Thông tin

TINH THẦN NHẬP THẾ

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Hòa thượng THÍCH THIỆN PHÁP
Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS
Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN

 

Xuất phát từ tình hình chính trị xã hội và theo yêu cầu thực tế về sự tồn vong của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, cũng như thuận lợi cho hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vào năm 1969, dưới sự chủ trì của quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý, cùng chư sơn thiền đức trong hệ phái đã tiến hành đại hội hiệp nhất tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử thành lập nên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam lại có điểm xuất phát bắt nguồn từ tổ chức “Lục Hòa Liên Xã” (năm 1922), “Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ” (năm 1947) và Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (năm 1952), qua đó có thể nói rằng, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, có điểm xuất phát từ năm 1922 và hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981.

Với lịch sử cội nguồn và hình thành, trải qua 60 năm đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, trong suốt quảng thời gian dài này là thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và đế quốc Mỹ xâm chiếm, toàn dân tộc đã dấy lên các phong trào yêu nước với khí thế thi đua sôi nổi, thì hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng nói chung và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, đã có một quá trình dấn thân nhập thế đóng góp thiết thực và hiệu quả vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong tham luận này, do khuôn khổ giới hạn nên người viết chỉ tập trung vào tinh thần nhập thế của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam kể từ ngày thành lập vào năm 1969 cho đến ngày tổ chức này hội nhập vào ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Trên tinh thần này, tham luận được chia làm hai phần: Phần một, trình bày tổng quát về bức tranh nhập thế của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Phần hai, trình bày vài nét về hành trình dấn thân nhập thế của Chư Tôn đức tiền bối và Tăng tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những ngày đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước vào năm 1975.

1. Toàn cảnh bức tranh nhập thế của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Ngược dòng lịch sử, kể từ sau ngày pháp nạn năm 1963 trở đi, cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm dẫn đến thắng lợi bước đầu của những người con Phật yêu chuộng hòa bình, trong đó có sự đóng góp công sức rất lớn của Chư Tôn đức và Tăng tín đồ hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng.

Lịch sử ghi nhận, tình hình thời cuộc tại miền Nam lúc bấy giờ vô cùng phức tạp và rối rắm, sau khi chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền Sài Gòn dù đã được thay thế ngựa, nhưng vẫn là tay sai cho đế quốc, đồng bào miền Nam vẫn phải sống trong cảnh kèm kẹp, khủng bố và đàn áp, chính quyền Sài Gòn. Đáng nói là sau thất bại mùa xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Sài Gòn đã tăng cường bố ráp hòng tiêu diệt các phong trào chính trị đô thị tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận, song song đó chúng ra sức mua chuộc, phân hóa, ám hại các vị lãnh đạo phong trào đấu tranh chính nghĩa, tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến, phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương do Ni sư Huỳnh Liên lãnh đạo và các cơ sở tự viện khác như chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, nhất là chúng theo dõi bám sát mọi động tỉnh của Chư Tôn đức tiền bối tại các Tổ đình thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như Tổ đình Long Thạnh (Bà Hom), Tổ đình Giác Lâm (Tân Bình), Tổ đình Trường Thạnh, Tổ đình Long Thiền (Biên Hoà), Tổ đình Hội Khánh…

Trước tình hình khó khăn với những diễn biến phức tạp như vậy, đồng thời cũng nhằm để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng từng bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi và đang là tiêu điểm thân kháng chiến, nên vào ngày 9/7/1968 (Mậu Thân), dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý đã trực tiếp đứng ra triệu tập Chư Tôn đức của tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử về chùa Trường Thạnh, số 97 đường bác sĩ Yersin, Sài Gòn để tiến hành đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử, và kết quả vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã ra đời, với một hiến chương được Thủ tướng Trần Văn Hương của chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ phê chuẩn. Điều đáng ghi nhận là chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực củng cố và phát triển, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã thành lập được 37 Tỉnh, Thành hội và 81 Quận, Huyện hội với trên 2000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái; có khoảng hơn 10.700 Tăng Ni và trên hai trăm nghìn tín đồ Phật tử. Cùng với sự củng cố và phát triển của các Tỉnh hội, Huyện  hội thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng đều khắp ở khu vực Trung phần và miền Nam, thì tổ chức Thành hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng khu Sài Gòn Gia Định cũng đã phát triển mạnh mẽ, gồm có quý Hòa thượng Thích Hồng Năng (chùa Pháp Minh, quận 7), Hòa thượng Thích Thiện Nghị (chùa Đức Lâm, Tân Bình), Hòa thượng Thiện Phú (chùa Giác Viên)… Đây là những cơ sở nòng cốt để Chư Tôn đức tiền bối Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng lãnh đạo Tăng tín đồ và quần chúng dấn thân vào các hoạt động đấu tranh vì nền độc lập tự do, hòa bình và thống nhất đất nước như khát khao mong đợi của đồng bào Phật tử toàn miền Nam lúc bấy giờ.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Phật giáo miền Nam Việt Nam nói chung và của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói riêng, chúng ta sẽ thấy, sau khi bị bất ngờ và thất bại nặng nề trong chiến dịch tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta trên khắp các chiến trường cả nước, và nhất là tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, trước tình hình bi  đát này đã khiến Chánh quyền Sài Gòn tập trung bố ráp các cơ sở đấu tranh ở nội thành và càn quét quyết liệt vào các khu căn cứ vùng ven đô. Trước diễn biến phức tạp này, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định là bằng mọi giá phải bảo vệ cho bằng được sự an toàn của cán bộ và giữ vững cơ sở, Chính vì vậy mà Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tập trung gầy dựng một số tổ nòng cốt, trong đó có các tổ nòng cốt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do ông Lê Hoàng Minh làm Tổ trưởng, cùng với các thành viên nòng cốt là quý Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Nghị…

Sau khi các Tổ nòng cốt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương Cục do Tỉnh ủy Mỹ Tho phổ biến vào tháng 3 năm 1969, nên tổ chức đã triệu tập các cán bộ nòng cốt của Tổ về căn cứ học tập lớp bồi dưỡng chính trị với các tài liệu về “Tình hình nhiệm vụ, chính sách tôn giáo và năm bước công tác cách mạng, công tác bí mật”. Qua đó giúp Chư Tôn đức và quý Tăng Ni trong các cơ sở cách mạng thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam để nâng cao nhận thức đối với tầm quan trọng của công tác vận động và lãnh đạo quần chúng đô thị, nắm được những quan điểm và những vấn đề cơ bản về nội dung, phương châm, phương pháp, đồng thời khắc phục những thiếu sót trong thời gian qua. Từ đó Tổ nòng cốt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tập trung tăng cường phục vụ quần chúng, đồng thời phát động quần chúng tập hợp thành lực lượng đông đảo đẩy mạnh phong trào đấu tranh, xây dựng và phát triển thực lực ngày càng mạnh mẽ đều khắp.

Trong quá trình dấn thân, kể từ sau cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 cho đến mùa hè đỏ lửa vào năm 1972, quý Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Nghị trong Tổ nòng cốt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã nỗ lực chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ hành động, tích cực tăng cường các phong trào đấu tranh chính trị và binh vận và được các cơ sở từ trung ương đến các địa phương nhiệt tình hưởng ứng chấp hành nghiêm chỉnh, nhờ đó mà lực lượng hậu thuẩn do Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam lãnh đạo đã luôn sẵn sàng chờ mệnh lệnh cấp trên xuống đường giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Nhờ đi đúng con đường dân tộc, mục đích rất rõ ràng, đã nêu lên được những khẩu hiệu đúng với tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số Tăng tín đồ và quần chúng nhân dân là hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc, nên lúc bấy giờ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm tập hợp các cánh tiến bộ trong các tông phái, giáo phái, đoàn thể xã hội tiến bộ khác tại đô thành Sài Gòn, để cùng hình thành mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước trong không gian tôn giáo một cách rộng rãi và hiệu quả.

2. Vài nét về hành trình dấn thân nhập thế của Chư Tôn đức tiền bối và Tăng tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những ngày đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước vào năm 1975

Trong giai đoạn đấu tranh từ năm 1974 đến năm 1975, vào ngày 27/3/1974, khi được tin đại sứ Martin và chính quyền Thiệu cho phép cánh hữu Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức mitting tại chùa Ấn Quang để kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam nhằm xoa dịu phong trào. Tranh thủ cơ hội này, tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thich Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý và một số Chư Tôn đức đã biến cuộc mitting thành cuộc biểu tình đòi Mỹ - Thiệu thi hành Hiệp định Raris về Việt Nam, thả tù chính trị, thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Cũng trong thời gian này, nhằm huy động quần chúng để đưa phong trào đấu tranh lên cao trào, vào ngày 21/9/1974, Chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đứng ra thành lập Mặt trận nhân dân cứu đói, do Đại đức Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch và Thượng tọa Thích Quảng Long làm cố vấn, trong thành phần mặt trận còn có sự tham gia của rất nhiều linh mục, luật sư, giáo sư, dân biểu, nghị sĩ. Cũng ngay trong ngày đó, vào lúc 14 giờ tại chùa Lộc Uyển phường Rạch Ông, quận 8, Mặt trận nhân dân cứu đói quận 8 cũng đã được thành lập, dưới sự cố vấn chỉ đạo của Hòa thượng Thích Bửu Ý và Thượng tọa Thích Huệ Hiền làm Chủ tịch mặt trận nhân dân cứu đói, các Phó Chủ tịch do các vị Đại đức Nhật Hiền, Đại đức Bửu Minh đảm nhận, Đại đức Phương Dũng làm Tổng Thư ký và Đại đức Định Huệ phụ trách thông tin báo chí…

Trong quá trình dấn thân, vào ngày 10/10/1974, Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng đã liên kết với các thành phần tiến bộ, phối hợp đưa cuộc biểu tình gần 10000 người tham gia, trong đó có trên 400 nhà báo làm nòng cốt hưởng ứng chương trình “xách bị gậy đi ăn mày” tuần hành kéo dài trên đại lộ Lê Lợi nơi có nhiều quan khách nước ngoài, để tố cáo chính quyền độc tài bóp chết báo chí, bần cùng hóa nhân dân, vơ vét của cải phục vụ cho chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn, làm cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu ngày càng thêm suy sụp.

Đến ngày 27/12/1974, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã phối hợp với các cánh quân chuẩn bị một cuộc biểu tình quy mô trên 10000 người tại chợ Bình Tây, đồng thời tổ chức một cuộc biểu tình quy mô tại chợ Cầu Muối để hưởng ứng đoàn biểu tình ở chợ Bình Tây. Cũng trong thời gian này, tại quận 7, nhóm an ninh cảnh sát theo lệnh của quận trưởng Đỗ Kiến Nhiễu tổ chức xua đuổi trên 100 căn hộ của người dân lao động ở xóm 9, phường Rạch Ông, quận 8, để hỗ trợ đắc lực cho đồng bào địa phương, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã mở hội nghị tại chùa Lộc Uyển để nghe Đại đức Thích Phước Dũng báo cáo tình hình chiến tranh tàn phá vùng này, nay bà con vừa mới ổn định cuộc sống thì chính quyền Sài Gòn đã bức bách xua đuổi, cướp đất của dân, gây cảnh màn trời chiếu đất. Sau khi nghe báo cáo, hội nghị đã đồng tâm thống nhất kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền Mỹ Thiệu phải thi hành các quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do làm ăn buôn bán và khẳng định quyền sở hữu tài sản... Sau hội nghị, Hòa thượng Thích Bửu Ý nhân danh Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra tuyên bố tố cáo chính quyền Sài Gòn và chính quyền quận 8 đã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, vì đã đuổi chùa Bình An và chùa Lộc Uyển của Giáo hội để cướp đất, đây là tội ác, là hành động phi pháp cần phải chấm dứt.

Đến ngày 27/3/1975, Ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tổ chức cuộc họp bất thường dưới sự chủ trì của Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành, ở số 97 đường Yersin, Sài Gòn để kiểm điểm tình hình Phật sự và quá trình đấu tranh cứu nước, đồng thời ra tuyên bố hoan nghênh Hiệp định Paris về Việt Nam ký kết ngày 27/1/1973 là căn bản để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mọi thủ đoạn và âm mưu chống lại Hiệp định Paris của chính quyền Mỹ Thiệu càng làm cho chiến tranh ngày càng khốc liệt trên các chiến trường thì đó là tội ác đối với dân tộc và loài người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Hòa thượng Tăng thống Thích Huệ Thành đã lên án chính quyền Thiệu đã ban hành sắc luật 002/72 ngày 12/3/1975 tổng động viên tu sĩ từ 17 đến 20 tuổi tham gia đi lính cho chính quyền Sài Gòn. Kết luận bản tuyên bố, thay mặt lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chư Tăng Ni và toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, Tăng thống Thích Huệ Thành đã kiến nghị chính quyển Sài Gòn hủy bỏ ngay sắc luật 002/72 (về việc bắt tu sĩ sung quân), trả tự do tức khắc cho trên 1000 tu sĩ trẻ đã bị chính quyền lùng sục bắt sung quân trong mấy tháng qua. Đồng thời ra lời kêu gọi Tăng Ni Phật tử tiếp tục con đường đấu tranh cứu nước trong giai đoạn mới. Để thực hiện chủ trương trên, vào ngày 24/3/1975, Thành hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Thành phố Sài Gòn Gia Định đã mở Hội nghị tại chùa Bình Hòa, bến Bình Đông, quận 8, dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Phó Tăng trưởng Thích Thiện Nghị, cùng đông đảo Ban chức sự Thành hội như Hòa thượng Thích Hồng Năng (Tăng trưởng thành hội), Thượng tọa Giác An (Tổng Thư ký), Hòa thượng Thích Thiện Phú (Thủ quỹ) và hầu hết Tăng giám các quận nội ngoại thành và một số tỉnh như Biên Hòa, Bình Dương, Long An đều về tham dự đông đủ. Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình đất nước từ ngày ký kết Hiệp định Paris, lý ra đất nước Việt Nam đã có hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc, nhưng vì hành động chống phá Hiệp định Paris của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đã làm cho chiến tranh ngày càng ác liệt và lan rộng. Với mục đích bàn kế hoạch chống lại sách luật 002/72 của Thiệu, quý Thượng tọa Tắc Thành, Định Quang, Quảng Hạnh xác định sẵn sàng hy sinh nhục thể để bảo vệ đạo pháp và dân tộc, đồng thời tăng cường đoàn kết giữa hai khối thanh niên Tăng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam quyết tâm đấu tranh chống lại lệnh tổng động viên của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Qua đó, Hội nghị biểu quyết chương trình hành động bốn điểm như sau:

1) Ra nghị quyết đòi hủy bỏ sắc luật 002/72 chống lại lệnh tổng động viên của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

2) Tăng Ni tập họp về chùa Sùng Đức làm lễ cầu nguyện hòa bình cho đất nước, thực hiện tuyệt thực 24 giờ kể từ 14 giờ ngày 26/3/1975 đòi hủy bỏ lệnh tổng động viên.

3) Tổ chức biểu tình tại Phủ Thủ tướng và Tòa đô chánh Sài Gòn trao kiến nghị và tuyên bố của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam chống lệnh tổng động viên.

4) Tổng đoàn thanh niên Tăng Ni sẽ bầu ra Ủy ban chống lệnh tổng động viên, trong đó gồm các vị, như Đại đức Thích Hồng Khoa làm Chủ tịch, Đại đức Thích Bửu Minh làm Phó Chủ tịch; Đại đức Thích Định Huệ làm Tổng thư ký; Đại đức Thích Phước Viên làm Thủ quỹ; Đại đức Thích Huệ Xướng làm Ủy viên kế hoạch; Đại đức Thích Huệ Liên làm Ủy viên điều động; nhị vị Đại đức Phước Dũng, Giác Hạnh làm Ủy viên thông tin báo chí, Đại đức Giác Nhơn, Huệ Chí làm Ủy viên y tế, tiếp tế và Đại đức Trí Thiền làm Ủy viên liên Lạc.

Theo kế hoạch này, đúng ngày 26/3/1975 tại chùa Sùng Đức, quý Hòa thượng Tăng thống Huệ Thành, Hòa thượng Bửu Ý (Viện trưởng Viện hoằng đạo), Hòa thượng Hồng Năng (Tăng trưởng Thành hội), Hòa thượng Thiện Nghị (Phó Tăng trưởng) đã cử hành đại lễ cầu nguyện hòa bình cho đất nước dân tộc Việt Nam, tham gia cuộc miting quy mô này còn có sự tham dự của chư Tăng Ni các Phật Học viện Minh Đức, Thiên Tôn, Hải Tràng, Huệ Quang, Giác Sanh cùng hơn 1.000 chư tôn Hòa thượng, Tăng Ni và nam nữ Phật tử tham dự…

Tại cuộc mitting, Thượng tọa Thích Trí Huệ đã thông qua chương trình 4 điểm của Thành hội đề ra, gồm đại lễ cầu nguyện hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong cuộc mitting biểu tình bất bạo động này, có đến 150 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức của 18 chùa, đồng tuyên bố tuyệt thực trong 24 giờ…

Đúng như kế hoạch, vào lúc 15 giờ ngày 27/3/1975, một đoàn xe lam nhiều chiếc đã đến chờ tại chùa Sùng Đức, nhờ có sự chỉ đạo hỗ trợ có lực lượng tại chỗ, đoàn chư Tăng đã được đưa đến Phủ Thủ tướng và Tòa đô chánh Sài Gòn thực hiện việc tuyệt thực; trong lúc đó các lực lượng hưởng ứng đã trương băng rôn, biểu ngữ, trao kiến nghị, cuộc mitting biểu tình với kết quả hoàn toàn thắng lợi. Tiếp đến, ngày 25/4/1975, Hội đồng lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tiếp nhận lệnh chuẩn bị khởi nghĩa do ông Lê Quốc Sử phổ biến, Giáo hội đã mở Hội nghị phân công huy động toàn thể chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử hình thành đội ngũ, chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ đến ai ở địa phương nào thì đứng lên huy động quần chúng cùng cơ sở địa phương đó đứng lên cướp chính quyền.

Tại Sài Gòn, Tổng đoàn thanh niên Tăng nắm chặt lực lượng của mình chờ thời cơ; đồng thời bí mật bố trí Thượng tọa Thích Trí Huệ đón Hòa thượng Minh Nguyệt từ Tây Ninh về chùa Thiên Quang (Hóc Môn) để chuẩn bị khởi nghĩa. Trong đêm 29/4/1975, vào sáng ngày 30/4/1975, Tăng Ni và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cùng đồng bào các địa phương giành lấy chính quyền một cách trọn vẹn. Như vậy là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã cùng chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử và nhân dân thành phố hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, góp phần làm nên đại thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975.

Thay lời kết

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã gắn kết với công cuộc thống nhất Phật giáo vào năm 1981, khi Ban Liên lạc yêu nước TP. HCM được thành lập, Hòa thượng Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội cứu quốc Nam bộ, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) được bầu làm Chủ tịch, Hòa thượng Bửu Ý (Viện trưởng Viện hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng năm 1973) làm Phó Chủ tịch, Hòa thượng Thiện Hào (Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử) làm Tổng Thư ký, ngoài ra thành viên Ban Liên lạc yêu nước TP. HCM còn có Chư Tôn đức trong tổ chức hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, như Hòa thượng Pháp Dõng, Hiển Pháp, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân… Một số các tỉnh thành có thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước hầu hết đều có sự tham gia tích cực của chư tôn đức trong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại địa phương.

Đến năm 1980, khi Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tiếp tục vai trò tiên phong gánh vác trọng trách, như Hòa thượng Bửu Ý làm Phó Trưởng ban kiêm Phó Ban dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Như vậy, trong suốt khoảng thời gian dài từ ngày thành lập Ban liên lạc yêu nước Phật giáo TPHCM, đến ngày thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam vào năm 1980, hầu hết Chư Tôn giáo phẩm trong hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đều tham gia với vai trò chủ chốt, góp phần hoàn thành sứ mạng thống nhất Phật giáo nước nhà.

Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11/1981, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều bậc cao Tăng tiêu biểu của hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam được suy cử vào các chức vụ quan trọng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được suy tôn làm Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn làm Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Bửu Ý được suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào được suy tôn là Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Khải (Thành viên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) được suy tôn làm Ủy viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Trí Tấn (Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng) được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh và Ủy viên Hội đồng Trị sự, Hoà thượng Trí Tâm...

Nhìn vào đó, chúng ta có thể khẳng định vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, không chỉ thể hiện xuất sắc trong suốt quá trình dấn thân nhập thế cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn thể hiện vai trò tiên phong và trách nhiệm cao cả của mình trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà.

Là một trong những nhân chứng của lịch sử trong cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ năm 1963 tại Sài Gòn, tôi đã chứng kiến cũng như có đầy đủ cơ duyên được thân cận quý tôn túc tiền bối Phật giáo Cổ truyền. Nhân Hội thảo này, chúng tôi ghi lại một vài diễn biến mà Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã dấn thân đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần đáng kể vào sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước trong giai đoạn từ năm 1968 đến 1975 và sự đóng góp tích cực thành lập GHPGVN năm 1981. Những cống hiến vô cùng ý nghĩa này đã nói lên tinh thần yêu nước, tinh thần nhập thế dấn thân đầy trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Vệt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6795768