Thông tin

TỔ ĐÌNH KIM CANG NƠI HỌC ĐẠO 10 NĂM (1896-1906)

CỦA TỔ KHÁNH HÒA

 

Đại đức THÍCH AN KHANG*

 

Cuộc đời học đạo, hành đạo của Tổ Lê Khánh Hòa trong bối cảnh Phật giáo chưa phát triển, tinh thần không ngại khó khăn, chẳng từ lao nhọc dấn thân làm Phật sự của Tổ đã tô đậm dấu son Phạm hạnh của người Tăng sĩ.

Trong cuộc đời hành đạo của bậc tiền bối Lê Khánh Hòa thì không thể không nhắc đến những năm tháng ngài tu học với Tổ Minh Lương- Chánh Tâm - trụ trì chùa Kim Cang, phủ Tân An. Tổ Minh Lương- Chánh Tâm còn là vị Thầy khai sáng lớp Phật học đầu tiên ở miền Nam đào tạo Tăng Ni nhằm nâng cao kiến thức Phật học để xương minh đạo pháp trong thời kỳ nước nhà bị Pháp đô hộ. Hiện tại, có nhiều tài liệu nghiên cứu về quá trình tu học lẫn hoạt động của Tổ Lê Khánh Hòa qua nhiều công trình đã công bố, song vẫn còn một cột mốc thời gian đặc biệt về cuộc đời hành đạo Tổ Khánh Hòa mà chưa có một tư liệu nào đề cập đến. Đó là thời gian mà ngài học đạo với Hòa thượng Minh Lương-Chánh Tâm tại Tổ đình Kim Cang, nay thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Quá trình hình thành Tổ đình Kim Cang

Tổ đình Kim Cang ban đầu có tên là chùa Phước Long, do Hòa thượng Minh Lương - Chánh Tâm, đời thứ 40 thuộc dòng Lâm Tế chánh tông, xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX. Chùa nằm bên bờ phía Nam của dòng sông Cầu Voi, cách quốc lộ 1A 500m về hướng Đông, cách Tân An 7km về hướng Nam Sài Gòn.

Trước đó, vào năm 1820, đời thứ vua Minh Mạng - Nguyễn Phúc Đảm trị vì, Tổ sư Đại Bồ, hiệu Thiện Đề, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, đã chấn tích trượng thiết lập ngôi cổ tự, hiệu Phước Long. Chùa tọa lạc tại thôn Bình Khuê, tổng Thuận Đào, huyện Cửu An, phủ Tân An. Đồng bào Phật tử quy ngưỡng Phật pháp và tu tập rất đông1.

Đến đời vua Tự Đức, Tổ Đại Bồ viên tịch, chùa Phước Long vắng trụ trì trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1860, Hòa thượng Chánh Tâm (1837 – 1906), thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40 đang trụ trì chùa Hàn Lâm (phủ Tân An) cách chùa Phước Long 6km, thể theo lời thỉnh cầu của Phật tử chùa Phước Long, ngài đã hứa khả đảm nhiệm Phật sự hoằng truyền chánh pháp.

Năm 1865, nhận thấy các hạng mục của ngôi chùa bám đầy rêu phong, xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo sinh hoạt tâm linh cho tín đồ, hơn nữa vị trí địa lí ngôi chùa không phù hợp phát triển Phật sự trong tương lai, Hòa thượng Chánh Tâm quyết định dời chùa Phước Long về hướng Đông khoảng 300m và đổi tên thành chùa Kim Cang, nay là số 109/1, ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Bối cảnh lịch sử Phật giáo giai đoạn 1865-1906

Chúng tôi nêu mốc lịch sử giai đoạn 1865-1906 với mục đích nhấn mạnh về thời gian bắt đầu thành lập chùa Kim Cang cho đến năm Hòa thượng Chánh Tâm trụ trì viên tịch. Trong khoảng thời gian đó, Tổ Lê Khánh Hòa cũng từng lưu trú chùa Kim Cang học đạo, tu hành.

Trong giai đoạn này, lịch sử xã hội nước ta nhất là vùng Nam bộ chịu tác động rất lớn bởi chính sách cai trị của thực dân Pháp. Văn hóa phương Tây đã tác động không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ. Lê Văn Hảo nhận định “... do tác động của chính sách khai thác thuộc địa và ảnh hưởng của văn hóa, văn minh Pháp và phương Tây, nền kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn theo hướng hiện đại hóa ..."2.

Thời điểm này, Nho giáo cũng có chỗ đứng nhất định, việc ứng thí khoa bảng tạo sức hút mới cho những người mưu cầu thay đổi số phận chốn địa vị quan quyền, một số triều đại phong kiến thời Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã lấy Nho học làm nền tảng tinh thần quốc gia.

Vì vậy, hai nền văn hóa Tây học và Nho học được nhiều người quan tâm, còn Phật giáo chỉ hoạt động trên danh nghĩa hình thức. Công việc chính của Tăng sĩ, không khác gì một ông Từ, chỉ lo việc đốt nhang, quét dọn chùa chiền, phụ trách tang lễ, cầu an, cầu siêu cho dân chúng trong thôn làng.

Một số tiền đề khơi dậy tâm huyết

Thể chế chính trị và yếu tố thay đổi văn hóa đã nêu, tác động đến lý tưởng hành đạo của một số Tăng sĩ lúc bấy giờ. Các chùa từ Bình Định, Phú Yên trở vào Nam âm thầm ủng hộ Phong trào Cần Vương. Khu vực trong Nam nổi bật như các vùng Chợ Gạo,Tiền Giang, vùng Đồng Tháp Mười thì người dân tích cực chống Pháp dưới sự lãnh đạo Thiên Hộ Dương. Không ít những cơ sở thờ tự Phật giáo trở thành cơ sở hoạt động kháng Pháp và Tăng sĩ không ngại tham gia công cuộc vệ quốc. Điển hình cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ năm 1898 đã thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo. Điều này, tác giả Nguyễn Lang ghi nhận: “Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Võ Trứ tại Phú Yên năm 1898 đã vận động được sự yểm trợ của rất đông tín đồ Phật giáo trong hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Lực lượng chủ yếu của cuộc khởi nghĩa này là Phật tử chứ không phải là nho sĩ, dù danh nho Trần Cao Vân cũng có mặt trong cuộc vận động. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, tất cả các chùa chiền trong hai tỉnh đều bị lục soát, và số tăng sĩ bị bắt giam rất là đông đảo3. Một số ít Tăng sĩ có hoài bão, có lý tưởng muốn phát huy thế mạnh vốn có của Phật giáo bằng con đường hoằng pháp thuần túy, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, bởi lẽ chẳng tìm ra một ngôi trường đào tạo đúng nghĩa, một lãnh đạo tổ chức hành chánh định hướng. Bối cảnh Phật giáo trong giai đoạn này đang lâm vào tình thế rơi tự do.

Sự xuất hiện của bậc danh tăng Phật giáo

Trước tình thế vận mệnh Phật giáo ngày càng ảm đạm, Tăng sĩ chưa có nơi đào tạo kiến thức Phật học cơ bản, nhuệ khí, tinh thần học pháp, hoằng pháp ngày càng suy yếu, việc xây dựng một lớp học chuyên môn về Phật pháp mang tính vô cùng cấp bách. Căn cứ bối cảnh thực tế, trên tinh thần chấn chỉnh giáo đoàn của Phong trào chấn hưng Phật giáo:

- Chỉnh đốn Tăng-già,

- Kiến lập học đường,

- Dịch thuật và xuất bản kinh sách.

Vì thế, khoảng đầu năm 1880, Hòa thượng trụ trì Chánh Tâm - với kiến thức Phật học sâu rộng và uy tín danh đức khắp vùng Lục tỉnh, ngài đã mở lớp Phật học dành cho chư Tăng đầu tiên ở miền Nam. Trải qua thời gian không lâu, lớp học đã quy tụ được rất nhiều Tăng sĩ tham gia. Qua nhiều thế hệ đào tạo, những bậc cao đức có tầm ảnh hưởng lớn, giúp cho Phật giáo khởi sắc như: HT. Khánh Huy, HT. Khánh Đức, HT. Khánh Thoại, đặc biệt là sự xuất chúng của Hòa thượng Lê Khánh Hòa - linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo về sau.

Hòa thượng Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, sinh ngày 22 tháng 4 năm Mậu Dần (1877), tại làng Phú Lễ, tổng Bảo An, nay là xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 19 tuổi, ngài đến chùa Kim Cang, phủ Tân An cầu pháp thế độ với ân sư Phật hiệu Chánh Tâm. Hành trạng của ngài như một nét son tô điểm Phật giáo trong giai đoạn khó khăn nhất. Mười năm chuyên trì học tập, ngài giác ngộ giáo lý, thấy được giá trị đích thực của một người tu sĩ Phật giáo vô cùng to lớn. Suốt cuộc đời của tổ Khánh Hòa nói và làm chỉ duy nhất một mục đích tối hậu không gì khác hơn sao cho sống dậy tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo. Do đó, ngài đã kêu gọi toàn Tăng Ni cả nước ‘Chấn hưng Phật giáo’.

Công đức của ngài để lại cho tăng ni, tín đồ Phật giáo hậu thế khó thể nghĩ bàn. Cuối đời trăn trở sứ mệnh chưa nguôi, theo luật vô thường 60 năm kiếp người viên mãn, Ngài xả bỏ huyễn thân vào năm Đinh Hợi (1947) tại chùa Tuyên Linh, Bến Tre.

Mộc bản kinh và dấu ấn của Tổ Khánh Hòa tại Tổ đình Kim Cang

Năm 1885, vì muốn bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo, để đáp ứng tài liệu cho việc giáo dục, đào tạo Tăng sĩ, Hòa thượng Chánh Tâm mời một nhóm thợ nổi tiếng ở địa phương4, thực hiện công trình điêu khắc Mộc bản kinh. Hòa thượng đã tiến hành khắc các mộc bản kinh như: Nhân Quả Thực Lục, Kim Cang, Ngũ Hối. Nhờ nghệ thuật điêu khắc, chế tác những đường nét tinh xảo, khuôn chữ vuông vắn của các bản khắc mộc mà khi in mực rõ ràng, dễ đọc. Những bản kinh này đã lưu giữ dấu ấn Phật pháp trong thời kỳ đầu mới truyền sang Việt Nam và được chư Tăng trân trọng giữ gìn như bảo bối trong chốn Tòng Lâm.

Đặc biệt, bản kinh “Nhân Quả Thực Lục” được thực hiện đầu tiên5. Quá trình thực hiện vô cùng công phu, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Theo lời kể của người cháu một vị sư đã từng tham gia khắc bản kinh gỗ ở chùa Tịnh Độ gần bên chùa Kim Cang. Một ngày mỗi người thợ chỉ khắc được một hàng mười lăm chữ. Theo tính toán số lượng bản kinh, thì ước tính thời gian 5 năm mới hoàn thành một bản kinh Nhân Quả.

Đầu năm 1891, Hòa thượng Chánh Tâm, tiếp tục thực hiện tác phẩm Kinh Kim Cang và kinh Ngũ Hối, công việc này kéo dài gần 13 năm. Tổng số bao gồm các bản kinh hiện có 299 bản kinh khắc gỗ. Mỗi bản có kích thước 25x35, chất liệu toàn bộ thực hiện bằng gỗ mít. Công trình bản kinh khắc gỗ tạo hiệu ứng lan tỏa đến các chùa trong khu vực, những ngôi chùa ấy như chùa Tịnh Độ, huyện Thủ Thừa, chùa Hoằng Khai, chùa Phước Long xưa kia cũng trực thuộc Phủ Tân An nay là thành phố Tân An,… Những nơi đây trở thành vệ tinh Mộc bản kinh vô cùng phong phú.

Vào năm 1896, chùa đang thực hiện Mộc bản kinh Kim Cang, thì có vị tăng lữ trẻ Lê Khánh Hòa từ Bến Tre đến cầu học đạo, và nhận được sự giáo dưỡng trực tiếp từ nơi Hòa thượng trụ trì Chánh Tâm. Lúc này, ngài đã vào tuổi lục tuần (59 tuổi), và Tổ Lê Khánh Hòa vừa tròn 19 tuổi.

Suốt mười năm (1896-1906) nương Thầy tinh cần học tập, với bẩm tính thông minh và sự chú tâm giúp sức khắc các bộ kinh gỗ để làm tư liệu dạy học, nên chẳng bao lâu tăng sĩ Lê Khánh Hòa lãnh hội hầu hết các kinh được dạy tại lớp học, đặc biệt thấu triệt huyền diệu bộ kinh Kim Cang. Vì thế, ngoài việc tu tập theo thời khóa thiền môn, khắc mộc bản kinh, ngài còn được Tổ Chánh Tâm phân công thực tập giảng dạy chữ Hán, Phật pháp căn bản cho các vị học Tăng khác. Với chí tham học, khiêm cung, tâm nhiệt huyết hoằng dương Phật pháp, Tổ Lê Khánh Hòa được Thầy quý mến, các bạn đồng học tin kính. Dù tuổi còn trẻ nhưng ngài đến những điểm trường hạ nào, ban chức sự nơi ấy đều thỉnh giảng chuyên về kinh Kim Cang, chẳng hạn: Năm 1904, trong kì nhập hạ đầu tiên tại chùa Long Hoa ở quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, ngài được mời giảng kinh Kim Cang Chư Gia cho đại chúng. Đây là lần đầu tiên ngài chính thức làm giảng sư Phật học.

Theo nhiều cứ liệu ghi nhận, khoảng thời gian nhập hạ ở chùa Long Hoa, quận Gò Vấp, Tổ Lê Khánh Hòa đã về trụ trì chùa Tuyên Linh ở Bến Tre và đi bộ từ đó lên Sài Gòn. So sánh với mốc thời gian ngài lưu trú tại chùa Kim Cang (1896-1906), chúng tôi cho rằng chi tiết trên không phù hợp. Thứ nhất về lộ trình, từ Bến Tre lên Gò Vấp, có hơn 100km tính đường chim bay. Thứ hai về phương tiện di chuyển, vào thời kỳ Pháp thuộc, phương tiện vận chuyển chủ yếu người dân Nam Bộ bằng xe ngựa, đi bộ hoặc bằng đường thủy nhưng lại rất lâu. Với hình dáng đầu tròn áo vuông, không thể ngồi trên xe ngựa, thế nên không còn phương cách nào khác, Hòa thượng Khánh Hòa chỉ đi bộ đến chùa Long Hoa, Gò Vấp để nhập hạ; đương nhiên đi bộ hơn 100 km trong thời loạn lạc thì vô cùng nguy hiểm, nên chúng tôi cho rằng chỉ có ở từ chùa Kim Cang, phủ Tân An đi bộ đến Gò Vấp là hợp lý và thuận lợi hơn, vì khoảng cách từ đây, rất gần hơn nhiều so với Bến Tre.

Một điểm thiết thực nữa là, lúc này ở chùa Kim Cang đang vào giai đoạn gấp rút khắc mộc bản kinh Kim Cang. Với một người chí tình, chí nghĩa như Tổ Lê Khánh Hòa thì ngài không vội rời Tổ Chánh Tâm trong giai đoạn cần người như vậy. Thế nên, chúng tôi tin rằng tăng sĩ Lê Khánh Hòa vẫn gắn bó với Tổ Chánh Tâm để học đạo, dù rằng nơi quê nhà - vùng Bến Tre, ngài gánh thêm trách nhiệm của Tổ Thầy giao phó ngôi vị trụ trì. Do vậy, không phải là 3 năm hay 5 năm như các tài liệu đã lưu hành về cuộc đời và sự nghiệp của tổ Khánh Hòa, mà ngài đã lưu trú tu học tại chùa Kim Cang đến 10 năm bắt đầu từ 1896 đến lúc tổ Chánh Tâm viên tịch ngày mùng 4 tháng 4 năm 1906.

Cuộc đời học đạo, hành đạo của Tổ Lê Khánh Hòa trong bối cảnh Phật giáo chưa phát triển, tinh thần không ngại khó khăn, chẳng từ lao nhọc dấn thân làm Phật sự của Tổ đã tô đậm dấu son Phạm hạnh của người Tăng sĩ. Nhưng tiếc thay, trong thời ly loạn, các thông tin không được ghi nhận bằng văn bản chi tiết, khiến cho cứ liệu về ngài vẫn còn nhiều bí ẩn và chúng tôi nhận thấy có những điều chưa thống nhất và sáng tỏ.

Ngoài thời gian lưu trú đã nêu ở trên, chúng tôi còn có một khúc mắc không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách, trí tuệ của tổ Khánh Hòa; điển hình như về người thầy dạy học trực tiếp lúc tổ Khánh Hòa mới đến phủ Tân An nơi chùa Kim Cang. Một điểm chưa thật sự sáng tỏ, theo tài liệu của Phật giáo Trà Vinh và tác giả Dương Kinh Thành cùng các bài viết liên quan có cùng chung quan điểm Tổ Khánh Hòa học đạo trực tiếp với tổ Long Triều, và cho là Hòa thượng Chánh Tâm chỉ là thầy tế độ. Chúng tôi không dám nhận xét đúng sai, vì không biết rằng các tác giả bài viết đó dựa trên tư liệu nào? Nhưng chúng tôi cho rằng cứ liệu đó vẫn còn nhiều điều cần xem xét đối chiếu. Bởi vì, Hòa thượng Chánh Tâm, trụ trì Kim Cang lúc đó là người mở lớp Phật học. Nội dung chương trình Phật học gần như cách dạy gia giáo hơn là một trường Phật học chính quy, nói như vậy để chứng minh Hòa thượng trụ trì mới là người hướng dẫn chính. Giả thiết rằng, nếu có sự thỉnh mời các vị tăng giáo thọ từ nơi khác đến giảng dạy vài bộ môn kinh nào đó, thì cũng chỉ là hỗ trợ chứ không phải là trực tiếp, đây là lẽ đương nhiên.

Hơn nữa, chúng tôi đã cẩn thận, xem xét tất cả 16 long vị hiện có nơi bàn thờ tổ chùa Kim Cang. Và không chỉ thế, chúng tôi còn trực tiếp đi đến ngôi chùa mang tên Long Triều ở TP HCM. Qua tìm hiểu nghiêm túc hai dữ kiện vừa nêu, hoàn toàn không có tư liệu để chứng minh tăng sĩ trẻ Lê Khánh Hòa dưới sự dạy đạo trực tiếp của tổ Long Triều.

Kết luận

Mười năm nỗ lực không ngừng, công phu chuyên cần, tu tập tinh tấn, qua sự tế độ giáo dưỡng trực tiếp từ Hòa thượng Chánh Tâm-trụ trì chùa Kim Cang, Phủ Tân An nay là Tổ đình Kim Cang, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; nhờ đó, tăng sĩ trẻ Lê Khánh Hòa có nền tảng kiến thức Phật học, ảnh hưởng sâu đậm đến lý tưởng xả thân, phục vụ đạo pháp, và chính ngài là bậc thầy là linh hồn công cuộc chấn hưng Phật giáo, mở đầu cho thế hệ Tăng tài tiếp nối phát triển trong hiện tại.

Nhìn lại những công trình khắc mộc bản kinh còn lưu lại Tổ đình Kim Cang hiện nay đều có phảng phất ân tình của Tổ Lê Khánh Hòa. Mười năm cầu Thầy học đạo tại chùa Kim Cang, lưu trú đất Long An, tuy không nhiều so với khoảng thời gian ngài trụ thế hoằng dương chánh pháp, nhưng dấu ấn du phương cầu đạo của người Tăng sĩ trẻ vừa tròn 19 tuổi đã để lại cho chúng ta – hàng hậu học một tấm gương quý báu về tinh thần tham học.

Mười năm đầu tuổi thanh xuân, từ giã quê nhà, vượt đường xa đến lưu trú một nơi khác tự tìm Minh sư quy hướng của Tổ Lê Khánh Hòa cho chúng ta thấy một điều vô cùng đáng kính. Đó là khát vọng hoằng dương chánh pháp, được dấn thân phụng sự Phật pháp ấp ủ mãnh liệt trong tâm tư vị Tăng sĩ trẻ đất phương Nam.

Chúng tôi hàng hậu học Tổ đình Kim Cang xin tạm mượn ngôn từ kính ngợi ca công hạnh Tổ Khánh Hòa:

Mười năm lưu trú Phủ Tân An

Áo nhuộm phong sương, ý tịnh nhàn

Chuyên tâm mộc bản truyền Chánh pháp

Lưu đời trang sử hạnh Hiền Tăng,

Bảy mươi năm phàm thân thị hiện

Năm mươi năm Phật hạnh chu toàn

Hậu thế kính ghi tình Tổ đức

Phật đạo hoằng dương vẹn nghĩa ân.

 


* UVTT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An.

1. Trích tài liệu lịch sử chùa Kim Cang.

2. Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm, Lê Văn Hảo.

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994.

4. So sánh hai bản kinh của một ngôi chùa kế bên chùa Kim Cang, tất cả công trình khắc kinh trên gỗ được thợ địa phương làm. Từ đó đưa ra kết luận, nơi phủ Tân An thời kỳ đó đã có nhóm thợ lành nghề điêu khắc kinh trên gỗ.

5. Dựa trên các bản kinh hiện có tại chùa, cùng một chất liệu gỗ như nhau được bảo quản trong tủ kính, nhưng hầu hết bản kinh gỗ ‘Nhân Quả’ hiện đang xuống cấp, cũ hơn, có phần mục ruột. Chúng tôi xác định bản kinh này được làm đầu tiên.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 85
    • Số lượt truy cập : 6952559