Thông tin

TÌNH THƯƠNG YÊU VÔ TẬN

 

VIÊN THẮNG

 

 

Khi chúng ta nói về ‘tình thương yêu vô tận’ thì chỉ có tâm lượng của chư Phật, Bồ-tát và các vị Thánh hiền dành cho chúng sanh tình thương yêu tuyệt đối bình đẳng; bởi vì các Ngài không còn tâm phân biệt, so đo, tính toán, cho nên trong kinh đức Phật từng dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.

Chính vì lòng thương yêu chúng sanh như vậy, nên thái tử Tất-đạt-đa mới đủ bản lĩnh từ bỏ tất cả từ quyền lực cao nhất, cung son điện ngọc, cho đến người thân như phụ hoàng, mẫu hậu, vợ đẹp, con xinh v.v… để vào rừng sâu nước độc, tự mình tu hành tìm ra chân lý giải thoát, chứng quả vị Phật cao tột, cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi nỗi đau khổ trầm luân trong sáu đường. Do đó, đức Phật nhập diệt đã gần 2.600 năm nhưng lời Ngài dạy vẫn có giá trị vô cùng. Ngày nay trên thế giới ngày càng có rất nhiều người trí thức tìm đến đạo Phật tu học rất đông, vì họ tìm được sự an lạc ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Còn hàng Bồ-tát phát nguyện độ chúng sanh được an vui, cho dù thân mình chịu nhiều đau khổ thì đông vô số kể. Như Bồ-tát Quán Thế Âm phát nguyện cứu khổ ban vui cho hết thảy chúng sanh nên có hình tượng Bồ-tát nghìn tay nghìn mắt. Ở nơi nào chúng sinh gặp tai nạn, đau khổ bức bách mà chí thành niệm danh hiệu Bồ-tát thì ngài liền đến cứu. Vì muốn cứu độ chúng sinh nên Bồ-tát theo tâm nguyện của mỗi loài mà hiện hình tướng khác nhau, như trong phẩm Phổ Môn thứ 25, kinh Pháp Hoa nói: Bồ-tát thị hiện ba mươi hai ứng hóa thân để dạy bảo, cứu giúp chúng sinh. Con số ba mươi hai chỉ là một con số tượng trưng. Thật ra, Bồ-tát ứng hiện vô lượng vô biên thân trong thế giới Ta-bà này; cho nên, chúng ta gọi Bồ-tát là mẹ hiền.

Bồ-tát Địa Tạng nguyện vào địa ngục cứu khổ chúng sinh, nên ở trước đức Phật ngài phát nguyện hùng hồn: “Khi nào trong địa ngục không còn chúng sinh thì con mới thành Phật”. Và Tôn giả A-nan cũng ở trước đức Thế Tôn phát nguyện mạnh mẽ: “Đời đau khổ con thề vào trước; dù gian nguy chí cả không sờn”.

Còn hàng phàm phu chúng ta phước mỏng, nghiệp chướng sâu dày, tuy không dám phát nguyện rộng lớn như chư Phật, Bồ-tát nhưng cũng phát tâm nho nhỏ, cố gắng thực hành một chút mảy may theo hạnh nguyện của các ngài, mở rộng lòng để giúp đỡ những người đang chịu nhiều đau khổ về vật chất hay tinh thần ở trong thế giới Ta-bà này.

Ở miền Trung quê tôi là nơi thường xảy ra bão lụt hàng năm. Phần đông người dân làm nghề nông nên khi gặp trời hạn hán hay bão lụt thì đời sống của bà con khó khăn vô cùng. Do đó, mỗi khi các cơn bão đi qua thì có rất nhiều đoàn từ thiện ở thành phố về cứu trợ, giúp đỡ bà con nghèo trong cơn thiếu thốn. Mặc dù món quà ấy chỉ giúp họ qua cơn đói khổ năm, ba ngày nhưng tình người ấm mãi trong lòng họ.

Vừa rồi trên mạng đưa hình ảnh ông cụ già ở xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang tóc bạc trắng, da nhăn nheo, khuôn mặt khắc khổ nghẹn ngào khóc nức nở, khi cụ nhận được thùng mì tôm của đoàn từ thiện. Không chỉ mình ông cụ mà những người có mặt tại buổi tặng quà hôm đó khi nhận được những phần quà, họ đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc. Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

Một tấm lòng nhạc sĩ viết trong bài hát này, đó là tâm chân thành đối với mọi người xung quanh mình. Bởi vì ngày nay, ở đâu chúng ta cũng gặp những người lừa đảo quá nhiều. Ngay cả hình ảnh người xuất gia mà bọn chúng cũng lợi dụng chiếc áo đi lừa đảo gạt gẫm mọi người để trục lợi, làm cho mọi người mất cả niềm tin vào cuộc sống. Thế nên người ta dành cho nhau một tấm lòng có ý nghĩa vô cùng giữa cuộc sống hiện đại tất bật xô bồ, đầy những bon chen, rất nhiều góc khuất, nên lòng người lúc nào cũng đầy hoài nghi.

Ngồi viết đến đây tôi chợt nhớ đến tác phẩm Những người khốn khổ  của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862, là một tác phẩm nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới ở thế kỷ 19, tôi được đọc khi còn nhỏ. Văn hào Victor Hugo cũng từng viết: “Trên đời này chỉ có một việc duy nhất, đó là yêu thương nhau, thế thôi!”. Việc duy nhất này thật khó làm, nên xã hội còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh sống trong cô độc không có tình thương. Chính vì thế mà M.Gorki đã nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.

Đúng vậy! Chỉ có tình yêu thương chân thật mới giúp cho chúng ta sống chung thủy, biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Còn những kẻ chỉ quen sống cho bản thân mình thì khi họ gặp một chút khó khăn thì liền quên đi người khác. Cho nên có duyên gặp nhau ở cõi này thì chúng ta hãy cố gắng:

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương

Tình người muôn thuở vẫn còn vương

Chắt chiu một chút tình thương ấy

Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Nhân ngày lễ đức Thế Tôn thành đạo (mùng 8 tháng 12), hàng đệ tử chúng con nhớ lại hạnh nguyện của Ngài để nhắc nhở mình cố gắng thực hành một chút tâm từ bi theo Ngài, cầu mong thế giới này mọi người dành tình thương cho nhau ngày càng rộng lớn thì thế gian này sẽ bớt đi chiến tranh thù hận, giết hại lẫn nhau. Ai ai cũng sống trong cảnh an vui thái bình, đó chính là “Tình thương yêu vô tận”.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 187
    • Số lượt truy cập : 6947255