Thông tin

TÌM HIỂU MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA HỆ PHÁI KHẤT SĨ

 

YẾN PHƯỢNG

 

 

Giữa thập niên 40 thế kỷ XX tại miền Nam Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện, hình thành một hình thái Phật giáo mới do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, tạo nên một Tông phái Phật giáo đặc thù có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với dân tộc, góp phần chấn hưng Phật giáo nước nhà ở giữa thế kỷ XX, sau đó lan rộng ra các miền Nam Trung Bắc Việt Nam rồi truyền đến tận một số nước như: Mỹ, Úc, Pháp, Canada… Sự xuất hiện Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam như một tất yếu của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ trên nền tảng dung hợp những nét tinh hoa đặc sắc của hai truyền thống Nam - Bắc truyền Phật giáo. Năm 1981, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam chính thức trở thành thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tên gọi chung là “Hệ phái Khất sĩ”.

Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ là cụ Nguyễn Tồn Hiếu, thân mẫu là bà Phạm Thị Nhàn, năm 15 tuổi Ngài qua Cao Miên thọ giáo với ông Lục Tà Keo, sau 4 năm tìm học giáo lý Phật đà trong nạn khói lửa chiến tranh cướp bóc vẫn không thỏa mãn được tâm nguyện, Ngài trở về Việt Nam tiếp tục thực hành giới luật Tăng đồ và nghiên cứu giáo lý Đại thừa.

Mùa xuân năm 1944, Ngài đến vùng biển Mũi Nai - Hà Tiên tu tập, tại đây ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân, Ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát - Nhã” ngược dòng đời cứu chúng sanh, sự kiện bừng ngộ tâm linh trọng đại này lúc Ngài tròn 22 tuổi. Năm 1946, Ngài được một cư sĩ thỉnh về chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ - Mỹ Tho phổ hóa nhân sanh, “tại đây ngày Rằm tháng 4 và Rằm tháng 7 âm lịch 1946, Ngài đối trước Tam bảo thu nhiếp tam nghiệp trong 7 ngày đêm rồi phát nguyện thọ trì Y bát giới Sadi và cụ túc Tỳ-Kheo 250 giới, lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang, với đại nguyện Nối truyền Thích Ca Chánh pháp noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh giải thoát1.

Đầu năm 1947, Ngài thâu nhận và nhiếp hóa hai hàng cư sĩ cùng hai chúng xuất gia, đến năm 1948, khi nhân duyên hội đủ, Ngài rời làng Phú Mỹ, khởi phát chuyến du hành đầu tiên với hơn 20 vị đệ tử trực chỉ vùng Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định… truyền bá giáo pháp. Những lời pháp của Ngài, sau này được kết tập thành bộ Chơn lý gồm 69 đề tài, thể hiện được sự chắt lọc tinh hoa đặc sắc của hai truyền thống Phật giáo Nam - Bắc tông, hình thành hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc, đưa ra con đường trung đạo gần gũi với dân, giúp mọi tầng lớp trong xã hội tiếp cận chân giá trị của đạo Phật.

Sau 10 năm tu tập và hoằng hóa, ngày 1 tháng 2 năm 1954 (Giáp Ngọ), trên đường hành đạo từ Sa Đéc qua Vĩnh Long đến Cần Thơ, Ngài đã “hoan hỷ thuận theo cảnh ngộ vô thường mà trả nghiệp duyên2.

Từ ngày tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng đến nay, trải qua mấy chục xuân đi đông về, các hàng đệ tử của Ngài vẫn cùng nhau một lòng một dạ y lời giáo huấn, gắn công duy trì mối đạo thực hành sứ mạng thiêng liêng cao cả của Ngài, chuyên tâm tu học, mở mang Phật pháp hầu dìu dắt bá tánh nhân sanh để đền đáp ơn Phật và Tổ thầy trong muôn một.

Chơn lý là kim chỉ nam

Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Chơn lý là hiện thân, là dấu ấn, là pháp bảo cao quý mà Tổ sư đã lưu lại cho môn đồ tứ chúng đệ tử Hệ phái Khất sĩ. Trong thập niên 1950, Chơn lý được in thành những tập nhỏ theo từng đề tài với các quyển Võ Trụ Quan, Ngũ Uẩn, Lục Căn, Bát chánh đạo, Ăn chay, Nhập định, Khổ và Vui, Pháp học cư sĩ v.v… để phổ biến rộng rãi cho bá tánh dễ xem đọc và thực hành.

Năm 1961, Pháp sư Thích Giác Nhiên - Tổng Tri sự trưởng của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam cùng các đại đệ tử của Tổ sư kết tập 69 đề tài của từng tập nhỏ lại rồi ấn tống thành bộ kinh với nhan đề Chơn lý.

Năm 1993, Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ đã tái bản lại và tách rời phần giới luật của người xuất gia thành một tập riêng với nhan đề Chơn lý - Luật nghi Khất sĩ, chủ yếu để những vị xuất gia học tập và hành trì, vì vậy Chơn lý chỉ còn 60 đề tài.

Năm 2004, Chơn lý được chư tăng hiệu đính và tái bản lại thành 2 bộ là Chơn lý - Luật nghi Khất sĩ dành cho người xuất gia và Chơn lý 3 tập, mỗi tập 20 bài.

Sau nhiều lần ấn tống với số lượng lớn, Chơn lý vẫn không đáp ứng được nhu cầu xem đọc và nghiên cứu của các độc giả. Năm 2014, nhân đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Tôn đức Giáo phẩm trong 6 giáo đoàn của Hệ phái Khất sĩ cùng nhau chuẩn định bản in mới dựa trên ấn bản xưa nhất trong thập niên 1950, lần ấn tống mới nhất này, Chơn lý vẫn chia thành 2 bộ là Chơn lý - Luật nghi Khất sĩ gồm 9 đề tài dành riêng cho người xuất gia tụng đọc và Chơn lý 60 đề tài được in trên khổ giấy 19x26 cm giúp cho người đọc dễ xem và tra cứu.

Chơn lý là bộ sách giáo lý tập hợp những bài pháp do Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết minh trong 10 năm hoằng hóa độ sanh (1944 - 1954) tại các tỉnh thành thuộc miền Đông - Tây Nam Bộ. Với 69 đề tài, Chơn lý chứa đựng nội dung bao gồm Kinh - Luật - Luận, tóm gọn các tinh hoa của hệ tư tưởng triết lý Phật giáo, rút ra cách nhìn nhận về vũ trụ quan và nhân sinh quan, chứa đựng những giáo pháp cao siêu huyền diệu của đức Phật và đề ra những phương pháp tu tập như Trì bình khất thực, Thiền định chơn tâm trên nền tảng Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Tam vô lậu học… bằng loại ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, rõ ràng, văn khí từ tốn ôn hòa, lập luận êm xuôi với cách diễn giải trực tiếp theo kiểu Tam đoạn luận, thích ứng với hoàn cảnh, cơ cảm, tính cách của người Nam bộ. Với tư tưởng phá mê khai ngộ, đoạn trừ tà kiến, buông bỏ chấp ngã… đề cao vai trò hành trì của mỗi cá nhân, được Ngài giảng giải các vấn đề theo từng ý pháp rành mạch, rõ ràng theo chánh pháp nhà Phật. Đây là bộ sách căn bản của Giáo pháp Khất sĩ, tất cả những vị khất sĩ nào sanh ra trong Giáo pháp này đều phải nương đây để được trưởng thành. Đọc Chơn lý, nghe Chơn lý, học theo Chơn lý, tu như Chơn lý, thì cuộc đời của vị khất sĩ không còn phải lo thiếu sót gì cả. Bởi 7 đạo quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Như Lai đều nằm trọn trong bộ Chơn lý này, vì thế những ai thấy rõ điều này, hằng ngày tin tưởng sống trọn đời với Chơn lý thì ắt đạt được lợi ích cao quý trong hiện tại và tương lai.

Khi xem Chơn lý, ai ai cũng đều thích thú và khâm phục tư tưởng cao thượng, chân chánh, tuyệt diệu của Tổ sư Minh Đăng Quang, bởi kinh điển thời bấy giờ phần nhiều còn nguyên chữ Pali, chữ Phạn và chữ Hán… hơn nữa thời gian tìm đọc nghiên cứu không nhiều, ấy vậy mà Tổ sư đã có thể khéo léo, hệ thống và hình thành các cặp phạm trù căn bản Phật pháp thật logic để giới thiệu rõ ràng, cặn kẽ các nền tảng tư tưởng giáo lý Phật đà đến các tầng lớp trong xã hội, giúp mọi người nhận chân được giá trị cao quý của Đạo Phật.

• Các chủ đề chính trong Chơn lý

- Quan niệm nguồn gốc vũ trụ, nhận thức về thiên nhiên, con người trong mối quan hệ với giáo lý đạo Phật được trình bài trong các quyển: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Có và không, Sanh và tử v.v… nhằm chỉ rõ vạn vật có sức làm cho chúng sanh phải tham lam, sân hận, say mê, độc ác để rồi khổ phạt lấy mình… không biết phương nào giải thoát, vĩnh kiếp không ngừng, nếu may nhờ sự biết thương yêu nhau trong cảnh cùng khổ… tìm xét học hỏi, mới cắt đứt được xích xiềng vô minh, khai vẹt cửa ngục, giải thoát luân hồi.

- Pháp môn và phương pháp tu tập hầu đạt đến thân chứng, thành tựu quả vị qua có các quyển: Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Y bát chơn truyền, Chánh pháp, Nhập định, Số tức quan, Chư Phật v.v… bởi đạo chánh là thiện lành giúp hành giả đạt được chơn như giác ngộ của đạo Phật, vì đắc đạo là đắc Niết-bàn, đắc đời là đắc luân hồi, tức đắc thiên đường hay đắc địa ngục.

- Tông phái và tư tưởng Đại thừa phát triển gồm các quyển: Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô lượng Cam lồ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Phật tánh v.v… kêu gọi mỗi cư sĩ đều có bổn phận phải xuất gia, mỗi tăng sư đều có phận sự dung hòa giữ giới, chỉnh đốn tăng đoàn, khắc nghiêm giới hạnh hầu chấn hưng Phật giáo.

- Tư tưởng, hành động và Nhơn quả có các quyển: Công Lý Võ trụ, Giác ngộ, Khuyến tu, Tu và nghiệp, Hột giống, Con Sư tử, Sám hối v.v… để chỉ rõ  cái khổ, cái chết làm cho tâm chúng sanh lần lần trở nên giác ngộ giải thoát.

- Đời sống đạo đức có quyển: Trường đạo lý, Nguồn đạo lý, Đời đạo đức, Xứ thiên đường v.v… nhằm xây dựng một đời sống an lành và hạnh phúc.

- Giới luật và những pháp học căn bản của Tăng - Ni Khất sĩ thì có các quyển: Bài học Khất sĩ, Luật nghi Khất sĩ, Bài học Sa - di, Pháp học Sa - di quyển I, II, III, Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni v.v… giúp các vị xuất gia diệt được lòng ham muốn, có được rào cản an toàn của giới luật, thoát khỏi trói buộc phiền não vô minh vọng động để sống bằng chơn như trí tuệ, an lạc thông thả, rảnh rang không còn tạo nghiệp, dứt luân hồi, sanh tử khổ.

- Bài học căn bản cho cư sĩ có: Cư sĩ, Bài học cư sĩ, Pháp học cư sĩ v.v… hướng dẫn người cư sĩ làm việc thiện lành đoạn tuyệt điều ác, giữ mình theo lẽ chánh. Nghe nhiều học rộng, thông suốt phận sự, nuôi sống bằng nghề chẳng lẫn lộn nghiệp dữ, thân cận bậc trí tuệ, tôn kính bậc nên tôn kính…

Đọc qua Chơn lý, hầu như mọi người đều cảm nhận những lời chỉ dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang rất sâu sắc, rộng rãi, đúng lý, hợp tình có thể ứng dụng bất cứ nơi đâu. Bởi nội dung không ngoài “một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp… các việc lành là để trau dồi tâm, vì tâm làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả, ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch…”3. Tất cả được trình bày với thể văn đa dạng như kinh văn xuôi, kệ tụng, liệt kê pháp số, trình bày điều luật, luận giải pháp lý, vấn đáp, cáo bạch, nêu thí dụ trong đạo ngoài đời, mô tả cảnh lý tưởng, khuyến khích người tu hành…

Ngoài ra, Tổ sư còn xây dựng phương pháp hành trì cho Tăng - Ni qua hình thức du hành khất thực, thiền định chơn tâm trên nền tảng giáo lý Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Tam vô lậu học v.v… để duy trì mối đạo và khuyến khích hàng đệ tử nỗ lực tu tập nhằm chuyển hóa vô minh phiền não đạt được thể tánh thanh tịnh sáng suốt. Cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã đánh giá rằng: “Ngài là bậc Thánh mới viết được như thế4, nếu ngài không phải là bậc đạt đạo, thì khó có thể viết ra được bộ sách vĩ đại này. “Năm 1995, Lê Trung Trực, một mục sư của Hội Thánh Siêu hình học Quốc tế đã nghiên cứu bộ Chơn lý và viết ra một quyển sách luận về các điểm đặc sắc của Chơn lý qua tầm nhìn của một tiến sĩ thần học có tựa đề Tìm hiểu Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang5.

Với hơn 394.000 từ gói gọn trong 69 đề tài, Chơn lý là một bộ sách bề thế, là kim chỉ nam, là kho tàng gia bảo vô giá và là món ăn tinh thần cho tất cả đại chúng, nó không còn là của riêng giới học giả hay bất kỳ ai, bởi những giá trị đặc sắc vô cùng cao quý đã được mọi người khẳng định như một dấu chấm son đậm nét của sự thành công trong lãnh vực tư tưởng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX.

Kiến trúc

Đa phần các nơi thờ phượng của Hệ phái Khất sĩ đều có tên Tịnh xá, danh từ Tịnh xá được dịch từ tiếng Phạn “Vihāra” có nghĩa là trú xứ thanh tịnh, u tịch, nơi ở của các vị Sa-môn, Bà-lamôn tu tập để giác ngộ giải thoát, không phân biệt đó là truyền thống nào. Các dịch giả Trung Hoa dịch là “Tinh xá”, Cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Đại tạng kinh từ Pali sang tiếng Việt cũng dùng từ “Tinh xá”, như Tinh xá Kỳ Hoàn, Tinh xá Trúc Lâm, v.v… Một số bản kinh Đại thừa do các dịch giả dịch từ chữ Hán sang Việt ngữ cũng dùng từ “Tinh xá” hoặc “Tịnh xá”. Tuy đều đồng nghĩa là tinh khiết và trong sạch như nhau, nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang lại dùng từ “Tịnh xá” để dễ hiểu và gần gũi với quần chúng nhân dân, điều này cũng thể hiện quan điểm Việt hóa kinh điển của Ngài. Nói chung, Tịnh xá là nơi thờ phượng, nơi thanh vắng trong sạch, nơi lý tưởng dành cho Tăng ni tu hành, tham thiền nhập định và lưu trú…

• Danh hiệu của tịnh xá

Danh hiệu của tịnh xá thường có hai chữ, chữ Ngọc đứng đầu là để ẩn dụ rằng tịnh xá là ngôi đạo tràng, là nơi hoằng hóa đạo đức, lợi lạc quần sanh, có giá trị như viên ngọc quý trong thế gian. Chữ thứ hai, là dùng từ liên hệ đến giáo pháp, hay diễn tả quan điểm đạo đức, hoài bão, chí nguyện của vị khai sáng như: Ngọc Pháp, Ngọc Tâm, Ngọc Thiền, Ngọc Viên, Ngọc Phương, Ngọc Đăng, Ngọc Hạnh, Ngọc Tịnh v.v… Hay dùng tên địa phương của khu vực đó để đặt khá ấn tượng, khi nhắc đến tỉnh thành nào thì mọi người nghĩ ngay ở đó có tịnh xá mang tên như: Tịnh xá Ngọc Tiên ở Hà Tiên, Tịnh xá Ngọc Phụng và Ngọc Hiệp ở Phụng Hiệp, Tịnh xá Ngọc Bình và Tịnh xá Ngọc Dương ở Bình Dương, Tịnh xá Ngọc Long và Ngọc Khánh ở Long Khánh, Tịnh xá Ngọc Đà ở Đà Lạt, Tịnh xá Ngọc Kỳ ở Tam Kỳ, Tịnh xá Ngọc Nhơn ở Quy Nhơn, Tịnh xá Ngọc Điểm ở Bà Điểm, Tịnh xá Ngọc Hòa ở Biên Hòa, Tịnh xá Ngọc Điền ở Long Điền, Tịnh xá Ngọc Hải ở Long Hải, Tịnh xá Ngọc Vinh ở Trà Vinh v.v…

Ngoài ra, còn có một vài nơi không đặt tên theo hai cách trên, mà đặt tên theo ý nghĩa nhân duyên của trụ xứ hay tên nhằm nói lên chức năng của ngôi tịnh xá, hoặc tên của chư Tổ của một bộ kinh như: Tịnh xá Mộc Chơn, Tịnh xá Trung Tâm, Tịnh xá Trúc Lâm, Tịnh xá Kỳ Viên, Tịnh xá Kỳ Hoàn, Tịnh xá Liên Hoa, Tịnh xá An Lạc, Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh xá Ngọc Uyển, Tịnh xá Huệ Quang, Tịnh xá Ngọc Thuận, Tịnh xá Ngọc Kinh, Tịnh xá Ngọc Luận, Tịnh xá Ngọc Luật, Tịnh xá Ngọc Nhẫn, Tịnh xá Phước Đồng, Tịnh xá Đức Niệm, tịnh xá Phú Cường, Tịnh xá Long Đức, Tịnh xá Phụng Hoàng, Tịnh thất Hoa Nghiêm, Tịnh thất Bình Đẳng, Tịnh thất Thanh Bình, Tịnh thất Linh Sơn, Tịnh thất Thiên Minh, v.v…

• Mô hình của Tịnh xá

Đa phần các ngôi tịnh xá được thiết kế hình bát giác nhằm thể hiện nét đặc trưng độc đáo của Hệ phái Khất sĩ và nêu cao tính sáng tạo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Với lối thiết kế thông thoáng, mở rộng các cửa không theo mô hình chùa tháp của xứ sở hay tông phong pháp phái nào mà vẫn tôn lên nét đặc trưng của nghệ thuật, văn hóa tín ngưỡng của Phật giáo và truyền thống tâm linh người dân Nam bộ.

- Khuôn viên tịnh xá từ ngoài nhìn vào là đài đức Quán Thế Âm và cội Bồ đề xum xuê cành lá, tượng trưng cho bản tánh thân thiện, tao nhã vươn lên trong mọi nghịch cảnh của người tu sĩ cùng sự phát triển và thành tựu của tịnh xá. Chánh điện hình bát giác nằm ở chính diện mang tính hệ thống đồng nhất cao, bên trên có cổ lầu tứ giác và ngọn đuốc sen, bên trong là Tam bảo, nối tiếp nhà thờ cư gia tạo sự thuận tiện cho bá tánh lễ Phật và viếng người thân quá vãng, bên phải có cốc chư tăng, bên trái là giảng đường, nhà thọ trai… Vào những năm mới thành lập Giáo hội, Tổ sư phát họa “tịnh xá… phải xa nhà bá tánh trăm thước, trống trải giữa trời, không trồng bông trái. Xa núi, xa chợ, cảnh giữa vườn rừng, đó mới là nơi thiền định đáng làm chỗ trụ. Đất rộng trăm thước, không thú dữ, xa tôn giáo, tránh binh gia, gần xóm người hiền, tránh xa trộm cướp, chẳng cận đường đi… chỉ cất dùng cây, ván, lá. Cốc phải lót sàn, xa mồ mả trăm thước... Chung quanh có hàng rào cao hai thước làm ranh… sáng 7 giờ mở ra, chiều 5 giờ đóng lại, để yên cho sư tu tịnh6. Ngoài ra còn có nhà nghỉ chân cho Chư ni và thiện nam tín nữ, phía sau còn có nhà để đồ của giáo hội, nhà trù…

- Trong cách bày trí, chánh điện luôn là tâm điểm của tịnh xá có hình bát giác, Tam bảo nằm ở giữa có 3 bậc vuông 4 gốc thờ độc nhất Tôn tượng đức Phật Bổn sư Thích Ca trong tư thế kiết già “toát lên vẻ trang nghiêm hùng vĩ, đáp ứng được nhu cầu tâm linh thời đại về tín ngưỡng, dễ thu hút lòng tin khi chiêm bái, hành lễ, tạo được sự chủ mục tập trung7, bên trên là tháp gỗ 13 tầng, sau chánh điện là bàn tưởng niệm và di ảnh Tổ sư khai sáng Hệ phái, nối theo chánh điện là nhà thờ Cửu huyền ở giữa có tôn tượng đức Địa Tạng Vương Bồ tát trong thế đứng dung dị, đầu đội mũ Tỳ lưu quán đảnh, thân khoát ca - sa, tay phải cầm tích trượng tay trái cầm viên minh châu nói lên thệ nguyện của ngài: “Tôi nguyện từ nay dẫn đến đời vị lai, những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng nó được giải thoát,8 hương linh nam nữ Phật tử đặt hai bên với mục đích duy trì tục thờ cúng Tổ tiên cùng sự khao khát giải thoát của các vong linh đang trầm luân trong cảnh giới khổ đau, là nơi để mọi người tưởng niệm và báo ân các đấng sinh thành, thể hiện nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh người dân Nam bộ. Nói chung tịnh xá là nơi thờ phượng, là trú xứ để Tăng ni tu hành, nơi thuyết giảng giáo lý và là nơi hướng dẫn cư sĩ phật tử tu tập theo chánh pháp, với tinh thần “sống chung tu học”.

(Còn tiếp)

 


1. Hệ phái khất Sĩ, 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2014, tr. 12.

2. Khi đến phà Cái Vồn, lúc xe dừng lại chờ qua Cần Thơ thì một đại úy dẫn một tiểu đội lính Hòa Hảo đến mời Ngài về dinh Trung tướng Trần Văn Soái có việc, từ đó Tổ sư Minh Đăng Quang “vắng bóng” đến nay. 

3. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr. 880.

4. Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (chủ biên), Hệ phái Khất sĩ quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 781.

5. http://anhnhiendang.com/Chi-Tiet-Dao-Phat/223/Khao-Cuu-Bo-Chon-Ly.htmlý Đăng ngày 24/1/2014

6. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nxb Tôn giáo, H, 2004, tr. 55.

7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, Nxb TP. HCM, 2002, tr. 180.

8. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện - phẩm 1, Nxb Tôn giáo. H, 2007, tr. 32.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 50
    • Số lượt truy cập : 6450152