TÌM HIỂU VỀ THIỀN
TÌM HIỂU VỀ THIỀN
TRẦN PHI HÙNG
Ngày nay trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường gặp phải nhiều việc liên quan đến THIỀN. Như có một anh bạn trong kinh doanh than thở tình hình làm ăn khó khăn, luôn bị căng thẳng tinh thần nên rủ cùng đi học một khóa Thiền để giảm stress, hầu có thể lấy lại được sự quân bình cuộc sống. Hay có một người quen đến đã khoe theo học khóa Thiền Yoga hơn một năm nay để chữa bệnh và đến nay khi gặp lại đã thấy gương mặt hồng hào, dáng dấp khỏe mạnh, bệnh tật đã hết, tướng mạo trẻ hơn gần 10 tuổi so với U70 của anh. Hôm đi dự tiệc trong dịp lễ, cùng ngồi chung bàn với một chị bạn đồng liêu ngày trước cho biết bấy lâu đã theo học một môn thiền dưỡng sinh với lý thuyết và cách thực hành thật lạ và môn thiền dưỡng sinh này giúp chị hiện nay sức khẻo dồi dào, tinh thần thư thái.
Vốn ngưỡng mộ về pháp môn Thiền, nên chúng tôi muốn có nhiều kiến thức về Thiền. Hôm trước đến nhà sách Fahasa để tìm đọc các sách về Thiền, ở quầy sách chỉ riêng các sách có chữ Thiền ghi trên giá sách, đếm sơ qua đã thấy khoảng hơn 40 tựa sách, cuốn nào cũng dày cả mấy trăm trang và đọc lướt qua thật quá nhiều vấn đề liên quan của con người, từ triết lý, lịch sử, tu tập, tôn giáo, quan niệm về nhân sinh vũ trụ, thiền phân tâm học, thiền Phật giáo với các tác giả nổi danh thế giới và của các vị thiền sư xưa và nay cùng các vị danh tăng được kính ngưỡng trong và ngoài nước.
Mỗi chỉ một nhà sách mà có hơn 40 tựa sách Thiền với hàng ngàn trang sách mà nội dung và các vấn đề không dễ dàng để mọi người có thể hiểu rõ được và đó là không kể nếu các độc giả muốn tìm hiểu thêm về Thiền và tìm đọc ở các trang báo mạng internet hay vào các thư viện như thư viện ở chùa Xá Lợi, thì thật không biết bao lâu mới đọc hết được phần nhỏ sách về Thiền.
Dù các sách viết về Thiền rất nhiều và nội dung các sách về Thiền rất cao thâm, nhưng với một lòng muốn biết nhiều về Thiền, chúng tôi mời các bạn, các độc giả hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Thiền, từ những vấn đề căn bản nhất và từng bước chúng ta tìm hiểu thêm, thu nhập thêm qua nhiều bài vở để đi lần đến các vấn đề liên quan đến môn Thiền.
Khởi đầu chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về định nghĩa Thiền, lịch sử Thiền, Thiền Phật giáo, các tông phái Thiền, Thiền Trung Quốc, Thiền các nước châu Âu, Thiền Việt Nam. Rồi sau đó đến tiến trình người học Thiền, lợi ích cho người học Thiền, quan niệm của Thiền về các vấn đề của con người, xã hội, vũ trụ và nhiều vấn đề khác về Thiền. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua các kỳ phát hành của tủ sách Phật học Từ Quang.
ĐỊNH NGHĨA THIỀN (THIỀN LÀ GÌ?)
Thiền theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn được giải thích: Thiền là tiếng Phạn, kêu trọn nghĩa là Thiền na (Dhyana) cũng còn gọi theo nghĩa: Thiền định, Tham thiền, Tư duy. Tiếng ấy có thể dùng là danh từ hay động từ”.
Thiền là sự suy xét, thầm nghĩ về đạo lý. Thiền cho lâu dài, cao viễn kêu là nhập định, đại định (tiếng phạm: Samadhi).
Thiền là một cõi đạo nói không cùng, biên ra không xiết. Ấy là môn giải thoát. Những nhà học đạo, giữ giới cần phải Thiền định. Nhờ Thiền định mới đắc Trí huệ, giải thoát khỏi các phiền não: Tham, sân si.
Thiền là một nền hạnh trong sáu nền hạnh (lục độ) (1) mà một nhà tu trì thi hành từ đời này đến đời kia để đắc quả Phật Như Lai.
Về từ Thiền định, từ điển Đoàn Trung Còn giải thích thêm
Thiền – Định: Tham Thiền và Nhập Định.
Thiền dịch nghĩa: Tư duy tu, Tĩnh lự. Tư duy tu nghĩa là đối cảnh mà suy nghĩ, xem xét, nghiên cứu, tu tập cho chí cùng. Tĩnh lự là tâm thể tịch tĩnh (yên lặng) như vậy mới có thể thẩm xét.
Định tức là chữ Phạn tam muội (Samadhi) dịch nghĩa: Tâm định chỉ vào một cảnh, bèn rời khỏi các sự phân tán, lay động. Nói tóm, một lòng khảo cứu sự lý, kêu là Thiền; tĩnh niệm vào một cảnh, kêu là Định. Nhà tu hành lúc mới ngồi trầm tư mặc tưởng thì ở cảnh thiền tới chừng tâm trí tập trung lại một cảnh cao viễn, thì vào cảnh định.
Như vậy kêu là Thiền định (2).
Giải nghĩa Thiền theo “Danh từ Phật học thực dụng” của Tâm Tuệ Hỷ thì Thiền được giảng giải rất rộng và chính yếu gồm: Theo từ Hán dịch nghĩa là Tĩnh Lự. Tĩnh là sự yên lặng. Lự là sự suy tư. Thiền còn gọi là Tư duy tu, nghĩa là sự tịnh hóa tư duy trong mỗi hành động hằng ngày.
Tiếng Hán Việt dịch âm từ chữ Sanscrit Dhyana, có nghĩa là định tâm, tập trung tâm thức vào một đối tượng không cho tán loạn. Khi tâm vắng lặng không còn khối vọng tưởng, các phiền não dần dần lắng xuống, làm lóng sạch cái tâm lăng xăng vọng tưởng của mình (Tĩnh lự) được sáng tỏ mạnh mẽ quán chiếu nhìn sự vật như thật. Hàng ngày tâm chúng ta thường bị thất tình, lục dục, bát phong các thứ phiền não làm cho xung động vô minh. Tâm có định, mới phát sinh trí huệ, minh tâm kiến tánh, phá trừ được vô minh mê hoặc.
- Tư Thiền chủ yếu là dừng được ý nghiệp, để dừng bớt những niệm lăng xăng, để định tâm vọng tưởng và khi vọng tưởng lắng xuống thì trí huệ tánh giác sáng suốt mới hiểu hiện được.
- Trung Hoa dịch nghĩa Thiền là “Định Huệ Đẳng Trì” gìn giữ bình đẳng giữa định và huệ, tức là Chỉ và Quán đồng tu.
Trong mọi hành động, trong mọi thời gian đều là tu Thiền; đi, đứng, nằm, ngồi đều là sống với định huệ. Cho nên trong nhà Thiền thường nói: Đốn củi, hái rau, nấu cơm, gánh nước, uống trà, ăn cơm… cũng là Thiền. Mỗi người hãy tự đánh thức mình tỉnh dậy trong cuộc sống và an trú trong chánh niệm - Đó là Thiền.
- Bản chất của Thiền không phải là sự suy luận triết học mà là thực hiện sự kiến tánh.
- Đời sống Thiền là đời sống có chánh niệm, tỉnh giác, đời sống có ý thức sáng tỏ đem lại an lạc cho mình, cho người và cho xã hội.
- Kinh Pháp Cú, kệ số 372:
Không trí tuệ, không thiền Không thiền, không trí huệ Người có thiền, có tuệ
Nhất định gần Niết bàn.
- Bàn về Thiền theo Hòa thượng Thích Minh Châu
“Thiền là trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối của tinh thần. Hiện nay trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, Phật giáo, Thiền được coi trọng đặc biệt là vì Thiền không những là một phương pháp điều thân điều tâm giản dị và hữu hiệu, giúp cho thân tâm hài hòa và thần kinh hệ bớt căng thẳng, mà Thiền còn là cả một nếp sống, một lối sống an lạc, đạo đức và hướng thượng, một lối thoát an toàn nhất ra khỏi cuộc sống căng thẳng, ồn ào của nền văn minh vật chất hiện tại”.(3)
Krishnamurti (1895-1986) trong cuốn sách “The book of life” tựa bản dịch tiếng Việt là “Sống thiền 365 ngày” đã nói về Thiền: “Trong Thiền, không có người - tư - tưởng, nghĩa là tư tưởng phải chấm dứt. Tư tưởng được thúc đẩy bởi dục vọng để tiến tới thành tựu một kết quả. Trong Thiền không có việc thành đạt một kết quả. Trong Thiền không phải là thở một cách đặc biệt nào đó hoặc nhìn vào mũi của mình, hoặc thức tỉnh tiềm năng tâm lý nhằm hoàn thiện một vài thủ đoạn trong hành động vô nghĩa nào đó. Thiền không tách biệt với cuộc sống. Khi bạn đang lái xe hoặc đi trên xe buýt, khi bạn đang nói làm xàm không dứt, khi nằm một mình, đi dạo trong rừng cây hoặc quan sát một cánh bướm tung bay theo gió, Giác mà không chọn lựa là Thiền.(4)
Ngoài ra KRISHNAMURTI trong cuốn sách với đề tựa là THIỀN (MEDITATIONS) đã định nghĩa, giải thích và bàn luận rất nhiều ý nghĩa của Thiền, xin nêu ra đây một số nhận thức về Thiền của ông:
“Thiền là chấm dứt vọng niệm. Chỉ lúc đó mới xuất hiện một cảnh giới khác, vượt qua thời gian” (Meditations is the ending of thought, it is only then that there is a different dimension which is beyond time).
“Thiền là một trong những điều kỳ diệu nhất và nếu không biết Thiền là gì thì bạn cũng như một người mù trong thế giới đầy màu sắc rực rỡ, bóng mờ và ánh sáng lung linh. Thiền không phải là một vấn đề tri thức, mà khi quả tim hội nhập tâm thì tâm có một tính chất hoàn toàn khác; lúc đó tâm thực sự vô hạn không những trong khả năng tư duy và hành động một cách hữu hiệu, mà còn trong cảm nhận của nó về sự sống trong một không gian bao la, trong đó bạn là một phần trong mọi vật”.(5) “Thiền không phải là một cái gì khác với cuộc sống hàng ngày, đừng vào góc phòng tọa thiền năm mười phút, rồi trở ra làm đồ tể - kể cả ẩn dụ lẫn thực tế”.
“Thiền không phải là phương tiện để đạt đến cứu cánh, Thiền là cả hai”.
“Nếu khởi tâm hành Thiền thì không phải Thiền. Nếu muốn làm tốt thì cái tốt chẳng bao giờ nở hoa. Nếu rèn luyện đức khiêm cung thì khiêm cung chấm dứt. Thiền là ngọn gió mát thổi vào khi anh để cửa mở, nhưng nếu anh cố tình để cửa mở và tìm cách mời mọc thì gió Thiền sẽ chẳng bao giờ xuất hiện”.
“Thiền là gì? Trước khi đi vào vấn đề khá phức tạp và rắc rối này chúng ta cần minh định mình đang theo đuổi cái gì. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm một cái gì đó, nhất là những ai có tâm cầu đạo. Ngay đối với các nhà khoa học, tìm kiếm đã trở thành một vấn đề. Cái yếu tố tìm kiếm này cần phải được hiểu rõ và xác định trước khi chúng ta đi vào vấn đề Thiền là gì và Thiền đưa anh đến đâu”?(5).
Hòa Thượng Nhật Quang trong quyển “TÂM THIỀN” đã nói về thiền: “Thiền là gì? Là nếp sống tự do tự tại, không lầm không vướng, không bị câu thúc bởi các ngoại duyên cũng như vọng niệm trong tâm tưởng. Quý vị sinh hoạt thế nào đừng lầm, đừng vướng mắc mọi thứ xung quanh tức là quý vị sống Thiền.
Một khi buông được rồi thì tất cả các hiện tượng bên ngoài không thể gạt được ta nữa. Ta sống không bị động tức là có định. Lâu nay quý vị đến chùa học thiền, ngồi thiền, đi đứng nằm ngồi đều hành thiền, nhưng giá trị là ở trong cuộc sống không bị vướng mắc. Đó mới thực sự là người hành thiền”.(6)
Giảng thuyết về Thiền, trình bày và mô tả về Thiền, giáo sư Suzuki trong tác phẩm THIỀN VÀ PHÂN TÂM HỌC có đoạn: “Thiền; ta có thể nói, là một chủ đề lạ lùng mà ta có viết hay nói về nó trong một thời gian vô hạn thế mà ta vẫn không nói tường tận được những nội dung của nó. Mặt khác nếu chúng ta muốn, ta có thể biểu thị bằng cách giơ một ngón tay hay ho hay nháy mắt hay thốt ra một âm thanh vô nghĩa”(7).
Giảng giải về Thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thiền là phần thực tập nòng cốt của đạo Bụt. Thiền có mục đích giúp người hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại, cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sợ hãi, lo âu, phiền muộn, chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc. Bản chất của Thiền là niệm, định và tuệ, ba nguồn năng lượng được chế tác trong khi thực tập.
Ta thực tập Thiền không phải chỉ trong tư thế ngồi mà còn trong cái tư thế khác như đi, đứng, nằm và trong những lúc làm việc. Thực tập thiền có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu cho cả thân và tâm, đem lại nguồn sự sống cho người thực tập và cho những người xung quanh. Không phải chỉ đi vào chùa hoặc thiền viện mới thực tập được Thiền. Sống trong xã hội, đi làm, chăm sóc gia đình, ta cũng có thể tập Thiền được.(8) Nói về Thiền với Phương pháp tu Thiền, Hòa Thượng Thích Thanh Từ chỉ bày: “Tu Thiền là lối tu hướng thẳng vào nội tâm, dẹp sạch vọng tưởng suy tính của mình. Muốn dẹp sạch vọng tưởng cũng có chia phương tiện và cứu cánh. Phương tiện của Thiền là “Dùng trí tuệ dẹp tình cảm” tức là nhìn thẳng vào sự vật quan sát phân tích để thấy sự tạm bợ giả dối của chúng, khiến lòng lạnh nhạt không còn phiền muộn say mê. Do đó, hành giả dụng công tu tập để được an định.(9)
Đến đây, sau khi xem định nghĩa Thiền để biết Thiền là gì? Qua các bài giảng giải của các bậc Tôn sư, các bậc danh tăng, chắc các độc giả cũng hiểu được phần căn bản của Thiền, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về Thiền qua các kỳ tiếp phần lịch sử Thiền để biết nguồn gốc Thiền và sự phát triển của Thiền qua các thời đại, các quốc gia thế giới. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu Thiền Phật giáo với các tông phái Thiền, ích lợi của người tu Thiền và các vấn đề khác liên quan đến Thiền qua các bài tìm hiểu về Thiền kỳ tiếp của Tủ sách Phật Học Từ Quang.
(1) Lục độ: 1/ Bố thí, 2/ Trì Giới, 3/ Nhẫn Nhục, 4/ Tinh Tấn, 5/ Thiền Định, 6/ Trí huệ
(2) Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, NXB Tổng Hợp TP.HCM, trang 1361, 1362, năm 2011.
(3) Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ Phật học thực dụng, NXB Tôn Giáo, trang 468, 469, năm 2005
(4) KRISHNAMURTI, Sống Thiền 365 ngày, NXB Thời Đại, trang 446, năm 2010
(5) KRISHNAMURTI, dịch giả Vũ Toàn, Meditations, NXB Lao Động, năm 2007
(6) Nhật Quang, TÂM THIỀN, trang 17, NXB TP.HCM, năm 2002
(7) Suzuki, dịch giả Như Hạnh, Thiền và Phân Tâm học, NXB Phương Đông, trang 115, năm 2011
(8) Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ phật học thực dụng, NXB Tôn giáo, trang 471-472, năm 2005
(9) Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Làm sao tu theo Phật, NXB Tôn giáo, năm 2010
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết