Thông tin

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)

TRẦN PHI HÙNG

  

Trong loạt bài tìm hiểu về Thiền, ở tập 1, chúng ta đã qua phần định nghĩa Thiền (Thiền là gì?); ở tập 2, chúng ta tìm hiểu về lịch sử Thiền, và tập 3 này chúng ta tiếp tục tìm hiểu phần lịch sử Thiền Việt Nam.

Như đã trình bày ở tập 2 về lịch sử Thiền, đạo Phật đã đến Việt Nam từ giai đoạn rất sớm, có thể vào khoảng thời gian từ đời Hùng Vương ở thế kỷ thứ II trước Tây lịch (TL) cho đến cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Hai Bà Trưng (36 - 43 sau TL)(1).

Cũng có thuyết cho đạo Phật du nhập đầu tiên vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III sau TL (trong thời kỳ nước ta bị Trung Hoa đô hộ gần 1.000 năm – Thời kỳ Bắc thuộc)(2).

Nhân đây cũng xin nhắc lại thời kỳ lịch sử các dòng đời vua Việt Nam để so sánh theo dõi việc phát triển của Thiền Việt Nam.

Các đời vua Việt Nam:

1- Đời Hồng Bàng:  2874 - 258 trước TL.

2- Đời nhà Thục (nước Văn Lang):  258 – 207 trước TL.

3- Đời nhà Triệu: 207 – 111 trước TL.

4- Thời kỳ Bắc thuộc:  111 trước TL – 968 (1.079 năm)

5- Đời nhà Đinh:  968 – 980

6- Nhà Tiền Lê:  980 – 1009

7- Nhà Lý:  1009 – 1225

8- Nhà Trần:  1225 – 1400

9- Nhà Hồ:  1400 – 1407

10- Thời Bắc thuộc lần 2:  1407 – 1428 (22 năm).

11- Nhà Trần (hậu Trần, trong thời Bắc thuộc 2):  1407 – 1414

12- Nhà Hậu Lê:  1428 – 1527

13- Nhà Mạc:  1527 – 1540

14- Nhà Hậu Lê:  1533 – 1786 (từ 1533 nhà Mạc ở phía Bắc, vua Lê ở phía Nam).

15- Nhà Tây Sơn:  1778 – 1800

16- Nhà Nguyễn:  1802 – 1955

Việc truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ sang các quốc gia ở châu Á đã đi theo hai hướng: Bắc và Nam. Chúng ta biết trong bốn kỳ kết tập kinh điển ở Ấn Độ sau khi Phật nhập Niết bàn có thời gian như sau: Lần thứ nhất: Bốn tháng sau khi Phật nhập diệt, Ngài Ma-ha Ca-diếp làm chủ tọa, ngài A-nan được cử ra tụng lại những lời Phật đã dạy. Lần thứ hai: 100 năm sau khi Phật nhập diệt, gồm hai nhóm do Ngài Revala và Đại Đức Vajjiputra chủ tọa. Lần thứ ba:  Hơn 200 năm sau ngày Phật nhập diệt (274 năm trước TL) do vua A Dục triệu tập, ngài Mục-kiền-liên Đế-tu (Mogaliputta Tissa) làm chủ tọa. Lần thứ tư:  600 năm sau khi Phật nhập diệt, Vua Ca-ni-sắc-ca (Kaniska) triệu tập, hai ngài Hiếp Tôn Giả và Thế Hữu làm chủ tọa.  Trong hai thời kỳ kết tập đầu chỉ đọc tụng nhắc lại đúng những lời Phật dạy, chỉ đến thời kỳ kết tập thứ ba và thứ tư mới dùng văn tự để biên chép thành sách vở theo hai ngôn ngữ:  tiếng Pali và tiếng Phạn. Những xứ ở Nam Ấn Độ thường dùng ngôn ngữ Pali và đi theo đường biển truyền bá đến những nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia,… còn những xứ thuộc Trung Ấn Độ, Bắc Ấn Độ sử dụng tiếng Phạn theo đường bộ lan truyền đến những nước Népal, Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Ở Việt Nam, Phật giáo du nhập vào bằng cả hai đường:  Đường bộ từ phía Bắc xuống và đường biển từ phía Nam lên. Trong bốn nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam thì có ba người là nhà sư Ấn Độ đã đến Trung Hoa truyền đạo và ghé lại Việt Nam là các vị:  Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội và Chi Cương Lương. Nhà sư thứ tư người Trung Hoa là Ngài Mâu Bác. Tuy nhiên, do thời gian Bắc thuộc quá lâu nên ảnh hưởng Phật giáo từ Trung Quốc sang nước ta là mạnh nhất và Thiền tông ban đầu của Việt Nam cũng ảnh hưởng từ Trung Quốc truyền sang mà Thiền tông ở Trung Hoa có từ đời Lương Võ Đế (528) với Tổ Bồ đề Đạt ma, do đó Thiền tông Việt Nam cũng bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 sau TL.

1- Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi

Thiền tông Phật giáo truyền sang nước ta đầu tiên do Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) từ năm 580 sau TL. Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi (? – 594) là sơ tổ Thiền tông của Việt Nam, Thiền sư người miền Nam nước Thiên Trúc - Ấn Độ thuộc dòng dõi Bà-la-môn, từng đi nhiều nơi ở Thiên Trúc để cầu đạo nhưng chưa ngộ, khi đi đến Trường An rồi về xứ Hồ Nam (Trung Quốc) gặp được Tam tổ Thiền tông Tăng Xán ở núi Tư Không mà đắc pháp, và sư được tổ khuyên đi về phương Nam để truyền bá đạo pháp. Tháng 3 năm Canh Tý (580) sư sang nước ta, trụ trì ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu) thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Ở đây, sư dịch bộ Kinh Tổng Trì, tiếp sau các bộ Kinh Tượng Đầu, Báo Nghiệp Sai Biệt đã dịch từ trước. Năm Giáp Dần (594), sư viên tịch và truyền thừa lại cho đệ tử là Thiền sư Pháp Hiền.

Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) có bài kệ truy tán Thiền sưnhư sau:

Sáng tự lai Nam quốc

Văn quân cửu tập thiền

Ưng khai chư Phật tín

Viễn hợp nhất tâm nguyên

Hạo hạo Lăng già nguyệt

Phân phân Bát nhã liên

Hà thì lân diện kiến

Tương dữ thoại trùng huyền

Dịch:

Sang nước Nam truyền đạo

Xứng danh bậc túc thiền

Mở niềm tin Đức Phật

Xa hợp một tâm nguồn

Trăng Lăng già vằng vặc

Sen Bát nhã thơm truyền

Biết bao giờ gặp mặt

Cùng nhau nói đạo huyền(3)

Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi là Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam, theo tài liệu Thiền Uyển tập anh ghi lại được truyền đến thế hệ thứ 19 với nhiều truyện kể lại lịch sử tu tập của 28 vị Thiền sư tông phái này trong đó có nhiều vị thiền sư xuất sắc được người đời biết đến như: Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi (? – 594), Thiền sư Pháp Hiền (? – 626), Thiền sư Thanh Biện (? – 686), Thiền sư Định Không (? – 868), Trưởng lão La Quý An, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Ma Ha,Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Đạo Hạnh (? – 1117), Tăng Thống Huệ Sinh (? – 1063), Thiền sư Thiền Nham (1093 – 1163), Tăng Thống Khánh Hỷ (1067 – 1142), Thiền sư Giới Không, Thiền sư Trí Thiền, Thiền sư Chân Không (1046 – 1100),  Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1113), Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151), Thiền sư Y Sơn (? – 1213).

 

2- Thiền phái Vô Ngôn Thông

Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826) là sơ tổ phái Thiền tông thứ hai ở Việt Nam, người Quảng Châu, xuất gia ở chùa Song Lâm (tỉnh Triết Giang – Trung Quốc), ngài là đệ tử của Bách Trượng Thiền sư(4). Sau khi ngộ đạo, tháng 9 năm Canh Tý (820) ngài qua Việt Nam và đến tu tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh. Sư thường ngày tham thiền nhập định xây mặt vào tường và ít giao thiệp với mọi người. Sư ở Việt Nam 6 năm thì viên tịch. Trước khi tịch, Ngài có mấy lời dặn dò và truyền thừa lại cho đệ tử là Thiền sư Cảm Thành, trụ trì chùa Kiến Sơ và là vị Nhị tổ của phái Vô Ngôn Thông. Lời dặn dò của Ngài còn được lưu lại như sau:

Nhất thiết chư pháp, giai tùng tâm sanh,

Tâm vô sở sanh, pháp vô sở trú.

Nhược đạt tâm địa, sở trú vô ngại.

Phi ngộ thượng căn, thận vật khinh hứa.

Dịch:

Hết thảy các pháp, đều tự tâm sanh,

Tâm nếu không sanh, pháp không chỗ trú.

Nếu hiểu được tâm, việc không trở ngại.

Không gặp thượng căn, chớ nên nói pháp(5).

Năm 860, ngài Cảm Thành không bệnh mà tịch, truyền tâm pháp lại cho đệ tử là Thiện Hội Thiền sư. Phái Vô Ngôn Thông truyền pháp từ thầy đến trò theo lối đốn ngộ của nhà Thiền và liên tục được 15 đời, đến đời Cư sĩ Ưng Vương (1221) là cuối đời.  Sử sách còn ghi lại được lịch sử tu học của 39 thiền sư phái Vô Ngôn Thông Việt Nam, với một số các Thiền sư nổi tiếng như: Đại sư Khuông Việt (933 – 1011), Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090), vua Lý Thái Tông, Quốc sư Thông Biện (? – 1134), Đại sư Mãn Giác (1052 – 1096), Thiền sư Không Lộ (? – 1119), Thiền sư Tịnh Không (1091 – 1170), Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203),…

3-Thiền phái Thảo Đường

Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tôn đem quân đi đánh nước Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ và rất nhiều tù binh, trong số ấy có một vị thiền sư người Trung Hoa theo thầy qua nước Chiêm Thành để truyền đạo, chẳng may bị bắt làm tù binh.  Thiền sư ấy là ngài Thảo Đường, đệ tử của ngài Tuyết Đậu Minh Giác ở Trung Hoa.

Sau khi biết nguồn gốc của Thảo Đường Thiền sư, vua Thánh Tông sắc phong cho làm Quốc sư và lập đàn khai giảng kinh pháp tại chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Ngài Thảo Đường lập ra phái Thiền tông thứ ba ở Việt Nam. Thiền phái Thảo Đường truyền được 5 đời gồm tất cả 19 vị thiền sư được sử sách còn ghi lại tên hay pháp hiệu như sau: Thiền sư Thảo Đường, Lý Thánh Tông Hoàng Đế, Thiền sư Bát Nhã, Cư sĩ Ngộ Xá, Ngô Tham Chính Ích, Thiền sư Hoàng Minh, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Định Giác, Đỗ Thái Phó Vũ, Thiền sư Phạm Âm, Lý Anh Tông Hoàng Đế, Thiền sư Đỗ Đô, Thiền sư Trương Tam Tạng, Thiền sư Chân Huyền, Thái Phó Đỗ Thương, Thiền sư Hải Tịnh, Lý Cao Tông Hoàng Đế, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.

4- Thiền phái Trúc Lâm

Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) lập nên, ngài là đệ Nhất tổ của phái tông này. Đây là dòng Thiền hoàn toàn của người Việt. Sau khi chống trả quân Nguyên xâm lăng giữ gìn độc lập nước nhà, nhà vua truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông và vào tu ở núi Yên Tử, lấy pháp hiệu là Hương Yên Đại Đầu đà lập trường giảng pháp, thu thập môn đệ có đến hàng vạn người. Ngài tu theo hạnh Đầu đà đi khắp nơi trong nước để giảng đạo và phát thuốc cứu người.

Dòng Thiền Trúc Lâm thừa kế và hợp nhất 3 dòng phái Thiền đã có từ trước là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Hai tông phái Thiền đầu là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông bắt đầu và truyền bá trong thời Bắc thuộc của Việt Nam (111 trước TL đến 968 sau TL) nên chịu nhiều ảnh hưởng Thiền tông Trung Quốc. Đến phái Thảo Đường và Trúc Lâm, đất nước đến giai đoạn độc lập, các pháp tu khác như Tịnh độ và Mật tông cũng đã ảnh hưởng đến phái Trúc Lâm, nên trong dòng Thiền Trúc Lâm còn có sự kết hợp cả ba pháp tu Thiền – Tịnh – Mật. Đây là sự khác biệt đặc thù của Thiền Việt Nam với Thiền Trung Quốc. Phái Trúc Lâm còn có pháp tu gọi là Thiền-Tịnh song tu gồm Thiền định và Niệm Phật cùng tu. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 -1291) phái Trúc Lâm chủ trương “Phật chỉ có trong lòng”. Giữ lòng yên tĩnh để nhận biết Phật là Tâm. Muốn hiểu rõ Tâm phải Thiền định. Thiền để tĩnh tâm và niệm Phật là cách để giữ thân, khẩu, lòng thanh tịnh.

Xin dùng bốn câu kệ trong cuối bài “Cư trần lạc đạo phú” viết bằng chữ Nôm của vua Trần Nhân Tông để hiểu thêm về đường lối tu của Thiền Trúc Lâm.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hửu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền

Nguyễn Lang dịch:

Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền

Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm

Vô tâm đối cảnh, hỏi chi Thiền?

“Chúng ta thấy ngài định nghĩa Thiền hết sức giản đơn - Thiền là gì?  Thiền là sáu căn đối với sáu trần mà tâm không dấy động, chứ đừng kiếm Thiền ở đâu, bài kệ kết thúc rất là hay đủ để cho chúng ta biết đường lối để tu” (Hòa thượng Thích Thanh Từ)(6).

Năm 1307, Ngài viết tâm kệ và truyền Y bát cho Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330) là đệ Nhị tổ Trúc Lâm, trụ trì tại chùa Vĩnh Nghiêm. Năm 1317, Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) trụ trì ở chùa Vân Yên được truyền Y bát và là đệ Tam tổ Trúc Lâm. Ngoài ra Thiền phái Trúc Lâm còn nhiều vị danh tăng khác như:  Bảo Sát, Bảo Phác, Pháp Đăng, Pháp Không, Huệ Nghiêm, Hương Sơn, Mật Tạng,…

Sử sách có ghi năm 1301 – 1303, vua Trần Nhân Tông đi giáo hóa nhiều nơi trong nước và mở hội giảng kinh Vô Lượng Thọ. Năm 1301, Ngài đi khất thực sang nước Chiêm Thành và được vua Chiêm Thành kính trọng, dâng cúng.  Cảm ơn trước thịnh tình vua Chiêm, Ngài hứa gả Huyền Trân Công chúa và nước ta có thêm Châu Ô, Châu Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên và một phần đất Quảng Nam ngày nay).

Ngày 1 tháng 11 âm lịch (năm 1308) ngài viên tịch thọ 51 tuổi. Hiện nay, Thiền phái Trúc Lâm được Hòa thượng Thích Thanh Từ khôi phục, mở nhiều Thiền viện ở ba miền Nam, Trung, Bắc và cả ở châu Âu, Mỹ, Úc, …

5- Phái Thiền Lâm Tế

Dòng Thiền Lâm Tế do Ngài Nguyên Thiều hoằng hóa tại Trung phần Việt Nam. Ngài họ Tạ, quê ở Triều Châu, Quảng Đông (Trung Hoa). Năm 1665, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, Ngài theo thuyền buôn qua Việt Nam, cư ngụ ở Bình Định lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường dạy học. Sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung rồi lên Huế lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng. Ngài cũng phụng mệnh chúa Nghĩa-Nguyễn Phúc Trăn (1650-1691) về lại Trung Quốc để thỉnh các vị danh tăng, tượng và pháp khí về Việt Nam. Nhưng đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), cụ thể là năm 1695, qua Thiền sư Quốc Hoằng, trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành sơn, Quảng Nam, nay thuộc TP Đà Nẵng) mới thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm (dòng Thiền Tào Động) và các danh tăng khác cùng nhiều kinh điển, tượng khí. Chúa Nguyễn liền cho mở đàn truyền giới long trọng tại chùa Thiền Lâm (Huế). Ngài Nguyên Thiều được Chúa Nguyễn sắc ban trụ trì chùa Hà Trung.

Năm niên hiệu Bảo Thái thứ 10 nhà Lê, Ngài thọ bệnh, họp các môn đệ và dặn dò mọi việc, Ngài truyền cho bài kệ rồi ngồi yên lặng mà tịch, thọ 81 tuổi.

Bài kệ như sau:

Tịch tịch kỉnh vô ảnh.

Minh minh châu bất dung,

Đường đường vật phi vật.

Liêu liêu không vật không.

Dịch:

Lặng lẽ gương không bóng.

Sáng rỡ ngọc không hình,

Rõ ràng vật không vật.

Mênh mông không chẳng không(7)

Hiến Tông hoàng đế ban thụy hiệu là “Hạnh Đoan Thiền Sư”. Ngài là vị sơ tổ phái Thiền Lâm Tế ở Đàng Trong.

6- Phái Thiền Chúc Thánh

Thiền phái Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) lập nên tại chùa Chúc Thánh (nay thuộc TP Hội An, Quảng Nam). Sư có thế danh Lương Thế Ân, người làng Thiệu An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Sư xuất gia tại chùa Báo Tư lúc 9 tuổi, năm 20 tuổi được đăng đàn thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, sư nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế. Có tư liệu cho rằng, năm Ất Hợi (1965), sư cùng các Ngài Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hoằng – Từ Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng… cùng với Hòa thượng Thạch Liêm sang Việt Nam truyền giới. Nhưng cũng có tư liệu nói ngài qua Đại Việt lúc ngài Nguyên Thiều vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Thái về Quảng Đông thỉnh danh tăng, kinh sách...

Sau khi Ngài Thạch Liêm về lại Trung Quốc, có một số vị trong đoàn ở lại Việt Nam tiếp tục hoằng hóa Đạo pháp như Ngài Minh Hoằng – Tử Dung (khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa), Ngài Minh Lượng –Thành Đẳng (khai sơn chùa Vạn Đức ở Cẩm Hà, Hội An), Ngài Minh Hải – Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh).

Từ đây, ngài xuất kệ truyền thừa mở ra dòng Thiền mới ở Đại Việt. Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do tổ sư Minh Hải khai sơn và hoằng hóa ở mảnh đất Hội An, dần dần giới đức của Ngài lan tỏa khắp nơi và đồ chúng đến quy học ngày càng đông đảo. Ý nghĩa hai chữ Chúc Thánh có thể hiểu theo hai nghĩa như sau:

-   Theo nghĩa Phật đạo, Chúc Thánh là cầu chúc cho Đạo Thánh, là đạo của Đức Phật, vua trong các dòng Thánh, được phát triển tuôn chảy không ngừng khắp các vùng miền đất Việt và tràn ra bốn biển năm châu.

-   Theo ý nghĩa thế gian là cầu chúc cho đất nước có Thánh Vương, Minh Vương cai trị lâu dài, đem bình an, thịnh vượng cho nhân dân và như thế tôn giáo được phát triển, đi vào lòng người, lan rộng khắp nơi mang lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người(8).

Từ ngày Tổ sư Minh Hải lập nên Thiền phái Chúc Thánh cho đến cuối thế kỷ 18, việc phát triển ngày càng lớn mạnh, các chùa tại tỉnh Quảng Nam đều do các Thiền sư dòng Chúc Thánh đảm nhiệm giáo hóa, và ảnh hưởng của Thiền phái Chúc Thánh lan rộng vào đến các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Định, Bình Dương… Với thời gian chưa đầy 100 năm, Thiền phái Chúc Thánh lan tỏa nhanh chóng do những nguyên nhân như:

-   Thiền phái Chúc Thánh có những thế hệ kế thừa xứng đáng, xiển dương đạo pháp và phát triển tông môn. Có thể kể như ở đời thứ 2, tại Quảng Nam có các Ngài Thiệt Dinh, Thiệt Diệu, Thiệt Thọ..., ở Quảng Ngãi có các Ngài Thiệt Úy, Thiệt Uyên…, ở Bình Định có các Ngài Thiệt Đăng, Thiệt Thuận… Ở đời thứ 3 tại Quảng Nam có các

Ngài Pháp Tịnh, Pháp Tràng, Pháp Ấn, Pháp Diễn…, và đặc biệt có hai vị Thiền sư lỗi lạc là Thiền sư Pháp Kiêm ở chùa Phước Lâm (Hội An) và Pháp Chuyên ở chùa Từ Quang (Phú Yên). Cả hai vị là bậc cao tăng, đạo hạnh siêu quần, kiến văn quảng bác thu hút rất nhiều chư tăng khắp nơi đến tu học.

-   Các Thiền sư dòng Chúc Thánh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, dòng Thiền này khai sinh ở Hội An là đất của thương cảng trù phú nên cơ hội giao thương và phổ biến văn hóa rất thuận lợi.

-   Với tư tưởng phóng khoáng của dòng Lâm Tế và với lối sống giản dị thanh bần của các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã xâm nhập đi vào lòng quần chúng nhanh chóng, với pháp môn tu phù hợp với điều kiện xã hội, sự vận dụng kết hợp Thiền-Tịnh song tu đã đem lại lợi lạc cho người tu và tha nhân. Như thế dòng Chúc Thánh ngày càng phát triển.

Ngày mùng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), sau gần 50 năm hoằng pháp, tiếp tăng độ chúng ở Việt Nam, sư Minh Hải cho gọi đồ đệ đến dặn dò và sau khi đọc kệ phó chúc cho hàng môn đệ xong, Ngài thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam.

Tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Chúc Thánh là nhập thế tích cực cứu đời “Hộ pháp an dân” với tinh thân vô nhiễm, thong dong tự tại trước mọi danh lợi, tùy duyên hành đạo như qua cuộc đời của Ngài Pháp Liêm, thế hệ thứ ba dòng Chúc Thánh. Sau khi xuất gia, Ngài về quê đăng lính đánh giặc, lập được công to, được phong chức chỉ huy nhưng Ngài từ bỏ và phát nguyện quét chợ Hôi An suốt 20 năm. Về sau, được triều đình và nhân dân tôn hiệu Minh Giác Thiền sư và kế nghiệp Tổ đình Phước Lâm ở Hội An. Và như gương của Thiền sư Vĩnh Gia, thế hệ thứ 6 dòng Chúc Thánh là bậc cao tăng được triều đình kính trọng mời vào kinh đô thuyết giảng, nhưng với lòng yêu nước đã âm thầm cố vấn cho nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên trong phong trào Duy Tân. Gần đây, các tăng sĩ dòng Chúc Thánh lại vì nhân dân đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu cúng dường Chư Phật, nguyện cầu cho Đạo pháp trường tồn. Ngài Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp thuộc thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh.

Thiền phái Chúc Thánh truyền thừa đến ngày nay cũng đã trải qua 300 năm, lưu truyền khắp nước từ Quảng Nam lan rộng vào các tỉnh phía Nam và đến hải ngoại với các Tổ đình, các chùa được thành lập. Ở Quảng Nam, lúc khởi thủy hình thành ba trung tâm hoằng pháp là Trung tâm Hội An với các Tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm. Ở Ngũ Hành sơn có chùa Tam Thai và Linh Ứng. Ở Đại Lộc có Tổ đình Cổ Lâm. Tại đây có các vị Thiền sư tiêu biểu như: Hòa thượng Ân Triêm (1712-1796), Hòa thượng Minh Giác (1747-1830), Hòa thượng Quán Thông (1798-1883), Hòa thượng Huệ Quang (?-1873), Hòa thượng Vĩnh Gia (1840-1918), Hòa thượng Thiên Quả (1881-1962)…

Ở Huế có chùa Viên Thông (chùa này do ngài Liễu Quán khai sơn) với các hòa thượng Vĩnh Gia, Phước Trí.

Ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đều có các tổ đình và các danh tăng của Thiền phái Chúc Thánh.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có trên hàng trăm ngôi chùa do tăng sư dòng Chúc Thánh đảm nhận với các ngôi Tổ đình như: Tổ đình Tập Phước ở Gia Định, Tổ đình Hưng Long ở đường Ngô Gia Tự quận 10, Tổ đình Đông Hưng đang được xây dựng lại ở quận 2, Tổ đình Quán Thế Âm ở đường Thích Quảng Đức quận Phú Nhuận.

Tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Bình Long, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt, Bảo Lộc, Vĩnh Long… Thiền phái Chúc Thánh đều có các Tổ đình và chùa do các chư tăng thuộc các tỉnh miền Trung vào thành lập. Trong đó, nổi bật nhất là quý Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Quảng Đức, Hòa thượng Hành Trụ, đã đóng góp rất nhiều công đức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Ở hải ngoại, dòng Chúc Thánh có các chùa như: Chùa Viên Giác tại Đức, chùa Linh Sơn tại Paris Pháp, ở Ý có chùa Viên Ý, Đan Mạch có chùa Vạn Hạnh, ở Nga có Niệm Phật đường Thảo Đường, ở Ấn Độ có Trung Tâm tu học Viên Giác, ở Mỹ có chùa Quan Âm và nhiều chùa tại các bang, ở Úc có chùa Pháp Hoa… Tất cả đều từ dòng Chúc Thánh Việt Nam.

Ngày nay, dòng Chúc Thánh truyền tới đời 43, 44 đến chữ Đồng, chữ Chúc theo bài kệ truyền thừa của Tổ Minh Hải và Chư tăng dòng Chúc Thánh chiếm số lượng lớn với đóng góp không nhỏ trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

7- Phái Thiền Liễu Quán

Phái Thiền Liễu Quán do Thiền sư Liễu Quán (1667 – 1742) lập nên, Ngài họ Lê, quê ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân (Sông Cầu), tỉnh Phú Yên. Năm 12 tuổi (1678), Ngài xuất gia tu học ở chùa Hội Tôn với Hòa thượng Tế Viên. Năm Ất Hợi (1695), Hòa thượng Thạch Liêm thuộc phái Thiền Tào Động mở Đại giới đàn truyền giới ở chùa Thiền Lâm (Huế), Ngài Liễu Quán thọ giới Sa di vào dịp này. Năm 1697, Ngài thọ giới Cụ túc ở chùa Từ Lâm. Năm Nhâm Ngọ (1702), Ngài thọ giáo với Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung (Tổ khai sơn chùa Ấn Tông, nay là Từ Đàm ở Huế, thuộc phái Thiền Lâm Tế, thế hệ thứ 34) học pháp thiền tham công án với câu: “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ” (Muôn pháp qui về một, một qui về chỗ nào?). Sau nhiều năm tham cứu, một hôm nhân đọc Truyền đăng lục, Ngài gặp câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” (Chỉ vật để truyền tâm, chỗ mà người ngoài cuộc không hiểu được), bỗng nhiên ngài thấy đã tìm ra câu giải đáp. Năm Mậu Tý (1708), Ngài đến Phú Xuân để trình kết quả tham cứu của mình nhưng chưa được minh sư ấn khả. Ngài tiếp tục tham cứu, đến năm Nhâm Thìn (1712), ngài trình bài Dục Phật (Tắm Phật) và qua mấy câu đối đáp, Ngài được Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung ấn khả, và trở thành Nhị tổ chùa Ấn Tông. Sau đó, ngài xuất kệ truyền thừa mở ra dòng Thiền Liễu Quán thuần Việt.

 Từ đấy, Thiền sư Liễu Quán đi hoằng hóa nhiều nơi từ Phú Yên ra Huế và đã giáo hóa được rất nhiều đệ tử, có một số đệ tử được Ngài truyền tâm ấn và là những bậc thượng thủ đã hoằng dương Phật pháp vào đến các tỉnh miền Nam và truyền thừa cho đến ngày nay (9).

Từ năm 1734 – 1735 theo thỉnh cầu của chư tăng và tín đồ, thiền sư mở 4 giới đàn lớn tiếp độ chúng tăng. Năm 1740, sau khi mở giới đàn Long Hoa, Ngài trở về Tổ đình Thiền Tông, núi Thiên Thai để tu hành. Năm 1742, khi an trú ở chùa Viên Thông, Ngài mở đại giới đàn tại đây theo lời thỉnh cầu của chư tăng và các tể quan, cư sĩ ở Huế. Sau đó, Ngài bị bệnh nhẹ, gọi môn đồ đến di huấn và viết bài kệ từ biệt, Ngài viên tịch thọ 76 tuổi (ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất 1742).

Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) ban thụy hiệu là “Đạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng”.

Bài kệ từ biệt của Ngài còn ghi lại như sau:

Thất thập dư niên thế giới trung

Không không, sắc sắc, diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn man vấn Tổ tông

Dịch:

Ngoài bảy mươi năm trong thế gian

Không không sắc sắc, thảy dung thông

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ

Đâu phải ân cần hỏi Tổ tông(10).

Ngài có nhiều đệ tử đắc pháp nổi tiếng, như: Thiền sư Tế Mẫn – Tổ Huấn, Thiền sư Tế Nhơn – Hữu Bùi, Thiền sư Tế Dương – Bửu Hiền, Thiền sư Tế Hiển, Thiền sư Tế Căn – Từ Chiếu, Thiền sư Tế Huyền – Ứng Am, Thiền sư Tế Ân – Lưu Quang, Thiền sư Tế Quảng – Phổ Chấn, Thiền sư Tế Vĩ  - Trường Chiêu, v.v…

 Ở tập 3 này, chúng ta đã tìm hiểu qua lịch sử Thiền của Việt Nam. Trong tủ sách Phật học Từ Quang tập 4 kỳ tới, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về Thiền tông ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á và sau đó đến phần nội dung các vấn đề của Thiền.


(1) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, quyển 1, NXB TPHCM, 2003.

(2) H.T Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển 2, NXB Tôn giáo, H, 2011.

(3) Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch), Thiền Uyển tập anh, NXB Văn học, H, 1990, trang 167.

(4) Bách Trượng là đệ tử của Mã Tổ tức Thiền sư Đạo Nhất (709 – 788); Mã Tổ là học trò của Nam Nhạc Hoài Nhượng (677 – 744).

(5) Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB Tôn giáo, H, 2004, trang 94-95.

(6) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phật giáo đời Trần, tập 3, NXB Tôn Giáo, H, 2011, trang 94-95.

(7) Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB Tôn giáo, H, 2004, trang 94-95.

(8) Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, trang 113.

(9) Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP.HCM, 1995, trang 293.

(10) H.T Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, NXB Tôn giáo, H, 2011, trang 197

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6125822