TÌNH THƯƠNG CỦA MẸ
HẠNH PHƯƠNG
Ngay từ độ tuổi tập tễnh vào đời, được đọc “ LÀM CON NÊN NHỚ” của nhà văn Lộc Đình, tôi đã cảm nhận sâu sắc khi đọc câu văn thống thiết mà sau đó thi sĩ Đông Hồ đã nhắc lại hai lần, trong lá thư gởi lại cho Lộc Đình: “Một nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của cha mẹ thì cha mẹ thường đã khuất bóng”.
Cha bỏ tôi đi rất sớm, lúc tôi chưa tròn bốn tuổi. Lúc tôi chưa hề nếm được hương vị tình thương của cha như thế nào. Tôi cũng chưa hề thấy ánh mắt nghiêm khắc của nghiêm đường như thế nào. Khi cha khuất núi, tôi chưa đủ tri thức nhận ra nỗi đau của đứa trẻ mồ côi. Nhưng, khi tri giác vừa nhận thức được nỗi đau mồ côi, cũng là lúc tôi dị ứng với khái niệm: “Con không cha như nhà không nóc”.
Dù thiếu vắng cha, tôi tự thấy mình hạnh phúc hơn những bạn cùng trang lứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, các bạn không có cả ông, bà, cô, chú, bác, cậu dì dang tay che chở bảo bọc... Các bạn đành nương thân nơi một cô nhi viện nào đó.
Tuy mồ côi cha, nhưng may mắn tôi còn mẹ. Tôi cảm nghĩ rằng còn mẹ là còn cả một gia tài tình thương, còn cả một kho báu tình thương vô giá, còn cả một nguồn suối tình thương vô tận.
Dù con của mẹ ích kỷ, muốn dành lấy tình thương của mẹ cho riêng bản thân mình, thì dành bao nhiêu cũng không trọn, không hết... Vì tình thương của mẹ là suối nguồn không bao giờ cạn, chẳng lúc nào khô.
Ngay từ thơ ấu, tư tưởng của nhà văn Lộc Đình, đối với tôi đã trở thành một nỗi ám ảnh. Tôi tự thắp sáng tư tưởng ấy làm ngọn đuốc soi đường khi tâm tư mình nghĩ đến cha mẹ.
Mẹ tôi còn đó, tôi có mặt ở đây. Tôi tự nhủ lòng, làm sao hiểu hết tình thương của mẹ...
Từng ngày, từng ngày, tôi tự thắp sáng ý thức tự răn: Hãy mở mắt mà nhìn, hãy lắng tai mà nghe, hãy tỉnh thức đón nhận tình thương của mẹ, cảm thọ được tình thương ngọt ngào của mẹ ngay khi mình đang diễm phúc có mẹ bên mình. Chớ nông nổi vô tâm đợi đến khi “mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm” rồi mới thở than “trong khi con ngồi, mẹ bỏ con đi, trong khi con nằm, mẹ bỏ con đi” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát. Chớ đợi đến khi ấy mình mới kịp nhận ra nhịp đập trái tim dạt dào tình thương của mẹ, vị ngọt đượm đà của dòng sữa mẹ, nguồn suối tình thương vô biên vô tận của mẹ.
Mẹ tôi, đích thị là một bà mẹ quê chơn chất. Một bà mẹ quê như triệu triệu bà mẹ quê Việt Nam yêu dấu mà nhạc sĩ Phạm Duy từng ca ngợi: “ Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều”.
Mẹ tôi mù chữ, tận đến khi từ giã cõi đời, mẹ tôi vẫn chưa hề biết đến khái niệm tượng hình “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ...” của chữ quốc ngữ. Nói như thế, để thấy, về mặt tri thức, mẹ tôi chưa hề vướng bận bất cứ một tư tưởng lý luận triết học cao siêu nào về tình thương, tình yêu của nhân loại.
Mẹ tôi, tuy mù chữ nhưng tuyệt đối không mù tình thương.
Mẹ có con, nên mẹ thương con.
Khi con khát sữa, thì mẹ cho con bú. Khi con khát nước, thì mẹ ngụm nước cho con uống. Khi con đói, mẹ mớm cơm cho con ăn.
Mẹ làm tất cả công việc ấy hệt như chim mẹ mớm mồi cho chim con ăn. Mỗi khi chim mẹ nhặt được miếng mồi ngon, liền nghĩ tới chim con; chim mẹ ngậm mồi giữ nơi cuống họng rồi bay về tổ. Khi vừa tới vòm cửa tổ , thấy chim con đang đói, nhốn nháo há miệng là chim mẹ rùng mình rướn gân cổ ói ngược mồi ra mớm vào miệng chim con, rất đồng đều, mỗi đứa một miếng... Chim mẹ quên mình cũng đang đói. Chim mẹ quên cả mình cũng cần ăn.
Mẹ đành cam mình khát cổ, bỏng họng mà sẵn sàng mớm hết cho con ngụm nước cam lồ mát ngọt.
Tình mẹ thương con là vậy. Khi mẹ thương con là lúc mẹ quên thân mẹ. Mẹ đã cùng chan hòa làm một với con và với cả cuộc đời lớn rộng ngoài kia.
Đức Phật dạy rằng dòng sữa mẹ, con đã bú từ vô lượng kiếp trước đến nay nhiều hơn nước của cả bốn đại dương mênh mông. Nghe lời dạy của Phật, tôi cảm nhận ân tình bao la sâu dày từ vô lượng kiếp cha mẹ đã cho mình. Khi vâng lời Phật dạy, tôi thiên hướng suy tư ân nghĩa, hiếu đạo cần phải báo đáp nhiều hơn tình thương của mẹ. Khi đọc những dòng của thầy thuốc Đỗ Hồng Ngọc, tôi xin chép lại sau đây, rồi chắc rằng bạn đọc sẽ đồng cảm tính vô ngã nơi tình thương của mẹ.
Với cái nhìn đầy tuệ giác, nhà văn, nhà thơ, thầy thuốc Đỗ Hồng Ngọc từng viết:
“Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng hào. Mẹ lùn thấp để con đươc vọt lên cao. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con càng ngày càng rạng rỡ tươi xinh”.
Đồng cảm tư tưởng ấy, tôi muốn nói thêm, khi thương con thì mẹ quên đi tất cả.... quên đói, quên khát, quên nhan sắc thanh xuân, quên mệt mỏi rã rời, quên khổ đau khắc khoải... Ở giữa cuộc đời, ngổn ngang cạm bẫy, duy nhất mẹ chỉ thấy con của mẹ rất cần dắt dìu, đỡ nâng, bảo bọc. Khi làm việc, người đời quen gọi là nuôi con chính là lúc mẹ không còn thấy mẹ. Mẹ không còn để ý gì đến sự tàn phai bản thân mẹ . Mẹ hồn nhiên vắt cạn sinh lực cho con mà không hề có mảy may ý niệm đòi con đền trả. Mẹ không bao giờ băn khoăn tự hỏi vì sao bây giờ vai lưng mình cong oằn xuống. Không hề lo âu thắc mắc vì sao bây giờ mắt nhuế nhóa, da nhăn nheo...
Phần lớn mọi người đều có thể nhận biết biểu hiện tình thương cha mẹ. Khi thấy con vấp ngã, mẹ lập tức chạy đến bế và ôm con vào lòng. Ngay khi ấy trái tim của mẹ đang loạn nhịp, mẹ nào có nghe ra. Điều ấy, chứng minh bản chất thuần nhiên tình thương của mẹ dành cho núm ruột của mình.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/ Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào/ Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào/ Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu... Những ca từ ấy, giai điệu ấy cứ ngân nga trong tôi, dù có mẹ hay không có mẹ bên cạnh.
Bình luận bài viết