Thông tin

TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA

PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG (THẾ KỶ 17 - 18)

 

TRẦN THUẬN*

 

Năm 1558, để tránh mối họa từ người anh rể, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ngược lại với ý đồ của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng không những không bị tiêu diệt bởi tàn quân họ Mạc, cũng không bỏ xác nơi biên viễn rừng thiêng nước độc, mà đã dẹp sạch dư đồ họ Mạc và được dân chúng hết lòng ủng hộ. Thuận Hóa rồi Thuận Quảng (1600) trở thành sự khởi đầu cho cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn gần bốn trăm năm trong lịch sử dân tộc, từ một nửa nước ở phía Nam gọi là Đàng Trong rồi mở rộng ra cả Việt Nam – Đại Nam. Trong hai thế kỷ 17 - 17I, cùng với sự phát triển của Đàng Trong, Đại Việt không ngừng được mở rộng về phía Nam cho đến tận vùng đất mũi Cà Mau. Kinh tế, xã hội, văn hóa,… Đàng Trong không ngừng biến đổi, phát triển. Phật giáo thời này tuy không là quốc giáo nhưng phát triển khá mạnh. Nghiên cứu Phật giáo thời này ta thấy nổi lên mấy đặc điểm sau:

1.Các chúa Nguyễn hết lòng hộ trì Phật pháp

Quá trình phát triển của xứ Đàng Trong gắn liền với quá trình mở cõi về phương Nam của dân tộc. Cùng với công cuộc Nam tiến, Phật giáo không ngừng lớn mạnh. Có thể nhận ra một điều rất rõ rằng, trong hơn 200 năm tồn tại của Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã hết lòng sùng mộ và ra sức xiển dương cho đạo Phật, bản thân chúa cũng quy y Phật, thọ Bồ tát giới. Ngay trong danh xưng của các chúa Nguyễn cũng thể hiện rõ tinh thần gắn bó với Phật giáo: Nguyễn Hoàng được gọi là Chúa Tiên, Nguyễn Phúc Nguyên còn được gọi là Chúa Sãi hay Chúa Phật, Nguyễn Phúc Lan gọi là Chúa Thượng, Nguyễn Phúc Tần còn gọi là Chúa Hiền và Nguyễn Phúc Trăn được gọi là Chúa Nghĩa, Riêng Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là người thọ giới Bồ tát có hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân và được xưng tụng là Minh Vương, Nguyễn Phúc Chú (Trú) được xưng tụng là Ninh Vương,...

Từ buổi đầu tạo dựng xứ Đàng Trong, Phật giáo đã được đề cao, các nhà sư rất được trọng vọng. Phật giáo đã nhanh chóng trở thành chỗ dựa tin cậy đối với Nguyễn Hoàng và những người kế nghiệp. Các chúa Nguyễn cho xây cất nhiều chùa mới, trùng tu chùa cũ, ban sắc tứ cho nhiều chùa Phật khắp nơi ở Đàng Trong. Đặc biệt, chúa Nguyễn còn khuyến khích các vị sư trong nước cũng như từ Trung Hoa đến hoằng pháp tại Đàng Trong. Bằng những việc làm cụ thể, các chúa Nguyễn đã tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và chính quyền Đàng Trong, thậm chí đã đưa Phật giáo lên vũ đài chính trị trên vùng đất mới. 

Năm 1601, sau khi từ Thăng Long trở lại Phú Xuân, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa mà các chúa Nguyễn không ngừng quan tâm tu bổ như ngôi chùa Tổ. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) sắc trùng tu chùa, công việc kéo dài đến đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mới hoàn thành. Năm 1710, Phúc Chu lại cho đúc quả chuông đồng nặng 3.285 cân cúng vào chùa (quả chuông đó tồn tại cho đến nay), cho thỉnh từ Trung Hoa tam tạng kinh, luật, luận đem về để ở chùa. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu chùa làm tăng thêm vẻ nguy nga, tráng lệ, lại sai người sang Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh hơn ngàn bộ, đem về để tại chùa.

Năm Đinh Mão (1747), Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho mở rộng chùa Hàm Long ở Phú Xuân và trịnh trọng đặt tên là chùa Báo Quốc rồi tự tay viết 5 chữ Sắc tứ Báo Quốc tựtrên một bức hoành phi có trang trí chữ vàng trên nền xanh, hiện nay vẫn còn thấy ở lối vào cửa chính.

Năm Chính Hòa thứ 5 (1684) đời nhà Lê, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ban cho chùa Vĩnh Ân ở Phú Xuân một khoản tiền để tôn tạo. Ngôi chùa này được Thiền sư Nguyên Thiều khởi dựng. Khi Hiền Vương mất, Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn nối ngôi, ngày 27.5 năm Chính Hòa thứ 10 (13.7.1689), chúa lại ban lệnh không thu thuế đất chùa và đổi tên chùa thành Quốc Ân tự, đồng thời ban tấm biển Sắc tứ Quốc Ân tự. Sau đó, Nghĩa Vương giao nhiệm vụ cho Nguyên Thiều về Quảng Đông (Trung Hoa) mời sư Thạch Liêm sang Việt Nam (1687 - 1690). Sau một đợt hành hương, Nguyên Thiều không những đưa được sư Thạch Liêm và nhiều nhà sư khác sang, mà còn đem về nhiều loại tượng, chuông và đồ cúng lễ[1].

Năm Giáp Tuất (1754 – tức Cảnh Hưng thứ 15), Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ân ban Sắc Tứ Viên Tông tự cho một ngôi chùa ở Quảng Ngãi. Ngôi chùa này vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1848), vì lý do phạm húy nên chùa đổi tên thành chùa Diệu Giác tồn tại cho đến ngày nay.

Năm Ất Tỵ (1775), chúa Nguyễn ban sắc tứ cho chùa Kim Chương trên đất Gia Định (nay thuộc Chợ Lớn).

Thật xúc động khi ta biết rằng, Thiền sư Thạch Liêm (Thích Đại Sán) đến Đàng Trong không chỉ xuất phát từ lời mời của Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn và chuyến đi Trung Hoa của Nguyên Thiều mà còn xuất phát từ lời mời của Quốc Chúa Phúc Chu. Trong bài tựa sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán do Quốc Chúa đề tặng cho biết: “… Ta khi còn làm Thái Tử vẫn thường hay ngưỡng mộ thầy ta ở chùa Trường Thọ. Vua cha ta lúc trước đã gửi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp Tuất ta muốn thọ Bồ Tát Giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời mời…”. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân lúc Thiền sư Thạch Liêm còn ở Đại Việt đã quy y học đạo, tôn sư làm thầy. Sự gặp gỡ giữa chúa Phúc Chu với Thiền sư Thạch Liêm có thể xem là một mối nhân duyên. Chính nhân duyên ấy đã khiến Chúa sắc cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ trong tinh thần nhớ ơn vị thầy mà mình đã thọ giới. Sau khi trùng tu xong chùa, Chúa đã cho khắc vào bia những dòng chữ trịnh trọng: “… Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu đại sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tông chỉ như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Chiết Tây Trung Quốc…”, cùng những lời lẽ nhớ thương vô vàn: “… Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo, vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu…”[2].

Trong Hải ngoại kỷ sự, quyển một, cũng ghi rõ: “… Ngày mùng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng cung kính, sụp lạy dâng lên cùng với các lễ vật… thưa rằng “Đại Việt Quốc Vương từ lâu ngưỡng mộ Hòa thượng. … Kể từ tiên vương (tức Nghĩa vương) đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…”[3].

Với những việc làm trên đây cho thấy, các chúa Nguyễn rất mộ đạo Phật, xem Phật giáo là chỗ dựa tinh thần của chế độ, đặt Phật giáo bên cạnh Nho giáo với những chính sách và thái độ hợp lý để phát huy tốt vai trò tích cực của Phật giáo trong vấn đề hộ quốc an dân, trong việc duy trì an ninh trật tự xã hội.

Xin nói thêm rằng, bấy giờ Thiên Chúa giáo cũng có những bước phát triển nhất định. Mặc dù chúa Sãi, Túc tông, Thế tông có khi dung nạp đạo Thiên Chúa, nhưng chẳng mặn mà gì, thậm chí có khi chúa ra lệnh cấm đạo và sát đạo đối với tôn giáo mới mẻ này. Trong khi đó, các chúa Nguyễn vẫn dành cho Phật giáo một sự ưu ái và họ đến với Phật giáo bằng cả sự sùng tín cao độ. Có thể thấy rằng, tinh thần phóng khoáng của người Đàng Trong mong muốn tiếp xúc với văn minh phương Tây mới lạ và lợi dụng nó trong cuộc chiến chống lại họ Trịnh ở phía Bắc, đã khiến cho các chúa Nguyễn tỏ ra khoan hòa hơn đối với Thiên Chúa giáo so với Đàng Ngoài. Song, từ trong sâu thẳm, các chúa Nguyễn vẫn hướng về đạo Phật, một tôn giáo mang tính truyền thống, gắn bó với phong tục và tín ngưỡng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. 

2.Đồng hành cùng quá trình mở cõi với tinh thần nhập thế tích cực

Từ đầu thế kỷ 17, ngay trên vùng đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa thờ Phật. Ta biết rằng, trên dải đất miền Trung, người Chăm vốn theo đạo Bà La Môn hoặc Ấn Độ giáo, còn Phật giáo, dù là Phật giáo Đại thừa cũng chỉ dừng lại ở tầng lớp trên của xã hội, dân chúng chưa có điều kiện để đến với Phật giáo như người Việt ở phía Bắc hay người Chân Lạp ở phía Nam. Trong lịch sử vương quốc Chăm, mỗi khi có ông vua mộ Phật thì trong nước Phật giáo có điều kiện phát triển, nhưng rồi vị vua khác lên cầm quyền không theo đạo Phật, thế là Phật giáo suy tàn,… Chính vì vậy, khi lưu dân Việt đến sinh sống trên vùng đất vốn thuộc vương quốc Chămpa trước đây, họ phải tự lập chùa để thờ Phật. Chính tinh thần Phật giáo của các chúa Nguyễn có tác dụng thúc đẩy nhân dân đến với đạo Phật, thu hút các vị sư sãi trong và ngoài nước đến hoằng pháp trên đất Đàng Trong. Dấu chân lưu dân Việt đến đâu, chùa Phật mọc lên đến đó. Cùng với lực lượng người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vào Nam bộ, trên dải đất Đàng Trong từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 17I đã xuất hiện nhiều ngôi chùa là cơ sở cho sự sinh hoạt tư tưởng và tín ngưỡng của lưu dân, là tiền đề cho sự phát triển của đạo Phật để thực hiện chức năng ổn định đời sống tinh thần.

Quá trình tạo lập xứ Đàng Trong gắn liền với quá trình khai khẩn của lưu dân. Cuộc sống vất vả khó nhọc lại phải đương đầu với bao thử thách khiến những người lao động không thể nghĩ đến những gì cao siêu mà cha ông họ ở quê nhà thường đề cập với một sự tôn kính: đạo Thánh hiền. Cái họ cần là những gì thiết thực hơn, phù hợp hơn với cuộc sống mới nơi đất khách quê người; những gì có thể vỗ về an ủi họ, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. “Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là (bởi vì cũng khó có thể là) sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với cả một xã hội lầm lũi[4]. Và chúng ta có thể nhận ra một điều rằng, đối với dân chúng, tín ngưỡng Phật giáo đã trở thành hành trang không thể thiếu được trong quá trình di dân mở đất. Nhất là “trong buổi đầu đặt nền móng tại vùng đất Gia Định, tín ngưỡng Phật giáo đã có một vai trò quan trọng, góp phần tăng cường lòng tự tin, khuyến khích sự bền chí và đã tạo được sự yên ổn và phát triển tại vùng đất mới. Nhu cầu cần có thầy cầu an khi đau ốm và cầu siêu khi qua đời là một đòi hỏi bức bách của lưu dân. Tín ngưỡng Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu ấy và đã tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển nhanh chóng của nhiều ngôi chùa trong vùng đất Gia Định lúc bấy giờ[5].

Ngoài chùa Thiên Mụ do Nguyễn Hoàng cho xây dựng từ năm 1601 ở Phú Xuân và Thiền Tịnh viện mà chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho xây dựng trên núi Quy Sơn (núi Linh Thái ở gần cửa biển Tư Dung) để Thiền sư Hương Hải hoằng pháp[6], có thể điểm qua một số ngôi chùa tiêu biểu được xây dựng ở Đàng Trong trong hai thế kỷ 17 - 17I, hoặc do dân chúng tạo lập, hoặc do các chúa Nguyễn chủ trương xây dựng:

* Chùa Báo Quốc: Tọa lạc trên đồi Hàm Long, Phường Đúc, Thành phố Huế. Chùa do sư Giác Phong khai lập với tên gọi chùa Hàm Long. Dựa vào bia tháp của sư Giác Phong, có thể xác định chùa Hàm Long xuất hiện trước năm 1680 (sư Giác Phong mất năm Vĩnh Thịnh thứ 10 tức năm 1714).

Năm Đinh Mão (1747), Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho mở rộng chùa và trịnh trọng đặt tên là chùa Báo Quốc[7] rồi tự tay viết 5 chữ Sắc tứ Báo Quốc tựtrên một bức hoành phi, hiện vẫn còn thấy ở lối vào cửa chính[8].

* Chùa Quốc Ân:Tọa lạc ở phía tây núi Ngự Bình dưới đồi Hòn Thiên, thuộc phường Trường An, Thành phố Huế. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Người sáng lập là một Thiền sư người Quảng Đông, Trung Hoa họ Tạ, tên Nguyên Thiều[9]. Chùa lúc đầu có tên là Vĩnh Ân, được xây dựng vào khoảng thời gian sớm nhất là từ năm 1682, muộn nhất vào năm 1684. Cạnh chùa, Nguyên Thiều còn xây Phổ Đồng Tháp để đặt các thi hài vô thừa nhận và cúng linh hồn những kẻ không nơi nương tựa (Tháp này bị đập phá dưới thời Tây Sơn).

Năm Chính Hòa thứ 5 (1684) đời nhà Lê, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ban cho nhà chùa một khoản tiền để tôn tạo. Khi Hiền Vương mất, Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn nối ngôi, ngày 27.5. Chính Hòa thứ 10 (13.7.1869), vua ban lệnh không thu thuế đất chùa và đổi tên thành chùa Quốc Ân tự, vua ban tấm biển Sắc tứ Quốc Ân tự. Người kế vị Nguyên Thiều tên là Định Nhiên. Ông trụ trì ở chùa Quốc Ân được 64 năm.

* Chùa Hà Trung: Sau khi Sắc tứ chùa Quốc Ân, Nghĩa Vương giao cho Nguyên Thiều về Quảng Đông mời sư Thạch Liêm sang Việt Nam hoằng pháp. Từ Quảng Đông trở về, Nguyên Thiều vào chùa Thiên Mụ một thời gian, sau đó chuyển về chùa Hà Trung, một ngôi chùa đã có từ trước đó. Nguyên Thiều trụ trì 40 năm và mất tại đây.

* Chùa Từ Đàm:Tọa lạc tại phường Trường An, thành phố Huế. Chùa do Hòa thượng Tử Dung Minh Hoằng[10] tạo xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Lúc đầu chùa có tên Ấn Tông, sau đổi thành chùa Từ Đàm.

* Chùa Thiền Lâm: Được xây dựngdưới chân đồi Quảng Tố, thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tương truyền chùa do Hòa thượng Thạch Liêm tạo dựng vào cuối thế kỷ 17[11].

* Chùa Linh Sơn: Chùa nằm ở thôn Hiền Lương, tỉnh Khánh Hòa. Thủy tổ khai cơ là Hòa thượng Đại Bửu, Pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư. Sư quê ở Quảng Nam vượt núi ngàn vào Hiền Lương hoằng pháp. Năm 1761 mới lập chùa đúc chuông, gây cơ sở vững chắc. Ban đầu gọi là chùa Sa Long. Đến triều Tự Đức, năm thứ 21 (1867) chùa bị thất hỏa. Sau khi xây cất lại, đổi tên thành Linh Sơn tự.

* Chùa Diệu Giác:Nằm ở thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi[12]. Theo các tờ khấu trình của Lý hương làng Phú Lộc vào năm Giáp Tuất (1754 – tức Cảnh Hưng thứ 15), Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ân ban Sắc Tứ Viên Tông tự cho chùa. Chùa đổi thành Diệu Giác tự từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1848).

* Chùa Thập Tháp: Tọa lạc tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cách thành phố Quý Nhơn 25 km. Chùa có tên gọi là Thập Tháp (tên đầy đủ là Thập Tháp Di Đà tự). Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, cho biết chùa này do sư Nguyên Thiều lập từ năm 1665. Sở dĩ có tên Thập Tháp, vì nơi đây đã từng có 10 ngôi Tháp Chăm cổ[13].

* Chùa Hội Khánh: Tọa lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa do Thiền sư Đại Ngạn xây dựng vào năm Tân Dậu (1741).

* Chùa Bà Đen:Một ngôi chùa ở Tây Ninh được xây dựng từ thời cư dân Việt, Khmer, Chăm khai khẩn vùng đất này. Từ chân núi đi lên lưng chừng núi có ngôi Linh Sơn Tiên Thạch tự (Chùa đá của Tiên ở núi Linh). Bên trái Linh Sơn Tiên Thạch là điện thờ Bà Đen có tên chữ là Phước Lâm tự.

* Chùa Kim Chương: Năm Ất Hợi (1755), Thiền sư Đạt Bản lập một thảo am ở đất Gia Định (nay thuộc Chợ Lớn), lấy hiệu là Kim Chương tự. Khách thập phương đến lễ bái quy y tấp nập nên được chúa Nguyễn ban sắc tứ vào năm Ất Tỵ (1775)[14].

* Chùa Tổ Đình Hội Thọ:Chùa nằm cạnh vàm Rạch Chùa, thuộc ấp Hưng Mỹ, xã Thiện Chí, tỉnh Tiền Giang. Chùa thuộc chi phái Thiền tông do Tổ sư Thiệt Diệu – tức sư Liễu Quán, người khai sáng ở núi Thiên Thai (Huế) tạo lập. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Gia Định, các Hòa thượng đem những bảo vật trong chùa Kim Chương về lưu giữa tại Tổ Đình ở Mỹ Thiện. Năm 1866, chùa đổi hiệu là Hội Thọ để tránh sự nhòm ngó của thực dân Pháp.

* Chùa Tam Bảo: Một ngôi chùa tọa lạc ở Hà Tiên. Lúc đầu là một am nhỏ do Mạc Cửu dựng trên vùng đất mới cho mẹ tu từ đầu thế kỷ 17I. Về sau chùa được xây lại to lớn và khang trang, trở thành chùa Tam Bảo rất nổi tiếng.

* Chùa Phước Tường: Tọa lạc tại 13/32 ấp Tăng Phú I, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được Hòa thượng Linh Quang (Phật Chiếu) khai sáng vào năm 1741, trên một khu đất cao. Lịch sử của chùa Phước Tường còn ghi lại huyền thoại giết hổ thời khai sơn chùa, gắn với quá trình khẩn hoang của lưu dân Việt trên vùng đất Gia Định còn mới mẻ.

* Chùa Từ Ân: Tọa lạc tại làng tân Lộc, huyện Tân Bình, Gia Định (nằm trong khu vực gần công viên Tao Đàn hiện nay). Sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất phương Nam lập nên phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (1698), lưu dân từ Biên Hòa, Đồng Nai tiến dần vào Gia Định để khai phá đất đai. Cùng đi có Thiền sư Phật Ý (đời 35 dòng Lâm Tế, từ miền Trung vào) và một người bạn. Họ trụ lại làng Tân Lộc và lập nên một thảo am nhỏ để thờ Phật vào năm 1752. Am này sau có tên là Từ Ân.

* Chùa Khải Tường: Không lâu sau khi lập chùa Từ Ân, người bạn của sư Phật Ý tách ra lập một ngôi chùa đối diện với chùa Từ Ân. Chùa này có tên là Khải Tường tọa lạc trên đường Võ Văn Tần ngày nay.

* Chùa Giác Lâm: Tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, vùng Cẩm Đệm, phường 16, huyện Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Lúc đầu chùa có tên Cẩm Đệm, đến năm 1774, khi Thiền sư Viên Quang[15] (trụ trì chùa Từ Ân) chuyển về làm trụ trì, chùa Cẩm Đệm (trước đó chỉ là một Niệm Phật đường) đổi tên thành chùa Giác Lâm. Đây là ngôi chùa cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh, được tạo lập vào giữa thế kỷ 17I. Chùa Giác Lâm là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo mang tính sáng tạo của lưu dân Việt trên vùng đất mới.

(…)

Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Trần Hồng Liên thì ở Đông Nam bộ, Cù Lao Phố là trung tâm đầu tiên mà các Thiền sư đã trụ tích tại Nam bộ. “Sử sách còn nhắc đến nhiều ngôi chùa xưa tại đây được sắc tứ, như chùa Vạn An (thôn Phước An, huyện Phước An) chùa Hộ Quốc (thôn Đắc Phước, huyện Phước Chính)… ba ngôi chùa cổ là Bửu Phong, Long Thiền, Đại Giác tiêu biểu cho sự hoằng dương Phật giáo vào miền Nam, tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam Bộ. Tại trung tâm Đồng Nai, những ngôi chùa cổ nổi tiếng có các trụ trì xuất thân là đệ tử tài danh của Tổ Nguyên Thiều như chùa Long Thiền, Đại Giác… Từ nơi này, Phật giáo lan tỏa xuống các vùng lân cận là Gia Định với chùa Từ Ân, Khải Tường, Kim Chương, Tập Phước, Giác Lâm…”[16]. Nhiều ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay đã lưu giữ nhiều dấu ấn của một thời mở cõi của dân tộc ta.

Buổi đầu, những ngôi chùa ở Đàng Trong là những am nhỏ được các thiền sư cất tạm bằng cây lá có sẵn giữa những vùng hoang vắng để tu. Khi lưu dân đến định cư tương đối đông, cuộc sống dần ổn định, chùa được xây dựng kiên cố hơn, ngày càng khang trang hơn, hoạt động rộn rịp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng. Các sư cùng với lưu dân chung tay khai vỡ đất hoang, tạo lập cuộc sống, tu bổ nhà chùa, hoằng dương Phật pháp. Sau một thời gian tồn tại, các ngôi chùa và các nhà sư đã thể hiện rõ tầm quan trọng của mình trong đời sống xã hội và được các chúa Nguyễn lưu tâm, sắc tứ cho chùa. Chính những ngôi chùa này, cùng các vị thiền sư “khai sơn tạo tự” đã tạo tiền đề cho Phật giáo bám rễ vững chắc trên vùng đất mới. Có thể nói, Phật giáo ở Đàng Trong thời kỳ này đã hòa vào đời sống nhân gian, chung tay xây dựng cuộc sống và hoằng dương chánh pháp, giúp người dân vượt qua khó khăn hoạn nạn, góp phần ổn định cuộc sống. Phật giáo đã tỏ rõ tinh thần nhập thế tích cực của mình, tiếp nối truyền thống Phật giáo Việt Nam từ những thế kỷ trước. Quả đúng là “Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế. Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh[17], tức là đạo Phật là đạo nhập thế chứ không yếm thế. Từ bi là sát sinh để độ chúng sinh.  

3.Tinh thần thâu hóa sáng tạo và tự tín dân tộc

Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã được dân chúng hân hoan đón nhận vì lẽ nó phù hợp với phong tục tập quán, phù hợp với đạo lý sống cổ truyền của người dân Việt, lại có thể đáp ứng được những yêu cầu giải thoát về mặt tinh thần cho dân chúng trong thời Bắc thuộc. Các nhà sư luôn gắn bó, sẻ chia với cuộc đời thống khổ của người dân khốn khó. Ở buổi đầu thời độc lập tự chủ, các nhà sư đã trở thành biểu tượng tôn kính, không chỉ đối với tầng lớp bình dân mà cả vua quan trong triều. Thời Lý - Trần, Phật giáo nước ta đóng vai trò quốc giáo, định hướng tư tưởng quốc gia. Trải qua quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng thâu hóa, sáng tạo để thực sự trở thành Phật Việt và luôn đồng hành cùng những bước thăng trầm của dân tộc. Ngay cả thời Lê, khi Nho giáo được đề cao và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” cho mọi chuẩn mực xã hội, Phật giáo vẫn tiếp tục là chỗ dựa tinh thần của dân chúng với những việc làm thiết thực.

Phật giáo nhanh chóng thích ứng với môi trường đặc thù của mỗi địa phương và vì thế, trong sinh hoạt tư tưởng và tín ngưỡng của quảng đại quần chúng, quan điểm Phật đã được dân gian hóa. Hơn nữa, sau khi tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài, các vị Thiền sư người Việt đã nhanh chóng bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc một cách dễ dàng, tạo nên một sắc thái riêng biệt của Việt Nam. Vì lẽ đó mà có thể nói rằng, Phật giáo đã sinh tồn cùng dân tộc.

Ở Đàng Trong, điểm dừng chân của các thiền sư Trung Hoa từ những thế kỷ XVI - 17 đã được ghi lại nhiều trên vùng đất Hội An. Ở miền Đông Nam bộ, nhiều chùa cổ còn đặt bài vị và nhắc đến sự có mặt của Thiền sư Bổn Quả Khoáng Viên (đời thứ 32) và Thiền sư Nguyên Thiều (đời thứ 33 dòng Thiền Lâm Tế, được xem là đời thứ nhất dòng Lâm Tế ở Việt Nam). Chùa Đại Giác, chùa Kim Cang, chùa Long Thiền,… ở tỉnh Đồng Nai, thuộc Cù Lao Phố xưa, đã có dấu chân hoằng hóa của các thiền sư Trung Hoa và những ngôi chùa do họ khai sáng, trụ trì. Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn thường mời những thiền sư Trung Hoa sang khai sơn các chùa và mở giới đàn ở Phú Xuân. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trước khi các nhà sư Trung Hoa được chúa Nguyễn trọng vọng, sùng kính, các nhà sư Việt Nam đã có một vị thế quan trọng. Thoạt đầu là sự có mặt của các Thiền sư Viên Cảnh, Viên Khoan thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sự hưng thịnh của dòng Thiền này diễn ra dưới thời Thiền sư Minh Châu – Hương Hải (1628 - 1715). Sau khi Thiền sư Hương Hải bỏ ra Đàng Ngoài[18], chúa Nguyễn mới có chủ trương rước Thiền sư Nguyên Thiều, lúc ấy đang ở Quy Nhơn ra Phú Xuân thay cho Thiền sư Hương Hải.

Sau khi khánh thành chùa Thập Tháp Di Đà ở Quy Nhơn, với lời mời của chúa Hiền, sư Nguyên Thiều đến Phú Xuân, lập chùa Phổ Thành ở Hà Trung (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) rồi được chúa Nghĩa Phúc Trăn yêu cầu sư về Trung Hoa thỉnh sư tăng, kinh tạng vào Đàng Trong. Khi trở lại Phú Xuân cùng với nhiều vị sư Trung Hoa và kinh sách, được chúa Nghĩa hỗ trợ mở đàn truyền giới cho số nhà sư mới từ Trung Hoa sang, số tăng sĩ mới thọ giáo cùng các nhà sư thuộc phái Trúc Lâm còn ở lại Đàng Trong. Từ đó, Đàng Trong không còn Thiền sư nào thuộc phái Trúc Lâm, tất cả đều theo phái Lâm Tế.

Từ đó, ở Đàng Trong tồn tại các dòng Thiền cơ bản với các Thiền sư nổi tiếng:

* Phái Thiền Lâm Tế: Ở các tỉnh miền Trung có các vị sư danh tiếng như Thiền sư Viên Cảnh, Viên Khoan ở Quảng Trị; Thiền sư Giác Phong, Từ Lâm ở Thuận Hóa; Thiền sư Pháp Bảng ở Quảng Ngãi; Thiền sư Tế Viên ở Phú Yên; Thiền sư Nguyên Thiều ở Bình Định,…

* Phái Thiền Tào Động[19]có Thiền sư Hưng Liên ở Quảng Nam, Thiền sư Thạch Liêm ở Thuận Hóa,…

* Phái Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán khai sáng. Liễu Quán là nhà sư ở Phú Yên, vốn thuộc dòng Lâm Tế ở Trung Hoa. Ông có 4 người đệ tử lập được 4 trung tâm hoằng đạo.

Có thể thấy, từ buổi đầu kiến lập, Phật giáo Đàng Trong đã có sự tích hợp nhiều thiền phái trong và ngoài nước. Các vị sư nước ta (thuộc Thiền phái Trúc Lâm và Liễu Quán) cũng như những thiền sư nước ngoài (thuộc Thiền phái Lâm Tế và Tào Động) đều có công lao lớn với sự truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong. Nhiều người trong số họ, đã góp phần làm nên cái riêng có tính chất bản địa, để từng bước tạo dựng một nền Phật giáo mang màu sắc Việt Nam, và rất riêng ở Đàng Trong, cố nhiên trong đó, các thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm và Liễu Quán đóng vai trò nòng cốt. Đặc biệt, Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái này được Việt hóa, và trở thành phổ biến trên mảnh đất Đàng Trong.

Tính đa sắc diện của Phật giáo Đàng Trong còn thể hiện ở sự gặp gỡ và hỗn dung tông phái: Tịnh – Thiền – Mật; sự hòa hợp giữa phật giáo quý tộc và Phật giáo bình dân; giữa hệ phái Bắc tông và Nam tông,... Nói cách khác thì, Phật giáo Đàng Trong đã thể hiện sự thâu hóa tinh hoa và sáng tạo tuyệt vời để có được sắc thái mới mẻ. Điều đáng lưu ý là Phật giáo Đàng Trong theo hệ phái Bắc tông là chính và thời kỳ đầu Thiền tông chiếm ưu thế, nhưng càng về sau, xu hướng Tịnh Độ và Mật Tông ngày càng tỏ ra có phần lấn át Thiền tông, nhất là ở Nam bộ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, từ thế kỷ 17, có ba hướng hoằng dương đạo pháp vào vùng đất Đàng Trong. Hướng thứ nhất là hệ phái Bắc tông theo chân các di dân từ Thuận Quảng đi vào phía Nam. Hướng thứ hai đi từ Trung Hoa vào Nam bộ theo chân các thiền sư trong các đoàn thuyền binh của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên. Họ đến đây từ cuối thế kỷ 17, xây dựng chùa chiền ở vùng đất Cù Lao Phố (Đồng Nai) và Mỹ Tho (Tiền Giang). Hướng thứ ba từ Chân Lạp theo chân Mạc Cửu góp phần xây dựng trung tâm phố thị Hà Tiên.

Trong khi các tông phái thuộc hệ phái Bắc tông (trong cộng đồng người Việt và người Hoa) phát triển ngày càng mạnh mẽ ở Đàng Trong, thì trên vùng đất Nam bộ vốn đã tồn tại và phát triển Phật giáo Nam tông của người Khmer[20]. Trong quá trình cộng cư, giữa người Việt, Hoa và Khmer đã có sự giao thoa văn hóa một cách mạnh mẽ, trong đó có sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của các tộc người.

Một nét đặc biệt rất đáng được lưu tâm là Phật giáo Đàng Trong tồn tại và phát triển trong một tinh thần viên dung tam giáo Phật – Lão – Nho và các tín ngưỡng dân gian Hoa, Việt. Ta có thể nhận ra điều này khi nghiên cứu chùa Diệu Giác ở Quảng Ngãi và Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên. Chùa Diệu Giác, ngoài gian chính ở giữa thờ Đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định, bên phải là Đại Thế Chí, bên trái là tượng Quan Âm Bồ Tát. Phía sau cụm tượng này là tượng Thích Ca Mâu Ni ở tư thế đứng. Có một án thờ phía tả thờ Đức Khổng Tử - một pho tượng bằng gỗ quý hiếm, niên đại khoảng thế kỷ XVI - 17; án thờ phía hữu thờ Quan Công, Chu Thượng và Quan Bình cùng ngựa xích thố,…[21]

Chính sách cởi mở của các chúa Nguyễn đối với Phật giáo đã sản sinh ra những hiện tượng mới mẻ, độc đáo, phản ánh đặc trưng tính chất phong phú, đa sắc của cuộc sống cộng cư Nam bộ. Đầu thế kỷ 17I, ở Tây Nam bộ xuất hiện một thi xã đặc biệt của xứ Đàng Trong: Tao đàn Chiêu Anh Các.

Cái độc đáo của Chiêu Anh Các là sự hòa đồng tam giáo và sự hội nhập văn hóa. Ngoài lực lượng đông đảo các nhà nho còn có các nhà sư và đạo sĩ như Hòa thượng Hoàng Long, Tô Dần Đạo sĩ. Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tứ mở ra từ năm Bính Thìn (1736), trong số hơn 75 thành viên tham gia xướng họa ở đây có cả người Hoa gốc Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu và người Việt. Họ đến từ nhiều nơi khắp cả Đàng Trong (từ phủ Triệu Phong, phủ Qui Nhơn đến phủ Gia Định) và cả Trung Hoa.

Ở Đàng Trong, Phật giáo cung đình đã hòa với Phật giáo dân gian. Ta thấy, các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa sùng kính đạo Phật đến mức thọ giới Bồ Tát, đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều ngôi chùa Phật. Trong khi đó, nhiều ngôi chùa do dân bỏ tiền ra xây dựng hoặc của dòng họ dùng làm từ đường rồi “cải gia vi tự”. Không ít ngôi chùa vì có công với vua chúa nên được sắc tứ. Nhưng sự phổ biến là nhiều ngôi chùa do nhân dân và các thiền sư tạo dựng, trùng tu rồi các chúa Nguyễn ban sắc tứ danh. Ở đây không chỉ vì chính các ngôi chùa và sư sãi có công lao trong việc ổn định đời sống xã hội, mà còn xuất phát từ cái tâm Phật giáo của các chúa Nguyễn. Trong các giới đàn có sự hỗ trợ của chính quyền chúa Nguyễn, không chỉ có các nhà sư mà còn có những quan chức nhà nước, những quý tộc tôn thất bên cạnh những Phật tử bình dân. Họ cùng thọ giới, quy y, cùng hướng tâm vì đạo pháp.

Có một ngôi chùa ở Tây Ninh với tên gọi dân dã là chùa Bà Đen. Ngôi chùa  thờ vị Thánh Mẫu mà người Việt, Khmer và Chăm đều tôn thờ và mỗi tộc người có một cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của ngôi chùa và vị Thánh Mẫu của riêng mình: Nàng Đênh của người Khmer đắc quả thành Linh Sơn Thánh Mẫu, Nàng Đênh nói tránh húy thành Bà Đen; cô gái Lý Thị Thiêu Hương (ở Trảng Bàng) của người Việt đắc quả Linh Sơn Thánh Mẫu. Còn người Chăm cư trú ở Tây Ninh từ thế kỷ 17, nơi nào họ lập nghiệp là nơi đó họ lập đền thờ Thánh Mẫu Muj-k hay Uma, mà tiếng Chăm có nghĩa là Bà Đen.

Ngôi chùa này được xây dựng trong quá trình khẩn hoang mở rộng bờ cõi về phương Nam, để chống chọi với thiên nhiên và thú dữ, con người cảm thấy nhỏ bé và đơn côi giữa núi rừng hùng vĩ, giữa mênh mông sông nước nên đã dựa vào thần linh, dựa vào vị Thánh Mẫu do chính họ dựng lên tôn sùng. Trong tâm tưởng của người Việt, Khmer và Chăm, Bà Đen chính là người mang điều lành, là Thánh Mẫu bảo hộ cho sự bình yên của các cộng đồng cư dân. Linh Sơn Tiên Thạch tự giữa sân có tượng Di Lặc, hai bên có tượng Quan Âm, Đường Tăng; trong chùa có tượng A Di Đà, Thích Ca sơ sinh, Ngọc Hoàng; bên trái có Thập Bát La Hán; bên phải là Thập Điện Diêm Vương và Quan Thế Âm Bồ Tát.

Rõ ràng sự ra đời của chùa Bà Đen vừa phản ánh tính chất lịch sử của xứ Đàng Trong, vừa thể hiện tính chất cộng cư của các tộc người vừa cho thấy sự hỗn dung tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân trên vùng đất mới.

4.Phật giáo chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh

Trong hai thế kỷ 17 - 17I, trên đất nước ta diễn ra hai cuộc chiến tương tàn: Cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn diễn ra từ 1627 đến 1672 và cuộc chiến giữa Tây Sơn với hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra từ 1771, lúc phát triển thành phong trào dân tộc đã đánh bại 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng. Tuy nhiên, cả hai cuộc chiến tranh, ngoài nhiệm vụ dân tộc trong khởi nghĩa Tây Sơn, là sự tiêu diệt lẫn nhau giữa các thế lực trong nước: Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn diệt Trịnh và Nguyễn, đã tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Một thực tế xã hội đã gạt bỏ những ảnh hưởng của Nho giáo vốn đã không mấy mặn mà trên vùng đất mới. Đối với Phật giáo Đàng Trong, hai cuộc chiến tranh cũng đã chi phối mạnh mẽ, tạo nên những bước thăng trầm. 

Cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh đã thúc đẩy công cuộc Nam tiến của dân tộc, tạo ra một vùng lãnh thổ rộng lớn và cùng với nó là quá trình định cư của lưu dân Việt, quá trình cộng cư của các tộc người trên vùng đất Đàng Trong. Phật giáo đã theo chân lưu dân vào vùng đất mới và được các chúa Nguyễn ra sức hộ trì nên có điều kiện phát triển thăng hoa.

Cùng với Phật giáo của người Việt, người Hoa, Phật giáo của người Khmer cũng phát triển làm cơ sở cho sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người, tạo nên sắc thái mới của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 17I, trong những trận chiến nảy lửa giữa quân đội Tây Sơn với quan quân Nguyễn Ánh, nhiều chùa chiền đã bị đốt phá, triệt hạ, nhất là những ngôi chùa mang đậm những dấu ấn của các chúa Nguyễn. Phật giáo Đàng Trong thời gian này có sự suy giảm so với trước. 

Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lập nên vương triều Nguyễn. Các vua Nguyễn, từ Gia Long, đã một lần nữa lấy đạo Nho làm nền tảng tư tưởng để xây dựng vương triều. Tuy nhiên, một số vua Nguyễn vẫn đến với Phật giáo với tinh thần cởi mở thân thiện, Phật giáo vẫn tồn tại một cách bền vững trong dân gian, và tất cả đã góp phần cho sự chấn hưng Phật giáo nước nhà vào đầu thế kỷ XX.



* Tiến sĩ, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.

[1] Hiện nay vẫn còn một tượng bằng đá cẩm thạch trong chùa Hà Trung. Từ Quảng Đông về, Nguyên Thiều vào chùa Thiên Mụ, một thời gian sau chuyển về chùa Hà Trung. Sư trụ trì 40 năm và mất ở chùa này vào năm Mậu Thân (1728), thọ 81 tuổi.

[2]Bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu”, Thích Giới Hương dịch, Thích Trí Tựu cung cấp, 1994.

[3] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963.

[4] Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, tậpII, NXB. Giáo dục, H, 2005, tr. 156.

[5] Trần Hồng Liên, Góp phần tim hiểu Phật giáo Nam bộ, NXB. Khoa học xã hội, H, 2004, tr.15.

[6] Bấy giờ có hàng ngàn quan dân binh lính và tôn thất họ Nguyễn đến thọ giáo với Thiền sư.

[7] Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Báo Quốc trước có tên là Hàm Long – tên của một cái giếng cổ nằm dưới chân đồi nơi xây chùa.

[8] Theo khảo cứu của J.A. Laborde, thì thời kỳ này sư Hữu Phỉ là người trụ trì ở chùa cho đến năm 1753. Năm 1776, chùa Báo Quốc rơi vào tình trạng đổ nát. Quân Tây Sơn lấy chùa dùng làm kho chứa vũ khí.

[9] Lúc trẻ Nguyên Thiều còn được gọi là Hoán Bích Nguyên Thiều. Ông sinh ngày 18.5 Mậu Tý (1648). Năm lên 19 tuổi, Nguyên Thiều đến quy y ở chùa Báo Tư (Trung Quốc). Thời kỳ này, chúa Hiền Vương thỉnh thoảng có mời các sư ở Trung Quốc sang để tế lễ. Mặc dù không được mời nhưng Nguyên Thiều đã cùng đoàn sư đó sang Việt Nam. Ông sang Việt Nam vào năm 1677 lập nên chùa Anitabha có Mười Tháp ở Bình Định, sau đó vào Huế ở lại trên núi Phú Xuân. Chỗ đông dân cư nhất của làng Phú Xuân vào thời kỳ ấy là phía tả ngạn sông Hương. Còn ở phía hữu ngạn con sông Phú Cam còn có nhiều đất chưa khai phá, ông đi về cuối làng, gần chân núi Ngự Bình dựng am và đặt tên là chùa Vĩnh Ân.

[10] Sư Minh Hoằng người tỉnh Quảng Đông Trung Hoa, theo Thiền sư Nguyên Thiều sang Thuận Hóa, lập chùa Ấn Tông và trụ trì ở đây. Sư là người truyền ấn tâm cho Thiền sư Liễu Quán là người làm nổi bật tông Lâm Tế ở xứ Đàng Trong.

[11] Thời Tây Sơn, Thái sư Bùi Đắc Tuyên không ở trong đại nội mà cùng bộ lại lấy chùa làm căn cứ địa chống chúa Nguyễn. Tây Sơn đổ, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu – vợ vua Gia Long bỏ tiền của trùng tu chùa. Hiện trong chùa còn giữ một quả chuông đồng đúc vào thời Lê Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716).

[12] Sách Đại Nam nhất thống chí quyển 2, phần Quảng Ngãi viết: “Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn, chùa dựng trên gò cao, trước mặt trông ra hồ nhỏ. Hồi đầu bản triều, có sắc cho tên là chùa Viên Tông, quy mô rộng rãi, sau trải bao loạn lạc, chùa bị tàn phá, đến lúc đại định, các tăng đồ mới tu bổ lại. Từ đấy đèn hương rất thịnh, năm Thiệu Trị thứ nhất, đổi tên là chùa Diệu Giác, năm thứ năm người địa phương lại trùng tu, nhà cửa sạch sẽ rộng rãi, giới luật trang nghiêm, nhiều người đến lễ và xin thẻ”.

[13] Ờ phía bắc thành phố Quy Nhơn có một thành cổ tên là thành Đồ Bàn là quốc đô cũ của Chiêm Thành. Phía bắc thành có gò Mười Tháp, chùa tựa vào gò nên gọi là chùa Mười Tháp. Chùa do Thiền sư Hoán Bích xây dựng. Hòa thượng là người Quảng Đông. Từ Trung Hoa tới Đại Việt vào triều Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1680), dừng lại ở đất Đồ Bàn, khai phá núi Mười Tháp xây dựng chùa Phật. Vua Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế triều Lê ban sắc cho biển vàng đặt tên chùa là chùa Di Đà Mười Tháp. Khi dựng chùa, Mười Tháp vẫn còn nguyên vẹn cho nên đặt tên là chùa Mười Tháp. Theo người dân địa phương thì Nguyễn Nhạc khi lấy thành Đồ Bàn làm quốc đô Tây Sơn đã cho phá Mười Tháp.

[14] Khi Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Nguyễn chạy vào Nam, Nguyễn Phúc Dương mượn chùa Kim Chương làm “cung điện” và sắc tứ lần thứ hai, đổi hiệu chùa thành Phổ Quang. Năm 1813, Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ vua Gia Long sắc tứ lần thứ ba đổi hiệu thành Thiên Trường,… Thời Nguyễn, chùa Kim Chương được xem là Quốc tự.

[15] Thiền sư Viên Quang là đệ tử của Hòa thượng Linh Nhạc Nhật Ý, người tạo lập chùa Từ Ân.

[16] Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ, sđd, tr. 30.

[17] Cặp câu đối của nhà sư Thiện Chiếu đặt ở cổng chùa Linh Sơn.

[18] Tổ 4 đời của sư Hương Hải là Trung Lộc Hầu theo Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Quảng Nam, được Nguyễn Hoàng trọng dụng, thăng đến chức Chánh cai quan và dâng sớ để vua Lê phong cho hiệu Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần. Sư Hương Hải đổ Cử nhân và được vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn, sau làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 25 tuổi, sư học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ, được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Tiếp tục tham học với Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan. Sau một thời gian tu thiền ở núi Tim Bút La gần Đại Lãnh, sư trở lại Quảng Nam rồi lại vào đảo Tim Bút La. Nghe danh, chúa Nguyễn Phúc Tần cho mời sư về doanh phủ và lập Thiền Tĩnh viện cho sư hoằng hóa. Do có kẻ ganh ghét, vu cho sư có ý trốn về Bắc theo chúa Trịnh chống Nguyễn, sư bị bắt, tra tấn, nhưng không có bằng chứng nên chúa Nguyễn lệnh cho sư về Quảng Nam. Vì lý do đó, sư đã vượt biển trốn ra Đàng Ngoài.

[19] Dòng Thiền Tào Động cũng được truyền từ Trung Hoa sang. Sự xuất hiện của dòng Thiền Tào Động gắn liền với sự kiện Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Hòa thượng Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh các bậc cao tăng sang hoằng pháp tại xứ Đàng Trong. Trong số các Thiền sư được Nguyên Thiều đưa sang Đàng Trong, nổi bật nhất là Hòa thượng Thạch Liêm và Hòa thượng Minh Hoằng. Hòa thượng Minh Hoằng thuộc dòng Lâm Tế, còn Hòa thượng Thạch Liêm thuộc dòng Tào Động (đời 29 dòng Tào Động Trung Hoa)

[20] Người Khmer đến sinh sống trên vùng đất Nam bộ vào khoảng từ thế kỷ XII. Họ sống thưa thớt trên những giồng cát ven sông hay dọc bờ biển. Hầu hết họ theo đạo Phật Tiểu thừa. Nơi nào có cư dân Khmer sinh sống thì nơi đó có chùa. Ngôi chùa của người Khmer không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi thể sự sùng tín đối với các vị thần của họ. Ở Đồng bằng sông Cửu Long có những ngôi chùa của người Khmer có niên đại từ rất sớm, chẳng hạn ở Bạc Liêu, vùng cực nam tổ quốc có chùa Wott Sêrây Pothi Men Kol (chùa Hòa Bình cũ) được xây dựng từ năm 1556; chùa Bo Pha Ram (Chùa Cái Giá hay Chùa Chót) được xây dựng vào năm 1573; chùa Uhon Maneiya – Porìbriksá (Chùa Ngan Dừa) được xây dựng vào năm 1629,...

[21] Chùa Diệu Giác còn là ngôi chùa duy nhất có sự hiện diện của các thiền sư thuộc nhiều thiền phái khác nhau: Thiền phái Trúc Lâm ở giai đoạn khai sơn chùa, Thiền phái Liễu Quán dòng Lâm Tế ở giai đoạn khởi phát và hưng thịnh và cuối cùng là sự hiện diện của các Thiền sư Lâm Tế của phái Minh Hải ở chùa Thiên Ấn trong giai đoạn về sau.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6561465