Thông tin

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tiếp theo)

TRẦN PHI HÙNG

 

Tiếp tục loạt bài tìm hiểu về Thiền, trong tập 4 này, chúng ta tìm hiểu về lịch sử Thiền tông ở Nhật Bản.

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo hình vòng cung, ở phía Đông châu Á, thủ đô Tokyo, có diện tích 379.954 m2, với dân số (2012) 126.804.433 người, theo chế độ Quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng nắm quyền cao nhất về quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của hai Viện Quốc hội, có Thiên Hoàng Akihito đứng đầu đất nước với danh nghĩa tối cao, nhưng chỉ là tượng trưng. Thủ tướng hiện nay là Abe Shinzo, Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện, lợi tức đầu người 15.300 USD /người, đơn vị tiền tệ: đồng Yen, ngôn ngữ tiếng Nhật.


Để tìm hiểu lịch sử phát triển của Thiền tông Phật giáo vào đất nước Nhật Bản, chúng ta sẽ lướt qua lịch sử của nước Nhật.

Sơ lược lịch sử Nhật Bản:

-   Đã có con người Nhật Bản từ 15.000 năm trước Tây lịch (TL).

-   Người Nhật đã biết làm gốm, trồng lúa, sống định cư từ 13.000 năm trước TL.

-   Đã sử dụng đồ kim khí từ 300 năm trước TL.

-   Từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6, thành lập nhà nước đầu tiên, Tôn giáo chính là Thần đạo, nước Nhật có tên gọi là Yamato.

-   Từ thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 8, một nhà nước tập quyền được thành lập và đóng đô ở Asuka, tên nước Yamato đổi thành Nhật Bản. Trong khoảng thời gian này, thành lập nhà nước phong kiến với cuộc cải cách do Thiên Hoàng Hiếu Đức đề xướng. Phật giáo đầu tiên đến Nhật Bản trong thời kỳ này.

-   Giữa thế kỷ thứ 8, Phật giáo thiết lập cơ sở ở Nhật Bản.

-   Từ thế kỷ thứ 9 đến cuối thế kỷ 12, các dòng họ quý tộc hùng mạnh ở Heian nắm giữ sức mạnh chính trị và lấn át quyền lực Thiên Hoàng. Cuối thời này, xuất hiện các tầng lớp võ sĩ tranh giành quyền lực với các dòng họ quý tộc.

-   Cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 14, các võ sĩ ở Kamakura nắm giữ quyền lực và đã đánh bại Hải quân Nguyên-Mông Trung Quốc đến xâm lược.

-   Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16 là thời kỳ Chiến quốc, Nhật Bản từng tấn công vào Triều Tiên và nhà Minh (Trung Quốc) nhưng thất bại.

-   Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, đất nước ổn định dưới sự cai trị của Mạc phủ Tokugawa.

-   Giữa thế kỷ 19, Minh trị Thiên Hoàng đề xướng Duy Tân đất nước, mở cửa giao dịch phương Tây, chế độ Mạc phủ và các phiên trấn do các Tướng quân đứng đầu bị bãi bỏ, quyền lực tập trung về Thiên Hoàng. Nhà vua dời Kinh đô về Tokyo vào năm 1868, đất nước phát triển mạnh mẽ, Nhật Bản xâm chiếm Đài Loan, đánh bại nhà Thanh (Trung Quốc), tấn công Đế quốc Nga, xâm lược Triều Tiên.

-   Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật đứng về phe Hiệp ước. Chiến tranh thứ hai, Nhật đứng về phe trục với Ý và Đức quốc xã. Năm 1945, Nhật bại trận, chịu sự chiếm đóng của nước ngoài.

-   Từ năm 1955 đến 1970, Nhật tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới cho đến những năm đầu thế kỷ 21.

-   Hiện nay 2013, Nhật Bản có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu, thứ 6 thế giới về nhập khẩu và đứng đầu Châu Á về Khoa học - Công nghệ(1).

Lịch sử Thiền Tông Nhật Bản

Theo lịch sử, đạo Phật bắt đầu được truyền vào Nhật Bản năm 552 TL (có tài liệu ghi năm 538), từ Triều Tiên (Korea) nhân một đoàn do Vua xứ này cử đến Nhật để đem tặng Thiên Hoàng Kinmei (Thiên Hoàng thứ 29) của Nhật một tượng Phật bằng vàng, cùng các kinh sách, chuông, mõ, cờ lọng. Tuy nhiên, Phật giáo bắt đầu lan tỏa và phát triển từ thời Thánh Đức Thái Tử (Shotoku 574-622). Thái Tử đã theo lệnh Mẫu hậu Suiko (nữ Thiên Hoàng thứ 33) đề cao Phật, Pháp, Tăng, đã nghiên cứu và tuyên giảng 3 bộ Kinh Đại thừa cho dân chúng, cho xây dựng chùa chiền khắp nước, trong đó, ngôi Chùa gỗ Pháp Long (Hryji) do chính Thái Tử xây dựng năm 607. Đây là Thời kỳ Asuka do triều đình đóng đô ở Asuka. Bấy giờ, bên Trung Quốc là từ nhà Tùy (589-681) sang nhà Đường (618-907) và Thiền tông Trung Quốc vào thời Tam Tổ Tăng Xán (Sơ tổ là Bồ Đề Đạt Ma). Tuy nhiên, không rõ Thiền Tông có nhập được vào Nhật Bản hay chưa.

Đầu Thời kỳ Hakuhô  (cuối thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8), với hai vị Thiên Hoàng thứ 38 (Thiên Hoàng Tenji) và thứ 40 (Thiên Hoàng Tenmu), Thiền tông Phật giáo bắt đầu vào đất Nhật với sự trở lại của Tăng Đạo Siêu (Dôshô) vào năm 660. Đạo Siêu theo học Pháp Tướng Tông với Huyền Trang Tam Tạng (602-664) cũng như học Thiền với Huệ Mãn (đồ tôn của Nhị tổ Huệ Khả) khi về nước có xây Thiền viện tên Pháp Hưng Tự ở Hôkôji và truyền bá tư tưởng Thiền. Năm 710, nữ Thiên Hoàng Gemmei (thứ 43) dời đô về Heijôkyô ở Nara, mở đầu cho thời đại Nara (710-784), nữ Thiên Hoàng đã cho chuyển các chùa lớn ở Asuka về Kinh đô mới và tiếp tục đến đời Thiên Hoàng Shômu (thứ 45), cho xây dựng thêm nhiều chùa lớn mới và lập các tượng Phật(2). Nhà Vua ra chiếu mỗi khu vực koku (# tỉnh) phải lập một chùa cho Tăng và một chùa cho Ni, Phật giáo là Quốc giáo có sứ mạng che chở cho quốc gia. Trong nước, giới luật cho các tăng lữ được kiểm tra nghiêm minh, Thiên Hoàng cho mời các cao tăng từ Trung Quốc qua để giảng dạy giới luật, như Cao tăng Đạo Tuyền (702-760) đến Nhật năm 736 và Giám Chân (687-763) đến Nhật năm 753. Các tông phái đạo Phật trọng về giới luật đều phát triển mạnh mẽ như: Tam Luận Tông, Pháp Tướng Tông, Thành Thực Tông, Câu Xá Tông, Hoa Nghiêm Tông, Luật Tông…

Thiền tăng Đạo Tuyền tuy được mời qua dạy Giới luật nhưng Sư là đệ tử của Phổ Tịch (651-739) người thừa kế của Thần Tú, ông tổ Thiền Bắc tông, sách của Đạo Tuyền còn để lại như Phạm Võng Kinh Sớ. Sau đó, Đạo Tuyền về vùng Yoshino để tu Thiền và có các Tăng nối dòng nổi tiếng như Gyôhyô và Saichô.

Ngoài Thiền sư Đạo Tuyền và Giám Chân, Nhật còn gởi rất nhiều Tăng lữ qua Trung Quốc du học và lúc về mang rất nhiều kinh sách liên quan đến Thiền tông, ngày nay còn ghi lại như các truyện: Lăng Già Kinh sớ (5 quyển), Lăng Già Kinh Khoa Văn (2 quyển) do Bồ-đề Đạt-ma soạn, Quán Thế Âm Kinh Tán (1 quyển), Kim Cương Bát Nhã Kinh Chú (1 quyển) do Kim Cương Bồ Tát soạn.

Ở Nhật, Ngài Saichô đã khai sáng Tông Tendai (Thiên Thai Nhật Bản) với tư tưởng “tứ chúng tương thừa” tập hợp thừa kế của 4 hệ tư tưởng Viên (Thiên thai), Mật (Mật giáo), Thiền (Thiền tông), Giới (Đại thừa giới). Tư tưởng này đã giúp Thiền tông phát triển dần ở nước Nhật cho đến các đời sau.

Năm 794, Thiên Hoàng Kanmu (thứ 50) di dời Kinh đô về vùng Helankyô, mở đầu cho thời đại Heian (794-1192). Thời đại này, đạo Phật phát triển mạnh mẽ do bởi hai nhà sư Saichô và Kuukai, tiếp tục cho đến các Thiên Hoàng sau như Heizei (thứ 51), Saga (thứ 52) và các Thiên hoàng tiếp. Thời Heian ngoài Thiền tông thì Mật tông và Tịnh độ tông cũng được phát triển ảnh hưởng rộng lớn.

Nước Nhật thời đại này có sự tranh chấp lớn giành quyền lực của các họ tộc và cuối thời Yoritomo nắm quyền quân sự, mở đầu cho Thời kỳ Kamakura (1192-1333). Thời này, võ sĩ nắm hết quyền lực, nền văn hóa cũng thay đổi, một Tân Phật giáo hình thành gồm các Tăng sĩ như Hônen (Pháp Nhiên 1133-1212), Eisai (Vinh Tây 1141-1215), Dogen (Đạo Nguyên 1200-1253), Nichiren (Nhật Liên 1222-1287) thời này Tăng lữ của Nhật Bản, Trung Quốc thường xuyên qua lại nên tư tưởng Thiền tông Trung Quốc đang trong giai đoạn cường thịnh đã ảnh hưởng nhiều đến Thiền Nhật Bản. Nhà Sư Eisai qua Trung Quốc học Đạo pháp Thiền tông Lâm Tế của Sư Hư Am Hoài Sương (Trung Quốc) về nước lập Chùa Jufuji (ở Kamakura), Chùa Kenninji (ở Kyôto) truyền bá Thiền tông. Các Sư Dogen (Đạo Nguyên), Kakushin, Enni đều học Thiền ở Trung Quốc về truyền bá Thiền cho nước Nhật và mở ra các môn phái riêng.

Năm 1336, Tướng Ashikaga chiếm Kyôto lập Thiên Hoàng mới Kômyô cho Bắc Triều lập Mạc phủ ở Muromachi (1336) mở đầu cho thời Muromachi (1933-1568). Thiên Hoàng cũ Go. Daigo (Thiên Hoàng 96) trốn về vùng Yoshimo và lập Nam Triều. Nước Nhật có hai Thiên Hoàng (giai đoạn Nam Bắc Triều 1336-1392). Trong giai đoạn này, nhiều Thiền sư đã đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo, các chùa chiền được xây dựng rất nhiều, các Thiền sư như Muusô Soseki, Shunnoku Myôha, Gidô Shuushin đã để lại rất nhiều tác phẩm Phật giáo với tư tưởng Thiền gồm cả Tịnh độ và Mật tông(3). Cũng trong giai đoạn này, việc đánh giá cấp bậc quy chuẩn của chùa chiền được thành lập, chế độ Ngũ Sơn, Thập Sát ra đời… Các tông Thiền Lâm Tế, Tào Động và Thiền Thoại đầu phát triển rộng rãi. Văn hóa Thiền đã đi sâu vào văn hóa Nhật Bản, xuất hiện Hội họa Thiền tông, Thư pháp Thiền, Phong cảnh Thiền, Kiến trúc Thiền, Trà đạo Thiền, Văn chương Thiền, Sân khấu Thiền, Thơ Thiền v.v…

giai đoạn Chiến quốc (1467-1568), Mạc phủ suy yếu các dòng họ thay nhau nắm quyền và chiếm hữu các vùng địa phương khác nhau là các lãnh chúa, chiến tranh giành quyền liên tiếp trong khoảng một thế kỷ.

Từ năm 1598, Tướng quân miền Đông Tokugawa Ieyasu ngày càng mạnh, dẹp lần hết các tướng quân khác, khai sáng Mạc phủ Tokugawa ở Edo (1603-1867) tức Tokyo ngày nay, đặt việc kiểm soát các lãnh chúa và thể chế Mạc phủ vững mạnh.

Ieyasu chủ trương bế quan tỏa cảng, ngăn dẹp Thiên Chúa giáo, không cho người Nhật hoạt động ở nước ngoài về nước, nên các người Nhật buôn bán với Việt Nam ở Hội An lúc đó cũng không thể về nước và chết ở Hội An. Đây là giai đoạn yên ổn và hòa bình nhất ở Nhật, kéo dài khoảng 250 năm(4). Trong thời kỳ này, Nho giáo được coi trọng, Phật giáo bị kiểm soát chặt chẽ về quyền hạn của chùa cũng như Tăng lữ. Mạc phủ chia giáo đoàn Thiền tông làm 5 phái Thiền để quản lý. Văn hóa Genroku của Nhật có từ thời này. Bên Trung Quốc, nhà Mãn Thanh chiếm Trung Nguyên và tiêu diệt nhà Minh (1644), Thiền sư Ấn Nguyên thuộc nhà Minh qua Nhật Bản và thành lập tông Thiền Hoàng Bá Nhật Bản. Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ người Phúc Kiến năm 1654 vượt biển sang Nhật được Thiên Hoàng Nhật Bản tặng hiệu Đại Quang Phổ Chiến Pháp sư đã truyền sang Nhật lối Thiền niệm Phật gọi là Minh Triều Thiền. Sư giúp phát triển phục hưng hai tông Thiền Lâm Tế và Tào Động tại Nhật. Ở Nhật, các Thiền sư Bankei Yôtaku (1622-1693), Manzan Dôhaku (1633-1707), Kôshô Chidô (?-1670)… đã phổ biến đạo Thiền, kinh sách Thiền, xây chùa mở rộng đạo pháp khắp nơi. Thiền sư Hakuin Ekaku đã sáng tạo thêm và thành đạt Thiền công án.


Thiền sư Bankei Yôtaku (1622-1693)

 Thiền sư Hakuin Ekaku đã sáng tạo và thành đạt Thiền công án.

Năm 1867, Mạc phủ trao trả quyền hành lại cho triều đình, phục hồi quyền lực của Thiên Hoàng. Năm 1868, Thiên Hoàng dời đô về Tokyo cải hiệu là Meiji (Minh Trị), một cuộc Duy Tân đất nước mạnh mẽ, mở rộng giao thương thế giới, cải cách giáo dục, hành chính tập quyền, quân đội hùng mạnh, đề cao tư tưởng Thần đạo, phân biệt Thần và Phật, trấn áp Phật giáo.

Nhờ hiện đại hóa quốc gia, nước Nhật trở thành hùng mạnh và tiến hành Đế quốc thực dân, chiếm Đài Loan làm thuộc địa (trận Nhật – Thanh 1894 – 1895), chiếm đảo Sakhaline của Nga (1904 – 1905), bảo hộ Hàn Quốc.

Do thay đổi của xã hội và bị phân biệt nhưng các tông phái đạo Phật cũng phải tự thân phát triển. Thiền tông đã mở được hai trường đại học: Đại học Hanazomo ở Tokyo của tông Lâm Tế và Đại học Komazawa của tông Tào Động. Hai trường đại học này ngoài ngành nghiên cứu Phật giáo, đào tạo Tiến sĩ, còn gồm các ngành khoa học về Nhân văn và Xã hội khác.

Hiện nay, tông Lâm Tế chia thành 14 phái và hợp cùng tông Tào Động và tông Hoàng Bá làm nền tảng Thiền tông Nhật Bản.

Trong thời gian này, Thiền sư Shaku Sôen (1859-1919) phái Lâm Tế-người đã đem Zen sang truyền bá ở Hoa Kỳ. Sư tốt nghiệp đại học ở Nhật, du học ở Tích Lan và Ấn Độ. Năm 1905 sang Hoa Kỳ để giúp người Mỹ tu Thiền, Sư có đem theo một thông dịch viên mà đến nay ai học Thiền đều biết đó là Suzuki Daisetsu. Sư để lại nhiều tác phẩm Thiền nổi tiếng.

Ở phái Tào Động có các Sư như Hara Tanza (1819-1892), Nighiari Bo Kuzan (1821-1910), Ômori Zenkai (1871-1947). Các Sư trên đã hội nhập Thiền vào các nền văn minh phương Tây, vào văn học và triết học thế giới.

Sau thế chiến thứ nhất (1914-1918), cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 và sự thất trận thế chiến thứ hai (1945) của Nhật. Thiên Hoàng chỉ còn là biểu trưng, nước Nhật bắt đầu đi con đường mới phát triển về kinh tế. Năm 1964, tổ chức Thế vận hội Tokyo. Năm 1970, Hội chợ Quốc tế Osaka, nước Nhật đã tiến đến một nền kinh tế thứ hai trên thế giới.


Sư Suzuki Daisetsu đã để lại nhiều tác phẩm Thiền nổi tiếng

Cùng trong thời gian này, Thiền tông của Nhật Bản thời hậu chiến với các Giáo đoàn, các hiệp hội Thiền được thành lập rất nhiều nhưng giới hạn hoạt động xã hội trong nước mà phát triển các hoạt động truyền giáo ở nước ngoài tại các quốc gia Âu Mỹ, các Sư phái Lâm Tế như Shibayama Zenkei (1894-1974), Nakagawa (1907-1984), phái Tào Động như Yasutani Hakuun, Deshimaru Taisen (1914-1982) đã hoạt động tích cực ở Âu Mỹ. Năm 1967, Sư Suzuki Shunryuu đã lập Trung tâm Thiền ở Califonia (Mỹ) cùng nhiều các Sư Nhật Bản khác mở rộng dạy Zen (Thiền) tại đất Mỹ. Thiền tông Nhật Bản được phổ biến rộng rãi trên thế giới với các tác phẩm nổi danh của Daisetz Teitaro Suzuki như: Thiền học nhập môn (An Introduction to Zen Buddhism), Thiền luận (Essays in Zen Buddhism), Sống Thiền (Living by Zen), Thiền và Phân tâm học viết chung với Eric fromm (1900-1980)(5).

Phật giáo Nhật Bản ngày nay với khoảng 70% dân số theo đạo Phật, gồm 13 tông phái chính, có độ 80.000 ngôi chùa, 200.000 Tăng sĩ, có 20 trường đại học, trung học và viện nghiên cứu Phật giáo ở khắp nước Nhật(6). Tông phái Thiền có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và đời sống người Nhật, với 3 phái chính là: Thiền Lâm Tế, Thiền Tào Động và Thiền Hoàng Bá. Cả ba đều có nhiều trường đại học, nhà xuất bản kinh sách riêng, một hệ thống chùa theo hệ phái khắp nước, cùng các cơ quan từ thiện… Thiền đã đi vào tâm thức người Nhật, và họ đã thể hiện nó cho thế giới biết đến như qua Trà đạo, Thư pháp, Phong cảnh, Zen (Thiền),…

 Trong các bài Tìm hiểu về Thiền tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu các vấn đề của Thiền, lợi ích của Thiền và các vấn đề khác liên quan đến Thiền.


(1) Nhật Bản, Wikipedia Tiếng Việt.

(2) Peter Harvey, Mỹ Thanh dịch, Tủ sách Đạo Phật ngày nay, Chương 11 – Nhật Bản, Trang 2, 2010.

(3) Nguyễn Nam Trân, Lịch sử Thiền Tông Nhật Bản, 2009, website www.hoavouu.com

(4) Giác Dũng, Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, NXB Tôn giáo, trang 26, 2002.

(5) Nguyễn Tuệ Châu, Thiền Tông Phật giáo, NXB Tôn giáo, trang 336, 2008.

(6) Thích Nguyên Tạng, Phật giáo tại Nhật Bản, website www.buddhanet.net

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6115469