằm giáo hóa dân chúng, phát huy công năng của âm nhạc.
4. Kết luận
Trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự phát triển cao về khoa học, công nghệ, chúng ta có thể học gì từ lễ nhạc trong chương trình Lục nghệ? Trên thực tế, nhiều vấn đề hiện đại không thể giải quyết bằng công nghệ, các cuộc khủng hoảng vẫn không ngừng xảy ra, từ khủng hoảng môi trường, y tế cộng đồng, xung đột quân sự cho đến luân lý đạo đức, văn hóa, xã hội… Đứng ở góc độ văn minh vật chất, loài người đã có nhiều bước tiến, nhưng xét về giá trị tinh thần dường như không tiến mà còn thụt lùi.
Câu slogan: “Tiên học lễ hậu học văn” vẫn duy trì trong cơ sở giáo dục, nhưng lễ hoàn toàn vắng bóng trong hệ thống môn học. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm từng chủ trương bỏ câu slogan này. Bỏ thì dễ, vấn đề là nó có thực sự cần thiết hay không? Kể cả người chủ trương bỏ cũng thừa nhận về sự cần thiết của lễ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta thiếu nội hàm tương ứng, hay nói cách khác, chưa quy phạm nội dung “học lễ”. Lễ trong Lục nghệ hiểu là chuẩn tắc ứng xử giữa người với thiên nhiên, thần linh và với nhau. Lễ nằm trong mối quan hệ cá nhân, cộng đồng và xã hội, thậm chí mở rộng phạm vi tới thần linh. Sau nhiều lần đổi mới giáo dục, lễ chưa hề được quan tâm, quy phạm nội dung, triển khai trong cơ sở giáo dục cho phù hợp với câu slogan “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Về nhạc, chương trình đổi mới giáo dục đã đưa môn học này vào các cấp học, kể cả trung học phổ thông. Tầm quan trọng của âm nhạc đã thể hiện qua chương trình giáo dục, nhưng cách thức triển khai vẫn chưa thay đổi căn bản để âm nhạc phản ánh đúng bản chất của bộ môn nghệ thuật, dùng âm thanh để bồi dưỡng tâm hồn con người, phát huy năng lực sáng tạo.
Lục nghệ vốn bắt nguồn từ thời nhà Chu. Xét về tính chất, nó có thể ví như một chương trình giáo dục toàn diện, vừa đào tạo lý thuyết, vừa bồi dưỡng kỹ năng thực hành. Khổng Tử đã vận dụng mô hình giáo dục này vào chương trình giáo dục, hướng tới xây dựng con người lý tưởng là quân tử. Trong ba mối quan hệ rường cột của xã hội phong kiến, quân, sư, phụ, đứng đầu có vua, kế đến thầy và cha. Vua, cha chỉ có 1, nhưng thầy thì có nhiều. Đó là cơ hội cho nhiều người học tập phấn đấu trở thành người thầy. Tìm hiểu giới tinh hoa thời phong kiến, đa số đều chú trọng công tác giáo hóa, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai. Họ đặc biệt coi trọng giá trị văn hóa truyền thống, quan tâm đến xã hội, công tác giáo dục thế hệ sau. Giá trị truyền thống thuộc về quá khứ, xã hội thuộc về hiện tại, giáo dục thế hệ sau thuộc về tương lai.
1. Sau thời kỳ nhà Hán (thế kỷ III TCN), Lục nghệ nhằm chỉ sáu kinh (Lục kinh), gồm: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh nhạc, Kinh dịch, Kinh xuân thu. Thời Hán Vũ Đế (thế kỷ II TCN), bổ sung thêm Luận ngữ, Kinh hiếu và Bác nhã vào Lục kinh.
Bình luận bài viết