Thông tin

TÌNH CA THIÊN TỬ

 

THÍCH NỮ THÔNG TIÊN

 


 

Thiên tử là từ phiên âm từ tiếng Hán, nghĩa là con của trời. Trong quan niệm văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa phong kiến Trung Quốc, Thiên tử chỉ cho nhà vua, vua được xem là con của trời. Bài viết này không đề cập về Thiên tử dưới lăng kính phong kiến đó. Tình Ca Thiên Tử đề cập về bản tình ca của một vị thiên tử được ghi chép lại trong kinh điển Phật giáo, một vị thiên tử theo đúng nghĩa đen, chứ không phải một “ông vua”, một vị “con trời” nào trên thế gian này.

Chắc phải nói lòng vòng một chút về Thiên tử, ‘chức danh’ mà dân gian gọi nôm na là “Ông Trời”. Thiên tử/chư thiên là một khái niệm mơ hồ với mọi người, nhất là trẻ con. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, lúc nhỏ tôi mê ly trong những truyện cổ tích liên quan đến ông trời, thần tiên. Nào là truyện Tấm Cám với hình ảnh ông Bụt râu tóc bạc phơ hiện ra giúp cô Tấm, nào là câu chuyện về chú Cội níu cây đa bay lên cung trăng, nào là Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời, v.v… lớn hơn chút thì biết đến Ngưu Lang Chức Nữ trên trời, rồi Liêu Trai Chí Dị và lõm bõm vài ba câu chuyện trong truyện Phong Thần,…

Nhà ba mẹ tôi thờ rất nhiều lư hương (12 lư hương, nhiều lư hương hơn cả chùa tôi ở), có cả lư hương bàn Thiên ngoài trời nữa. Mỗi lần cúng kỵ hay rằm lớn, mẹ tôi đều cúng cô hồn và cúng chư thiên. Cháo trắng lỏng là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng. Cúng xong, mẹ bảo anh chị em tôi húp ‘cháo thánh’ để học hành thông minh. Những năm đầu đời, tôi húp không biết bao nhiêu cháo thánh, thứ cháo mà sau này vô chùa tôi mới biết, đó là cháo ‘cô hồn’ chứ chẳng phải là cháo thánh thần phương nào cả!

Từ khi tôi xa làng theo Phật gọi Tiểu Ni thì những tháng ngày tuổi thơ lại tiếp tục trôi qua nơi cửa chùa. Ngày ngày tiếp xúc với lời kinh tiếng kệ, chúng sanh của các cõi bên kia khác loài người không còn xa lạ nữa. Mỗi chiều đi công phu ra bàn Ông Tiêu cúng cháo, một bàn chư vị đang thọ thực lại hiện ra trong tâm tưởng của tôi, với lời kinh và lời khấn nguyện no đủ đến chư vị. Gần gũi và ấm áp. Gần gũi trong sự vô hình và ấm áp trong tâm linh. Ngày ngày trôi qua, lời kinh nhịp mõ dẫn lối tôi về các cảnh giới khác nhau của chúng sanh. Thiên tử/chư thiên không còn xa lạ.

Thiên tử/ chư thiên trong kinh điển Phật giáo là một hạng chúng sanh, có phước báo cao hơn loài người, cư trú trên các cõi trời từ Sáu tầng trời Cõi Dục (Trời Tứ Đại Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Tự Tại và Trời Tha Hóa Tự Tại) cho đến các cõi trời cao hơn. Họ có thần thông, bay đi tự tại, dung mạo đẹp đẽ, cơ thể có hào quang, cư trú trong các cung điện lớn nhỏ ở cõi trời tùy theo phước báo của mình. Nếu tu tập tốt, họ sẽ được tái sanh lên các cõi trời cao hơn; tuy nhiên, nếu ‘lơ tơ mơ’, khi hết phước báo của cõi trời, họ vẫn có thể bị đọa xuống các cõi thấp hơn (Cõi người, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục).

Rất nhiều bài kinh trong kho tàng kinh điển Phật giáo đề cập việc chư Thiên thường xuống đảnh lễ thăm viếng Đức Phật và nghe Đức Phật thuyết pháp vào sáng sớm. Chỉ riêng trong kinh Tương Ưng Bộ, chương I và chương II (Tương Ưng Chư Thiên Tương Ưng Thiên Tử) dành riêng để nói về các vị Thiên và Thiên tử xuống gặp Phật để tham vấn Phật pháp với Đức Thế Tôn. Các vị chư thiên cũng hay xuống để đàm đạo với các vị thánh Tăng, thánh Ni đệ tử Phật.

“Nhà cửa” của chư thiên thì ít nhiều cũng được đề cập trong kinh. Cũng có vị tự hào về cung điện của mình. Chẳng hạn, có một vị Thiên thuộc cõi trời Ba Mươi Ba (Trời Đao Lợi) tự hào về cõi trời Ba Mươi “lừng danh” của mình như sau:

Chúng không biết đến lạc,

Nếu không thấy Hoan Hỷ,

Chỗ trú cả Trời, Người,

Cõi ba mươi lừng danh.

(Phẩm Vườn Hoan Hỷ, Kinh Tương Ưng Bộ)

Các vị thiên đôi lúc so sánh cung điện lớn nhỏ với nhau, ganh tỵ nhau về sắc đẹp, hào quang, cung điện, tùy tùng. Họ cũng hay tụ tập để học hỏi và đàm luận Phật pháp. Chẳng hạn, trời Đao Lợi có giảng đường Thiện Pháp. Họ cũng có những bất hòa tranh cãi, vua trời Đế Thích là vị thiên vương hay đứng ra phân xử những bất hòa trong cõi trời của ngài. Tuy nhiên, các vị Trời hơn người thế gian là không phạm vào Ngũ giới và mười điều ác.

Nói vòng vo như vậy để biết rằng chư thiên/thiên tử cũng có những cảm xúc, tình cảm, tính cách giống loài người chúng ta, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi thiên tử bộc bạch tình cảm của mình. Tình Ca Thiên Tử là câu chuyện về nỗi lòng của một vị tiên nam được ghi chép lại trong kinh Đế Thích Sở Vấn (Những câu hỏi của vua trời Đế Thích), bài kinh số 21 thuộc Trường Bộ Kinh (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch). Nội dung bài kinh chủ yếu đề cập những câu hỏi mà thiên vương Đế Thích hỏi Đức Phật và Đức Phật trả lời. Còn chàng tiên trong bài kinh chỉ là đi theo Đế Thích để làm nhiệm vụ ‘tiền trạm’, nhưng bản đàn hắt hiu lòng người của chàng tiên làm cho người ta chú ý. Phần vì thương cảm cho mối tình đơn phương của chàng tiên, phần vì thắc mắc.

Câu chuyện bắt đầu khi thiên vương Đế Thích “náo nức muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn” sau nhiều lần muốn đi đảnh lễ Phật mà bận rộn giải quyết công việc của thiên chúng không đi được. Với năng lực của một vị thiên vương, Đế Thích biết rằng Đức Phật đang ở trong hang Indasala trên ngọn núi Vediya, phía Đông thủ đô Vương Xá của nước Ma Kiệt Đà. Đế Thích liền bảo chư thiên cùng đi xuống trần để đảnh lễ Phật. Trong số chư thiên tháp tùng có chàng thiên tử tên Pancasikha (Ngũ Kế: chàng tiên với năm cái chỏm tóc trên đầu), con của một vị thần Càn Thát Bà (nhạc thần trên cung trời). Chàng không quên vác theo cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva.

Khi đoàn chư thiên đã biến mất ở cõi Đao Lợi và hiện ra đứng trên ngọn núi Vediya, Đế Thích thiên vương không dám xồng xộc đến gặp Phật (vì Đức Phật đang thiền định, hoan hỷ trong thiền, an lặng tịnh cư) mà nhờ thiên tử Ngũ Kế “đi tiền trạm” đến thưa chuyện và xin phép Thế Tôn trước. Chàng thiên tử đa tình vâng lời Đế Thích ôm đàn đi. Chàng ta chẳng thưa chẳng thỉnh gì mà vác đàn cầm đến tận hang núi tấu lên một bản đàn với hy vọng Đức Phật sẽ nghe tiếng đàn và giọng hát của mình. Chẳng đàn chẳng hát bản nào, chàng ta đàn hát đúng cái bản tình ca thất tình của chàng năm xưa. Chắc là muốn bộc bạch cõi lòng với Đức Phật:

“Ôi Suriya Vaccasa!

Ta đảnh lễ Timbaru,

Bậc phụ thân của nàng,

Ðã sanh nàng thiện nữ,

Nguồn hạnh phúc của ta,

Như gió cho kẻ mệt.

Như nước cho kẻ khát,

Nàng là tình của ta.

Như pháp với Ứng Cúng,

Như thuốc cho kẻ bệnh,

Như đồ ăn kẻ đói”

(…)

Hành động ta rối loạn.

Tâm ta bị nàng trói,

Di chuyển thật vô phương,

Rút lui cũng bất lực,

Như cá đã mắc câu.

(…)

Ôi Hiền nữ suối tóc,

Ái dục ta có bao!

Nhưng nay đã tăng bội,

Như đồ chúng La Hán!

Mọi công đức ta làm,

Dâng lên bậc La Hán,

Ôi Kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả cho ta.

Công đức khác của ta,

Ðã làm trên đời này!

Ôi Kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả của ta!

Vị Thích tử thiền tu,

Nhứt tâm và giác tỉnh,

Tìm cầu đạo Bất tử,

Cũng vậy ta cầu nàng!

Tiếng đàn và từng từ từng chữ của chàng vừa thanh thoát vừa réo rắt. Thanh thoát vì liên hệ đến Phật, Pháp, A-la-hán. Réo rắt vì cõi lòng tan nát của chàng. Chắc vị trời con này cũng có duyên với Phật pháp và am hiểu Phật pháp nên từ ngữ và cách ví von cũng mang âm hưởng của một kẻ mộ đạo. Đây có lẽ là bài hát độc nhất vô nhị, chưa thấy ai sáng tác một bản nhạc mà vừa đem sự phàm tình đặt song song với sự thanh thoát của Phật, Pháp, A-la-hán. Đem phước báo cầu được do sự cúng dường so sánh với việc ước nguyện có được nàng tiên nữ! Còn ví von rằng việc tìm cầu nàng như vị Thích tử thiền tu thì tìm cầu đạo bất tử! Nhưng Đức Phật cao cao tại thượng kia, lòng từ bi vô hạn, Ngài có trách móc gì ai bao giờ đâu. Có lẽ hiểu nỗi lòng của vị thiên tử trẻ tuổi, Đức Phật đã đồng cảm, Ngài còn khen ngợi giọng hát và tài nghệ đánh đàn của Pancasikha, nhưng Phật hỏi: “Này Pancasikha! Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như vậy?”.

Như được mở cõi lòng, chàng tiên đem hết bầu tâm sự kể cho Đức Phật nghe. Nghĩ cũng lạ, có lẽ ngoài người tri âm tri kỷ là chúng ta có thể xổ hết nỗi lòng sâu kín, trên đời này chắc không dám trút hết cõi lòng cho ai trừ Đức Phật. Nhưng đâu phải ai cũng gặp được người tri âm đâu. Ai đó đã nói “Quen biết khắp thiên hạ/ Tri âm được mấy người?”. Ngày ngày vẫn có biết bao chúng sanh quỳ dưới chân Như Lai Phật Tổ bày tỏ hết bao nỗi buồn vui và ước nguyện đó sao. Chàng Pancasikha trình với Phật rằng, trước kia, lâu thật là lâu, khi Đức Thế Tôn vừa thành đạo dưới cây Bồ đề bên bờ sông Ni Liên Thiền, chàng ta đã đem lòng thương yêu nàng tiên nữ Suriya Vaccasa, con gái của Timbaru-vua Càn Thát Bà. “Nhưng bạch Thế Tôn, thiếu nữ lại yêu một người khác, tên là Sikhaddhi, con của Matali người đánh xe. Bạch Thế Tôn, con không có phương tiện nào khác để chiếm được thiếu nữ. Con cầm đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva, đến tại trú xá của Timbaru, vua Càn Thát Bà. Khi đến xong, con gảy đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ này, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục”.

Cảm động trước tình cảm của Pancasikha, những tưởng tiên nữ Suriya sẽ đón nhận tình cảm của chàng, nhưng không, nàng trả lời thẳng thừng rằng: “Tôi chưa được thấy Thế Tôn tận mặt. Nhưng tôi có nghe đến Thế Tôn, khi tôi đến múa tại Thiện Pháp đường của chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Vì hiền giả đã tán dương Thế Tôn như vậy, vậy hôm nay chúng ta sẽ gặp nhau". Thế là tiên nữ chỉ dành một ngày để gặp Pancasika rồi đường ai nấy đi và bản tình ca ấy chàng vẫn thuộc nằm lòng chứ không thể nào quên, và hôm nay đây, đi đến Thế Tôn, vẫn là bản tình ca đó, đàn hát dâng lên Thế Tôn. Nỗi lòng đơn phương chưa bao giờ nguôi từ lúc Thế Tôn thành đạo đến bây giờ. Sau khi trút bầu tâm sự cho Đức Phật nghe, chàng cũng không quên nhiệm vụ chuyển lời của vua trời Đế Thích đến Đức Thế Tôn. Nhưng Pancasikha cũng không quên giao kèo với Đế Thích, nhờ Đế Thích đứng ra dàn xếp cho cuộc tình của chàng và được Đế Thích hứa khả: “Ta sẽ đóng vai trò thân phụ cho Ngươi, Ngươi sẽ là Vua loài Càn thát bà. Ta sẽ cho Ngươi Bhaddà Suriya Vaccasà, người mà ngươi ao ước”. Bài kinh khép lại trong niềm hỷ lạc vô biên của Đế Thích và lời hứa của Đế Thích với Pancasikha. Lời hứa ấy không biết có thực hiện được như ý nguyện của Pancasikha không, nhưng bản tình ca ấy vẫn vang vọng cho đến ngày nay, như một minh chứng rằng, ngày nào chúng sanh chưa ra khỏi ba cõi, ngày nào còn trong vòng xoáy nhân thiên thì vẫn còn những bản tình ca nao núng lòng người. Hình ảnh một tiên nam với năm chỏm tóc trên đầu, tay ôm đàn gỗ vàng, đứng trước Đức Phật, vừa đàn vừa hát lên cõi lòng của mình, âu cũng là tiếng lòng của phàm nhân trong cõi mộng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6115321