Thông tin

TÓM LƯỢC ĐỀ TÀI PHIÊN ÂM VÀ LƯỢC DỊCH ĐẠI TẠNG KINH

 

TRẦN TIỄN KHANH,
TRẦN TIỄN HUYẾN
[1]

 

Phật Giáo được truyền bá tại Việt Nam hơn 2000 năm qua. Kinh sách thường được trích ra từ Hán Tạng và cho đến ngày nay chúng ta chưa có một Đại Tạng Việt Nam (Việt Tạng) hoàn toàn đầy đủ. Vì chử Hán rất ít người biết mà số lượng kinh điển chưa được dịch còn quá nhiều, nên Nhóm Tuệ Quang chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu trong mấy năm vừa qua cách phiên âmdịch các kinh điển Hán Tạng ra tiếng Việt. Gần đây nhờ cơ duyên chúng tôi có được các bản chính văn trong Hán Tạng liền phát tâm phiên âm các kinh điển này ra tiếng Việt. Hán Tạng có hơn 70 triệu chữ trong 2370 bộ kinh, luật và luận. Chúng tôi cũng đã tìm được cách phiên âm chử Hán ra tiếng Việt bằng máy vi tính (computer). Sau đây chúng tôi trình bày một cách tóm lược quá trình hình thành Hán Tạng cũng như chương trình phiên âm và dịch thuật của chúng tôi. 

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng

Công trình dịch thuật Kinh điển Phật Giáo từ tiếng Phạn sang Hán văn kéo dài hơn 1200 năm, từ đời Hậu Hán (thế kỷ Thứ Hai) đến đầu đời nhà Nguyên (thế kỷ 13). Theo Hòa Thượng Thiện Siêu, kinh đầu tiên được dịch là kinh Tứ Thập Nhị Chương do hai cao tăng Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan, người Tây Vực (vùng Trung Á ở phía Tây Trung Hoa) dịch vào năm 76 Tây lịch. Các kinh A-hàm Chánh Hạnh, Ðại thừa Phương đẳng, Yếu Tuệ, An bang Thủ Ý, Thiền Hành Pháp Tưởng v.v... do cao tăng An Thế Cao dịch vào những năm 147 - 167 Tây lịch. Sau đó có nhiều cao tăng đến từ vùng Tây Vực, Kế Tân (Kashmir Bắc Ấn Ðộ) và Thiên Trúc (Ấn Ðộ) như Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 344-413 Tây Lịch). Các vị cao tăng Trung Hoa mà nổi tiếng nhất là Ngài Huyền Trang (599-664 Tây Lịch) cũng đã sang Ấn Ðộ mang nhiều kinh về nước để phiên dịch, làm cho Hán Tạng phong phú và đầy đủ hơn bất cứ Tạng kinh nào được dịch ra văn hệ khác trên thế giới.

Từ Hậu Hán (58 - 219) đến đời nhà Lương (502 - 556) trong khoảng 500 năm đã dịch được 419 bộ (theo Xuất Tam Tạng Ký của Lương Tăng Hựu). Ðến đời Tống Thái Tổ (917 Tây lịch) mới khởi sự gom tất cả bản kinh đã dịch rải rác đó đây lại khắc in thành Ðại Tạng kinh. Lần khắc kinh này xảy ra ở Thành đô đất Thục (Tứ Xuyên) nên gọi là Thục Bản Ðại Tạng kinh, trải qua 12 năm mới khắc xong, cộng được 5.000 quyển. Ðây là Ðại tạng kinh đầu tiên ở Tàu. Tiếp sau đó có các Ðại tạng kinh được khắc in như Ðông Thiền Tự Bản năm 1080, do trú trì chùa Ðông Thiền khắc in trong 24 năm, được 6.000 quyển, rồi đến Khai Nguyên Tự Bản khắc in năm 1112, Tư Khê Tự Bản (Triết Giang) khắc in năm 1132, Tích Sa Bản (Giang Tô) năm 1231 do Ni sư Hoằng Ðạo khắc in trong vòng 79 năm, Phả Ninh Tự Bản khắc in năm 1269, Hoằng Pháp Tự Bản (Bắc Kinh) khắc in năm 1277. Bản Cao Ly khắc in theo Thuộc Bản năm 1011 - 1047 và thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868 - 1912) tại Nhật có ấn loát Ðại Tạng kinh và Tục Tạng kinh gồm 8.534 quyển.

Nhận thấy các bản Ðại Tạng kinh nêu trên đã được khắc in nhưng không đầy đủ toàn bộ các kinh đã được dịch, giải, lại còn bị thất lạc, hư hỏng theo thời gian, gây khó khăn cho việc nghiên cứu kinh Phật, nên hai học giả tại Đại Học Tokyo là Takakusu Junjiroo (1866-1945) và Watanabe Kaikyoku (1872-1932) đã phát đại nguyện xuất bản một Ðại Tạng kinh đầy đủ. Trong vòng tám năm (1924-1932) họ đã gom góp, sưu tầm, tra cứu, đối chiếu, tổ chức lại có hệ thống tất cả bản kinh đã có thành một Ðại Tạng kinh hoàn bị gồm 2.920 bộ cộng thành một Ðại Tạng kinh 11.970 quyển, đóng thành 85 tập dày. Đại Tạng kinh này được in lần đầu tiên vào năm 1929 dưới triều Ðại Chánh, nên thường được gọi là Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng (Taisho Tripitaka).

Trong số 85 tập này, từ tập 1 đến tập 55 gồm kinh, luật, luận, sớ chú, sử truyện. Từ tập thứ 56 đến 85 gồm Tục Kinh Sớ, Tục Luật Sớ, Tục Luận Sớ...Trong số 2.920 bộ (11.970 quyển) này chia làm hai loại: Loại A là những kinh dịch từ Phạn văn. Loại này gồm có 1.692 bộ tổng cọng 6.256 quyển mà trong đó 2/3 là các kinh luật chính, còn 1/3 là những kinh có kèm lời chú giải và các sáng tác phẩm của các vị cao tăng Ấn Ðộ. Loại B là những bản kinh có kèm chú giải và những sáng tác phẩm của các nhà Phật học Trung Hoa và Nhật Bản. Loại B này gồm có 1.228 bộ chia thành 5.714 quyển. Hán Tạng có nhiều bộ và nhiều quyển hơn so với Đại Tạng tiếng Phạn và Pali, vì những bộ kinh lớn thường có nhiều người dịch và chú giải.

Đại Tạng Điện Tử của CBETA

Trong những năm gần đây, phương tiện truyền thông hiện đại như máy vi tính (PC), mạng lưới Internet, CD, DVD đã trở thành thông dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Giáo Sư Christian Wittern của Đại Học Kyoto, từ đầu thập niên 1990 đã có nhiều chương trình nghiên cứu và áp dụng những phương tiện truyền thông hiện đại này vào việc hình thành một ấn bản điện tử của Đại Tạng Kinh. Từ năm 1993, một hiệp hội lấy tên là Electronic Buddhist Text Initiative (EBTI) được thành lập để trao đổi kinh nghiệm và tương trợ kỷ thuật giữa các chương trình ở nhiều quốc gia như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, Giáo Sư Lewis Lancaster thuộc Đại Học Berkeley được xem như là người áp dụng phương tiện điện tử đầu tiên. Vào tháng 2 năm 1998, Hàng Thanh Đại Sư thuộc Đại Học Quốc Gia Đài Loan và Huệ Minh Đại Sư thuộc Viện Mỹ Nghệ Quốc Gia đã thành lập tại Đài Loan một hội lấy tên là Chinese Buddhist Electronic Text Association (CBETA). Hội CBETA đã phát hành một CD gồm sáu tập của Đại Chánh Đại Tạng vào tháng 12 năm 1998. Đến nay, hội CBETA đã hoàn thành một Đại Tạng điện tử gồm có 56 tập (Tập 1-55 và 85 của Đại Chánh Đại Tạng). Đại Tạng điện tử này đuợc hội CBETA phát hành miễn phí qua CD hoặc có thể tải về (download) từ Website của Hội http://www.cbeta.org Xin xem Mục Lục CBETA Hán Tạng ở website của chúng tôi.

Phiên Âm Hán Tạng

Nhóm Tuệ Quang chúng tôi đã liên lạc với hội CBETA và đã nhận được CD Đại Tạng Kinh từ năm 2002. Vì Đại Tạng có hơn 2370 bộ kinh và 70 triệu chử Hán, nên chúng tôi đã bỏ nhiều công trình để tìm cách phiên âm và dịch các bộ kinh bằng máy vi tính (PC). Một lợi điểm của máy vi tính là phiên âm có thể sai, nhưng không bao giờ sót, vì máy vi tính phiên âm từng chữ một. Chúng tôi đã hoàn thành một lập trình (computer program) để phiên âm các bộ kinh. Lập trình này dùng Tự Điển Hán-Việt của Cụ Thiều Chửu Nguyển hửu Kha. Tự điển nầy đã được dùng trong việc học hỏi và dịch thuật trong nhiều thập niên qua. Xin xem bản phiên âm một đoạn trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Bản phiên âm của chúng tôi dùng những từ ngữ giống như trong bản dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh. Các phiên bản rất tiện lợi cho việc dịch thuật và nghiên cứu vì có cả nguyên văn chử Hán và số hàng trong kinh. Vì ấn bản Từ Điển đầu tiên của Cụ Thiều Chửu đuợc nhà xuất bản Đuốc Tuệ phát hành vào năm 1942, nên chúng tôi đã tốn nhiều công sức để sửa chữa và bổ túc các phiên bản bằng những danh từ Phật Học và Hán-Việt hiện đại như Tự Điển Trần văn Chánh. 

Đến nay công việc phiên âm các bộ kinh bằng máy vi tính đã hoàn tất. Tất cả có hơn 70 triệu chữ, chia làm 8836 phiên bản và 2372 bộ kinh. Các phiên bản này chiếm hơn 965 megabytes (MB) trong máy vi tính và có thể dùng Microsoft Word để đọc hoặc dịch thuật. Chúng tôi cũng đã thành lập một trang Website lấy tên là Đại Tạng Việt Nam/Dịch Kinh Phật Giáo (http://www.daitangvietnam.com). Chúng tôi đang tiến hành việc lược dịch bằng một lập trình khác. Để nâng cao hiệu năng của lập trình lược dịch này, chúng tôi dùng làm mẫu các kinh điển (như Kinh A di Đà, Kinh Kim Cương và Kinh Pháp Hoa) đã được dịch bởi các Cao tăng như HT. Trí Thủ, Thiện Siêu, Trí Tịnh, Trí Quang và Minh Châu. Các phiên bản gồm có nguyên văn chữ Hán, phiên âm và lược dịch tiếng Việt. Các bản luợc dịch này vẫn còn nhiều sai lầm, nên chỉ dùng để nghiên cứu và dịch thuật.

Hiện nay Nhóm Tuệ Quang đang liên lạc với Chư Tôn Đức và các Phật Học viện ở trong nước cũng như Chư Tôn Đức và các học giả ở hải ngoại để hiệu đính, duyệt xét và chứng minh các phiên bản. Chúng tôi hy vọng hoàn thành một Đại Tạng Việt Nam trong một vài năm tới. Ngoài các Kinh điển dịch từ Hán Tạng, Việt Tạng sẽ còn có thêm các tác phẩm thuộc văn hoá Phật Giáo của Chư Tôn Đức như HT. Thanh Từ, HT. Nhất Hạnh, TT. Trí Siêu, TT. Tuệ Sỹ …. Các tự điển thường dùng tiếng Pali, Hán Ngữ và Anh Ngữ cũng sẽ được mang vào. Việt Tạng sẽ gồm khoảng 300 tập, mỗi tập dày chừng 1000 trang. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thành lập một Đại Tạng điện tử để truyền bá miễn phí và rộng rãi qua các phương tiện truyền thông hiện đại như Internet và CD/DVD.

Các cố gắng của chúng tôi chỉ là những đóng góp nhỏ nhoi trong công việc hoàn thành Việt Tạng. Nhóm Tuệ Quang Foundation chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ dẫn, giúp đở, hợp tác cũng như ý kiến của các Chư Tôn Đức, các bậc thức giả và các Phật Tử gần xa để công việc sớm thành tựu.

Nguyên Tánh Trần Tiễn Khanh và
Nguyên Hiển Trần Tiễn Huyến (Xuân 2006)



[1] Tác giả: Nguyên Tánh Trần Tiễn Khanh và Nguyên Hiển Trần Tiễn Huyến,Tuệ Quang Foundation, USA

Địa chỉ: 206 Black Eagle Ave, Henderson, NV89015, USA – Phone (702)524-8285
E-Mail: [email protected]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhóm Tuệ Quang. Website http://www.daitangvietnam.com

2. Hoà Thượng Thiện Siệu. Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh Hán Văn

3. CBETA. Website http://www.cbeta.org

4. Christian Wittern, 2001. CBETA and its Digital Tripitaka

5. Nhóm Tuệ Quang. Mục Lục CBETA Hán Tạng

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6952400