Thông tin

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tt)

TÌM HIỂU VỀ THIỀN (tt)

TRẦN PHI HÙNG

Trong loạt bài Tìm hiểu về Thiền trước, chúng ta đã qua phần định nghĩa thiền (Thiền là gì), tìm hiểu lịch sử phát triển Thiền tông từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, nay sẽ tiếp tục tìm hiểu đến các loại thiền, khái quát một số nội dung các loại thiền, ích lợi của tu tập thiền định, cũng như sự luyện tập thiền định.

Thiền định là pháp tu tập căn bản của Phật giáo, có thiền mới đưa đến giải thoát phiền não khổ đau, và giác ngộ được ý chỉ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Căn bản của việc tu hành Phật đạo là tam học: Giới, Định, Tuệ. Giữ giới thanh tịnh mới có được sự vắng lặng của thiền định, có sự vắng lặng của thiền định thì trí tuệ mới khai mở.

Kinh Pháp Cú, kệ số 110:

Dầu sống một trăm năm

Ác giới, không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới, tu thiền định

Kinh Pháp Cú, kệ số 372:

Không trí tuệ, không thiền

Không thiền, không trí tuệ

Người có thiền, có tuệ

Nhất định gần Niết bàn

 

Các loại Thiền

Thiền định là pháp tu chung cho Đại thừa, Tiểu thừa, Kim Cang thừa… nên trong các Kinh, Luận của Phật giáo đều có nói về các loại thiền.

Kinh A hàm chia Thiền làm 4 loại: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Phương pháp tu của Sơ thiền là “Tầm, Tứ”. Tầm là tìm cầu giác ngộ, Tứ là quan sát, quán triệt, người tham thiền nhờ công phu Tầm, Tứ nên lìa được dục sanh mà có được trạng thái hỷ lạc. Ở cấp Nhị thiền do mức Định cao hơn nên  “không Tầm, không Tứ” mà có được trạng thái “hỷ lạc do Định sinh ra”. Ở cấp Tam thiền, phương pháp tư duy “ly hỷ trú xã”, chính niệm, tỉnh trí, tu tập đạt đến cảm giác “ly hỷ diệu lạc”. Cấp Tứ thiền xả lìa cảm thọ cấp Tam thiền, tu niệm thanh tịnh và đạt cảm thọ “bất khổ bất lạc”, với “tâm thuần tịnh trong sáng”.

Luận Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 4 thượng có nói về 3 thứ thiền là: Thế gian thiền, Xuất thế gian thiền và Xuất thế gian thượng thượng thiền, trong đó Xuất thế gian thiền chia làm 4 thứ là:

1. Quán thiền: Thiền quán chiếu các cảnh tướng bất tịnh.

2. Luyện thiền: Rèn luyện thiền hữu lậu thành thiền vô lậu.

3. Huân thiền: Hun đúc các thiền khiến thông suốt vô ngại.

4. Tu thiền: Xuôi ngược tự tại, ra vào thong dong.

Còn Xuất thế gian thượng thượng thiền chia làm 9 thứ gọi là Cửu chủng đại thiền.  Phẩm Tập Nhất thiết pháp trong kinh Đại thừa nhập Lăng già, quyển 3, chia thiền làm 4 loại:

1. Ngu phu sở hành thiền: Thiền của hàng Thanh văn tu hành sau khi ngộ lý “Nhân vô ngã”.

2. Quán sát nghĩa thiền: Thiền của hàng Bồ tát tu hành sau khi ngộ lý “Pháp vô ngã”

3. Phan duyên Chân như thiền: Thiền siêu việt tư lự và phân biệt, tâm không khởi tác dụng, tức khắc ngộ chân như như thực.

4. Chư Như lai thiền: Thiền ngộ nhập Bồ đề của Như lai, vì chúng sinh mà hiển bày tác dụng không thể nghĩ bàn của loại Thiền này.

Ngoài ra, Thiền Nguyên Chủ Thuyên Tập Đô Tự, quyển thượng của ngài Khuê Phong Tôn Mật, chia thiền ra làm 5 loại là: Ngoại đạo thiền, Phàm phu thiền, Tiểu thừa thiền, Đại thừa thiền và Tối thượng thượng thiền.(1)

1. Ngoại đạo thiền: Lối tu thiền của người ngoại đạo, họ tin có vị thần thiêng liêng và mong về cõi của vị thần đó.

2. Phàm phu thiền: Là tín đồ Phật giáo nhưng chỉ tin vào lý nhân quả chưa tin vào đạo lý chân thực.

3. Tiểu thừa thiền: Tin vào lý vô ngã và tu hành chỉ để diệt cái ngã.

4. Đại thừa thiền: Tu hành theo chân lý ngã pháp đều không, nghĩa là xem bản ngã và các pháp đều là không.

5. Như lai tối thượng thiền: Hạng người tu thiền quán mà tự biết mình vốn là Phật (tự tâm bản lai thanh tịnh, đầy đủ trí tín vô lậu)(2) nên muốn tu hành để thực hiện điều đó.

Chú Duy Ma Cật kinh, quyển 9, nêu thuyết của ngài Cưu Ma La Thập, chia thiền ra làm 3 loại: Đại thừa thiền, Tiểu thừa thiền và Ngoại đạo thiền.

Tại Trung Quốc các  phái tu thiền theo Tổ Bồ Đề Đạt Ma lấy từ tư tưởng kinh Lăng Già mà lập phái Thiền với tông chỉ “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự...”. Ngoài ra, Trung Quốc phát sinh nhiều phái thiền như thiền Ngưu đầu, thiền Bắc tông, thiền Nam tông… Và sự phát triển của Thiền tông Trung Quốc tạo nên có phân biệt Như Lai thiền và Tổ sư thiền.

- Như Lai thiền: Là tên gọi của pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ (Satipatthàna – Vipassanà). Trong Trung Bộ kinh ở Kinh thứ 10 – Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta) chính Đức Phật Thế tôn đã đích thân chỉ dạy cho các đệ tử phương pháp hành thiền này và nhờ đó các đệ tử đắc quả vô sanh (A La Hán).

Pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ dựa trên sự áp đặt tâm niệm (Satipatthàna). “Sati” là niệm, “patthàna” từ chữ  Upatthàna nghĩa là gần lại tâm của mình; như vậy phương pháp này chính yếu là ở Niệm (Sati) và Quán (Vipassanà)

Lời Đức Phật nói trong kinh Niệm Xứ: “Này các đệ tử, đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi phiền não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn: Đó là pháp Tứ Niệm Xứ”.

Pháp Tứ niệm xứ gồm có bốn phần, đó là tính chú tâm quán niệm vào: 1/ Niệm Thân; 2/ Niệm Thọ hay cảm giác;  3/ Niệm Tâm hay những hoạt động của Tâm;  4/ Niệm Pháp hay đối tượng của Pháp.

Pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ được thực hành trong các quốc gia theo Nam tông, Phật giáo nguyên thủy.

- Tổ sư thiền: Trong phần trước tìm hiểu về thiền giai đoạn lịch sử phát triển Thiền tông tại Trung Quốc, khi tổ Bồ Đề Đạt Ma đem dòng thiền chuyển sang Trung Quốc, dòng thiền tiếp tục truyền đến Lục tổ Huệ Năng thì Y bát không còn truyền xuống nữa. Tuy nhiên từ Lục tổ trở đi, Thiền tông phát triển mạnh mẽ và tạo thành một dòng thiền từ các tổ sư của các tông phái thiền nên gọi Tổ Sư Thiền. Từ đời Lục tổ Huệ Năng, phương Bắc có Ngài Thần Tú chủ trương phái Tiệm Tu và Lục tổ phát dương thiền đốn Ngộ ở phương Nam nên có thiền Nam đốn, Bắc tiệm.

Phương pháp tu thiền của Tổ sư Thiền dựa trên bốn câu kệ của tổ Đạt Ma là “Chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Các Thiền sư thường dùng phương pháp la hét, đánh đập, chỉ nói, công án, thoại đầu, các phương tiện để đệ tử nhận ra tánh giác của mình hay bản lai diện mục nhằm giác ngộ giải thoát.

Ngoài các loại thiền kể trên, chúng ta còn nghe biết các loại thiền khác như thiền Yoga, thiền Zen, thiền Tây Tạng,… Và mỗi loại thiền lại có phương pháp hành thiền khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung có thể quy làm 3 phương pháp chính:

1. Phương pháp phổ biến nhất là theo dõi hơi thở, để tâm vắng lặng không nghĩ ngợi, theo dõi hơi thở ra vào với tâm an tịnh, thoải mái, buông bỏ hoàn toàn các suy nghĩ, không cầu mong điều gì, bỏ kệ các tạp niệm, sau thời gian sẽ thấy kết quả diệu kỳ, mở mang trí tuệ, thành tựu giác ngộ, giải thoát. Đây là phương pháp đã được Đức Phật Thích Ca chỉ dạy cho các đệ tử.

2. Phương pháp thứ hai là quy nhất ý niệm vào một vật, một điều gì, một hình ảnh gì, ảnh Phật hay ảnh Bồ tát, hay một điểm nào như đầu lỗ mũi hay đan điền dưới rốn, nhờ đấy mà có sự nhất tâm, đạt định, phát tuệ để giác ngộ và giải thoát.

3. Phương pháp thứ ba theo phái Mật tông là niệm chú Mantra, mà các thiền sư Mật tông thường dùng, nhờ các sức mạnh của các câu chú được các Đức Phật hay Bồ tát truyền lại, đức tin và sự chú tâm cao tột vào câu chú giúp tâm an định, phát tuệ thành tựu giác ngộ, thoát khỏi luân hồi.

(Còn tiếp) 


(1) Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại từ điển, quyển 5, Hội VHGD Linh Sơn Đài Bắc XB, 2000, trang 5783.

(2) Thích Quảng Độ dịch, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận của Kimura Taiken, NXB Tôn giáo, 2012, trang 287.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6920169