TÌM HIỂU VỀ “VĂN VĂN NGÔN” TRONG HÁN NGỮ
NGUYỄN HẢI HOÀNH
“Văn Văn ngôn” (文言文, Clasical style of writing, Literary Chinese) là hình thức văn viết trong Hán ngữ cổ, từng được người Trung Quốc sử dụng trong suốt thời gian hàng nghìn năm trước năm 1919. Thời đó chưa có từ “văn Văn ngôn”; từ này chỉ xuất hiện khi nổ ra phong trào “Ngũ Tứ” (4/5/1919).
Trong phong trào “Ngũ Tứ” những người thuộc phái “Tân Thanh niên” ủng hộ việc xây dựng nền văn hóa mới (Tân Văn hóa) gọi hình thức văn viết thời xưa là “Văn Văn ngôn”, đối lập với “Văn Bạch thoại” 白话文 (Vernacular) - hình thức văn viết gắn liền với văn nói (khẩu ngữ), còn gọi là văn Hán ngữ hiện đại. Các nhà cải cách theo phong trào Tân Văn hóa ra sức đả phá “Văn học cũ”, tức nền văn học mang tính chất cũ, có đặc điểm là thể văn dùng kiểu “văn Văn ngôn”, nội dung cổ hủ cũ rích, tư tưởng phong kiến. Họ đề xướng xây dựng nền “Văn hóa Mới” với đặc điểm thể văn dùng “văn Bạch thoại”, nội dung mới, tư tưởng cách mạng. Họ cho rằng có như thế mới diệt được nạn độc quyền về văn hóa, tức tình trạng tầng lớp thống trị dùng văn hóa như một vũ khí độc quyền để củng cố chế độ chính trị phong kiến chuyên chế, thi hành chính sách ngu dân, làm cho quần chúng nhân dân lao động mãi mãi ngu dốt, chỉ biết làm nô lệ cho giai cấp phong kiến.
Tại Trung Quốc thời xưa, khi dùng ngôn ngữ miệng (văn nói, khẩu ngữ) và ngôn ngữ viết (văn viết, tức văn Văn ngôn) để diễn tả cùng một sự việc, thì hai hình thức ngôn ngữ này có khác nhau về cách diễn tả. Ngôn ngữ viết thời xưa, tức văn Văn ngôn, có đặc điểm là tách rời với văn nói, hành văn ngắn gọn súc tích, dùng chữ rất chọn lọc, ý nghĩa thâm thúy, ngữ pháp cũng khác với văn nói. Thời xưa chữ Hán cũng như văn Văn ngôn là thứ dành riêng cho vua quan phong kiến và tầng lớp trí thức cấp cao độc quyền sử dụng. Văn nói của quần chúng nhân dân luôn luôn biến đổi, phát triển, trong khi văn viết không thay đổi, vì thế sự khác biệt giữa văn viết với văn nói tăng lên theo thời gian.
Văn Văn ngôn hiện nay ta thấy đều đã được các chuyên gia cổ văn bổ sung dấu ngắt câu, xuống dòng cho dễ hiểu. Văn Văn ngôn thời xưa vốn không có dấu ngắt câu, không xuống dòng, toàn bộ bài văn, cuốn sách viết trong một dòng. Vì các lý do trên, loại văn này rất khó hiểu, khó học, khó viết, khó dùng. Ví dụ một câu: 沛公大惊, 曰: "为之奈何?" (trích từ《鸿门宴》), ở đây chữ Hà 何 rất khó hiểu. Nhưng nếu viết bằng văn Bạch thoại thì lại dễ hiểu: 沛公大吃一惊, 说道: “那该怎么办?” (Ông Bái kinh hãi nói: “Làm thế nào đây?”).
Nói chung, văn Văn ngôn đều phải dịch ra văn Bạch thoại thì người không học cổ văn mới đọc hiểu. Tại Trung Quốc hiện nay, nhiều thư tịch cổ đã được dịch ra văn Bạch thoại. Ví dụ, các sách “Tứ thư ngũ kinh”, “Sử ký”, “Luận ngữ”… có bán ở hiệu sách đều là bản dịch ra văn Bạch thoại.
Sau phong trào Ngũ Tứ, người Trung Quốc phổ biến dùng văn Bạch thoại; ngày nay văn Văn ngôn chỉ dùng trong phạm vi cá nhân.
Nguyên nhân ra đời văn Văn ngôn
Một quan điểm cho rằng đó là do thời xưa chưa có các công cụ viết (bút, mực, giấy…) cho nên viết chữ là công việc rất tốn thời gian, công sức, tài sản. Giấy xuất hiện rất muộn, đến thời Hán mới sản xuất được giấy để viết. Thời Xuân Thu Chiến quốc, người Trung Quốc còn phải viết trên thẻ tre hoặc lụa. Lụa rất đắt tiền. Khắc chữ trên thẻ tre hoặc xương động vật rất tốn công. Hơn nữa chữ Hán lại nhiều nét, viết chữ rất mất thì giờ. Vì thế lời văn viết cần phải rút gọn tới mức tối thiểu để tiết kiệm thời gian, công sức tiền của dùng vào việc viết chữ, nghĩa là phải viết theo kiểu văn Văn ngôn. Hình thức văn viết này, được sử dụng lâu ngày đã trở thành hình thức văn viết duy nhất ở thời kỳ trước năm 1919.
Có người nói đặc điểm khó viết, khó đọc hiểu càng nâng cao giá trị của văn Văn ngôn. Khả năng viết văn Văn ngôn là tiêu chí đánh giá người có học thức cao. Văn viết càng ngắn, súc tích, thâm thúy, khó hiểu càng được cho là người viết có trình độ cao. Tầng lớp vua quan lợi dụng điều đó để độc quyền tri thức. Họ đẩy mạnh phát triển văn Văn ngôn, không quan tâm tới văn Bạch thoại.
Bản thân chữ Hán rất phức tạp, nhiều chữ đa âm đa nghĩa, cho nên cùng một bài văn có thể có nhiều cách giải thích, nhất là khi viết theo thể văn Văn ngôn. Điều đó làm giảm tính chính xác của các bài văn thể loại này. Ví dụ, một tác giả Trung Quốc cho biết trong sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên cho tới nay giới học giả nước này vẫn chưa nhất trí xác định được ý nghĩa của cụm từ “Âu Lạc”, tất cả chỉ vì có nên đặt dấu phẩy giữa hai từ này hay không. Nếu đặt dấu phẩy thì đó là hai nước Tây Âu và Lạc Việt - có người nói như thế là hợp lý, vì sau đó Tư Mã Thiên lại viết “Âu Lạc tương công”, tức Âu và Lạc đánh lẫn nhau. Rõ ràng, Âu và Lạc phải là hai nước khác nhau thì mới đánh nhau. Nếu không đặt dấu phẩy thì đó là một nước Âu Lạc.
Tại Trung Quốc hiện nay, văn Văn ngôn tuy không được dùng để viết nhưng vẫn được dạy trong các trường trung học để học sinh không bị đứt rời với văn hóa cổ.
Ví dụ về văn Văn ngôn
Kho tàng văn Văn ngôn của Trung Quốc cực kỳ phong phú, gồm thơ cổ, văn cổ, lịch sử. Thơ cổ có “300 bài thơ Đường”, “300 bài từ đời Tống”, “Kinh Thi”,… Văn cổ gồm “Kinh Dịch”, “Luận ngữ”, “Xuân Thu”,… Lịch sử có “Sử ký”, “Tam quốc chí”, “Cựu Đường thư”,… không thể kể hết.
Sau đây xin giới thiệu và phân tích mấy mẫu văn Văn ngôn tương đối ngắn và dễ hiểu.
Ví dụ 1: văn Văn ngôn trong một mẩu chuyện trẻ em
Truyện ngắn “Con trai nhà họ Dương” “楊氏之子Dương thị chi tử”, trích từ “世說新語Thế thuyết tân ngữ” của nhà văn 劉義 慶Lưu Nghĩa Khánh (403- 444) thời Nam triều.
梁國楊氏子九歲,甚聰惠。孔君平詣其父,父不在,乃呼 兒出。為設果,果有楊梅。孔指以示兒曰:“此是君家果。” 兒應聲答曰:“未聞孔雀是夫子家禽。”
Dịch âm Hán-Việt:
Lương quốc Dương thị tử cửu tuế, thậm thông huệ. Khổng Quân Bình nghệ [yì] kỳ phụ, phụ bất tại, nãi hồ nhi xuất. Vi thiết quả, quả hữu dương mai. Khổng chỉ dĩ thị nhi viết: “Thử thị quân gia quả”. Nhi ứng thanh đáp viết: “Vị văn Khổng tước thị phu tử gia cầm”.
Giải thích từ ngữ:
孔君平 Khổng Quân Bình: Họ tên người.
氏Thị: Họ; họ của một gia tộc,
夫子Phu tử: tên cao quý để gọi học giả hoặc thầy giáo.
設Thiết: Sắp xếp, thu xếp.
甚Thậm: Vô cùng, rất.
詣Nghệ [yì]: Bái kiến, thăm người bề trên (cha mẹ, thầy học).
未聞Vị văn: Chưa từng nghe nói.
孔雀 Khổng Tước: chim Khổng Tước, tức chim Công.
示Thị: Cho… xem.
惠 Huệ: như “慧” Tuệ, tức trí tuệ.
乃Nãi: Bèn; thế là.
曰Viết: Nói.
未Vị: Chưa
家禽Gia cầm: loài chim nuôi trong nhà.
Dịch:
Nhà họ Dương ở nước Lương có một đứa bé lên 9 tuổi rất thông minh. Ông Khổng Quân Bình đến thăm (bái kiến) người cha của thằng bé nhưng cha của nó không có nhà. Ông Khổng bèn gọi đứa bé ra mở cửa. Nó mang trái cây ra mời khách, trong đó có quả Dương mai. Khổng Quân Bình chỉ tay vào quả Dương mai bảo thằng bé: “Đây là trái cây của nhà cháu”. Thằng bé nhà họ Dương lập tức nói: “Cháu chưa hề nghe nói chim Khổng Tước là chim của nhà ông”.
Bình luận:
Với 55 chữ Hán, tác giả kể lại vắn tắt câu chuyện về sự đối đáp thông minh của một đứa bé 9 tuổi khi tiếp đón vị khách của cha mình đến thăm nhà vào lúc người cha đi vắng. Thấy trên đĩa trái cây nó bưng ra mời khách có quả Dương mai, ông khách bèn nói: “Ồ! Đây là trái cây của nhà cháu!”. Có lẽ ông khách Khổng Quân Bình này là học trò của người cha thằng bé [xem ý nghĩa của chữ 詣Nghệ: Bái kiến, thăm người bề trên (cha mẹ, thầy)] nên khách có ý liên hệ loại trái cây này với họ của gia tộc chủ nhà, nhằm thử xem con trai của thầy mình có nhanh trí hiểu ra ý đồ của câu nói ấy và có giỏi chữ Hán hay không. Đứa bé hiểu ngay thâm ý trêu chọc trong câu nói của khách; nó lập tức liên tưởng họ Khổng của ông với tên loài chim Khổng Tước và nhanh chóng nghĩ ra một câu trả lời hoàn toàn tương xứng: “Cháu chưa hề nghe nói chim Khổng Tước là chim của nhà ông”.
Ở đây cần chú ý: thằng bé không nói “Khổng Tước là chim của nhà ông.” - một câu ở thể khẳng định, mà chọn câu trả lời ở thể phủ định: “Cháu chưa hề nghe nói chim Khổng Tước là chim của nhà ông”. Rõ ràng, câu trả lời ở thể khẳng định nghe cộc lốc và có ý đối đáp thô thiển cục cằn, không khiêm tốn, lễ độ, dễ nghe bằng câu ở thể phủ định “Cháu chưa hề nghe nói….”. Câu đối đáp này cho thấy đứa bé chẳng những giỏi chữ Hán mà còn biết cách nói năng lễ phép lịch sự, tỏ ra là con nhà có học. Tuy chưa làm khách nóng mặt, nhưng câu trả lời ấy cũng đủ để khách ngừng trêu chọc nó.
Ví dụ 2: văn Văn ngôn trong sách Luận Ngữ
子曰:“學而時習之,不亦說乎?有朋自遠方來,不亦樂 乎?人不知而不慍,不亦君子乎?”(《學而》).
Dịch âm Hán-Việt:
Tử viết: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” (“Học nhi”).
Giải thích từ:
1. 子 Tử: Ngài. Tử là từ tôn quý, thời xưa dùng để gọi người đàn ông có địa vị, có học thức, cũng có khi gọi người đàn ông nói chung. Trong Luận Ngữ, Tử là nói Khổng Tử.
2. 學 Học: Ở đây Khổng Tử muốn nói việc học các kinh sách truyền thống của Nho giáo là Lễ, Nhạc, Thi, Thư.
3. 時習 Thời tập: Ôn tập (học ôn bài) đúng giờ. Thời Chu-Tần, chữ 時Thời dùng làm phó từ với nghĩa “vào thời điểm nhất định” hoặc “vào lúc thích hợp”. Nhưng trong “Luận Ngữ Tập chú”, Chu Hy lại giải thích “Thời” là “thường xuyên”, “Tập 習” là diễn tập Lễ, Nhạc; ôn tập Thi, Thư.
4. 說 Duyệt: Đọc [yuè]. Thời cổ chữ này như chữ “悦”, tức vui vẻ. Thời nay chữ này đọc [shuo] (Thuyết) nghĩa là nói, hoặc [shùi] (Thuyết) nghĩa là thuyết phục.
5. 朋 Bằng: Bạn. Thời thượng cổ, “bằng” khác “hữu”: đồng môn (cùng học một thầy) là “bằng”, đồng chí là 友 “hữu”. Trong tiếng Việt đều dịch là “bạn”.
6. 樂 Lạc: Chữ này có 2 âm đọc là [lè] (Lạc) và [yuè] (Nhạc). Ở đây chọn [lè] nghĩa là vui. Đây là vui thể hiện ra ngoài, khác với vui trong lòng của chữ 說 (悦).
7. 人不知 Nhân bất tri: Người không biết. Câu này chưa hoàn chỉnh, không biết cái gì? Suy ra là “người khác không hiểu mình”.
8. 慍 Uẩn [yùn]: Cáu giận.
9. 君子 Quân tử: Người có tu dưỡng về đạo đức.
Dịch cả câu:
Khổng Tử nói: “Học tập và ôn tập đúng giờ, chẳng phải cũng rất vui sao? Có người cùng chí hướng với mình từ phương xa tới, chẳng phải cũng rất mừng sao? Người khác không hiểu ta nhưng ta không giận, (như thế ta) chẳng phải là kẻ có tu dưỡng đạo đức sao?”
Nhận xét:
Do giải nghĩa từ/chữ khác nhau mà cùng câu trên, có nhà Hán học Việt Nam dịch là:
“Khổng Tử nói: Học rồi thường xuyên thực hành những điều đã học chẳng vui sao? Có bạn từ phương xa đến thăm cũng chẳng vui sao? Người ta không biết đến mình nhưng mình không buồn giận, chẳng phải quân tử sao?” (xem “Luận Ngữ với người quân tử thời hiện đại” của Trần Tiến Khôi, Nxb Từ điển bách khoa. Hà Nội, 2008), có chút khác với phần dịch của chúng tôi, có tham khảo từ điển Baidu trên mạng.
Có thể thấy, chẳng những văn Văn ngôn khó hiểu vì văn viết quá ngắn, mà bản thân chữ Hán cũng gây nhiều khó khăn cho việc đọc văn Văn ngôn. Ở đây, các chữ Hán: 說 (thuyết/duyệt) có 3 âm đọc ứng với 3 nghĩa khác nhau; 樂 Lạc có hai âm đọc ứng với hai nghĩa khác nhau, gây khó khăn cho người đọc bản gốc văn Văn ngôn.
Từ hai ví dụ nói trên, ta có thể rút ra một kết luận: Đọc văn Văn ngôn rất khó hiểu, dễ nhầm lẫn. Tốt nhất nên tham khảo các bản dịch ra văn Bạch thoại của các chuyên gia cổ văn Trung Quốc. Khi đọc bản tiếng Việt chuyển ngữ từ các bản bạch thoại ấy, cũng chỉ nên tìm bản dịch của các dịch giả người Việt có uy tín. Ví dụ khi đọc “Sử ký” nên đọc bản dịch của dịch giả Phan Ngọc. Gặp câu nào khó hiểu, có thể tra mạng Baidu để nhận được giải thích.
Bình luận bài viết