Thông tin

TINH THẦN NHÂN BẢN TRONG ĐẠO PHẬT

 

HT. THÍCH THIỆN ĐẠO

 


 

Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất trên thế giới không nhân danh Thần linh hay Thượng đế mà chỉ nhân danh con người và chỉ con người mà thôi. Tất cả những gì Ngài đạt được không do thần linh ban thưởng, mà hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ của một con người.

Theo đức Phật, vị trí con người là tối thượng, là chủ nhân của chính mình. Con người có khả năng thánh thiện, có thể thành Phật. Ngài thường dạy các đệ tử: “Ngươi là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác có thể là nơi nương tựa”.

Phát xuất từ tư tưởng nhân bản trên, đạo Phật được xác nhận như là một học thuyết về con người tự chủ tự do tuyệt đối. Chính tư tưởng tự do này đã giải thoát con người ra khỏi sự ràng buộc của các thế lực thần quyền, vô minh tà kiến. Mặt khác, do vì xác định con người là tối thượng, là tự chủ cho nên không có vấn đề gì mà con người không giải quyết được bằng vào sự nỗ lực vượt bực của chính mình.

Trên căn bản đó, đạo Phật không tán đồng thái độ hoài nghi hay ỷ lại. Do dự không quyết tâm trong việc thanh lọc thân tâm, không giúp gì cho việc tiếp cận chân lý. Đức Phật khuyên chúng ta phải quán triệt các pháp để thực nghiệm chân lý, và khi đã thực nghiệm, chúng ta không còn hoài nghi do dự, mà cần phải nỗ lực thanh tịnh nội tâm để có an lạc. Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và những người Kalamas là một thực tế sống động. Một hôm những người ở bộ lạc Kalamas hỏi Đức Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn! Giáo sĩ các giáo phái khác đều nói rằng chỉ có giáo pháp của họ là đúng. Đức Thế Tôn cũng nói giáo pháp của Thế Tôn là đúng. Vậy con nên tin vào ai?

Đức Phật dạy:

- Các ngươi chớ tin vào ai cả. Các ngươi cứ đem thực nghiệm những gì ta dạy, và khi biết đó là thiện, là tốt thì các ngươi hãy chấp nhận và tin theo.

Đối với những ai có thái độ do dự về chân lý, Đức Phật ân cần dạy:

- Người nào thấy được chân lý, đã đạt được chân lý, đã nhập vào chân lý, người ấy không còn do dự, đã vượt qua trạng thái hoài nghi. Với trí tuệ chân chính, người đó thấy sự vật như chính sự vật.

Ngoài ra, tinh thần bao dung tha thứ, biết chia sẻ quan điểm với người khác là một nét đặc thù nữa của Phật Pháp. Đức Phật thường dạy các đệ tử nên tôn trọng các tư tưởng, các lý thuyết khác với tư tưởng tôn giáo mình. Có lần một đệ tử tại gia của Phật, tên Ưu-Bà-Li, bỏ thầy cũ xin quy y Đức Phật. Thay vì bảo Ưu-Bà-Li chỉ tôn sùng mình, Đức Phật đã khuyên ông ta phải giữ lễ và tôn trọng thầy cũ của ông ta vâng theo lời dạy của Đức Phật. Vua A Dục, sau khi đã trở về với chánh pháp, vẫn ban hành những sắc lệnh tôn trọng bảo vệ các tôn giáo khác khắp lãnh thổ Ấn Độ.

Theo tinh thần bao dung này, con người không nên có thái độ nhân danh cái này để tiêu diệt cái khác. Theo Đức Phật, chân lý không có nhãn hiệu, người đi tìm chân lý phải loại trừ các thành kiến cố chấp để tâm hồn không bị hạn chế vướng mắc, không có hàng rào ngăn cách giữa mình và người. Thái độ cố chấp tự tôn: “chỉ có đây là chân lý, mọi cái khác đều sai lầm” hoàn toàn trái ngược với giáo pháp của Đức Phật. Hành giả của đạo giải thoát phải là người có trí tuệ khai phóng, không bao giờ mang tâm niệm bảo thủ, bởi vì khi ôm giữ một cái gì ta không thể tiến bộ được.

Câu chuyện người cõng bè sau khi đã sang sông là một thí dụ sâu sắc. Qua thí dụ này, Đức Phật đã dạy:

- Hỡi các Tỳ Kheo, ta đã truyền dạy một giáo pháp tợ như chiếc bè, nó cốt để đưa người qua sông chứ không phải để mang theo.

- Hỡi các Tỳ Kheo, đã hiểu giáo pháp như chiếc bè, các ông cần phải từ bỏ, ngay cả những thiện pháp, huống nữa là những phi pháp, các ông lại phải càng xả bỏ biết chừng nào.

Như vậy, các chướng nạn cố chấp bảo thủ đã vượt qua, chúng ta cần có quan điểm thực tiễn trong cách sống. Đây là một khía cạnh nhân bản khác được chứa đựng trong giáo pháp của Đức Phật. Ngài không ru ngủ, không mê hoặc, không hứa hẹn viển vông đối với đệ tử. Ngài thường dạy:

- Giáo pháp của ta đến để thấy biết, chứ không phải để tin theo.

Những vấn đề vô hình viển vông, không có lợi cho sự giải thoát, hay chỉ thoả mãn nhu cầu của tri thức đều bị Đức Phật bác bỏ, bởi vì những vấn đề đó không thiết thực lợi ích cho con đường giải thoát tu chứng. Qua câu chuyện người bị trúng tên độc, Đức Phật đã nhắn nhủ:

- Những gì ta giải thích thì coi như đã được giải thích, và những gì ta đã không giải thích thì sẽ xem như là không được giải thích. Những gì ta không giảng giải vì chúng không ích lợi, không quan hệ đến đời sống thánh thiện. Còn những gì ta đã giảng giải bởi vì chúng có liên quan đến đời sống thánh thiện, đến sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ, an tịnh Niết Bàn.

Tóm lại, những ai dấn thân vào con đường học Phật, con đường suy tìm chân lý giác ngộ, hướng thiện cuộc đời, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng là phải hiểu toàn bộ hệ thống giáo lý của Đức Phật như là một phương pháp giáo dục, một nghệ thuật sống, nhằm phát huy đạo đức trí tuệ con người, một tiến trình giác ngộ hoàn toàn nhân bản và hữu ích lâu dài cho cá nhân cũng như cộng đồng xã hội.

Thật sai lầm nếu ta chỉ biết đi tìm các giá trị ngoại tại để làm nền tảng cho việc xây dựng và phát triển xã hội mà xem nhẹ yếu tố nội tại, tức con người hoàn thiện. Bao giờ con người còn hướng ngoại còn tha hóa, còn không làm chủ được mình thì xã hội chưa ổn định chưa tiến bộ. Tất cả cảnh khổ trong cuộc sống này ai chịu trách nhiệm, nếu không phải từ con người, do con người, con người của tham vọng hận thù si mê tà kiến?

Hạnh phúc thay con đường giác ngộ ta đang thực tập!

Hạnh phúc thay biết xả bỏ mọi thứ nhân danh!

Hạnh phúc thay an lạc cho mình và người!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6704503