TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN PHƯỚC CHU
NGUYỄN HỮU HIẾU*
Từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng lập riêng một cõi biên cương để đương đầu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, ngoài thế lực quân sự, các chúa Nguyễn còn tìm một chỗ dựa tinh thần, thu hút dân tâm. Vị chúa nào cũng hộ trì Phật pháp, cho xây dựng chùa chiền trong nước, có một số vị thọ giới bồ tát. Ở kinh thành Phú Xuân có hai chùa công (chùa nhà nước), là chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân do các đại sư lừng danh trụ trì, tham mưu, cố vấn cho chúa trong việc hoạch định các chánh sách trị nước an dân, kình địch với chúa Trịnh. Riêng chúa Nguyễn Phước Chu là người mộ đạo Phật hơn hết, siêng năng tham vấn học hỏi Phật pháp, thọ giáo bồ tát, được ban pháp danh là Hưng Long, hiệu đạo là Thiên Túng đạo nhân, cho người thỉnh thiền sư Thạch Liêm đến Đàng Trong, hết lòng tôn kính, nghe theo lời thiền sư chấn chỉnh quốc sự[1], cải sửa luật lệ bớt nghiêm khắc, quan tâm đến lớp dân nghèo, tổ chức nhiều trai đàn lớn bố thí, trùng tu và cho dựng nhiều chùa mới, (Thiên Mụ, Thiền Lâm, Kính Thiên...) thỉnh bộ Đại tạng kinh hơn ngàn quyển từ Trung Quốc về lưu trữ ở tàng kinh các [2]…
Song dưới triều đại này (1691-1725), Phật giáo Đàng Trong lại có nhiều biến động. Những biến động này có tác động nhứt định đến quá trình phát triển và thay đổi bản chất của Phật giáo Việt Nam. Do đó, tìm hiểu tình hình hoạt động của Phật giáo trong thời gian này là một việc cần thiết và qua đó bài viết này cố gắng làm rõ thêm sự vận dụng giáo lý Phật giáo vào đường lối trị nước của chúa Nguyễn Phước Chu.
1. Một số biến cố trong Phật giáo Đàng Trong dưới triều đại Nguyễn Phước Chu.
1.1. Phật giáo Đàng Trong trước khi Nguyễn Phước Chu tức vị với “vụ án Hương Hải“
Từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam, với chủ trương chiêu mộ hiền tài, nhà Nho lẫn thiền sư Phật giáo đều được trọng dụng và không thiếu thiền sư phái Trúc Lâm như Viên Cảnh-Lục Hồ, Viên Khoan-Đại Thâm[3]… bên cạnh đó cũng có nhiều nhà sư từ Trung Quốc sang. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết chúa Nguyễn rất trọng dụng thiền sư phái Trúc Lâm phục hưng, đứng đầu là Minh Châu-Hương Hải.
Thiền sư Hương Hải là người làng Áng Độ huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), ông tổ bốn đời là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Hương Hải là người thông minh, hiếu học, đỗ cử nhân, được bổ làm tri phủ Triệu Phong. Năm 25 tuổi được làm quen với thiền sư Viên Cảnh. Ba năm sau tức năm 1655, ông từ quan, xuất gia cầu đạo với thiền sư này , được ban pháp tự là Minh Châu-Hương Hải, theo bài kệ truyền thừa “Trí Huệ Thanh Tịnh”. Sau đó học đạo với thiền sư Viên Khoan-Đại Thâm. Sau khi đắc pháp, thiền sư Hương Hải cùng một số đồ đệ ra đảo Tiêm Bút La (tức cù lao Đại Lãnh/cù lao Chàm) cất am tranh để tu thiền suốt tám năm liền, đạo hạnh vang lừng. Năm 1665, quan tổng thái giám Hoa Lễ hầu cho thuyền ra thỉnh thiền sư về đất liền trị bịnh cho mình. Chúa Nguyễn Phước Tần nghe danh, cho người đón về phủ chúa ủy lạo. Sau cho xây thiền viện trên núi Quy Cảnh lấy tên là Thiền Tỉnh viện. Phu nhân, các công tử của chúa cùng các quan trong triều và nhân dân các tỉnh đến quy y rất đông lên đến con số hơn 1.300 người. Thời gian từ 1667 đến 1682 sơn môn của thiền sư Hương Hải hết sức hưng thịnh, phái Trúc Lâm phục hưng nổi danh và phát triển mạnh ở Đàng Trong, nhứt là vùng Thuận-Quảng. Từ đây, Thiền Tỉnh viện trở thành trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở Đàng Trong theo phái Trúc Lâm phục hưng[4].
Trong số người quy y thọ giáo có quan Thị nội giám Gia quận công, ông này là người của chúa Trịnh, bị quân Nguyễn bắt, nhưng dược chúa Nguyễn Phước Thuần tha và cho dạy học trong phủ. Có người ganh ghét dèm pha với chúa là ông cấu kết với thiền sư Hương Hải âm mưu trốn ra Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn Phước Tần nghi ngờ cho bắt giam thiền sư để điều tra. Tuy không có chứng cớ để buộc tội, song chúa vẫn điều thiền sư vào trụ trì một ngôi chùa ở Quảng Nam. Do sự cư xử đó, năm 1682, thiền sư cùng 50 đệ tử dùng thuyền vượt biển trốn ra Đàng Ngoài, được chúa Trịnh trọng đãi.
“Vụ án thiền sư Hương Hải” mặc dù xảy ra dưới triều Nguyễn Phước Tần, nhưng có ảnh hưởng khá nghiêm trọng về sau.
1.2.- “Vụ nghi án Nguyên Thiều”
Bên cạnh sự kiện thiền sư Hương Hải cùng 50 đệ tử trốn ra Đàng Ngoài, còn có một số nhà sư khác lẫn trốn vào vùng Đồng Nai-Gia Định... để tránh liên luỵ, tạo ra tình trạng khan hiếm tu sĩ ở các chùa vùng Thuận Quảng và nhứt là thiếu một “quốc sư” ở kinh đô. Đó là điều chúa Nguyễn rất quan tâm. Để giải quyết tình trạng này, trước mặt chúa Nguyễn Phước Tần cho điều động thiền sư Nguyên Thiều, đang trụ trì chùa Thập Tháp-Di Đà ở Bình Định ra Phú Xuân thay thế thiền sư Hương Hải.
Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) người Triều Châu (Trung Quốc), họ Tạ, đệ tử của thiền sư Bổn Quả-Khoáng Viên (Thông Thiên-Hoằng Giác), ngoài pháp danh Thọ Tông, thiền sư còn có pháp danh Siêu Bạch-Hoán Bích. Năm 1677, ông theo thuyền buôn đến Đại Việt[5], ngụ ở Quy Ninh (Bình Định), dựng chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường đào tạo tăng sĩ, dưới thời chúa Nguyễn Phước Tần. Sở dĩ ông không đến Phú Xuân, vì nơi đây là vùng ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm, thiền sư Hương Hải đang được trọng dụng.
Sau vụ án Hương Hải, năm 1683, chúa Nguyễn Phước Châu mời thiền sư ra Thuận Hóa lập chùa ở Hà Trung, rồi lên Phú Xuân dựng chùa Quốc Ân, phụ trách hoằng dương Phật pháp ở kinh đô, kiêm quản chùa Thiên Mụ, được chúa sủng ái. Năm 1687, được chúa Nguyễn Phước Trăn phái về Trung Quốc thỉnh các danh sư, pháp trượng cùng pháp khí cho Đàng Trong. Năm 1691, lúc bấy giờ chúa Nguyễn Phước Chu vừa nối ngôi, thiền sư hoàn thành nhiệm vụ trở về, dù chưa mời được thiền sư Thạch Liêm thuộc phái Tào Động, nhưng cùng theo đến Đại Việt có một số đệ tử của phái này; trong đó nổi danh nhứt là thiền sư Hưng Liên-Quả Hoằng. Thiền sư Nguyên Thiều tiếp tục đựơc chúa tin dùng. Bổng nhiên năm sau (1692), thiền sư “được” cử về chùa Hà Trung.
Sự cố này có thể giải thích: từ năm 1692 đến 1695, ở Đàng Trong có ba cuộc nổi loạn lớn, mà những người đứng đầu là người Hoa hoặc đã từng thọ giáo với thiền sư Nguyên Thiều, nên để cảnh giác, chúa vời thiền sư về chùa Hà Trung đế “quản thúc”, có thể chúa nghi ngờ và mất lòng tin đối với các nhà sư người Hoa phái Lâm Tế. Năm 1692, thương nhân người Hoa là A Ban có thế lực ở Thuận Thành (Bình Thuận) cấu kết với hữu trà viên Ốc nha Thát và Chế Vinh, kích động người Chăm nổi dậy chống chúa Nguyễn, giết một số quan chức địa phương, bao vây Phan Rang. Chúa phải sai cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh đẹp mới yên[6]. Năm 1694 chưởng cơ Nguyễn Phước Huệ và Nguyễn Phước Thông âm mưu nổi dậy bị tố giác, nhiều người bị giết. Hai người chủ mưu đã từng thọ giới Bồ tát với Nguyên Thiều. Năm 1694, một thương nhân người Hoa tên Linh liên kết với Quảng Phú là người cùng quê Triều Châu với Nguyên Thiều, đóng thuyền chiến, đúc võ khí... hợp nhau làm loạn, cướp bóc. Quan quân địa phương vất vả mới dẹp được.
Ngay sau vụ bạo loạn năm 1692, thiền sư Hưng Liên, phái Tào Động được chúa Nguyễn Phước Chuu tin dùng với địa vị quốc sư. Sau đó, Chúa cử hai nhà sư, có thể là huynh đệ với Hưng Liên cấp tốc sang Trung Quốc thỉnh thiền sư Thạch Liêm.
1.3.-Sự kiện thiền sư Thích Đại Sán (Thạch Liêm) sang Đại Việt.
Cuối tháng giêng năm 1695, hòa thượng Thích Đại Sán và phái đoàn nhà sư phái Tào Động đến kinh thành Phú Xuân được chúa Nguyễn Phước Chu tiếp đón và chiêu đải nồng hậu, sau đó về ngụ ở chùa Thiền Lâm. Việc làm đầu tiên của hòa thượng là công bố “Lời cáo bạch” niêm yết ở các chùa, với nội dung chê trách các tăng sĩ phái Lâm Tế ở Đàng Trong từng thọ giới đàn với thiền sư Nguyên Thiều, để chuẩn bị cho giới đàn do hòa thượng Thạch Liêm làm đường đầu thọ ký cho các tăng sĩ quy theo phái Tào Động thay cho phái Lâm Tế[7]. Sở dĩ chúa Nguyễn Phước Chu trọng vọng thiền sư Thạch Liêm như thế, vì đến thời điểm này chưa có tăng sĩ Trung Quốc nào mà chúa đã gặp, ngoài Thạch Liêm, đã nhận thức được nguyên ủy đạo tâm và hiểu được ý đồ vận dụng Phật pháp vào việc bình trị của chúa, qua nội dung mà thiền sư dâng lên chúa: “Phật tâm từ nguyện, tiên bảo quốc thái dân an, phương hữu pháp luân chuyển xứ”. (Lòng Phật từ bi, trước giữ cho nước mạnh dân yên, mới có chỗ pháp luân xoay chuyển)[8].
Theo đề nghị của thiền sư Thạch Liêm, Chúa ra lịnh cho mọi tu sĩ Đàng Trong phải vân tập về Phú Xuân, để thọ Đại giới đàn dưới sự chứng minh của thiền sư Thích Đại Sán vào lễ Phật Đản năm Ất Hợi (1695), như thế mới được chúa cấp độ điệp và miễn cho sưu thuế[9].
Đại giới đàn được tổ chức tại chùa Thiền Lâm kéo dài tám ngày, có khoảng 1.300 tăng sĩ, cư sĩ tham dự. Chúa cùng nhiều người trong hoàng tộc, quan lại trong triều thọ giới bồ tát với thiền sư. Đến tháng 7, thiền sư tổ chức một giới đàn nữa tại Hội An, tập trung được 300 tăng sĩ và cư sĩ đến thọ giới. Có thể nói đây là quyết tâm của chúa Nguyễn Phước Chu muốn xoá sạch mọi ảnh hưởng của phải Lâm Tế mà chúa đang có lòng nghi ngờ.
Thiền sư Thạch Liêm chỉ trụ trì chùa Thiên Mụ hơn một năm, rồi về nước, nên phái Tào Động chỉ có ảnh hưởng đối với Phật tử ở vùng Phú Xuân. Sau khi thiền sư về Trung Quốc (1696), phái Tào Động nhanh chóng suy yếu và phái Lâm Tế lần hồi lấy lại địa vị độc tôn ở Đàng Trong.
1.4.-Sự ra đời của phái Liễu Quán:
Thiền sư gốc họ Lê, sanh năm 1670, tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia cầu đạo với thiền sư Tế Viên; năm 1690, ra Thuận Hóa, đầu sư với Giác Phong lão tổ ở chùa Thiên Thọ, núi Hàm Long (tức Phật học đường Báo Quốc bây giờ).
Năm 1695, nghe thiền sư Thạch Liêm tổ chức đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm, kinh đô Huế, ngài xin cầu thọ Sa di thập giới với đạo hiệu thượng Liễu hạ Quán húy Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 35. Năm 1702, ngài tham kiến thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (tức tổ đình Từ Đàm ).
Ngài đắc pháp và được truyền tâm pháp vào lúc ngài vừa 42 tuổi (1709). Nếu thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật chủ chốt để phục hoạt Phật giáo ở Đàng Ngoài, thì tổ Liễu Quán là thiền sư quan trọng tiêu biểu cho công cuộc phục hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Thiền sư đã dân tộc hoá thiền phái Lâm Tế và làm cho phái thiền này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong [10]. Thiền sư đã lập nhiều đạo tràng, mở nhiều đại giới đàn để truyền giáo, có ngàn người tại gia cũng như xuất gia phát nguyện thọ giới, với bài kệ truyền thừa “Thiệt Tế Đại Đạo”.
Bốn biến cố tiêu biểu trên có những tác động tích cực đến qua trình phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.
2.- Những tác động tích cực của bốn biến cố trên.
2.1-Sau khi thiền sư Hương Hải trốn ra Đàng Ngoài, phái Trúc Lâm coi như thất truyền ở Đàng Trong. Các đệ tử của thiền sư, một số phải cầu pháp, ẩn mình vào phái Lâm Tế, số khác phải lẫn trốn vào vùng Đồng Nai-Gia Định. Đây có thể nói là điều kiện để phái thiền Trúc Lâm có dịp hoằng hóa trên vùng đất mới, ít nhứt là dưới triều đại Nguyễn Phước Chu.
Đến nay trên bàn thờ ở hậu tổ của một số chùa ở Trung bộ, Nam bộ và cả đồng bằng sông Cửu Long còn thờ một số long vị “lạ”, cụ thể là ở các chùa:
- Thập Tháp Di Đà (Bình Định), long vị của thiền sư Tánh Đề, ghi: “Phụng vì, quy tịch, bổn sư Tỳ kheo húy Tánh Đề, hiệu Đạo Nguyên thiền tọa giác linh vị”,
- Thiên Phước (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), long vị của thiền sư Tánh Ban, ghi: “Sắc phong Tịnh Giác húy Tánh Ban, truyền kiến Linh Phong tự, truyền Lâm Tế chánh tông, thượng Thiên, hạ Trì đại lão Hòa thượng liên tọa”,
- Bửu Lâm (tục danh là chùa Tổ Cái Bèo, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), long vị của thiền sư Tánh Nhẫn, ghi: “Tế thượng chánh tông, tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện, hạ Châu, đường thượng Tổ sư giác linh chi vị”. Tại chùa này còn có long vị của thiền sư Hải Nguyện, đệ tử của Tánh Nhẫn, long vị ghi: “Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập tứ thế, húy Hải Nguyện, thượng Thiện hạ Ý đại sư giác linh tọa.”
Dựa vào nội dung các long vị trên, truyền thừa tại các chùa và hành trạng của các thiền sư liên quan, chúng ta có thể nhận định, ba thiền sư Tánh Đề (1656-1716), Tánh Ban (?-?) và Tánh Nhẫn (1622-1714), hoằng hóa Phật pháp dưới thời Nguyễn Phước Chu có khả năng thuộc hệ truyền thừa của thiền sư Hương Hải, theo bài kệ truyền thừa “Trí Huệ Thanh Tịnh” của thiền sư Bích Phong[11]. Khi thiền sư Hương Hải trốn ra Đàng Ngoài, thiền sư Nguyên Thiều được mời về Phú Xuân. Do lớp đệ tử đầu tiên của Nguyên Thiều (đời 33, phái Lâm Tế) chưa đủ sức thay thế, nên mời phải mời thiền sư Tánh Đề (phái Trúc Lâm) về trụ trì. Sau khi Tánh Đề viên tịch, thiền sư Minh Đạo-Kỳ Phương, đệ tử Nguyễn Thiều, đời 34, mới kế thế. Còn thiền sư Tánh Ban, dưới triều Nguyễn Phước Chu, trụ trì chùa Dũng Tuyền (Phù Cát, Bình Định), sau đổi thành Linh Phong. Sau đó, lại vào Đồng bằng sông Cửu Long, trụ trì chùa Thiên Phước (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Có thể vì lý do nào đó (chánh trị ?), nên long vị của hai vị không ghi rõ dòng phái và thế đạo, hoặc chỉ ghi “truyền Lâm Tế chánh tông”. Dòng Lâm Tế ở đây chỉ là cầu pháp[12].
Riêng hai long vị của thiền sư Tánh Nhẫn và Hải Nguyện ở chùa Bửu Lâm (Đồng Tháp) là bằng chứng rõ ràng là truyền thừa của bài kệ “Trí Huệ Thanh Tịnh” của thiền sư Bích Phong, trong đó thứ Tánh và chữ Hải thụôc đời thứ 24 và 25 của phái Trúc Lâm và thứ 33 và 34 của phái Lâm Tế, ghi trên long vị là thế hệ truyền thừa của dòng cầu pháp, nên trong long vị ghi là “Tế thượng chánh tông, tam thập tam thế” và “Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập tứ thế”. Điều này góp phần thêm cứ liệu cho việc tổ Tánh Nhẫn có thể cầu đạo với thiền sưHương Hải,của dòng phái Trúc Lâm, vì thiền sư Hương Hải (1628-1715) thuộc người cùng thời với thiền sư Bổn Quả-Khoáng Viên và Nguyên Thiều (1648-1728)[13]. Do đó, chúng ta có thể nói rằng ngay dưới thời chúa Nguyễn Phước Chu, phái Trúc Lâm phục hưng đã hiện diện ở Đồng bằng sông Cửu Long.
2.2.- Trước đây, chúng ta thắc mắc là từ năm 1695 cho đến khi viên tịch (1728), hành trạng của thiên sư Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung như thế nào. Thật ra, thiền sư đã trốn vào vùng Đồng Nai-Gia Định, có lẽ trước khi thiền sư Thạch Liêm đến Đàng Trong (1695), vì khi còn ở Thuận Hóa, Thạch Liêm có viếng chùa Hà Trung, nhưng không gặp bạn cũ là Nguyên Thiều; Thạch Liêm có làm ba bài thơ vịnh chùa. Trong bài thứ hai, đoạn kết lộ rõ ý này, viết:
“Tìm đâu bạn cũ chuà xưa nhỉ,
Trăng sáng bên cầu tương hội nhau[14].
Năm Kỷ mùi (1679), có hơn 3.000 người Hoa theo Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vốn là di thần nhà Minh bỏ nước sang Đại Việt, được chúa Nguyễn cho cư trú ở Đồng Nai và Mỹ Tho. Ở Đồng Nai, họ định cư và khai phá vùng Bàn Lân, biến nơi này thành phố xá sầm uất, buôn bán tấp nập... gọi là Đại Phố châu (Nông Nại đại phố) thu hút thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhựt Bổn, Đồ Bà, Tây Dương. Lợi dụng hoàn cảnh này, thiền sư Nguyên Thiều đã vào đây, trể nhứt là 1695. Thiền sư dựng chùa Kim Cang, hoằng hóa phái thiền Lâm Tế, đào tạo tăng tài cho vùng đất mới Nam bộ, như Minh Vật-Nhứt Tri, trụ trì chùa Kim Cang, Thành Đẳng-Minh Lượng trụ trì chùa Đại Giác, Thành Nhạc-Ẩn Sơn trụ trì chùa Long Thiền, Thành Chí-Pháp Thông trụ trì chùa Bửu Phong, Hoàng Long (Đồng Nai)...
Thiên sư viên tịch vào ngày 19/10 năm Mậu thân (1728), tại chùa Kim Cang, thọ 81 tuổi.
2.3.- Dù là một vị chúa sùng đạo Phật, dùng triết lý Phật học kết hợp với Nho học như một thứ vũ khí chánh trị để trị quốc-an dân, đương đầu với chúa Trịnh, nhưng để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, quyền lợi quốc gia, đương nhiên gắn liền với quyền lợi dòng họ Nguyễn, chúa áp dụng chánh sách tôn giáo cứng rắn đối với Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo; song, rất linh hoạt. Những đại giới đàn tập trung cả ngàn tăng sĩ Phật giáo thuộc phái thiền Trúc Lâm để nghe các thiền sư phái Lâm Tế thuyết giảng (năm 1682) và cả ngàn tăng sĩ Phật giáo thuộc phái thiền Lâm Tế tập trung để nghe các thiền sư phái Tào Động thuyết giảng (năm 1695). Sự hoán vị từ dòng phái này sang dòng phái khác trong sách lược vận dụng Phật giáo vào đường lối trị quốc-an dân của chúa Nguyễn Phước Chu lại là điều kiện tốt để chư tăng, Phật tử Đại Việt tiếp xúc phái thiền Lâm Tế và Tào Động của Phật giáo Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các thiền sư Đại Việt tham vấn học hỏi triết giáo các dòng Phật giáo Trung Quốc và vận dụng nó vào điều kiện xã hội Đại Việt để hình dòng phái riêng của mình. Từ đó, dẫn đến sự xuất hiện của thiền phái Liễu Quán.
Tóm lại, vốn là người sùng Phật giáo, tôn trọng nhân tài, xuất phát từ tình hình tôn giáo trên vùng đất mới với nhiều ảnh hưởng của tôn giáo-tín ngưỡng bản địa: Bà la môn, Hồi giáo, Phật giáo tiểu thừa, rồi Thiên Chúa giáo du nhập... chúa Nguyễn Phước Chu có chánh sách tôn giáo vừa cứng rắn vừa linh họat. Đối sách này phù hợp với quy luật phát triển văn hóa Việt Nam là dung hòa các yếu tố tích cực, phù hợp của các luồng văn hóa mới, tạo cho mình một bản sắc riêng, đặc thù. Từ đó, Phật giáo Đàng Trong trở thành một thiền phái linh động.
Từ những cứ liệu ấy đã cho thấy các chúa Nguyễn, mà ở đây là Nguyễn Phước Chu đã kết hợp hài hoà giữa “cái Lý” của Nho với ”cái Nhân” của Phật trong phép bình trị đã mang lại cho Đàng Trong một số bước nhảy vọt, nhất là việc bảo vệ, mở rộng biên cương, khằng định chủ quyền trước những thế lực thù địch.
*Thạc sĩ, Phó Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp.
[1] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện ĐH. Huế, 1963, tr.51-53.
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện ĐH. Huế, 1963, tr.21.
[3] Nguyễn Hiền Đức (1995): Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb..TP.HCM, tr.45. Nhưng theo Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, tr. 156, đây là hai nhà sư Trung quốc.
[4] Nguyễn Lang (1992): Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, tr. 155-157.
[5] Theo Khánh Hoà (trong “Phật tổ Tâm đăng”, chữ Hán, 1925 và Cadière (trong La Pagode Quốc Ân, le fondateur (BAVH), 1914, tr. 147-161.
[6] Đại Nam thực lục tiền biên, Viên Sử hoc, H, 1960, tr. 149-1950.
[7] Lời cáo bạch có đoạn :”…Nay Quốc vương triệu thỉnh, Lão tăng từ phương xa đến, được Quốc vương kính thân thiện như cốt nhục. Vả lại, thần dân trong nước thảy đều quy y tam bảo, thật là một quốc gia đều ưa muốn làm việc lành hiếm có. Ta nở nào mặc cà sa, làm trái phép Phật, với Phật kết oan, Phật kết thù, và với tăng kết oán sao đành. Lão tăng thấy mà chẳng nói, thả ma làm bụt, còn tội nào lớn hơn và rất phụ mỹ ý tín ngướng của vua quan tứ chúng. Bởi thế lược cử ra ba việc sau đây, nói rõ mối tệ, giúp thiện nam, tín nữ trong nước khỏi bị bọn tu hành giả dối là bịp.” (Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, tr. 44)
[8] Cao Tự Thanh, Nho giáo Gia Định, Nxb..TP.HCM, 1996, tr. 27.
[9] Nguyễn Hiền Đức, Sđd, tr.137.
[10] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập II, Nxb. Văn học, H, 1992, tr. 603
[11] Phái Thiền Lâm Tế ở Việt Nam có ba bài kệ truyền thừa mang hai chữ “Tánh Hải” khác nhau: Một của Thiền sư Bích Phong (đời thứ 14 Lâm Tế), gồm 32 chữ, sau thêm thành 48 chữ, chữ Tánh thụôc đời thứ 24. Hai là của Minh Hành-Tại Tại ( đời 32, Lâm Tế), chữ Tánh thuộc đời thứ 35, chủ yếu truyền thừa ở Đàng Ngoài. Ba của thìên sư Thiệt Diệu-Liễu Quán (đời 35, Lâm Tế), gồm 48 chữ, chữ Tánh thuộc đời thứ 39; phái này ra đời sau, đến năm 1697, Liễu Quán mới thọ giáo tỳ kheo.
[12] Nguyễn Hữu Hiếu, Di tích chùa cổ Bửu Lâm, NXB. Trẻ, TPHCM, 2003, tr. 49-52.
[13] Trần Hồng Liên, Chùa Bửu Lâm trong bối cảnh chùa Nam bộ (Phụ lục trong Di tích chùa cổ Bửu Lâm), NXB. Trẻ, TPHCM, 2003, tr, 129-139.
[14] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện ĐH Huế, 1963, tr. 134,
Bình luận bài viết