TÌM HIỂU Ý NGHĨA VỀ BIỂU TƯỢNG CÁC LINH THÚ
TRONG KINH PHẬT QUA DÃY TƯỢNG TẠI CHÙA PHẬT TÍCH
NGUYỄN NGUYỆT OANH*
Vào buổi đầu của Công nguyên, thời vua Asoka (Ấn Độ), biểu tượng Phật giáo đã xuất hiện nhằm trợ lực cho việc truyền bá triết lí của đạo Phật được hiệu quả hơn. Trong số những tác phẩm đầu tiên mang dáng dấp của nghệ thuật Phật giáo đã có nhiều hình tượng thú như tượng sư tử ở Sarnath, tượng bò mộng ở Rampuwa… Trải qua năm tháng, giáo thuyết của đạo Phật biến đổi theo tông phái qua các thế hệ môn đồ, điều này phần nào đã đem đến những sự biến đổi phong phú trong cách thể hiện biểu tượng. Sự thích nghi ấy biểu hiện Phật giáo luôn là một tín ngưỡng uyển chuyển, đầy sức sống, đáp ứng được nhu cầu lịch sử, xã hội của từng quốc gia mà đạo Phật truyền đến. Đặc biệt, ở vùng đất châu Á như Trung Quốc, Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...
Theo Phật sử, thời kỳ đầu Phật giáo truyền bá vào Việt Nam khoảng những năm đầu thế kỉ I sau Công nguyên, địa điểm dừng chân của các tăng sĩ bấy giờ là vùng Dâu – Luy Lâu. Và nơi này đã được xem là trung tâm Phật giáo của nước ta thời đó, sau đó từ trung tâm này, Phật giáo được truyền sang những vùng phụ cận. Nhưng phải đến thời Lý đạo Phật mới được xem là quốc giáo và có sự phát triển mạnh mẽ. Chùa Phật Tích, hiển nhiên được quan tâm đặc biệt của vương triều, được tu bổ, tôn tạo và trở thành một ngôi đại danh lam bấy giờ.
Nằm trong dòng chảy phát triển của lịch sử nước Đại Việt, chùa Phật Tích đã cung cấp nhiều di vật văn hóa quý báu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu, và trong đó có tượng 10 linh thú bằng đá ở tư thế ngồi chầu quay vào, bao gồm 5 cặp, theo thứ tự: Sư tử, voi, tê giác, trâu và ngựa.
Những con vật bình thường này khi được tạc tượng đặt vào ngôi chùa đã được linh thiêng hóa trở thành linh thú. Những đức tính và phẩm chất của các con thú đó đã được định nghĩa trong kinh phật, trong sử Phật giáo phong phú, đặc sắc. Điều ấy đã tạo thành biểu tượng vật chất, góp phần giáo hóa tín đồ bằng hình ảnh sống động và dễ hiểu nhất.
Trước hết, để biểu dương sức mạnh Phật pháp thì tiếng hống của sư tử được nhắc đến rất nhiều trong kinh tạng. Sư tử được coi là vua trong vương quốc động vật, nó như không có bất kỳ kẻ thù tự nhiên nào. Ở châu Á và Việt Nam, điều kiện môi trường địa lí không hẳn là nơi sinh sống của sư tử, tuy nhiên hình tượng về con vật này được phổ biến rộng rãi với biểu trưng là sức mạnh và hùng tâm. Phật giáo đã chọn biểu tượng ấy, và tiếng gầm rống của sư tử tượng trưng cho “Âm vang đạo pháp”.
Phạn ngữ Simhanada, có nghĩa là sư tử hống hay tiếng gầm của loài sư tử. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức Phật như tiếng gầm của sư tử chúa, không sợ hãi bất cứ loài thú nào và còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ mà nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì kính phục, sợ hãi.
Không chỉ Đức Phật có tiếng vua sư tử hống mà các Tỷ kheo cũng phải “rống tiếng rống con sư tử, tuyên bố dứt khoát rằng chỉ ở đây (trong giáo pháp Đức Phật dạy) mới có Đệ nhất Sa môn tức là chứng quả Dự lưu; mới có Đệ nhị Sa môn tức là chứng quả Nhất lai; mới có Đệ tam Sa môn tức là chứng quả Bất lai; mới có Đệ tứ Sa môn tức là chứng quả A la hán; còn các ngoại đạo khác không có bốn hạng Sa môn như vậy”[1]. Theo kinh Thắng man bảo quật, sư tử hống có ba nghĩa: Như thuyết tu hành, Vô úy thuyết, Quyết định thuyết. Như thuyết tu hành là lời nói hợp với sự tu hành, không phải lời nói suông. Vô úy thuyết là biện tài vô ngại, xiển dương diệu pháp mà không hề do dự, sợ hãi; nói với sự xác tín, kiên quyết (Vô úy có hai nghĩa: Không sợ người và làm người sợ, bị nhiếp phục). Quyết định thuyết là nương theo chân lý để nói pháp lên sự thật, có khả năng hoằng dương đạo pháp, cứu độ chúng sanh, dẹp tà, hiển chánh)[2]. Theo kinh Đại bát niết bàn, sư tử hống gọi là quyết định thuyết, nói lên yếu nghĩa “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi”. Kinh Đại bát niết bàn nói về 11 ý nghĩa sư tử hống như sau: “Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình”[3]. “Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na… Làm cho hàng Nhị thừa sinh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử”[4]. Ngoài ra, còn nhiều kinh luận khác nói về ảnh dụ sư tử hống như kinh Hoa nghiêm, luận Đại trí độ… Trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền, sư tử hống thường được dùng cho tiếng nói của các bậc đại trí, có thể chuyển mê khai ngộ, phát Bồ đề tâm.
Và Phật giáo cũng coi sư tử là Hộ giáo thần. Trong một số nghi lễ, sư tử được xuất hiện nhảy múa để xua đuổi tà ma. Còn trong điêu khắc, có hai mẫu sư tử thường thấy để trông coi, giữ cổng chùa Phật giáo, có ý nghĩa tượng trưng gần như đồng hóa với các nhân vương.
Kiểu thứ nhất: Đặt bên phải lối vào, miệng mở ra (trong có thể ngậm viên ngọc tượng trưng pháp bảo). Tại Nhật Bản, kiểu này được gọi là Hoa hạ Sư tử (Kasashishi).
Kiểu thứ hai, đặt quay lại phía bên trái, miệng không mở, thể hiện nội lực tiềm ẩn, tại Nhật Bản, kiểu này được gọi là Cao ly cẩu ( Komainu).
Còn đôi sư tử tại chùa Phật tích, đặt đăng đối 2 bên lối vào, thuộc kiểu thứ nhất, miệng mở to, trong ngậm ngọc. Tượng dài 145 cm, cao 117 cm, rộng 80 cm. Cùng hàng tiếp theo sư tử là tượng voi.
Voi là con vật bản địa, tuy không phổ biến ở Việt Nam, nhưng gắn bó mật thiết với đồng bào Tây Nguyên. Trong chiến tranh, voi được sử dụng làm tượng binh. Ở thần thoại Ấn Độ, ta có thể dễ dàng bắt gặp những chú voi bay Airavata, và trong xã hội Ấn Độ, voi mang lại may mắn, thịnh vượng. Phật giáo coi voi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần. Khi bắt đầu của một người tu hành thì tâm trí không thể kiểm soát được, biểu tượng của một con voi xám có thể chạy hoang dã và tiêu diệt tất cả mọi thứ trên đường đi. Sau khi chế ngự được tâm trí thì có thể tới bất cứ nơi nào mà không bị chướng ngại vật trên đường cản trở. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được sinh ra như con voi trong một số hóa thân trước đây của ông.
Trong nghệ thuật tranh tượng thần phổ của Phật giáo và Ấn giáo, mỗi một con vật tượng trưng cho mỗi một vị thần đặc thù. Mỗi con vật đó được thể hiện như một dạng bệ tượng mà các vị thần cưỡi trên lưng. Do vậy các con vật gắn với các Đại Phật hay Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi, Văn Thù Phổ Hiền… Ở Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng dạng bệ tượng các con vật như trên rất nhiều, trong khi đó biểu tượng về các vị thần ở phái Nam tông rất hiếm hoi.
Tượng đôi voi ở chùa Phật Tích có chiều dài 160 cm, cao 112cm, rộng 75 cm được tạc liền khối với bệ sen. Tư thế nằm nhìn thẳng phía trước, nên hai bên đối xứng nhau. Cạnh tượng voi là tượng Tê giác: Tê giác là con vật bản địa, nhưng nay không còn. Cặp tê giác ở chùa Phật Tích có chiều cao 145cm, cao 112cm, nằm áp sát bụng xuống bệ sen, miệng ngậm, chiếc sừng nhú trên mũi, khối căng, đơn giản nhưng hiện thực.
Trong bài kinh Tê Giác, Đức Phật ca ngợi loài Tê giác như là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì, nếu không có bạn đồng hành tu tập thì một mình tu tập tâm ý cho đến ngày giải thoát:
May gặp bậc trí tri xứng đáng
Hơn hay bằng kết bạn đồng hành
Bằng không cứ sống trọn lành
Thà như tê giác một mình ra đi
Có đôi bạn càng gây vướng bận
Tiếng lại qua tranh luận bất bình
Thấy gương trước mắt mà kinh
Thà như tê giác một mình ra đi...[5]
Nếu như hình ảnh Tê giác được xuất hiện không nhiều trong kinh Phật thì Ngựa được nhắc đến rất nhiều. Ngựa là một trong những con vật được thuần hóa sớm của loài người, ngoài việc làm phương tiện vận tải, ngựa còn có đặc điểm là chạy rất nhanh, trung thành và tinh nhạy, tốc độ di chuyển của ngựa còn thể hiện trong thần thoại Hy Lạp là những chú ngựa bay (có cánh). Ngựa cũng là biểu tượng của năng lượng và sức lực trong việc hành pháp, có khả năng kiểm soát tâm trí nhanh như sức gió, có thể điều chỉnh theo bất cứ hướng nào, tốc độ nào mà chúng ta muốn. Biểu tượng ngựa trong điêu khắc là bảo vệ phật pháp, ngựa là xe của nhiều vị thần như Mahali hay vị thần ngựa Hayagriva. Có một số câu chuyện của Bồ tát Lokesvasa lấy hình dạng một chú ngựa để giúp chúng sinh. Một ví dụ điển hình về ngựa trong lịch sử Phật giáo là chú ngựa Kiền Trắc của Tất Đạt Đa, vào một đêm tối mùa xuân đã chở Đức Phật trong tương lai vượt hoàng thành, mở đầu chuyến đi lịch sử, và hình ảnh ngựa đã xuất hiện rất nhiều trên các tờ kinh cổ.
Sau khi thành đạo, trên các nẻo đường du hóa, hơn một lần đức Đạo Sư đã mang loài ngựa ra làm hình ảnh ví dụ để huấn thị hàng môn đệ: “Này các Tỳ kheo! Trên đời này có bốn loại ngựa hay:
1. Hạng ngựa vừa thấy bóng roi đã chạy, như người vừa nghe nhắc rằng có ai đó mệnh chung liền tỉnh ngộ tu tập và đạt kết quả tốt.
2. Hạng ngựa không sợ bóng roi, chỉ sợ gậy (có đóng đinh nhọn) thúc vào mông, giống như người vừa thấy ai đó mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.
3. Hạng ngựa đợi gậy đâm vào thịt mới sợ, như hạng người khi tận mắt thấy thân nhân mình mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.
4. Hạng ngựa đợi đến lúc gậy thúc thấu xương mới sợ, như hạng người khi tự thân bị bệnh khổ mới tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt”[6].
“Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mới thật là kẻ chế ngự giỏi. Ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi”[7].
Tráng sĩ chiến thắng trở về, được đức Phật ca ngợi:
Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Bậc trí như tuấn mã
Bỏ xa con ngựa què[8].
Trong Đạo Phật để dạy người Phật tử cách điều phục Tâm của mình cho nên Tâm được ví với con Trâu hoang và sự điều Tâm, tức là làm thế nào để “cột trâu”. Trâu có bản tính là siêng năng, nhẫn nại, không hung hăng nhưng vô trí, đó cũng là đặc tính của chúng sinh. Kinh Phật nói đến trâu là nói đến bản tính vô trí nơi mỗi loài chúng sinh. Hiệu của Phật cũng là Điều ngự sư, nên Ngài là một người chăn hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc và giải thoát. Tùy theo cấp bậc vô trí của chúng sinh mà có cách hàng phục riêng biệt, từ hàng phàm phu, cho đến hàng Thanh Văn, Bồ Tát cho đến các thiền sư là khác nhau.
Trâu của phàm phu:
Kinh pháp cú, bài kệ I, phẩm Song yếu, nói: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ai nói năng hay hành động với tâm bất thiện, khổ não sẽ đi theo như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe”.
Trong bài kệ này, nghiệp được ví như con vật kéo xe, mà nguyên ngữ Pàli là vahato, không nhất thiết phải là trâu. Nhưng cũng có thể nói đó là trâu.
Nghiệp được ví là trâu, vì tất cả nghiệp tạo tác đều được điều động bởi vô minh, cũng như con trâu được điều động kéo xe vì sự si ngốc của nó.
Kinh pháp cú, bài kệ 135, phẩm Đao trượng, nói: “Như người chăn trâu cầm gậy lùa đàn trâu ra đồng cỏ. Cũng vậy, tuổi già và sự chết xua đuổi mạng sống ra đi.”
Trâu của Thanh văn: Đây là mười một điều tâm niệm của người chăn, tương xứng với mười một điều tâm niệm của thầy Tỳ kheo: 1. Biết sắc. 2. Biết tướng. 3. Biết mổ xẻ. 4. Biết che vết thương. 5. Biết nhóm khói. 6. Biết đường tốt. 7. Biết đưa qua sông. 8. Biết an ổn 9. Biết chỗ trâu thích hợp. 10. Biết giữ sữa. 11. Biết nuôi trâu đầu đàn[9].
Trâu của Bồ tát:
Phật giáo Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Từ khi tìm trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành công, trải qua mười giai đoạn. Liên hệ sự huấn luyện Tâm với phép Chăn trâu, có kinh Di giáo và Thập mục ngưu đồ (10 bức Tranh Chăn Trâu). Tranh Đại thừa thì vẽ con Trâu đen, lần lượt qua các bức họa, trâu đen trở thành trắng dần dần, trắng từ đầu dần đến mình rồi cuối cùng trắng đến chót đuôi. Đó là tượng trưng cho phép tu Tiệm, nghĩa là nhờ công phu tu tập lâu ngày đi lần tiến lên từng bậc thang giác ngộ.
Tranh Thiền tông thì có loại vẽ trâu trắng, có loại vẽ trâu đen; nhưng dù trắng hay đen, con trâu trong tranh Thiền vẫn giữ một màu đó xuyên qua những giai đoạn biến chuyển; đó là pháp tu Đốn. Đốn giáo dạy rằng thành Phật là thành ở nội Tâm, thành ngay tức khắc chứ không thành Phật từ từ, đó là hai quan điểm khác nhau của hai bộ Tranh Thập Mục Ngưu Đồ của Đại thừa và Thiền tông.
Còn tượng đôi trâu ở chùa Phật Tích, có đặc điểm nổi bật là cặp sừng to, cong và đôi tai dài. Được tạc tách rời nhau rồi ghép vào bằng các mộng. 5 cặp linh thú trên ngoại trừ chi tiết trên đầu của đôi trâu, thì đều được tạc liền khối với bệ tượng, bố cục khép kín nhưng đơn giản, mộc mạc. Các khối cơ thể được diễn tả căng, khỏe, đặt trong không gian với tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái. Mang nghĩa giải thoát tự nhiên, tự tại trong thế giới của Phật.
Các bệ tượng trong điêu khắc Phật giáo thường là hình vuông hoặc lấy chính các con thú làm bệ tượng (Như Văn Thù Sư Lợi, Văn Thù Phổ Hiền…). Có nhiều bệ hình lập phương mang hình dáng viên kim cương, phỏng theo núi Meru huyền thoại. Bệ có hình viên kim cương (Varasana) được tạo bởi 2 kim tự tháp ngược, có 16 bậc, tương ứng với 32 vị thần chính trong thế giới Varasana. Kiểu bệ tượng này gợi lại chỗ ngồi của Đức Phật dưới tán cây bồ đề ở Bodh Gaya. Còn có rất nhiều bệ tượng hình dáng đơn giản hơn nữa như hình chữ nhật hoặc bát giác, được tạc thành vải bao phủ, mềm mại, ở Nhật gọi là Ten- I – Za. Thậm chí có bệ tượng chỉ là đá nguyên khối- một biểu tượng của sự kiên cố, bền vững.
Bệ tượng đá nâng đỡ các linh thú ở chùa Phật Tích được chạm khắc theo dạng đơn giản, bằng đá nguyên khối, rắn chắc đã để lại vết đục đẽo, nên nhìn các con vật rất hiện thực, sống động. Khác với chất liệu đá mà điêu khắc Chăm sử dụng chủ yếu là đá Sa thạch là những hạt cát kết dính lại với nhau, tạo nên độ mềm mại, uyển chuyển, bóng bẩy trong từng tác phẩm. Dù chất liệu đá khác nhau nhưng đường diềm chạm nổi quanh bệ tượng là các con sói, quái vật đồng nhất với đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Vị trí dãy tượng thú ở chùa Phật Tích được đặt ở thềm bậc thứ hai, dàn hàng ngang, mỗi bên 5 con, giữa là lối đi. Với vị trí như thế, có nhiều cách lí giải khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất đều thống nhất là các linh thú có vai trò canh giữ Phật pháp, giám hộ người qua lại. Ý nghĩa thứ hai thì theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cho đây là hệ thống các vị thần Hộ pháp, hai con voi là thần Indra (Đế Thích) nhiếp chính phương đông, hai con trâu là thần Yama (Diêm Vương) nhiếp chính phương nam, hai con tê giác là thần Agni (thần Lửa) nhiếp chính phương phụ đông nam, hai con ngựa là thần Vayu (thần Gió) nhiếp chính phương phụ tây bắc.
Những linh thú không chỉ có ở chùa Phật Tích mà còn gặp ở các lăng mộ ở Yên Sinh (Quảng Ninh), Thâm Động (Thái Bình). Vào thế kỉ XV, được tạc ở các lăng mộ vua Lê… Tuy nhiên, linh thú gắn với chùa được tạc với số lượng nhiều, bề thế lại chỉ thấy ở chùa Phật Tích, sau đó không thấy lặp lại ở chùa khác. Phải chăng, linh thú cũng là những vật thờ “ít nhiều có lệ thuộc vào một dòng tư duy cổ truyền, không dám làm to lớn chúng sẽ được coi là khổng lồ đe dọa thế giới bên dưới”[10].
Ở thời Lý , đạo Phật tuy chia thành 3 tông phái: Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông, nhưng không có sự tách biệt rạch ròi. Sự kết hợp giữa các Tông phái đã được thể hiện ngay trong hệ thống bài trí tượng Phật trong một ngôi chùa: có tượng Phật, Bồ tát, La hán, A Di Đà, Quan Âm… và mỗi loại cũng có nhiều dạng như Thích Ca thuyết pháp, Thích Ca sơ sinh, Thích Ca tuyết sơn, Thích Ca ngồi tòa sen, Thích Ca nhập Niết Bàn…Tuy nhiên, vào thời kì đầu xây dựng nước Đại Việt, với mục đích an dân bình quốc, cố kết dân tộc, vua tôi cùng theo đạo Phật: “Như năm 1031, vua Lý xuống chiếu phát tiền, thuê thợ làm chùa quán ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ. Nhiều quý tộc tôn thất đã quy phật như Hoàng hậu Ỷ Lan, Tuệ trung Thượng sĩ Trần Tung. Khắp nơi, nhiều chùa chiền đã được xây dựng như các chùa Diên Hựu (Một Cột), Phật Tích, Long Đọi, Báo Thiên, Bối Khê, Thái Lạc, Phổ Minh, cụm quần thể chùa tháp ở Yên Tử. Phần lớn các công trình này được nhà nước tài trợ. Đông đảo quần chúng bình dân trong làng xã nô nức theo đạo Phật”[11]. Đại đa số người dân trong những thời kì đầu đất nước thoát khỏi nô dịch Bắc thuộc đều không biết chữ. Số người biết chữ Hán để đọc kinh Phật rất hiếm, người nào được học hành đến nơi đến chốn thì đều có mục đích thi đỗ làm quan, vì vậy biện pháp tu theo tâm, hướng về Phật và niệm danh Phật A di đà của Tịnh Độ tông là một cách thu hút dễ dàng đông đảo người dân. Tịnh Độ tông được truyền vào Việt Nam từ rất sớm, qua câu chuyện được viết vào năm Tống Vĩnh Sơ (420 – 422): “Sư Đàm Hoàng đi về phương Nam, đến Phiên Ngưng thì dừng lại ở chùa Đài, sau đến chùa Viên Sơn ở Giao Chỉ tụng Vô Lượng Thọ kinh và Quán kinh, lòng nguyện vãng sinh Tịnh Độ…” Khác với Thiền tông, Tịnh Độ tông là phương pháp tu hành đơn giản, chủ trương dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài (tha lực). Theo Tịnh Độ tông, Phật tử thành tâm tin vào Phật A di đà, ngày ngày niệm Phật sẽ được an cư lạc nghiệp, khi chết (giải thoát) sẽ được về cõi Tịnh thổ. Tịnh Độ tông gợi cho Phật tử hướng về cõi Tịnh Độ, nơi yên tĩnh không khổ đau, đó là chốn Tây phương Cực Lạc, là nơi do công đức của Đức Phật đã kiến tạo ra nhiều kiếp. Theo Tịnh Độ tông thì không phân biệt những người thông kinh sử hay thuộc kinh sử, mọi người đều bình đẳng trước Phật A di đà. Vì thế, chùa nào cũng có tượng Phật A di đà, chú trọng đến lễ thức lên chùa lễ Phật. Và chùa Phật Tích cũng vậy.
Vì vậy, những triết lí, quan điểm của đạo Phật đã được biểu tượng qua những con thú gần gũi dễ hiểu, giống như giáo cụ trực quan được truyền tới tín đồ một cách hiệu quả nhất. Tìm hiểu ý nghĩa hệ thống tượng thú ở chùa Phật Tích là góp phần tìm hiểu dấu ấn vật chất cụ thể của Phật giáo thời Lý. Dấu ấn Phật giáo càng đậm nét, càng hệ thống càng có cơ sở chứng tỏ nước Đại Việt đã ổn định và phát triển.
* Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[1] Tiểu kinh Sư tử hống, kinh số 11, Trung bộ 1.
[2] Từ điển Phật học Huệ Quang, Chủ biên: HT.Thích Minh Cảnh, Nxb. TP. Hồ Chí Minh 2003, tr.4005.
[3] Phật học vấn đáp, http://www.chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view&id=1173
[4] Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT.Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2003, tr.196.
[5] Kinh Nhật tụng của cư sĩ, hệ phái Nam tông – Theravãda. Tỳ khưu Pháp Minh dịch.
[6] Tương Ưng ố Kinh Gậy thúc ngựa, Ðào Nguyên, Kinh Phật nói về Ngựa,
[7] Pháp Cú, câu 222, http://thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=18863
[8] Pháp Cú, câu 29, http://thegioivohinh.com/diendan/showthread.php?t=18863
[9] Phật dạy chăn trâu. Tuệ Sỹ, http://www.phatviet.com/tuesy/ts03.htm
[10] Trần Lâm Biền, Đồ thờ trong di tích của người Việt, Trần Lâm Biền. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội 2003, tr.134
[11] Chùa Hà Nội, Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng., Nxb. Văn hóa thông tin. HN- 2005, tr. 43
Bình luận bài viết