Thông tin

TINH THẦN PHẬT GIÁO “DẤN THÂN”

TRONG TÁC PHẨM “NẺO VỀ CỦA Ý” CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

 

NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH

 


 

Phật giáo ra đời nhằm hướng đến sự giải thoát bằng con đường diệt khổ cho nhân loại. Mục tiêu diệt khổ thể hiện rất rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo. Bởi ngày nay, chỉ có nhập thế Phật giáo mới có thể giáo hóa chúng sinh hướng con người tới mục tiêu giác ngộ và giải thoát, tận trừ khổ cho chúng sinh. Từ quan điểm con người bình đẳng như nhau về nỗi khổ, Phật giáo cũng khẳng định là mọi người đều có thể tự thoát khổ nếu biết cách giác ngộ, biết đi trên con đường diệt khổ để giải thoát. Với triết lý Vô ngã, Vô thường và thuyết Duyên khởi, đức Phật đã mở ra con đường đi tới giải thoát một cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Ngài cũng chỉ ra rằng mỗi người đều có Phật tính. Đây chính là hạt nhân để con người có thể trở thành Phật.

Áp dụng triết lý của Phật giáo vào cuộc sống nhằm hướng tới sự thực hành đạo từ bi và trí tuệ, người hiểu đạo không thể làm ngơ trước những thống khổ của nhân loại. Đó cũng chính là trách nhiệm của các thế hệ kế thừa. Trên cơ sở đó, chúng ta đưa việc hoằng pháp lợi sanh đi vào đời sống. Vì vậy, nhập thế chính là hạnh nguyện Bồ tát, thể hiện lòng tương thưởng, cứu vớt chúng sanh của người hành đạo. Với tinh thần này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thể hiện rõ quan điểm của mình qua nhiều tác phẩm văn học đã được in ấn, phát hành không chỉ bằng tiếng Việt, mà còn bằng nhiều ngôn ngữ khác được phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết, các tác phẩm của thiền sư đều thể hiện rõ tinh thần nhập thế, đưa giáo lý của Phật giáo vào cuộc sống. Mang đạo vào đời, trong đời có đạo. Tinh thần nhập thế Phật giáo theo quan điểm của thiền sư, đã có sức ảnh hưởng rộng lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

1. Khái niệm:

Phật giáo Nhập thế (Engaged Buddhism) hay Phật giáo dấn thân, được hiểu là đạo Phật đi vào cuộc đời. Phật giáo ở trong cuộc đời, đi vào nhân gian và hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Phật giáo nhập thế làm cho những nguyên lý của đạo Phật trở thành nguyên lý sống thường nhật, từ đó cải biến nhân sinh đi theo hướng thiện mỹ. Một tu sĩ với lòng từ bi, tỉnh giác, dấn thân vào đời sống xã hội, làm nhiều việc ích lợi cho nhân sinh, nhưng tâm không dính mắc. Đó chính là Phật giáo nhập thế, hòa nhập vào đời sống xã hội, truyền bá giáo lý Phật đà, dấn thân vào cuộc đời làm lợi ích nhân sinh. Với lực lượng, cách tổ chức và giáo lý của mình, Phật giáo đã và đang tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội.

Tinh thần nhập thế theo quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương pháp phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống, chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời1.

2. Đặc điểm của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam

Tinh thần Phật giáo đồng hành cùng lịch sử dân tộc

Từ khi du nhập vào nước ta, đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi với đời sống tâm linh của người Việt. Đạo Phật đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân trong xã hội. Dưới các triều đại từ Đinh (968- 980), tiền Lê (980-1009), Lý (1009-1225), Trần (1225-1400)… tinh thần nhập thế của Phật giáo đã thể hiện mạnh mẽ trong chính sách dựng nước và giữ nước. Từ các bậc minh quân, hoàng thân, quan lại đến các Tăng ni, Phật tử đã đem tinh thần từ bi, hỉ xả của nhà Phật vào công cuộc xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi và chống giặc ngoại xâm. Các vị cao tăng đạo hạnh như Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018), Thiền sư Pháp Thuận (914-990), Tăng thống Khuông Việt (Ngô Xương Tỷ hay còn gọi Ngô Chân Lưu, 933-1011), Quốc sư Đạo Viên (không rõ năm sinh năm mất), Quốc sư Viên Thông (1080-1151), Quốc sư Thông Biện (? -1134), Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308)… có tầm ảnh hưởng lớn trong vai trò cố vấn, giúp triều đình lèo lái con thuyền dân tộc.

Những phương cách nhập thế bao gồm sự rao giảng giáo lý, kinh sách, ảnh tượng, pháp khí, tư liệu, các phương thức truyền thông…

Sự nhập thế của một tôn giáo phải linh động, phù hợp với từng địa phương, lãnh thổ, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống của dân bản địa. Lịch sử tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam cũng không ngoài các phương cách này.

Sự dấn thân của Phật giáo được nhấn mạnh, mở rộng khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng và giảng dạy về Phật giáo dấn thân bắt đầu với dòng tu Tiếp hiện và Thể nhập vào tháng 2 năm 1966. Ông đã xác định việc trang bị cho Phật giáo những tăng sĩ ý thức được rằng việc tu chứng để làm lưu lộ nguồn đạo đức vô hành chính là một công việc tối trọng đại, tối căn bản, để trở về đem hết tâm não mình đem hết cuộc đời mình mà thực hiện cho kỳ được sự chứng ngộ đạt đạo2. Chính tư tưởng này của ông đã tiếp nối truyền thống “hòa quang đồng trần” và đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” hay “Phật giáo đi vào đời”.

Tinh thần nhập thế không tách rời con đường hoằng pháp

Nhập thế là bản chất của đạo Phật. Từ thời còn tại thế, đức Phật đã dạy các đệ tử của mình: Này các tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các tỳ khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ3. Với lòng từ bi lân mẫn, muốn mọi người đều giác ngộ, suốt hơn 2.500 năm qua, các chư tăng vẫn cần mẫn, kiên định đem những hạt giống giáo lý Phật gieo vào đời sống, nhằm mở ra con đường nhập thế. Từ đó, hoạt động nhập thế trở thành hành động không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp lợi sanh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh với tinh thần Phật giáo dấn thân

1. Sơ lược cuộc đời và đạo nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926 - 2022), thế danh là Nguyễn Xuân Bảo. Sau này, Ngài thường được các Phật tử gọi bằng cái tên thân mật, Sư ông Làng Mai. Ông là một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam nổi tiếng, có công hạnh hoằng hóa đạo Phật rộng rãi và ảnh hưởng trên khắp thế giới. Ông là bậc thầy hướng dẫn thiền chánh niệm, đồng thời là một nhà văn hóa, một học giả, một sử gia, một nhà hoạt động hòa bình.

Không chỉ có các Phật tử theo đạo Phật, mà cả những người theo các tôn giáo khác cũng biết đến ông qua những buổi thuyết giảng cho cộng đồng, qua các khóa tu đa dạng dành cho các đối tượng khác nhau, qua hơn 100 tác phẩm văn học xuất bản và phát hành trên khắp thế giới, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

2. Quan điểm Phật giáo dấn thân qua các tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Để tiếp tục sự nghiệp đưa giáo lý đạo Phật vào cuộc sống, vì lợi ích của xã hội, việc nghiên cứu những giá trị Phật giáo dấn thân cao quý qua các tác phẩm, phương pháp thực hành giáo lý nhập thế trong đời sống và bài giảng mà thiền sư đã để lại là điều thực sự cần thiết cho xã hội nói chung và cho Phật giáo nói riêng. Hơn 100 tác phẩm nổi tiếng của thiền sư với đa dạng thể loại: Từ dạy giáo lý như “Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng”; hay văn học Phật giáo “Hoa sen trong biển lửa, Đường xưa mây trắng”; hoặc hướng dẫn thực hành thiền như “An lạc từng bước chân”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”; cho đến hướng dẫn tu tập như “Không sinh không diệt đừng sợ hãi”, “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày”. Bên cạnh đó các thể loại thơ, thơ phổ nhạc như ‘Bướm bay vườn cải hoa vàng”, nhạc (tuyển tập thiền ca), kịch “Bông hồng cài áo”, thư pháp thiền ngôn… là kho tàng kiến thức khổng lồ đưa đạo Phật vào đời sống thực tế bằng những câu chuyện sinh động, những thông điệp gần gũi đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Trong số đó, Nẻo Về Của Ý là bút ký được viết dưới dạng những lá thư mà thiền sư gửi cho hai người bạn vong niên là Nguyên Hưng và Steve, đã thể hiện rõ tinh thần Phật giáo dấn thân, khát vọng hòa bình, tình yêu quê hương đất nước của thiền sư khi phải chứng kiến sự loạn lạc, chiến tranh của đất nước. Cuốn sách này đã được cô Mobi Warren, một học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch ra tiếng Anh dưới nhan đề “Fragant Palm Leaves”, dày 232 trang do Parallax Press, Berkeley California phát hành lần đầu tiên năm 1998, được độc giả phương Tây đón nhận nồng nhiệt. Chỉ trong 5 năm, cuốn sách được dịch ra 12 thứ tiếng khác trên thế giới.

Tinh thần Phật giáo dấn thân trong Nẻo Về Của Ý

Nẻo Về Của Ý cho thấy những chất liệu đạo Phật, đó là trí tuệ, tình thương và ý chí, thông qua tôn chỉ của con đường dấn thân phụng sự: Phá chấp, thực chứng hiện pháp. Tinh thần này đã được nảy sinh, trưởng dưỡng qua từng sự kiện, từng hoàn cảnh, từng thay đổi trong tâm trí của Thiền sư .

1. Phá chấp:

Phá chấp là vượt thoát ra ngoài mọi thành kiến, mọi cố chấp và giáo điều. Trong đó kiến thủ, sự nô lệ, dính mắc vào một quan điểm, cần được diệt trừ. Đây là điểm đặc biệt nhất của đạo Phật4.

Tinh thần phá chấp là một thông điệp đã được thể hiện rõ trong Nẻo Về Của Ý, bày tỏ sự khao khát đóng góp cho cộng đồng, cho quê hương qua việc tìm hướng đi mới, không theo lối mòn, dám làm những việc mà trước đây thầy tu không làm. Chính tư duy này đã mở ra con đường phụng sự, thực hiện cái mộng làm những chàng dũng sĩ cho cuộc đời một cách kiên nhẫn bằng vốn liếng của cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng và những cái tài nấu cơm, quét sân, gánh nước, bổ củi5: Mà nấu cơm, rửa bát, quét nhà… không phải là làm cho xong mà chính là thiền, là tu, là rọi ý thức minh mẫn vào mọi động tác thân, khẩu, ý,… làm cho rạng rỡ mọi nẻo đường đi về của tâm, của ý. Đó chính là con đường thành Phật.

Những kinh nghiệm đời thường như thành lập làng tự nguyện, giúp dân chúng tự tổ chức lại nếp sống kinh tế, giáo dục, y tế theo tiêu chuẩn phát triển cộng đồng; Tổ chức các hoạt động huấn luyện đội ngũ tình nguyện có đủ kiến thức về xã hội, về tôn giáo, về phương pháp thực hiện các dự án chống đói nghèo, bệnh tật, ngu dốt, và vô tổ chức v.v… là các hoạt động trước đây những tăng/ni sinh trẻ chưa từng nghĩ đó là công việc thường nhật của người xuất gia. Những thanh niên tình nguyện không hành động vì lương bổng, quyền hành mà vì tình thương, ý thức trách nhiệm và quan trọng hơn là ý thức tự nguyện, dấn thân với tinh thần Bồ tát đạo Đại thừa. Trong bối cảnh này. Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, một tổ chức hỗ trợ tái thiết nông thôn với hơn mười ngàn tình nguyện viên hoạt động trên nguyên tắc bất bạo động và từ bi của đạo Phật, đã ra đời vào tháng 5 năm 1965. Trường hoạt động trên nguyên tắc 3 điểm tình thương, trách nhiệm, tự nguyện; 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và phụng sự phải song hành với tu tập. Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội nhắm đến sự đào tạo những người trẻ tuổi có chí hướng phục vụ trong xã hội nông thôn để cải tiến và phát triển xã hội khi đó. Trong suốt mười năm hoạt động (1965-1975), Thanh niên phụng sự xã hội luôn trung kiên với lý tưởng vì dân tộc, vì đạo pháp, vì hòa bình và tinh thần Phật giáo nhập thế.

2. Hiện pháp:

Hiện pháp là nhận biết được cái đang làm. Thấy được pháp, nếm được pháp. Thấy được Pháp là thấy Phật. Đức Phật dạy: Người nào thấy được duyên sanh người đó thấy được Pháp; người nào thấy được Pháp, người đó thấy được Như Lai6. Trong Nẻo Về Của Ý, độc giả dễ dàng nhận thấy chất hiện pháp có khắp trong các bối cảnh nơi mà thiền sư có mặt, dù là ở Phương Bối Am, hay ngôi nhà gỗ Pomona ở Nữu Ước, hay ở học xá Đại học Princeton… đó là khi thiền sư và Nguyên Hưng nằm nghe tiếng vượn hú hòa vào tiếng chim kêu đã vang vọng cả núi rừng, và cảm nhận Sương đã phủ khắp núi đồi xa xa. Phương Bối đã trở thành một cái gì có thực7. Thiền sư và các bạn đồng đạo đã có những ngày tháng tràn ngập tình thương và đầy ý nghĩa ở Phương Bối, nơi mà tâm hồn thi ca đậm chất thiền chưa từng từ bỏ tấm thân trần tục “Tôi còn đây, tôi hiện hữu cho thế giới hiện hữu, cho em hiện hữu.”8Hay những cảm xúc thương nhớ Phương Bối quay quắt khi đang ở học xá Đại học Princeton, dù thiền sư cảm nhận rõ Princeton thật là đẹp, nhưng mà Princeton không có những nét độc đáo của Phương Bối… không có những buổi sương mù bao trùm núi đồi và gây cho ta cảm tưởng đang đứng trên biển9. Bởi cái chất hiện pháp tồn tại, sống động trong tâm hồn của những người trẻ tuổi đang trong niềm ao ước tìm một lối thoát cho thế hệ trẻ muốn đem lý tưởng đạo Phật làm đẹp cho cuộc đời, cho quê hương. Đó chính là những người đang cố gắng quyết tìm con đường phải đi, tìm mọi cách gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc, mong phục hồi sinh lực dân tộc trong ước vọng xây dựng xứ sở.10

3. Thực chứng:

Thực chứng là có tính cách thực nghiệm. Cái biết thực chứng không phải là cái biết có tính cách lý luận của trí năng mà là cái biết đã được thực nghiệm của bản thân11, thâm nhập thế giới thực tại – Niết bàn (cốt lõi của hành trì). Trong Nẻo Về Của Ý, sự trải nghiệm của thiền sư được mô tả thật sinh động, khiến độc giả cũng hồi hộp, rung động theo cảm xúc của người trải nghiệm. Đó là khi thiền sư nghe tiếng vũ trụ gọi tôi về và tất cả bản thể tôi rung động đáp lại tiếng gọi ấy12, là cuộc đấu tranh thập tử nhất sinh trong một khoảnh khắc nào đó để được sống hay để được trở lại trong dòng lưu chuyển sâu thẳm13.

Thiền sư đã chia sẻ những trải nghiệm của sự thâm nhập thế giới nội tâm, cũng như những trăn trở, dằng xé nội tâm trong hành trình “thoát thai” từ sự chứng ngộ những giáo lý Phật giáo, bằng trải nghiệm thực tế của chính mình. Giáo lý của Phật không thể dùng tư duy để nắm bắt mà phải thông qua trải nghiệm. Bởi vì ngôn ngữ không thể diễn tả được chính xác những cảm xúc trải nghiệm sự chứng ngộ - Chân lý không thể đi mượn, chân lý chỉ có thể thực chứng. Chính điều đó đã hình thành rõ nét các khái niệm về Tứ diệu đế, Vô ngã, Vô thường, Chánh niệm, Luân hồi và Niết bàn … ở trần thế. Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn lấy con người và sự tu tập làm mục đích hướng đến. Từ hình thức đến nội dung đều mang trọng trách chuyển tải sự tu tập, mang đến cho mọi người một tinh thần nhập thế tích cực.

Những lời tâm sự của ông trong Nẻo Về Của Ý mô tả cuộc sống, chia sẻ những cảm xúc, khát vọng của người xuất gia trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết. Dù đi ra nước ngoài làm việc, hay sống trong vùng quê nghèo khổ, …người vẫn luôn nung nấu ý chí lớn, khao khát những kế hoạch hướng về quê hương, để có thể từng bước giúp thay đổi những vùng quê nghèo khó. Những lá thư, những lời bộc bạch tâm tư suy nghĩ, thể hiện khát vọng xây dựng quê hương, những hoạt động vì hòa bình, vì hạnh phúc của trẻ thơ và những vùng đất nghèo khổ… đều toát lên tấm lòng từ bi, hướng đến trí tuệ giải thoát khỏi cái khổ cho dân tộc, cho quê hương. Khi tiếp xúc với cuộc sống, với những khổ đau của thế giới bên ngoài, tinh thần Phật giáo nhập thế thể hiện qua sự chia sẻ cảm thông với tất cả những thử thách khắc nghiệt đó, để tìm ra phương thuốc màu nhiệm nhất bằng tâm bi mẫn, thương yêu người dân đang chật vật với cuộc sống nghèo khổ, đau thương của chiến tranh. Khởi ngộ tâm đại bi “là sự mở mắt trông thấy. Và chỉ có mở mắt trông thấy tận cùng mới khiến cho tình thương trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất của đại bi.”14

Trong đạo Phật, cái biết cao nhất là nhận thức duyên sinh, là sự liên hệ nhân duyên giữa mọi hiện tượng. Từ bi quán không thể tách khỏi nhân duyên quán. Quán nhân duyên để có thể nhìn thấy mọi sự việc bằng con mắt từ bi, để thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công cuộc ngăn chặn khổ đau cho con người, cho chúng sanh. Với tinh thần dấn thân, nhận lãnh trách nhiệm này thiền sư cùng các cộng sự đã thành lập các làng thí điểm ở miền Trung và miền Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, bị người dân nhìn với cặp mắt lạnh lùng, nghi ngờ, thái độ lạnh cứng… nhưng sự kiên nhẫn, khiêm cung và cẩn trọng của nhóm tình nguyện viên đã đủ sức thuyết phục họ thay đổi thái độ, nở nụ cười vồn vã, hưởng ứng tham dự vào dự án một cách chân thành.

Nẻo Về Của Ý thể hiện rõ tinh thần nhập thế bằng những chứng nghiệm tâm linh nhiệm mầu của sự vỗ đập nội tâm. Khi thiền sư nhận ra bản thể lớn rộng, thoát khỏi cái vỏ cứng cũ kỹ của bản ngã và nhìn thực tại bằng cái tâm vô phân biệt, sinh diệt, thiện ác, tốt xấu, khổ lạc, may rủi, có không… tất cả chỉ là sản phẩm của nhận thức, của hoàn cảnh, của quy ước xã hội. Chúng chưa bao giờ đứng riêng rẽ, trái lại luôn nương vào nhau để làm nên cuộc sống, thực tại. “Đau khổ nằm nơi cách nhìn và cách sử dụng của chúng ta đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc15 .

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chọn phương thức kết nối nội dung và tư tưởng giáo lý với nhau thông qua các tác phẩm mang tính ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống, cũng như các khóa tu được sắp xếp phù hợp với từng đối tượng, để đáp ứng nhu cầu tu học và tâm linh của công chúng. Với tinh thần Phật pháp gắn với đời sống chứ không phải chỉ lo tu học Phật pháp mà thờ ơ với đời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tạo nguồn cảm hứng cho mọi người về sự nghiệp dấn thân tu tập, chuyển hóa, phụng sự chúng sanh hướng đến đời sống an lạc, thảnh thơi ngay trong hiện tại bằng sự trải nghiệm thực tế, nhằm giúp truyền tải giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh đến giới trẻ.

Như lời một độc giả đã phát biểu sau khi đọc xong cuốn Nẻo Về Của Ý : “Sau khi đọc xong cuốn sách này, mình chỉ muốn sống một cách luôn có tỉnh thức - luôn nhận ra từng hành động, lời nói trong cuộc sống.” Đó cũng chính là thông điệp mà Nẻo Về Của Ý đã chuyển tải tới độc giả. Và cũng chính là một thể hiện rất cụ thể, thực tế của tinh thần Phật giáo nhập thế, đưa đạo vào đời, giúp độc giả, phật tử “ngộ” để chuyển tâm.

Kết luận

Mặc dù Nẻo Về Của Ý đã được viết từ 1966, nhưng gần 60 năm qua, tính thực tiễn của tinh thần nhập thế “dấn thân” của Phật giáo vẫn còn nguyên giá trị. Bởi bên cạnh việc duy trì sự phát triển tâm linh hướng nội, Phật giáo nhập thế cũng nhằm mục đích giảm bớt khổ đau, sự bất công trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo… thông qua cải cách chính trị và xã hội. Trong thực tế, con người luôn mong muốn phục hồi được sức mạnh tâm linh. Muốn vậy, chúng ta cần tự chủ, dựa vào sự tu dưỡng của chính bản thân mình. Chính vì vậy, sự tu dưỡng phải được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức khác nhau để thu hút sự tham gia của các lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Với tinh thần này, ngày nay nhiều tổ chức Phật giáo, chùa, tu viện… đã tạo môi trường đào tạo thanh thiếu niên thông qua các “khóa tu mùa hè”, “Khóa tu một ngày an lạc”, “Búp sen hồng”… hoặc các hoạt động thiện nguyện, trao học bổng, tham gia hoạt động xóa đói giảm nghèo để xây dựng tinh thần phụng sự, dấn thân, nuôi dưỡng lòng từ bi, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, sự đóng góp thiết thực của các tu sĩ, Phật tử như bếp ăn cho bệnh viện dã chiến, chợ không đồng, những tu sĩ tình nguyện khoác áo blue trắng chăm sóc bệnh nhân ở tuyến đầu… góp phần giúp xã hội giảm bớt khó khăn, vượt qua dịch bệnh.

Rõ ràng, hệ thống tổ chức Phật giáo đã và đang thể hiện vai trò trụ cột trong việc đảm bảo định hướng của tinh thần nhập thế của Phật giáo, giúp người xuất gia và tại gia thông hiểu luật học, hành xử tự tại và biết ứng dụng vào xã hội, để hóa độ chúng sinh. Tinh thần này giúp các tu sĩ hiểu rõ cách ứng dụng cho mình, ứng dụng cho người và ứng dụng cho đời. Chính vì vậy, tinh thần nhập thế của Phật giáo khẳng định được những điểm tựa tư tưởng của giá trị văn hóa và đạo đức, tránh việc rơi vào chủ nghĩa giáo điều trong ứng dụng Phật pháp.

Đạt đạo là một khoảnh khắc hay một hành trình? Sống đạo là một hành trình hay là một khoảnh khắc? Chính Nẻo Về Của Ý là một thiên ký sự ghi chép trung thực nếp sống đạt đạo ấy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đi cùng thiền sư lên đỉnh núi trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ qua Nẻo Về Của Ý16, chúng ta có thể khám phá ra chính mình, bằng bước chân và hơi thở của chính mình.

 


[1] Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, NXB Lá Bối, Sài G.n, T4

[2] Thích Nhất Hạnh (1965), Đạo Phật hiện đại hóa, NXB Lá Bối, Chương 2, Những Tu viện nhập thế

[3] Tỳ Khưu Indcanda (Nguyệt Thiên dịch), Tạng Luật (Vinaya Pitaka), Đại phẩm (32)

[4] Thích Nhất Hạnh (2013), Giới Tiếp Hiện Chú Giải, Lá bối, S, ebook, trang 18.

[5] Thích Nhất Hạnh (2022), Nẻo Về Của Ý, NXB Thế giới, H, trang 199.

[6] Kinh Tương ưng bộ III, Thiên Uẩn, mục V, Vakkali

[7] Thích Nhất Hạnh (2022), Nẻo Về Của Ý, NXB Thế giới, H, trang 40

[8] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 192

[9] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 43

[10] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 17

[11] Giới Tiếp Hiện Chú Giải, Sđd, trang 18

[12] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 61

[13] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 263

[14] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 309

[15] Nẻo Về Của Ý, Sđd, trang 162

[16] Nẻo Về Của Ý, Sđd, 2022, trang bìa 4.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6703668