TÌM HIỂU PHIỀN NÃO TRONG TRUNG BỘ KINH
THÍCH NỮ HẢI LIÊN
Là con người ai cũng có nỗi khổ niềm đau. Trong cuộc sống “vui ít khổ nhiều”, những cảnh trái ý nghịch lòng được tiếp nhận qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gây nên những trạng thái tâm lý bất an, làm ô nhiễm tâm. Những vị ngọt hấp dẫn của dục trần làm tâm người mê đắm bị chúng cuốn hút, sai sử, hành động sái quấy. Phật giáo gọi là phiền não, lậu hoặc, kiết sử.v.v... An lạc giải thoát chỉ đạt được khi tâm thoát khỏi sự chi phối của những phiền não. Do đó, sự tìm hiểu về phiền não là việc cấp thiết cho những ai muốn lìa khổ được vui.
Từ hơn 2500 năm qua, vào thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã nhận thấy phiền não là nhân sanh tử luân hồi, Chính vì thế, trong Tam tạng kinh điển, Ngài đã từng thuyết giảng cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia về phiền não. Ngõ hầu, giúp chúng ta nhận chân ra phiền não. Từ đó, tâm nhiễm ô vốn có sẵn gốc rễ trong tâm của mỗi con người, được chuyển hóa thành tâm thanh tịnh qua quá trình tu tập thanh lọc tâm: Thoát khỏi sự chi phối của phiền não, lậu hoặc.
Phiền não là gì? Theo Bách khoa toàn thư: Phiền não (Pàli: kilesa. Hán Việt: kiết lê xá) là trạng thái tâm thể hiện sự ngộ độc của con người đối với ba độc tố tham, sân, si. Khiến con người bị trói buộc mãi mãi trong vòng luân hồi. Khi nào thanh lọc tất cả phiền não thì con người mới vượt thoát khỏi vòng sanh tử tử sanh1
Trong Phật giáo Nguyên thủy, phiền não được gọi với các tên gọi khác nhau như lậu hoặc (àsavà), bạo lưu (oghà), ách phược( yoga), triền cái (nivarana), kiết sử (thắng thúc).
- Lậu hoặc (àsavà): từ ngữ à + √su= chảy. Các pháp này được gọi vậy là vì chúng tràn ngập tất cả đời sống2, lậu hoặc tuôn chảy thấm ướt cùng khắp trong các cảnh giới. Lậu hoặc còn có nghĩa thứ hai là sự lên men, ví như sự lên men rượu, quá trình lên men có chất cồn phát sanh, ngụ ý là làm mê say, dẫn dắt con người vào vô minh. Lậu hoặc còn được diễn giải theo âm Hán Việt là: Lậu có 3 nghĩa:
Nghĩa thứ nhất là chảy ra. Chất chảy ra ở đây được hiểu là phiền não chảy ra qua sự tiếp xúc của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng hữu tình) với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp).
Nghĩa thứ hai là lưu lại, rơi rớt lại. Ý chỉ lậu hoặc là tác nhân làm cho chúng hữu tình bị lưu lại trong ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới, không thể giải thoát an vui.
Nghĩa thứ ba: Lậu là sót mất. Vì do còn lậu hoặc nên chúng hữu tình bỏ mất thực hành Bát chánh đạo, để đi đến giác ngộ.
Hoặc: là mê mờ. Do tham đắm cảnh trần nên tâm điên đảo vọng tưởng. Nhận biết cảnh mê lầm mà sanh khởi phiền não.
- Bạo lưu, bộc lưu (oghà): Từ ngữ nguyên ava+ √han, nghĩa là hại hay giết. Lậu hoặc ví như dòng đại thủy triều lôi cuốn trôi dạt ra biển và nhấn chìm xuống đáy sâu hoặc bị thương nặng hoặc bị chết chìm. Cũng vậy, các oghà này cuốn phăng chúng sanh xuống vực thẳm ác thú3.
- Ách phược (yogà): Từ ngữ √yuj nghĩa là mắc cột vào, những gì cột chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi sanh tử.
- Hệ phược (Ganthà): Những gì cột tâm với thân hay thân này với thân các đời sống khác. Lậu hoặc là những sợi dây trói buộc thân tâm chúng hữu tình, không giải thoát được trong thất tình lục dục.
- Triền cái (nivarana): Triền là phiền não, cái là che khuất, ví như tấm màn ngăn che tầm nhìn không cho mắt thấy. Ngụ ý, lậu hoặc che mờ chân tâm, làm chướng ngại ngăn che sự phát triển tuệ giải thoát, chướng ngại trong thiền.
- Kiết sử: (samyojana), Hán việt: Kiết sử, là một thuật ngữ Phật giáo chỉ những phiền não trong nội tâm ý thức của con người, sinh ra chướng ngại khiến con người sa vào vòng luân hồi, không thể giải thoát (Bách khoa toàn thư mở wikipedia)
Ba tên gọi này gộp chung gọi là Triền phược: Triền là xoay vòng, không đi tới được; phược là những ràng buộc trong thất tình lục dục, không gỡ ra được, đặc biệt là trong cảnh giới thiền như tầm và tứ, hỷ, xả lạc, sắc tưởng không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ (Phật quang Đại từ điển (6 bộ) - Thích Quảng Độ dịch, Hội văn hóa giáo dục Linh sơn Đài Bắc xuất bản) đã giải thích ý nghĩa triền phược là như thế.
Từ sự giải thích những tên gọi khác nhau của phiền não như trên, chúng ta có khái niệm khá đầy đủ về bản chất của phiền não là những dòng chảy tâm thức từ căn môn của chúng sanh hữu tình, những trạng thái tâm lí rò rỉ làm thấm ướt lan tràn khắp nơi trong tâm, trong Tam giới, khiến con người bị rơi vào mê đắm, trói buộc trong vô minh, không đạt được giải thoát, ngăn che sự nhận thức đúng các pháp, là chướng ngại trên lộ trình tu tập thanh lọc tâm, phiền não có sức mạnh nhận chìm con người trong bể khổ sanh tử luân hồi.
Phiền não phát sanh từ đâu? Phiền não là những trạng thái tâm bất an. Do duyên gì mà tâm bất an, khởi phiền não ám ảnh tâm chúng ta? Nghiên cứu kinh Trung Bộ I, chúng ta tìm thấy lời giải thích cặn kẽ của Ngài Mahakaccana Đại Ca Chiên Diên về lời Phật dạy cho vấn đề này như sau: Này Chư Hiền, do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thời có lý luận. Do lý luận ấy làm nhân một số lý luận vọng tưởng ám ảnh đối với một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ tương lai và hiện tại4.
Tóm tắt, lời giải thích của ngài Mahakaccana về lời Phật dạy cho các Tỳ kheo: Nguyên nhân phát sanh triền phược (phiền não), là mắt thấy sắc sinh khởi nhãn thức. Nhãn căn tiếp xúc sắc trần sanh nhãn thức. Sự gặp gỡ hội tụ của 3 pháp căn, trần, thức sinh ra cảm thọ. Nếu gặp đối tượng ưa thích (lạc thọ) thì chấp giữ, thủ riêng cho mình. Gặp cảnh không thích, không vừa ý (khổ thọ) thì cảm thấy khó chịu, tìm cách loại trừ đối tượng. Khi gặp đối tượng không ưa không ghét (thọ xả). Do duyên cảm thọ với đối tượng, tưởng ám ảnh tâm trí (suy tầm), dẫn đến lý luận và cuối cùng là vọng tưởng điên đảo. Vọng tưởng khiến con người không nhận chân bản chất thật của các pháp, cửa trần lao mở ra để phiền não chi phối hành động qua thân, khẩu, ý. Nghiệp được tạo tác đưa con người vào vòng luân hồi sanh tử đau khổ. Đó là sự phát sanh của nhãn thức. Đối với các căn còn lại nhĩ (lỗ tai), tỉ (lỗ mũi), thiệt (lưỡi), thân ý cũng vậy.
Như thế, theo quan điểm của đức Thế Tôn triền phược khởi sanh ám ảnh con người, do sự hội tụ căn trần thức tạo nên xúc, xúc sanh cảm thọ dẫn đến suy tầm dẫn đến lý luận, và cuối cùng đi đến vọng tưởng mê lầm.
Phiền não ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người.Tâm phiền não gây ra những tác hại như sau:
1- Chướng ngại trong tu tập: Trên đường phố tấp nập, người tham gia giao thông ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng kẹt xe. gây ách tắc giao thông dẫn đến giành đường vượt ẩu, biết bao thảm trạng tai nạn giao thông gây đau thương cho người thân trong gia đình, lo sợ cho người tham gia lưu thông, công nhân viên, học sinh đến cơ quan trường học trễ giờ, tốn kém kinh phí quốc gia để xây cầu, mở lộ.
Hiện tượng trên là chướng ngại mà chúng ta chứng kiến qua sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý), hay nói cách khác là chướng ngại hữu hình. Chướng ngại hữu hình này kèm theo hậu quả hệ lụy khác mang tầm vóc vĩ mô đến như thế. Thử hỏi, con đường tu tập để chuyển hóa tâm thức từ nhiễm ô đến thanh tịnh của người tu Phật, sẽ gặp biết bao chướng ngại khó khăn hơn?
Những chướng ngại vô hình diễn tiến thầm lặng trong tâm thức, trong từng sát na sanh diệt mà chỉ có chính mình “ẩm thủy noãn lãnh tự tri (uống nước nóng lạnh tự biết)”. Cũng thế, phiền não ngủ ngầm trong tâm mỗi chúng ta làm chướng ngại, ngăn trở chúng ta trên đường tu tập hướng đến giải thoát. Chướng ngại to lớn khó vượt qua của con người là tham chấp. Do tham nên trôi lăn trong ngũ dục, không mở tâm để xả bỏ, bố thí, do chấp nên khởi sân si có ai xâm phạm đến ta của ta, trau tria thân mình.Tương truyền vào thời đức Phật hành đạo tại trú xứ Jetavana (Kỳ Viên) có một câu chuyện về một Tỳ kheo tên là Cittahattha (Phục Tâm). Vị này xuất gia rồi lại hoàn tục về nhà sáu lần, đến lần thứ bảy xin xuất gia và quyết chí tu sau khi nhìn thấy vợ nằm ngủ mê, thân thể mang bụng bầu tuột cả nội y, mũi ngáy khò khò, miệng há hốc như thây ma chết sình. Sáu lần xuất gia rồi lại nhập gia của vị sư là do phiền não ái luyến làm cho tâm bất định, sanh khởi điên đảo vọng tưởng. Đến lần xuất gia thứ bảy nhờ dứt được ái luyến nên nhận ra vô thường khổ não, quyết chí tu tập.
Qua tích chuyện của Tỳ kheo Cittanattha kể trên, chúng ta thấy được điều gì? Phiền não là chướng ngại trong tu tập, làm tâm bất an, vọng tưởng.
2- Độc tố làm hại thân tâm: Phiền não xuất phát từ tâm và trở lại hại tâm. Phiền não làm tâm nhiễm ô ví như khói bụi của xe, những nước thải từ nhà máy là những độc tố ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Nó hủy hoại trái đất xanh, bởi không khí mất đi sự trong lành để cung cấp khí oxy cho buồng phổi thay thế khí carbonic. Nguồn nước bị tù đọng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của con người, loài vật, cây cối. Hiện nay, con người hạn chế sự lây nhiễm, những độc tố khói bụi bằng cách đi ra đường phải đeo khẩu trang? Cũng như những độc tố làm ô nhiễm môi trường sống của trái đất, phiền não làm cho tâm trở nên đen tối, bẩn thỉu, nhuộm đen tinh thần của chúng hữu tình. Những chất thải độc hại tâm linh rò rỉ qua sáu căn, làm nhức nhói tâm người hơn cả những chất nung mủ từ mụn nhọt. Bởi vì sau thời kỳ phiền não ngủ ngầm, nó sẽ chuyển trạng thái thứ hai là trạng thái lưu chuyển.
Trạng thái này của phiền não ví như chất sét sinh ra từ sắt và ăn mòn lại sắt. Phiền não sinh ra từ tâm và gặm nhấm tâm người bất an, sầu não bởi sự tác phát của độc tố tham sân si.... phiền não lậu hoặc. Cuối cùng, là trạng thái kết tinh hiện khởi qua hành động của thân, lời nói của miệng tạo nên bao hệ lụy cho mình và người với những dây trói vô hình của phiền não tham ái.
Phiền não là độc tố làm hại thân tâm lại được tìm thấy qua lời tự thuyết của Thế Tôn với chúng Tỳ kheo: “Này Tỳ kheo, không biết không thấy như chơn mắt, không biết không thấy như chơn các sắc, không biết không thấy như chơn nhãn thức, không biết không thấy như chơn các nhãn xúc, do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, không biết không thấy như chơn các cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với con mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với ác nhãn xúc, do duyên nhơn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy... Những thân nhiệt não tăng trưởng. Những tâm nhiệt não tăng trưởng. Những thân khổ não tăng trưởng. Những tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ tâm khổ”5.
Do không có chánh kiến, không thấy được sự giao thoa của căn trần thức (18 giới) sinh ra 6 xúc, do duyên 6 xúc sinh ra 18 thọ (6 lạc thọ, 6 khổ thọ, 6 bất khổ bất lạc thọ). Từ ái trước các thọ nên thân bị nhiệt não, tâm bị nhiệt não. Dẫn đến hành động tạo tác nghiệp khổ thân khổ tâm khổ trong luân hồi sanh tử.
Thân bị nhiệt não, tâm bị nhiệt não do ái trước, tham đắm các thọ khi có sự gặp gỡ của 3 pháp căn trần thức. Điều này cho thấy sự tương tác giữa thân và tâm. Hai yếu tố cấu thành con người hay nói cách khác là mặt vật chất và tinh thần của một chúng hữu tình: thân khỏe mạnh, tâm an định. Ngược lại, tâm lo nghĩ thái quá dẫn đến suy nhược cơ thể. Chúng ta thử nghiên cứu mối tương tác này qua phương diện y học. Trong quyển Vệ sinh yếu quyết, thiên Thất Tình của Hải Thượng Lãn Ông6 có ghi rằng:
“Nội thương bệnh chứng phát sinh
Thường do xúc động thất tình gây nên”
Thất tình đây là 7 trạng thái tình cảm của con người Hỷ (Mừng), Nộ (Giận), Ưu (Lo buồn), Tư (Suy nghĩ), Khủng (Sợ), Kinh (Kinh hoàng). Từ trong tâm 7 xúc cảm này thái quá sẽ là nguyên nhân làm phát sinh bệnh tật nơi thân:
“Quá mừng khí mãn như điên
Chợt kinh khí loạn tâm phiền ngất đi”
Mừng quá làm khí nóng bốc lên, nói cười hành động lăng xăng như người điên, làm cho khí loạn, có khi ngất xỉu. Mừng quá hại tim
“Nghĩ nhiều khí kết thương tỳ
Thao thức không ngủ ăn thì không ngon”
Suy nghĩ nhiều làm cho mất ngủ, kém ăn, tổn thương lá lách
“Lo sầu phế khí tiêu mòn
Hụt hơi héo hắt nói không ra lời”
Lo sầu nhiều làm tổn khí, hại phổi
“Xung can sùng sục như sôi
Giận thì khí thượng tựa trời sấm vang”
Nóng giận sôi gan, xung khí hại gan
“Sợ thì khí xuống tận cùng
Thận hư rung rẩy, dái thun, gối mềm”
Sợ quá, khí bị hạ tuột xuống tổn hại thận. Làm thân run rẩy, mội mặt tái tím, gối run. Điều này trong thực tế, chúng ta nhận thấy rõ ngay trên thân tâm ta. Vì thất tình trong tâm ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh trên thân, làm tổn thương nội tạng. Do vậy, danh y Hải Thượng Lãn Ông khuyên chúng ta tu dưỡng thân tâm, bằng cách sống thanh nhàn, tiết chế lòng dục, làm thiện, sống theo lẽ phải, rèn luyện thân thể giữ tinh, khí, thần để sống khỏe, bớt bệnh tật:
“Chẳng vì danh lợi đua đòi
Chẳng vì sắc đẹp, đắm người hại thân
Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần
Tinh không hao tán thì thần được yên”.
Lời khuyên của danh y tương đồng với lời khuyên của đức Phật. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng hộ phiền não và đoạn trừ phiền não không để phiền não phát sinh trong tâm tác động trở lại hại tâm bệnh và thân bệnh. Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông ở góc độ của thầy thuốc chữa bệnh thân. Lời khuyên của đức Phật không dừng ở cuộc sống khỏe, hạnh phúc ở một kiếp này, mà còn sâu sắc hơn để hàng đệ tử tu tập, nhận thức chuyển hóa tâm thức từ nhiễm ô xấu ác sang tâm thiện lành để được an vui kiếp này và những kiếp tương lai về mặt tâm linh.
Như thế, phiền não là nguyên nhân chính của các bệnh lý trên thân con người. Chúng ta cần phải nhận rõ điều này để loại trừ những độc tố làm hại thân tâm, là tập khởi khổ. Là một người tu Phật, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn về tác hại của phiền não. Không những phiền não là những chướng ngại trong tu tập, là những độc tố làm ô nhiễm thân tâm, phiền não còn là nhân của sanh tử luân hồi, buộc chặt chúng sanh trong khổ đau. Phiền não là sự tập khởi của khổ khi căn, trần, thức gặp gỡ phát sinh dục hỷ dẫn đến chấp thủ cho riêng mình và tham đắm trong sự dục hỷ đó.
Đức Phật đã ban lời giáo giới vắn tắt cho đệ tử Phú Lâu (Punna) trước khi Ngài đến Sunaparanta hành đạo: “Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạ, khả ý liên hệ đến dục hấp dẫn. Nếu Tỳ kheo hoan hỷ tán thưởng chấp thủ và an trú trong ấy, do hoan hỷ tán thưởng chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh và này Punna, ta nói rằng sự tập khởi của dục hỷ là sự tập khởi của khổ”7.
Khi có sự thích thú trước đối tượng mình ưa thích, lúc đó sức hấp dẫn của các dục chẳng những nó làm cho ta không rời bỏ, đoạn trừ ham muốn mà dần trói buộc, sai sử chúng ta làm nô lệ cho nó. Như một người nghèo khổ nhìn thấy Tỳ kheo với nếp sống thanh nhàn nơi thiền thất. Tuy trong tâm muốn cạo tóc xuất gia, sống đời sống xuất gia, từ bỏ gia đình. Nhưng người kia không thể thoát ra sự trói buộc của vật chất gia đình nhỏ hẹp, không thể từ bỏ cái chòi hư nát, cái giường hư nát, không thể rời xa bà vợ không đẹp mắt chút nào… đối với người kia, sự trói buộc ấy có sức mạnh vững chắc8… Bởi lẽ người đó không hướng đến sự từ bỏ, sự đoạn trừ phiền não. Người kia bị trói buộc bởi những trói buộc ấy.
Qua đó, chúng ta có cái nhìn khái quát về phiền não. Đó là những trạng thái tâm làm cho tâm khó chịu bất an. Tùy thuộc vào sự tương tác hệ quả của phiền não đối với thân tâm con người, phiền não có những tên gọi khác nhau: kiết sử, lậu hoặc cấu uế tâm, triền cái... Phiền não xuất phát từ sự gặp gỡ của 3 pháp căn, trần, thức. Xúc này tạo sanh cảm thọ thương ghét, khả ái bất khả ái. Từ đó, chúng sai sử loài hữu tình tạo nghiệp, trói buộc trong luân hồi, ngăn trở sự giải thoát, làm thiêu chột hạt giống lành vốn sẵn có trong mỗi người. Do vậy, chúng ta cần phải làm chủ các căn khi xúc trần; mắt thấy đối tượng khả ý (ưa thích) hay bất khả ý (không thích) phải biết cảm thọ và làm chủ cảm thọ chứ không phải đoạn trừ xúc. Có làm chủ cảm thọ, chúng ta mới đoạn trừ cấu uế tâm do tham, sân, si... sai sử tạo tác ác nghiệp. Đó là lúc phiền não không còn chi phối, chúng ta lo gì không đạt đến an lạc, hạnh phúc.
1. Bách khoa toàn thư Wikipedia.
2. Thắng pháp tập yếu luận tập II, HT Thích Minh Châu dịch, trang 51
3. Thắng pháp tập yếu luận tập II, HT Thích Minh Châu dịch, trang 52.
4. Trung bộ kinh tập I, Bài kinh số 18: Kinh Mật Hoàn, Xí nghiệp in Tổng hợp,1987, trang 186.
5. Trung Bộ Kinh 3, Đại kinh 6 xứ, Xí nghiệp in tổng hợp 1987, trang 483.
6. Hải Thượng L.n Ông (1720-1791), danh y Việt Nam, quê quán tỉnh Hải Dương (nay là Hưng Yên) - Quyển vệ sinh yếu quyết, trích trong bộ sách Hải Thượng Lãn Ông Tâm Lĩnh.
7. Trung Bộ Kinh tập III, kinh 145: Giáo giới Phú Lâu Na, Xí nghiệp in Tổng hợp, 1987, trang 454.
8. Trung Bộ Kinh tập II, kinh 66: Ví dụ con chim cáy, Xí nghiệp in Tổng hợp, 1987, trang 176.
Bình luận bài viết