Thông tin

TÍN NGƯỠNG VẬT TỔ

TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER TỈNH VĨNH LONG

 

NGUYỄN HUY TUỆ

 


Naga thân rồng tại chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Phước Hòa (ngày 20/07 2018).

 

Người Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer là một trong 54 tộc người cấu thành thành phần tộc người ở Việt Nam. Ở nước ta, người Khmer hiện tại có khoảng 1,3 triệu người (Thống kê năm 2009) cư trú chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nam Bộ) tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu…

Về người Khmer và đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của họ đã được nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam quan tâm với những công trình của Thạc Nhân, Lê Hương, Vương Hồng Sễn, Sơn Nam, Nguyễn Tấn Đắc, Mạc Đường, Ngô Văn Doanh, Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa.

Tuy nhiên, sau gần 40 năm, kể từ khi xuất bản công trình NgườiViệt gốc Miên của Lê Hương, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ thực tế, qua thu thập thông tin, xử lý tư liệu điền dã tại ba huyện tập trung người Khmer đông nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là Bình Minh, Trà Ôn và Vũng Liêm, người viết xếp các loại tín ngưỡng dân gian trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ thành hai nhóm chính, đó là tín ngưỡng củacộng đồng1tín ngưỡng của dòng họ, gia đình, cá nhân2.

Việc phân loại các hình thức thực hành tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Vĩnh Long thành hai nhóm chính như trên nhìn chung chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ, các hình thức lễ hội dân gian sùng bái tự nhiên và sùng bái con người có tính cộng đồng, dòng họ, gia đình và cá nhân của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn hoà quyện vào nhau và khó có thể phân biệt được một cách thật rõ ràng, rành mạch. Vì thế, trong giới hạn bài viết, tác giả chỉ trình bày sơ lược về tín ngưỡng thờ vật tổ trong cộng đồng người Khmer tỉnh Vĩnh Long nhằm giúp người đọc có cái nhìn khái quát một nét văn hóa đặc trưng nơi tộc người này.

Tín ngưỡng thờ vật tổ trong cộng đồng người Khmer tỉnh Vĩnh Long

1. Nguồn gốc của danh từ Totem

Người Khmer có đời sống văn hóa phong phú trên cơ sở tích hợp giữa văn hóa nông nghiệp và văn hóa có nguồn gốc Ấn Độ như Bà La môn giáo và Phật giáo suốt dọc chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình. Khi nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian của tộc người này chúng ta nhận thấy rõ có những tín ngưỡng mang tính cộng đồng, là tín ngưỡng chung mà bất cứ người Khmer nào cũng tin tưởng và thực hành, cụ thể:

Totem là danh từ của người da đỏ Ogibwa dùng để gọi convật linh thiêng của họ, gọi thị tộc thờ con vật ấy và mỗi người trong thị tộc. Các nhà nhân loại học do chữ totem mà tạo ra chữ totémisme (sùng bái vật tổ) để chỉ một cách mơ hồ sự thờ phụng một vật nào đó - thường là một vật, đôi khi là một cái cây - được đoàn thể coi là linh thiêng”3; “Thời gian trôi qua, các buổi lễ được tiến hành, trong đó, mọi người cùng vật tổ biểu diễn và tưởng nhớ đến các hành động và tính nết của vật tổ thông qua các vũ điệu tưng bừng4.

Tín ngưỡng thờ cúng vật tổ (bái vật - Totem) là hình thức tín ngưỡng đầu tiên khi mà con người còn sơ khai, còn chưa phát triển, tín ngưỡng này là một bước tất yếu trong quá trình phát triển của loài người. Nó mang tính nhân loại. Người ta đã tìm thấy nhiều biểu hiện của việc sùng bái vật tổ ở những miền không có chút liên lạc gì với nhau từ những bộ lạc da đỏ ở Bắc Phi cho tới các dân tộc Dravidien ở Ấn Độ và thổ dân ở Châu Úc5.

Không thấy nhà nghiên cứu Lê Hương hay các tài liệu nào cùng thời ghi chép về việc thờ Totem trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer tại Vĩnh Long nói riêng.

Khi nói về Totem của người Khmer, chúng ta thấy những ghi chép liên quan đến vấn đề như sau:

Châu Đạt Quan- sứ thần nhà Nguyên sang Chân Lạp (Campuchia ngày nay) vào thế kỷ XIII, trong Chân Lạp Phong thổ ký, Ông viết: “Ban đêm, nhà vua ngủ trên chót ngôi tháp bằng vàng ở giữa cung.Tất cả dân chúng tin chắc chắn rằng trong tháp có một vị thần là con rắn chín đầu, chủ tể cả giang san. Mỗi đêm thần biến thành đàn bà đến ân ái với nhà vua. Nếu đêm nào vị thần không xuất hiện đó là ngày chết của vua. Nếu nhà vua vắng mặt một đêm, chắc chắn ngày sẽ gặp tai họa6.

Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã dành 10 dòng để viết về tín ngưỡng Totem trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ như sau “Rắn thần Naga được xem là tàn dư của tín ngưỡng vậttổ. Rắn thần Naga trong truyền thuyết là tổ tiên của người Khmer và các tục lệ có liên quan đến rắn thần được thể hiện trong lễ xuất gia của thanh niên. Rắn thần còn là niềm tin về sự mau mắn được thể hiện trên mái chùa, trên các đền đài, trên tay cầm của liềm gặt lúa, tay cầm của các kiệu rước, đầu chót của càng kéo xe bò. Chim Krut (Garuda) cũng là một biểu tượng của vật tổ thường gặp trong các motif trang trí, chuyện kể, trò chơi và tục lệ cấm kỵ. Niêk (Rắn) và Chim (kryt - Garuda) là hai biểu tượng có tính tín ngưỡng vật tổ thường gặp trong nông thôn Khmer7.

Trần Văn Bính trong Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thựctrạng và những vấn đề đặt ra đã viết về tín ngưỡng thờ Totem trong cộng đồng Khmer Nam Bộ nói chung và Khmer Trà Vinh nói riêng như sau “Do khai phá và sống trên một vùng sông nước,đầm lầy, người Khmer Nam Bộ đã lấy một loại động vật bò sát - Neak - làm Tôtem chủ yếu của mình (có thể là con cá sấu, rắn nước). Vật tổ này hiện còn để lại dấu tích ở một vài hình thức sinh hoạt tinh thần, như truyện kể, lễ nghi, tín ngưỡng và các môtíp trang trí trong chùa hay các công cụ lao động8.

 

Naga thân rồng tại chùa Phù Ly, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Phước Hòa (ngày 25/07/2018).

 

Phan Anh Tú, trong một bài viết Truyền thuyết về rắn Nagatrong văn hóa Khmer9 đã nhận định rằng “hình tượng này hiệndiện trong văn hóa Khmer có lẽ từ trước khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất này vì người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn”.

Trong bài viết “Truyền thống giáo dục và lịch sử hình thànhchữ viết của dân tộc Khmer Đồng bằng sông Cửu Long” Trần Thanh Pôn đã đề cập một vấn đề có liên quan đến lịch sử tộc người Khmer như sau: “Đặc trưng mang tính chất sử học và dân tộc họclà sự tồn tại của một bộ lạc xa xưa thời mẫu hệ có mặt ở miền hạ lưu Mê Công với truyền thuyết “Người Rắn” làm vật tổ “Tô Tem” là đặc điểm của con người thời văn minh tiền sử với cuộc sống đầy hoang sơ10.

2. Tượng Naga hiện nay trong các ngôi chùa Khmer trên tỉnh Vĩnh Long

Như vậy, các nhà nghiên cứu về người Khmer đã thừa nhận rằng “trong đời văn hóa của họ còn tồn tại những tàn dư của tínngưỡng thờ vật tổ” và cũng qua quan sát thực tế, người viết thấy những hình Neak - Naga Chúa, còn tồn tại rất nhiều trong đời sống của người Khmer Vĩnh Long, cả yếu tố vật chất và tinh thần.

Cách giải thích của những người Khmer về vấn đề này là hoàn toàn khác, lại mang tính chất truyền miệng dân gian và thấm đượm màu sắc của Phật giáo. Khi họ dùng câu truyện cổ tích như sau để giải thích cho những hình tượng này; ta có thể tóm tắt như sau: “Khi Phật Thích Ca sắp thành đạo dưới tán cây Bồ đề thì bị Quỷvương tìm mọi cách cản trở, cuối cùng chúa Quỷ làm phép gây mưa gió và lũ lụt, nước dâng cao hòng dìm chết Đức Phật; lúc đó có Ông Niêk là vua loài rắn thấy vậy bèn cuộn mình lại và xòe đầu ra che chở cho Ngài, nhờ vậy mà Phật mới thành đạo, để tưởng nhớ công ơn này người Khmer đắp các tượng này trước cổng chùa11.

Đây là cách lý giải phổ thông nhất về hình tượng Naga và chúng ta có thể giải thích được từ góc độ văn hóa học, khi mà các tín ngưỡng bản địa bị tích hợp vào Phật giáo - một tôn giáo hòa bình và không cực đoan. Trải qua thời gian dài, hình ảnh Naga chúa trở thành một biểu tượng, một thành tố của Phật giáo, điều này còn được củng cố bằng các Phật tích dân gian vốn được người Khmer nói chung và người Khmer tỉnh Vĩnh Long nói riêng tin tưởng một cách tuyệt đối.

 


Tượng chim Krut tại Chùa Cũ, ấp Thôn Rôn, Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Phước Hòa (ngày 25/07/2018).

 

Những tượng Neak được đắp trước cổng, hay trang trí trong các lò hỏa táng đặt trong các ngôi chùa Khmer Nam Bộ nhằm xua đuổi ma quỷ, trừ tà hay mang tính chất bảo hộ con người. Qua khảo sát điền dã, người viết thấy hiện nay tại tỉnh Vĩnh Long có hai dạng tiêu biểu của Naga tạm gọi là Naga thân rồng và Naga thân rắn như sau:

Bên cạnh nét đặc trưng trong các chùa Khmer là hình tượng các Naga, hệ thống vật tổ trong các chùa Khmer Nam bộ còn có hình ảnh một thiên thần với hai cánh vươn cao. Đây là mô hình chim Krut (hay Garuda), loài vật linh thiêng và xuất hiện thường xuyên trong thần thoại Ấn Độ. Loại hình vật tổ này người viết nhận thấy được dùng để trang trí bên hông (dạng đỡ kèo mái chùa) các chánh điện hay trên đỉnh các cột cờ ở các chùa Khmer là những điển hình.

Nhận xét

Tín ngưỡng cộng đồng của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung rất đa dạng và phong phú với nhiều hình thức tín ngưỡng biểu hiện gắn với mọi mặt trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và phum sóc. Các loại hình tín ngưỡng này vừa có những nét tương đồng, vừa có nét khác biệt so với tín ngưỡng cùng loại của người khác tộc cùng cộng cư ở Nam Bộ mà đặc biệt có nét riêng với người Khmer ở Campuchia và một số dân tộc khác theo Phật giáo Theraveda ở Lào, Thái Lan, Myanmar. 

 


1. Tín ngưỡng thờ Totem, tín ngưỡng Neak tà, các nghi thức liên quan đến những hoạt động nông nghiệp: lễ Chol Chnam Thmay, tín ngưỡng thờ mặt trăng, lễ Sen Dolta…

2. Cúng Arak, cúng tổ nghề, các nghi lễ trong vòng đời người Khmer: Việc sinh nở, lễ trưởng thành, việc cưới hỏi, tang ma…

3. Will Durant, Nguồn gốc văn minh - Nguyễn Hiến Lê (dịch) 1991, NXB Thuận Hóa, Tr 58.

4. Sigmund Freud 1913 totem und tabu, Press Hugo & Cie, Wien - Lương Văn Kế (dịch) 2001 Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo (Vật tổ và cấm kỵ), NXB ĐHQG Hà Nội, Tr 45.

5. Will Durant, Sđd, NXB Thuận Hóa, Tr 58.

6. Châu Đạt Quan: Chân Lạp Phong thổ ký – Lê Hương – Huỳnh Văn Sinh (dịch) 1973, NXB Kỷ Nguyên Mới, Sài Gòn, Việt Nam, Tr 36. Cũng tham khảo trong bản dịch cùng tên của Nguyễn Đình Đầu – 2006.

7. Nguyễn Công Bình va NNK 1990 Văn hóa và Cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, NXB KHXH Hà Nội, Tr 229.

8. GS.TS Trần Văn Bính, Sđd, Tr 26.

9. Phan Anh Tú (2004), Truyền thuyết về rắn naga trong văn hóa Khmer, Thông báo khoa học số 05 năm 2004. – BTLSVN TP. HCM, Tr. 170 – 173. – www.vanhoahoc.edu.vn.

10. Trần Thanh Pôn,1997, Truyền thống giáo dục và lịch sử hình thành chữ viết của dân tộc Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, tạp chí Khoa học xã hội, số 32-quý II-1997.

11. Ghi theo lời kể của Bà Kim Thị Sang ,70 tuổi, Ấp Đại Mông, xã Phú Càn, Huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh – tài liệu điền dã thực tế của người viết.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6920053