Thông tin

TÌM HIỂU TRÍ TUỆ TRONG KINH ĐIỂN NIKAYA

 

NGUYỄN THỊ LONG - TÂM HOA

 

DẪN NHẬP

Sở dĩ con người mãi trầm luân trong sinh tử khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác là do sự vắng mặt của ánh sáng trí tuệ. “Trí tuệ’ được sử dụng ở đây là thuật ngữ trong giáo lý của đạo Phật mà chúng ta thường thấy xuất hiện rất nhiều trong các Kinh, Luận hay trong các tác phẩm viết về Phật giáo vì trí tuệ là đặc điểm, là nền tảng, là cốt tủy của đạo Phật - chỉ có đạo Phật mới làm nổi bật lên bằng sự đề cao trí tuệ; đủ để khẳng định rằng, trong suốt lịch sử nhân loại, không có một tôn giáo nào đặt trọng tâm vào vai trò của trí tuệ hơn đạo Phật.

Trí tuệ là gì và vai trò của trí tuệ trong tu tập giải thoát trong đạo Phật như thế nào là một thể tài khá rộng và sâu, đã được chư thiền đức của nhiều tông phái, các luận sư cũng như nhà nghiên cứu tôn giáo luận bàn và lý giải theo nhiều khuynh hướng, nhiều khía cạnh khác nhau. Từ những lý thuyết cao xa cho đến những nghĩa đơn giản nhất; tuy có khác nhau nhưng tổng thể vẫn có điểm chung nhất: Phải có cái học rốt ráo, tinh thâm trước thì ánh sáng trí tuệ mới phát sinh và chỉ có đạo Phật mới tôn xưng các bậc “Vô học”1 lên trên hàng “Hữu học”2 ngang tầm Á Thánh; đã được Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu trình bày một cách minh triết và đầy đủ trong bài “Trí tuệ đạo Phật”, trích trong tác phẩm Hãy Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi3: “Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài; nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (paññā) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ”.

Nội hàm lời dạy này, người học Phật, tu Phật cần phải nhận thức; qua cửa ngõ tâm trí, đức Phật khuyên chúng ta phải học lẫn hành. Với trí tuệ dẫn lối, sự thực hành mới thực sự đưa ta đến đích. Mục tiêu xuyên suốt mà giáo lý Phật giáo nhắm đến, đó chính là tìm về với giải thoát, với giác ngộ vì giác ngộ là “tuyệt lý của vũ trụ, là yếu lý của Phật tánh”4. Do đó mà các nhà nghiên cứu Phật học vẫn thường phân biệt “học thức” và “trí thức”. Một người được gọi là người trí thức người ấy có cái nhìn đặc biệt, cái nhìn thấu suốt và hiểu biết rõ ràng bằng tuệ giác do công phu hành trì thực chứng khác với người uyên thâm biết rộng khắp mọi khái niệm về khổ và lý thuyết thì mới chỉ được phần học thức.

Do vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để đạt trí tuệ khi đời sống tâm linh của con người trong xã hội ngày càng bị suy thoái đạo đức và làm sao giải quyết vấn đề “sanh tử sự đại”. Con đường nhận thức theo Phật giáo được diễn ra như thế nào? Lộ trình tu tập đưa đến giác ngộ, giải thoát? Thiết nghĩ, đó là câu hỏi chung của những người tu học Phật.

Đối với đạo Phật Nguyên thủy, đạo lộ tu tập cần phải phù hợp và thống nhất với kinh điển của đạo Phật. Chỉ có kinh và luật là chuẩn mực cho mọi trường phái và chỉ có kết quả tu tập là giá trị để đánh giá đạo lộ là đúng hay chưa đúng mà mỗi vị hành giả phải bước qua trên lộ trình tiến tới giải thoát cho mình và cho nhân sinh.

Trước khi đi vào chiều sâu uyên áo về ánh sáng trí tuệ cũng như vai trò của trí tuệ trong tu tập giải thoát; ta cần phải nắm rõ một số thuật ngữ rất dễ lầm lẫn với nhau.

1. Trí tuệ về phương diện thuật ngữ

Trí tuệ tiếng Pāli (P) là “paññā”, được kết hợp từ pa (phải, đúng) + ñā (biết); nguyên nghĩa là “hiểu biết đúng đắn”. Với sự thêm vào của tiếp đầu ngữ “pa”, thì trong cái biết này, có một sự hướng đến, có một sự no lực. Paññā được dịch là “trí tuệ” “phân biện”, “kiến thức”, “hiểu biết”, “kiến tánh” hay “tuệ giác”.

Tiếng Phạn Trí tuệ (Skt.) là “prajnā”, mang nghĩa nhận thức, phân biệt, nhưng sự nhận thức phân biệt này khác với sự nhận thức phân biệt thông thường, bởi nó bắt đầu từ gốc động từ trong tiếng (Skt.) “jñā” là nhận biết, thấy rõ, thấu hiểu tường tận. Danh từ này được dịch là “trí tuệ ”, “giác ngộ”, “minh sát tuệ”, “hiểu biết rõ ràng” hoặc “kiến thức trực quan”.

Khảo về văn điển triết lý Ấn Độ cổ xưa; có 3 danh từ để chỉ định sự hiểu biết: ñâna (p), jñâna (s); viññâna (p), vijñâna (s); và pañña (p), prajñâ (s).

• Ñâna thường chỉ định sự hiểu biết thông thường, theo nghĩa rộng của nó. Trong một số kinh điển, chúng ta cũng gặp chữ ñâna dùng theo nghĩa pañña.

• Viññâna là sự hiểu biết dựa lên lý trí, dùng phương pháp suy luận và phân tích. Tiếp đầu ngữ vi có thể hiểu là tách ra, chia chẻ.

Theo kiến giải trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, “Tuệ” là sự nhận biết; còn “Trí” là tuệ đã được nhận biết rõ ràng và trọn vẹn. Phân Tích Đạo (Patisambhidāmagga), bộ kinh thứ tám trong Tiểu bộ kinh, phân biệt hai khái niệm rất gần nhau là Trí và Tuệ bằng những cụm từ thường luôn được lập lại như sau:

“Taṃ ñātaṭṭhena ñāṇaṃ, pajānanaṭṭhena paññā.”

Điều ấy theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là Trí (ñāṇaṃ), theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là Tuệ (paññā).” Hoặc:

“Taṃpajānanā paññā sutamaye ñāṇan” ti.”

Tuệ do sự nhận biết điều ấy là Trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.

Với ngữ nghĩa này thì hai khái niệm trí (ñāṇaṃ) và tuệ (paññā) rất gần nhau, có thể xem chúng như có ý nghĩa giống nhau. “Trí” được xem như là “tuệ” đã thành tựu viên mãn. Hoặc ngược lại khi tuệ viên mãn thì gọi là trí. Thường thì ta có thể dùng trí hoặc tuệ mà không cần phân biệt. Ngoài ra, trí tuệ còn hàm nghĩa thắng tri (abhijānāti), có nghĩa là biết rõ. Với tiếp đầu ngữ “abhi” là ở trên, thượng, là cái biết một cách đặc biệt, một cách quan trọng; liễu tri (parijānāti) có nghĩa là cái biết toàn diện, với tiếp đầu ngữ “pari” có nghĩa là vòng tròn, bao quanh lại - Là biết trọn vẹn, biết đầy đủ.

Theo Vi diệu pháp, trí tuệ (paññā) đồng nghĩa với hiểu biết (ñâna) và không mê mờ, vô si (amoha) là trí tuệ phân biệt giữa thiện và bất thiện, thiện xảo và không thiện, là sự chú tâm trọn vẹn, biểu hiện sự không mê mờ, lẫn lộn.

Khảo về Paññā trong các bộ kinh Nikāya nhận thấy Paññā là rõ ràng có điều kiện, phát sinh từ một khuôn mẫu của những nguyên nhân và điều kiện. Paññā không phải là sự hiểu biết thuần túy qua trực giác, nhưng là sự hiểu biết cẩn thận, tách bạch rằng ở những giai đoạn nhất định nào đó có liên quan đến các hoạt động khái niệm chính xác. Paññā được hướng đến các lĩnh vực cụ thể của sự hiểu biết. Những lĩnh vực này, được biết đến trong các Chú giải Pāli là “vùng đất của trí tuệ”(paññābhūmi), phải được thẩm tra kỹ lưỡng và nắm vững, thông qua sự hiểu biết về khái niệm, trước khi tuệ quán trực tiếp, không khái niệm, có thể hoàn tất hiệu quả công việc của mình. Để nắm vững chúng, đòi hỏi phải có sự phân tích, phân biệt và nhận thức. Từ khối lượng lớn lao của các sự kiện, hành giả phải có khả năng rút ra những mô hình cơ bản, nền tảng cho tất cả các kinh nghiệm và sử dụng các mô hình này như khuôn mẫu cho việc suy quán chặt chẽ về kinh nghiệm của mình5.

Như vậy, Paññā biểu thị sự hiểu biết phát sinh thông qua tu tập tâm linh, soi sáng bản chất thực sự của sự vật và lên đến đỉnh điểm của tâm thanh tịnh và giải thoát.

2. Trí tuệ về phương diện tu tập

Trên phương diện tu tập, có ba loại trí tuệ. Đây là các cấp độ trí tuệ thứ tự từ thấp lên cao và làm căn bản liên hệ cho nhau.

• Trí tuệ nhờ được truyền đạt (sutamayāpaññā) - Văn tuệ: là phương pháp tu tập trí tuệ nhờ vào sự nghe hoặc trực tiếp nghiên cứu, tụng đọc giáo lý mà lãnh hội ý nghĩa, phát sanh trí tuệ.

• Trí tuệ nhờ tư duy (cittā-mayā-paññā) - Tư tuệ: là trí tuệ có được nhờ vào quá trình tư duy, xét đoán, trầm tư về những lời dạy của đức Phật mà khai sáng thêm trí tuệ. Đây là giai đoạn tiếp theo văn tuệ, tư duy những gì đã được nghe, được đọc... Đó là tư duy về giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên... liên hệ đến con người và sự vật.

• Trí tuệ nhờ vào kinh nghiệm tu tập (bhāvanāmayā- paññā) - Tu tuệ: Khi đã có văn tuệ, tư tuệ thì đem áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống mà tu tập và hành trì thông qua thiền định, để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các pháp. Chính nhờ tu tuệ mà có được chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn tối thượng. Chính trí tuệ này là trí tuệ thâm nhập thực tại vô ngã của các pháp mà đức Phật có được ngay đêm thành đạo.

Trong ba loại trí tuệ này chỉ có trí tuệ thứ ba mới có thể làm cho tâm thanh tịnh hoàn toàn; trí tuệ này đạt được nhờ tu tập thiền Minh sát tuệ (Vipassanā Bhavana). Nó là một trong năm sức mạnh của tâm, một trong bảy chi phần giác ngộ, và một trong mười Ba-la-mật (Pāramī). Như nhận định của ngài Buddhaghosa, “Trí tuệ có đặc tính thấu nhập vào các pháp. Trí tuệ có phận sự phá tan bóng tối của ảo tưởng bao phủ tự tính của các pháp - biểu hiện của nó là không bị mê mờ bởi vì thiền định là nguyên nhân trực tiếp của nó6.

Qua giải thích trên, ta có thể quy ước định

nghĩa danh từ “Trí tuệ” trong đạo Phật qua một số

thuộc tính của nó, ví dụ: Sự thấu hiểu, trực tiếp,

đúng và hợp chân lý, có thể phát triển theo thời

gian và sự tu tập v.v… Trí tuệ có nguồn cội giống

như kiến thức, nhưng khác với kiến thức, nó là

một năng lực hiểu biết trực tiếp không thông qua

ngôn ngữ, khái niệm hay lý luận.

3. Vai trò của trí tuệ trong đạo Phật

Theo tinh thần giáo lý Tam học của Phật giáo nguyên thủy, bên cạnh một đời sống thanh tịnh trên ngôn từ và sinh hoạt tức Giới học, người hành đạo giải thoát dứt khoát phải có được khả năng tập trung tư tưởng tức Định học, gọi tắt là Samatha (Chỉ), gọi đủ là Àrammanùpanijjhāna hay Thiền tập chú cảnh đề mục, tức khả năng tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó. Từ nền tảng Định học, với Àrammanùpanijjhàna trên đây, hành giả dùng sức định tâm của mình để quan sát thân tâm xem chúng là gì và đang ra sao. Phải thấy thân tâm, thiện ác, buồn vui thật ra là gì thì hành giả mới có thể chán sợ và lìa bỏ sinh tử được. Công phu này được gọi là Lakkhanùpanijjhàna7 hay Thiền quán chiếu bản tướng vạn hữu. Công phu này chính là Tuệ học trong Tam học, cũng được gọi là pháp môn Vipassanā8.

Vì vậy, trong thiền tập vai trò của trí tuệ có công năng phát triển tuệ giác, phương thức tu tập theo lộ trình mà đức Phật đã hướng dẫn đến sự giải thoát bằng bốn quả thánh là sự lựa chọn các đối tượng để quán tri, để tuệ tri bản chất thực của các pháp, và nhờ tuệ tri mới đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và cuối cùng là giải thoát. Theo Tăng Chi Bộ, hai bài Ālokasutta và Pacalayamanasutta, thì trí tuệ kết hợp với Sơ định (parikammasamadhi)9 mới có thể làm tốt việc quán chiếu Danh Sắc. Sự kết hợp này cho tâm ta một tia sáng để soi rọi các pháp được tốt hơn. Và cứ như vậy, từ Sơ định tức định tâm của hành giả buổi đầu, trí tuệ của hành giả sau đó sẽ một ngày được tinh tường hơn khi định tâm đã tới mức cận định. Các đối tượng rất nhiều, tùy theo pháp môn lựa chọn, tùy theo căn cơ của vị hành giả nhưng nếu đối tượng có khác, pháp môn tu tập có khác, tiến trình giải thoát có thể xem là giống nhau hay gần giống nhau đều không đi ra ngoài Giới Định Tuệ (Tam học) trong tất cả các pháp môn đưa đến giải thoát và giác ngộ.

Thông qua thực nghiệm, hành giả sẽ thấy trí tuệ (paññā) luôn hiện hữu trong tất cả các pháp hành: Paññā có mặt năm lần trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bodhipakkhiyā-dhammā): là sự suy xét hay tuệ như ý túc (vimaṁsa), một trong bốn pháp Như ý túc (iddhi-pāda); là trạch pháp (dhamma-vicaya), một trong thất giác chi (bojjhaṅga); là chánh kiến (sammā-diṭṭhi) và chánh tư duy (sammā-sankappa), trong nhóm Tuệ của Bát chánh đạo; và là chi cuối cùng của ngũ căn (indriya) và ngũ lực (bala). Đứng thứ tư trong mười ba la mật (pāramī), trí tuệ thanh lọc và hỗ trợ chín phẩm hạnh kia hoàn thành các công năng riêng của chúng. Paññā trở thành thần thông (abhiññā) qua các tầng thiền định thâm sâu (samādhi). Viên mãn dẫn đến Niết-bàn (Nibbāna).

Có thể nhận định, tác động của trí tuệ trong tiến trình giải thoát phong phú và đa dạng đến nỗi có nhiều danh từ khác nhau để đặt tên cho các trí. Như “Thức tri” biết ngang qua ý; “Thắng tri” (abhijānāti)10 và có khả năng “Tuệ-tri như thực”11 (yathābhūtaṃ pajānāti) biết ngang qua thiền định gọi là Thắng trí (abhiññā); “Tuệ tri” (Pajānāti) biết ngang qua trí tuệ12; “Liễu tri” (parijànàti) là hiểu biết của một vị đã giải thoát13. Như vậy trí tuệ trong tiến trình giác ngộ chân lý là yếu tố căn bản để được giác ngộ và giải thoát.

4. Phương pháp tu tập để phát triển trí tuệ

Các cơ sở có điều kiện để phát triển trí tuệ được quy định trong cấu trúc ba lớp của sự tu tập trong Phật giáo. Như chúng ta đã thấy, trong ba học phần của con đường Phật giáo, giới học hoạt động như là nền tảng của tâm định và định học là nền tảng của tuệ giác. Như vậy, điều kiện tức thời để phát sinh trí tuệ là tâm định. Như đức Phật thường nói: “Này các tỳ-khưu, hãy phát triển tâm định. Một người có định tâm, sẽ thấy các sự vật như chúng thực sự là”. Để “nhìn thấy sự vật như chúng thực sự là” là công việc của trí tuệ; cơ sở tức thời cho cái thấy chính xác này là tâm định. Bởi vì tâm định tùy thuộc vào hành động đúng đắn về thân và khẩu, giới học cũng là một điều kiện cho trí tuệ. Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng Giới (Sīla ), sau đó thực hành thiền Định (Samādhi) để hỗ trợ Giới và hỗ trợ Tuệ quán (Vipassanā).

Những lời dạy này của đức Phật đã giải thích rõ nhiệm vụ và mục đích của tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ. Ngài không thiết lập một giáo điều hay một đức tin. Pháp (Dhamma) là một đạo lộ thực tiễn (con đường thực hành). Những ai bước đi trên đạo lộ ấy có thể đi vào mức sâu kín nhất và trừ tuyệt mọi khổ đau của họ. Tu tuệ không đem lại hiểu biết trí thức mà dẫn đến tuệ giác khởi sanh tự phát từ quán sát trực tiếp các tiến trình thân tâm, hiểu rõ được những phẩm chất tốt đẹp phát triển từ công phu thiền tập. Những phẩm chất này bao gồm sự không bám víu vào ý niệm tục đế nhưng thấy xuyên suốt thực tánh của các hiện tượng thân tâm là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), cũng như nhận thức được rằng các pháp đều sanh khởi theo điều kiện nhân duyên (paṭiccasamuppāda).

Người viết xin trích dẫn điển hình các bài kinh thuộc văn hệ Pāli về những lời Phật dạy nêu bật vai trò của trí tuệ trên hành trình tu tập mà người hành giả cần thiết phải tuệ quán.

Trong kinh Trạm Xe (Rathavinìtasutta)

Trong Majjhima Nikāya có trình bày bảy pháp thanh tịnh, bảy giai đoạn của tiến trình giác ngộ giải thoát, hầu như tất cả những pháp hành khác đều được bao hàm trong bảy pháp này: 1/ Giới tịnh (sīla visuhi); 2/ Tâm tịnh (citta visuhi); 3/ Tịnh (diṭṭhi visuhi); 4/ Đoạn nghi tịnh (kankhāvitaraṇa visuhi); 5/ Đạo phi đạo tri kiến tịnh (maggāmagga ñāṇa dassana visuhi); 6/ Hành đạo tri kiến tịnh (paṭipaā ñāṇa dassana visuhi), 7/ Tri kiến thanh tịnh (ñāṇa dassana visuhi). Từ bảy giai đoạn tu tập đó đã cho ta thấy rằng những lời Phật dạy để đạt được giải thoát không ngoài sự tự nỗ lực để khám phá chính bản thân mình. hành giả hiểu rõ sự tu tập Thiền định theo lộ trình Giới - Định - Tuệ, hiểu rõ 12 duyên khởi và Tam pháp ấn, lúc ấy trí tuệ của hành giả đã đủ mạnh và xác định được đạo lộ giải thoát do sự tu tập làm cho tuệ đạo, tuệ quả phát sanh, chứng ngộ Niết bàn, giải thoát14.

Trong kinh Xà Dụ

Trong Kinh Xà Dụ, đối tượng cần phải tuệ quán là 5 thủ uẩn = sắc, thọ tưởng, hành, thức; bất cứ 5 thủ uẩn cần phải tuệ quán: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nhờ tuệ quán như vậy, vị đa văn thánh đệ tử yểm ly sắc, thọ,tưởng, hành, thức. Do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát”. Trong sự giải thoát khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã được giải thoát.” Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa15.

Trong kinh Pháp môn căn bản (Dhamma mūlapariyāya Sutta)

Kinh Căn Bản Pháp môn16 nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (Vipassanā ). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ. Chỉ và Quán có tác dụng hỗ tương lẫn nhau, không thể tách rời nhau trong sự chứng ngộ vận hành các pháp. Nói cách khác, nếu thực tập về Chỉ tịnh phải y cứ vào tưởng, còn thực tập Quán minh cũng phải nương vào tưởng (đó là đề mục quán pháp trong pháp). Như thế cần phải hiểu biết rõ (thắng tri) về những tưởng sai biệt để lìa bỏ, những tưởng đúng theo chân pháp cần phải duy trì làm cho tăng trưởng nhằm mục đích áp chế thân kiến. Nói cách khác, nội hàm trình bày về khổ (dukkha) và diệt khổ (dukkhanirodha) thông qua việc phân biệt và làm sáng tỏ về hai loại hiểu biết, tưởng tri (sanjànàti) và thắng tri (abhijànàti). Tưởng tri là hiểu biết thuộc phạm vi thế gian, gắn liền với tham ái, khổ đau, tiếp tục mời gọi khổ đau tái sinh; trong khi thắng tri là hiểu biết xuất thế, đưa đến ly tham, diệt khổ, đi ra khỏi khổ đau luân hồi.

Trong kinh Ðoạn Giảm

Trong kinh Đoạn Giảm, đối tượng cần phải tuệ quán là các sở kiến, “Này Cuda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ giữa ngã luận hoặc liên hệ thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. Có vậy thời có sự đoạn trừ các sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy17. Theo kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta), trí biết (“Cái này không phải của tôi” “Cái này không phải là tôi” “Cái này không phải là tự ngã (atta) của tôi”) là đủ để vượt qua ảo tưởng về tự ngã.

Đại kinh Đoạn Tận ái (Mahātanhāsankhaya sutta)

Lấy lý duyên khởi để giải thích vai trò của trí tuệ, lấy con người làm đối tượng để tuệ quán, và từ nơi đây, vừa tìm được công thức đưa đến sự có mặt của con người và sự tập khởi của toàn bộ 5 thủ uẩn, vừa tìm được công thức duyên diệt, đưa đến sự chấm dứt sanh tử và toàn bộ 5 thủ uẩn này, như đã được diễn tả trong kinh18.

Như vậy, với những đối tượng sai khác như 5 thủ uẩn, và các lậu hoặc, duyên khởi, trí tuệ đóng một vai trò then chốt trong trách nhiệm tuệ tri các đối tượng cuối cùng đoạn tận được các lậu hoặc để chứng quả A-la-hán.

Đại kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahāsāropama sutta)

Đại kinh Lõi Cây (Mahàsàropamasutta) là bài kinh đức Phật trình bày quá trình trải nghiệm của Ngài tu tập mà một vị hành giả cần phải vượt qua thử thách để đạt được trí tuệ giác ngộ, giải thoát. Các hỷ lạc trong lộ trình tu tập của vị hành giả được đức Phật phân ra như là năm hạng người, và cũng chính là năm trạng thái hạnh phúc, từ phàm tục cho đến giải thoát hoàn toàn19.

Kinh Ganaka Moggallana

Kinh Ganaka Moggallana20 cũng là một trong những bài kinh đức Phật trình bày về sự tu tập theo tuần tự để đạt tuệ giác như sau: 1/ Giữ gìn giới hạnh; 2/ Hộ trì giác quan; 3/ Tiết độ trong ăn uống; 4/ Chú tâm cảnh giác; 5/ Chánh niệm tỉnh giác; 6/ An trú chánh nhiệm bằng thiền tọa.

KẾT LUẬN

Trí tuệ theo đạo Phật không phải là sự “vận hành bình thường” của tri thức, mà là kết quả của một sự “rèn luyện chuyên cần” của tâm thức; khả năng phát sinh nhờ vào sự tu tập và quả là sự giải thoát về tâm thức. Như vậy, trí tuệ có nghĩa là hiểu biết trọn vẹn và hành trì theo Chánh Pháp để phá bỏ màn vô minh và nhận chân sự thật. Không ai trong chúng ta đầy đủ trí tuệ, đầy đủ sáng suốt để vạch ra cho mình một con đường tu tập nên phải nương theo những Lời dạy của đức Phật một cách tuyệt đối mới mong đi đến đích mà ta đã hướng. Vì Phật với trí tuệ siêu việt của một bậc giác ngộ, thấy biết như thật; vì có lòng thương tưởng đến chúng sanh mà chỉ ra lộ trình tu tập để giải thoát. Tuy nhiên Phật chỉ là người chỉ đường, không thể cầm tay ta để dắt đi, ta đủ lớn để có thể tự mình đi trên đạo lộ đó theo sự chỉ bảo của Ngài. Đến đích được hay không tùy vào ý chí quyết tâm của mỗi người và sự thực hành đúng lời dạy bảo của Phật. Mỗi người tự rút ra những kinh nghiệm cá nhân, chỉ có giá trị cho chính mình. Nhưng dẫu sao, từ nhiều kinh nghiệm cá nhân, không thể đi ra ngoài mô thức “Tam Vô Lậu Học”, tức là Giới, Định và Tuệ; đó là "Văn, Tư, Tu”, tức là ba loại hiểu biết, được phân biệt trong Trường Bộ kinh (Digha-nikaya) và Thanh tịnh Đạo (Visuddhi-magga): sự hiểu biết dựa lên học hỏi (sutta-maya-pañña), sự hiểu biết dựa lên suy tư (cinta-maya-pañña) và sự hiểu biết dựa lên tu tập (bhavana-maya-pañña). Trí tuệ dĩ nhiên là một trong những giai đoạn quan trọng trong tiến trình tu tập, nhưng chúng ta cũng không quên được vai trò cốt yếu của thiền định; chính nhờ thiền định mà đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, và chỉ có thiền định mới giúp phát triển được trí huệ, nhờ hai phương pháp là thiền và thiền quán. Do vậy chúng ta phải nỗ lực tinh cần thiền quán để nhận biết “lộ trình tâm giác ngộ”, cũng để chứng minh rằng giác ngộ của đạo Phật là trí tuệ minh bạch, hoàn toàn không thần bí, không dựa vào tha lực.

Người viết mượn lời của Ngài Bkillhu Bodhi thay cho lời kết: Sự xuất hiện của “Đức Phật trên thế gian được diễn đạt như người cầm đuốc soi đường cho nhân loại”, mang lại ánh sáng trí tuệ… sự xuất hiện của Ngài trong thế gian là “sự biểu hiện của một pháp nhãn vĩ đại, của ánh sáng vi diệu, của đại quang minh”. Ánh sáng ấy bao trùm khắp hư không, “giống như mẫu thiên thạch chói sáng trong nền đen tối của bầu trời đêm… thắp sáng bầu trời tâm linh của thế giới, ban ánh sáng trí tuệ cho những người có khả năng thấy sự thật mà Ngài đã soi sáng21.

Đoạn văn trên cho chúng ta thấy, đức Phật chỉ là người đem lại ánh sáng trí tuệ, còn chuyện hấp thụ và có đạt được ánh sáng trí tuệ ấy như thế nào là vấn đề của mỗi cá thể phải tự bước những bước thực sự đi đến mục tiêu trên hành trình tâm linh của tự thân, chứ không phải chỉ bằng cách nghĩ về nó hay mong cầu mà có được. Chính vì thế, mỗi hành giả hãy tự thắp lên ngọn đèn tuệ giác, để soi rọi và phá tan màn vô minh hắc ám. Mỗi người hãy là chiến binh trí tuệ để diệt trừ tận gốc những tên giặc ngu si, phiền não đã làm não loạn đời sống của chính mình. Có như thế, chúng ta mới thực sự tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi và những giá trị đích thực trong cuộc sống này.

 


1. Bậc Hữu học có sự hiểu biết nhờ nghe, đọc và quan sát lời giảng, bài viết, chỉ dẫn từ những bậc thầy, bậc thiện tri thức (Văn). Sau đó tự mình suy nghĩ, quán chiếu (Tư). Đem hiểu biết ứng dụng và hành trì (Tu). Văn-Tư-Tu là Tam Huệ Học.

2. Bậc Vô học là người “Vô sư tự ngộ”, nghĩa là tự chính mình học, tư duy, quán chiếu bằng phương tiện tự thân như nghiêm trì giới luật (Giới); công phu thiền định (Định), rồi đi sâu vào quán niệm sự lý để phát sinh trí tuệ (Huệ). Giới-Định-Huệ là Tam Vô Lậu Học.

3. Thích Minh Châu (2012), “Trí Tuệ Trong Đạo Phật”, Trích Hãy Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.70

4. Trúc Thiên (PL. 2533-1989) dịch, Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, Nxb. Phật Học Viện Quốc Tế, tr. 73.

5. Nguyên Nhật Trần Như Mai (2017) dịch, Hợp Tuyển Lời Phật Dạy Từ Kinh Tạng Pāli, Bhikkhu Bodhi (2005), In The Buddha’s Words, An Anthology of Discourses from the Pāli Canon, Wisdom Publications.

6. Chơn Pháp - Nguyễn Hữu Hiệu (1970) dịch, Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật, Nxb. Tu thư Đại Học Vạn Hạnh, Saigon.

7. Theo bộ Paramatthamanjusà (Sớ Giải của bộ Thanh Tịnh Đạo), pháp môn Tuệ Quán (Vipassanà) tức Tứ Niệm Xứ được gọi là Lakkhanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong Tam Tướng (Tam Pháp Ấn) bằng cách an trú Chánh Niệm cùng Tỉnh Giác (Sampajanna - tức trí tuệ) và pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha) tức việc tu tập thiền định qua các đề mục thiền Chỉ, được gọi là Àrammanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong các đối tượng án xứ bằng cách tập trung tư tưởng. Người Anh Mỹ gọi pháp môn Tuệ Quán là Insight (Nội Quán) và pháp môn Chỉ Tịnh là Concentration (Tập Trung Tư Tưởng).

8. Giác Nguyên (2017) dịch, Kinh Nghiệm Tuệ Quán, Quyển 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.17.

9. Là sự tập trung sơ bộ (parikammasamadhi): Xuất phát từ những nỗ lực ban đầu của thiền giả để tập trung vào một đối tượng thiền định.

10. Thắng tri (abhijānāti): biết qua một khả năng đặc biệt của thiền định gọi là thắng trí (abhiññā).

- Khi một người đắc định sắc giới (rūpajjhāna) hoặc vô sắc giới (arūpajjhāna) có khả năng nhận thức giác quan cũng như . thức vi tế hơn nhận thức của tâm dục giới, ví dụ như khả năng thấy xuyên qua tường, nghe rõ những âm thanh tai thường không nghe được hoặc hiểu được tiếng nói lạ theo ngôn ngữ của những loài khác v.v… Những khả năng đó có thể hỗ trợ cho thiền tuệ, nhất là khi vị ấy thấy rõ diễn biến của sự thay đổi cực kỳ vi tế trong hiện tượng vật lý hoặc tâm lý mà “mắt” thường không thể nào thấy được.

11. Sử dụng khả năng “tuệ tri như thực”(seeing as it is) để thấu hiểu tất cả các pháp.

12. Tuệ tri (pajànàti), sự phát triển lớn mạnh của thắng tri, có nghĩa là thông hiểu về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt qua kinh nghiệm hành sâu Bát Thánh đạo hay qua sự thực tập chuyển hóa tự nội bằng con đường Giới ĐịnhTuệ, thấy rõ bản chất biến hoại khổ đau hàm tàng trong mọi hiện hữu, trong con người ngũ uẩn, có khả năng dứt trừ vô minh, buông bỏ mọi tập quán tham ái và chấp thủ, hướng đến đoạn trừ các lậu hoặc, giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi.

13. Liễu tri (parijànàti) tức sự thấy biết đầy đủ, rốt ráo, viên mãn về khổ đau và con đường đi ra khỏi khổ đau của những người đ. tu tập và thành tựu đầy đủ về mười Thánh đạo, gồm Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí, Chánh giải thoát, đã hoàn thành mục đích đoạn tận các lậu hoặc, không còn tái sinh, chấm dứt khổ đau sinh tử luân hồi. Đây là sự thấy biết của chư Phật và các vị đã giác ngộ.

14. HT. Viên Minh, Thiền Phật Giáo - Nguyên Thủy và Phát Triển, Nguồn: trungtamhotong.org

15. Thích Minh Châu (2002), Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, Năm uẩn trong kinh Xà dụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 225.

16. Thích Minh Châu (2012) dịch, Kinh Trung Bộ 1, 1. Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāya Sutta), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.19.

17. Thích Minh Châu (2012) dịch, Kinh Trung Bộ 1, 8. Kinh Đoạn Giảm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 67.

18. Thích Minh Châu (2012) dịch, Kinh Trung Bộ 1, 38. Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 321.

19. Thích Minh Châu (2012) dịch, Trung Bộ 1, 29. Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahāsāropama Sutta), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 245.

20. Thích Minh Châu (2012) dịch, Kinh Trung Bộ 2, 107. Kinh Gaaka Moggallāna, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 325.

21. Bhikkhu Bodhi, Hợp Tuyển Lời Phật dạy Từ Kinh Tạng Pàli, Nguyên Nhật Trần Như Mai (Việt dịch), VNCPHVN, Nxb. Hồng Đức, 2005, trang 83.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 1)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6634880