Thông tin

TINH THẦN VÔ NGÃ VỊ THA CỦA BỒ-TÁT QUẢNG ĐỨC

QUA LỜI NGUYỆN TÂM QUYẾT

VÀ KỆ THIÊU THÂN CÚNG DƯỜNG


PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM


Bồ tát Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tức (Tuất) sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình mộ Phật, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và thân mẫu là Nguyễn Thị Nương. Năm lên bảy tuổi, ngài xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là bổn sư, vừa là cậu ruột, được Hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết, năm mười lăm tuổi thọ giới Sa-di, năm hai mươi tuổi (1916) thọ giới Tỳ-kheo, pháp hiệu là Quảng Đức. Từ đó, ngài bắt đầu hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh. Sau nhiều năm vân du ở miền Trung, sau năm 1945(1) ngài vào Nam để giáo hóa, từng đến Campuchia và Lào vài năm để học tập và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Khoảng năm 1960-1961, Ngài về lại quê hương Khánh Hòa hành đạo, sau đó mới về lại Sài Gòn trụ trì chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận. Cả một đời hành đạo, ngài đã từng nhận nhiều trọng trách của Giáo hội như Kiểm tăng Chi hội Phật giáo huyện Ninh Hòa, Kiểm tăng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, Phó trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt. Ngài đã khai sơn, kiến tạo và trùng tu 31 ngôi chùa (14 ngôi chùa ở miền Trung và 17 ngôi chùa ở miền Nam). Ngôi chùa cuối cùng ngài xây dựng và trụ trì lúc phát nguyện thiêu thân là chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận, Gia Định (nay là số 90 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh).

Từ sau năm 1954, Ngô Đình Diệm và anh em của ông cầm quyền nhiếp chính ở miền Nam Việt Nam đã có chủ trương đưa Thiên Chúa giáo làm quốc giáo, rồi tiến hành chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo, mà đỉnh điểm là vụ đàn áp Phật giáo bằng súng, tạc đạn và xe tăng tại Đài Phát thanh Huế vào tối ngày 8 tháng 5 năm 1963, khi quần chúng Phật tử và Tăng Ni biểu tình chống lại lệnh của chính quyền họ Ngô cấm treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật đản. Bấy giờ, ngài đã thỉnh cầu lãnh đạo Giáo hội Phật giáo để được thiêu thân cúng dường bảo vệ chính pháp. Được sự đồng ý của Giáo hội, vào sáng thứ Ba ngày 11-6-1963 (nhằm ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão), ngài đã tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là ngã tư Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) trước sự chứng kiến của hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử cùng nhiều quan sát viên, các nhà báo quốc tế và trong nước. Xin nói thêm, đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi hôm nay cũng vào ngày thứ Ba 11-6-2013, chúng ta tổ chức Hội thảo khoa học để nhìn lại phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam Việt Nam cách đây đúng nửa thế kỷ.

Hành động “Vị Pháp thiêu thân” của Hòa thượng trước đó đã có một số Tăng Ni tự nguyện thỉnh cầu, trong đó có Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997), song ban đầu các vị lãnh đạo Phật giáo không đồng tình, bởi nghĩ rằng với tinh thần đấu tranh bất bạo động của mình thì thế nào chính quyền họ Ngô cũng sẽ chấp nhận hòa giải, nhưng sau đó đứng trước hiện tình chính quyền họ Ngô đàn áp ngày càng gia tăng nên các vị lãnh đạo Phật giáo đã đồng ý với Lời tâm nguyện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Toàn văn Lời nguyện tâm quyết được ngài viết bằng tiếng Việt chữ Nôm vào ngày 04 tháng 6 (nhằm ngày 13 tháng 4 nhuần Quý Mão) tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn (nay là số 243 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Tp. HCM):

Xin được phiên âm sang chữ Quốc ngữ (bởi trong rất nhiều tư liệu sách và báo xuất bản từ 1963 đến nay không hiểu tại sao lại phiên âm bài văn này không chính xác so với nguyên tác, vì thế nay tôi phiên âm lại):

LỜI NGUYỆN TÂM QUYẾT(2)

Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định.

Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương ngả(3) nghiêng, tôi là một tu sĩ, mệnh danh là Trưởng tử của Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên toạ thị để cho Phật giáo(4) tiêu vong, nên tôi vui vẻ(5) phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng, Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Một là mong ơn Phật Trời(6) gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam, ghi trong bản Tuyên ngôn.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn, khủng bố bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xứng(7) yên muôn thuở.

Tôi thiết tha(8) kêu gọi chư Đại đức, Tăng, Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo. Nam mô A Di Đà Phật.

Làm tại chùa Ấn Quang, ngày 04 tháng 6 năm 1963.

Tỳ kheo Thích Quảng Đức thủ ký.

Theo tư tưởng nhà Phật, “Vô ngã” (無我 Anàtman) còn gọi “Phi ngã” (非我) là “không có cái ngã (ta)”, “không có cái ngã thể thường nhất”. Đối lập với “Vô ngã” là “Ngã” (我 Àtman), tức cái thể thường nhất. Cái dụng có chủ thể gọi là Ngã; khi chấp có thân người, gọi là Nhân ngã; khi chấp có pháp (tất cả hiện tượng trong thế giới hiện thực), gọi là Pháp ngã; khi chấp có bản thân mình, gọi là Tự ngã; khi chấp có kẻ khác, gọi là Tha ngã. Nhưng thân thể con người chỉ là giả tạm, nó có đấy nhưng không thật như nó vốn có, nó không thường hằng, nó hiện diện chẳng qua là do sự giả hợp của Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), của Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà có; bởi tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sinh ra, nhờ duyên tụ lại mà thành, hết duyên thì chúng sẽ tan rã rồi trở về với cái thể tính ban đầu, nên không có cái ngã thể thường nhất; đã không có Nhân ngã, không có Pháp ngã, thì cũng không có Tự ngã và Tha ngã. Như vậy, cuối cùng là không có cái Ngã. Đây là chân lý rốt ráo. Cho nên “Vô ngã” tức là không có cái Ta chân thật. Còn “Vị tha” (為他) là “vì người khác”, người có lòng vị tha là người có tấm lòng chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác, có thể vì người khác mà hy sinh lợi ích của mình, kể cả hy sinh bản thân cá nhân mình. Đây là một tư tưởng thể hiện tinh thần từ bi, bao dung, độ lượng vô bờ của nhà Phật, một trong những hạnh của Bồ-tát. Theo cách hiểu của dân gian, “vô ngã vị tha” là tinh thần “quên mình vì người”.

Lời nguyện tâm quyết của Hòa thượng Quảng Đức đã thể hiện tinh thần Vô ngã vị tha, Lợi lạc quần sanh của nhà Phật một cách rốt ráo viên mãn. Ngài sẵn sàng tự nguyện hy sinh thân giả tạm của mình để bảo tồn đạo pháp, để cảnh tỉnh nhà cầm quyền và kêu gọi họ hãy vì đất nước, vì dân tộc mà hồi tâm hướng thiện, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo. Lời tâm nguyện này được Hòa thượng viết bằng một ngôn ngữ trong sáng giản dị, lời lẽ ôn hòa, thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng.

Tiếp theo, ngài nêu lên 4 chí nguyện, với nội dung cầu nguyện cho “Phật giáo trường tồn”, “đất nước thanh bình, quốc dân an lạc”. Ngài cầu mong “Phật Trời gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam”, có ghi trong bản Tuyên ngôn ngày 10 tháng 5 năm 1963, đó là:

1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy chế đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10.

3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức”(9).

Trước khi về cõi Phật, Hòa thượng còn “trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, hãy thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo” có như thế thì nước nhà mới “vững yên muôn thủa”; đồng thời ngài còn nhắn nhủ Tăng, Ni, Phật tử “nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”. Chỉ có tấm lòng của bậc Bồ tát mới có suy nghĩ và phát biểu như thế.

Cùng với Lời nguyện tâm quyết, trước đó 5 ngày, tức ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (thứ Năm ngày 30 tháng 5 năm 1963), Hòa thượng đã viết bốn bài Kệ thiêu thân cúng dường chánh pháp bằng tiếng Việt chữ quốc ngữ với phong cách dung dị, lời lẽ trong sáng, dễ hiểu, mà 50 năm trước, trong mùa Pháp nạn 1963, lúc mới 10 tuổi, tôi có may mắn được đọc. Giờ đây đọc lại, vẫn còn xúc động và thấy thấm sâu hơn. Trong bốn bài thi kệ thì có ba bài đầu được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, còn bài thứ tư thì viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt gồm hai bài liền nhau. Bài thứ nhất viết để kính dâng chư Phật mười phương; Bài thứ hai để dâng chư Hiền Thánh Tăng; Bài thứ ba và thứ tư là lời dặn dò của ngài đối với toàn thể tín đồ Phật tử cùng các đệ tử xuất gia, tại gia mà ngài đã hóa độ. Tất cả đều thể hiện cái tâm độ lượng, khoan dung, vị tha của bậc Bồ-tát. Xin được chép lại toàn văn bốn bài thi kệ này, dù rất nhiều người đã biết, đã thuộc từ lâu:

Bài thứ nhất: Kính dâng thập phương chư Phật

Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình,

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh.

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác,

Tro trắng phẳng san hố bất bình.

Thân cháy nát tan ra tro trắng,

Thần thức nương nhờ giúp sinh linh.

Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng,

Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.

Ngày 8 tháng 4 nhuần Quý Mão

Bài thứ hai: Dâng chư Hiền Thánh Tăng

Phật giáo sử vàng máu thay son,

Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn.

Quyết diệt suy tàn nền Chánh pháp,

Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn.

Vì sự bất công tôi thiêu xác,

Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan.

Kính chúc tăng, Ni tâm dũng tiến,

Chánh pháp ngày mai phải trường tồn.

Ngày 8 tháng 4 nhuần Quý Mão

Bài thứ ba: Cùng toàn thể tín đồ Phật giáo

Cùng hàng Phật tử ở tại gia,

Hãy quên bản ngã, bỏ cái ta.

Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc,

Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia.

Thân tôi dù cháy linh thiêng máu,

Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà.

Đã mang danh thể con dòng Thích,

Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra.

Ngày 8 tháng 4 nhuần Quý Mão

Bài thứ tư: Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia

Thầy đã đến lúc biệt các con,

Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn.

Những gì đáng độ, Thầy đã độ,

Thầy tranh chánh pháp lúc mất còn.

* *

Gia Định, Sài Gòn hỡi các con,

Hà Tiên, Cai Lậy, Thầy vẫn còn.

Nam Vang, Núi Lớn, Thầy ghi dấu,

Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son.

Ngày 8 tháng 4 nhuần Quý Mão

Bài thứ nhất, hai câu đề theo lối trực khởi, Hòa thượng nói rõ mục đích việc ngài tự nguyện thiêu thân là để “soi sáng nẻo vô minh”, tức soi sáng cái thế giới tăm tối, mê muội mà chính quyền họ Ngô đang gây ra cho đất nước, dân tộc. Hai cặp thực và luận thể hiện việc tự thiêu của Hòa thượng là nhằm “cảnh tỉnh” những “người ác”, những người đang gieo rắc đau thương cho dân tộc đạo pháp và cũng là để san bằng những “hố bất bình” mà nhà cầm quyền đương thời đã tạo nên. Cái thân giả tạm dù có tan thành “tro trắng”, nhưng thần thức của ngài vẫn sống mãi để phù hộ độ trì cho tất cả con dân Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thoát khỏi cơn pháp nạn. Hai câu kết là lời kêu gọi nhà cầm quyền hãy gấp thức tỉnh, không nên mộng ảo mà gây tội ác nữa.

Sang bài thứ hai, như có nêu ở trên, từ khi lên cầm quyền, họ Ngô có chủ trương muốn đưa Thiên Chúa giáo làm quốc giáo, nên quyết tâm tiêu diệt Phật giáo, mà năm 1963 là đỉnh điểm của cao trào, cho dù Phật giáo Việt Nam là một đạo Phật nhập thế, hộ quốc an dân, đã đồng hành cùng dân tộc và đất nước gần hai mươi thế kỷ. Khác với Phật giáo Trung Quốc nhiều lần gặp nạn dưới thời phong kiến với “Tam Võ nhất tông chi ách”, trong khi đó thì Phật giáo Việt Nam từ lúc mới du nhập cho đến trước 1963, chưa bao giờ bị kỳ thị, bị chính quyền đàn áp. Dù hồi cuối thế kỷ XIV, vào thời vãn Trần, lúc Hồ Quý Ly làm Tể tướng phụ chính đại thần có chủ trương bài xích Phật giáo, có bắt ép một số sư tăng dưới 50 tuổi phải hoàn tục. Có chuyện này là bởi hồi ấy vào năm 1389 có một nhà sư tên là Phạm Sư Ôn đã nổi dậy ở lộ Quốc Oai thượng chống lại Hồ Quý Ly chuyên quyền. Việc này Đại Việt sử ký toàn thư có chép ở Kỷ nhà Trần: Thuận Tông hoàng đế(10). Nhưng hồi ấy chưa phải là “pháp nạn”. Đến năm 1963, lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam bị tai ương, mà Phật giáo sử gọi đó là “Mùa pháp nạn”: “Quyết diệt suy tàn nền Chánh pháp / Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn”. Để chống lại sự bất công đó, với tinh thần đấu tranh bất bạo động, Hòa thượng đã tự thiêu thân mình để “nguyện độ kẻ hàm oan” và mong toàn thể Tăng Ni cần dũng tiến, có như thế thì chánh pháp mới mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.

Ở bài thứ ba, ngài khuyên các tín đồ Phật tử “Hãy quên bản ngã, bỏ cái ta / Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc / Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia” bởi đã là con Phật thì hãy noi gương Bí Trí Hùng của Phật: “Đã mang danh thể con dòng Thích / Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra”.

Bài cuối cùng là lời ngài nhắn nhủ các đệ tử ở trong miền Nam, ngoài miền Trung. Cho dù thân xác ngài không còn nhưng bóng hình của ngài, hạnh nguyện của ngài vẫn mãi lưu dấu dù đó là Gia Định, Sài Gòn hay Hà Tiên, Cai Lậy hoặc Nam Vang, Núi Lớn, và đặc biệt là ở nơi quê hương: Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son. Hạnh nguyện ngài đến đây đã viên mãn. Theo ngài, suốt một đời hoằng dương chánh pháp những gì đáng độ cho đệ tử thì ngài đã độ cả rồi. Ngài đã về cõi Niết bản trong thanh thản, tự tại.

Chỉ có người tu hành chứng quả bồ đề, đạt cái hạnh Bát nhã ba la mật (Trí tuệ đáo bĩ ngạn) của bậc Bồ-tát mới có được thần thái như thế. Ngài Thích Quảng Đức chính là bậc Bồ-tát hóa thân để hoằng dương đạo Phật trong thời mạt pháp. Lời nguyện tâm quyết của ngài, tấm lòng vô ngã vị tha và đức Bi Trí Dũng của ngài đã được Phật Tổ ấn chứng, vì thế trái tim của Ngài sau bao nhiêu lần nung đốt vẫn nguyên vẹn và càng đốt càng rắn như kim cương. Đó là Trái Tim vĩ đại, Trái Tim Bất Diệt. Để giải đáp cho vấn đề này, xin được mượn lời của thầy Đức Nghiệp (nay là Hòa thượng Phó Pháp chủ thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) trả lời câu hỏi của một phóng viên quốc tế trong một cuộc họp báo lúc bấy giờ: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.

Ngày 26 tháng 3 năm Quý Tỵ
Ngày 5-5-2013

 


1. Nhiều tư liệu trước đây đều ghi là “năm 1943, rời Khánh Hòa vào Nam, ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài Gòn, Gia Định…”. Ở đây chúng tôi căn cứ vào “Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức” của Lê Mạnh Thát, dịch, giới thiệu, Nxb Tổng hợp, TP. HCM, 2005.

2. Chữ này đọc là “quyết”, trước đây phiên âm “huyết” là không đúng.

3. Chữ này đọc là “ngả” hay “ngửa” đều được, ở đây chúng tôi đọc là “ngả nghiêng”.

4. Chữ này đọc là “giáo”, không thể là “pháp” như trong các sách báo trước đây.

5. Chữ này đọc là “vẻ”, không thể đọc là “lòng”, trong văn bản này có chữ “lòng” với tự dạng khác.

6. Chữ này phải đọc là “Trời” (????),một số tài liệu trước đây đã phiên âm chữ này “Tổ” là không đúng.

7. Chữ này đọc là “xứng”, không thể đọc là “vững” như trong các sách báo trước đây.

8. Chữ này đọc là “thiết tha”, chứ không thể là “tha thiết” như trong các sách báo trước đây.

9. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 04-HS.8352. Dẫn lại: Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa, Huế, bản in lần 4, 2008, tr.170.

10. Xin xem: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Viện Sử học, tập 2, Nxb KHXH, HN, 1971, tr.207

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 275
    • Số lượt truy cập : 6948515