Thông tin

TÌM HIỂU TÊN GỌI CỦA CHÙA PHẬT TÍCH

HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH

 

PGS.TS. NGUYỄN TÁ NHÍ*

 

Chùa Phật Tích được xây dựng ở lưng chừng núi Tiên Du huyện Tiên Du. Các sách địa phương chí ghi chép về lịch sử đất đai khu vực này như Bắc Ninh phong thổ tạp ký, Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, Bắc Ninh tỉnh địa dư… cho biết: Núi Tiên Du còn gọi là núi Lạn Kha tiếp liền với núi Nguyệt Thường ở xã Khắc Niệm. Mạch núi xuất phát từ dãy núi Tam Đảo ở Thái Nguyên Vĩnh Phúc, uốn lượn trải dài qua các xã ở huyện Đa Phúc (nay thuộc Sóc Sơn) đến xã Vệ Linh thì cao vút lên thành núi Sóc. Mạch núi lại khuất khúc thoải dần phía Nam qua xã Cổ Pháp, Hoài Bão của huyện Tiên Du rồi đột ngột nhô cao thành núi Nguyệt Thường. Tiếp nối với núi Nguyệt Thường chính là núi Tiên Du. Núi cao mà bằng phẳng nối liền một dải rộng chừng mấy dặm. Trên núi có bàn cờ đá, tương truyền xưa kia tiên nhân thường đến đánh cờ ở đây.

Sách Đồng Khánh địa dư chí lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đời Đồng Khánh ghi nhận: Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích huyện Tiên Du phong cảnh thanh u tao nhã, chùa Phật thâm nghiêm. Tương truyền chùa dựng từ đời Lý một tòa năm gian lợp ngói. Gian giữa có một pho tượng Phật bằng đá cao chừng năm thước. Bậc thềm bằng đá có chạm khắc hình thú. Sau chùa có đầm nước gọi là Long Trì, dài rộng mỗi chiều sáu thước, sâu năm thước. Trên đỉnh núi có một bàn cờ bằng đá. Ngày mồng bốn tháng Giêng hàng năm có hội xem hoa Mẫu đơn. Tương truyền đây là nơi Từ Thức gặp tiên nữ Giáng Hương. Ngày mở hội già trẻ trai gái đến chùa thắp hương tụng kinh dâng hoa quả cúng Phật, từng tốp năm ba người ca hát rất vui. Lại truyền rằng xưa có người tiều phu tên là Vương Chất lên núi kiếm củi, thấy hai ông lão đánh cờ dưới gốc cây thông, liền đặt rìu đứng xem. Đến khi tàn cuộc, chợt thấy cán rìu đã mục nát.

Sự tích người tiều phu để mục cán rìu cũng được Thi hào Nguyễn Trãi có cảm hứng mà viết thành bài thơ quốc âm Trần tình (Dãi niềm tâm sự). Rất có thể khi Nguyễn Trãi về ở ẩn tại Côn Sơn đã đến thăm núi này. Bài thơ viết:

Con cờ quẩy rượu đầy bầu,

Đòi nước non chơi quản dầu.

Đạp áng mây ôm bó củi,

Ngồi bên suối, gác cần câu.

Giang sơn mặt thấy nên quen thuộc,

Danh lợi lòng nào ước chác cầu.

Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi,

Rêu phới phới thấy tiên đâu?

Do được xây dựng trên ngọn núi đầy ắp những huyền tích ly kỳ như vậy, nên ngôi danh lam cổ sau này ngoài tên gọi Phật Tích ra, còn được gọi bằng nhiều tên khác như Tiên Du, Vạn Phúc, Trùng Quang, Tiên Tích.

1. Chùa Tiên Du

Núi tên là Tiên Du, nên chùa được gọi là Tiên Du thì là lẽ đương nhiên rồi. Tên này thấy chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, ghi sự việc vào năm Tân Hợi niên hiệu Thần Vũ thứ 3 (1071), đời Lý Thánh Tông, nhà vua viết chữ Phật đặt ở chùa: “Mùa xuân tháng Giêng hoàng đế viết bia chữ Phật dài một trượng đặt ở chùa Tiên Du”(Xuân chính nguyệt đế thư Phật tự bi lưu ư Tiên Du tự).

Lại nữa trong sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có chép truyện Từ Thức tiên hôn lục (Chàng Từ Thức lấy tiên) cho biết: “Vào năm Quang Thái (1388-1398) triều Trần có người ở Hóa Châu tên là Từ Thức nhờ thân phụ được tập ấm làm quan tể ở huyện Tiên Du, ngôi chùa cổ nổi tiếng ở bên cạnh huyện đường có một cây mẫu đơn” (Trần Quang Thái trung Hóa Châu nhân Từ Thức dĩ phụ ấm bổ Tiên Du huyện tể. Huyện bàng danh sái hữu mẫu đơn nhất bản).

Sách không ghi tên chùa là gì, song người đọc dễ liên tưởng đến huyện Tiên Du, nên có người cho rằng đó là chùa Tiên Du.

2. Chùa Vạn Phúc

Tên gọi chùa Vạn Phúc thấy ghi trong các văn bia để ở chùa. Hiện các văn bia này đều đã có bản dập lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm như:

- Vạn Phúc đại thiền tự bi, ký hiệu 2146 - 47, bia hai mặt khổ lớn, dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời Lê Hi Tông.

- Vạn Phúc tự bi ký, ký hiệu 15530-31, bia hai mặt khổ vừa, dựng năm Thiệu Trị 6 (1846) đời Nguyễn.

Ngoài ra tên chùa Vạn Phúc còn thấy chép trong sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký, ký hiệu A. 425. Đây là bản sách chép tay khổ lớn 22 x 32 cm, gồm 180 trang. Sách có mục chép riêng về chùa Vạn Phúc: “Chùa Vạn Phúc thuộc xã Phật Tích. Ngôi chùa này dựng ở lưng chừng núi Lạn Kha, do vua Lý Thánh Tông tạo dựng. Trong chùa có tượng đá cao năm thước, chu vi sáu thước. Bên cạnh chùa có rất nhiều tháp đá. Từ Thức từng gặp Giáng Tiên ở đây. Sử cũ chép, khoảng niên hiệu Xương Phù đời Trần, triều đình mở khoa thi Thái học sinh ở đây. Khoảng niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, triều đình tổ chức yến tiệc lớn đều chọn địa điểm là chùa này, vì thế trở thành nơi thắng tích”.

(Vạn Phúc tự Phật Tích xã. Y tự tại Lạn Kha sơn chi yên, Lý Thánh Tông sở kiến dã. Trung hữu thạch tượng cao ngũ xích, đại lục xích. Tự chi bàng thạch tháp thậm đa. Từ Thức ngộ Giáng Tiên ư thử. Sử ký Trần Xương Phù niên gian thí Thái học sinh. Lê Cảnh Hưng niên gian đại khai yến hội, giai tại thử tự, dĩ vi thắng khái vân).

3. Chùa Trùng Quang

Tên gọi Trùng Quang thấy chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư mấy lần. Lần đầu tiên vào mùa thu năm Thông Thụy thứ 1 (1034) đời Lý Thái Tông nhà vua ngự đến chùa Trùng Quang núi Tiên Du, cho dựng kho Trùng Quang.

Có lẽ đây là kho để đựng kinh Đại tạng, bởi lẽ cũng năm đó triều đình cử Viên ngoại lang Hà Thụ và Đỗ Khoan đem hai con voi đã thuần phục sang dâng cho vua Tống. Triều đình nhà Tống cảm nhận thịnh tình ấy nên đã tặng lại cho ta một bộ kinh Đại tạng. Đến tháng hai năm Thông Thụy thứ 3 (1036) nhà vua ban chiếu sai sao chép toàn bộ kinh Đại tạng rồi mang cất ở kho Trùng Hưng.

Trước đó năm Thông Thụy thứ 2 (1035) vua Lý Thái Tông đã ban chiếu sai phát sáu ngàn cân đồng ra đúc một quả chuông lớn, đặt ở chùa Trùng Quang.

Chuông đúc xong sai người kéo đưa đến chùa. Quả chuông ấy chẳng cần đợi sức người kéo, tự di chuyển được, chỉ trong khoảnh khắc đã đến chùa (Chiếu phát đồng lục thiên cân trú chung trí vu Trùng Quang tự. Chung thành sử nhân lệ tống chi. Kỳ chung bất đãi nhân lực, tự năng di chuyển, khoảnh khắc chí kỳ tự.)

Về sự việc chuông đúc xong tự chuyển lên chùa, được sử thần Ngô Sĩ Liên có lời nhận xét rất xác đáng: “Phàm những vật hình vuông thì dừng đỗ, những vật hình tròn chuyển động. Quả chuông lăn được vì nó hình tròn, bởi lẽ kéo nó đi không tốn sức người, dường như có thần nhân trợ giúp vậy. Nay ta hãy xem như cây gỗ lớn đến hơn chục người khiêng chẳng nổi, song một người đẩy ngang thì nó lăn tròn mà đi. Quả chuông cũng thế, nhà sư ở chùa muốn tỏ ra đạo mình có vẻ thần bí nên mới nói phao lên thế để cho lạ mà thôi”.

Tiếp đến mùa đông tháng 10 năm Mậu Dần niên hiệu Thông Thụy thứ 5 (1038) nhà vua cho dựng bia ở chùa Trùng Quang. Đến tháng 10 mùa đông năm Tân Tị niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo thứ 3 (1041) đời Lý Thái Tông nhà vua đến núi Tiên Du xem xây dựng viện Thiên Phúc thờ đức Từ Thị. Khi về lại ban chiếu cấp 7560 cân đồng trong kho đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát, lại đúc chuông để ở viện ấy.

Sang đến thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) không thấy nhắc đến tên chùa Trùng Quang nữa, song vẫn nói đến tháp chùa ở núi Tiên Du. Đó là vào tháng 9 năm Long Chương Thiên Tư thứ 1 (1066) triều đình sai viên Lang tướng là Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du.

4. Chùa Tiên Tích

Tên chùa Tiên Tích được ghi trong sách Lê triều ngự chế quốc âm thi do chúa Trịnh Cương (1709-1729) sáng tác. Toàn sách có 31 bài thơ nôm thất ngôn bát cú và lời dẫn viết theo thể song thất lục bát. Trong đó có hai bài thơ viết về chùa Tiên Tích ở núi Tiên Du này. Chúa Trịnh Cương đi tuần tỉnh đất nước bằng đường thủy, xuất phát từ Thăng Long lần lượt đi qua các địa danh Bồ Đề rồi đi qua các địa danh Yên Thường, Lã Côi, xuôi dòng sông Đuống đến Như Quỳnh, rồi lại đi tiếp đến Phù Đổng, Nhạn Tháp tức chùa Bút Tháp, sau đó là đến núi Tiên Tích. Sách viết:

Phương thăng hồng nhật ló lên

Sơ thìn mới mới qua miền chợ trưa.

Hãy bơ vơ coi sang hỏi chúng,

Phải dấu thiêng Phù Đổng đây chăng?

Những màng bàn bạc thốt thăng

Nhạn Tháp trông chừng thoắt thoắt tới nơi.

Thể thanh vui bút bèn mô tả.

Thảnh thơi thay thong thả bút xuân.

Ngang sang Tiên Tích gần gần,

Nước non oanh quất nhiều phân hữu tình.

Vốn thành danh nẻo xưa lập cực

Lại ngâm chơi vài bức vân tiên

Tiên Tích tự thi (thơ vịnh chùa Tiên Tích)

Băng trông bỡ ngỡ tượng thiên nhiên

Trong thế chu tuyền vẫn vẹn tuyền.

Tháp Nhạn chữ bày câu ứng phúc

Cửa từ đường chật kẻ cầu duyên.

Chăm chăm lão hạc ngong kinh bối

Tháu tháu thần long lắng giáo thiền.

Khắp trần gian danh lợi khách

Răn lòng vật ngã mới nên khen.

Hựu thi (lại bài thơ vịnh chùa Tiên Tích):

Bầu trời ghẽ có áng tự nhiên

Nảy nảy thanh kỳ đã vẹn tuyền.

Cõi phúc thênh thênh phô gấm sắc

Nền nhân thớn thớn rũ trần duyên.

Sơn tăng cẩn dẫn đường trì giới,

Phạn giáo răn gìn phép tọa thiền.

Cổ vãng kim lai hằng sóc sóc,

Ngợi đề khôn xiết thế không khen.

Bài thơ Nôm thứ hai họa nguyên vận bài thơ thứ nhất. Cả hai bài thơ đều tập trung miêu tả thắng cảnh Tiên Tích với nét đặc sắc như sơn tăng giã đường trì giới, Phạn giáo dạy phép tọa thiền. Cảnh chùa trang nghiêm như thu hút khách thập phương náo nức kéo đến nghe pháp học kinh, đến mức mà “Cửa từ đường chật kẻ cầu duyên”.

Kết luận:

1. Ngoài tên gọi Phật Tích ra, ngôi chùa xây dựng trên sườn núi Tiên Du ở huyện Tiên Du này còn có các tên gọi khác là Trùng Quang, Tiên Du, Vạn Phúc và Tiên Tích.

2.Chùa Phật Tích được xây dựng từ đầu thời Lý, muộn nhất là đến năm Thông Thụy thứ 1 (1034) đời Lý Thái Tông đã có rồi, bấy giờ chùa mang tên là Trùng Quang.

3.Chùa được xây dựng rất quy mô đầy đủ các pháp khí như chuông, bia, tượng. Đặc biệt chùa đã xây dựng kho Trùng Hưng để chứa bộ Tống tạng sao chép từ bản kinh thỉnh từ Trung Quốc đem về.

4. Ngoài các tòa Thượng điện, tam quan, gác chuông, trai phòng, nhà tổ ra, chùa còn xây dựng cả viện Thiên Phúc để giảng đạo. Hẳn vì lẽ đó mà đến sau này chúa Trịnh Cương miêu tả được cảnh khách thập phương nô nức đến đây nghe kinh lá bối tu theo đạo thiền, ngay cả các loài vật như hạc, rồng, cũng tìm đến chăm chú tu tập “Chăm chăm lão hạc ngong kinh bối, Tháu tháu thần long lắng giáo thiền”. 



* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6952535