Thông tin

TÌNH NGƯỜI TRONG ĐẠI DỊCH

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

Phát cơm miễn phí cho người dân tại đường Phạm Văn Đồng, phường 13 quận Bình Thạnh

 

Trong thời gian giản cách dịch bệnh, ngẫm lại sự đời không biết ông bà xưa có bí quyết gì mà giáo dục con cháu trên thuận dưới hòa,“nề nếp gia phong” trong một gia đình có đến ba, bốn thế hệ gọi là “tam, tứ đại đồng đường” sống chung một nhà cùng con cháu... có người cho đó là phong kiến mất tự do, cũng có người cho đó phúc đức ông bà để lại... Vậy nên nghĩ sao cho hợp lẽ đôi đàng, để cuộc sống giữa già trẻ được vui vầy mà người trên không thiếu trách nhiệm, con cháu giữ tròn đạo hiếu, được xã hội chấp nhận ngợi khen.

Quê tôi trong vùng chiến tranh, nhà nhà tuy nghèo thiếu trước hụt sau, có ngày sáng chạy giặc đến chiều mới về, rồi cả gia đình xúm nhau nấu cơm, bữa ăn tuy đạm bạc “rau dưa cà muối” nhưng vô cùng vui vẻ, ấm áp. Cha, mẹ, anh chị, con cháu trên dưới, ai đều có phận sự nấy, không ai bảo ai mà răm rắp công việc, không chút đắn đo quạnh hẹ.

Chẳng hạn trong bữa ăn, cha mẹ đi làm, dâu con ở nhà phải nấu cơm, cháu thì dọn dẹp rửa chén; mời ông bà, cha mẹ lên ăn cơm, thấy ông bà ăn xong tự động phải có bình trà cho ông bà dùng, đây là nề nếp gia phong buộc ai cũng phải biết, “đơn giản mà quy tắc” đó là chuyện nhỏ, còn biết bao chuyện sinh hoạt hàng ngày cũng phải theo thứ lớp mà làm, nếu con cháu nào sai quấy, trái lẽ coi như bị một trận khiển trách về giáo dục đạo lý, không phải đánh đòn mà huấn dạy lễ nghĩa noi gương theo ông bà về cách sống luôn nhớ câu: “Gia hòa vạn sự hưng” 家 和 萬 興 Nghĩ nay mà nhớ xưa, xưa tuy nghèo khó, ít học, nhưng được cái là trên thuận dưới hòa (không được 100% nhưng phần lớn được tiếng thơm). Thời nay, có tiến bộ văn minh, nhất là thời hội nhập, kỹ thuật số, thời @ nên con người đã khác xưa nhiều, khác bên ngoài lẫn bên trong, bên ngoài dễ thấy ai cũng nhận ra được, còn bên trong thật khó hiểu, mà có nói cũng lắm đường, nhiều nẻo…

Đứng về phương diện đạo đức, nếu nói về sự tiến bộ thì phải biết giữ gìn đạo đức gia phong, biết giữ tình đoàn kết thương yêu muôn loài... Đằng nầy, trong nhiều gia đình ở thành thị cũng như nông thôn, cha mẹ sống thui thủi một mình mặc cho bão sớm mưa chiều. Người nghèo khó cũng như người giàu sang, phần đông người già sống cô đơn. Thời buổi a còng, a móc (câu) sao (trói buộc) trớ trêu lạnh lùng đến thế, để lại nhiều hệ lụy buồn cho tuổi già. Tại sao tuổi trẻ bây giờ vừa lập gia đình lại muốn tự lập, thật khó hiểu, ra riêng để trốn tránh nhiệm vụ hay để được tự do…? Vậy ngày xưa ông bà, cha mẹ sống cùng con cháu bao đời không tự do sao? Bỏ cha mẹ hiu quạnh một mình, dám bảo tự do, xưa nay chưa thấy ai dạy đạo lý nầy. Lúc cha mẹ đau ốm, khi trái gió trở trời, ai dòm ngó chăm lo. Hàng ngày cha mẹ già còn phải đi chợ mua tiêu tỏi, rau hành, còn giặt giũ nấu cơm... đêm ngủ có bề nào ai hay biết. Con cái để cha mẹ như vậy mà gọi là tự do tiến bộ văn minh sao?

Ông bà mình ngày xưa thường nói: “Giàu út ăn, nghèo út chịu” đố ai dám cãi, điều nầy cô dâu trước khi về nhà chồng làm vợ chắc cũng hiểu rõ. Đó là nói gia đình có nhiều con trai, còn như gia đình duy nhứt có một đứa con trai thì nhứt định phải ở trong nhà phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, điều nầy đã trở thành phong tục (luật bất thành văn) nếu sai quấy là xem như tội bất hiếu, thế gian chê cười. Dù dưới cái nhìn thế gian hay nhìn về nhân quả cũng không khác mấy.

Người xưa thường xét gốc để chỉnh ngọn nên mọi sự trên dưới đều an.

Xã hội ngày nay, tuổi trẻ văn minh phát triển, nhu cầu con người cũng đòi hỏi cao và đổi mới hơn, nên phần nhiều lấy phần ngọn để chỉnh gốc… (già lú lẫn). Cho nên người cao tuổi thì không tài nào hiểu thấu, đành chịu, ai nói sao nghe vậy, ai đặt đâu ngồi đó, im lặng thân già là tốt hơn. Nhiều người cũng cảm thấy tủi thân, rồi tự nhủ biết đời nầy, kiếp trước mình ăn ở ra sao mà hôm nay vừa dựng vợ gả chồng xong đứa nào cũng đi sống riêng, kể cả con trai lẫn con gái. Có đêm, các cụ nhớ con, thương cháu mà không cầm được nước mắt. Ngày dài, đêm thâu, ngủ ít thức nhiều, nghĩ gần rồi lại nhớ xa, gần là hàng ngày không gặp con cháu, xa là con cháu lớn lên có trở nên người tốt không, hay cũng bỏ cha mẹ chạy theo cái gọi là tiến bộ văn minh gì đó… để tìm tự do... Phận già nua hiu quạnh một mình biết phải lo liệu làm sao khi trái gió trở trời; con cháu sức khỏe, học hành ra sao, môi trường đạo đức, nếp sống có được giáo dục tốt không?... Bao lo toan cứ dồn dập theo về, tuổi già thật không lần ra được…

Nay dịch Covid-19 đang lan khắp nơi, biết con cháu ra sao, dịch nầy đâu có phân biệt giàu nghèo, tự do hay mất tự do, phải chi con cháu đừng chạy theo tự do hưởng thụ thời thượng thì lúc nầy mình có điều kiện dòm ngó cũng đỡ lo, đỡ nhớ, giờ sống nhà nhà cách ly, mà nhà thì vốn trước sau vắng hoe, không một tiếng nói, cười của trẻ con, nay lại nhìn ra đường không bóng người, nỗi buồn nầy càng căng thẳng da diết biết chừng nào, thấu cả tim gan. Về bản thân thì mình đâu có khó khăn gì với con cháu, thương yêu nó không hết nữa kìa, ấy vậy mà lo xong vợ chồng đều khăn gói ra đi để tìm phương trời tự do xa thẳm...

Ngày tháng dịch bệnh càng phức tạp, mỗi gia đình lớn nhỏ đều hướng về phòng dịch, biết con cháu mình có thấy lẻ loi không, khi nhìn lại căn nhà trước sau không bóng người quen thân. Tự do, hưởng thụ giờ chắc được thay vào lo sợ và lẻ loi khi sống gia đình nhỏ thiếu người thân. Nghĩ vậy thôi! Buồn có buồn! Nhưng các cụ lo con cháu vẫn còn đó! Bởi đời mình trước đây sống dù nghèo, khó khăn, bệnh dịch, thiên tai, nhưng thuở nhỏ được bên cạnh ông bà cha mẹ và người thân chăm sóc dạy bảo, la rầy, kể cả trách mắng, giờ mình mới thấy giá trị ở những lời trách mắng hết sức thương yêu, phải chi giờ mình được trách mắng lần nữa thì hạnh phúc biết bao, cái mình muốn hôm nay không bao giờ và mãi mãi không được. Ngược lại, con cháu mình muốn gần ông bà và được la rầy thì được ngay và sẵn sàng đón nhận, hạnh phúc, quý biết chừng nào. Vậy mà con cháu bỏ mất cơ hội tình yêu thương của tuổi thơ với ông bà, quay đi tìm kiếm điều gì có thể quý hơn chăng!? Cũng giống như Gã cùng tử trong kinh Pháp hoa, trải qua năm tháng mưu sinh cuộc sống mà quên khuất đi người cha của mình ngày tháng mòn mỏi ngóng trông. Thật đáng thương! Trong kinh còn nói: “Làm người khó được, Phật pháp khó nghe”. Cũng vậy, con cháu nay gặp được ông bà và được ông bà chỉ dạy mà chẳng nghe lại bỏ đi. Thật đáng lo nghĩ cho tương lai chúng. Của quý bên mình, mà bỏ đi tìm ở đâu, nhất là lúc dịch bệnh nầy có hiu quạnh hơn không, nếu có, mong các gia đình nhỏ hôm nay, hãy sớm quay về mái ấm tình thương đang đợi chờ mà bao đời nay ông bà mình ấp ủ nâng niu, đùm bọc, chở che:

Cháu con ơi! Hỡi! cháu con

Mẹ cha thắt thẻo hao mòn chờ mong

Dịch bệnh lo lắng ngóng trông

Vắng con, xa cháu ,cắt lòng quặn đau

May, cũng nhờ văn minh tiến bộ mà có được nhà dưỡng lão, người già có nơi nương tựa, điều nầy cũng đỡ hao tốn, mất thời giờ, bận rộn phiền toái cho con cháu. Còn con cháu nào sợ thế gian chê cười, đàm tiếu thì cung cấp đầy đủ, thuê người giúp việc... lâu lâu đến thăm “bô lô-ba la” để hàng xóm nhìn vào cho mình là người con có hiếu, thế gian khỏi phải chê cười. Trớ trêu thay, nuôi cha mẹ giống như nuôi chim, cứ cho ở (nhốt) vào (nhà) lồng son đầy đủ thức ăn là được. Tự do - văn minh đến vậy là cùng.

Biết ngày nay khoa học tiến bộ, tuổi thọ ngày càng cao, người già ngày càng nhiều. Nhà Phật nói lý vô thường là để diệt khổ, xây dựng cuộc sống tự tại an vui, chúng ta đừng chấp chặt khổ đau, nên xả bỏ, nên biết ơn gia đình xã hội hơn là đòi hỏi, dù một gói xôi được người cho đã mang ơn rồi huống hồ được ăn uống đầy đủ cả đời...

Sống giữa lúc dịch bệnh hoành hành, chúng ra luôn tuân thủ chấp hành các chỉ thị về phòng chống dịch, bên cạnh nhớ cần phải giữ gìn sức khỏe vì sức khỏe tốt mới chống lại được Covid-19. Ông bà ta bao đời nay cũng trải qua nhiều nạn dịch đâu có thuốc men gì đâu, chống dịch cũng chỉ có giữ gìn sức khỏe, nay tiến bộ hơn có thuốc. Vậy trong khi chờ thuốc thì phải sống an vui đầy tình yêu thương, sống tâm thanh tịnh thì thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt mới đối phó được dịch bệnh. Bởi “Tâm thanh tịnh có thể miễn dịch; Tâm từ bi có thể giải độc”.

Đặc biệt trong năm tháng gần đây, trước nạn dịch ngày càng phức tạp khó lường thì tình người trong đại dịch cũng thay đổi rất nhiều. Chúng ta thấy mọi người, mọi tầng lớp trong đời sống xã hội như đang soi rọi lại chính mình, biết khiêm tốn, yêu thương lo lắng nhau hơn, không ai tính toán hơn thua; làng xóm, xã hội, nước nầy, nước khác quan tâm lo lắng chia sẻ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất, đây là điều đáng mừng, chúng ta hãy nhìn mặt tích cực trước nạn dịch để sống vui, sống khỏe trong tình yêu thương rồi cùng nhau đem hết tinh thần và khả năng có thể làm được, giúp được, cùng chung tay góp phần sớm thoát khỏi nạn dịch mau chóng để được bình an trong cuộc sống. Đây là thời gian, điều kiện kiên quyết, nhất định phải làm được, không giờ phút lơ đễnh, thờ ơ, vì đó là mạng sống. Bên cạnh những điều kiện vật chất giúp cho đồng bào và luôn quan tâm đến nhân dân trên toàn thế giới. Chúng ta nên hướng về phần thiêng liêng trong mỗi chúng ta. Nguyện cầu chư Phật, chư Bồ-tát mười phương gia hộ cho tất cả chúng sanh trong cõi Ta-bà nầy sớm thoát khỏi nạn dịch Covid-19 để được bình yên trong cuộc sống, luôn đem lòng từ bi đến mọi người để thế giới hòa bình, nhân loại ổn định. Trong đó có ông bà, cha mẹ được gần gũi chăm sóc, dạy bảo con cháu, được nhìn cháu con lớn lên từng ngày, ngoan ngoãn, mạnh khỏe, học hành tiến bộ…

Nguyện cho chúng sinh mười phương được thoát bến mê về bờ giác. Nguyện cho thế giới yêu thương môi trường, đừng phá hoại, xây lắp nạo vét môi trường biển, môi trường không khí, môi trường đất liền, nạn phá rừng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt… Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy bao cảnh sinh linh tan tác, vậy làm sao bảo không thiên tai, dịch họa, mỗi chúng ta trên trái đất nầy hãy bớt đi một chút hưởng thụ thì sẽ bớt đi một chút thiên tai dịch bệnh, chỉ một việc nhỏ nầy thôi cũng đủ đưa thế giới nhân loại nầy bớt khổ đau. Mong rằng mỗi chúng ta qua nạn dịch nầy tình cảm sâu đậm yêu thương nhau hơn, và trân quý bảo tồn trái đất nầy hơn, đó cũng chính là tình yêu thương trong mỗi chúng ta đối với thiên nhiên và nhân loại. Cũng qua nạn dịch nầy, những gia đình nhỏ đua đòi tự do, hạnh phúc, sống đời hưởng thụ cá nhân, sẽ thấy mình lẻ loi, hiu quạnh mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh. Hãy quay về sống đoàn tụ với ông bà, sẻ chia khốn khó là niềm hạnh phúc an vui bền vững không đâu có được.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6113474