TINH THẦN “MỘ THÍCH” TRONG QUÁ TRÌNH NAM TIẾN
CỦA CHÚA TIÊN VÀ QUỐC CHÚA
THÍCH NỮ VIÊN GIÁC*
Phật giáo Đàng Trong - một bộ phận Phật giáo Việt Nam, được hội tụ và đánh dấu bước phát triển với sức lan tỏa rộng lớn, đồng thời giao điểm Thuận Hóa cũng chính là “khúc ruột” quanh co kéo dài bờ cõi về phương Nam. Với sự ái mộ của các chúa Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong góp phần làm vẻ vang tiến trình gầy dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người đã dấn thân khởi nghiệp mở mang bờ cõi, đặt nền tảng vững chắc cho sự hưng khởi tinh thần “cư Nho mộ Thích”, tinh thần ấy luôn hòa quyện suốt chín triều chúa. Trong đó, chúa Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu - Quốc chúa thứ sáu - vận dụng thành công và thể hiện rõ tinh thần “mộ Thích” trong cơ chế quản lý xã hội bằng những khuôn phép Nho gia. Thông qua tôn chỉ “hộ quốc an dân” của Phật giáo, Chúa Tiên và Quốc Chúa đã sử dụng đức tin tôn giáo để an lòng dân, thực thi tinh thần từ bi, bình đẳng nhằm thuần phục nhân tâm. Từ đấy, xứ Đàng Trong mỗi ngày một mở rộng bành trướng về phương Nam, xây dựng một lãnh thổ phồn vinh hưng thịnh.
Trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam khai phá, Phật giáo tồn tại trên vùng đất này khá lâu trong vương quốc Chămpa. Lúc này, Phật giáo dẫu suy yếu, nhưng đã thấm sâu vào tư tưởng tình cảm người dân. Nơi đâu có dấu chân người Việt, nơi đó chùa được lập và Phật được tôn thờ. Với tài đức lãnh đạo khôn khéo, mưu lược, Nguyễn Hoàng vỗ về dân chúng bằng cách làm sống dậy tôn giáo tồn tại trước đó nhưng vẫn giữ nghĩa khí một Đoan Quận Công dưới triều Lê. Lúc đầu, Nguyễn Hoàng thiên trọng Nho giáo, có lẽ ông nghĩ những chuẩn mực Nho gia sẽ giúp ông duy trì được sự nghiệp quân vương lâu dài. Nhưng khi trở lại thực tế, trên vùng đất hoang vắng, nhu cầu cấp thiết là cần dân để chinh phục vùng đất mới, chứ không phải là một xã hội ổn định đang cần sự cai trị theo khuôn khổ Nho gia. Là người biết thời thế, sau khi tạm ổn định về chính sự, Nguyễn Hoàng thể hiện ý thức hệ vương quyền hợp nhất với dân bản xứ, bằng cách yểm trợ Phật giáo nhiệt tâm. Tuy Phật giáo chưa trở thành quốc giáo như thời Lý - Trần, nhưng vẫn là điểm sáng cho chính sách Nam tiến. Từ đó, tinh thần “cư Nho mộ Thích” được thiết lập nơi phương Nam, trải dài trong sự nghiệp khai khẩn vùng đất mới của các Chúa Nguyễn.
Phương Nam vào thế kỷ 16 và đầu 17 không chỉ không gian sống mà còn là khoảng trời tự do của người Việt. Chính vì thế, tinh thần từ bi, bình đẳng, tự giác không ràng buộc của Phật giáo, mới tạo nên cảm giác gần gũi, giúp con người vượt lên mọi khó khăn về hoàn cảnh, lo âu về tinh thần, nên được sự ưu ái rộng rãi. Vả lại, vùng đất mới có nhiều sắc tộc, tư tưởng tôn giáo khác nhau, để an lòng dân, Chúa Nguyễn phải dung chứa các truyền thống bản sắc, lấy Phật giáo Đại thừa dung hòa và gầy dựng ý thức hệ cho một cơ chế cai trị mới.
Vì thế, Phật giáo phương Nam mang tính triết lý sống dung hợp cả ba nguồn tư tưởng: Thích, Khổng, Lão hòa vào tín ngưỡng bình dân vốn có. Tuy nhiên, tư tưởng Phật giáo có phần trội hơn. Nhà sử học Li Tana cũng nhận xét như sau: “Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị.”[1]. Đứng trên bình diện nào đó thì luân lý căn bản Khổng giáo nhấn mạnh giá trị “địa vị, danh vọng” trong xã hội. Nó được định hình khi cá nhân hoàn thiện tốt những quan hệ trong cuộc sống, trong khi dòng người di cư vào Nam là những hạng người cùng đinh, khốn khổ, không có địa vị, đặc quyền, nơi đây dành cho “những người đã không có quyền sống trên vùng đất cũ”[2].
Trong tình hình ấy, tinh thần “bình đẳng” không phân biệt chủng tộc, màu da, sang hèn của Phật giáo rất thích hợp, nên các Chúa Nguyễn nhanh chóng ủng hộ để Phật giáo trở lại vị thế vốn sẵn có trong lòng dân tộc.
Phật giáo quan niệm tất cả chúng sanh đều có sẵn mầm giác ngộ và đều bình đẳng trước chân lý. Đức Phật dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ. Không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn như nhau. Vì tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt tính chất, bản thể và bình đẳng về sự hiện hữu của mình tại thế gian nầy.”[3]. Vì vậy, tinh thần bình đẳng là những định thức căn bản trong Phật giáo. Họ Nguyễn đã minh chứng qua hình thức chiêu mộ hiền tài không phân giai cấp, sách sử chép: “Đào Duy Từ học giỏi nhưng vì con nhà phường chèo nên không được đi thi, ông bất bình đi vào Nam phục vụ Chúa Nguyễn. Ông từng là người thiết kế hàng loạt thành lũy và nhiều chính sách quân sự”[4]và cho cả người phương Tây làm quan trong triều đình.
Bên cạnh đó, Phật giáo đẩy mạnh bản sắc dân tộc, mặt khác củng cố tính hợp pháp cho các chúa Nguyễn. Vả lại, người Chăm không hấp thụ được tư tưởng Nho giáo dễ đưa đến sự xung đột tôn giáo. Chỉ có Phật giáo Đại thừa mới đáp ứng được tâm tư nguyện vọng trọn vẹn cả hai bên và việc thờ tự của dân tộc Chăm, Hoa có những điểm tương đồng với Phật giáo Đại thừa nên họ không thấy bỡ ngỡ. Qua đây, ta thấy các chúa Nguyễn dựa vào Phật giáo để trị nước vì đây là nhu cầu cấp bách của lịch sử. Điểm khởi đầu “mộ Thích” của Nguyễn Hoàng là “lấy lòng dân”, nhưng về sau đối với Phật giáo ông đã thể hiện bằng “đạo tâm sâu sắc” thông qua nhiều hành động cụ thể.
Tuy nhiên, theo Lịch sử Phật giáo xứ Huế thì: “Nguyễn Hoàng nghiên cứu cẩn thận, dùng đường lối có tính cách ‘mưu phạt tâm công’. Ông thấy dân Thuận Hóa tin Phật giáo có phần mạnh hơn các tín ngưỡng khác, bèn đổi chiến thuật: từ ghét các nhà sư sang vị trí ‘ái mộ đạo Phật’ để dân thấy ông cũng là một người Phật tử, không khác họ…”[5]. Chúng tôi không đồng tình vấn đề trên, việc chúa Nguyễn ủng hộ Phật giáo khởi đầu bằng sự “lấy lòng dân” điều ấy không phủ nhận, nhưng nếu xét kỹ chúng ta thấy rằng khi còn ở phương Bắc, điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu Phật giáo rất hạn chế, nên ông không có thiện cảm với Phật giáo, trong khi hằng ngày ông lại thực hành về phép “quân - thần, phụ - tử”,… tiếp xúc với các nho sĩ trong triều là những người được mọi người ca tụng, vì thế sự ưu ái cho Nho giáo là điều hiển nhiên. Khi ra Thuận Hóa, ông mới tiếp xúc, tìm hiểu nhiều về Phật giáo, từ đó “đạo tâm” phát sanh, ông bắt đầu ủng hộ. Sự việc này rất bình thường, lịch sử Phật giáo cũng có các bạo chúa hồi đầu như vua A Xà Thế và vua Asoka[6] là những người cực ác trong phút chốc trở thành những ông vua hộ pháp đắc lực lưu danh sử sách. Cũng thế, Chúa Tiên chuyên tâm phát triển Phật giáo ban đầu là do mưu tính về chính trị, nhưng về sau ông ủng hộ Phật giáo nhiệt thành bằng “đạo tâm sâu sắc” của chính mình.
Một điểm nữa mà sách Lược sử Phật giáo xứ Huế đề cập: “Ta thấy ông làm đủ chuyện như là một Phật tử thuần thành, nhưng thực sự chưa thấy tự tay ông đặt 1 viên đá đầu tiên để kiến thiết một ngôi chùa mới nào, cũng chưa bao giờ đặt ra một tên hiệu chùa nào”[7]. Nếu căn cứ vào hình thức không xây chùa, đặt hiệu cho rằng ông không “thật tâm” với Phật giáo thì không khách quan lắm. Vào thời Nguyễn Hoàng cát cứ, vùng đất mới rất hoang sơ, những ngôi chùa đổ nát lại nhiều, thì tại sao lại phải xây thêm chùa mới mà không trùng tu các ngôi chùa cũ? Ông ra sức trùng tu các chùa, nếu nói chùa Thiên Mụ được trùng tu do chính trị thì chùa Sùng Hóa do đâu? Chẳng phải xuất phát từ tín tâm chăng? Vấn đề đặt hiệu chùa, theo thiển ý của chúng tôi, những ngôi chùa trước đó cần trùng tu thường là chùa làng đều có hiệu chùa, dân địa phương quen với tên gọi đang tồn tại, vì tôn trọng tính địa phương, Nguyễn Hoàng không đặt hiệu chùa lại, việc ấy cũng hợp lý. Nếu ông không phải là người có tín tâm với Phật giáo thật sự, chắc sẽ không tổ chức đại lễ Phật đản thuần túy Phật giáo mà Bảng Trung Hầu ghi: “Năm Quý Mão, niên hiệu Hoàng Định thứ 4 (1603) mùa hạ, tháng tư, Đoan vương Nguyễn Hoàng lại sai thỉnh nhà sư trụ trì đứng ra mở hội Đại Pháp, đọc kinh thượng thặng, giảng Pháp thượng thặng cứu độ cho chúng sanh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền”[8]. Là Chúa một cõi, ông có thể tổ chức các lễ hội cầu cho “dòng họ Nguyễn bình an, cầu cho vương triều lâu dài” chứ sao lại tổ chức Đại lễ Phật đản?
Tất cả những việc làm trên, chúng ta có thể kết luận Nguyễn Hoàng về sau ủng hộ Phật giáo bằng “đạo tâm” của người Phật tử, nhưng ông chưa dám triển khai hết tinh thần Phật giáo trong việc cai trị. Dẫu sao, ông cũng giữ phép với vua Lê nên phương châm vẫn là “cư Nho mộ Thích”, dùng Nho giáo để sinh hoạt vương quyền, nhưng sử dụng Phật giáo để an dân trị nước.
Từ Nguyễn Hoàng trở về sau, các chúa Nguyễn thời kỳ đầu tất cả đều là tín đồ sùng mộ Phật giáo. Vị chúa nhiệt thành cùng với tư tưởng mang đạo vào đời là chúa thứ sáu, Quốc chúa - Nguyễn Phúc Chu (kế vị năm 1691 đến năm 1725), chúa pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Ðạo Nhân do ngài Thạch Liêm - phái thiền Tào Ðộng Trung Quốc đặt. Đặc biệt, Chúa được xem là truyền thừa chánh tông đời thứ 30 của dòng Thiền này. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ tát giới, thường tự ví mình là Duy Ma Cật, không phải đơn thuần Chúa chỉ thọ giới Bồ tát mà tôn xưng là Bồ tát, mà do những hạnh nguyện lợi tha như vị Bồ tát của ngài.
Quốc Chúa được đánh giá là vị Chúa thông minh, tài ba, ham thích văn học và mộ Đạo Phật nhất trong số các Chúa Nguyễn thời hùng cứ phương Nam: “Năm 1695 nhận xét rằng cung điện của Nguyễn Phúc Chu trang hoàng bằng cờ Phật, rèm trướng, cá gỗ, những quả chuông lộn ngược giống như một ngôi chùa”[9] và ông còn là “… một tác gia lớn của văn học Việt Nam, tác phẩm thơ văn của ông còn tồn tại khá nhiều. Chính ông chỉ đạo công trình kiến trúc chùa Thiên Mụ nổi tiếng đẹp nhất ở Nam Hà. Một số văn vật như đại hồng chung, vân khánh đá, bia đá, hoành phi, câu đối,… của thời này minh chứng cho đỉnh cao của kỹ thuật, nghệ thuật chạm khắc tạo hình và thư pháp của người Việt thế kỷ 17-17I”[10]. Quốc Chúa phát triển Phật giáo thông qua nhiều hình thức, đặc biệt về mặt văn học, ông lưu lại nhiều bài thơ Hán, bài Minh Tán Sư Nguyên Thiều, bài Minh nơi văn bia chùa Thiên Mụ. Những công trình đóng góp của các Chúa Nguyễn, tuy không hoành tráng như thời Lý – Trần, nhưng cũng đáng ghi nhận.
Với sự nhiệt tình đặc biệt của hai chúa, vùng đất mới được hữu duyên đón nhận bước chân du hóa đầu tiên của vị Tổ sư dòng Lâm Tế - Thiền sư Nguyên Thiều. Từ đây, Phật giáo phương Nam khởi sắc, bởi tư tưởng rất mới về Thiền tông, chính sự khởi nguồn này, xuất hiện một chi phái của thiền Lâm Tế rất riêng của xứ Huế - Lâm Tế Liễu Quán, từ đây đã tạo nên sự ổn định và khởi sắc cho Phật giáo Việt Nam nói chung.
Năm 1691-1695, Đàng Trong tình hình chính sự có vài sự cố, Tổ sư Nguyên Thiều và các Thiền sư phái Lâm Tế bị liên lụy buộc phải rời Phú Xuân. Tuy thế, nhưng phái thiền nầy vẫn đứng vững và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Về sau, thiền sư Hưng Liên - Quả Hoằng đặt nền tảng cho sự du nhập phái Tào Động, và được sự ưu ái của chúa Nguyễn Phúc Chu đồng thời được sự vun đắp của ngài Thạch Liêm (1633-1704) nên Thiền phái này trở nên hưng thịnh.
Năm 1694, thiền sư Thạch Liêm vân du sang Đàng Trong do ý thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thời gian lưu lại nơi đây, Ngài tổ chức đại Giới đàn Thiền Lâm (1965) số người tham dự đến “3.000 giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị vừa Tỳ khưu vừa Sa di,… Nơi đại Giới đàn, chúa Nguyễn Phúc Chu, quốc mẫu, công chúa và những người quyến thuộc trong nội cung quy y, nghe pháp. Lễ truyền giới được tổ chức ở chùa Giác Vương nội viên trong phủ Chúa. Thạch Liêm viết cho Chúa một cuốn sách ngắn, chỉ bày cách tu tập, gọi là Hộ Pháp Kim Thang Thư và lễ truyền giới Bồ Tát cho các vương huynh cùng một số các quan được tổ chức tại chùa Thiền Lâm… Giới đàn khác được tổ chức tại chùa Di Ðà ở Hội An năm ấy, số lượng trên 300 giới tử, nhưng tất cả giới điệp đều được đóng kèm ấn Chúa”[11].
Về tư tưởng Thiền không có gì mới, ngài Thạch Liêm vẫn xiển dương phương pháp Thiền - Tịnh song tu, nhưng tinh thần đưa đạo vào đời được chúa Nguyễn Phúc Chu - đệ tử Ngài ủng hộ mạnh mẽ. Ngài còn lưu lại một số tác phẩm, đặc biệt là cuốn Kim Cương trực sớ - tác phẩm trọng yếu của người học Phật. Về truyền thừa, dòng Thiền này không có duyên lắm với xứ Ðàng Trong, sau thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền phái dần mờ nhạt không thấy các thế hệ tiếp theo.
Giữa hai thiền phái được sự ưu ái khác nhau của các Chúa Nguyễn, nhưng tinh thần “hoằng dương chánh pháp và phục vụ chúng sanh” vẫn là một. Phái thiền Lâm Tế có giai đoạn không được các chúa Nguyễn tin dùng, nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Phái thiền Tào Động ảnh hưởng mạnh mẽ tới triều đình và giúp các Chúa ổn định vị thế. Hai thiền phái khác nhau nhưng hòa quyện với nhau, thấm sâu vào đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy ngoài chủ trương vận dụng tư tưởng Phật giáo để trị nước, các Chúa Nguyễn còn tích cực tham gia đem đạo vào đời thông qua nhiều hình thức: xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, sáng tác. Đặc biệt, tổ chức nhiều pháp sự có tầm vóc.
Tóm lại, trong quá trình các chúa Nguyễn trấn phương Nam, Phật giáo được duy trì và phát triển ở mức độ nhất định nhằm ổn định xã hội và thu phục lòng dân, việc xiển dương đạo pháp của một ít vị chúa Nguyễn xuất phát từ ý đồ chính trị, nhưng xét cho kỹ vẫn tiềm tàng trong lòng một “đạo tâm sâu sắc” với Phật giáo. Song song việc Phật giáo được ưu ái, thì Nho giáo vẫn được sử dụng như một khuôn phép đóng khung để củng cố vương quyền, giữ phép với vua Lê mặc dù đó chỉ là trên hình thức.
Phương Nam, mảnh đất cuối cùng được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, như là thành quả tất yếu của cuộc trường kỳ Nam tiến, ngoài việc bảo vệ và mở mang Đàng Trong thì hầu hết các chúa đều là những người Phật tử mộ đạo. Có thể nói, các chúa Nguyễn đã giúp cho Phật giáo hưng thịnh một thời, và Phật giáo cũng góp phần tích cực cung cấp cho người dân Việt một hệ tư tưởng khả dĩ: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Chính tinh thần này đã động viên, khích lệ người dân di cư trên vùng đất mới vượt qua mọi khó khăn về vật chất, mọi lo âu về tinh thần, mà mạnh dạn tự thắng chính mình, cũng đồng nghĩa với việc con người có thể phát huy tối đa, triển khai tột độ sức mạnh và tài năng bản thân, mở đường cho những con người biết làm lại từ đầu nơi vùng đất mới. Bởi thế, Phật giáo luôn gắn liền với sự phát triển của dân tộc, đáp ứng đúng nhu cầu từng chặng đường lịch sử cụ thể.
* Sư cô, Phó Thư ký Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.
[1] Li Tana (Nguyễn Nghị dịch), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB. Trẻ, 1999, tr.194.
[2] Huỳnh Lứa, “Quá trình khai phá vùng Đồng Nai – Cửu Long và hình thành một số tính cách, nếp sống và tập quán của người nông dân Nam Bộ”, Mấy đặc điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Văn hóa, H, 1984, tr. 121.
[3] TT. Thích Thiện Nhơn, Tư tưởng Kinh A Hàm, Lưu hành nội bộ, 1995, tr. 57.
[4] GS. Trương Hữu Quýnh và Tgk, Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, NXB. Giáo dục, 2006, tr. 387.
[5] Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 93.
[6] Xem: http://www.quangduc.com/Danhnhanthegioi/index.html
[7] Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđd, tr. 93.
[8] Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđd, tr. 93.
[9] Li Tana (Lê Quỳnh sịch), Vương quốc họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 18 (website: http://www.phahe.vn)
[10] Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu – người có công lớn trong việc phát triển miền Nam” (website: http://www.donghuongtth.com).
[11] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, NXB. Văn học, H, 2008, tr. 616-617.
Bình luận bài viết