TÌM HIỂU NHẬN THỨC THỰC NGHIỆM CỦA PHẬT GIÁO
TÌM HIỂU NHẬN THỨC THỰC NGHIỆM CỦA PHẬT GIÁO
VŨ BẢO TUÂN[1]
Đạo Phật không phải là một tôn giáo đơn thuần theo nghĩa thần khải mà là con đường thực nghiệm tâm linh để khám phá thực tại, là tôn giáo bao quát cả mọi phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Pháp mà đức Phật nói ra mục đích giúp mọi người tự thực hành để nhận ra chân lý, dứt bỏ tà kiến, giải thoát an lạc. Đức Phật luôn khích lệ hàng đệ tử phải phát huy trí tuệ và năng lực giác ngộ tự thân, không nên có niềm tin mù quáng, phải suy niệm và thẩm định kỹ càng trước mọi vấn đề. Theo Phật giáo, sự giác ngộ nằm ngay nơi con người chứ không phải ở bất kì ai, bất kì nơi đâu. Trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi bộ, và nhiều bản kinh khác Phật đã chỉ dạy rất rõ về vấn đề này.
1. Giới thiệu về nhận thức luận trong Phật giáo
Nhận thức luận (Epistemology) là khoa học nghiên cứu về tri thức. Trong đó, nhận thức tạm được hiểu là “quá trình phản ánh và tái tạo lại hiện thực ở trong tư duy của con người, được quyết định bởi những quy luật phát triển xã hội và gắn liền không thể tách rời với thực tiễn” [3, tr. 813]. Còn nhận thức luận Phật giáo là một bộ phận của triết học Phật giáo, nghiên cứu về nguồn gốc, bản thể, phạm vi, giá trị, phương pháp tư duy của trí óc, của tâm thức theo quan điểm Phật giáo.
Nghiên cứu về nhận thức luận Phật giáo phải kể đến Nhân minh học (Logic học) với Nhận thức luận và Tam đoạn luận. Trong đó, Nhận thức luận đóng vai trò là chủ yếu, Tam đoạn luận chỉ giữ vai trò thứ yếu. Vì mục đích của Logic học Phật giáo là nghiên cứu các nguồn gốc của nhận thức. Triết học Phật giáo chỉ thừa nhận có hai loại nhận thức. Đó là nhận thức trực tiếp và nhận thức gián tiếp, hay còn gọi là hiện lượng và tỷ lượng. Nhận thức đúng đắn gọi là tự ngộ. Cách diễn đạt nhận thức đó cho những người khác một cách logic, có sức thuyết phục gọi là ngộ tha. Điều này vô cùng quan trọng và mang tính quyết định đến việc nhận thức đúng hay sai. Muốn nhận thức được đúng đắn để giải quyết khổ đau, thực thi được hiện tại lạc trú theo Phật giáo "trí tuệ là yếu tố tiên quyết để vượt khổ, trừ mê, là sự bình an trong kiếp sống hiện tại và mai sau" [7, tr. 79].
Phật giáo cũng cho rằng, có hai con đường nhận thức nhằm đạt đến chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Con đường thứ nhất là con đường của nhận thức thông thường mang tính hướng ngoại. Vì loại này dựa vào kinh nghiệm và khái niệm về thế giới hiện tượng bên ngoài. Phật giáo coi trọng nội quán, coi đây mới là phương thức khả thi nhất làm cho tâm bình lặng, “nhờ tâm bình lặng mà nhìn thấy được sự vật như chúng tồn tại... tâm bình lặng thì dục vọng, tham đắm do thế giới khách quan gây ra cũng không chi phối được tâm” [1, tr.56-57], tức đạt tới giải thoát. Như vậy, nhận thức luận nội quán chính là lý luận về Bát-nhã của Phật giáo mang tính trực giác. Tư duy hướng nội của Phật giáo không chỉ là một sản phẩm đặc thù của lịch sử tư duy Ấn Độ, mà còn là một trong những đặc trưng nổi bật của tư duy phương Đông.
Cũng theo Phật giáo, có bốn phương thức nhận thức chân thật. Và Phật thuyết về Tứ diệu đế làm nòng cốt cho nhận thức luận Phật giáo để nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, cũng như tiến trình nhận thức của con người. Tứ diệu đế đã quyết định hướng tư duy của toàn bộ giáo lý Phật giáo là nhằm vào con người hướng nội, mà ở đó bản thể của vũ trụ gắn liền với bản thể của con người ở tầm phổ quát, thể hiện qua các phạm trù duyên khởi, vô thường và vô ngã. Trong đó, Đạo đế nhấn mạnh Bát chánh đạo là con đường tám nhánh để tu dưỡng thân tâm. Bát chánh đạo không tách rời trí tuệ, đạo đức và niềm tin theo quy trình trở về bên trong. Đó là trở về với cái ban đầu của mọi cái, trở về vô ngã, về không, về với chân như, Phật tánh. Nhận thức được nguyên lý của Bát chánh đạo hay chính là con đường chánh trí đưa đến an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tịnh lạc giải thoát cho tương lai.
Phật giáo cũng phân biệt hai loại nhận thức. Một loại là nhận thức cảm quan, tức là loại nhận thức trực tiếp bằng mắt, tai, mũi... Thứ hai là nhận thức gián tiếp thông qua khái niệm, phán đoán, suy luận. Nhận thức Phật giáo thực chất là nhận ra bản thể, chân tâm của chính mình, tức giác ngộ. Để đạt được mục đích đấy, người học đạo phải tự mình chứng ngộ lấy chân lý thông qua con đường trực giác. Trong thực tế, Phật giáo, như một tổ chức xã hội đang thừa hưởng nhiều thành tựu khoa học có giá trị cao, là kết quả đích thực của nhận thức lý tính.
2. Khảo sát nhận thức thực nghiệm trong Kinh Kalama
Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ Kinh I, là cuốn kinh hiện nổi tiếng khắp phương Tây. Nội dung bài kinh đề cập đến việc đức Phật khuyến cáo những người thuộc bộ tộc Kalamas không nên dựa vào những căn cứ sai lầm để chấp nhận một chủ thuyết là chân lý. Phật khuyến cáo người Kalamas chỉ nên tin là đúng đắn khi những điều mà qua thực nghiệm bản thân thấy rằng điều ấy đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người, và hãy làm theo điều ấy. Trái lại, nếu là những điều mà qua thực nghiệm của chính bản thân, nếu thực hành thì sẽ đem lại đau khổ cho mình và cho mọi người, thì dứt khoát đó là điều sai lầm, phải dứt khoát vứt bỏ.
Trong Kinh Kalama, đức Phật khuyên người dân Kalama đừng vội tin điều gì chỉ vì: được nghe đi nghe lại nhiều lần, vì đó là truyền thống, vì nghe đồn đại, vì được ghi trong kinh điển, vì phỏng đoán, vì đó là tiên đề, vì đó là lý luận có vẻ hợp lý, vì dựa theo ý kiến chủ quan đã được cân nhắc, vì người ấy có vẻ là người có khả năng, vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Bài kinh được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về tự do trạch vấn", vì trình bày cách thử nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi giáo Pháp của những người muốn sống hướng thượng, yêu mến trí tuệ, yêu mến chân lý và nghiêm túc thực hành.
Kinh Kalama đã toát yếu nhận thức luận Phật giáo về chánh kiến. Bởi sau khi nhận dạng các sai lầm trong tranh luận, kinh triển khai về các loại hiểu biết cần thiết cho để giúp cho mỗi người có thể có tự quyết định một cách thích hợp nhất. Vì Phật cũng nhấn mạnh, nếu khi nào tự mình biết rõ các pháp nào là thiện, các pháp nào là tốt, được các người có trí tán thán, đưa đến lợi ích và tốt đẹp thì mọi người hãy nên tin nhận và thực hành. Phật dạy, phải cân nhắc đến những hậu quả có thể xảy ra của một quyết định. Vì hậu quả của quyết định sẽ chứng tỏ là nó sai hay đúng. Phật không khuyên nên coi nhẹ lợi ích của bản thân mà phải lợi ích cho bản thân và cả những người liên quan. Và chính việc học hỏi các quan điểm của người trí sẽ giúp chúng ta có những quyết định chính xác. Đức Phật cũng giải thích rằng sự khích lệ từ các vị thiện tri thức và sự bác bỏ hoặc khiển trách từ các vị thánh thiện là những công cụ quan trọng để ta đánh giá sự sáng suốt của một quyết định. Bất cứ ai có khả năng lý luận sáng suốt và chế ngự được tham và sân là các bậc thiện tri thức.
Như vậy, Kinh Kalama nói lên tinh thần giác ngộ của đạo Phật và muốn giác ngộ phải nhận thức đúng, phải có trí tuệ. Trí tuệ là thành quả của sự nghe học (văn), sự suy nghĩ (tư) và thực nghiệm (tu). Vì thế, nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại. Trái lại, tiếp nhận ý kiến người khác một cách khách quan, quan sát sự vật một cách như thật là điều kiện cần thiết để phát triển trí tuệ. Cho nên, Kinh Kalama là bản kinh nêu cao tinh thần không mê tín, không cuồng tín, không giáo điều, rất sáng suốt. Bản kinh đề cao việc chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho người dựa trên trí tuệ, từ bi, nhận thức đúng và lập trường đúng đắn. Phật khuyến thuyết mỗi người hãy nên tinh tấn thực hành từ bi hỷ xả, dứt trừ tham sân si, để được hạnh phúc, bình an.
3. Một số bản kinh Phật liên quan đến vấn đề nhận thức dựa trên thực nghiệm
Ngoài Kinh Kalama (Tăng Chi 3.65) còn có các bản Kinh Sangarava (Trung Bộ, số 100), Kinh Canki (Trung Bộ, số 95), Tăng Chi (IV, 173), Pháp Cú (195, 254), Kinh Đại kinh bốn mươi (Trung Bộ, số 117), Kinh Thân hành niệm (Trung Bộ, 119), Kinh Chánh tri kiến, Kinh Mật hoàn (Trung Bộ, 18), Kinh Phạm Võng (Trường Bộ, số 1),v.v... đức Phật đều đề cập khi nhận thức phải dựa trên thực nghiệm và nhận thức Phật giáo vượt ngoài cái biết, cái thấy của thế gian, tùy theo sức tu của từng người để thấy ra chân lý để được an vui mình và lợi lạc người.
Ví dụ, Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ, Phật dạy về giới luật, nội dung bao trùm hết tất cả 62 kiến chấp và đề cập đến các pháp cao siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến chấp. Các kiến chấp sai lầm này Phật chỉ ra là do lời nói (khẩu nghiệp), hành động (thân nghiệp) và ý nghĩ (ý nghiệp) gây nên; hay nguyên nhân vướng vào các kiến chấp là sự bám víu vào các kinh nghiệm do sự xúc cảm của các căn gây nên các cảm thọ, rồi từ thọ đến ái, từ ái đến thủ (tức là sự chấp thủ). Tiến trình nhận thức bắt đầu từ các giác quan và có khuynh hướng nhiễm ô do vọng niệm hý luận chấp thủ về các pháp trong quá khứ, hiện tại, vị lai, làm sinh khởi các tùy miên bất thiện như tham, sân, nghi. Cho nên Phật khuyên các Tỳ-kheo khi nghe ai hủy báng Phật, Pháp, Tăng chớ nên tức tối, phiền muộn. Ngược lại, khi nghe lời tán thán ba ngôi Tam bảo cũng chớ có quá hoan hỉ mà phải nói lên sự thật cho họ biết.
Có thể thấy, Phật giáo là nền luân lý giáo dục nhân bản trên định hướng tốt đẹp cho cá nhân và cộng đồng. Ở nền tảng căn bản, hững hành động nào liên quan đến tham, sân và si là xấu và những hành động vô tham, vô sân, và trí tuệ (Paññā) là tốt. Những hành động tốt rất cần cho việc tu tập. Nhưng một khi hành giả đã thành tựu mục tiêu giải thoát tối thượng rồi, thì hành giả vượt ra ngoài cái tốt, cái xấu (như hành động của một vị A-la-hán vô tác nghiệp). Và con đường nhận thức đúng với Trung đạo trong Bát chánh đạo được bắt đầu bằng chánh kiến. Chánh kiến tức là nhận thức đúng, là loại bỏ những tà kiến sai lầm, những chấp thủ vào những tà thuyết, là giúp con người tự tỉnh thức để thoát khỏi "ngã chấp", thoát khỏi tham - sân - si, khơi nguồn cho hạnh phúc, giải thoát. Vì vậy, đạo Phật là con đường kiến tạo xã hội an bình, thịnh vượng, xây dựng con người hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại, giành cho người trí, đến để mà thấy, và là quả Niết-bàn tối thượng trong tương lai.
4. Nhận thức Phật giáo đề cao niềm tin dựa trên trí tuệ tự kiểm chứng
Các vị giáo chủ cùng thời với đức Phật hầu hết đều biện minh cho quan điểm của họ đề xướng, trong khi các vị chưa chắc đã biết quan điểm của họ là đúng và quan điểm của kẻ khác là sai lầm. Đức Phật thì không, Phật khuyến khích các đệ tử của hãy quyết định đúng đắn dựa trên trí tuệ, tức là “Hãy tự biết mình”. Phật khẳng định việc tiếp nhận hay bác bỏ các tư tưởng, nghi thức cần phải dựa trên chánh kiến. Vì thế giới hiện tượng chỉ là ảo ảnh của bản thể, là vô thường nên lý tính nhận thức về thế giới này chỉ đạt tới chân lý tương đối. Tất cả mọi điều, đều phải được phân tích nghiêm túc bằng lý trí, phải thực nghiệm nghiêm túc qua hành động thực tiễn. Nếu Tiến sĩ Max Müller nhận xét: "Tôn giáo được xây dựng trên niềm tin ở thần quyền, xưng tội, cầu nguyện, tế lễ và hy vọng vào một sự sống vĩnh hằng trong tương lai" [4, tr.7] thì đức Phật lại dạy con người chính là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Nhận thức Phật giáo nêu cao thông điệp từ bi và trí tuệ, tạo phúc lành cho chính mình bằng giúp đỡ và đem lại bình an cho người khác. Luân lý Phật giáo là nền giáo dục ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm cá nhân. "Nền luân lý không tín điều và áp đặt, mà ý thức trách nhiệm về hành vi luân lý, đạo đức, không để mắc phải những sai lầm về thân - khẩu - ý. Mỗi cá nhân tự trau dồi nhân cách với động cơ ý thức hơn sự ràng buộc của pháp luật; vì họ ý thức được rằng cho dù có kỷ xảo, điêu ngoa để chạy trốn pháp luật nhưng cũng không thể trốn chạy được lương tâm và nghiệp quả của mình” [5, tr.291]. Như vậy, theo Phật giáo, hạnh phúc hay khổ đau trong kiếp sống hiện tại và tương lai đều tùy thuộc vào những ý nghĩ và hành động trong kiếp sống quá khứ hay bây giờ của chính bản thân mỗi người mà không phải một đấng siêu nhiên nào có quyền ban phước giáng họa.
Nhận thức Phật giáo còn là nhận thức về chân lý thực tại với việc đề cao nguyên lý duyên sinh vô ngã. Đức Phật nhiều lần xác quyết: "Này các Tỳ kheo, dầu chư Phật có xuất hiện hay không xuất hiện, có một sự kiện, một chân lý nhất định, một định luật tự nhiên là tất cả các pháp vô thường (aniccā), khổ não (dukkha) và vô ngã (anattā)" [6, tr.64]. Với đạo Phật, chân lý là thực nghiệm, giác ngộ và giải thoát là hệ quả hiển nhiên khi con người không còn si mê. Do đó, đức Phật không độc quyền chân lý giác ngộ. Khi đề cập đến chân lý, Phật nói: “Như Lai không hề có bàn tay nắm lại của một ông Thầy còn muốn giữ lại điều gì" [2, tr.267]. Phật khích lệ mỗi người hãy tự thân chứng, tự thể nhập và tự chứng nghiệm, Phật chỉ là một bậc Thầy chỉ đường, đi hay không là tùy duyên nghiệp của mỗi người. Đức Phật rất tin ở khả năng của con người tự mình giác ngộ và giải thoát. Đức Phật luôn dạy đệ tử phải biết tư duy và thẩm định về giáo pháp, ngay cả những lời dạy của Ngài. "Chánh kiến" và "Chánh tư duy" là nền tảng cho tuệ phát sinh, xác chứng được sự thật của sự vật, để phá trừ "ngã chấp" và "khổ đau".
Nhận thức luận Phật giáo nhấn mạnh đến các yếu tố tâm lý, khác với thực nghiệm luận trong triết học phương Tây. Nhận thức đúng “là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn" [1, tr 56-57]. Theo đạo Phật, việc phân tích và suy lý chỉ tiệm cận được hiện tượng chứ không thể đạt tới bản chất đích thực. Phật khuyên phải biết lựa chọn, nghĩa là biết từ bỏ và chấp nhận. Từ bỏ những điều bất thiện phát xuất từ động cơ tham sân si và thể hiện qua những hành động ngôn ngữ tổn hại như giết người, trộm cướp, tà hạnh, dối trá, và say sưa. Thực hiện những điều thiện giữ gìn tâm trí sáng suốt, nên sống đẹp rộng theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả. Phật khuyên, hãy nhìn vào trạng thái tâm của người đã từ bỏ các hình thức lý luận ngụy biện. Tức là khi đó họ đã vượt được lên trên những ràng buộc của xã hội, văn hóa, tôn giáo và sách vở để sống với chân lý thực nghiệm theo lý tưởng mà họ hướng đến.
KẾT LUẬN
Như vậy, nhận thức thực nghiệm của Phật giáo được nói rõ trong rất nhiều bản kinh. Qua đó, đức Phật muốn cho chúng sanh thấy được giáo pháp của Ngài không phải là một học thuyết để lý luận, mà là một chân lý thực nghiệm, phản ánh về sự thật của cuộc đời là "khổ và con đường diệt khổ". Chân lý này nằm ngay nơi lòng người chứ không phải ở đâu xa. Ý nghĩa của nó nằm ngay nơi sự sống của con người đang diễn ra bây giờ và tại đây. Cho nên, nhận thức thực nghiệm Phật giáo luôn được mọi thời đại tiếp cận và ứng.
Qua các bản kinh, nhất là Kinh Kalama, vấn đề nhận thức niềm tin dựa trên trí tuệ được đặt lên hàng đầu. Vì Phật giáo là nền luân lý giáo dục có sự soi sáng của trí tuệ, không bao giờ chấp nhận tính quy chiếu của tập quán hoặc quyền lực áp đặt bắt phải tin theo mà không cần thẩm định. Phật dạy chúng ta không nên chấp nhận một thuyết, quan điểm trên cơ sở lập luận đơn thuần. Nhận thức đúng đắn là nhận thức dẫn tới hành động thành công, có hiệu quả.
Lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất thực tế và khế hợp với mọi hoàn cảnh. Để có một nhận thức đúng đắn đối với thế giới khách quan phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn của bản thân và của cả nhân loại từ khi nó xuất hiện trên trái đất này. Vì vậy, trên 2.000 năm xuất hiện tại Việt Nam, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và hiện đang được thế giới đề cao.
Tài liệu tham khảo
1. Thích Minh Châu (dịch, 1972), Trường Bộ Kinh (Digha-Nikaya), Nxb Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
2. Nārada Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh (dịch, 1998), Nxb Tôn giáo.
3. Cung Kim Tiến (2002), Từ điển triết học, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
4. Tư tưởng Đại học Vạn Hạnh, số 2, năm V, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1972.
5. Thích Chơn Thiện (1997), Phật Pháp khái luận, Nxb Phương Đông.
6. Thích Tâm Thiện (2000), Những vấn đề căn bản trong triết học Phật giáo, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
7. Thi Vũ (dịch và chú giải, 1973), Kinh ruột tuệ giác siêu việt,Nxb Paris.
[1] Th.S Triết học
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết