Thông tin

TÍNH CHẤT TÀM QUÝ - PHẢN TỈNH

TỪ NĂM GIỚI CĂN BẢN PHẬT GIÁO CHO TUỔI TRẺ

 

DIỆU ĐỊNH - LÊ THỊ NGỌC TƯỚC

 


 

1. Mở đầu

Bản chất con người vốn có sẵn lòng tham, sân và si. Đó là động cơ dễ gây ra tệ nạn xã hội. Nhưng luật pháp xã hội chỉ là biện pháp ngăn chặn những hành vi phi pháp của con người khi nó được thể hiện cụ thể bằng hành động hoặc lời nói thôi. Nên luật pháp khó có thể ngăn chặn được những suy nghĩ bất chánh từ trong tâm thức con người chính ý thức là chủ nhân về hành động và lời nói của con người nói chung của thanh thiếu niên nói riêng.

Qua Kinh Giáo giới Ràhula tại vườn Ambala, số 61 thuộc Trung bộ kinh được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch ra Tiếng Việt. Từ Kinh cho thấy đức Phật đã hướng dẫn trực tiếp sadi Ràhula 7 tuổi một phương pháp sống đạo đức chân chánh. Từ bản thân có thể tự chế ngự và kiểm soát được thân làm, miệng nói và ý nghĩ để không rơi vào pháp bất thiện.

2. Giới thiệu thuật ngữ được Phật dạy cho Ràhula qua Kinh số 61

2.1. Tàm Quý

- Tàm (hiri), có nghĩa là trạng thái tâm lý biết xấu hổ với chính lương tâm của mình khi tự thân đã lỡ làm điều ác, sai quấy, xuất phát từ thân làm, miệng nói hay ý nghĩ, đã mang lại điều hại cho tự thân, cho người khác hoặc cho cả hai, dẫn đến quả báo đau khổ.

- Quý (ottappa), có nghĩa là trạng thái tâm lý biết sợ hãi trước người khác, dù họ có biết hay không, khi tự thân đã lỡ làm điều ác, sai quấy, xuất phát từ thân làm, miệng nói hay ý nghĩ, đã mang lại điều hại cho tự thân cho người khác hoặc cho cả hai và dẫn đến quả báo đau khổ.

2.2. Phản Tỉnh (paccavekkhati) có nghĩa là trí quan sát, xem xét

Suy xét lại nhiều lần trước khi, trong khi hay sau khi thân làm, miệng nói, ý nghĩ là thiện hay bất thiện, có dẫn đến quả báo đau khổ hay an lạc hạnh phúc cho tự thân, cho người khác hay cả hai.

2.3. Thiện - bất thiện

- Thiện (Kusala) có nghĩa là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hành trong các dục, từ bỏ nói láo (nói hai lưỡi, nói ác, nói phù phiếm). Không tham dục, không sân và có chánh tri kiến. Như vậy gọi là thiện.

- Bất thiện (Akusala), có nghĩa là sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo (nói hai lưỡi, nói ác, nói phù phiếm). Có căn bản tham, sân si gọi là bất thiện.

3. Hình ảnh và phương pháp tu tập đạo đức có trí tuệ qua kinh Giáo giới Ràhula

Qua bài kinh chúng ta thấy đức Phật đã dùng những hình ảnh quen thuộc mà ai cũng biết để chuyển tải nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục đời sống nhân cách đạo đức giúp cho tuổi trẻ có thể nắm bắt, học hỏi, luyện tập được và cho bản thân một cách hiệu quả.

3.1. Về hình ảnh ẩn dụ

Đức Phật dùng hình ảnh rất phù hợp cho đối tượng là một sadi trẻ tức là Ràhula lúc 7 tuổi mới xuất gia. Phật dùng chậu và chút ít nước dơ, để ẩn dụ cho đạo đức phạm hạnh suy giảm dần cho đến không còn gì cả như chậu rỗng lại dơ.

Kế đến là hình ảnh con voi của vua thường đến trận chiến. Con voi mà biết bảo vệ không sử dụng chiếc vòi giống như con người biết giữ gìn không quăng bỏ mạng sống. Còn con voi mà khi ra trận nó chiến đấu, sử dụng luôn cả vòi, giống như người không biết giữ gìn và được xem như quăng bỏ mạng sống. Đức Phật khuyến cáo Ràhula rằng điều nầy giống như là tội ác nào người đó cũng dám làm.

Cuối cùng, đức Phật dùng hình ảnh chiếc gương soi, thông thường gương là để soi mặt, nhưng chiếc gương phật dạy Ràhula là gương soi tâm người. Đó là trạng thái tâm phản tỉnh. Đây là loại trí luôn xem xét, suy xét nhiều lần trước khi muốn làm, trong khi đang làm và sau khi đã làm xong, từ thân, lời nói và ý nghĩ theo luận, Kinh nầy được giảng cho Ràhula, khoảng 7 tuổi, lúc ông vừa thọ giới xuất gia không lâu, như vậy là bài giảng tiêu biểu cho tuổi trẻ tu tập về giới đức thời Phật tại thế vừa cũng cho cả giới trẻ ngày nay!

3.2. Tiêu chuẩn xây dựng nhân cách đạo đức trong Kinh Giáo giới Ràhula

Qua bài Kinh Giáo giới số 61, ở phần Phản tỉnh thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đức Phật nêu lên 3 phương diện về việc xây dựng nhân cách đạo đức hiệu quả như sau:

- Thứ nhất, là tiêu chuẩn để định hướng, phân biệt rõ ràng giữa thiện và bất thiện trong xây dựng nhân cách đạo đức như sau:

Nếu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, khi hành động dẫn đến tự hại, có hại cho người khác, có hại cho cả hai, đó là bất thiện pháp. Nếu không dẫn đến tự hại, không có hại cho người khác, không có hại cho cả hai, đó là thiện pháp.

- Thứ hai, là mối quan hệ nhân quả cũng được thể hiện rõ ràng cho bài học đạo đức. Khi có hành vi thân, khẩu, ý bất thiện sẽ dẫn đến quả báo đau khổ, thì nên phải từ bỏ ngay. Nếu khi có hành vi thiện ở thân, khẩu, ý, sẽ dẫn đến quả báo an lạc, cần biết để hoan hỷ tiếp tục làm.

- Thứ ba, cần nhớ việc luyện tập để làm trong sạch hóa thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp diễn qua ba thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai trên ba thời kỳ. Muốn làm (một điều gì), đang làm và làm xong ở phần thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đã làm xong có tiêu chuẩn giống nhau về phần thiện.

* Nhưng phần bất thiện ở thân và khẩu nghiệp đã làm xong phải tỏ lộ, trình bày trước bậc đạo sự hay vị đồng phạm hạnh có trí và cần phòng hộ trong tương lai.

* Ở phần ý đã làm xong, vì là phần tư tưởng vì tâm lý chưa hiển lộ qua thân làm, miệng nói, nên chỉ tự kiểm soát thôi, không cần phát lồ, chỉ biết tự sửa sai trong ý thôi.

Quả thật trong bài Giáo giới Ràhula 61, cho chúng ta thấy đức Phật là một nhà giáo dục nhân cách đạo đức vĩ đại khi còn tại thế. Là nhà tâm lý học, khởi đầu cho việc khởi nguồn giáo dục cho Sadi Ràhula 7 tuổi, cũng là tiêu biểu cho việc giáo dục tuổi trẻ ở hiện nay và tương lai trên thế giới.

4. Ứng dụng phương pháp giáo dục ba nguyên tắc qua Kinh Giáo giới Ràhula số 61

Đức Phật nêu lên nguyên tắc đầu tiên cần thiết cho việc tác thành tư cách đạo đức đó là “Tàm Quý”. Một trạng thái tâm tích cực là phải biết xấu hổ với chính mình và người khác để sửa chữa sai lầm khi đã lỡ sai phạm. Khi lỡ làm sai không được tảng lờ, bưng bít, che đậy để trở nên con người vô cảm.

Kế đến là nguyên tắc phản tỉnh, giúp cho chúng ta có thể nghiêm túc nhìn lại chính thân, khẩu, ý của mình để kiểm soát, tự chế ngự và làm chủ bản thân để “tránh làm điều ác hãy làm điều lành” ấy lời chư Phật dạy. Nguyên tắc này giúp tuổi trẻ tránh được việc rơi vào tệ nạn xã hội. Nguyên tắc nầy thuộc về trí tuệ.

Và nguyên tắc thứ ba là tu học năm điều đạo đức cơ bản Phật giáo để giúp chúng ta có thể suy nghĩ, nói năng và hành xử phân biệt để nhận rõ điều thiện nên làm, điều bất thiện nên từ bỏ. Khái quát năm điều đạo đức là: Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ sử dụng các chất say nghiện, không tham dục, không sân, không si, có chánh tri kiến.

Kết luận:

Tóm lại ba nguyên tắc Tàm Quý, Phản tỉnh, năm điều đạo đức căn bản là ba bước thực tập để xây dựng đạo đức nhân cách sống có trách nhiệm nơi tự thân, cho gia đình và ổn định xã hội. Ba nguyên tắc nầy rất cần thiết để giúp cho, nhất là tuổi trẻ, luôn học tập để tránh được tình trạng rơi vào tệ nạn xã hội trong thời đại ngày nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Thích Minh Châu, dịch Việt “Kinh Giáo giới Ràhula ở rừng Ambala, VNGPVN tại TP. Hồ Chí Minh (1996), tr414.

2- Thích Minh Châu, dịch Việt “Thắng pháp tập yếu luận tập 1” VĐHVH (1996), tr36.

3- Thích Hạnh Bình “Đạo Phật xưa và nay” (2008), Nxb Phương Đông.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6795824